Hoàng Quyền

Hoàng Quyền - Chương 38: Người là ai




Gió mai man mác hương lành,



Đông hừng nắng hảnh, điểm vàng mắt trông.



Mạng che kế sát bềnh bồng,



Dung nhan tựa mộng, vạn nẻo vời xa.



Tiểu viện trong thành lần đầu gặp gỡ, vô duyên vô cớ hắn bắt cô đi, sau lại kỳ quặc mặc cô dắt mũi, cuối cùng an phận đảm nhận bảo tiêu. Mấy tháng chung đụng, đến người xưa chốn cũ hắn cũng chẳng buồn tìm, cứ như ngay từ khắc đầu, hắn được định sẵn phải ở bên cô.



Vốn tưởng, hắn lạnh lùng vô cảm tựa ngọc điêu, trong ngoài thẳng đuột, thật thà dễ tin nên cô mới cảnh giác lơi là, nới lỏng phòng bị, nhưng đêm nay, thật giả khó phân, thắc mắc nan giải lộn ngộn trong đầu ép cô chẳng đừng được việc truy vấn.



Giấu giếm cô, có thể. Lợi dụng cô, chớ nên.



Cứ nghĩ, kẻ luôn giam mình trong một thước ba thốn kia sẽ chẳng giải đáp ngờ vực trong lòng. Đâu dè, hắn lại ngẩng đầu, đăm đăm nhìn cô rồi đáp:



“Ta là…”



“Ngụy đại nhân!”



Đáp án mong chờ liền hụt theo tiếng gọi, cận vệ hoàng đế tất tưởi chạy tới, quýnh quáng vời cô đi.



“Bệ hạ đang triệu đại nhân.”



Tri Vi bất lực thở dài, vừa đi vừa ngoái lại dặn: “Lát nhớ nói hết không thì chết người đấy!”



Kẻ đó gật đầu ra chiều đã hiểu.



Dưới tịnh trai, Thiên Thịnh đế ngẩng đầu ngắm lầu cũ gác xưa. Dù thị vệ đã thu dọn thi thể, hoàng đế vẫn bần thần lặng trông hành lang đổ nát, tựa như muốn qua vệt máu dính khô mường tượng ra khắc cuối gục ngã của thái tử.



Lan can dưới vòm trời cao nhơm nham gãy rục, thanh mục thanh long lay lắt chực rơi theo từng đợt gió, tựa lão già móm mém bạc hạnh nhe răng ngửa cổ tự giễu với đời.



Tuyết sương một mái phủ dầy



Năm mòn tháng mỏi, rủ gầy Đế gia.



(Rủ -> rũ: rũ mòn)



Cả đời hai mươi sáu con, sinh non chết yểu còn mười sáu vị. Bốn vị mất sớm khi còn niên thiếu, hai vị phong Vương thì ngã bệnh lìa trần. Tam hoàng tử đảo chính, thiệt ba, tàn một. Nay, trưởng tử kế vị ngai vàng cũng bạc mệnh thân vong.



Ninh thị hoàng tộc con đàn cháu đống, xum xuê nảy lộc xanh cây tốt cành, thế nhưng năm qua tháng đến loạn phong dập vùi, đến giờ cây trơ lá vàng, chỉ còn vài cành xơ xác.



Lúc này, Ninh Dịch đương quỳ dưới chân vua cha, ‘thực tâm thành ý’ cúi đầu tạ tội.



Tri Vi đến, chỉ nghe bập bõm được mấy câu cuối: “…Mưa tên loạn lạc, nhi thần thất trách trở tay không kịp…Tai nghiệp này, nhi thần nguyện được gánh tội…Chỉ mong, phụ hoàng chú trọng giữ gìn long thể vì muôn dân xã tắc Thiên Thịnh ta…”



Hay cho những lời hiếu thuận thâm tình trọng nghĩa.



Tri Vi lặng lẽ quỳ cạnh Ninh Dịch. Hắn đưa mắt nhìn cô rồi kích động thưa: “Thiều Ninh rớt xuống, nhi thần đứng cách quá xa nên lực bất tòng tâm, may thay, Ngụy tiên sinh lại là vị quan vì nghĩa quên mình, đã không ngần ngại lao xuống cứu nguy, nhi thần quả thực biết ơn vô cùng trước lòng quả cảm của Ngụy tiên sinh.”



Hoàng đế dời mắt qua phía cô rồi gật đầu hài lòng, cô thì ai oán than thầm, chỉ đành tự khiêm: “Điện hạ quá khen rồi, vi thần thực sự không có công…”




“Thiều Ninh…” Không để cô nói hết, hắn đã gọi Thiều Ninh qua át lời.



Thiên Thịnh đế trìu mến nhìn con gái yêu, thấy con lành lặn bình an, long nhan u sầu cũng tươi mươi phần. Thiều Ninh vẫn ngơ ngẩn như người mất hồn, vua cha lo lắng hỏi han, cô nàng chỉ đáp câu được câu chăng, mắt cứ dán chặt vào người Tri Vi.



Dán mãi thì hoàng đế cũng phải phật lòng quay sang soi xét, coi Thiều Ninh lại coi Tri Vi, mắt thoáng lóe tia âm trầm.



Thị vệ khiêng thi thể thái tử được phủ hoàng lĩnh tới cạnh hoàng đế hỏi xin ý chỉ, hoàng đế chỉ nhắm mắt đứng lặng một hồi rồi thở dài phất tay: “Đặt tạm tại Linh Đông cung đi, miễn tuyên nội ngoại công thần tới phúng điếu.” (Hoàng lĩnh: tên thứ vải trơn mát, thêu hoa văn cầu kỳ có màu vàng.)



Nghĩa là – Không được an táng theo nghi lễ dành cho thái tử!



Ninh Dịch như không nghe thấy, vẫn một mặt đau đớn quặn gan thắt ruột, chợt khuỵu gối, quỳ tới chỗ thái tử, nghẹn ngào gọi “Đại ca…” trong tiếng khóc nấc dằn vặt.



Thiên Thịnh đế mủi lòng, xót xa an ủi.



Thiều Ninh đột ngột tiến lại.



Mặt mày thanh thản bước tới chỗ bào huynh, hoàn toàn mất đi vẻ thẫn thờ mới nãy, đoạn chậm quỳ gối, đối diện với Ninh Dịch.



Hoàng y phiếm hồng vấy máu dính tro liền đè lên vạt hắc long hoàng bào sậm màu máu đỏ, Thiều Ninh lật lớp lĩnh phủ, đau đáu nom đôi mắt trợn trừng của bào huynh rồi lấy tay vuốt xuôi đôi mắt thất kinh cùng khép ngậm khuôn miệng thảng thốt lại.



Sau đó cất tiếng gọi nhỏ: “Đại ca.”



Tĩnh như nước, mát như sương, trái ngược với vẻ khổ đau quằn quại của Ninh Dịch.




“Lúc rớt xuống, đột nhiên muội đã hiểu ra một số việc.” Vuốt nhẹ qua gương mặt lạnh giá của hoàng huynh: “Hóa ra, người đáng thương nhất lại chính là huynh. Huynh muốn giết muội, muội không trách huynh.” Rồi sửa sang lại y bào cho thái tử: “Di nguyện cuối của huynh, muội không thể hoàn thành nhưng hôm nay, tại khắc này, muội thề sẽ thay huynh làm nốt di nguyện trước đó.”



Đoạn ngẩng đầu, nhìn Ninh Dịch cười cổ quái.



“Lục ca, huynh nói xem: có được không?”



Ninh Dịch liếc mắt nhìn lại rồi nhẹ lời khuyên: “Muội muội, muội nên về nghỉ trước đi, đừng để thương tâm giày vò, bấn loạn tâm trí thế này.”



“Cũng đúng ha. Lục ca, sau này vất vả cho huynh rồi.” Thiều Ninh chậm rãi đứng dậy, dời mắt khỏi thái tử, đoạn lạt giọng: “Huynh cần chú ý giữ gìn ngọc thể hơn đấy.”



“Thiều Ninh, muội lớn khôn rồi.” Ninh Dịch cảm thán: “Tiểu công chúa khuê các đã lớn thật rồi, biết lo lắng san sẻ muộn phiền cùng phụ hoàng và huynh rồi. Vi huynh thấy mừng thay cho muội.”



Thiều Ninh biến sắc – Cô nàng cũng đã đến tuổi cập kê, nhẽ ra phải được kén chọn phò mã từ lâu, nhưng hoàng đế và thái tử lại cưng chiều quá, cứ luôn lần nữa khước từ ban hôn. Song giờ, chẳng còn đại ca ở bên kiếm cớ thoái thác, giúp cô nàng gánh vác áp lực từ phía quần thần, dung túng cô nàng giả trai trà trộn vào Thanh Minh học hành, vui chơi.



Huyết hải cuộn trào, đảo quyền khuynh vị, một sớm sóng xô, cướp huynh dìm muội.



Thiếu nữ lảo đảo chực ngã, nhưng vẫn cố trụ chân đứng vững, nắm tay dưới áo liền siết nổi từng gân.



Mưa máu gió tanh khốc tàn dây dứt chỉ được sử gia viết thành bốn chữ gọn lỏn ‘Canh Dần chi biến’, sơ sài qua quýt như tổng con số những kẻ tử vong sau ván cờ hoàng gia hung hiểm giết chóc này.



Tổng tử vong, tất nhiên là cực lớn. Sở vương điện hạ đứng lên cai quản Tam ti, triệt để thực thi triết lý người xưa răn dạy – Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.



Quan quân triều đình, thuộc diện tình nghi hay thật sự cùng phe với thái tử đều thành cống vật hiến tế cho trang sử ‘Canh Dần chi biến’ hết.



Trường Hi năm thứ mười ba, cuối xuân đầu hè, đầu rơi máu chảy tựa sông lênh nước dềnh phố. Nhiều năm về sau, kì cọ thế nào, dân chúng cũng chẳng thể gột sạch vết máu két khô đọng trong các mạch đá nứt chạy dọc từ ‘thượng nguồn sông’ – pháp trường!




Thái tử bị phế thành dân, đem đi chôn cất ở ngoài hoàng thành, gia quyến thì bị đày lên ải Bắc, đời đời kiếp kiếp cấm trở về kinh.



Ngũ hoàng tử, kẻ liên quan tới cựu án ‘câu kết hãm hại lão thần khai quốc’ liền bị tước quyền thống lãnh Ngự Lâm quân, buộc rời Đế kinh, tới Giang Hoài giám sát công trình thông suốt Bắc – Nam, kênh đào Long Xuyên. Dự tính, ngày hoàn công chí ít cũng phải là ba năm về sau. Trong ba năm này, trừ dịp lễ tết hiếu hỉ hoặc may mắn được bệ hạ triệu kiến ra, Ngũ hoàng tử sẽ khó có cơ hội ‘thảnh thơi’ để về Đế kinh ‘tản bộ tiêu sầu’.



Còn Thất hoàng tử, hồng phúc cũng dày nên suôn sẻ thoát thân. Song lại tự giác thu mình đóng cửa chối từ tiếp khách, đêm ngày dùi mài kinh – sách, ra chiều đã biết yên phận thủ thường.



Kẻ kế vị đã thác hoàng tuyền, hai kẻ thụ sủng thì liên tiếp bị vua cha ruồng bỏ, trái hẳn với Sở vương trước bị ghẻ lạnh, sau thì lên nhanh như diều gặp gió.



Tháng Sáu, Trường Hi năm thứ mười lăm, vua ban Sở vương ba hộ vệ, quản Trường Anh, giữ nghi trượng Thân vương, nắm hộ vệ ba cấp cùng mười sáu tướng lĩnh, phụ trách Hộ bộ, lo xây kè đắp đập tu sửa đê điều.(Ba hộ vệ: Sở vương được vua đích thân lựa ba hộ vệ đắc lực và tin cậy nhất theo hầu. Nghi trượng: vũ khí, quạt, cờ…được mang theo khi đi thị sát. Hộ vệ ba cấp gồm thượng, trung, hạ.)



Đặc vinh và thực quyền lũ lượt theo nhau kéo đến.



Sau biến cố Canh Dần, biểu hiện của Ninh Dịch khiến hoàng đế ngày càng yên tâm.



Cũng vẫn sau biến cố, công cuộc đổi mới thanh trừng đã khiến nhiều chức vụ quan trọng trong triều lần lượt khuyết trống. Ninh Dịch lại không vội điền những chỗ khuyết ấy bằng tâm phúc của mình mà chỉ nhẩn nha châm trà thưởng bánh. Xưa nay, hắn chỉ làm ‘vương gia phong lưu, trác táng chơi bời’ chứ đâu nổi danh làm ‘vương gia bè cánh, giao kết nội ngoại công thần’ đâu ~



Để xây dựng hình tượng ‘Thân vương mẫu mực tận trung vì nước’, hắn chỉ làm tròn trách nhiệm được giao, lệ cũ thế nào giữ nguyên thế nấy, chức nào còn trống thì để quan lại trong triều dâng tấu tiến cử, sau thì dồn qua Thanh Minh cất nhắc, bổ nhiệm.



Duy có Tri Vi biết, Ninh Dịch không cần phải gây bè kết phái, vì vốn dĩ Thanh Minh từ trên xuống dưới đều là của hắn.



Tri Vi bây giờ cũng đã thăng quan, chức chưa kịp nhậm đã được lên cao, do cứu công chúa lập công lớn mà~ Ngoài chức học sĩ Triều Hoa điện bất di bất dịch ra, cô còn được kiêm thêm ba chức: hai chức kép – Hữu xuân phường và Hữu trung doãn, một chức đơn – Tư nghiệp Thanh Minh viện. Chức kép thì làm quan thị độc phụ trách tấu thỉnh, giảng dạy cho thái tử, nhưng thái tử nào còn, vậy nên chức kép này chỉ là danh hão. Còn chức đơn kia, chức này không hão, phó viện trưởng Thanh Minh viện kìa~



Tri Vi tiếp chỉ mà lòng oán than – Cô nương tôi thật sự không muốn cái gì cũng dính tới Sở vương điện hạ đâu!!!



Phủ mới của cô thì nằm trong ngõ Tây Hoa, đối diện thẳng băng với Thu phủ – Do cô cố ý chọn cả. Sau biến loạn, phe thái tử rớt đất hàng đàn, may sao ‘cựu Hữu trung doãn’ lại bị cách chức xung quân đi đày, cô liền ưng ngay phủ đệ của ông ta. Được làm láng giềng với cữu cữu thì còn gì bằng~



Thu phủ mấy độ rày ăn không no, ngủ cũng chẳng được kĩ. Thu Thượng Kỳ vốn về phe Ngũ hoàng tử, giờ ‘ô dù’ đi mất, bỏ lại mình ông ta đầu trần sốt vó, trầy trật che Đông chắn Tây.



Cũng may, tranh chấp lãnh thổ giữa Đại Việt và Thiên Thịnh mấy năm nay vô cùng căng thẳng, hoàng đế ngày đêm mỏi mệt, thở dài bóp trán đến bạc cả đầu. Thu Thượng Kỳ từ ngày giao hảo với Quốc sĩ Ngụy Tri thì mở mang đầu óc, cơ trí hẳn ra, bèn rỉ tai vua hiến kế thưa rằng: Đại Việt dân đen mọi rợ, đất đai khô cằn, tài nguyên khan hiếm, cướp bóc hoành hành, trộm cắp liên miên; chi bằng mình chủ động mở trấn ‘buôn ngựa’ tại thành giáp ranh hai nước, đổi sắt thép, lương thực, quần áo lấy ngựa quý của họ, như thế họ sẽ an phận mà bớt nhiễu đi.



Vua vuốt râu gật đầu khen phải, liền bắt tay thực thi không chút chần chừ. Nhưng trời lại chẳng chiều lòng người ta, Đại Việt vốn máu gian thương, chuyên bán ngựa còm, ngựa yếu rồi thét giá cao, thậm chí ‘sáng buôn chiều trấn’ – sáng thì bán ra, tối thì cướp về.



Vua hay tin bèn hắt sớ, nổi trận lôi đình, quan trong triều được thể về hùa công kích, giậu đổ bìm leo. Thu Thượng Kỳ ngoài gồng vai gắng sức ‘đỡ giậu gỡ dây’ ra thì chỉ còn biết ngửa cổ oán trời, gục đầu trách đất.



Tri Vi ngồi trong đình nghỉ nhà mình, xa xăm phóng mắt ngắm mái đình cong cong phía nhà đối diện, đoạn cười mỉm, nhấp một ngụm trà, thầm nghĩ, nên dùng thân phận gì và nhân lúc nào để đến thăm người nhà Thu phủ đây?



Chợt thấy đầy tớ dẫn đại nội thị vệ vào phủ, kẻ đến thần thần bí bí, qua một lúc, Tri Vi cũng thần thần bí bí tiễn khách ra về.



Kế thì tựa cửa nhíu mày đăm chiêu – Thiều Ninh tìm mình có chuyện gì nhỉ?



Sực nhớ dạo này bù đầu chính sự, quên khuấy không hỏi một chuyện quan trọng, liền quay ra hỏi Cố Nam Y.



“Hôm đó người nói mình là gì? Hôm nay có thể nói hết ra không?”



“Ờ.” Cố thiếu gia đang mải kẹp hồ đào lấy nhân – độ rày hắn đâm ra khoái món này – nghe cô hỏi bèn thủng thẳng đáp.



“…Ta là người của nàng.”