Hoàng Lan Trong Mưa

Chương 4: Nắng




Nắng chiều nhạt phố, hoa phượng đỏ trời, chúng tôi đi giữa những hàng phượng vĩ, trốn dưới những bóng mát xà cừ trở về, tuổi thơ của chúng tôi êm đềm như thế trôi đi.

Về đến nhà ngoại đã nấu sẵn chè cốm chờ chúng tôi, chè xanh trong, hương cốm thơm mát, ngọt bùi, ngọt bùi. Bảo Nhi líu lo trò chuyện với ngoại, cô ấy ăn hết cả bát lớn lúc nào, ngày hôm nay lần thứ ba cô ấy quên ăn kiêng.

Nụ cười của Bảo Nhi chiều hôm đó bay khắp nhà, tôi nhìn cô ấy tự nhiên nghĩ lại cuộc đời mình. Quê nội tôi bên dòng sông Đáy lững lờ trôi những cánh lục bình. Khi tôi mười hai tuổi, ước mơ của tôi lớn lắm, tôi muốn mình trở thành một ngôi sao bóng đá. Năm tôi mười ba tuổi, ước mơ duy nhất của tôi là được trở lại ngôi nhà thân thuộc của mình. Năm tôi mười chín tuổi, mong muốn lớn nhất là nụ cười sẽ đọng mãi trên môi Bảo Nhi. Tôi khẽ cười mình, phải chăng càng lớn nên ước mơ của tôi càng thu nhỏ lại, nhỏ nhưng chứa đầy trong lòng tôi.

Hai chúng tôi, hai đứa trẻ cô độc, cùng lớn lên chung một khoảng trời, không biết từ khi nào số mệnh đã gắn bó với nhau như vậy. Bảo Nhi quấn quýt bên ngoại, phụ ngoại rửa bát cứ y như là cô dâu mới về nhà chồng. Ngoại nhỏ nhẹ, vừa rửa bát cùng Bảo Nhi vừa kể:

“Lúc ngoại bằng tuổi con bây giờ thì đã lấy ông ngoại rồi”

Bảo Nhi mặt khẽ đỏ hồng, tôi giả vờ lau bàn làm ngơ như không nghe thấy gì, ngoại lại nói tiếp:

“Nhưng bây giờ thời buổi khác rồi, hai đứa đều phải gắng mà học cho tốt.”

Bảo Nhi lễ phép:

“Vâng ạ!”

Tôi gật đầu lia lịa.

Hoàng hôn rơi xuống ôm lấy cây hoàng lan, Bảo Nhi xin phép ngoại về nhà. Tôi đưa cô ấy sang đến cổng. Bảo Nhi dừng chân bên ghế đá dưới tán hoàng lan, đèn phố màu vàng cam tỏa chiếu khuôn mặt của cô ấy khiến tôi nhìn ngây ngốc, chúng tôi đứng cách nhau chỉ một khoảng mỏng manh. Bảo Nhi e thẹn chờ đợi một điều gì đó.

Tôi xem trong phim tình cảm, vẫn nhớ trong đầu cảnh những đôi đang yêu trao nhau nụ hôn nồng thắm. Tôi cũng muốn được hôn Bảo Nhi nhưng chẳng biết phải bắt đầu như thế nào. Người tôi lại bắt đầu nóng lên một cách dị thường, hơi thở cũng gấp gáp, tim đập loạn nhịp. Bảo Nhi giống như một cục nam châm vĩnh cửu cứ hút lấy tôi, mỗi lúc một gần hơn…

Cô Tâm Phương bất chợt về đến nơi, chúng tôi còn đứng cách nhau một bó hoa hồng. Tôi thẹn chín mặt vội vã cúi đầu chào:

“Con chào cô!”

Hôm nay cô Tâm Phương đi làm về muộn, khuôn mặt khá hồng hào, tôi đoán cô đã uống một chút trước khi về nhà. Hôm nay có chút khác lạ, cô không trả lời tôi, chỉ lặng lẽ nhìn Bảo Nhi rồi mở cửa bước vào nhà. Bảo Nhi đi sau lưng mẹ, cô ấy vẫn dừng lại trước của, nhìn tôi mỉm cười vẫy vẫy tay.

Chúng tôi quen nhau đã sáu năm, hơn hai ngàn ngày, gần như ngày nào tôi cũng được xem đoạn này nhưng thấy vẫn rất cuốn hút, Bảo Nhi đúng là nhân vật chính đáng yêu của tôi.

Cánh cửa khép lại, trái tim tôi vẫn dâng trào, tôi nhanh như cắt phi thân về nhà, trèo vội lên gác, khóa trái cửa lại hét lớn:

“Yeahhhh…”

Ngoại tôi lắc đầu cười.

Cô Tâm Phương trong đầu đã ngấm chút hơi men, hôm nay cô phải đi tiếp đối tác nên đã uống vài ly. Cô vốn mở một văn phòng tư vấn bất động sản nhỏ tận trên phố mới Lê Văn Lương nên thường hay về muộn. Việc kinh doanh cũng chỉ tàm tạm ổn, nhưng là người có nhiều mối quan hệ, nên cuộc sống của cô cũng tương đối khá giả. 

Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày quen Bảo Nhi, tôi chưa một lần gặp cha cô ấy. Nhóm bạn hồi ở trường cấp hai vẫn hay kháo nhau gọi ác cô ấy là “đứa con hoang”, Bảo Nhi rất buồn mỗi khi bị chúng thì thầm như vậy. Tôi chỉ biết ngồi bên cô ấy, an ủi một vài câu hoặc im lặng không hỏi gì thêm, mỗi lúc như vậy Bảo Nhi lại úp mặt vào lưng tôi và khóc.

Cô Tâm Phương lười nhác ném chiếc túi sách tay hàng hiệu nên mặt bàn, thả lưng xuống chiếc ghế xô pha trong phòng khách, hỏi bâng quơ một câu:

“Hoa đẹp đấy, chàng trai nào tặng con gái mẹ vậy?”

Bảo Nhi hạnh phúc nói:

“Anh Phong tặng con đấy!”

Vẻ mặt cô Tâm Phương không vui, nghiêm nghị nhìn Bảo Nhi nói:

“Mẹ có chuyện muốn nói với con”

Bảo Nhi nhoẻn miệng cười vô tư trả lời:

“Để mai được không mẹ, hôm nay con mệt lắm.” Mái tóc vàng bồng bềnh tung tăng ôm bó hoa đi vội lên cầu thang.

Cô Tâm Phương có vẻ cương quyết nói với theo:

“Con với thằng Phong làm bạn thì được, còn chuyện yêu đương mẹ cấm tuyệt đối.”

Lời nói như sấm giáng xuống bên tai, bước chân Bảo Nhi chùn lại. những sóng tóc vàng óng run run khẽ quay lại, nhìn thẳng về phía mẹ, hỏi:

“Mẹ, hôm nay mẹ làm sao vậy?”

Cô Tâm Phương thoáng một chút khó xử, bước lại gần bên Bảo Nhi, cô trả lời:

“Mẹ nhắc lại, mẹ cấm tuyệt đối.”

Bảo Nhi, cô gái mạnh mẽ đáy mắt thoáng một ngấn lệ, bàng hoàng hỏi lại:

“Con không hiểu? Từ trước đến nay mẹ rất quý anh ấy, mẹ vẫn nói anh Phong là người tốt. Tại sao mẹ lại?

“Mẹ biết nó tốt, nhưng tốt không thì không đủ! Hạnh phúc xây dựng bằng tiền tài chứ không phải lòng tốt con ạ!”

Bảo Nhi không cầm lòng được, òa khóc nói:

“Con lớn rồi, con biết trái tim mình nghĩ gi? Chuyện này mẹ không thể ép con theo ý mẹ được!”

Bốp…

Cô Tâm Phương trong lúc men rượu đang bốc hỏa, lại thêm lời phản kháng mãnh liệt của Bảo Nhi, không tự chủ được liền vung tay đánh một cái tát mạnh.

Bầu trời trong lòng Bảo Nhi sụp đổ, sụp đổ không chỉ vì mười tám năm qua chưa bao giờ mẹ đánh cô ấy, mà vì bức tường lớn nhất ngăn trở tình yêu của cô ấy với tôi không ngờ lại chính là mẹ. Cô ấy òa khóc, cứ thế chạy thẳng về phòng mình.

Buổi tối hôm đó tôi không thấy Bảo Nhi đứng hóng gió bên ban công, tôi ôm quyển sách ra ngoài văng cửa, đứng đợi đến tận 12 giờ kém mới đi ngủ. Tôi tìm chiếc điện thoại trốn ở dưới gối, nhắn một tin nhắn chúc cô ấy ngủ ngon. Không chờ cô ấy trả lời, tôi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau Bảo Nhi cũng không rời khỏi nhà, tôi chốc chốc lại nhìn qua cửa sổ sang ban công nhà cô ấy, tôi lo cô ấy bị ốm sau buổi dãi nắng ngày hôm qua. Cả ngày tôi cứ nhấc điện thoại lên rồi lại bỏ xuống, ngoại chỉ nhìn tôi cười, tôi tự nhủ lòng phải bình tĩnh hơn. Buổi chiều đến, ngoại cũng thông cảm với thái độ lo lắng của tôi, ngoại lại nấu chè bưởi, bảo tôi mang một bát qua cho Bảo Nhi. Tôi như mở cờ trong bụng, không kịp cám ơn ngoại đã mang vội bát chè bưởi qua. Tôi bấm chuông một hồi, cửa phòng vẫn im lặng, tôi chờ đợi một hồi lâu, lại bấm một hồi chuông nữa vẫn không thấy Bảo Nhi đâu.

Hoa nắng rơi rơi, đột nhiên không hiểu vì sao tôi cảm thấy buồn, tôi không nhớ lúc đó tôi đã nghĩ những gì. Đang định bưng bát chè bưởi thơm ngát về thì cánh cửa hé mở, Bảo Nhi mặc chiếc đầm màu vàng chanh, cô ấy đứng dưới cửa, cười át cả sắc nắng. Không để tôi đứng đó lâu cô ấy đã nhào ra cạnh tôi, thơm vào má tôi một cái. Suýt chút nữa là tôi đánh rơi bát chè bưởi, chỉ vì bát chè bưởi này là của Bảo Nhi, nên dù tâm thần có bất ổn đến mấy tôi cũng sẽ cầm chặt.

Bảo Nhi nhìn bát chè bưởi tôi mang sang, mắt liền sáng lên, quên luôn cả việc chính cô ấy định nói với tôi. Ngồi ăn gần hết bát chè, Bảo Nhi hai má phồng phồng nói:

“Em có cái này muốn cho anh xem.”

Tôi nhướng mắt tỏ vẻ tò mò, cô ấy liền kéo tôi lên phòng cô ấy. Đến nơi, Bảo Nhi bắt tôi nhắm mắt lại. Lúc này thì tôi tò mò thật, muốn ti hí một chút xem là bí mật gì, nhưng nhìn vẻ mắt nghiêm túc của Bảo Nhi, mười phần là tôi nhắm thật chặt.

Tôi đưa tay cho cô ấy dắt vào phòng, cảm giác hồi hộp càng tăng thêm. Ở giữa căn phòng thật không ngờ là một bức tranh vẽ phác thảo bằng chì. Tôi đứng lặng, xúc động muốn rơi nước mắt, trong bức tranh chính là Bảo Nhi đang ôm chặt lấy lưng tôi, và bên ngoài cánh tay cô ấy cũng vòng lại ôm tôi từ phía sau. Chúng tôi đứng lặng ở đó không biết đã bao lâu. Ngoài trời mùa hè cứ thế trôi đi.

Rằm tháng bảy năm đó, ngoại tôi gọi điện dặn Bảo Nhi qua nhà, Ngoại làm bánh trôi, và bánh chín tầng mây, mỗi chút lại tỷ mỉ dặn dò cô ấy cách làm. Tôi bị ngoại cho ra rìa, không được lon ton trong bếp, tôi đành kiếm một quyển truyện ra bàn, vừa đọc vừa hóng chuyện.

Bảo Nhi vừa nặn bánh trôi, miệng nhỏ nhẹ hỏi:

“Ngoại ơi, sao rằm tháng bảy lại gọi là Lễ Vu Lan?”

Ngoại trầm ngâm kể:

“Tích xưa kể lại rằng La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đế, gia cảnh nghèo khó, cha lại mất sớm, phải bỏ nhà đi buôn bán xa. Sau này La Bộc kiếm được nhiều tiền mới gửi về quê cho mẹ Thanh Đế. Bà mẹ có tiền ăn chơi, tiêu sài hết nhẵn, còn giết chó làm nhân bánh biếu sư. La Bộc khi về đến hỏi, bà lại nói dối là đem tiền đó phúng viếng hết vào đền chùa miếu mạo. Chẳng bao lâu sau thì bà mất.”

Ngoại kể đã rơm rớm nước mắt, Bảo Nhi đôi mắt vẫn long lanh, lặng im lắng nghe, ngoại lại kể tiếp:

“La Bộc sau khi chịu tang mẹ ba năm, đi qua đất Phật mới xin ở lại tu hành. Phật thương xót ưng thuận, mới xuống tóc đặt cho pháp hiệu Mục Liên và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Muốn đến rừng Quýt Sơn phải đi qua chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn nghe kinh. Mục Liên đi qua chỉ nhìn thấy người cha Phổ Tướng, còn mẹ là Thanh Đề thì không thấy. Mục Liên thương mẹ ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết rằng: Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đầy xuống ngục A Tỳ rồi. Mục Liên nghe vậy liền lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ.”

Tôi nghe ngoại kể chuyện này là lần thứ ba, lần đầu là tôi hỏi, lần thứ hai là em Sương, lần này là Bảo Nhi, cô ấy chăm chú nghe, tay nặn bột bánh trôi quên chống cả nên cằm, ngoại cười phủi qua bụi trên má Bảo Nhi kể tiếp:

“Ông Mục Liên xuống đến ngục A Tỳ, thấy mẹ bị chịu trăm nghìn cực hình, đau xót mang cơm lên dâng mẹ, nhưng cơm vừa đến miệng đã hóa thành than hồng lửa đỏ.Tôn giả Mục Liên thấy mẹ như thế gào khóc bi thảm, về bạch lại với Phật. Phật dạy rằng: phải nhờ đến mười phương chúng tăng, cầu kinh cứu độ thì những bà mẹ đau khổ mới giải thoát được. Mục Liên theo lời phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy cùng mười phương chư tăng, tụng kinh cứu độ, quả nhiên mẹ được giải thoát. Vì thế mà vào ngày rằm tháng bảy hàng năm mọi người lấy đó làm lễ xóa tội vong nhân, báo hiếu với cha mẹ đã mất.”

Ngoại khẽ gạt lệ, Bảo Nhi thiếu chút cũng rơi nước mắt. Tôi chợt lại thấy nhớ cha mẹ và em Sương, ước gì mọi người hôm nay có thể đoàn tụ…

Kiing koong…

“Bà ngoại ơi!” Là giọng của cái Sương.

Tôi giật mình như trong giấc mơ, vội vàng đẩy cửa lao ra ngoài.