Tiếng Latinh của ông de Guise
Từ ngày thứ hai, 18 tháng 8 năm 1572, lễ hội tưng bừng diễn ra tại cung điện Louvre. Trong những ngày ấy, tất cả các cửa sổ của toà Hoàng cung cổ kính đều được chiếu sáng rực rỡ thay cho cái vẻ âm u mà người ta vẫn thấy thường ngày.
Nếu trước đây các quảng trường và phố xá đều vắng vẻ khi chuông đồng hồ ở Saint-Germain l Auxerrois mới điểm chín giờ tối, thì nay dù đã nửa đêm ở đó vẫn còn tấp nập, nhộn nhịp những đám thị dân.
Trong bóng đêm, đó là những đám đông chen chúc, hỗn độn mang một vẻ dữ tợn như mặt biển tối sầm sôi động với những ngọn triều gầm réo. Những đợt triều đó, gồm hàng nghìn con người, tràn lên mặt kè sông, đổ vào các phố Fossés Saint-Germain, rồi dội vào chân tường điện Louvre, vào chân tường dinh thự de Bourbon.
Nhưng có lẽ bắt nguồn ngay từ chính lễ hội này, một điều gì đó vừa bí ẩn vừa ghê gớm đang xuất hiện trong đám dân chúng này. Họ cảm thấy sự tưng bừng mà họ đang chứng kiến đây chỉ là màn giáo đầu cho một sự kiện nào đó vào tuần tới mà chính họ sẽ là những kẻ tham gia cuồng nhiệt nhất.
Lẻ hội này chính là lễ thành hôn giữa công chúa Marguerite de Valois, con gái vua Henri II và là em vua Charle IX với Henri de Bourbon vua xứ Navarre. Sáng nay, trên một chiếc bục lớn trước cửa nhà thờ Đức Bà, Hồng y giáo chủ de Bourbon đã làm phép cưới cho đôi uyên ương theo đúng lễ nghi được dành riêng cho hôn lễ các công chúa nước Pháp.
Đây là cuộc hôn nhân khiến hết thảy mọi người đều ngạc nhiên. Những người sáng suốt nhất cũng phải vắt óc suy đoán.
Người ta không tài nào hiểu nổi vì sao phe Tân giáo và Cơ đốc giáo xưa nay vốn thù nghịch nhau giờ lại xích lại gần nhau đến như vậy. Làm sao ông hoàng Condé trẻ tuổi lại có thể tha thứ cho quận công hoàng đệ d Anjou về việc cha ông bị tên Montesquiou ám sát tại Jarnac? Làm sao quận công de Guise trẻ tuổi lại có thể tha thứ cho đô đốc de Coligny về việc cha mình bị Poltrot de Méré giết hại tại Orléans. Chưa hết! Cách đây chưa đầy hai tháng, hoàng hậu Jeanne de Navarre, người vợ can đảm của Antoine de Bourbon yếu đuối, người mẹ đã dẫn dắt con trai mình tới cuộc hôn nhân vương giả này, đã qua đời. Nhiều tin đồn kỳ lạ được lan đi quanh cái chết đột ngột đó. Khắp nơi dậy lên tiếng xì xầm, thậm chí còn có kẻ dám lớn tiếng cho rằng do bà đã phát giác được điều bí mật gì đó rất khủng khiếp nên Thái hậu Catherine de Médicis sợ bị tiết lộ, đã cho đầu độc bà bằng một đôi găng tay tẩm hương do một gã nào đó tên là René, người xứ Florence, vốn nổi tiếng khéo léo về các công việc loại này, chế tạo. Tiếng đồn ngày càng lan rộng và càng được khẳng định, vì sau khi bà hoàng vĩ đại này tạ thế, theo yêu cầu của con trai bà, hai thầy thuốc, trong đó có ông Ambroise de Paré nổi tiếng đã được phép mổ và nghiên cứu tử thi, trừ bộ não. Song thật oái oăm, vì Jeanne de Navarre đã bị đầu độc bằng đường khứu giác, nên chỉ có bộ não có thể để lại dấu vết của tội ác đó thì lại không được phép khám nghiệm.
Người ta còn được biết vua Charle đã có một sự kiên trì đáng kinh ngạc đối với cuộc hôn nhân này đến mức được coi như một kẻ ương ngạch. Bởi vì xét cho cùng, ngoài việc đem lại hoà bình trong vương quốc, nó còn mở cửa để thu hút về Paris những thủ lĩnh Tân giáo chủ chốt, điều mà những người theo đạo Cơ đốc vẫn e ngại.
Vì cặp tân hôn này, vợ thì theo đạo Cơ đốc, chồng thì theo Tân giáo, nên người ta buộc phải đề đạt tới Grégoire, là đấng tối cao tại Rome, xin được miễn trừ. Khi thấy lệnh miễn trừ đến chậm, Jeanne de Navarre tỏ ra rất lo ngại. Một hôm bà đã bày tỏ với Charle IX nỗi e ngại rằng lệnh miễn trừ có thể không đến thì được nhà vua trả lời:
- Xin đừng quá e ngại, cô thân mến ạ! Cháu còn tôn trọng cô hơn cả đức giáo hoàng và yêu quý em gái cháu hơn là cháu lướng. Tuy cháu không phải là người Tân giáo nhưng cháu cũng không phải là thằng ngốc và nếu cái ông giáo hoàng ấy quá đần thì đích thân cháu sẽ cầm tay Margot đến cưới con trai cô giữa những lời giảng kinh Tân giáo.
Lời đó lập tức được truyền từ cung Louvre tới khắp thành phố, làm hả lòng hả dạ những người Tân giáo đồng thời khiến những người Giatô phải hậm hực, suy nghĩ. Những người này đang tự hỏi xem liệu có phải nhà vua đã thực sự phản lại họ không hay ông ta chỉ đóng một tấn tuồng mà một sớm một chiều nó sẽ được kết thúc một cách hết sức bất ngờ.
Đối với Charle IX, nhiều điều thật không giải thích nổi, nhất là thái độ của ông đối với đô đốc de Coligny, người đã điên cuồng chống lại nhà vua trong suốt năm, sáu năm nay. Và cũng trong thời gian đó, Charle IX đã từng treo giá cái đầu ông này một trăm năm mươi ê quy vàng. Ấy thế mà nay nhà vua chỉ tin dùng có mỗi mình ông ta, lại còn gọi ông ta là cha và cao giọng tuyên bố rằng từ nay trở đi chỉ có ông ta là người xứng đáng được quyền điều khiển chiến cuộc. Đến nỗi Thái hậu Catherine de Médicis, người điều khiển chính các hành động, ý đồ, thậm chí cả nguyện vọng của nhà vua trẻ tuổi này, cũng phải tỏ ra lo ngại thực sự.
Điều lo ngại này không phải là vô căn cứ, vì trong một lúc thổ lộ tâm tình, Charle IX đã bày tỏ với đô đốc về cuộc chiến ở Flandres như sau:
- Thưa cha, có một điều phải lưu ý: đó là Thái hậu. Như cha đã biết, bà ta cứ muốn dúng mũi vào mọi việc. Hiện nay bà ta còn chưa biết tí gì về việc này. Chúng ta phải giữ kín để bà ta mù tịt, vì con biết lúc nào bà ta cũng cứ sôi sục lên, bà ta sẽ làm hỏng việc mất.
Dù lõi đời và khôn ngoan đến mấy, Coligny cũng khó mà nghi ngờ một sự tin cậy hoàn toàn đến như vậy. Trước đó, ông đến Paris lòng đầy nghi kỵ và trước khi ông rời Châtillon, một bà già nông dân đã quỳ sụp xuống chân ông kêu khóc: "Ôi, thưa ngài, ông chủ tốt bụng của chúng con, xin người đừng đi Paris. Nếu người tới đó, người sẽ chết cùng với tất cả những ai đi theo người". Nhưng rồi nỗi nghi ngại trong ông cũng dần dần tan biến. Nó cũng tan biến đối với Téligny, con rể ông, người được nhà vua ban cho những ân sủng đặc biệt, được nhà vua gọi là người anh em và xưng hô cậu cậu tớ tớ như ông thường cư xử với những người bạn thân nhất của mình.
Vì vậy trừ một vài kẻ còn định kiến và đa nghi, hết thảy những người Tân giáo đều cảm thấy yên lòng. Cái chết của cố hoàng hậu Jeanne de Navarre được coi là hậu quả của bệnh sưng màng phổi. Trong những gian phòng rộng lớn ở Louvre tràn ngập những người Tin lành với lòng tin tưởng rằng, nhờ cuộc hôn nhân của thủ lĩnh Henri trẻ tuổi, họ sẽ được quay lại cái thời giàu sang phú quý.
Đô đốc de Coligny, La Rochefoucault, ông hoàng Condé, Téligny, tóm lại là tất cả những nhân vật đầy thế lực của giáo phái này, những người mà ba tháng trước đây vua Charle và Thái hậu Catherine đã nhăm nhăm muốn treo cổ, đều hoan hỉ thấy mình được nghênh tiếp trọng thể và bỗng chốc trở nên đầy thế lực ở Paris.
Chỉ còn Thống chế Monmorency là người duy nhất không tài nào tin được sự hoà hợp lạ lùng này. Không một lời hứa hẹn nào có thể làm xiêu lòng ông, không một sự giả dối nào có thể che được mắt ông, cho nên ông vẫn một mực ẩn dật trong lâu đài của mình ở Isle - Adam, viện cớ rằng vẫn còn đau buồn về cái chết của thân phụ mình là nguyên soái Andre Monmorency bị Robert Stuart giết bằng một phát súng lục tại trận Saint-Denis. Nhưng cứ xét sự kiện này xảy ra đã trên ba năm nay và tính đa cảm là một thứ đạo đức không mấy hợp thời thượng, nên chẳng mấy ai tin tưởng vào cái chuyện chịu tang quá đỗi lâu ngày như vậy.
Vả chăng, cứ trông vào mọi sự đang diễn ra cũng khiến cho cử chỉ đó của thống chế Monmorency thành sai trái: Nhà vua, thái hậu, quận công d Anjou và quận công d Alençon hết lòng thù tạc tiếp khách khứa trong ngày hội của Hoàng gia.
Quận công d Anjou nhận được từ chính những người Tân giáo những lời khen ngợi xững đáng về hai trận đánh ở Jarnac và Moncontour mà ở đó ông đã giành được thắng lợi trước khi tròn tuổi mười tám, về mặt này ông còn trẻ hơn cả Cédar và Alecxandre. Quận công d Alençon nhìn tất cả những điều trên với con mắt vờ vĩnh đầy ve vuốt của mình. Thái hậu Catherine vui mừng rạng rỡ và tràn trề vẻ ân cần. Bà hết lời khen ngợi ông hoàng Henri de Condé về cuộc hôn nhân mới đây của ông ta với Marie de Clevơ. Cuối cùng là chính ông de Guise lại mỉm cười với những kẻ kình địch dữ dội của tộc họ và quận công de Maten thao thao bàn với ông de Tavan và đô đốc về cuộc chiến tranh, hơn lúc nào hết, đang cần phải được tuyên bố chống Philip II.
Ở giữa những nhóm người nói trên nổi bật lên một người. Người đó đang đi đi lại lại, đầu hơi nghiêng nghiêng và với đôi tai tinh tường đã thâu tóm được tất cả mọi chuyện. Đó là một chàng trai khoảng mười chín tuổi, cặp mắt sắc sảo, tóc đen cắt ngắn, lông mày rậm, mũi khoằm như mỏ chim ưng, có nụ cười tinh quái, mặc dù râu cằm và ria mép mới chớm mọc. Chàng mới nổi bật nhờ trận đánh d Arnay le Duc, nơi chàng đã tỏ ra gan dạ đến mức liều lĩnh. Chàng nhận được hết lới khen ngợi này đến lời ca tụng khác.
Chàng chính là học trò yêu của Coligny và là người hùng trung tâm của lễ hội. Ba tháng trước đây, tức là lúc thân mẫu chàng chưa băng hà, người ta gọi chàng là hoàng tử xứ Bearn, hiện nay người ta gọi chàng là vua xứ Navarre trong khi chờ đợi để rồi sẽ gọi chàng là vua Henri đệ tứ. Tuy vậy, thỉnh thoảng một áng mây u tối lướt nhanh qua vầng trán chàng.
Chắc là chàng chưa quên cách đây mới hai tháng thôi, mẹ chàng đã lìa đời, và hơn ai hết, chàng vẫn ngờ rằng mẹ mình bị đầu độc Nhưng áng mây u tối đó chỉ thoáng lướt qua vì những kẻ chuyện trò với chàng, những kẻ tâng bốc chàng, những kẻ đang kề vai sát cánh với chàng chẳng phải ai xa lạ mà chính là những kẻ đã ám hại mẹ chàng: bà Jeanne d Albert(1) dũng cảm.
Cách vua xứ Navarre vài bước, quận công de Guise trẻ tuổi, với vẻ tư lự và lo âu đang chuyện gẫu với Téligny trong lúc ông này tỏ ra vui vẻ và cởi mở. So với anh chàng người Bearn, quận công vẫn còn may mắn hơn. Mới hai mươi hai tuổi mà tiếng tăm của ông đã nổi như cồn, gần được như cha ông là Françoise de Guise vĩ đại. Quận công là một lãnh chúa tao nhã, cao lớn, ánh mắt đầy tự hào pha lẫn kiêu ngạo, với cái vẻ đường bệ bẩm sinh khiến người ta có cảm giác rằng bên cạnh ông, những ông hoàng khác nom chỉ như những gã tiện dân. Mặc dù còn trẻ, ông vẫn được những người Gia tô giáo tôn làm thủ lĩnh của họ, cũng giống như những người Tin lành(2) coi Henri de Navarre là thủ lĩnh của mình. Thoạt tiên, quận công mang tước hiệu hoàng từ xứ Goanhvin và tham chiến lần đầu trong cuộc vây hãm Orléans dưới quyền chỉ huy của cha mình. Chính cha ông đã ngã gục trên cánh tay ông, trước khi chết còn kịp chỉ cho ông thấy đô đốc Coligny là kẻ ám hại mình.
Cũng như Anibal, quận công đã nghiêm trang thề trước vong linh cha: nhất quyết báo thù đô đốc Coligny cùng cả nhà ông ta, quyết tróc nã, tiêu diệt những kẻ cùng giáo phái với đô đốc đến kẻ cuối cùng mới thôi, vì quận công đã tự phong cho mình làm thiên thần báo oán của Chúa.
Vị hoàng thân này đã làm dấy lên một sự ngạc nhiên quá mức khi người ta tận mắt thấy ông, người vốn rất trung thành với lời thề của mình, nay lại chìa tay ra với kẻ thù muôn kiếp, hơn thế lại còn chuyện trò thân mật với con rể của con người mà ông ta sẽ quyết giết như đã hứa với người cha hấp hối.
Buổi tối này quả thực đầy những sự việc đáng ngạc nhiên. Thực tế, nếu có biệt tài tiên đoán được mọi sự kiện của tương lai (mà may thay con người lại không có), nếu có khả năng đọc được những điều sâu kín trong lòng người mà chỉ Chúa mới nắm được, thì người quan sát nào được may mắn dự buổi lễ hội này chắc chắn sẽ cực kỳ khoái trá trước cảnh tượng kỳ dị nhất về tấn trò đởi mà sử sách đã từng nói tới.
Nhưng cái người quan sát ấy lại không có mặt trong những sảnh phòng bên trong cung Louvre, mà chỉ tiếp tục đứng ngoài phố, nhìn lễ hội với cặp mắt nảy lửa và với giọng gầm gừ đe doạ. Người quan sát ấy chính là quần chúng. Với cái linh cảm được mài sắc ấy một cách kỳ diệu bởi nỗi căm thù, quần chúng theo dõi từ xa bóng của những kẻ thù không đội trời chung của họ và thể hiện các cảm tưởng của mình một cách rõ ràng như một người điếc tò mò đứng xem người ta nhảy múa. Âm nhạc tạo ra nhịp điệu và làm say lòng người nhảy nhưng người điếc thì chỉ thấy đó là những động tác hết sức lố lăng. Cái tiếng nhạc làm say sưa những người Tân giáo cũng chính là âm thanh tự mãn của dòng họ.
Những ánh chớp lóe lên trong mắt thị dân Paris giữa đêm tối, đó là những ánh chớp của lòng căm thù, nó sẽ chiếu sáng cả tương lai.
Mặc dù vậy trong cung cấm mọi việc vẫn tiếp diễn một cách vui vẻ. Lại thêm một màn khá ngoạn mục khiến hết thảy mọi người đều cảm thấy khá êm ái và huy hoàng: ấy là lúc vị hôn thê kiều diễm trẻ trung, sau khi gỡ chiếc áo choàng lễ phục dài sát đất và chiếc khăn voan, bước vào phòng lễ hội. Cùng sóng đôi với nàng là quận chúa de Nervers xinh đẹp, bạn chí cốt của nàng. Sau đó, anh nàng, vua Charle IX, đưa nàng đi giới thiệu với các đình thần quan trọng nhất trong số khách của ông ta.
Vị hôn thê đó là con gái vua Henri II, viên ngọc của ngai vàng nước Pháp, Marguerite de Valois, người mà trong tình thân mật, nhà vua Charle IX chỉ gọi là cô em Margot của tôi.
Chắc chắn từ xưa tới nay chưa có một sự tiếp đón nào lại xững đáng hơn sự tiếp đón mà người ta đang giành cho hoàng hậu mới xứ Navarre lúc này. Marguerite chưa đầy hai mươi tuổi mà đã trở thành đối tượng đề ca ngợi của hết thảy những thi sĩ.
Người thì so sánh nàng với nữ thần Bình minh, kẻ thì ví nàng với Cythérée(3). Vẻ đẹp của nàng quả là nghiêng nước nghiêng thành trong cái triều đình mà Catherine de Médicis đã thu hút về tất cả những mỹ nhân như những tiên dung làm đắm đuối lòng người. Nàng có mái tóc đen, nước da sáng rỡ, mắt nhìn mê đắm ẩn sau hàng mi dài, đôi môi nhỏ đỏ thắm, cổ cao thanh tú, thân hình thon thả và mềm mại, bàn chân nhỏ nhắn như chân con trẻ của nàng ẩn trong đôi hài sa tanh. Những người Pháp coi nàng như quốc bảo, tự hào được thấy trên đất nước họ nở ra một bông hoa lộng lẫy đến thế. Những người nước ngoài đến nước Pháp không những loá mắt về sắc đẹp của nàng khi được nhìn nàng mà họ còn choáng ngợp về kiến thức của nàng nếu được nói chuyện với nàng. Bởi Marguerite không chỉ là người phụ nữ đẹp nhất thời đại mà nàng còn là người phụ nữ có học thức nhất. Người ta dẫn lại lời một nhà bác học Ý, sau khi được nàng tiếp chuyện trong một giờ bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, đã bước ra và thốt lên trong niềm xúc động: "Được hội kiến với triều đình mà chưa được gặp Marguerite de Valois nghĩa là chưa nhìn thấy cả nước Pháp và chưa gặp triều đình".
Cũng vì thế nên không thiếu những lời đàm tiếu nhằm vào vua Charle IX và hoàng hậu xứ Navarre. Về tài đàm tiếu của những người Tin lành thì khỏi phải bàn, vì vậy đã có nhiều lời ám chỉ quá khứ, nhiều ước đoán cho tương lai được khéo léo xen vào giữa những lời hô hào qui thuận nhà vua. Nhưng đối với tất cả những lời ám chỉ này, Charle chỉ trả lời với một nụ cười xảo quyệt trên đôi môi tái nhợt:
- Khi trao cô em Margot của tôi cho Henri de Navarre, tôi đã trao trái tim mình cho tất cả những người Tin lành trong vương quốc.
Đó là lời làm yên lòng kẻ này và khiến kẻ khác tủm tỉm cười, vì nó thực sự có hai nghĩa: một là theo nghĩa nhân ái, vì hắn Charle cũng không có ẩn ý gì trong câu nói thực lòng đó; hai - nó mang theo một nghĩa khác: nó nhằm lăng mạ cô dâu, chú rể và nhằm cả vào kẻ thốt ra câu nói đó. Thực ra câu nói này có thể gợi lại những điều tai tiếng âm ỉ do những kẻ sính tin đồn muốn tìm cách làm vấy lên tấm áo tân hôn của Marguerite de Valois.
Trong lúc đó, de Guise vẫn đang chuyện trò với Téligny, nhưng ông không chú tâm lắm vào chuyện trò mà thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn về nhóm các bà, các cô trong đó hoàng hậu xứ Navarre nổi bật lên rực rỡ. Mỗi khi ánh mắt của nàng bắt gặp cái nhìn của chàng quận công trẻ tuổi thì một áng mây mở lại lướt qua vầng trán duyên dáng được kết những ngôi sao bằng kim cương tạo nên một vầng hào quang lung linh của nàng và khi ấy một ý định mơ hồ nào đó được để lộ ra qua thái độ sốt ruột và xao xuyến của nàng.
Chị ruột Marguerite là công chúa Claude, lấy quận công de Lorainne được vài năm, đã nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại ấy, bèn tìm cách nhích lại gần cô em để hỏi duyên cớ. Nhưng đáng lẽ đến được gần thì công chúa Claude lại bị đẩy lùi ra xa vì đúng lúc bấy giờ Thái hậu vịn tay ông hoàng Condé trẻ tuổi bước vào, khiến mọi người đều phải dạt ra tránh đường. Nhân lúc xáo trộn đó quận công de Guise tranh thủ nhích lại gần phu nhân de Nervers, chị dâu mình, nhờ đó có thể lại gần cả Marguerite.
Phu nhân de Lorainne vốn không rời mắt khỏi em mình, ngay lúc đó nhận thấy thay cho đám mây mờ trên vầng trán của công chúa là một hơi lửa nồng nàn thoảng qua trên má nàng. Quận công vẫn cứ tiến tới và khi ông chỉ còn cách Marguerite khoảng hai bước thì nàng, dường như cảm thấy hơn là nhìn thấy, bèn quay mặt lại với cố gắng hết sữc giữ cho vẻ mặt bình tĩnh và vô tư. Quận công nghiêng người cung kính chào nàng và thì thầm "Ipse alluli", có nghĩa là "Tôi đã đem cái đó tớỉ hoặc "Cái đó đã được chính tôi đem tới". Marguerite cúi chào quận công và khi trở về tư thế cũ, nàng buông ra câu trả lời sau: "Noctu pro more", nghĩa là "Đêm nay như thường lệ"
Chiếc áo nàng mặc có cổ cao và rộng xếp thành nhiều ô hình quả trám nom như một chiếc loa bao quanh cổ nàng nên những lời dịu dàng đó nói với ai thì chỉ người đó nghe được mà thôi. Cuộc đối thoại tuy rất ngắn ngủi nhưng chắc chắn đã bao gồm tất cả những gì mà đôi bạn trẻ muốn nói với nhau. Sau khi trao đổi hai từ lấy ba từ như vậy, họ tách rới nhau để vầng trán Marguerite thêm tư lự còn vầng trán của quận công rạng rỡ hơn. Màn kịch nhỏ này xảy ra trong lúc ngưởi đáng phải nhận thấy nhất lại không để ý đến vì về phía ông ta, vua xứ Navarre, lại chỉ chăm chú dán mắt vào một con người cũng nổi bật không kém trong đám người hâm mộ tụ tập quanh mình.
Đó là phu nhân de Sauve xinh đẹp.
Charlotte de Beaune-Semblançay, cháu gái của ông Beaune-Semblançay bất hạnh, vợ của Simon de Phize, nam tước phu nhân de Sauve là một trong những thị nữ trông coi trang phục của Catherine de Médicis và cũng là một trong số những trợ thủ đáng gờm của bà hoàng này. Người vẫn được bà hoàng sử dụng để rót bùa yêu cho kẻ thù khi bà không dám rót thứ thuốc độc Florence cho họ. Vóc người nhỏ nhắn, tóc vàng, khi thì hoạt bát đầy sức sống, khi thì đượm vẻ u hoài, nam tước phu nhân luôn luôn sẵn sàng lao vào các cuộc yêu đương hay mưu mô vốn là hai việc lớn từ năm mươi năm nay làm cho triều đình của ba vì vua kế tiếp nhau luôn lộn xộn. Rất đàn bà, tràn đầy duyên dáng, từ cặp mắt xanh lúc ưu sầu, lúc lấp lánh những tia lửa nồng nàn, tới đôi bàn chân nhỏ nhắn uốn éo trong đôi hài nhung, phu nhân de Sauve đã thu hết hồn vía của vua xứ Navarre đang tập tọng bước vào đường tình duyên cũng như đường chính trị. Thậm chí đến như Marguerite de Navarre với vẻ đẹp lộng lẫy vương giả cũng không gợi lên được sự thán phục từ đáy lòng của đức ông chồng. Có một điều kỳ lạ làm tất cả mọi người đều ngạc nhiên, mặc dù người ta biết nó xuất phát từ một tâm hồn đầy bí ẩn và tăm tối, là việc Catherine de Médicis trong khi theo đuổi ý đồ tác thành con gái mình với vua xứ Navarre, vẫn không ngừng tạo điều kiện gần như là công khai cho cuộc tình duyên giữa ông này với phu nhân de Sauve. Nhưng mặc dầu có sự trợ giúp đó và dù cho các phong tục của thời đại còn khá dễ dãi, cho tới lúc đó, người đẹp Charlotte vẫn còn cưỡng lại được. Và chính điều đó làm cho trái tim anh chồng người Bearn này sinh ra một mối cuồng si không thể tưởng tượng được. Mối cuồng si không được thoả mãn đó chứa chất trong lòng và làm tiêu tan sự rụt rè, lòng kiêu hãnh và sự vô tư lự nửa như triết gia, nửa như đại lãn vốn là tính cách điển hình của nhà vua trẻ.
Phu nhân de Sauve chỉ mới bước chân vào phòng nhảy vài phút thôi... Hoặc vì hờn giận, hoặc vì đau lòng, thoạt tiên bà định không dự phần vào thắng lợi của kẻ tình địch, lấy cớ trong người khó ở, bà đã để cho đức ông chồng, mới lên thượng thư từ năm năm nay, đến cung Louvre một mình. Nhưng khi thấy nam tước de Sauve không đi cùng vợ, Catherine de Médicis đã hỏi thăm xem điều gì khiến Charlotte yêu quý của bà không đến được. Và khi biết rằng đó chỉ là một cơn ươn người nhẹ, Thái hậu đã viết mấy chữ cho gọi và người thiếu phụ vội vàng tuân lệnh.
Henri, mới đầu còn rất buồn bã vì nỗi bà de Sauve vắng mặt, đã dễ thở hơn khi thấy ông de Sauve bước vào một mình. Nhưng đúng cái lúc ông ta không chờ đợi sự xuất hiện của bà nam tước nữa, cái lúc ông vừa thở dài vừa tiến về phía người đẹp mà ông ta, nếu như không buộc phải yêu, ít ra cũng buộc phải đối xừ như vợ, thì đúng lúc đó ông thấy bà de Sauve xuất hiện ở đầu kia gian phòng. Ông đứng như trời trồng, mắt đăm đăm dán vào nàng Circé(4) đã trói buộc ông với nàng như bằng một sợi dây phù phép. Và đáng lẽ phải tiếp tục đi về phía vợ thì bằng một động tác ngập ngừng vì ngạc nhiên hơn là e ngại, ông tiến thẳng về phía phu nhân de Sauve.
Về phía mình, các triều thần khi thấy vua xứ Navarre mà người ta đã biết là trái tim dễ bốc lửa, xích lại gần người đẹp Charlotte thì họ không đủ can đảm để ngăn trở sự gặp gỡ đó, họ ý tứ rời đi chỗ khác. Cùng vào cái lúc mà Marguerite de Valois và ông de Guise trao đổi một vài từ latinh đã nêu ở trên, thì Henri tới gần phu nhân de Sauve, bắt chuyện với bà một cách ít bí mật hơn, bằng một thứ tiếng Pháp hết sức dễ hiểu, có pha đôi chút giọng xứ Gasconge:
- A! Bà bạn - Ông nói - Bà tới đúng vào lúc người ta thông báo với tôi là bà bị ốm và tôi đã hết hy vọng được gặp bà.
- Phải chăng Hoàng thượng có nhã ý tin rằng Người phải chịu thiệt thòi không ít khi mất đi niềm hy vọng đó? - Phu nhân de Sauve đáp
- Tôi tin chắc là thế, thề có Chúa - Chàng Bearn tiếp lời - Chẳng lẽ bà không biết rằng bà là mặt trời của tôi lúc ban ngày và ngôi sao của tôi lúc đêm tối hay sao? Tôi thực sự cảm thấy mình bị chìm trong đêm tối cho tới khi bà xuất hiện. Khi đó mọi vật đột nhiên được soi sáng.
- Nếu thế thì tôi hẳn đã chơi ác Người đấy nhỉ, thưa Hoàng thượng?
- Bà muốn nói gì vậy, bà bạn thân mến? - Henri hỏi.
- Tôi muốn nói rằng khi người ta đã là chủ của người đàn bà đẹp nhất nước Pháp, điều duy nhất mà người ta mong ước, đó là ánh sáng hãy biến đi và nhường chỗ cho bóng đêm đầy hạnh phúc đang chờ đợi.
- Hạnh phúc đó, bà bạn xấu nết ơi, bà thừa biết là nó nằm trong tay một người thôi. Người ấy đang giễu cợt và hành hạ Henri tội nghiệp này!
- Ôi, ngược lại, tôi tưởng là chính cái con người đó đang bị vua xứ Navarre giễu cợt và hành hạ chứ!
Henri hoảng sợ về thái độ ác cảm này của phu nhân de Sauve Tuy vậy ông lại cho rằng điều đó thể hiện sự hớn giận, mà sự hớn giận chỉ là mặt nạ của tình yêu. Ông nói tiếp:
- Nói cho cùng, Charlotte thân mến ạ, bà lên án tôi không đúng đâu. Tôi không hiểu sao từ một đôi môi xinh xắn đến thế lại có thể thốt ra những lời độc ác đến như vậy. Bà tưởng rằng tôi cưới vợ ư? Không đâu, xin thề, không phải tôi.
- Lẽ nào lại là tôi! - Nam tước phu nhân đanh đá đáp lại.
- Với cặp mắt đẹp của bà, bà không nhìn thấy gì xa hơn ư, nam tước phu nhân? Không, không, đây không phải là Henri xứ Navarre cưới Marguerite de Valois đâu.
- Vậy thế thì là ai cơ chứ?
- À, thề có Chúa! Đó là đạo Tân giáo cưới giáo hoàng. Chỉ có thế thôi.
- Không đâu, thưa đức ông, tôi chẳng để mình bị mắc bẫy vào các trò chơi chữ của Người đâu. Hoàng thượng yêu lệnh bà Marguerite, tôi chẳng dám lên án Người về điều đó. Chúa giữ cho tôi đừng làm như vậy! Lệnh bà cũng đủ đẹp để khiến người ta yêu.
Henri suy nghĩ một lát, và trong khi ông suy nghĩ, một nụ cười chân thật nở trên môi ông:
- Nam tước phu nhân ạ - Ông nói - Tôi thấy hình như bà định gây sự với tôi thì phải. Bà không được làm thế đâu nhé, bà đã làm gì để ngăn cản tôi đừng cưới lệnh bà Marguerite nào? Bà đã không làm gì hết. Ngược lại, lúc nào bà cũng làm cho tôi thất vọng.
- Tôi làm thế mà hay đấy, thưa Hoàng thượng!
- Sao lại thế?
- Chắc chắn là như thế, vì hôm nay Đức ông cưới người khác mà.
- À. tôi cưới bà ta là vì bà không yêu tôi.
- Nếu tôi đã yêu Người, thưa Hoàng thượng thì chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ nữa chắc tôi sẽ phải chết!
- Trong khoảng một giờ nữa! Bà muốn nói gì vậy, và bà sẽ chết vì sao cơ?
- Vì ghen... Vì trong khoảng một giờ nữa hoàng hậu Navarre sẽ cho các thị nữ theo hầu về nghỉ còn Hoàng thượng thì cho các vị quý tộc hầu cận Người được phép lui về.
- Có thực đó là ý nghĩ khiến bà bận tâm hay không, bà bạn thân mến?
- Tôi không nói thế. Tôi nói rằng nếu như tôi yêu Người thì điều đó sẽ khiến tôi bị giày vò một cách kinh khủng.
- Thế thì - Henri sung sướng kêu lên khi nghe được lời thú nhận đầu tiên này- Thế nếu vua xứ Navarre không cho những người hầu lui về trong đêm nay thì sao?
- Thưa Hoàng Thượng, Người nói những chuyện không thể có được nhất là không thể tin được - Phu nhân de Sauve vừa nói vừa nhìn nhà vua với vẻ ngạc nhiên thật sự.
- Phải làm gì để bà tin nhỉ?
- Phải cho tôi bằng chứng, và cái bằng chứng này, Hoàng thượng lại không thể trao cho tôi được.
- Có chứ, có chứ, nam tước phu nhân ạ. Thề có thánh Henri, ngược lại, tôi sẽ trao bằng chứng đó cho bà - Nhà vua vừa nói vừa đăm đăm nhìn người thiếu phụ với ánh mắt rực lửa tình yêu.
- Ôi Hoàng thượng... - Bà Charlotte xinh đẹp vừa thì thầm hạ giọng và cúi mặt xuống - Tôi không hiểu... Không! Không! Hoàng thượng không thể nào thoát khỏi được cái hạnh phúc đang chờ đợi Người.
- Trong phòng này có bốn Henri, người đẹp mà tôi thở phụng ạ! - Nhà vua nói tiếp - Henri nước Pháp nhé, Henri de Condé nhé, Henri de Guise nhé, nhưng chỉ có một Henri xứ Navarre thôi.
- Thế thì sao cơ?
- Thế thì, nếu như tay Henri xứ Navarre ấy được ở gần bà suốt đêm nay...
- Suốt đêm nay?
- Đúng, nếu thế thì liệu bà có tin rằng anh ta sẽ không ở gần người khác hay không?
- Ôi, thưa Hoàng thượng, nếu Người làm như vậy... - đến lượt bà de Sauve thảng thốt kêu lên.
- Thề danh dự quý tộc, tôi sẽ làm đúng như vậy!
Phu nhân de Sauve ngước đôi mắt to ướt long lanh và mỉm cười đắm đuối với nhà vua khiến trái tim ông ta tràn ngập niềm hân hoan say đắm.
- Nào - Henri nói - Nếu như vậy thì bà bảo sao?.
- Ôi, nếu được như vậy - Charlotte trả lời - Nếu được như vậy tôi sẽ nói rằng tôi thực sự được bệ hạ thương yêu.
- Thế chứ! Bà sẽ nói như thế, vì điều đó sẽ là như thế, nam tước phu nhân ạ.
- Nhưng làm thế nào được? - Phu nhân de Sauve thì thầm.
- Ồ! Thề có Chúa! Chẳng lẽ quanh bà lại không có lấy một thị tỳ, một con hầu mà bà tin cẩn hay sao?
- Ồ! Tôi có Dariole trung thành với tôi đến nỗi nó có thể xả thân vì tôi: một kho báu thật sự đấy.
- Thề có Chúa! Nam tước phu nhân ạ, hãy nói với cô bé ấy rằng tôi sẽ gây dựng gia tài cho cô ta khi nào tôi làm vua nước Pháp như các nhà chiêm tinh đã tiên đoán.
Charlotte mỉm cười, vì ngay từ thời đó tính khí Gasconge của anh chàng Bearn về những lời hứa hẹn đã nổi như cồn.
- Thế thì - Bà nói - Hoàng thượng cần gì ở Dariole nào?
- Đối với cô ta thì điều đó là ít ỏi nhưng lại là tất cả đối với tôi - Tóm lại là...?
- Phòng của bà ở phía trên phòng tôi phải không?
- Vâng.
- Vậy cô ta hãy đợi đằng sau cánh cửa. Tôi sẽ gõ nhẹ ba lần. Cô ta mở cửa và bà sẽ có được cái bằng cớ mà tôi dâng cho bà.
Phu nhân de Sauve im lặng vài giây, rồi bà nhìn quanh tựa như không muốn có người nghe thấy. Cái nhìn của bà dừng lại một lát ở nhóm người trong đó có Thái hậu đang đứng. Dù cho khoảnh khắc ấy ngắn ngủi đến đâu chăng nữa, nó cung đủ để Catherine và người trông coi trang phục của bà trao đổi với nhau một cái nhìn.
- Ôi nếu tôi muốn bắt quả tang bệ hạ nói dối... - Phu nhân de Sauve nói với giọng có thể làm tan chảy những trái tim chai đá nhất.
- Cứ thử xem, bà bạn thân mến, cứ thử xem...
- Ôi thề chứ, thú thật là tôi đang cưỡng lại ý muốn đó đây.
- Bà hãy chịu thua đi! Đàn bà chỉ mạnh nhất sau khi họ đã chịu thua rồi thôi.
- Thưa Hoàng thượng, tôi xin ghi nhớ lời hứa của Người đối với Dariole khi Người đã là vua nước Pháp.
Henri thốt lên một tiếng kêu vui mừng.
Đúng vào lúc tiếng kêu đó thốt ra khỏi miệng Henri thì hoàng hậu Navarre cũng trả lời quận công de Guise:
- Noctu pro more (Đêm nay như thường lệ).
Lúc Henri rởi khỏi bà de Sauve, ông cũng sung sướng như quận công de Guise rời xa Marguerite de Valois.
Một tiếng đồng hồ sau cái màn kịch kép vừa kể trên, vua Charle và Thái hậu lui về phòng mình. Gần như tức thì các phòng bắt đầu vãn người, các sảnh đường để lộ những chân cột bằng cẩm thạch. Đô đốc và hoàng thân de Condé được bổn trăm nhà quý tộc Tân giáo tháp tùng đi qua đám đông đang gầm gừ với họ. Rồi đến Henri de Guise cùng với các lãnh chúa xứ Lorains và những người Giatô ra khỏi cung điện giữa những tiếng reo hò và vỗ tay của quần chúng.
Về phần Marguerite de Valois, Henri xứ Navarre và phu nhân de Sauve chúng ta đều biết rằng họ ở ngay trong cung Louvre.
Chú thích:
(1) Tức hoàng hậu Jeanne de Navarre.
(2) Tức Tân giáo
(3) Một phụ nữ Hy Lạp xinh đẹp, thế kỷ 1, được nhiều nhà thơ ca ngợi. (ND)
(4) Cythérée - nhân vật huyền thoại trong sử thi Ôđyxê của Hôme. Nàng tiên này có phép thuật biến các thuỷ thủ lạc vào cung của mình thành lợn (ND)