Họa Quốc - Thức Yến

Quyển 3 - Chương 11-2: ۵ Hồi 21: Thế sự khôn lường (2) ۵




Tạ Trường Yến mừng rỡ, gọi: "Hồ huynh!"

Người nọ nghe tiếng gọi bèn quay đầu, quả nhiên là Hồ Trí Nhân.

Tạ Trường Yến cưỡi ngựa đến chỗ họ, kể lại nhanh những việc mình gặp phải với Hồ Trí Nhân, hắn cho thuộc hạ sang đường bên cạnh bắt người nhưng đối phương đã chạy mất.

Hồ Trí Nhân tỏ ra rất bất ngờ: "Muội nói dưới giường trong phòng chữ thiên có đường hầm?"

"Đúng vậy!"

Hồ Trí Nhân sa sầm mặt: "Mau gọi chưởng quầy đến gặp ta ngay!" Một thuộc hạ vâng dạ chạy đi.

Tạ Trường Yến cảm thấy hơi ngại: "Huynh cũng chỉ xuất phát từ lòng tốt thôi. Căn phòng đó thật sự rất ổn." Hồ Trí Nhân ở Yên quanh năm, chuyện phía Trình quốc bên này e là hắn cũng không rõ.

"Đã vậy muội đến biệt uyển của ta ở tạm đi. Đợi ta tra rõ chân tướng sẽ cho muội một câu trả lời thích đáng."

Tạ Trường Yến nghĩ thế cũng được bèn gật đầu: "Vậy làm phiền Hồ huynh nói với Mạnh huynh một tiếng, huynh ấy không tìm thấy ta chắc sẽ lo lắm."

"Được." Hồ Trí Nhân quay đi dẫn đường, chợt nhớ tới một chuyện, hỏi, "Đúng rồi, muội nói bởi vì nhìn thấy bóng trắng mới không có đề phòng, bóng trắng đó là người muội quen biết sao?"

Tạ Trường Yến lưỡng lự giây lát mới đáp: "Chuyện này nói ra thì khó tin, bóng trắng đó là... tam đường tỷ của ta."

Người nàng nhìn thấy là Tạ Phồn Y.

Tạ Phồn Y đã chết bảy năm.

Lần đầu trông thấy cứ nghĩ là hoa mắt.

Lần thứ hai gặp lại là ngỡ ngàng.

Bởi vì quá ngỡ ngàng nên mới trúng kế. Chẳng lẽ tam tỷ tỷ chưa chết? Nếu chưa chết thì tại sao bặt vô âm tín suốt bảy năm? Tại sao không về nhà? Không không không, chắc chắn có người giả dạng tỷ ấy, chỉ giống mà thôi, nhưng là ai cơ chứ? Tại sao cố tình giả mạo Tạ Phồn Y?

Tạ Trường Yến chợt nghĩ mình sốt sắng quá, nàng không nên vội phản kích chạy trốn nhanh như vậy, đáng lẽ nên ở lại xem xem đối phương rốt cuộc muốn đưa nàng đi đâu, có lẽ đã biết được chân tướng rồi.

Song ngẫm lại, nàng không biết võ công, năng lực tự vệ có hạn, Mạnh Bất Ly cũng không ở bên cạnh, chủ yếu phải đảm bảo an toàn cái đã. Nếu không mất mạng rồi thì còn điều tra chân tướng gì nữa.

Cứ thế Tạ Trường Yến ở lại biệt uyển của Hồ Trí Nhân.

Ngày hôm sau Hồ Trí Nhân nói với nàng một tin tức không tốt gì mấy. Mạnh Bất Ly đã dẫn theo Thiên Ngưu Vệ ngồi thuyền về Yên.

"Chắc họ không tìm thấy muội nên phải về Yên quốc báo cáo với Yên vương." Hồ Trí Nhân suy đoán.

"Không phải chứ? Mạnh huynh bỏ cuộc nhanh vậy sao?"

"Nhanh?" Hồ Trí Nhân sững người, sau đó ngộ ra, "Hôm nay là mùng năm rồi."

"Cái gì?" Rõ ràng nàng cảm thấy mình chỉ mới hôn mê một lúc, không ngờ đã ba ngày trôi qua rồi sao? Chẳng trách Mạnh Bất Ly bỏ đi.

"Ta sẽ tiếp tục truy lùng tung tích đám người bắt cóc muội. Chưởng quầy khách điếm Vân Tường đến rồi muội có muốn gặp không?"

Tạ Trường Yến gặp được chưởng quầy của khách điếm Vân Tường, một người đàn ông trung niên chất phác họ Lý. Ông ấy khom người đứng ở đại sảnh, mồ hôi chảy ròng ròng, trông rất sợ sệt.

"... Bệ hạ từng lui tới phòng chữ thiên một khoảng thời gian, khoảng thời gian đó cửa phòng đóng kín, bên trong có tiếng đập đập gõ gõ, tiểu nhân không dám ngăn cản, cũng không dám nhìn lén, không ngờ trong phòng có, có đường hầm... Sau này sau khi bệ hạ trúng gió thì không còn tới nữa..."

Đến giờ Tạ Trường Yến mới hiểu: Trình vương một mình xuất cung, thỉnh thoảng ở lại phòng chữ thiên, bởi thế đường hầm kia là do ông ta cho người đào ra. Còn về việc vì sao ông ta không ở hành cung mà ở khách điếm, làm những gì trong khách điếm thì không ai dám hỏi. Nhưng mà, thân là con gái của Trình vương, ắt hẳn công chúa Di Thù biết chuyện này, nên sau khi nghe tin nàng ở phòng chữ thiên nàng ta mới lộ ra nét mặt kỳ lạ như thế.

Hồ Trí Nhân rất tức giận: "Trước đó có cả chuyện này, tại sao không thông báo với ta? Tại sao ta bảo ngươi sắp xếp căn phòng tốt nhất mà ngươi lại chọn gian phòng đó?"

Lý chưởng quầy lập tức quỳ xuống: "Lúc công tử phái người đến dặn dò, cả khách điếm chỉ còn trống mỗi gian đó thôi. Tiểu nhân nghĩ Trình vương bệnh nặng đã lâu, không tới đó nữa nên... nên... Tiểu nhân đáng chết! Là do tiểu nhân sơ suất!" Nói rồi, ông ấy tát mình một bạt tay.

Tạ Trường Yến vội khuyên ngăn nói: "Chuyện này liên quan đến bí mật của cung đình, rất khó nói, chưởng quầy cũng là người bị hại thôi."

Lý chưởng quầy cảm kích nhìn nàng.

Tạ Trường Yến nghĩ thầm: tại sao Trình vương không chọn khách điếm khác mà chọn ngay Vân Tường? Lý chưởng quầy này chưa chắc đã hoàn toàn trong sạch. Nhưng trước mặt Hồ Trí Nhân nàng không tiện nói thẳng.

Hồ Trí Nhân nhíu mày nói: "Trình vương thỉnh thoảng nghỉ lại khách điếm Vân Tường, chuyện quan trọng như vậy vì sao không thông báo?"

"Điều này..." Lý chưởng quầy ấp úng hồi lâu, lí nhí nói, "Chuyện này, thật ra, thật ra tộc trưởng đã biết rồi ạ."

Tộc trưởng mà Lý chưởng quầy nói là đương gia Hồ Cửu Tiên, cũng là thúc thúc của Hồ Trí Nhân. Vậy, chuyện này thúc thúc hắn biết nhưng không với đứa cháu nối nghiệp này... Tạ Trường Yến không dám nghĩ tiếp.

Sắc mặt Hồ Trí Nhân không tốt lắm, cuối cùng phất tay cho Lý chưởng quầy lui ra.

Tạ Trường Yến chuyển chủ đề: "Nếu vậy vẫn phải điều tra từ đám người bắt cóc ta. Con ngựa đó vẫn còn, tục ngữ nói ngựa già quen đường, có lẽ sẽ lần ra được chút manh mối."

Hồ Trí Nhân cũng cho là thế.

Mấy ngày sau đó, bọn họ lần theo manh mối của ngựa tiếp tục điều tra, cuối cùng tra ra con ngựa này là của một hộ gia đình họ Châu. Châu gia nằm ở huyện Phượng cách Lô Loan năm mươi dặm, lúc đến nơi thì trời đã xế chiều.

Người hầu của Hồ gia bước lên gõ cửa, gõ mãi mới có một lão bộc ra mở cửa, vừa trông thấy Tạ Trường Yến thì bỏ chạy. Nàng đuổi theo đến một căn phòng nhỏ, nhìn thấy một bà lão đang uống thuốc.

Bà lão đó ngẩng đầu lên, là Ông thị.

"Ông bà bà..." Tạ Trường Yến nhận ra bà ta, bà là nhũ mẫu của Tạ Phồn Y, lúc tam tỷ tỷ xuất giá bà ta mắc bệnh, định khỏi bệnh rồi mới lên đường, không ngờ nhờ thế tránh được một kiếp nạn. Sau này tin tức tam tỷ tỷ bỏ mạng truyền về, người khóc đau lòng nhất là bà ta. Mấy tháng sau đó, bà cáo lão về quê, ngũ bá bá đồng ý, từ sau đó nàng không còn gặp lại bà ta nữa.

Sao bà ta lại ở Trình quốc?

Ông thị cũng rất ngạc nhiên, đứng dậy nghênh đón: "Đây là... Thập Cửu tiểu thư ư?"

Tạ Trường Yến kể lại đầu đuôi câu chuyện một lượt, Ông thị nắm tay nàng: "Người nhìn thấy tam tiểu thư thật sao? Không nhìn nhầm chứ?"

Nét kinh hãi trên mặt bà ta không giống là giả, Tạ Trường Yến không khỏi ngây người: lẽ nào không phải bà ta cho người giả dạng tam tỷ tỷ dẫn dụ mình tới đây?

Ông thị nói bà ta về quê rồi mới biết con gái đã theo chồng làm ăn chuyển đến Trình quốc, bà ta cũng bèn sang Trình giúp chăm nom cháu. Nay cháu trai lớn rồi, con gái và con rể muốn về Yên để con trai tham gia khoa cử lấy công danh, nhưng không may bà ta bị bệnh phong thấp, đại phu nói khí hậu ở đây thích hợp dưỡng bệnh, đề nghị bà ta ở lại. Nay trong viện chỉ còn một lão bộc chăm sóc bà. Con ngựa kia mua về để kéo xe, tiện ra ngoài khám bệnh, thường ngày cũng ít dùng đến nên mất thì thôi vậy. Không ngờ ngựa thuộc đường về nhà, còn dẫn theo cả bọn họ.

Tạ Trường Yến không thu hoạch được thêm gì bèn hàn huyên với Ông thị đôi câu rồi cáo từ.

Trên đường về, càng nghĩ càng cảm thấy chuyện này thật quái lạ.

Hồ Trí Nhân hỏi: "Lời của Ông bà bà đó có tin được không?"

"Ta không biết... Bà ấy là nhũ mẫu của tam tỷ tỷ, rất được tỷ ấy kính trọng, còn là người hầu cũ của Tạ gia, vốn dĩ có thể tin tưởng nhưng mà..."

"Nhưng những điểm bất hợp lý quá nhiều, đúng không?"

"Đúng vậy." Tạ Trường Yến phân tích, "Một, bà ấy lớn tuổi rồi, lão bộc kia cũng vậy, nếu phải ra ngoài khám bệnh thì ngồi xe trâu không phải ổn thoả hơn sao? Trâu còn có thể cày bừa. Thứ hai, căn viện trông tồi tàn, không giống nhà giàu có, tại sao mất một con ngựa mà chẳng hề bận tâm? Phải biết rằng, đối với người dân bình thường mà nói, ngựa còn quý hơn cả nhà. Thứ ba, tại sao lão bộc đó thấy ta thì lại bỏ chạy? Chột dạ ư?" Những điểm này đều nói không thông, nhưng mà, dù sao Ông thị cũng là nhũ mẫu của tam tỷ tỷ, nàng không muốn ép cung, chỉ đành giả vờ tin đã rồi tính sau.

Hồ Trí Nhân nhìn Tạ Trường Yến chăm chú, thở dài nói: "Quả thật có quá nhiều chỗ sơ hở."

Mấy ngày sau đó, Tạ Trường Yến thường đến tìm Ông bà bà, lấy lý do nói chuyện để âm thầm quan sát, nhưng cũng chẳng phát hiện được gì. Thoắt cái đã đến cuối tháng. Một lần về Lô Loan, nhìn thấy nha dịch của quan phủ đang dán cáo thị, nói rằng sắp đến đại thọ của Trình vương, sứ thần các nước đến chúc mừng, để bảo đảm an toàn, ra vào đều phải kiểm tra nghiêm ngặt.

Nói vậy thì Yên quốc cũng có sứ thần đến. Tạ Trường Yến mừng thầm trong lòng.

Tuy rằng khoảng thời gian này sống ở nhà Hồ Trí Nhân, mọi thứ từ ăn uống đến áo quần đều được sắp xếp chu đáo nhưng trong sâu thẳm nội tâm nàng vẫn luôn cảm thấy không quen, cảm thấy cả thế giới dường như chỉ còn lại một mình nàng.

Năm xưa rời khỏi Ngọc Kinh đi du ngoạn sắp nơi có mẹ theo cùng. Sau khi mẹ qua đời thì còn Mạnh Bất Ly và mèo của hắn. Đứng ở một góc độ nào đó mà nói, Mạnh Bất Ly cũng tính là một nửa người thân của nàng. Nay, người thân không còn, một mình nàng ở quê người, gặp phải chuyện ly kỳ, nỗi nhớ quê nhà bỗng nhiên trỗi dậy.

Đặc biệt là sau khi nhìn thấy bóng trắng giống Tạ Phồn Y đó, nàng bỗng thấy nhớ ngũ bá bá, nhị ca ca, cửu ca ca, rất nhớ rất nhớ Ẩn Châu.

Tạ Trường Yến mang theo những cảm xúc đó bước lên xe ngựa, ai dè trông thấy hai phu xe bắt cóc nàng ngày ấy đang ở trước cổng thành. Bọn họ bị binh sĩ gác thành giữ lại, đang soát người.

Tạ Trường Yến cố gắng hồi tưởng lại, khi ấy trời tối, chỉ nhìn lướt qua, nhiều chi tiết khiếm khuyết, bởi nên sau đó nàng không vẽ chân dung của bọn họ đưa cho Hồ Trí Nhân truy tìm. Giờ phút này gặp lại, những điểm mơ hồ trong ký ức được bổ sung rõ ràng.

Không sai! Chính là hai kẻ này!

Tạ Trường Yến thấy trước cổng thành có không dưới hai mươi binh sĩ bèn nhảy xuống xe chỉ hai tên đó hét: "Hai người này là cướp!"

Đám binh sĩ ngẩn người ra, hai phu xe kia biến sắc, ném hành lý bỏ chạy.

Tạ Trường Yến giậm chân: "Bắt lấy bọn chúng!"

Bấy giờ mấy binh sĩ mới hoàn hồn, lập tức đuổi theo. Song, hai tên đó chạy quá nhanh, một trước một sau chớp mắt đã chạy xa hơn mười trượng, sắp hoà vào trong dòng người. Lúc này, đột nhiên một cây thương bắn tới, xuyên qua lồng ngực của tên phía trước rồi bắn trúng cổ của tên phía sau.

Máu phun ra, hai người đồng thời ngã xuống đất.

Cùng lúc đó, một nam tử mặc áo giáp đỏ cưỡi bạch mã thúc ngựa lao tới, lúc ngang qua người phía sau, tiện tay rút cây thương gắn dây tua đỏ trên cổ hắn ra.