Hoa Hồng Xứ Khác

Chương 11




Sau ba ngày, tôi kéo Bá ra quán cà phê.

Trước đây, hồi học làm thơ, tôi đãi Ngữ cà phê đen. Bây giờ, học... yêu, tôi đãi Bá cà phê sữa. Tình yêu quan trọng hơn thơ ca gấp một tỉ lần, vì vậy tôi không ngại ngần dốc cạn túi ra cung phụng "sư phụ".

Nhưng ngồi một hồi, thấy sư phụ cứ rung đùi nhâm nhi từng ngụm cà fê và thả khói Capstan mù mịt, chưa có vẻ gì muốn chỉ giáo, tôi sốt ruột hỏi:

- Sao? Mày nghĩ ra chưa?

Bá từ tốn:

- Rồi.

- Rồi là sao?

- Từ từ tao nói.

Phán xong một câu, Bá lại lim dim thả hồn theo khói thuốc. Trong khi đó tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi phải ổ kiến lửa, mắt không ngừng theo dõi vẻ mặt trịnh trọng của Bá. Đã mấy lần tôi tính mở miệng giục nhưng sợ cắt đứt luồng tư tưởng vĩ đại trong đầu nó, tôi đành mím chặt môi lại.

Đến khi uống gần hết ly cà phê và châm sang điếu thuốc thứ hai, Bá mới chậm rãi cất tiếng:

- Tao đã suy nghĩ suốt ba ngày đêm nay rồi...

Bá ngừng lại một chút để tăng thêm phần long trọng rồi hắng giọng "dạy" tiếp:

- Theo tao, để chinh phục được trái tim y-nốc của em Gia Khanh, trước tiên mày phải tuân thủ một lệnh cấm nghiêm ngặt...

- Lệnh cấm? - Tôi trố mắt.

Bá gật gù:

- Ừ. Cấm hát. Mày không được mở miệng hát bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Tiếng hát khủng khiếp của mày là một vũ khí phản chủ. Chỉ cần Gia Khanh nghe mày hát một lần là không bao giờ em dám bén mảng lại gần mày. Mày phải ghi xương khắc cốt điều đó!

Lệnh cấm của Bá quá khe khắt khiến tôi đâm lo. Tôi nhìn Bá, nhăn nhó:

- Tao không hát trước mặt Gia Khanh là được rồi! Những lúc không có nó, tao muốn hát hò gì kệ tao chứ!

Bá quắc mắt:

- Không được! Hát hoài, mày sẽ quen miệng! Tục ngữ có câu "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt"! Hát cũng như ăn cắp vậy, làm hoài sẽ quen, nguy hiểm lắm!

Thật tôi chưa thấy ai ăn nói liều mạng như Bá. Nó so sánh chuyện ca hát với chuyện ăn cắp khiến tóc gáy tôi cứ dựng đứng cả lên. Nhưng tôi không dám cãi. Sư phụ dẫu nói sai, đệ tử cũng đành phải khép nép gật đầu:

- Được rồi, tao sẽ không bao giờ ca hát nữa!

- Bất cứ nơi đâu?

- Bất cứ nơi đâu.

- Bất cứ lúc nào?

Tôi rầu rĩ:

- Bất cứ lúc nào.

Bá có vẻ hài lòng trước sự ngoan ngoãn của tên đệ tử si tình. Nó gục gặc đầu:

- Tốt lắm! Bây giờ tới bước thứ hai: bước tấn công!

Hai chữ "tấn công" đầy hứa hẹn đó có một ma lực thật mãnh liệt. Tai tôi lập tức dỏng lên, còn trái tim thì đập thình thịch như cối giã gạo.

- Tấn cống bằng cách nào? - Tôi hồi hộp hỏi.

- Bằng thơ.

- Bằng thơ?

Tôi kêu lên bàng hoàng và cảm thấy lòng mình như thắt lại. Tưởng thằng Bá nó bày vẽ hay ho như thế nào, chứ nó xúi tôi làm thơ thì chẳng khác nào nó đẩy tôi vào chỗ chết. Thi sĩ tài hoa Ngu Kha đã kiên trì tỏ tình với Gia Khanh hết bài thơ này đến bài thơ khác còn không lay chuyển nổi trái tim y-nốc của nó, tài cán làng nhàng cỡ tôi ăn thua gì.

Vẻ mặt thất sắc của tôi khiến Bá ngạc nhiên:

- Làm gì mày tái mét thế? Hay là mày sợ?

- Việc gì phải sợ! Nhưng tao thấy kế hoạch của mày không ổn! - Tôi nói như mếu - Tấn công bằng thơ thì đến Tết Công-gô mới mong có kết quả! Thằng Ngữ làm cả khối thơ tình cho Gia Khanh mà có "thu hoạch" được gì đâu!

Bá nhìn tôi lom lom:

- Thằng Ngữ làm thơ cho Gia Khanh hồi nào?

Tôi thở dài, chẳng buồn giấu giếm nữa:

- Ngu Kha chính là nó!

- Hà hà! - Bá cười khinh khỉnh - Vậy mà tao hỏi, nó cứ chối bai bải. Được rồi, nó sẽ biết tay tao!

Rồi Bá liếc tôi, trách:

- Còn mày nữa! Cả mày cũng giấu tao!

Tôi chống chế:

- Tại thằng Ngữ nó dặn tao giữ bí mật cho nó. Vả lại, hồi đó khác. Hồi đó, tao chưa thấy... thương Gia Khanh.

Nói xong, bất giác tôi cảm thấy ngượng ngùng và vội vã nhìn xuống đất.

Bá đúng là một bậc sư phụ có lương tâm. Thấy tôi xấu hổ, nó không nỡ chọc quê, mà gật gù độ lượng:

- Mà thôi, chuyện cũ bỏ qua! Bây giờ tính tiếp chuyện mới!

Nghe nhắc "chuyện mới", tôi giật mình ngước lên:

- Chuyện làm thơ hả?

- Thì chuyện đó chứ chuyện gì!

Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

- Thôi, thôi, tao không làm đâu! Tao đã nói rồi...

Sự bướng bỉnh của tôi khiến Bá nổi cáu. Nó sẵng giọng:

- Không có "thôi, thôi" gì hết! Nếu mày cãi lời tao thì mày đi mà tán tỉnh Gia Khanh lấy một mình, tao không thèm "cố vấn" cho mày nữa!

Thấy Bá giận dỗi, tôi bỗng lo sốt vó. Tôi đang cần nó như cá cần nước. Nó mà bỏ rơi tôi, có cho vàng tôi cũng chẳng dám "tấn công" Gia Khanh một mình. Vì vậy, tôi đành bấm bụng năn nỉ:

- Thôi được rồi, tao sẽ làm theo lời mày. Tao sẽ làm thơ.

Nói chuyện làm thơ mà sao giọng tôi thiểu não như sắp khóc đến nơi. Trước đây, tôi hào hứng làm thơ biết bao nhiêu. Tôi mơ trở thành thi sĩ. Tôi thèm làm Nguyễn Du, Nguyễn Bính đến cháy lòng. Tôi đã dẫn thằng Ngữ đi uống cà phê ngày này qua ngày khác để mong nó "xúc động" mà đăng thơ tôi. Vậy mà bây giờ nghe nhắc đến chữ "thơ", tôi bỗng đâm ra sợ hãi.

Hồi trước, tôi hì hục làm thơ là cốt để đăng báo, cốt để trở thành thi sĩ. Còn bây giờ Bá "bắt" tôi làm thơ là cốt để... tỏ tình. Hồi trước là nghệ thuật vị nghệ thuật. Bây giờ là nghệ thuật vị nhân sinh. Hồi trước, tôi làm thơ có ẹ đến đâu cũng chẳng ảnh hưởng gì đến... hòa bình thế giới, cùng lắm là nghe thằng Ngữ chê ỏng chê eo. Còn bây giờ mọi sự nghiêm trọng hơn nhiều. Nếu tôi ngốc nghếch xổ "thơ con cóc" ra tặng Gia Khanh, không những nó sẽ cười vào mũi tôi mà nó còn co cẳng chạy dài, không hẹn ngày trở lại. Nếu vậy thì tao sẽ sống với ai, Bá ơi là Bá!

Dường như đọc được nỗi lo lắng trong mắt tôi, Bá hùng hồn động viên:

- Mày đừng lo, tao sẽ làm chung với mày! Hai đứa xúm vô làm một bài, chắc chắn thơ sẽ hay!

Sự hứa hẹn của Bá giúp tôi yên tâm phần nào. Tôi gật đầu:

- Ừ, mày làm phụ với tao đi!

Thế là trưa hôm sau, đợi cho tiếng trống tan trường vang lên, tôi với Bá nháy nhau ở lại. Hai đứa giả vờ loay hoay tìm cái gì đó trong ngăn bàn để nấn ná đợi cho tụi kia ra trước. Đến khi lớp học vắng hoe không còn một mống, tôi với Bá liền ngồi xích lại bên nhau và xé giấy trong tập ra bắt đầu... làm thơ. Tụi tôi không dám sáng tác tại nhà, sợ tụi thằng Nghị dòm ngó.

Hóa ra thằng Bá cóc biết gì thơ với thẩn. Nó còn tệ hơn tôi. Dù sao tôi cũng được nhà thơ Ngu Kha chỉ cho vài đường nhập môn, chứ Bá thì mù tịt. Nó nhận xét và chê bài thơ của người khác thì giỏi, còn đến khi tự mình "sáng tác", nó bậm môi tẩy tẩy xóa xóa một hồi rồi cắn bút ngó tôi:

- Làm thơ khó thật mày ạ!

- Thì khó chứ sao!

Tôi đáp, giọng ỉu xìu. Từ nãy đến giờ, tôi cũng chẳng nghĩ được một câu thơ nào ra hồn. Kiểu này chắc kế hoạch tấn công bằng thơ của Bá phá sản đến nơi.

- Giờ tính sao mày? - Bá lại hỏi.

Bá đã mất hết vẻ hùng hổ. Nó hỏi tôi y như cậu học trò thỉnh giáo... sư phụ. Vẻ mặt hoang mang của nó khiến tôi phì cười.

- Còn cười nữa! - Bá nhăn mặt.

Thấy sư phụ bắt đầu cáu kỉnh, tôi vội vã làm nghiêm, hiến kế:

- Giờ chỉ còn một cách.

- Cách gì?

- Kiếm một tập thơ tiền chiến.

- Chi vậy?

- Học tập chứ chi! Thằng Ngữ từng bảo vậy.

Lần đầu tiên Bá không bĩu môi khi nghe nhắc đến tên Ngữ. Nó vừa nếm trải cay đắng của việc làm thơ nên tỏ ra biết người biết ta hơn trước. Nghe tôi đề nghị, nó đồng ý ngay:

- Vậy mày đi kiếm đi!

Thế là tôi kiếm. Nhưng tôi không nhờ Ngữ. Hỏi Ngữ thì có ngay nhưng như vậy nó sẽ biết tỏng tòng tong ý đồ ám muội của tôi.

Tôi hỏi mượn mấy đứa lớp khác. Chiều hôm sau tôi kẹp nách cuốn "Việt Nam thi nhân tiền chiến" hối hả chạy đi tìm Bá.

Tôi bắt gặp nó ngoài bàn billard. Nó đang thi tài với thằng Nghị.

- Ra đây! - Tôi ngoắc Bá.

- Chờ tao chút! Gần xong rồi!

Tôi không dám bước vô phòng, sợ thằng Nghị nhìn thấy cuốn sách bửu bối của tôi. Tôi đành đứng chờ ngoài cửa.

Lát sau, Bá chạy ra:

- Chuyện gì vậy?

Tôi hí hửng giơ cuốn sách lên trước mặt nó.

Mặt Bá rạng rỡ hẳn lên. Nó khoát tay:

- Chuồn gấp trước khi thằng Nghị ra!

- Nó đâu rồi?

- Nó đang rửa tay trong kia!

Vừa nói, Bá vừa bá vai tôi kéo đi.

- Lên trường hả? - Tôi hỏi.

Bá lắc đầu:

- Giờ này trường đóng cửa rồi, đâu có vào được. Tao với mày về nhà.

- Về nhà? - Tôi giật thót.

- Ừ.

- Tụi thằng Ngữ thấy sao?

Bá hừ mũi:

- Thấy sao được! Tao với mày tót ra vườn ngồi làm.

Về tới nhà, tôi với Bá xé vội xé vàng mấy tờ giấy rồi cầm cuốn sách lẻn ra sau vườn.

Lót dép dưới mông, hai đứa ngồi bệt trên bãi cỏ nằm khuất sau bụi dâm bụt cuối vườn, hồi hộp mở sách ra xem. Cuốn sách dày cộm, toàn những thơ là thơ. Tôi và Bá chúi đầu vào đọc lấy đọc để.

Bài thơ nào trong sách tôi cũng thấy hay, nhưng "học tập" chúng như thế nào để làm được những bài thơ cũng hay như thế, sao tôi thấy gian nan quá. "Nghiên cứu" một hồi, tôi đâm nản chí, liền quay sang Bá:

- Sao mày? Học tập người ta được chút nào chưa?

Bá ưỡn ngực:

- Sao không được! Thông minh như tao học ít hiểu nhiều! - Rồi nó phán, giọng hách xì xằng - Mày lấy giấy viết ra đi, tao đọc cho mà chép!

Tôi sáng mắt lên:

- Mày nghĩ ra thơ rồi hả?

- Ừ. Một bài thơ cực kỳ tình tứ. Em Gia Khanh đọc xong, hẳn sẽ chết mệt vì mày!

Bá chứng nào tật nấy. Nó không bỏ được cái thói huênh hoang. Nhưng lần này, tôi thấy cái thói xấu đó sao mà đáng yêu quá chừng. Tôi liền trải tờ giấy lên đầu gối, cây viết cầm lăm lăm trên tay, và ngước mắt nhìn Bá, giục:

- Rồi! Đọc đi!

Bá đẩy gọng kính trên sống mũi, giở giọng trịnh trọng:

- Bài thơ lịch sử này có tựa đề là... "Biết đến bao giờ"!

- "Biết đến bao giờ" nghĩa là sao?

Bá nguýt tôi:

- Mày đừng có hấp tấp! Cứ ngồi yên đó nghe tao giải thích. "Biết đến bao giờ" là một lời nhắn gởi đến Gia Khanh, nó nói lên tình yêu và nỗi chờ mong mòn mỏi của mày. Khi biết được nỗi lòng... thòng của mày rồi, em sẽ tìm cách đáp lại.

Thằng Bá nói nghe thì sướng tai thật, nhưng tôi không tránh khỏi lo âu:

- Biết đến bao giờ em mới... đáp lại?

Bá gắt:

- Làm sao tao biết được! Đó là chuyện của em. Nhiệm vụ của mày là đặt câu hỏi. Nhiệm vụ của em là trả lời. Mày hỏi "Biết đến bao giờ"? Có thể em sẽ đáp lại ngay "Ngay ngày mai" hoặc "Ngay tối nay", ai biết được!

Tôi nhủ bụng: chắc Gia Khanh sẽ đáp "Ngay tối nay". Yên tâm với viễn ảnh sáng sủa đó, tôi không thắc mắc nữa. Tôi múa may cây viết trên tay, phấn khởi nói:

- Thôi, mày đọc thơ cho tao chép đi!

Bá sửa lại cổ áo, hắng giọng đọc. Nó đọc chậm rãi từng câu, mắt không rời khỏi trang sách. Tôi ngồi bên cạnh hí hoáy chép, bụng mừng rơn.

Tôi tưởng bài thơ dài, hóa ra chỉ có bốn câu. Chép xong câu thứ tư, thấy Bá ngồi im không động đậy, tôi sốt ruột giục:

- Đọc tiếp đi! Nghĩ gì lâu vậy?

Bá cười khì:

- Còn đâu nữa mà đọc! Hết rồi!

Tôi ngơ ngác:

- Thơ gì ngắn ngủn vậy?

Bá nhún vai, triết lý:

- Thơ hay không nệ ngắn hay dài. Bài thơ này tuy có bốn câu nhưng chứa đựng cả một trời... thương nhớ, thơ vạn câu chưa chắc "ăn" nổi! Không tin, mày đọc lại xem!

Tôi đưa bài thơ lên sát mắt, lẩm nhẩm "đọc lại xem":

Biết đến bao giờ em biết yêu

Cho tôi theo với, kéo tôi nhiều

Tôi biết tình em e ấp lắm

Bên nhau mà xa cách bao nhiêu!

Quả thật, càng đọc tôi càng nhận thấy đây là một bài thơ tuyệt tác và bụng không ngớt khen thầm thằng Bá. Nó đích thị là một thiên tài. Bắt làm một mình, nó nặn không ra một chữ. Nhưng đưa thơ người khác cho nó đọc, nó "học tập" nhanh ghê. Thơ nó hay không thua gì thơ tiền chiến. Lại hợp tình hợp cảnh làm sao!

Thấy tôi gật gà gật gù, Bá hớn hở:

- Thơ hay không?

- Tuyệt! - Tôi tấm tắc khen.

Bá phổng mũi:

- Tao đã nói rồi mà! Thơ hay cần quái gì dài!

Tôi lại buột miệng:

- Ừ, ngắn mà hay ghê!

- Thì vậy!

Cái cảnh "mẹ hát con khen hay" diễn ra thật xúc động. Bá phải nhắm mắt lại để lòng khỏi rưng rưng. Lát sau, nó mở mắt ra và để trả ơn tôi, nó khen:

- Mắt mày không lé. Mày có cặp mắt tinh tường. Mười năm nữa, mày sẽ trở thành một phê bình gia trứ danh.

Mỗi lần "nịnh" tôi, Bá đều phong cho tôi một "tước", hết triết gia đến họa gia, và bây giờ là phê bình gia. Nhưng tôi cần quái gì những thứ "gia" xa vời đó. Tôi chỉ quan tâm đến thứ "gia" trước mắt: Gia Khanh! Vì vậy, tôi nôn nóng nói:

- Chuyện mười năm sau để mười năm sau tính, còn bây giờ tao chép lại bài thơ gửi cho thằng Ngữ nghen!

- Khoan đã! - Bá vội vã xua tay - Chờ tao nghĩ ra cho mày một cây bút hiệu đã!

- Ừ hén.

Tôi sực nhớ ra bài thơ chưa có tên tác giả. Trong khi tôi đang loay hoay nghĩ xem nên đặt tên gì thì Bá đã sốt sắng giảng giải:

- Trong trường hợp của mày, cái bút hiệu phải nói lên được tâm sự của tác giả. Chẳng hạn, bông hồng nhung tượng trưng cho tình yêu nồng cháy, mày có thể lấy bút hiệu là... Hồng Nhung.

Tôi rụt cổ:

- Thôi đi mày! Bút hiệu gì mà nghe như tên con gái!

Bá tằng hắng:

- Hay là mày lấy bút hiệu Nguyệt Tơ. Nguyệt Tơ tức là ông Tơ bà Nguyệt, tức là xe chỉ ố mấy kim là luồn kim, ố mấy kim là luồn kim...

Tôi lắc đầu, cắt đứt bài dân ca của Bá:

- Bút hiệu gì thấy ghê!

Bị cụt hứng, Bá quắc mắt:

- Tên gì mày cũng chê, thôi thì lấy đại tên T.T.Kh. đi!

Tôi gãi đầu, nghi hoặc:

- Sao tao thấy tên này có vẻ quen quen!

Bá thản nhiên:

- Thì đó là tác giả của bài "Hai sắc hoa ti ngôn" tao mới đọc khi nãy. Nhưng T.T.Kh. của mày là T.T.Kh. hiện đại. T.T.KH. tức là "tôi thương Khanh"!

Tôi chắp hai tay trước ngực:

- Thôi, thôi, cho tao xin! Có "thương Khanh" thì thương đàng hoàng, thương kiểu đó nó tưởng tao ăn cắp thơ của T.T.Kh. thì khốn!

Bá thở một hơi dài thườn thượt, giọng ngán ngẩm:

- Tao chọn giùm mày toàn những bút biệu hạng nhất. Thằng Ngữ làm thơ cả đời cũng chỉ mong có được một cái bút hiệu như vậy mà nghĩ không ra, còn mày thì lại chê! Thôi thì mày lấy quách tên Khánh Khoai vậy!

Tôi trố mắt:

- Khánh Khoai! Bút hiệu gì lạ vậy?

Bá nhún vai:

- Thì Khánh Khoai là "khoái Khanh". Cũng như Thanh Khương là "thương Khanh", có gì đâu mà lạ!

Tôi cười như mếu:

- Thôi mà, Bá! Tao nhờ mày giúp thật, còn mày thì lại giỡn!

Bá cau có:

- Giúp cái khỉ mốc! Tao nói thật mày không nghe, tao phải nói giỡn chứ sao! Còn nếu không "tín nhiệm" tao, mày đi tìm thằng Ngu Kha mà hỏi!

Nghe Bá nhắc đến Ngu Kha, tôi chợt sáng mắt lên:

- €, hay là mình đặt bút hiệu theo cách của nó?

- Cách của ai?

- Của thằng Ngu Kha.

Bá bĩu môi:

- Cách của nó hay ho gì mà bắt chước!

Tôi bênh vực Ngữ:

- Hay chứ sao không! Nó chơi trò ghép tên "độc" lắm!

- Ghép tên sao?

Tôi tặc lưỡi giải thích:

- Nó ghép tên nó với tên Gia Khanh. Ngu Kha tức là Ngữ Khanh đó!

Tiết lộ của tôi khiến Bá nghệt mặt ra. Nó hít hà:

- Chà, chà! Thằng Ngữ này ranh ma gớm! Nó làm chuyện động trời như vậy mà không ai hay biết! Á à à...

Rồi nó chép miệng khen:

- Hay! Quả là một sáng kiến hay!

Tôi ngạc nhiên nhìn Bá. Nó với Ngữ chẳng khác nào chó với mèo, cứ gặp nhau là nhe răng gầm gừ, vậy mà bây giờ nó chịu mở miệng khen đối thủ của mình, chứng tỏ cái trò ghép tên này quả là một "độc chiêu" chứ không phải chơi.

Quả nhiên, khen Ngữ xong, Bá hất hàm hỏi tôi:

- Vậy thì mày cứ chơi trò ghép tên. Thằng Ngữ dám chơi, mình sợ gì! Hơn nữa, mày thuận lợi hơn nó, Khoa với Khanh cùng phụ âm "Kh", rõ ràng có duyên tiền định. Còn chữ Ngu Kha đọc lên sao thấy nó... ngu ngu!

Bá nhận xét giống hệt tôi. Hôm trước, tôi dại dột nói lên điều đó trước mặt Ngữ, bị nó chửi một trận nên thân. Lúc đó, tôi tưởng chỉ mình tôi có cảm giác vớ vẩn như vậy, nào ngờ thằng Bá "nhạy cảm" không kém gì tôi. Thật chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đứa tôi chơi thân với nhau. Tôi nhìn Bá bằng ánh mắt trìu mến và thỏ thẻ hỏi:

- Vậy bây giờ tao phải ghép làm sao? Chẳng lẽ ghép thành "Khoa Khan" hoặc "Kho Kha"?

Bá hừ mũi:

- Không được! Cả hai bút hiệu đó đều "không giống ai". Mày phải để là Kh.Kh. Bút hiệu này nó vừa bí ẩn lại vừa rõ ràng. Nó ỡm ờ như chính tình yêu! Thằng Ngữ, thằng Hòa, thằng Nghị sẽ phải phát ghen với nhà thơ mới nổi Kh.Kh!

Bá vẽ vời thật hấp dẫn. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lo:

- Bút hiệu Kh.Kh. đọc lên sao tao thấy "khờ khờ". "Khờ khờ" thì cũng từa tựa như "ngu ngu", có hơn gì bút hiệu của thằng Ngữ đâu!

Phát hiện của tôi khiến Bá giật mình. Nó gãi đầu, bối rối:

- Ừ hén! Tao quên để ý chuyện đó! - Rồi nó ngập ngừng bảo - Vậy thôi, mày bỏ chữ "h" đi! Lấy bút hiệu là K.K.!

Tôi lại nhăn mặt:

- "Ca ca" nghe mất vệ sinh quá! Trong tiếng Pháp, "ca ca" có nghĩa là...

Bá cười hề hề:

- Mày lo xa quá! Gia Khanh nó học tiếng Anh chứ đâu có học tiếng Pháp. Nó có biết "ca ca" là cái quái gì đâu! Nó sẽ hiểu "ca ca" theo nghĩa chữ Hán. "Ca ca" là anh, là "đại huynh". Mày là đại huynh, nó là tiểu muội, còn muốn gì nữa!

Nghe Bá thuyết một hồi, tôi nức lòng nức dạ, đồng ý ngay. Từ hôm nay, tôi là K.K., mặc dù cái tên đó có vẻ điệp viên hơn là thi sĩ. Nhưng không sao, miễn tôi được làm đại huynh thương nhớ. Khi bài thơ đăng lên, tôi sẽ thủ thỉ bên tai Halley tiểu muội: "Gia Khanh đã đọc bài thơ của K.K. trên tờ báo lớp mình chưa? Gia Khanh có biết nhà thơ K.K. lãng mạn kia là ai không?".

Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Và tôi không cần phải giải đáp. Gia Khanh học tiếng Anh, hẳn nó sẽ thừa thông minh để hiểu "ai" tức là "I", đại từ ngôi thứ nhất số ít, tức là "tôi", tức là đại huynh của nó đây chứ còn ai nữa!