Hồ Tuyệt Mệnh

Hồ Tuyệt Mệnh - Chương 38: Bản đồ song sinh




Thuyền cập bến, Na Lan đã hiểu ra, mình không nên để cho thất bại tình cảm biến thành mũi kiếm thọc vào yết hầu. Lên bờ, cô lưỡng lự, có nên mượn di động của ông chủ tàu để gọi cho Ba Du Sinh xin đến "tự thú" với anh không. Đang cố nhớ lại số di động của Ba Du Sinh, thì một cơn gió lại ùa đến khiến cô rùng mình, và nhớ ra chiếc áo chẽn đã rơi mất ở đâu chẳng rõ nữa.

Ước gì được nấy, một chiếc áo choàng đặt trên vai Na Lan.

Cô kinh ngạc ngoảnh lại. Đôi mắt sâu, hiền hòa, khuôn mặt tuấn tú sáng sủa. Và giọng nói thân thiết: "Các bạn thân của cô đều đang ở đây, cô có cần gọi điện cho ai không?".

Đặng Tiêu. Vẫn phong độ, nhẹ nhõm, và thêm nét phong sương bụi bặm nữa, nhưng vẫn không che nổi tình cảm sôi động sâu sắc "nếu muốn khóc thì cứ ngả vào vai anh mà khóc".

Na Lan bỗng xúc động, muốn ngả vào vai anh òa khóc. Chỉ cần anh ôm choàng vai cô thì điều đó sẽ xảy ra ngay.

Đặng Tiêu đâu phải hạng tiểu nhân ham lợi dụng, anh vẫn đứng im, ôn tồn nói: "Điều duy nhất cô cần làm lúc này là phải ngủ một giấc thật sâu." Quân tử không ham hố. "Nhìn xem, có ai đến đón cô nữa?"

Na Lan chưa kịp ngoảnh lại thì đã có người cốc vào đầu cô một cái.

Chưa thấy người thì cô cũng biết đó là ai.

Là cô gái tóc xõa chấm vai, mắt sáng, răng trắng bóng, đã quá lâu không gặp. Đào Tử!

Na Lan không nhớ nổi đã bao lâu mình chưa được tha hồ khóc như thế này. Và, đáng ngán nhất là nước mắt giàn giụa ngay trước mặt "công chúng". Nhưng mặc kệ! Tôi đã chạm trán với thần chết, tôi lại phóng túng trong mê cung tình ái, tôi có thừa tư cách để khóc lóc!

Đào Tử vuốt mái tóc ngắn của bạn, xót xa: "Ổn rồi, bây giờ không phải lo gì nữa, chuyến đi tự đày đọa mình của cậu đã kết thúc rồi!".

Tâm trạng đã ổn định trở lại, Na Lan quay sang Đặng Tiêu, nói: "Lần trước gặp nhau, anh nói là có thể giúp tôi
tàng hình, mai danh ẩn tích, thành một người khác, có thật thế không?".

Đặng Tiêu bình thản không chút ngạc nhiên, đã lường trước Na Lan sẽ hỏi câu này, anh cười nói: "Không những vẫn là thật, tôi còn bảo đảm cô không cần đi Hàn Quốc mà vẫn có thể làm thẩm mỹ thay đổi ngoại hình."

Sắp đến ngày khai giảng. Được Ba Du Sinh giúp đỡ, Na Lan đã xin với Ban nghiên cứu sinh cho phép cô nợ vài môn học cơ bản, cô sẽ bổ túc bằng cách tự học và học qua băng ghi âm mà Đào Tử đã ghi hộ. Ba Du Sinh còn bố trí cho cô nơi ở an toàn và cử chiến sĩ bảo vệ nữa. Nhưng cô vẫn lựa chọn Đặng Tiêu đón cô đi. Cô biết Đặng Tiêu là một trong số cực ít người ở Giang Kinh có thể giúp cô thực hiện kế hoạch.

Một kế hoạch còn nguy hiểm hơn cả việc tiếp cận Tần Hoài.

Chiếc xe chở Na Lan chạy sâu vào khu sân trường, rồi chạy đến trước Lầu Nhớ nhung là khu văn phòng khoa Ngữ văn. Lầu Nhớ nhung nằm giữa một vườn hoa nhỏ có những hàng trúc xanh bao quanh, bốn bề là cây cối, không có chỗ đỗ xe, nhưng Đặng Tiêu vẫn cứ bóp còi inh ỏi khắp con đường nhỏ.

Na Lan lúc này không nghĩ gì đến phép tắc cộng đồng gì gì nữa, cô nhanh chóng xuống xe rồi chạy như bay vào khu nhà.

Gặp Cung Tấn, cô hỏi luôn: "Anh giúp tôi với!".

Cung Tấn đang mải chỉ dẫn cho hai nữ nghiên cứu sinh năm đầu, thoạt nhìn Na Lan anh không nhận ra, một lát sau mới cười nói: "Nếu không phải cô đã gọi điện trước thì tôi không dám nghĩ là cô. Giới thiệu với hai em, đây là người mà hai em đã nghe tên quá nhiều, sắp phát chán rồi: Na Lan!".

Hai cô gái tươi cười đứng dậy, Na Lan nói: "Xem ra, tai tiếng của tôi đã bay khắp chốn mất rồi!.

"Nghe nói chị quen anh Tần Hoài." Một cô trông còn đậm nét nữ sinh cấp III non choẹt hỏi. "Có đúng là anh ấy giống như báo chí vẫn nói không hả chị?"

Na Lan đáp: "Còn tệ hơn thế! Cứ chờ đọc blog của tôi, sẽ có cả ảnh chụp hẳn hoi!".

Hai cô gái đi rồi, Na Lan hỏi: "Anh đã tìm giúp người phiên dịch chưa?".

Cung Tấn nói: "Cô tốt số nên đời cô mới được gặp tôi! Đã tìm được phiên dịch rồi. Đại học Giang Kinh không có ai biết cổ văn Mông Cổ, nhưng tôi đã tìm ra một vị chuyên gia làm ở Viện khoa học xã hội của tỉnh. Xem bản đồ ấy, ông ta bảo đó là văn tự Pasipa (1) chính cống thời Nguyên, dịch cũng dễ thôi." Cung Tấn mở cặp lấy ra tấm bản đồ, năm xưa Tần Hoài đã từng căn cứ vào bản đồ này đi tìm "kho báu", nhưng công cốc, nhưng anh ta vẫn dựa vào nó để viết tiểu thuyết kiếm ra ít tiền. Khi anh ta đưa bản đồ ấy cho Na Lan xem, cô đã photo lại một bản ngay trong thư phòng, nào ngờ lại có
dịp dùn nó cho một kế hoạch mới.

Na Lan cầm xem, thấy bên cạnh các ký tự Mông Cổ đều đã có chú thích chữ Hán, nói: "Rất cám ơn anh. Tôi đi đây. Hẹn khi nào tôi được tự do, sẽ mời anh và chuyên gia văn tự Mông Cổ dùng cơm."

Nói rồi cô bước đi, nhưng Cung Tấn đã gọi ngay: "Đừng đi vội!"

Na Lan đoán có lẽ anh ta định tán tỉnh mấy câu giời ơi đất hỡi, nhưng không phải thế. "Cô có biết tấm bản đồ của cô còn có người anh em sinh đôi không?"

"Gì cơ?". Na Lan ngớ ra, nghĩ bụng có lẽ anh ta đang chơi chữ gì đó. Thả bản đồ này vào máy photo sẽ ra một lô "anh em" giống hệt, khó gì?

Cung Tấn nói: "Vị chuyên gia ấy nhìn tấm bản đồ này nói luôn 'Hình như tôi đã thấy nó... à, không, không hoàn toàn giống nhau'. Sau đó không rõ bao nhiêu tiếng đồng hồ, ông ấy liên tục gọi điện, gửi E-mail cho tôi, và sau cùng, từ Khu-khơ-hao-tơ xa xôi gửi cho tôi một bản fax..."

"Anh đang nói đùa à?"

Cung Tấn lại mở cặp lấy ra một tờ giấy đưa cho Na Lan.

Thoạt nhìn, thấy tờ photo bản đồ Hồ Chiêu Dương này giống hệt bản photo của Tần Hoài, từ kích thước, chữ Mông Cổ, cho đến các vết nhăn ở mép xung quanh.

"Có lẽ nó là một thật." Cô chưa nhận ra có gì khác nhau.

"Em ơi nhìn kỹ đi!"

Nhìn thật kỹ, cô nhận ra có một số vị trí đánh dấu khác nhau, tên gọi cũng khác. Hình như có hai hệ thống tiêu chí địa lý khác nhau.

Cung Tấn nói: "Tờ bản đồ này phát hiện ra cách đây 3 năm tại một nơi rất hẻo lánh thuộc vùng Nội Mông. Thoạt đầu các chuyên gia đều cho rằng nó vẽ hồ Khu-luân hoặc hồ Pô-stăng, nhưng đều thấy rất khó kết luận, vì diện mạo các hồ nước ngọt ở Nội Mông nay đã thay đổi rất nhiều, các ký tự ở bản đồ cũng không khớp với các tên gọi cũ. Vì giá trị khảo cổ và văn hóa không rõ ràng nên việc nghiên cứu tấm bản đồ da dê ấy bị gác lại. Vị chuyên gia ở Viện khoa học xã hội năm kia đã đi công tác đến Viện bảo tàng thành phố Khu-khơ-hao-tơ, ông nhìn thấy tấm bản đồ ấy nhưng không mấy bận tâm, có thể nói thẳng thắn là, nếu không nhìn kỹ thì cũng cho rằng hình dáng cái hồ trong bản đồ không khớp với hồ Chiêu Dương ngày nay."

"Vậy ông ấy có kiến giải như thế nào về hai tấm bản đồ này?" Na Lan tò mò hỏi.

Cung Tấn lắc đầu: "Không có. Ông ấy bảo, xem ra cũng chỉ là hai tấm bản đồ hồ Chiêu Dương, rất bình thường. Chẳng qua chỉ là dùng văn tự Pasipa đánh dấu một số nơi trên đảo Hồ Tâm mà thôi. Không biết về tác giả, về niên đại, thì chẳng có ý nghĩ gì đáng kể.
Na Lan lên mạng, vào trang web của những người ưa thể thao dưới nước "Câu lạc bộ bơi lặn", thấy có diễn đàn Đổng Thành của Giang Kinh. Cô đăng ký gia nhập, dùng vài hôm, rồi kết bạn và giao lưu với vài nhân vật rất nhiệt tình của diễn đàn. Việc này chẳng khó gì, vì dường như cô là nữ duy nhất tham gia diễn đàn.

"Bạn là học viên xinh đẹp trong lớp huấn luyện của Bế Tiểu Châu phải không?" Anh chàng có nickname "DadaShasha" quản trì tạm thời trang mạng bắt đầu "chat" với cô. Na Lan dùng nickname "Jinyiwei", khéo léo tự giới thiệu mình thuộc type con gái "nửa vật chất" nhân nhã hưởng thụ nhưng có tính độc lập cao, thích thời trang, ẩm thực, kinh tế gia đình rất mạnh, khong cần gắng sức để săn lùng các công tử con nhà giàu; nhưng lại nghĩ mình bỗng dưng sống trong căn nhà hoa lệ bên hồ nước ngồi uống trà sữa thơm nồng, xa xa là hòn đảo nhỏ đôi khi khiến mình phải bâng khuâng, dưới nhà lại có chàng trai tuấn tú phong độ với đôi mắt sâu lắng chứa đứng biết bao tình... mình cảm thấy thật khó nói ra cái từ rất ngượng mồm.... là... chàng trai con nhà giàu...

Dẫu tối hôm đó Na Lan đào mộ Andersen hoặc anh em Grimes, bắt họ tái thế, họ cũng không viết nổi truyện đồng thoại như thế này.

Na Lan đánh chữ tíu tít: "Anh cho rằng tôi là học viên lớp dạy bơi của Tiểu Châu à? Tôi thừa sức làm cô giáo thì có!".

DadaShasha: "Bạo mồm nhỉ?"

Na Lan: "Hít một hơi có thể bơi đến tận chân trời."

DadaShasha: "Hít một hơi nói một tấc đến trời!"

Na Lan: "Không tin thì thôi."

DadaShasha: "Chiều thứ Bảy hàng tuần, bọn này tập trung ở một chỗ bên sông Thanh An, cùng bơi lặn thám hiểm. Nếu bạn thấy thích thì có thể gia nhập. Chơi xong, thường kéo nhau đến một quán bình dân uống rượu trò chuyện."

Na Lan: "OK, lần này ở đâu?".

DadaShasha: "Tôi sẽ gửi tin nhắn cụ thể cho bạn. Ngoại thành, giao thông không tiện lắm, phải tìm xe, cứ cho tôi biết."

Na Lan: "Cảm ơn thiện chí. Chắc tôi sẽ kiếm được xe."

DadaShasha: "Không cho anh đây một cơ hội à?" Sau đó là một lô .

Na Lan mỉm cười. Ít ra anh chàng này cũng thẳng thắn, chân thành. Cô tiếp tục gõ:

"Anh đã nhắc tôi, tôi đoán các anh là một hội rất quậy, nhưng có ba gai bát nháo không đấy? Tôi không nhát gian nhưng chưa to gan đến nỗi nộp mình cho yêu tinh đâu."

DadaShasha: "Yên tâm đi, trong đám người ưa bơi lặn cũng có kẻ thiểu năng nhưng không được chơi với vọn anh. Mấy thằng bọn anh đều rất háu gái nhưng lại rất lịch sự."

Na Lan bật cười.

DadaShasha là một anh chàng Cự Vô Bá, từ đầu đến chân
cơ bắp cuồn cuộn, ngồi trên cái ghế tre của bán bình dân luôn có nguy cơ "bật hãi". Đúng là anh ta không khoác lác, mấy người bạn cùng đi bơi sau đó ngồi uống rượu, đều có vẻ chất phác. DadaShasha và Bế Tiểu Châu là người Giang Kinh, còn mấy anh kia sau khi tốt nghiệp đại học thì bám trụ Giang Kinh để kiếm sống. Sau lần bơi lặn này Na Lan đã khá quen vớ họ. DadaShasha tên thật là Giải Quýnh, tấm danh thiếp anh ta đưa cô thì in là Giải Cảnh. Cách nói năng khi ăn nhậu giống hệt phong cách anh ta "chấp chính" trên diễn đàn: vô đoán nhưng lại rất hài hước.

"Nào, mời bạn Na Lan nâng cốc! Thật to gan, dám đến nghịch nước với bọn anh, và cũng bạo mồm nữa, nhưng đúng là có bản lĩnh bơi lặn, hơn hẳn các người đẹp mới biết bơi, còn phải cố thêm nữa. Bọn anh có thể gọi em là 'cô' được rồi..."

Một anh cười cười, xen vào: "Thế thì ai là thầy?".

Giải Quýnh nói: "Hỏi vớ vẩn! Cậu không nhìn thấy 'thầy' lái chiếc xe Land Rover đưa bạn Na Lan đến à, đúng không?"

Na Lan biết họ đang muốn "khai thác" cô. Các anh không biết à? Em ra đường làm bộ thiểu não đáng thương, thế là vẫy xe đi nhờ được. Người tốt trên đời này vẫn rất nhiều."

Thấy cô không đụng đến rượu, Bé Tiểu Chây nói: "Giải Quýnh đừng ép nữa, nếu Na Lan không biết uống rượu thì để bạn ấy uống cô-ca."

Na Lan nâng chén rượu: "Tôi không uống được nhiều, chỉ uống cùng các bạn một chén, rất vui vì được làm quen với các bạn cũng đam mê bơi lặn như tôi."

Mọi người đều cạn chén. Na Lan nói: "Bây giờ tôi xin uống cô-ca."

Môt anh hỏi: "Này, bạn phát tài ở nơi nào?".

Na Lan: "Phát tài gì chứ? Tôi chỉ là sinh viên Đại học Giang Kinh."

"Ngành nào?"

"Hơi buồn. Khoa học Xã hội. Tôi kể một mẩu chuyện thú vị nhé! Tối có một sư huynh, một hôm anh ấy cầm "chỉ dụ" của chủ nhiệm khoa đến ép tôi phải cùng anh ấy đến thư viện đại học Giang Kinh tìm một tài liệu cổ lỗ sĩ. Các anh biết rồi: một số tư liệu mà thư viện trường lưu giữ còn phong phú hơn cả thư viện thành phố, khiến tôi được dịp mở rộng tầm mắt. Ví dụ, thư nhà do chính Lý Hồng Chương viết, hoặc "Hồng lâu mộng" bản in đời Thanh chẳng hạn. Cả hai lục tìm khắp, tôi vô tình phát hiện ra một thứ rất hay..." Giọng Na Lan nhỏ dần, chậm rãi.

Giải Quýnh nói: "Chắc sẽ là... rất bất ngờ đây. Một chuyện tiếu lâm, ví dụ, nhìn thấy con chuột chết!".

Na Lan cười: "Gần đúng! Các anh đã bao giờ nghe truyền thuyết đáy hồ Chiêu Dương có kho báu chưa?".

Na Lan quan sát thấy anh thì ngơ ngác, anh thì gật gù, Giải Quýnh và Bế Tiểu Châu thì nhìn nhau, cô bèn nói: "Chuyện là thế này, nghe nói tể tướng ác ôn thời Nguyên tên là Bá Nhan suốt đời vơ vét của cải, rồi cất giấu ở đáy hồ Chiêu Dương. Không ai biết kho báu ấy chứa bao nhiêu vàng bạc, nhưng tôi nghe có người ước tính: chỉ cần lấy được một phần rất nhỏ cũng thừa sức để đọ với một số đại gia ở địa phương này, ví dụ các ông Tư Không Trúc, Trần Phẩm Chương, Vương Yên."

Giải Quýnh nói: "Tiếp tục đi, bạn nói là tìm thấy một thứ rất hay trong đám sách cổ."

Na Lan nhìn khắp lượt các anh chàng, rồi hỏi: "Các anh không thể đoán ra à?".

Bế Tiểu Châu hỏi: "Chắc là bản đồ giấu của?"

"Là một mảnh da dê, trên đó vẽ bản đồ hồ Chiêu Dương, đánh dấu các vị trí giấu của."

Tất cả im phăng phắc.

Rồi Giải Quýnh hỏi: "Cô bạn ơi, vẫn đang nói đùa phải không?".

Na Lan cười cười không đáp, nhấp một ngụm cô-ca. Một anh hỏi: "Bạn tìm bọn tôi, là để kể câu chuyện này à?".

Mấy anh khác lừ mắt nhìn anh ta, ngạc nhiên vì câu hỏi quá thộn. Na Lan nói: "Nếu chỉ là "kể" cho vui, thì thật là vô nghĩa!".

Bế Tiểu Châu nói: "Bạn định kéo chúng tôi cùng đi tìm kho báu chứ gì?".

Na Lan gật đầu.

Giải Quýnh nói: "Bạn ấy vẫn là nói chơi thôi, vì đã đọc quá nhiều sách viết về đào trộm mộ cổ. Đừng trêu bọn anh nữa. Làm gì có ai biết một kho của nhưng không ăn một mình, lại kéo một lô người khác đến để ăn chia? Và, bạn không sợ bọn anh có ý đồ đen tối, ép bạn giao nộp bản đồ giấu của, sau đó là diệt khẩu.... hay sao?".

Na Lan cười: "Có ý đồ đen tối mà lại nói ra à? Chuyện Bá Nhan giấu của dưới lòng hồ, nói thật nhé, dù có bản đồ rồi tôi cũng không thể tìm ra. Vì các ký hiệu trên đó không chính xác, địa hình đáy hồ nơi gần đảo Hồ Tâm lại rất phức tạp, có nước mọc chằng chịu, lại có rất nhiều đá ngầm. Đã có lần tôi bị vướng chân vào cỏ nước, suýt chết, suýt nữa không còn ngày hôm nay ngồi đây uống cô-ca. Cho nên tôi muốn có thêm vài cặp mắt, vài cái đầu khôn ngoan để cùng nhau phát tài. Các bạn nên tin rằng chỉ cần vớ được một phần rất nhỏ của kho báu thì chúng ta không cần đi bán sức cho các ông chủ nữa."

Bế Tiểu Châu nói: "Tôi nói thật, tôi cũng nghe nói đến cái truyền thuyết này từ lâu, trước đây cũng từng có người dựa vào tấm bản đồ nào đó đi tìm của, nhưng hình như chẳng thấy ai được khá lên."

"Có lẽ họ không có được bản đồ chính xác. Tất nhiên tôi chỉ 'giả sử' bản đồ tôi đang có là chính xác." Na Lan biết mình chỉ có tờ photo bản đồ. Nếu tấm bản đồ da dê ghi chuẩn xác các vị trí thì e nó đã bị người ta tranh cướp, xé nó thành trăm mảnh rồi. Nó có phải bản đồ giấu của không, không quan trọng, thậm chí dù không có nó cũng chẳng sao, nó chỉ là một đạo cụ trong kế hoạch của cô mà thôi.

Được! Giả sử bản đồ bạn vớ được là đồ thật, bây giờ bạn định thế nào?"

"Trước hết ta phải giữ bí mật. Tôi muốn có người hợp tác thật nhưng tôi không muốn một người dân Giang Kinh nào chạy đến đòi chia chác. Mấy chúng ta ngồi đây đều không phải dân chuyên nghề đi tìm kho báu, ta chỉ có thể dùng những ngày cuối tuần, trước hết phải tập luyện ở gần hồ Chiêu Dương, nhân đó thăm dò cho quen địa hình đáy hồ, nhằm giảm thiểu các xác suất xảy ra sự cố. Khi đã chuẩn bị tương đối rồi, ta sẽ chọn một buổi tối thời tiết thuận lợi, chính thức hợp tác sục tìm kho báu, ta sẽ lật từng tảng đá quanh khu vực khả nghi đã được đánh giấu trên bản đồ." Na Lan giả bộ chợt nhớ ra điều gì đó, cố ý hỏi: "À quên chưa hỏi, các bạn có thật sự hứng thú hay không?"

Một anh nói: "Câu này mới thật sự là nói đùa! Bọn tôi đâu có mất mát gì? Kể cả không tìm thấy gì hết thì coi nó như một chuyến tập lặn chứ sao?".

Giải Quýnh hỏi: "Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao bạn không đi tìm người ở quanh hồ Chiêu Dương, mà lại đi tìm bọn tôi?".

Na Lan nói: "Dân Giang Kinh kỳ cựu như anh đều biết sông Thanh An với hồ Chiêu Dương tuy thông với nhau, nhưng hai bên lại gần như hai thế giới. Nếu tôi tìm người ở gần hồ, dân cư hai bên sẽ giao lưu bàn tán, thông tin lan nhanh, lúc đó sẽ có hàng tỷ người đến tìm kho báu."

"Thế thì anh em ta phải giữ miệng cho kín mới được!" Giải Quýnh tổng kết.

"Nhưng còn điểm này nữa, chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng: coi chừng tai vách mạch rừng, nếu người khác biết chuyện thì có nguy cơ 'bọ ngựa bắt ve, chim sẻ chực sẵn'. thậm chí xảy ra hậu quả tấn công giết chóc như nickname DadaShasha (1) của Giải Quýnh.

Bế Tiểu Châu đưa ra câu hỏi mà anh ta định hỏi từ lâu: "Giả sử mèo vù vớ cá rán, chúng ta tìm thấy kho báu rồi sẽ thế nào?".

Na Lan nói: "Ở đây có sáu người, sẽ chia thành sáu phần đều nhau."

Mọi người dường như không tin nổi Na lan lại hào phóng như thế, nên đương nhiên không ai thắc mắc gì hết, họ chỉ nhìn Na Lan bằng ánh mắt kỳ lạ.

"Và, tôi cũng đã nghĩ đến việc đặt tên cho nhóm chúng ta rồi."

Gọi là "Thả con săn sắt".

Chú thích:
(1): DadaShasha nghĩ là đánh giết