Hình Như Tôi Đã Uống Một Tách Trà Giả

Chương 26




Những gì đã ăn vào bụng thì há có thể nôn ra được. Tôi làm bộ không nhìn thấy, đặt điện thoại xuống bắt đầu gõ bàn phím lách tách như điên.

Khoảng mười mấy phút sau, chuông điện thoại đột nhiên vang lên. Dạo này tôi toàn tránh mặt Diệp Thanh Hữu, nên mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại, người tôi lại run lên, rồi chợt nhận ra Diệp Thanh Hữu vốn có thói quen ngủ sớm dậy sớm và nghỉ ngơi tốt, bình thường mười một giờ là anh đã ngủ rồi, sao giờ này lại gọi điện được chứ.

Tôi cầm điện thoại lên xem, thì ra là mẹ gọi. Đúng là mẹ có chút lập dị, chỉ cách nhau một cánh cửa mỏng manh mà cũng phải gọi điện cho tôi!

Tôi bực tức bắt máy: “Tình yêu đã qua, con trai giờ không phải của mẹ nữa rồi!”

Mẹ tôi: “Thằng bất hiếu!!! Sao lại có đứa nhận tiền mà không chịu làm việc thế hả?!”

Tôi ha ha một tiếng: “Của mẹ là của con, mà của con thì vẫn là của con.”

Mẹ tôi: “Con nói rõ cho mẹ biết, rốt cuộc mấy giờ mới chịu đi ngủ?”

Tôi trả lời qua loa: “Hai giờ, hai giờ.”

Rồi tôi đặt điện thoại xuống, tiếp tục gõ bàn phím lách tách.

Tôi lại tẩu hỏa nhập ma gõ thêm một tiếng nữa, xe câu chuyện đang đi đến đoạn kịch tính nhất. Đột nhiên một tiếng nổ vang rền khiến tôi giật nảy mình, bàn phím lạch cạch rơi xuống đất.

“Tạ Gia! Thằng ranh con mày có định đi ngủ không hả?!”

Mẹ tôi giận dữ mở toang cửa phòng, đứng chống nạnh ngay cửa phòng ngủ, chỉ tay vào tôi chửi ầm lên. Tôi cũng nổi điên vì bị làm gián đoạn mạch ý tưởng, đập bàn đứng dậy: “Mẹ thật phiền phức, mẹ có biết không! Muốn ngủ thì mẹ tự đi ngủ đi là được rồi, cả ngày cứ đến làm phiền con làm gì! Con đã lớn rồi, có chút hoạt động ban đêm phong phú thì sao nào!”

Mẹ tôi tức đến đỏ cả vành mắt: “Mày còn dám to tiếng với mẹ à? Nhìn lại xem mày đã làm được cái gì đi, nói là viết tiểu thuyết, mày đã kiếm được xu nào tiền nhuận bút nào chưa? Nói là học vẽ, mày đã có chút thành tựu nào chưa?! Nếu mày thức khuya để học thì mẹ đã chẳng nói gì, nhưng mày có làm việc gì đàng hoàng không? Cả ngày chỉ biết chơi bời, đến một kỹ năng sinh tồn cũng chẳng học được!”

“Con có nói là con đang chơi à?” Tôi không chút do dự phản bác. “Con đã bảo là con có thể viết bản thảo kiếm tiền, nhưng mẹ lại không cho con viết, bảo là sinh viên thì phải đặt việc học lên hàng đầu, giờ lại trách con không kiếm ra tiền, không có tương lai?”

“Tiền nhuận bút tiền nhuận bút, mày nghĩ mẹ không biết mày viết cái thứ tào lao gì à, còn tiền nhuận bút!” Mẹ tôi hét lên với tôi, đùng đùng đùng bước đến chỉ vào màn hình máy tính của tôi. “Nhìn xem mày viết cái quái gì đi! Hai thằng đàn ông… Đây là trái với luân thường đạo lý, mày có biết không, đây là bệnh hoạn! Mày còn dám viết những thứ như thế, sau này mẹ đi ra ngoài phải nói với người khác là con mẹ viết truyện đồng tính bệnh hoạn sao? Mẹ từng này tuổi mất hết mặt mũi, tương lai mày tính sao, muốn cả đời bị người ta coi là đồ điên à?!”

Mẹ tôi vừa mắng, nước mắt vừa rơi xuống. Mắng đến cuối cùng giọng bà nghẹn ngào, bà hít một cái, rồi đá đôi dép lê lạch cạch trở về phòng ngủ, buông một câu: “Mẹ không quản nổi mày nữa, mày muốn làm gì thì làm”, rồi đóng sầm cửa lại.

Tôi đứng ngẩn ngơ bên cạnh ghế sofa, đứng một lúc lâu, chậm rãi ngồi xuống nhặt bàn phím lên.

Một cảm giác ấm ức khó tin chợt dâng trào. Tôi đặt lại bàn phím lên bàn, tắt máy tính, rồi cuộn tròn mình trong góc sofa.

Tôi từng nghe người ta nói, những người có thể làm tổn thương bạn nhất chính là những người thân yêu nhất. Nếu có một người lạ nói với tôi “Đồng tính thật ghê tởm”, “Sinh viên nghệ thuật thật hạ lưu”, tôi sẽ không buồn, vì sự kỳ thị của những người đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Nhưng thành kiến đến từ bố mẹ và người thân lại hoàn toàn khác.

Tôi luôn tự hào vì bố mẹ tôi tôn trọng quyết định chọn con đường nghệ thuật của tôi và vô cùng biết ơn sự thấu hiểu và bao dung của họ. Nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu, hóa ra tất cả sự thấu hiểu đó chỉ là một nụ cười gượng, tất cả sự tôn trọng đó chỉ là để giữ thể diện cho tôi, trong lòng họ, tôi vẫn là một kẻ vô dụng chẳng làm nên trò trống gì.

Nỗi đau của tôi họ không thể cảm nhận được và cũng chẳng bận tâm, mọi nỗ lực của tôi họ không nhìn thấy vì họ chỉ muốn kết quả, những gì tôi yêu thích, trong mắt họ chỉ như một đôi giày rách. Tôi từng lặp đi lặp lại vô số lần “con tự hào về bố mẹ”, nhưng họ lại chưa từng nói “Con là niềm tự hào của bố mẹ” dù chỉ một lần.

Đêm hôm đó tôi mua vé tàu cao tốc trở về trường. Lúc rạng sáng tôi cầm theo điện thoại, ví tiền và máy tính, để lại một tờ giấy rồi đi.

Đứng một mình trong sảnh chờ vắng vẻ, lác đác vài người qua lại, tôi vừa cảm thấy tự do vừa vô cùng ngột ngạt.

Karl Marx từng nói, đời người vốn cô độc nhưng lại không chịu sự cô đơn. Tôi luôn tin rằng con người không thể hoàn toàn hiểu được người khác, nhưng bản thân tôi lại không ngừng tìm kiếm sự thấu hiểu từ người khác. Càng cố gắng mà không đạt được tôi lại càng muốn có nó, nhưng kì vọng càng lớn thì thất vọng lại càng nhiều.

Lúc vừa về đến trường thì trời đổ một trận mưa lớn. Thời tiết ở đây khác với Sở Đình, mưa xuống là nhiệt độ giảm ngay, lạnh buốt đến da thịt. Tôi xoa cánh tay đứng ở ngã tư, bỗng cảm thấy luống cuống, không biết nên đi đâu.

Quay về trường thì không được, bây giờ chưa khai giảng, ký túc xá vẫn chưa mở cửa. Đến chỗ Hoàng Quang cũng không được, vì tôi chưa sẵn sàng để đối mặt với Diệp Thanh Hữu. Chẳng lẽ tôi phải thuê một căn phòng trọ ở làng gần trường để ở tạm?

Do dự một lúc, đột nhiên tôi cái khó ló cái khôn, gọi điện cho Trần Quân. Trần Quân cũng sống ở trong thôn, nên tôi có thể đến đó nhờ anh ta giúp đỡ tạm thời!

Quả nhiên Trần Quân đang ở trong thôn. Nhà anh ta có cả một căn nhà ba tầng khiến tôi ngạc nhiên vô cùng, nghe nói anh chỉ học đại học ở đây thôi mà, sao cần thuê nguyên nhà ba tầng để ở thế? Trần Quân đáp không phải anh thuê mà đây là nhà anh. Tôi nói gì ạ, tai em không nghe rõ, anh nói lại xem nào?. Trần Quân đáp anh là người Vân Nam nhưng bạn trai anh là người địa phương, căn nhà này là nhà của em ấy, nên dĩ nhiên cũng là nhà của anh rồi.

… Một vấn đề nan giải từ xa xưa đã được giải quyết.

Tôi nói: “Đàn anh Trần, anh lừa em, hóa ra anh cũng thích gà que chiên xù”.

Trần Quân: “…???”

Tầng hai nhà họ còn một căn phòng trống cho thuê, đàn anh Trần quyết định cho tôi ở tạm. Trong lúc giúp tôi sắp xếp hành lý Trần Quân hỏi: “Gia Gia, cậu thực sự đang yêu Diệp Thanh Hữu à?”.

Tôi định trả lời là “phải”, nhưng khi nghĩ đến lập trường lúng túng hiện tại thì lại ngập ngừng, rơi vào im lặng. Ngược lại đàn anh Trần Quân rất bình tĩnh tìm cách giúp tôi xuống nước: “Chẳng có gì phải xấu hổ, trường mình đầy người đồng tính mà”. Nói xong anh ta hỏi tiếp: “Nghe nói gần đây em không liên lạc với Diệp Thanh Hữu nhiều lắm, đúng không? Về trường rồi cũng không tìm cậu ấy trước, lại chạy đến chỗ anh”.

Tôi: “Không không không không…”

Trần Quân bán tín bán nghi rồi ra ngoài.

Tôi ôm ba lô ngồi trong phòng một lúc thì điện thoại reo. Tôi nghĩ là mẹ tôi gọi để trách mắng, hoảng quá mà bấm nhầm tắt máy. Ai biết điện thoại vừa tắt một giây, nó lại không chịu khuất phục mà reo lên lần nữa, tay tôi lỡ trượt vô tình nhấn nút nghe.

“Gia Gia?” Đó là giọng của Diệp Thanh Hữu. “Gia Gia, em có nghe thấy anh nói không?”

Tôi: “… Có nghe, có nghe!”

Tôi sợ đến mức cả người cứng đờ, cuộn tròn trong ghế không dám động đậy, chỉ nghe thấy giọng nói dịu dàng của Diệp Thanh Hữu: “Gia Gia, anh có một tin xấu muốn nói với em, em có muốn nghe không?”

Tôi nói: “Ừm… Đàn anh Diệp, em cũng có một tin xấu muốn nói với anh”.

Diệp Thanh Hữu: “Vậy em nói trước đi”.

Tôi: “Không không không, anh nói trước đi. Em cần chuẩn bị tinh thần đã”.

Diệp Thanh Hữu bên đầu dây bật cười, tiếng cười nhẹ nhàng như gãi đúng chỗ ngứa trong lòng tôi. Anh nói: “Vậy anh kể cho em tin xấu – Chứng chỉ nghệ nhân trà cao cấp của em đã hoàn tất, khi nào về trường là có thể đến trà thất lấy. Từ giờ em vừa là bà chủ trà thất, vừa là nghệ nhân trà cao cấp, sau này trà thất có tổ chức sự kiện, em phải đến làm lao động miễn phí, khó chịu không?”.

Tôi chớp mắt: “… Không khó chịu”.

Diệp Thanh Hữu nói: “Anh thấy giọng em có vẻ chẳng giống không khó chịu lắm, nhưng cho dù em có khó chịu thì cũng không thể đổi ý”.

Tôi đáp: “Không khó chịu thật mà. Vì tin xấu mà em định nói có phần khó chịu hơn, nên nghe tin xấu của anh em không cảm thấy buồn nữa”.

Bên kia bỗng nhiên im lặng một lúc, rồi Diệp Thanh Hữu nhẹ giọng hỏi: “Em muốn nói với anh tin xấu gì?”.

Bỗng dưng mắt tôi ươn ướt.

Tôi nói: “Đàn anh Diệp, chúng ta chia tay đi”.