Sau khi tỉnh rượu đầu óc tôi nặng nề, đau đến mức muốn khoan sọ để cắt bỏ não ra ngoài.
Tôi mơ màng bò dậy khỏi giường. A, giường rộng quá; a, giường mềm quá; a, đây không phải giường của tôi.
Tôi lập tức tỉnh táo hẳn, hoảng hốt bò khỏi chiếc giường vừa to vừa mềm nhưng không phải của mình. Căn phòng được trang trí rất ấm cúng, giường là loại giường sàn tatami, được ngăn cách với phòng khách bằng một tấm rèm màu vàng nhạt, trên sàn trải đệm mút màu cà phê, đi chân trần cũng thoải mái. Tôi còn tưởng Vương Đại Chúc đã nhân lúc tôi say rượu mà bán tôi đi — mặc dù sự thật cũng gần như thế — tôi lăn lộn chạy ra phòng khách, lại thấy Diệp Thanh Hữu đang ngồi sau bàn trà, vừa đọc sách vừa uống trà.
Thấy tôi từ sau tấm rèm lăn ra, anh ấy cười nhẹ nhàng: “Tỉnh rồi à?”
Tôi bối rối gật đầu.
“Tỉnh rồi thì đi rửa mặt đi, nếu vẫn thấy khó chịu thì tắm luôn cũng được.” Diệp Thanh Hữu nói. “Sáng nay chắc không có lớp, nếu rảnh thì uống với anh chén trà?”
Đầu óc tôi vẫn còn ngưng trệ, ấp úng nói: “Nhưng em không mang quần áo để thay.”
Diệp Thanh Hữu: “Nếu em không ngại thì có thể mặc đồ của anh trước. Em có ngại không?”
Tôi lắc đầu lia lịa.
Tôi cầm quần áo của Diệp Thanh Hữu vào phòng tắm, tắm rửa không phải bằng nước nóng, mà là bằng hạnh phúc.
Rốt cuộc tối qua đã xảy ra chuyện gì mà tôi không biết nhỉ! Sao tự dưng tôi lại ở nhà Diệp Thanh Hữu, sao tôi lại ngủ trên giường anh ấy và sao lại mặc quần áo của anh ấy! Làm tròn thì chẳng phải tôi và Diệp Thanh Hữu đã bắt đầu cuộc sống sau hôn nhân rồi sao? Ha ha ha ha ha ha.
Nghĩ hay lắm.
Tắm rửa xong tôi vừa cài khuy áo trà của Diệp Thanh Hữu vừa tự chế giễu mình nghĩ quá nhiều. Khi cài đến chiếc khuy cuối cùng, tôi chợt phát hiện có một vết đỏ bầm ở cổ.
Mới mấy tháng thôi mà, trời còn chưa hết lạnh, sao muỗi đã hoành hành rồi? Tôi vừa cài chiếc khuy cuối cùng vừa nghĩ chắc chắn là do trước trà thất Hòa Quang trồng quá nhiều cây cối.
Thời tiết đẹp, ánh nắng xuyên qua bậu cửa sổ đầy những chậu cây mọng nước chiếu vào phòng khách, cả căn phòng tràn ngập ánh sáng. Tắm xong tôi thấy tỉnh táo hẳn, ngồi xuống đối diện Diệp Thanh Hữu: “Đàn anh Diệp, đây là nhà anh à?”
“Ừm, anh chuyển ra từ năm hai rồi sống ở đây từ đó tới giờ.” Diệp Thanh Hữu nói, “Chỗ này nằm ngay trên tầng của trà thất Hòa Quang, đi lại cũng rất tiện.”
Chậc chậc chậc, cùng là nhà thuê mà nhà Diệp Thanh Hữu sạch sẽ ngăn nắp như một căn hộ mẫu, nhìn lại nơi ở của Văn Bạch Họa, thật chẳng khác gì một cái ổ chó.
Diệp Thanh Hữu nói: “Kế bên có tủ sách, em có thể qua xem, thích quyển nào thì cứ lấy mà đọc. Nếu không đọc hết ở đây thì có thể mượn mang về cũng được.”
“Tốt vậy ạ?” Tôi vừa nói vừa bước đến bên cạnh anh.
Nói là tủ sách, nhưng thực ra nó là một tủ trưng bày gần giống như giá để đồ cổ, một bên trưng bày các loại trà cụ và trà, một bên là kệ sách. Sách được phân loại và sắp xếp rất ngăn nắp, có sách về trà, sách tranh mỹ thuật và các loại sách văn học. Tôi lướt qua kệ sách trà, nhận thấy các thể loại đều rất phong phú, chỉ riêng sách chuyên về trà Phổ Nhĩ là không có.
Tôi rút một cuốn <Nhàn tình ngẫu ký> ra. Hình như Diệp Thanh Hữu không ngạc nhiên khi tôi chọn loại sách này, anh từ tốn nói: “Cuốn <Thường vật chí> của Văn Chấn Hanh cũng không tệ”, rồi cúi xuống đọc sách của mình. Khi tôi chọn sách anh đã tráng một chiếc chén mới và đặt trước chỗ ngồi của tôi, rót cho tôi một chén trà màu cam sẫm. Tôi mở cuốn <Nhàn tình ngẫu ký> trên bàn đối diện, nhưng tâm trí tôi không hoàn toàn tập trung vào sách, thỉnh thoảng lại lén liếc nhìn Diệp Thanh Hữu qua khóe mắt.
Những vệt nắng chiếu lên chiếc áo sơ mi vải lanh màu xanh xám của anh, trông rất gọn gàng nhưng lại ấm áp. Khi anh cúi đầu đọc sách biểu cảm rất chuyên chú, không chút xao lãng, như thể mọi thứ tầm thường của trần thế đều không thể kéo anh ra khỏi thế giới nhỏ của riêng mình.
Những lời tôi nói với Vương Đại Chúc tối qua là thật lòng. Tôi sẽ không theo đuổi anh cũng không dám theo đuổi. Một người thanh khiết như trăng sáng và gió mát, tính cách cương trực, làm sao tôi dám làm vấy bẩn.
Tôi làm sao xứng với anh? Tôi chỉ là một người tầm thường, xoàng xĩnh, còn anh thì không.
Anh như một vị tiên bị đày xuống trần gian.
Để che giấu sự thất vọng của mình, tôi vội vàng cúi xuống uống một ngụm trà.
Ngay khi uống một ngụm tôi sững người.
Thật khó để diễn tả đó là hương vị gì. Khác hẳn với tất cả các loại trà mà tôi từng uống, hương vị của nó là một sự ngọt ngào sâu lắng, nhưng mùi thơm thì vô cùng kinh ngạc. Trong thoáng chốc tâm trí tôi nở hoa, liên tưởng đến rất nhiều thứ: những mảnh giấy tre đã bị thời gian làm mờ chữ, thanh kiếm rỉ sét trong những câu chuyện võ hiệp, hay cơn mưa đêm bập bùng sau mười năm giang hồ phiêu bạt. Tôi quá quen thuộc với mùi hương này, mỗi khi tôi đẩy cánh cửa gỗ cũ của thư viện, hương thơm dịu dàng, ố vàng ấy của những cuốn sách bị thời gian bào mòn sẽ xộc vào mặt, bao trùm lấy tôi hoàn toàn.
Đó là một mùi hương cổ xưa.
Tay tôi cầm chén trà run rẩy, gần như không thể giữ vững được chén trà, tôi vội vàng hỏi Diệp Thanh Hữu: “Đàn anh Diệp, đây là trà gì vậy ạ?”
“Trà đen Hắc Chuyền An Hóa của Hồ Nam, trà đã qua ủ từ năm 2011.” Diệp Thanh Hữu trả lời. “Đây là trà mới nhập về quán trà hai ngày trước, anh cũng mới lần đầu thử pha. Thường ngày anh rất ít mời ai uống trà đen, bởi vì quá trình sản xuất trà đen khiến nó có một hương vị lão hóa đặc trưng mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận… Sao, em rất thích loại trà này à?”
“Em rất thích hương vị của nó…” Tôi nói bằng giọng run rẩy, ánh mắt nhìn vào chén trà đầy đam mê. “Không, phải nói là em yêu nó.”
Tôi thích những thứ cũ kỹ, những thứ cổ xưa.
Chẳng hạn như những cuốn sách cũ bị ố vàng nằm trong góc phòng làm việc của ông ngoại, hay những mảnh giấy mục nát, mốc meo hoặc bị mọt đục lỗ, chẳng hạn như những chữ viết đã lắng đọng qua hàng ngàn năm. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã khác biệt so với những đứa trẻ khác, khi tụi nó chơi đùa với bùn dưới nhà hay hái lá cây để chơi đồ hàng tôi lại đọc sách. Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng, thậm chí cả Sở Từ mà trẻ con tiểu học rất khó hiểu. Có người nói rằng chữ nghĩa là thứ nặng nề nhất trên thế gian, tôi thấy rất đúng; cũng có người nói mua sách là việc buôn bán có lời nhất, tôi cũng đồng ý tuyệt đối.
Chỉ cần bỏ ra số tiền bằng hai bữa ăn, bạn có thể mua được cả hàng ngàn năm lịch sử.
Tôi cứ mãi chấp nhất với những thứ đẹp đẽ đã xa rời tôi từ lâu, những thứ đã qua đi và không thể tái hiện lại, đồng thời trên con đường này tôi bước đi trong cô đơn. Tôi rất muốn một lần nữa được thấy chúng, dù không thể truyền thừa hay tái hiện vinh quang của chúng, chỉ cần được nhìn ngắm chúng qua cửa kính trưng bày cũng đủ.
Nhưng tôi lại là một người sợ cô đơn đến nhường nào, tôi không ngừng khao khát được hiểu, không ngừng hy vọng có người nào đó có thể hiểu được sự khát khao gần như cuồng nhiệt của tôi và cùng tôi bước tiếp, nhưng không có ai.
Vì thế tôi mới nói với chị Lục rằng, tôi rất ngưỡng mộ thời đại ấy.
Thời đại mà ngôn ngữ giữa người với người có thể giao tiếp, tư tưởng có thể hòa hợp, tôn trọng sự khác biệt mà vẫn giữ sự đồng thuận. Bây giờ xã hội đã phát triển, khoa học công nghệ đã tiến bộ, nhưng khoảng cách giữa con người lại trở nên xa xôi đến lạ. Không còn ai viết một lá thư bằng giấy úa vàng để tâm sự nỗi nhớ nhung với một người bạn thân đã lâu không gặp, cũng không còn ai sẵn sàng bỏ cả đời để tìm hiểu nguồn gốc của một điển cố. Đèn điện thay thế cho ánh nến, email thay thế cho phong bì thư, trình duyệt web thay thế cho sách in. Dưới bánh xe quay cuồng của thế giới rộng lớn, mọi người đều vội vã tiến lên, còn tôi như một hòn đá cứng đầu bị nhấn chìm trong dòng chảy, chẳng thể khuấy lên một đợt sóng nào.
Vậy nên tôi thích mùi của trà đen. Mùi hương cổ xưa, lặng lẽ ấy, là thứ tôi luôn yêu thích.
Vậy nên tôi thích Diệp Thanh Hữu. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã nhận ra anh ấy là người cùng loại với tôi, cũng cố chấp bước đi trên con đường ít người lui tới. Điểm khác biệt duy nhất là, tôi gần như đã bị dòng chảy thế tục làm phai nhạt màu sắc, còn anh ấy thì vẫn bước đi trên con đường cô đơn của mình một cách vững vàng, thong dong.
Việc tôi đột ngột chuyển sang học mỹ thuật ban đầu cũng không phải không có lý do. Lúc đầu, tôi muốn học văn, muốn viết tiểu thuyết cả đời, tôi nói với bố mẹ tôi muốn học khối xã hội, muốn vào khoa Văn hoặc khoa Lịch sử. Bố mẹ tôi nghĩ tôi điên rồi, vì trong mắt họ, học văn hay lịch sử thì không thể kiếm được việc làm.
Vì vậy, tôi quyết định chọn con đường vòng cứu nước. Một vị vĩ nhân đã từng nói, bản chất của người Trung Quốc là trung dung, nếu bạn cảm thấy phòng quá tối, quá ngột ngạt và muốn mở cửa sổ để thông thoáng, những người trong phòng có lẽ sẽ không đồng ý. Nhưng nếu bạn nói rằng muốn dỡ cả mái nhà, thì họ sẽ đồng ý mở cửa sổ để dung hòa. Tôi định tháo cả mái nhà – tôi lén đi học mỹ thuật, và làm ra vẻ rất yêu thích nghệ thuật muốn sống muốn chết. Tôi nghĩ như vậy bố mẹ tôi sẽ cho tôi học khối Văn, dù sao so với việc trở thành một học sinh chuyên về nghệ thuật, thì học khối xã hội ít ra cũng là con đường học vấn truyền thống.
Nhưng không ngờ, tôi lại vẽ cũng tàm tạm, còn điểm các môn văn hóa thì tụt dốc không phanh, không thể cứu vãn nổi – khi tôi cầm bài thi tiếng Anh chỉ được 15 điểm về nhà, mẹ tôi vừa khóc vừa mắng: “Con tin không, mẹ giẫm lên tờ đáp án vài cái cũng có thể được điểm cao hơn con đấy!”
Để có thể vào được một trường đại học trọng điểm, tôi bị bố mẹ thúc ép không còn lựa chọn nào khác mà phải đi học mỹ thuật.
Bài học đau thương này dạy tôi hai điều: Thứ nhất, bạn sẽ không bao giờ hiểu được sự cố chấp của các bậc phụ huynh đối với hai chữ “trọng điểm” trên bằng cấp; Thứ hai, nếu bạn gây chuyện, bạn sẽ phải trả giá.