Mỗi năm đến hè tôi đều háo hức trở về nhà, thưởng thức những trái ngọt mang đậm vị quê hương. Một lần trông lên cây nhãn là thêm một lần tôi thêm nhớ Tuấn, trào dâng những kỉ niệm tuổi nhỏ. Sự trống trải trong lòng tôi không biết làm sao để lấp, chỉ có thể một mình chờ đợi cùng cô đơn. Có lẽ tôi đã sai khi đi con đường này nhưng nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn cái lỗi lầm ấy.
Thời gian phải chăng là thước đo chính xác nhất cho nỗi nhớ và sự chân thành. Tôi kiên nhẫn đợi Tuấn hơn bốn năm, còn nó có thể bỏ ra bao nhiêu giây để nhớ tôi? Tôi muốn đánh cược nhưng lại sợ mất cả vốn lẫn lãi, tôi muốn tỏ tình như sợ chỉ nhận được cái quay lưng vô tình của nó.
Tôi mở sang trang nhật kí tiếp theo, trên đó có vẽ hai quyển vở để mở, một quyển ghi rằng bạn tốt nhất của tôi, quyển kia cũng y như vậy nhưng có thêm một cái emoji tức giận. Ngày 20/12/20XX, tôi mười tuổi.
...
Trời đông giá lạnh giá, gió từng cơn đập vào cánh cửa phòng học rồi lại bất mãn rời đi. Trong lớp vang lên tiếng giảng bài của giáo viên, ngoài sân lao xao những chuyển động của cây lá.
"Bây giờ lớp trưởng trả bài cho các bạn nhé." - cô giáo chủ nhiệm lên tiếng.
Khi bài được trả hết về tay bọn tôi thì cô mới tiếp tục nói
"Bài làm văn lần này có hai bài rất tốt cô muốn tuyên dương, đó là bài của Tuấn Anh và bài của Anh Tuấn."
Sau tràng vỗ tay giòn giã của cả lớp thì cô bảo tôi đứng lên đọc bài cho các bạn tham khảo. Với cái đề là 'tả về người bạn tốt nhất của em' thì tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để viết, cũng vinh dự nêu lên cái tên Anh Tuấn.
Hết lượt tôi là đến lượt nó, nó ngượng ngùng gãi đầu đứng lên, mặc dù nó đọc có vấp vài chữ nhưng bài văn này sao nghe cứ quen quen. Tôi ngồi ngẫm nghĩ hết buổi ra chơi cuối cũng nhớ ra là nó chép nguyên y văn mẫu, một trong những bài văn mà tôi đã từng đọc qua để tham khảo cách viết.
Tan học một cái là tôi đeo cặp chạy thẳng, bỏ lại cái đuôi vẫn đang chậm chạp xếp đồ.
"Ơ từ từ, chờ tao với." - nó thấy tôi chạy ra khỏi lớp thì nhanh chóng nhét nốt đống sách vở vào cặp rồi chạy theo.
Thấy nó đuổi, tôi lại càng chạy nhanh, cho đến khi đuối sức mới đành chậm bước lại.
"Tuấn Anh, làm gì mà chạy như ma đuổi thế?"
Mặt của cả tôi và thằng Tuấn đều đỏ lên vì phải chạy đua trên một quãng đường dài.
Tôi không thèm nhìn mặt nó, giận dỗi hỏi
"Tại sao mày lại chép văn mẫu?"
"Hả?" - nó bối rối gãi đầu - "ý mày là cái văn bạn tốt nhất đấy á?"
"Chứ còn bài nào nữa?"
Nó cười hề hề như đứa ngốc
"Thì cô có bảo là không được chép văn mẫu đâu."
Tôi càng nghe nó nói thì càng tức đột ngột quay người lại cảnh cáo nó
"Cách xa tao ra, tao không muốn thấy mặt mày nữa."
Bao nhiêu tâm huyết và sự trân trọng của tôi đều dành vào bài văn này vậy mà nó cũng không bỏ ra được một chút tâm tư để viết.
"Bài văn đấy thì làm sao, có vấn đề gì đâu?" - nó không từ bỏ, lẽo đẽo bước theo tôi.
Tôi không đáp lời nó, tiếp tục bước đi. Trời dày đặc mây thực chỉ khiến tâm trạng tôi vốn không tốt lại càng thêm bực.
"Mày giận tao chỉ vì bài văn đấy?" - Tuấn cao giọng.
"Ừ đấy thì sao?" - tôi không chịu thua kém hét lên.
"Mày vô lí."
"Ừ." - tôi đáp cụt lủn.
"Nhưng bài văn đấy tao thấy có sao đâu."
Thấy tôi vẫn không đáp lời nó, nó cũng không nói thêm chỉ bất lực đi theo tôi. Đến nhà nó, Tuấn như thường lệ giơ tay chào tôi nhưng tôi đến ngoảnh mặt nhìn nó còn lười, vẫn cất bước tiến về phía nhà mình.
Buổi chiều, nó ngược đường chạy sang nhà tôi, nhưng tôi thay vì chuẩn bị nhanh lại cố ý để nó phải đợi
"Sao nay mày lâu thế?" - nó không nhịn được lên tiếng hỏi.
"Thích thế đấy."
"Đi thôi không lại muộn."
Tôi vẫn giữ thái độ như cũ, hoặc là đi trước nó hoặc là đi sau nó.
"Mày nói chuyện với tao đi."
"Không thích."
"Đừng thế nữa, tao không quen."
"Thêm mấy lần nữa là quen."
"..."
Có lẽ sự kì lạ của chúng tôi không phải điều khó nhận ra, đến giờ ra chơi, cái Hằng ngồi bên trên quay xuống dò hỏi
"Bình thường chúng mày đi đâu cũng có nhau cơ mà, nay làm sao mà mỗi đứa ngồi một góc thế?"
"Không sao." - tôi phủ nhận.
"Điêu. Làm gì có cái gì là tự nhiên."
"Thì đấy."
"Khai đi, đừng để tao phải bức cung."
"Tin hay không thì kệ mày."
Hằng thấy không cạy được thông tin từ miệng tôi thì đi ra chỗ Tuấn, to nhỏ thì thầm mất một lúc. Đến lúc quay về chỉ nói với tôi đúng một câu
"Mày đúng thật là hết thuốc chữa."
"Sao đấy, nó nói gì với mày?"
"Mày muốn biết thì đi mà hỏi Tuấn." - nó giữ cái thái độ hời hợt của tôi khi nãy đáp lời.
Tôi có chút hụt hẫng khi không thấy nó đi cùng lúc tan học. Lúc thì đuổi như đuổi tà lúc lại mong không hết. Tôi đi hết quãng đường dài trong sự thẫn thờ, về nhà cũng chỉ ngồi nghệt mặt ra, tay chân chẳng còn muốn động vào việc gì.
Đúng lúc tôi định buông xuôi mà lên giường trùm chăn thì ngoài cổng vang lên tiếng gọi của cái Hằng. Tôi vội chạy ra thì thấy nó đang ôm trước ngực một hộp bìa các tông không lớn lắm
"Sao đấy?"
"Tuấn nhờ tao đưa cái này cho mày." - nó đẩy hộp quà sang tay tôi.
Chưa để tôi kịp ú ớ thêm câu nào nó đã lấy đà chạy đi. Tôi ôm hộp các tông và một bụng hoài nghi vào trong nhà. Tôi mở ra mới thấy trong hộp có rất nhiều que cay, tôi đổ chúng ra thì còn thấy cả một tờ giấy, trên đó nắn nót viết lại bài văn và kết thúc bằng câu xin lỗi.
Tôi nhìn hình ảnh trước mắt thì cũng biết bản thân đã làm hơi quá, vừa gặm que cay vừa ăn năn.
Sáng hôm sau, quan hệ giữ tôi và nó hòa hõan hẳn, tôi nhìn trời, trời kia cũng như đẹp ra mấy phần, khí trời ảm đạm cả tuần cuối cùng cũng xuất hiện ánh nắng.
"Tuấn ơi!"
"Ơi." - nó đáp rồi vội vàng chạy ra.
"Nay đi sớm thế?" - nó vừa ăn nắm xôi nóng vừa hỏi.
"Nay bàn tao trực nhật, hay mày cứ ở nhà ăn hết rồi đi sau."
Không biết có phải cơn dư chấn của tôi hôm qua vẫn đọng lại trong nó hay không mà Tuấn lập tức lắc đầu nguây nguẩy
"Không sao, tao đến giúp mày."
"Thôi khỏi, tao không giúp được lại mày đâu."
Hai đứa chạy đến trường thì cũng vừa lúc bác bảo vệ ra mở cổng.
Tuấn từ đằng sau đập vào đầu tôi một cái rồi lăng xăng chạy trước.
Cả khuôn viên trường đều vắng ngoe, hai thằng, đứa đuổi đứa chạy, tập thể dục quanh mấy vòng sân trường.
Đến khi thấm mệt mới ngồi ở bậc cầu thang thở hồng hộc.
"Mát không?" - chẳng biết nó nhặt được ở đâu cái lá bàng cuối mùa quạt quạt cho tôi.
"Mạnh tay lên." - tôi đòi hỏi.
"Đã quạt cho lại còn lắm chuyện." - Tuấn làu bàu.
"Thằng nào chọc cho tao đuổi."
"Mày là chó à? Cứ chọc là đuổi."
Lần này đến lượt tôi đập vào đầu nó, tội nói năng nhăng cuội.
Nó vừa xoa đầu vừa nhắc nhở
"Bàn mày trực nhật đấy, còn ngồi à?"
Sân trường dần tấp nập, mặt trời lên càng lúc càng cao, tôi vội vã chạy lên lớp bắt tay ngay vào công việc. Rõ là đi sớm thế mà lại thành muộn.
_________
_Hết chương 06_