Hám Sinh

Chương 12




Một năm trước, Hám Sinh gần như chạy trốn khỏi thành phố B. Cô đi qua rất nhiều thành phố, vốn muốn tìm cho mình một nơi để dừng chân, nhưng ở đâu cô cũng bị biển người vây quanh, những thành phố phát triển luôn có nhịp sống rất nhanh. Cô cảm thấy bản thân không hợp sống ở những nơi đông đúc, mỗi lần cô đều cuống cuồng bỏ đi, cuối cùng cô càng chạy trốn càng hoang mang, càng chạy trốn lại càng tuyệt vọng. Cho đến một ngày cô đặt chân lên hòn đảo nhỏ này. Hòn đảo này không giống với những nơi cô từng đi qua, cuộc sống nơi đây rất yên bình, không có xe cộ ồn ào náo nhiệt, tản bộ trên những con đường quanh co ở đây đôi lúc còn có thể nghe thấy tiếng đàn dương cầm vọng ra từ cửa sổ của nhà dân nào đó, không khí ở nơi đây yên tĩnh lại an toàn. Lần đầu tiên từ lúc rời khỏi thành phố B Hám Sinh mới có cảm giác an toàn đến thế, cô quyết định sống tại đây. Cô mua hai căn nhà trên đảo, một căn ở rìa bên kia đảo, cũng chính là ngôi nhà ba tầng năm xưa bị đám nhà giàu bỏ lại, bây giờ đang mở khách sạn, cô dùng hết số tiền của mẹ để lại và tiền tiết kiệm của cô mua lại nó, từ đó trở thành bà chủ của khách sạn kia.

Chủ cũ của căn nhà Hám Sinh đang ở là một người thanh cao. Căn nhà thoạt nhìn từ bên ngoài trông có vẻ cũ kỹ nhưng thật ra bên trong đã được sửa sang lại toàn bộ. Tất cả đều dùng những đầu gỗ tốt nhất, mỗi phòng đều được trang trí lịch sự tao nhã. Căn nhà mang phong cách cổ kính cùng vài món đồ gia dụng mang hơi hướm hiện đại mà đơn giản, còn cố tình trang trí khắp nơi những đồ vật có chi tiết truyến thống. Thoạt nhìn không hề có lấy một điểm hài hoà, tuy nhiên lại có nét gì đó rất thoải mái. Người chủ cũ đã sửa sang lại để bán được giá cao hơn, tuy nhiên đến lúc bán lại không được hơn giá ban đầu. Sở dĩ là vì vị trí ở đây khá xa trung tâm, trên đảo lại có khu dân cư riêng, ban đầu là nơi ở của đám nhà giàu, song đều bị người dân trưng dụng mở khách sạn. Căn nhà này cách khu phố gần nhất cũng phải rẽ trái rẽ phải rồi đi bộ gần trăm thước, thường thì chẳng có du khách nào đi dạo đến tận đây, hơn nữa căn nhà này lại quá nhỏ để mở khách sạn. Nhìn vào đúng là căn nhà hai tầng thật đấy, nhưng tổng cộng chỉ có sáu phòng. Chủ cũ của căn nhà này vốn là một nghệ sĩ đàn dương cầm vô danh, nay đang cố gắng hoạt động ở nước ngoài, sau đó không muốn quay lại nữa, cung cấp thông tin về căn nhà cho phòng giao dịch bất động sản rao bán với giá ba trăm vạn, nhưng rao bán hơn một năm mà vẫn chẳng có ai hỏi đến, cuối cùng được Hám Sinh mua với giá vừa phải.

(1 Thước = 0.3m)

Hám Sinh rất yêu quý căn nhà cô đang ở. Tuy rằng cô không biết ý định của chủ cũ khi bài trí lại căn nhà này, nhưng cô có thể hiểu được, người chủ cũ đó đặt rất nhiều tình cảm vào đây. Tuy rằng cô chỉ sử dụng một phòng ngủ trên tầng và phòng bếp, nhưng hễ rảnh rỗi thường lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Hiện tại cô sống trong một căn nhà ngăn nắp, nuôi một chú chó, phần lớn thời gian không có việc gì làm nên rất nhàn nhã.

Hám Sinh ngủ không được bao lâu đã tỉnh lại. Mỗi ngày cô ngủ rất nhiều, nhưng cứ ngủ một lúc lại tỉnh, ngủ một lúc lại tỉnh, vậy nên lúc nào trông cũng như thiếu ngủ. Mỗi lần thực sự đi sâu vào giấc ngủ cô lại chẳng ngủ yên được, giấc ngủ cứ ngắt quãng. Cô mở to mắt, nằm yên lặng ở đó, khoảng trời trên đầu xanh thăm thẳm, trong vắt như cảm giác trống rỗng của cô lúc này, không có nơi nào để gửi gắm tình cảm.

Hám Sinh lặng lẽ nhìn bầu trời. Nhìn từ trên xuống dưới, dáng người cô mảnh khảnh trong chiếc áo phông trắng và quần short xanh, khuôn mặt vẫn trẻ trung như trước, có nét mơ màng của thiếu nữ. Khuôn mặt cô lúc trầm tĩnh mang vẻ ngây ngô của tuổi thiếu niên. Cô thường xuyên ngẩn người ra như vậy, đôi khi nhìn lên bầu trời, đôi khi chỉ là nhìn vào vật dụng nào đó trong nhà, có thể ngồi mấy chục phút, lại có khi ngồi đến vài tiếng đồng hồ. Những lúc ngồi bần thần như vậy không phải cô đang suy nghĩ chuyện gì, chỉ đơn giản là ngồi yên ở nơi nào đó, trong không gian tĩnh mịch có thể nghe thấy âm thanh thời gian lướt qua người, vang lên từng giọt “sàn sạt”.

Hám Sinh cảm thấy cuộc sống của cô những ngày qua càng ngày càng giống mẹ cô lúc bà còn sống, cả ngày ở trong nhà, mẹ cô nuôi cô, còn cô nuôi một chú chó, mẹ cô không chú tâm chăm sóc cô, còn cô lại nuôi được một chú chó béo tốt khoẻ mạnh. Công tâm mà nói cũng không phải mẹ không quan tâm cô, mỗi lúc ở nhà mẹ thường nhớ đến ba, nhưng trong khi cô ưa ở nhà dọn dẹp sạch sẽ, mẹ cô lại thích đi du lịch bốn phương, mang hết tâm tư vui buồn để lại những nơi bà từng đặt chân qua, còn cô dường như tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Mặc dù bề ngoài cách sống của hai người họ không giống nhau, nhưng bên trong trống rỗng hệt như nhau, mặc dù vẫn sống trong cuộc đời tươi đẹp là thế, nhưng trái tim đang đập trong lồng ngực kia không biết đã trống rỗng tự khi nào, ngày càng trở nên khô héo tuyệt vọng.

Bây giờ Hám Sinh có thể hiểu tại sao mẹ cô lại muốn chết. Bởi vì đã không còn niềm vui trên cuộc đời này nữa, trong lòng cảm thấy trống rỗng mờ mịt nhưng không có nơi để dựa vào. Những cảm giác tổn thương cũng như đau khổ đã bị thời gian mài mòn hết, thời gian đầu có thể vì thù hận mà cố gắng bám víu lấy cuộc sống, nhưng bạn hận người ta người ta không biết, cho nên có oán có hận thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tất nhiên sẽ có một ngày bạn nhận ra điều đó, nhưng đó chẳng phải là lối thoát, nó chỉ khiến bạn càng trở nên hoang mang trống rỗng hơn mà thôi. Không có ai quan tâm đến nỗi bi thương tuyệt vọng của bạn, cho nên những vết thương chằng chịt trong lòng mãi mãi sẽ không lành lại, nó sẽ chảy máu, cũng sẽ thối rữa, cuối cùng sẽ hoại tử rồi khô héo như một cái túi mỏng nhăn nheo. Sau đó sẽ không còn cảm giác đau đớn nữa, không phải do vết thương đã lành lại, mà do đã bị phá huỷ hoàn toàn. Bởi thế ngày đó khi cơ hội đến, bà không chút do dự mà tự giải thoát bản thân, Hám Sinh thật sự đồng cảm với mẹ cô.

Có đôi khi, Hám Sinh nghĩ thật ra người thực sự hủy hoại mẹ cô không phải ba cô, nhưng người đàn ông đó lại là người khiến bà bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Hám Sinh cảm thấy cuộc sống sau đó của bà cũng không còn nhớ nhung người đàn ông ấy quá nhiều, nhưng cũng đủ để khiến bà chịu từng cơn giày vò, đau đớn, hoang mang và trống rỗng để rồi cuối cùng rơi vào trạng thái tuyệt vọng.

Hám Sinh có thể hiểu mẹ cô như vậy, hoàn toàn là do nghiệm từ bản thân mình mà ra. Bởi vì cô không còn muốn nghĩ đến Đông Dạ Huy, đối với con người này cô đã phải gắng sức nửa đời người. Cô ngốc nghếch si mê người đàn ông ấy, cuối cùng cô mới hiểu ra người ta hoàn toàn chán ghét cô, người ta đối với cô, đừng nói là tình cảm yêu đương, chỉ sợ đến cả tình bạn bình thường cũng không có. Dồn nhiều tâm huyết như vậy cho một người không ưa mình, khiến mỗi khi cô nhớ đến chuyện này trong lòng luôn cảm thấy cô đơn lạc lõng. Sau đó cô cảm thấy mỗi lần nhớ đến càng khó chịu, cô không muốn ngày càng lún sâu, cho nên cuối cùng cô không muốn nghĩ đến nữa.

Hám Sinh ngây ngốc nhìn bầu trời, con ngươi đen láy sâu như hồ nước, sâu kín mà phẳng lặng không gợn sóng. Cô cảm thấy khóe mắt cay cay, vội vàng nhắm mắt lại, cố gắng thử xem có thể ngủ thêm một lát nữa hay không. Con Shar Pei mũm mĩm như lợn con, ghé đầu vào bên chân cô, cổ họng phát ra tiếng ngáy “khò khè, khò khè”. Cô duỗi chân gãi gãi lên lưng nó, chú chó lười nhác chẳng hề động đậy. Cô khẽ mấp máy khóe miệng nhỏ giọng nói: Con cún này ngủ giỏi thật.

Tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên phá vỡ không gian yên tĩnh của buổi trưa. Hám Sinh chưa kịp ngủ, nghe thấy tiếng chuông điện thoại vội xoay người ngồi dậy, chú Shar Pei cũng tỉnh theo, khuôn mặt béo phì đầy nếp nhăn hướng đến điện thoại rồi sủa lên vài tiếng. Sau đó lại nằm sấp xuống tiếp tục ngáy khò khè. Hám Sinh duỗi chân đạp một cái lên người Mông Bự, nó mới không bằng lòng, lười nhác vòng ra chỗ khác, cô đứng lên nhận điện thoại.

(Mông Bự là tên của con Shar Pei.)

Tiếng chuông vẫn kiên nhẫn vang liên tục. Hám Sinh dường như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, đại khái cũng đã biết được người gọi cho cô là ai. Đưa ống nghe lên bên tai, từ đầu dây bên kia truyền đến giọng nói trầm khàn, một giọng nữ cực kỳ lôi cuốn “Hám Sinh à, em mau đến đây xem đi. Gọi cái công ty xây dựng gì gì đó đi. Trên mái nhà có một lỗ thủng, chiều nay lại không có ai ở nhà, đài dự báo chập tối có mưa, đồ gia dụng nhà chị sẽ bị ngâm trong nước mất.”

Trong lòng Hám Sinh lấy làm sợ hãi, vội vàng trả lời “Chị Sa Sa, chị đừng nôn nóng, em lập tức đến ngay đây.”

“Ai!” Đầu dây bên kia buông một tiếng thở dài “Em đến đây nhanh lên, chúng ta còn phải bàn xem sẽ làm thế nào.”

“Được.” Hám Sinh vội vàng ngắt điện thoại, thuận tay vơ chùm chìa khoá trên bàn trà rồi vội vã ra khỏi cửa.

Đến cửa phòng khách, Hám Sinh đá đá vào chú chó mập mạp kia “Mông Bự, mày có muốn đi cùng tao không.” Chú chó béo múp míp kia giương ánh mắt chẳng hiểu gì nhìn cô. Hám Sinh thở dài một tiếng khom người ôm ngang người nó lên, bước ra sân.

Mông Bự xem ra đã quen bị Hám Sinh thường xuyên ôm nó đi qua đi lại như vậy, bị người ôm ngang bụng cũng không hề tỏ ra khó chịu. Hám Sinh vào trong sân, đặt Mông Bự vào giỏ xe, nổ máy rời khỏi cổng.

Hám Sinh ngồi trên chiếc xe máy của cô chạy trên đường nhanh như chớp. Rẽ qua bảy tám ngõ nhỏ, đi thẳng đến bờ biển bên kia. Mông Bự ngồi trong giỏ xe, thè thè lưỡi, nhìn trái nhìn phải, bày ra vẻ rất đắc ý, đôi mắt bị mấy nếp nhăn trên mặt che gần hết mà vẫn vui thích đến nỗi cố nhướn mắt để lộ ra tia sáng trong đó.

Giữa trưa, mặt trời tỏa nhiệt như muốn nướng chín người. Ánh mặt trời làm Hám Sinh chói mắt, thật ra cô không thích mùa hè. Ban đầu cô không thích vì nguyên nhân hơi khách quan, bởi vì cô béo, mỗi lần hè đến lại không giấu được mỡ bụng. Đến sau này, cô không còn béo nữa, nhưng thời gian thấm thoắt trôi qua đến một ngày cô như hiểu ra một việc, kể từ đó mùa hè đối với cô mà nói, nó mang lại cho cô cảm giác đau thương nặng nề: Những chuyện không hay dường như đều đến với cô vào mùa hè.

Hám Sinh đi hai mươi phút, cho tới khi trước mặt cô xuất hiện một căn nhà. Nhìn thoáng qua từ bên ngoài vào trông rất đẹp, trước cửa là một khoảnh sân rộng, thiết kế ba tầng khá lớn, bên trong có hơn hai mươi phòng. Phong thuỷ ở đây cũng rất tốt, có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh biển. Lần đầu tiên Hám Sinh đặt chân lên đảo đã ở đây, căn nhà chủ yếu là cho thuê phòng nghỉ. Bà chủ của khách sạn này mở lời với Hám Sinh, cho cô góp một nửa vốn.

Lúc Hám Sinh ôm Mông Bự vào cửa, bà chủ Sa Sa đang dựa vào quầy bar, bàn tay ngọc ngà bị người đàn ông nước ngoài cao lớn cầm lấy, hai người cúi đầu nói chuyện, cười thân mật.

Sa Sa không hề có vẻ sốt ruột như chị ta vừa nói trong điện thoại, Hám Sinh đi đến đó, đứng cách họ vài bước, nhỏ giọng gọi một tiếng “Chị Sa Sa.”

Sa Sa là người phụ nữ Đài Loan đã ly dị, tuổi gần trung niên mà vẫn rất xinh đẹp. Trông chị ta có vẻ lôi cuốn của người phụ nữ trưởng thành. Chị ta quay đầu nhìn Hám Sinh, nụ cười trên mặt hơi thu lại, sau đó ngừng một lát, hít một hơi rồi nhẹ nhàng thở ra. Chị ta tỏ vẻ bất đắc dĩ nói với Hám Sinh “Hám Sinh à, em tự mình lên xem đi.”

“Được.” Hám Sinh đáp một tiếng, đi về phía trước đặt Mông Bự vào trong lòng Sa Sa, xoay người chạy lên lầu. Sa Sa ôm chú chó, giơ hai chân nó lên trước mặt, nhìn trái nhìn phải chú chó béo múp míp rồi nói “Mông Bự à, gần đây mày lại béo ra rồi sao? Mày là chó mang cơ thể của heo đấy à.”

Hai chân sau của Mông Bự không có điểm tựa, cơ thể lại bị giơ lên không trung, đôi chân sau khua loạn xì ngậu cả lên, miệng kêu “ư ử”. Sa Sa quay người đặt nó lên trên quầy bar, nó lập tức xòe bốn chân nằm úp sấp trên mặt bàn, chẳng kêu gì nữa. Đôi mắt nhỏ cảnh giác nhìn Sa Sa chằm chằm, Sa Sa vỗ nhẹ vào gáy nó “Đồ lười biếng.”

Lúc này Hám Sinh đi thẳng lên mái nhà của tầng ba, quả nhiên thấy chính giữa nóc nhà thủng một lỗ cũng không to lắm. Cô nhìn quanh lỗ thủng kia một vòng, nghĩ bụng không hiểu làm cách nào mới ngăn nước chảy vào lỗ thủng đó.

Căn nhà này vốn có lịch sử lâu đời, cũng như con người khi đã vào độ tuổi già cỗi này. Nhìn bề ngoài như vậy, nhưng bên trong đã cũ lắm rồi, lúc thì chỗ này khi lại chỗ kia hỏng hóc, thường xuyên có chỗ cần phải tu sửa. Một tháng trước Sa Sa phát hiện một phòng ở tầng ba bị dột, Hám Sinh tìm một công ty xây dựng đến, làm một lớp chống thấm trên toàn bộ mái nhà. Nhưng chưa đến một tháng, đêm qua mới mưa to một trận, phòng lại bị dột. Hám Sinh lại gọi cho công ty xây dựng kia, rõ ràng đây là lỗi do chất lượng làm việc của họ, điện thoại mới gọi đi, bọn họ cũng vui vẻ đồng ý, sau đó cử người đến rất nhanh. Nào ngờ người thợ sửa chữa lại để sót một lỗ thủng như thế. Bất đắc dĩ, Hám Sinh lấy điện thoại gọi cho giám đốc công ty sửa chữa, điện thoại vừa thông, Hám Sinh nói vài câu miêu tả sự cố. Nhân viên nghe điện thoại rất mực khách khí, xin lỗi cô một câu, giải thích vòng vo một lúc ý nói: Công ty làm việc xảy ra sơ suất, bọn họ nhất định sẽ chịu trách nhiệm tu sửa lại, nhưng bây giờ không có đủ công nhân để cử đến, mong Hám Sinh kiên nhẫn chờ thêm hai ngày.

Hám Sinh nghe giọng nữ nói liến thoắng cả nửa buổi trong điện thoại, cảm thấy vô cùng nhàm chán, dứt khoát dập máy. Lúc trước chính cô đã sửa chữa căn nhà này, cô cũng biết ít nhiều thông tin về công ty sửa chữa đó. Công ty sửa chữa này thực ra chỉ là cái xác trống không. Hoạt động trên đảo này thoạt nhìn có vẻ nghiêm chỉnh, kỳ thật chỉ có vài người thợ thường xuyên đi làm. Công ty nhận việc rồi mới báo cho thợ. Sau khi các công trình kết thúc, công ty nhận tiền từ người thuê, giữ lại một phần rồi mới chia cho thợ, chẳng khác bóc lột sức lao động là mấy. Nhưng đầu năm nay số ông chủ ở Trung Quốc nợ tiền công ngày càng nhiều hơn. Hám Sinh nhìn lỗ thủng trên mái nhà kia cũng hiểu chuyện gì xảy ra. Có thể thấy mấy người thợ bị ông chủ nợ tiền lương, bọn họ không có lương, đương nhiên sẽ chẳng làm tốt công việc.

Hám Sinh từ tầng trên đi xuống, thấy Mông Bự ngoan ngoãn ngủ trên quầy bar. Không thấy bóng dáng Sa Sa đâu cả, cô chẳng chào hỏi ai, lại day day hai bên thái dương rồi đi ra cửa.

Lúc này Hám Sinh rất thông minh, đi thẳng đến đường cái giơ cao tấm bảng, chờ người thợ đến. Cô đón được một người thợ thật thà chất phác, dẫn anh ta trở về khách sạn, nói với anh ta trước đêm nay nhất định phải xử lý xong lỗ thủng kia, sau đó làm lại chống thấm một lần nữa. Cô lấy ra một khoản tiền, có thể gọi là tiền công, cách này rất đơn giản, không cần kí kết hợp đồng, tận mắt nhìn thấy tiền mặt chẳng đáng tin hơn hay sao. Người đàn ông kia nghe thoả thuận của Hám Sinh xong lập tức lấy đồ ra bắt đầu làm việc.

Hám Sinh bận bịu cả buổi trưa, xuống tầng một lần nữa đã thấy Sa Sa đứng trước quầy bar, chị ta nhìn Hám Sinh rồi vẫy vẫy tay. Hám Sinh quay đầu nhìn chị ta, mệt nên chẳng thiết nói chuyện. Sa Sa cũng không bắt chuyện với cô, quay người đi vào phòng bếp, một lát sau bưng một bát đi đến đặt trước mặt Hám Sinh “Ăn đi.”

Bà chủ Sa Sa này làm bình thường lúc nấu ăn, cho ít muối nên bị nhạt, nhưng lần nào Hám Sinh cũng ăn hết sạch sành sanh để ủng hộ. Cả đời này, ngoài mẹ ra chỉ có Sa Sa nấu cơm cho cô.

Hám Sinh cúi đầu ăn, Sa Sa đứng đối diện cô, lật đi lật lại tập hoá đơn đăng kí. Một lát sau mới ngước mắt nhìn Hám Sinh vừa ăn vừa chảy mồ hôi, chậm rãi nói “Mông Bự nhà em ấy à, chăm nó ít ít thôi. Rảnh rỗi thì dẫn nó đi dạo, nó cần giảm béo.”

“Vâng.” Hám Sinh nuốt một miếng mì trong miệng xuống, thuận miệng trả lời cho có lệ.

“Em cũng thế, rảnh rỗi thì ra ngoài chơi nhiều một chút. Em ở lì trong nhà suốt ngày chẳng có tý hơi người nào, nhìn em càng ngày càng gầy, ăn cũng ăn ít hơn người khác.”

“Được.” Hám Sinh vẫn trả lời qua quýt.

Sa Sa nhìn điệu bộ kiên trì của cô, tức giận gõ một cái vào sau gáy cô. Hám Sinh bị ngón tay chị ta gõ một cái mới ngửa mặt, ngồi thẳng lưng lên. Cuối cùng cũng đưa mắt nhìn Sa Sa, nhưng lại chẳng có biểu cảm gì, nhìn thoáng qua một cái rồi lại tiếp tục cúi đầu xuống ăn. Sa Sa chẳng còn gì để nói, dứt khoát quay mặt sang chỗ khác không để ý tới cô nữa.

Hám Sinh ăn xong, ôm lấy Mông Bự đi ra ngoài, lúc đi qua tiện chào Sa Sa một câu “Em đi đây.”

Sa Sa đang ghi sổ sách, không hề ngẩng đầu, đáp một câu “Được. Rảnh rỗi lên đây chơi, chị nấu cơm cho em ăn.”

“À, được.” Hám Sinh đáp lời rồi đẩy cửa rời đi.

Trên đường về nhà, Hám Sinh tiện đường rẽ vào siêu thị mua một ít thức ăn cho chó và vài đồ dùng hàng ngày. Vốn rảnh rỗi, cô chậm rãi đi dạo bên trong một lúc lâu, không ngờ đến lúc ra về trời bỗng tối sầm, rõ là trời sắp mưa.

Thời tiết ở hải đảo luôn thay đổi thất thường như vậy. Hám Sinh quay lại mua thêm một bộ áo mưa. Bộ áo mưa trùm đầu vừa dài vừa rộng, vạt áo rộng thùng thình, mở ra phía trước có thể che luôn cho cả Mông Bự trong giỏ xe.

Đi đến nửa đường bỗng nhiên trời đổ mưa, sau buổi trưa nên cơn mưa đến vừa lớn lại vừa mau. Hạt mưa tròn như hạt đậu rơi trước mắt tạo thành cơn mưa bụi dai dẳng. Hám Sinh tăng ga đi thẳng về hướng nhà mình.

Vừa về đến cổng cũng là lúc cơn mưa nặng hạt nhất. Xuyên qua màn mưa bụi ở phía xa xa, Hám Sinh chợt nhận ra có một người đứng một mình trước cổng nhà cô. Đợi đến lúc cô nhìn rõ tận mặt người ta, không nên đứng một mình như vậy chứ.

Một người đàn ông đứng trước cửa nhà Hám Sinh. Đó là một người đàn ông đẹp trai, vóc dáng cao lớn, cơ bắp ẩn hiện dưới lần áo. Gương mặt dịu dàng ôn hoà, đường nét ngũ quan rõ ràng, nhìn qua rất nhã nhặn. Anh ta có đôi mắt hoa đào, nhưng gặp nước mưa khiến cho híp vào.

Quần áo trên người anh ta đã bị mưa dầm cho ướt đẫm, dính sát vào cơ thể. Thời tiết nóng thế này còn mặc áo trong áo ngoài, chân còn đi một đôi giày da mềm. Trông không giống người đi du lịch, bên cạnh đôi chân thẳng là hai va li bằng da, tuy không nhìn thấy nhãn hiệu, nhưng với kiến thức ít ỏi Hám Sinh vẫn có thể nhận ra đây là hàng cao cấp.

Người đàn ông đứng dưới mưa nhưng điệu bộ vẫn bình thản, sống lưng thẳng tắp. Tuy rằng cả người ướt mưa trông vô cùng chật vật, nhưng nhìn chiếc túi da màu nâu rám nắng anh ta đeo bên mình, đến đôi giày anh ta đi cũng có thể hình dung anh ta đến đây với bộ dạng nghiêm chỉnh. Nhưng Hám Sinh cảm thấy đầu óc và tính cách của người này có phải có vấn đề không? Sau lưng anh ta là mái hiên nhà Hám Sinh có thể trú mưa rất tốt, người này lại đứng trước ở trước cửa nhà chịu đựng cơn mưa, trên mặt chẳng hề có nét khổ sở, thậm chí còn tươi cười nhìn Hám Sinh phi xe nhanh vào rồi dừng lại trước mặt quan sát anh ta.

Đây chính là cảnh tượng lần đầu tiên Hám Sinh gặp Diệp Quyền, lúc ấy cô chỉ cảm thấy người đàn ông này nhất định có gì đó không bình thường.

Tác giả nói ra suy nghĩ của mình: Chương này rất nhiều chữ, nhưng rõ ràng phải đứng độc lập một chương. Cuối tuần phải đưa con đi du lịch, vẫn còn một chút bản thảo, đã đưa lên bảng thông báo, nếu có gì không ổn, xin mọi người tha thứ. Dù sao cuối tuần sau cũng sẽ ra hai vạn chữ.

Nói rõ một chút, hòn đảo nhỏ trong truyện là nơi ta tự tưởng tượng, trên thực tế ta cũng chưa từng đi qua. Chỉ là ta tưởng tượng vô căn cứ mà hình thành nên. Ta khẳng định hòn đảo kia không hề có thật, cho nên dùng hòn đảo này làm địa điểm cụ thể thay thế, mọi người coi như ta tưởng tượng vô căn cứ ra nơi này nhé, đừng tích cực quá cùng tôi.