Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 74: Năm mới đến rồi!




Sáng Một Tết trời trong gió mát, tiếng gà vẫn gáy râm ran, cả nhà quây quần trên sạp tre ăn sáng. Bánh Tét đã chín, được vớt ra treo dưới dãy bánh nhân ngọt. Cha đốt nén nhang ở bàn thờ, thổ địa và bàn thiên khấn vái.

Mai miễn cưỡng làm theo anh chị em quỳ lạy cha nương chúc Tết. Chuyện quỳ lạy này thiệt là làm khó người ta. May là ngũ cô nói không cần, chỉ chắp tay chúc Tết cô là được. Mấy đồng tiền kẽm được xâu lại bằng sởi chỉ đỏ thắt nút hình chữ Thọ thật đẹp. Năm nay cha nương còn có tiền riêng lì xì mấy đứa con các năm trước do ông bà nội lì xì. Mấy đứa nhỏ đều đặt tiền lì xì có sợi chỉ đỏ thắm trong túi áo để xua đuổi vận xấu, đón vận may trong năm mới.

Năm nay có cha và Cúc tỷ được may quần áo mới, hai người cũng không mặc hôm nay mà để dành dịp khác.

Sau giờ ngọ, mấy đứa trẻ rủ nhau đi chùa lễ Phật. Trên đường đi Mai gặp mấy đứa nhóc nhà khác cũng xúm xít cầm rổ, đội mâm trái cây đi lễ Phật. Chim én đã về từ lúc nào, liệng hót ríu rít giữa đồng. Mấy đàn chim hạc, cò ‘chững chạc’ hơn vẫn miệt mài sục tìm thức ăn trên những khoảng đất trũng ngập nước.

Đến nơi thấy Dương ông đã đến, đang uống trà cùng sư ông. Tụi nhỏ khoanh tay thưa hỏi, chúc Tết hai người rồi vào chính điện đốt nhang, quỳ lại. Lúc trước Mai cũng hay đi chùa vào các ngày Rằm lớn nên quỳ lạy Phật rất tự nhiên. Nhưng sáng nay cô lại không quen quỳ lạy cha mẹ chúc Tết, không thoải mái chút nào. Điều này không có nghĩa cô không kính trọng cha mẹ, nhưng ăn sâu trong trí nhớ thì con cháu chỉ quỳ lạy lúc để tang. Trong ngày cưới hỏi, lễ Tết cũng không còn quỳ lạy như ở đây.

Gian chánh điện được quét dọn sạch sẽ. Cây mai vàng hôm trước đã ra nụ xanh chi chít, chắc vài ngày nữa mới nở.

Mấy con chim sẻ nhỏ không sợ người lạ, chúng nhảy nhót nhặt những hạt gạo rải trên đất. Tối qua sư ông cúng giao thừa xong rải xuống, giờ làm thức ăn cho lũ chim này, không phí chút nào.

Mấy ngày Tết này kiêng kỵ quét dọn nhà cửa, quần áo cũng không giặt. Ngoài việc cho gà vịt ăn thì nhà Mai rãnh rỗi, thư nhàn. Cờ ca rô lại phát huy tác dụng giúp mấy đứa giải khuây. Lần này thua là phạt uống một chén nước to, từ xế đến chiều bụng đứa nào cũng óc ách nước. Mai nghĩ chắc mười ngày sau cô không dám uống nước luôn.

Mùng hai là ngày con gái về nhà mẹ đẻ, nhà ngoại xa nên nương không đi. Ngũ cô muốn Mùng bốn về nhà nội cùng với nhà Mai nên hôm nay cũng không đi. Lưu bá mẫu ẵm theo ngũ Mi, Tương huynh chèo ghe về nhà mẹ đẻ trong làng. Hết ngày Mùng Một cũng không còn kiêng kỵ khách đến nhà nên Tam Mi và tứ Mi qua nhà Mai chơi, vừa ăn mứt vừa nói chuyện trong làng.

Gần trưa thì hai chị em về nhà làm ít việc nhà và lo cơm nước cho Lưu bá. Mai nằm dài trên giường, vỗ bụng ăn quá no. Cô đang nghĩ xem làm sao làm ‘ống heo’ cất tiền lì xì hàng năm, có ít tiền riêng cũng được an ủi, vui vẻ.

– A Mai, nở rồi’ nở rồi. Mau ra xem.

Là ngũ cô, giọng rất vui vẻ, Mai ngồi dậy chạy ra bếp. Nương và Cúc tỷ đã đứng ở cạnh lò ấp, trứng gà nở con rồi. Hôm qua Mai đếm số vạch trên thanh tre, vẫn thắc mắc sao qua hai mươi ngày mà chưa thấy trứng gà nở. Cô dặn dò cả nhà xem chừng lò ấp, trong mấy ngày này sẽ nở.

Nương vui vẻ chỉ ngũ cô bắt con đã nở ra rổ đã lót rơm, bỏ trứng vỡ. Mấy con gà mới nở kêu chíp chíp rất nhỏ, cả người tròn vo, có con màu vàng sậm, có con vàng nhạt. Trong này có lẫn mấy trứng gà nhà của bà ngoại cho lúc trước. Mai cố ý không bán chúng, để lai giữa gà nhà và gà rừng, hy vọng chúng có được gen khoẻ mạnh của gà rừng.

Mỗi rổ cỡ hai mươi con gà con được đặt quanh lò ấp để chúng quen dần nhiệt độ bên ngoài. A Phúc đã chạy đi chơi, nhóc nhất định sẽ rất vui vẻ nựng nịu từng con gà này.

Lần đầu thấy lò ấp mình chăm chút nở ra con, ngũ cô rất phấn khởi. Cô cứ nhìn đám gà say mê, lo lắng xem chén nước có bị đổ ra ngoài hay không, có con nào yếu bị chèn ngã hay không. Mai nhẹ thở dài, ít ra bây giờ ngũ cô có cái để quan tâm chăm sóc, sẽ quên ưu sầu, phiền muộn. Giống như những người đàn bà thời này, cô suốt ngày làm lụng chăm chỉ, việc nhà việc ruộng đều giỏi, chuyện chăm sóc đàn vịt đàn gà càng làm cô yêu thích. Lúc thấy gà vịt bán được tiền cô lại càng chăm sóc chu đáo hơn.

– Mình ấp tiếp trứng gà trong giỏ hay sao?

Đàn gà lớn vẫn đẻ trứng lác đác, mỗi ngày ba bốn trứng. Nương chọn trứng không đẹp để ăn, còn lại đều cất trong giỏ. Ngũ cô đem trứng ra sạp tre đếm:

– Hai mươi hai trứng.

– Cô, mình chờ vài ngày nữa, con nhắn a Báo nhặt thêm, đủ bốn mươi trứng mình ấp một lò.

– Được

Mai nghĩ một chút rồi nói:

– Nhà mình bán gà con luôn được không? Vẫn để một nửa nuôi lớn, còn lại mang ra chợ bán.

Đúng rồi, sao họ không nghĩ ra. Nhiều người nông dân muốn nuôi gà trong nhà. Gà sẽ nhặt hạt cơm hạt lúa rơi, lớn trọng thì có thịt đãi khách, cũng bồi bổ người nhà. – Được, ta thấy được. Mình nuôi lớn cứng cáp rồi mang ra chợ bán.

– Vậy lứa vịt sắp đẻ trứng cũng ấp vịt con bán.

Bốn người cùng vui vẻ bàn bạc chuyện nuôi, ấp trứng, bán con rất hưng phấn. Thêm nhiều việc hơn nhưng càng làm người nhà có thêm thức ăn, thêm áo mặc.

Lúc ăn cơm chiều nói lại chuyện này, An ca hớn hở nói:

– Con chạy đi nhắn a Báo nhanh chút, mua thêm trứng.

– Dù sao cũng đợi qua Mùng mới được. Đầu năm đầu tháng cũng không nên hối thúc người ta.

Mấy đứa nhỏ ăn cơm xong tụm lại chờ a An đếm số tiền quỹ. Chỉ còn hai mươi bảy văn. Mai nói:

– Không phải còn phần hùn của ngũ cô sao?

Từ ngày vào đây ở, ngũ cô là người chăm sóc chính cho gà vịt. Mai còn biết cha nương đưa một ít tiền ‘dằn túi’ cho ngũ cô dùng mấy ngày Tết. Nhân dịp này để ngũ cô góp phần chính thức. Sau này cô có tiền riêng của mình cũng không cảm thấy ‘ở đậu’ nhà Mai. Mà ngũ cô có tiền rồi có thể dựng nhà, mua ruộng riêng cho mình.

Cả nhà cũng tốn một chút thời gian ngũ cô mới đồng ý chuyện hùn vốn. Có thêm tiền góp của ngũ cô, mong là bán được gà con. A An viết thêm mấy chữ trong quyển sổ nhỏ của hắn.

Sáng sớm Mùng ba, cha ra chuồng gà chọn hai con gà trống mập mạp. Một con cúng Mùng ba, một con mang đến Tết Thầy a Vĩnh là Đỗ lang y. Ông liếc qua hai cái bẫy được đặt sát mép nước, giật mình thấy con kỳ đà lớn vẫn đang giẫy trong bẫy. Cha không kịp bắt gà chạy vào nhà gọi a Bình.

Thật sự không nghĩ là bẫy được nó, không lẽ nó đánh hơi được đám gà con mới nở sao. Mai không vui vì bẫy được con kỳ đà cô chỉ lo cho đàn gà, vịt. Theo tâm lý ở hiện đại Mai không thích săn bắn động vật hoang dã. Cô cũng không thích ăn thịt chúng, dù sao mình nuôi mình ăn vẫn yên tâm hơn.

Mấy đứa con trai rất hưng phấn, cùng cha khiêng bẫy vào sân. Mai không dám nhìn cha giết con kỳ đà, cô hơi sợ.

Mặt trời vừa lên, cha nương dẫn Vĩnh ca ăn mặc chỉnh tề đi nhà Đỗ lang y. Quà lễ Tết thầy cũng tuỳ nhà học trò, nhất định phải có là gói trà thơm bằng giấy đỏ và mứt ngon nhà làm. Nương đã chuẩn bị tỉ mỉ trà, mứt mấy ngày trước, còn có cặp bánh Tét mặn, con gà trống.

Cha không bái Bùi ông thợ mộc làm thầy nhưng ông cũng có lòng dạy và dẫn dắt cha nên hôm trước cha cũng mang bình rượu điều (1) do Bùi ông thích uống rượu hơn trà, một cặp bánh Tét mặn và một cặp vịt. Thông thường khi tặng biếu chỉ dùng bánh Tét mặn, bánh Tét nhân ngọt chỉ để trong nhà ăn hay là cho người thân ruột thịt. Tương tự người ta hay tặng gà mà ít tặng vịt. Cặp vịt tặng cho Bùi ông là do hôm trước nhà ông đến muốn mua vịt làm món vịt nấu măng, nên cha tặng ông luôn. Bùi ông là người hào sảng, phóng khoáng cũng không khách khí nhận cặp vịt. Hai nhà vui vẻ qua lại như vậy mới tốt.

Lúc cha và Vĩnh ca về, có Đỗ lang y và con trai lớn, sư huynh của a Vĩnh theo. Đỗ lang y kêu hai học trò trải tấm đệm chỗ sân có bóng mát, dùng con dao nhỏ sắc bắt đầu rạch bụng con kỳ đà. Vừa làm vừa nói các bộ phận và tác dụng y thuật của túi mật và thịt lỳ đà. Đỗ lang y lấy túi mật đưa con lớn dặn hai học trò đi về xử lý túi mật.

Cha mời lang y vào nhà trên, mời trà, trầu tiêm và mứt. Ông chỉ dẫn cách nấu thịt kỳ đà cho cha nghe. Một lúc sau thì Lưu bá và Nguyễn bá và Nguyễn thúc đến. Người lớn chào hỏi, chúc Tết, nói chuyện rồi cùng nhau làm thịt, chuẩn bị rau củ nấu món thịt kỳ đà.

Con kỳ đà này vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn, nặng khoảng mười lăm cân. Nhưng cũng đủ mấy nhà thân quen ăn thoải mái. Chiều tối hôm đó, chia ra nhóm đàn ông ngồi bàn giữa sân trước, đàn bà ngồi ở sạp tre sân sau, trẻ con thì ngồi quay quanh đám lửa. Tụi nhỏ nướng đủ thứ từ mực khô, cá, tôm đến khoai, vọp đều được bọn trẻ mang từ nhà qua vùi vào lửa. Mùi thơm vang lừng toả ra. Dương ông uống vài chén rượu sảng khoái nói:

– Mùng sáu đến nhà ta đi, cũng không có món gì lạ, đến uống vài chén rượu đi.

Mọi người hào hứng ứng tiếng. Dau đó là Bùi ông, Nguyễn bá cũng mời đến nhà mình. Xem ra là cha sẽ ‘nhậu’ đến hết mùng rồi. Sở dĩ bắt đầu từ Mùng sáu vì Mùng bốn nhà nông cúng đưa ông bà về trời và cúng đất đai nhà cửa. Mùng năm là ngày kiêng kỵ mọi người thường ở nhà, ít ra đường.(1): rượu được dán giấy đỏ