Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 65: Ngũ cô trở về




Hôm sau Lưu tam bá quá giang ghe đi về làng chài. Lúc trời tối, trăng hạ tuần lên đầu ngọn dừa, cả nhà Mai đã tắt đèn lên giường thì nghe tiếng gọi:

– A Bình, dậy mở cửa cho nội.

Là ông nội, có chuyện gì sao ông đến giờ này? A Bình đáp lời, mọi người đều ngồi dậy, bước xuống giường. Ông và tam bá đứng ở sân nhìn mấy đống lửa trong làng còn le lói phía xa.

– Cha, tam ca, vào nhà đi. Có việc gì sao?

Cha khoát áo còn chưa kịp gài nút hỏi.

– Không có gì, không có gì.

Ông nội nhìn ra vẻ gấp gáp lo lắng của cha nên khoát tay nói.

– Nghe nhà a Chí bên kia nói chuyện con bán ghe, ta muốn vào xem sao thôi. Đi theo ghe chở cá lên Trấn Giang, đến đây trời đã tối. Mấy đứa nhỏ đi ngủ đi.

À, thì ra là vậy. Nương và Cúc tỷ đốt đèn dầu trên bàn, đi xuống bếp nhóm lửa. Trong lúc cha kể chuyện mấy ngày nay thì thất thúc và Bình ca trải thêm chiếu, hun muỗi, sắp xếp lại chỗ ngủ của đám con trai. Nương và Cúc tỷ rất nhanh dọn cơm và cá kho lên bàn. Cha và tam bá ăn thêm một chén rồi mọi người đi ngủ.

Mấy hôm sau ông nội, tam bá và một nhà Lưu tam bá đi đốn gỗ trong rừng. Nhà Lưu tam bá muốn mua ghe cỡ lớn, cũng đưa trước mười lăm quan, còn lại năm quan sẽ xẻ gỗ bù công.

Có thêm nhiều người làm, ông nội coi sóc việc đốn củi. Cha và Bình ca tập trung uốn ván, đóng be, đục cong nên chiếc ghe cho nhà Lưu tam bá rất nhanh thành hình. Càng làm càng thuận tay, Mai xem rất kỹ ván đáy, ván be được ghép chặt khít. Cha và Bình ca là thợ chính, hai người tỉ mỉ đo, uốn các tấm ván, đục bào mấy thanh cong trơn bóng đẹp mắt. Công việc cưa xẻ gỗ cần sức nhưng việc ghép ván lại cần sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn không phải ai cũng làm được.

Cha đã chỉ dẫn thất thúc và Hân ca mấy lượt, hai người làm cùng lúc ghép ván nhưng để tự hai người làm thì không thể. Nhìn Bình ca đo, bào từng lớp gỗ, canh chỉnh để hai miếng ván khớp vào nhau, thất thúc lắc đầu nói:

– Nhìn a Bình làm thì đơn giản, sao đến phiên ta lại khó vậy!

Mấy đứa nhỏ cười ha ha, không phúc hậu chút nào.

Tận dụng mấy miếng gỗ dư, Mai làm thử xuồng năm bản, cái này phức tạp hơn xuồng tam bản, nhưng bề rộng lớn chứa được nhiều đồ, thành xuồng cao không sợ sóng lớn sẽ an toàn hơn.

Nhìn thấy Mai lại vẽ vẽ, ghép ghép cha đến nhìn. Lúc ông thấy hình vẽ năm miếng ván ghép lại, ông mừng rỡ nói:

– Con tính được chưa? Làm được cỡ ghe lớn này sao? Là năm miếng ghép lại à?

Nghe giọng cha mừng rỡ, mọi người chạy lại coi. Vừa thấy hình, vừa nhìn năm miếng gỗ nhỏ Mai đang ghép lại ai cũng phấn khích hỏi:

– Có thể làm được không? Khi nào làm?

Mai cũng vui lây niềm vui của mọi người. Có thêm loại ghe lớn sẽ thuận lợi biết bao nhiêu. Ông nội hỏi Mai kích thước có thể đóng được là bao lớn.

– Dạ con áng chừng nhiêu đây, chọn loại gỗ tốt, ngâm kỹ có thể làm ghe đánh cá được đó nội.

– Ừ, ta sẽ vô rừng sâu hơn chọn cây tốt ngâm trước.

Ghe đi biển đóng hơi khác so với ghe ở sông, giá cao hơn. Mười năm trước nhà ông nội mua đã tốn gần ba mươi quan. Nhà mình đóng được thì kiếm thêm cá, làm thương lái cũng đặng.

Mai quay sang nói với cha.

– Cha, cái này sau Tết mình làm thử. Bình ca phải làm mẫu mấy lần mới được. Giờ cha làm xong mấy cái được đặt trước.

– Được, cha biết.

Nói như thế nhưng ông cũng không khỏi săm soi bản vẽ và bản mẫu cỡ nhỏ của xuồng năm bản này. Ai làm nghề mà không muốn thử đóng loại mới!

Hai ngày sau Bảo ca vào, không kịp buộc ghe đã nhảy lên cầu ván vào xưởng.

– Ông nội, ngũ cô về!

Ông giật mình buông cái cưa xuống,

– Về khi nào, có nói gì không?

Bảo ca lúng túng, mồ hôi lăn xuống cổ, chèo ghe vội vã giữa trưa nắng từ làng chài vào. Mai rót chén nước đưa Bảo ca, ca ấy không uống mà nhìn ông nội.

– Có gì cứ nói.

– Ngũ cô về một mình, gặp bà nội chỉ ôm bà khóc lớn. Bà nội hỏi một lúc sau cô nói,… nói nhà bên đó đuổi về.

Mọi người đều nhíu mày im lặng, Bảo ca nói tiếp.

– Ngũ cô còn bị đánh, bà nội thấy ở cánh tay, trên vai đều có vết thương. Bà kêu con vội vào đây báo ông biết.

Nghe đến đây thì cả nhà đều buông công việc đang làm, ông nội nói:

– Ta về nhà, việc ở đây hoãn lại mấy ngày. Con thu xếp được chứ?

Câu sau là ông nói với cha, cha gật đầu nói:

– Con cũng theo cha về, a Bình coi sóc việc nhà với nương con.

– Ta về theo chàng.

Vừa nghe lời cha nương đã nói,

– Ta về là được rồi. Nàng về theo việc nhà không có người lớn, ta không yên tâm.

Cuối cùng nhà Mai chỉ có cha, Vĩnh ca và cô đi theo. Vĩnh ca và cô mang theo một túi đầy các loại thuốc, cô còn lén nói nương đưa cô mười quan tiền. Nương gật đầu dặn dò mấy câu, gói cho mỗi đứa hai bộ quần áo rồi theo ghe đi. Bảo ca và Hân ca chèo ghe nhà nội đi trước, ghe sau là cha và thất thúc.

Ngược chiều nước, ngược chiều gió làm tóc cha và thất thúc thổi ngược ra sau. Gương mặt đón gió, đón nắng đỏ ửng, giọt mồ hôi chưa kịp rơi xuống đã bị gió cuốn đi.

Đây là lần đầu tiên Mai về làng chài bằng ghe nhưng cô không có tâm trạng ngắm phong cảnh hai bên bờ sông.

Ngũ cô nhỏ tuổi hơn cha nhiều, cô được gả đến nhà làm muối ở gần chùa Hang, hòn Phụ tử bảy năm trước. Sau ba năm cô không có con, nhà chồng muốn hưu, trả về nhưng ông nội không đồng ý đành thoả hiệp để nhà trai cưới vợ hai.

Không cần nói cũng biết ngũ cô ở nhà chồng vất vả khổ sở như thế nào. Hàng năm ông bà nội đều tặng lễ hậu cho nhà bên đó mong rằng họ nể tình mà đối xử tốt với cô. Cưới vợ hai rồi mà hơn ba năm nay vẫn chưa có thai, không biết ai nói ra nói vào mà có lời đồn là do ngũ cô ‘nặng vía’ ám nhà chồng tuyệt hậu. Xem ra lần này họ đã tuyệt tình.

Theo kiến thức hiện đại thì biết đâu người chồng mang bệnh, thời này thật bất công, tội lỗi đều trút lên người đàn bà. Mai nghĩ biết đâu lần này họ đoạn tuyệt lại tốt cho ngũ cô. Dù sao sống ở nhà đó bị hắt hủi, coi rẻ như vậy chỉ uổng phí một đời, giống như người ở không công. Chỉ là làm sao để nhà nội và ngũ cô hiểu ra. Người ở đây đều coi rẻ đàn bà không sanh con, bị hưu đuổi về nhà mẹ đẻ.

Mặt trời xuống biển thì Mai mới đến làng chài, sóng lớn đánh vào be xuồng ồm ộp, nước bắn tung toé. Mấy ngọn đèn dầu leo loét rải rác dập dềnh xa xa, ngư dân vẫn chăm chỉ tìm nguồn sống mỗi đêm. Vĩnh ca và Mai chân nhỏ không theo bước chân người lớn đang đi vội về nhà nên đành tụt về phía cuối. Lúc đến cổng nhà thì lục cô vẫn cầm đèn đứng đợi. Nhà nội vẫn chưa ăn cơm chiều, chắc đợi ông nội về. Nhìn bàn cơm canh đã nguội, ông thở dài nói:

– Ăn cơm trước đi rồi nói.

Nhà nội vẫn chia hai bàn ăn. Mai và Vĩnh ca theo lục cô xuống nhà sau, cất túi vải, rửa tay rồi ngồi vào bàn. Ngũ cô cúi đầu ngồi kế bà nội, mái tóc dài che phần lớn khuôn mặt. Bà nội kéo Mai ngồi cạnh:

– Ăn cơm đi. Hai đứa đi cả buổi chắc mệt dữ. Ăn đi con.

Bữa cơm diễn ra nhanh và lặng lẽ, bàn nhà trên cũng tương tự, ai cũng nuốt vội chén cơm. Lúc ăn cơm xong thì gió bắt đầu thổi mạnh, chắc trời sắp mưa. Nhóm đàn ông, con trai ngồi ván bên trái. Nhóm đàn bà con gái ngồi bên phải, ông nội ngồi ở bàn khách giữa nhà.

– A Hằng, con nói xem chuyện gì xảy ra?

Ngũ cô cúi đầu thật lâu, lúc bà nội định lên tiếng thay thì giọng cô khàn khàn trả lời:

– Hôm qua có thầy địa lý đi qua làng, lúc đến nhà nói, … nói, … họ Trần tuyệt hậu vì có người khắc tự trong nhà. Họ đinh ninh là do con nên … sáng nay đòi hưu, đuổi con về nhà. Con không chịu thì họ đánh, kéo rồi quăng quần áo con ra khỏi nhà.

Ngũ cô sụt sùi kể, giọng càng lúc càng khàn, chắc đã khóc không ít.

– Quá đáng, cha nương mình phải đến đó nói phải quấy mới được.

Thất thúc nắm chặt tay tức giận nói. Bà nội thở dài, vuốt nhè nhẹ trên lưng ngũ cô. Mai thấy cô hơi thót người mới chợt nhớ đến vết thương.

– Cô đã đắp thuốc lên vết thương chưa?

Mai hỏi làm mọi người nhìn ngũ cô chăm chú.

– Chiều bà nội có đắp lá thuốc trên tay rồi.

Bà nội nghẹn giọng nói, vậy trên lưng? Ngũ cô không nói có vết thương trên lưng sao? Mai chắc chắn là có.

– Còn trên lưng?

– Không có,…, không có bị thương trên lưng.

Ngũ cô vẫn không muốn cả nhà biết, là vì che dấu cho nhà đó? Hay không muốn bà nội đau lòng?

Bà nội đương nhiên hiểu ngũ cô, đứng dậy kéo cô vào buồng trong. Mai kêu Vĩnh ca đưa túi thuốc, dặn ca ấy ở ngoài hỗ trợ, dù sao cũng là nam nữ hữu biệt.

Không khí trong nhà càng trầm hơn, thất thúc tức giận đi qua lại ngoài hiên. Từ nhỏ thúc ấy là do ngũ cô chăm sóc mà lớn lên. Năm nay hắn đủ lớn để hiểu thế nào là nỗi khổ của người đàn bà không sinh con, cam chịu để nhà chồng cưới vợ hai, giờ bị đánh, bị đuổi đi.

Trong buồng, bà nội và lục cô kéo lưng áo ngoài xuống, hít sâu khi thấy áo trong đã cũ thấm máu xỉn màu. Lúc kéo áo trong xuống lại càng đau lòng, từng vết thương giống như bị cây quất, cũ mới đan xen.

Mai tức giận không kìm được la lớn ‘Hèn hạ, vô liêm sỉ, cũng dám ra tay’. Bên ngoài nghe tiếng Mai chửi lớn càng lo lắng.

– A Mai, là chuyện gì?

Mai không trả lời, chỉ kêu lục cô mang nước ấm, khăn sạch vào. Lục cô khóc thút thít đi ra ngoài chuẩn bị.

– Ngũ cô, cháu lau và cầm máu vết thương, cô uống thuốc trước. Sáng mai cháu mới trị được.

Đèn dầu không đủ sáng để lau rửa sạch các vết thương cũ mới, đành uống thuốc chống viêm và an thần để ngũ cô ngủ lấy sức tối nay. Ngày mai sẽ xem kỹ hơn, nghe Mai nói trong buồng, Vĩnh ca đã đi sắc thuốc. Bà nội ngồi trên giường ôm ngũ cô mà rớt nước mắt, gương mặt như thêm nhiều nếp nhăn, lưng còng thêm.

Ngũ cô uống thuốc xong, mệt mỏi nên ngủ luôn. Ông nội cũng bảo cả nhà đi ngủ, đến sáng mai nói chuyện cũng không muộn.

Mấy tháng không về đây ngủ, Mai lạ chỗ, cộng thêm tinh thần vẫn còn kích động nên khó ngủ. Cô lại không dám lăn qua sợ bà nội và lục cô tỉnh giấc. Lúc tối gió thổi mạnh nhưng trời không mưa. Trăng hạ tuần chơ vơ lạnh lẽo treo giữa trời.

Chuyện sinh con không đơn giản tại người này người kia, nếu sau này cô cũng không sanh được con thì sao? Phải chịu khuất nhục như vậy? Không được, mình phải tự bảo vệ mình trước, không trông chờ vào người khác.

Theo như phản ứng của nhà nội, thêm việc mấy năm nay nhà nội tặng quà lễ rất trọng cho nhà bên đó. Chứng tỏ ông bà nội và cả nhà cảm thấy có lỗi với nhà họ, cũng không có ý muốn đón ngũ cô về là sợ mang tiếng ảnh hưởng đến lục cô, mấy đứa cháu gái trong nhà. Hừm!

Sáng mai ông bà xử lý sao? Mang ngũ cô trả về bên đó, tặng lễ tạ lỗi? Không được, không thể để chuyện này xảy ra. Phải nghĩ cách mới được.