Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 114: Trẻ sanh non




Hồ thúc mang túi vải gói nhân sâm đến, giao cho Trần lang y xong thì đứng dậy muốn cáo từ. Mai cũng nói để mấy đứa nhỏ về nhà thông báo, hơn nữa chỉ cần Mai và a Vĩnh ở lại đây là được rồi.

Lúc ra ngoài, Đoàn bá dặn Hồ thúc đi theo về nhà Mai nói rõ hơn, tránh người nhà lo lắng. Thấy vậy thất thúc nói:

– Vậy ta ở lại đây.

Có thất thúc ở bên ngoài càng tốt. Mai dặn thúc theo lời chưởng quầy, không cần lo lắng cô sẽ chạy ra vào báo tin.

Lúc từ ngoài quay vào sảnh đã thấy phòng phía sau người ra vào bận rộn. Thuốc dục sanh có tác dụng rồi. Thời này lang y chỉ ở ngoài phòng sainh hỗ trợ, mọi việc trong phòng đều do bà đỡ và người nhà lo liệu.

Mai và a Vĩnh gặp Trần lang y nói mấy việc cần chuẩn bị. Vị lang y trẻ tuổi bên cạnh nghe xong thì theo lời Trần lang y đứng dậy đi cùng lo liệu. Căn phòng ‘vô trùng’ Mai chọn là một phòng đôi, mặt sau phòng đi vào sân nhỏ riêng biệt. Gian trước có giường nhỏ, bàn tròn gỗ. Gian sau lớn hơn có giường lớn, tủ quần áo và cửa sổ rộng thoáng mát.

Bên kia có tiếng kêu rên từng đợt làm ai nấy đều căng thẳng. Nhờ hai người đàn bà đến lau dọn sạch sẽ hai gian phòng, mang màn cửa, mền gối cũ giặt trong nước nóng. Đồ mới thì hong nắng ở sân trong. Chưởng quầy mang mấy thang thuốc theo lời Mai dặn hun trong phòng. Mai và a Vĩnh cũng thay quần áo cũ, tắm qua nước nóng. Bộ quần áo mượn chưởng quầy hơi rộng chút, Mai phải dùng dây vải buột ống quần, buột tay áo nhìn rất kỳ dị, buồn cười. Kệ đi, đợi nương mang quần áo mình lên thay sau vậy.

Hai canh giờ trôi qua, hai gian phòng bên này đã chuẩn bị xong. Không khí trong phòng thoáng mát, được hun bằng dược liệu, trong các góc phòng cũng đặt hương liệu tiêu độc, diệt khuẩn. Thật ra Mai chỉ nói yêu cầu, Trần lang y rất nhanh hiểu ý cô, tự mình ra phương thuốc.

Trời đã dần tắt nắng, người nhà mình chắc sắp đến rồi. Gần bốn canh giờ, thiếu phụ bên kia vẫn chưa sanh được. Chưởng quầy mang theo túi vải đi đến nói:

– Người nhà cô nương đến rồi, ta an bày họ ở tạm phòng bên kia.

– Cảm ơn bá, cháu đi gặp nương một chút. Bá cho người chuẩn bị than, lỡ trời mưa có dùng ngay.

– Được.

Mai dặn Vĩnh ca hun thanh trùng quần áo rồi đi nhanh ra ngoài. Ở sảnh có nương và cậu hai đang nói chuyện với thất thúc.

– Cậu, nương.

– Sao rồi?

Nương bước nhanh qua định ôm Mai nhưng cô né ra, giải thích sơ sơ chuyện cô và Vĩnh ca làm.

– Chưởng quầy nói nhà mình ở tạm phòng kia, con và Vĩnh ca ở đây, đừng lo lắng quá.

Lúc quay vào, đi ngang qua gian phòng ngoài, vị Bùi đại nhân vẫn ngồi ở đó gương mặt trầm trầm, khẽ nhíu mày mỗi lần nghe tiếng rên từ phòng sản phụ. Theo lời lang y, đây là thai thứ hai của sản phụ nên bản thân sản phụ biết giữ sức, theo lời bà đỡ cầm cự đến giờ này. Nếu là thai đầu càng khó khăn hơn.

Giày vò gần hai canh giờ nữa, phòng sản phụ cũng hô lên:

– Sanh rồi, được rồi.

Hai lang y đều nhanh chân bước vào gian ngoài phòng sanh,

– Nâng phu nhân dậy, đút thuốc này, phải uống hết mới được.

– Là tiểu thơ,

Tiếng bà đỡ nhỏ giọng nói,

– Sao không khóc, bà mụ, bà nhìn xem làm sao?

Tiếng nương của thiếu phụ nghẹn ngào, ôm tả lót đung đưa đung đưa. Lúc bà mụ ôm đứa bé, đánh đét vào mông hai ba cái vẫn không nghe tiếng khóc, cả phòng đều lặng người. Mai được chưởng quầy dẫn vào. Đứa trẻ nhỏ xíu, cả người xanh xanh tím tím.

– Lang y, thông mũi, thông họng đi.

Trần lang y làm vài động tác, rồi lại đánh vào mông. Hai lần thông mũi thì đứa nhỏ mới ‘oa oa’ khóc nhỏ xíu, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

– Nhanh, ôm vào phòng bên này.

Bùi phu nhân ôm tả lót, che gió đi vào hai gian phòng bên này. Đến gian trong, Mai ngồi trên giường nhận tả lót ôm vào người. Bà còn lo lắng nhìn Mai ôm đứa nhỏ thì bị Vĩnh ca kéo ra ngoài. Phòng này phải tắm rửa sạch và thanh trùng quần áo mới được vào.

Vĩnh ca nằm ngay ngắn trên giường, áo ngoài đã cởi ra. Mai tháo tả đứa nhỏ, đặt nằm lên ngực a Vĩnh. Đúng là bé xíu như con mèo, chân tay quắp lại, gương mặt nhăn nhúm, đầu thì loe hoe mấy cọng tóc.

Bên ngoài trời bắt đầu mưa lâm râm. Trần lang y mặc đồ mới thay, đứng hun trong khói thanh trùng rồi mới nhẹ nhàng đi vào. Đưa tay bắt mạch đứa bé, chân mày hơi nhíu rồi đi ra.

– Tiểu thơ yếu quá, mạch tượng không ổn.

Là Bùi đại nhân đứng bên ngoài phòng, nghe xong không lên tiếng bước đi. Mai kéo màn cửa lại, mang bếp than đỏ lửa đặt ở gian ngoài, hơ tay nóng rồi xoa nhẹ lên tay chân đứa nhỏ. Vĩnh ca mười một tuổi, thân nhiệt nóng hơn người lớn một chút nên Mai mới nhớ ra cách này. Người ta dùng cách này để giúp trẻ sanh non từ từ quen với môi trường bên ngoài. Sợ khói than làm không khí ngột ngạt, Mai dặn chưởng quầy chỉ mang than được đốt đỏ vào, vừa tàn lửa là mang ra ngay.

Hai khắc sau, Bùi phu nhân mặc đồ vải bông, bưng mâm nhỏ đi vào, trên mâm là chén nước ấm. Mai chỉ dẫn cách ủ ấm em bé, đến phiên Mai ôm bé sưởi ấm thì Bùi phu nhân thấm môi cho bé. Chắc là hơi đói bụng rồi nên bé phản xạ mấp môi, hé miệng mà hai mắt vẫn nhắm nghiền.

Nhìn Bùi phu nhân tỉ mỉ bôi nước lên miệng, nhẹ nhàng xoa vuốt tay chân cho bé, Mai nhìn ra được bà rất thương yêu bé con này. Cả ngày nay căng thẳng chờ đợi làm gương mặt bà mệt mỏi, mắt sưng đỏ nhưng vẫn dịu dàng chăm sóc quan tâm.

– Ta kêu bà vú thay quần áo thanh trùng rồi, nữa canh giờ nữa là cho bú được.

Đêm dần trôi qua, trong phòng vẫn như cũ, giữ ấm cho đứa nhỏ, thấm ướt môi. Đứa bé vẫn chưa bú được sữa trực tiếp, lấy sữa ra ngoài rồi thấm liền lên môi cho bé. Lúc nửa đêm Trần lang y đã đến bắt mạch một lần, dặn tiếp tục giữ ấm cho bé. Phu nhân bên kia kiệt sức nên ngủ sâu, từ từ sẽ hồi phục.

Đến khi trời sáng hẳn thì có tiếng lao xao ngoài cửa. Tiếp đó là một bé gái cỡ tuổi Mai đi vào, cũng mặc áo vải bông, tóc dài buộc gọn sau đầu.

– Đây là Mạc tam tiểu thơ.

Là tỷ của đứa bé mới sanh, nhìn cách ăn mặc thì chắc là đến giúp chăm sóc em bé rồi. Từ hôm qua, Trần lang y và bá mẫu hiểu cách Mai muốn chăm sóc nên cô cũng yên tâm giao lại, thức qua một đêm cũng mệt mỏi quá.

– Ta đã dọn sạch sẽ gian phòng bên kia, hai vị qua đó nghỉ ngơi, người nhà vẫn còn bên đó.

Người đàn ông trung niên, râu đen rậm hơi khom người khách sáo nói.

– Đa tạ.

Mai và a Vĩnh không nhiều lời đi theo ông ấy băng ngang sân qua gian phòng bên kia. Nhà họ đã bao hết dược quán này rồi? Cũng phô trương ghê!

Cậu hai, nương và thất thúc đang ngồi trên bàn, chắc chờ hai đứa cùng ăn sáng nên chưa ai động đũa. Thấy người đến thì đứng dậy chào hỏi.

– Mời các vị dùng bữa sáng đạm bạc, rồi nghỉ ngơi. Cần gì gọi ta một tiếng.

– Không dám, tạ ơn Bùi quản gia.

Còn lại người trong nhà nương kéo hai đứa ngồi xuống ghế hỏi:

– Chuyện sao rồi? Hai đứa làm ta lo lắng muốn chết.

– Dạ, phu nhân đã khoẻ rồi, còn tiểu thơ vẫn chưa biết sao.

– Vậy sao tụi con nhận trị được.

Mai nhìn a Vĩnh để hắn nói lại tỉ mỉ chuyện ngày hôm qua. Cậu hai nói trước:

– Vừa ăn vừa nói, không cần hấp tấp.

Đúng là đói bụng rồi, tối qua đến canh ba là Mai và a Vĩnh đã ngả lưng ngủ ở giường ngoài, sáng nay dậy sớm hơn ngày thường, bận rộn nhìn ngó đứa bé xong mới ra đây. Bữa cơm là nấu cơm trắng ‘nàng thơm’ nên ăn rất ngon miệng, món thịt rim với tôm càng đã lột vỏ, canh chua lá me cá lóc bông. Món nào cũng nêm gia vị vừa miệng, tươi ngon.

– Là đặt tửu lâu bên kia mang qua, vẫn còn nóng hổi.

Cậu hai ăn trước mấy và cơm nói cho mấy đứa nhỏ biết. Vĩnh ca vừa ăn cơm vừa nói tỉ mỉ tình cảnh hôm qua.

– Ừ, hai đứa đã nói như vậy, có Trần lang y chứng thực mới tốt. Tránh người ta nghi kỵ, hiểu lầm.

Cậu hai gật đầu nói, tính ra hai đứa chỉ nói cách làm đứa bé sơ sanh kia có thể qua nguy hiểm, chứ không phải bảo đảm trị hay chữa bệnh gì. Ai cũng không thể đảm bảo trẻ sơ sanh thiếu tháng như vậy an toàn vượt qua nguy hiểm.

Nương đã sanh con mấy lần, càng hiểu rõ trẻ sơ sanh yếu ớt cỡ nào nên hỏi thêm:

– Phải làm như vậy trong bao lâu?

– Dạ, ít nhất một tháng. Lúc đó Trần lang y có thể dùng một ít thuốc cho nó uống được.

– Ừ, ta nghe nói cho người vú nuôi uống cũng có một phần tác dụng.

Đúng là cho người mẹ uống thuốc, thông qua sữa cũng ảnh hưởng đến trẻ. Trước lúc đó thì là chuyện đứa nhỏ có vượt qua tháng đầu tiên này không mới được.