Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 111: Thuận lợi




Lúc nén nhang tàn thì có tiếng nói bên ngoài, hai bà cháu bước vội ra hiên. Một nhóm người dìu nhau trước sau đi vào. Thấy Sinh ca đi phía sau cùng nói chuyện với ông nội Mai nhẹ nhàng thở ra.

Nhóm đàn ông quần áo ướt nhem đi vào, bà ngoại kéo Mai xuống bếp trông bếp lửa. Hữu ca lên xuống lấy nước trà gừng cho từng người. Hai vị thúc bá uống chén nước ấm bụng rồi đứng dậy đi về, họ về lại ghe, vừa thay quần áo vừa cho hai người khách mượn đồ của mình mặc đỡ.

Ngồi trong bếp, Mai nghe loáng thoáng câu chuyện. Hai người là bằng hữu, có việc đi ngang khúc sông này trưa nay. Không may trời đổ mưa lớn, nước cuốn theo mấy cây bị trốc gốc, ghe họ không tránh kịp còn bị cuốn theo dòng. Họ tìm cách thoát ra khỏi vòng xoáy thì một cái chèo vướng theo nhánh cây trôi đi. Một người không chống nổi dòng nước nên bị trôi theo một đoạn từ Trấn Giang về đến đây.

Giữa mặt sông dòng xoáy nước dãn ra, tưởng là thoát được nào ngờ ghe xoay ngang, nghiêng thành bị nước nhấn chìm hơn nửa. Mưa to gió lớn làm họ mất định hướng, ghe chòng chành sắp chìm. Lúc muốn thoát ra lội vào bờ thì người lớn tuổi hơn vì đuối sức sau mấy giờ liền, bị vộp bẻ chân không lội được. Người trẻ tuổi cương quyết không buông tay, mà sức hắn cũng đã cạn không thể dìu được người kia vào bờ.

Mưa gió như vầy, đâu có ghe xuồng nào ở gần mà kêu cứu. Lúc họ gần như tuyệt vọng thì Sinh ca đến, ca ấy dìu người lớn tuổi bám vào thành ghe. Một mình Sinh ca cũng không thể dìu cả hai. Người trẻ tuổi còn sức chống chọi nên nhờ Sinh ca đưa người lớn tuổi vào bờ trước. Mình sẽ chờ ghe nhà Mai ra cứu.

Tiếp đó có ghe hai thương lái, rồi cậu hai và Bình ca ra tới. Người đã cứu lên ghe, họ còn muốn vớt một số đồ quí giá của người bị nạn trước khi ghe chìm hẳn nên quay vào bờ chậm. Trong nhà nói chuyện, ngoài nhà đã ngớt mưa. Thấy mọi việc đã ổn, bà ngoại, Mai, Bình ca và Hữu ca về nhà. Bây giờ người ở nhà đang nóng lòng trông đợi.

Chiều hôm đó, nhà có thêm bốn người khách dùng cơm. Bà ngoại nấu canh gà cho nhiều gừng để trừ hàn, giải lãnh. Gương mặt người bị nạn lớn tuổi – xưng là Đoàn Bằng – xanh xao, vàng vọt.

Mai cảm thấy nghi ngờ lời họ nói, kiệt sức sau mấy giờ chống dòng xoáy cũng không thể xuống sắc như vậy, tại sao muốn giấu chuyện mình có bệnh? Mà cũng không thể la lên “tôi có bệnh” phải không! Mai lắc đầu cho qua chuyện này.

Ăn cơm xong, hai người bị nạn đứng dậy chắp tay tạ ơn ông ngoại đã cứu nguy, xin được đền ơn.

– Không cần đâu, cứu người lúc nguy khốn là chuyện nên làm. Nhà ta chỉ ra chút công sức, không thể nhận trả ơn. Thật ra cảm ơn hai vị huynh đệ này mới đúng.

Ông ngoại thoái thác công lao nhà mình, chuyển sang hai thúc bá kia:

– Ha ha, chúng ta chỉ ra chút công thôi. Như Nguyễn thúc nói, chuyện nên làm.

– Phải, hai vị cứ nghỉ ngơi lại sức, rồi xem tính toán hành trình của mình như thế nào.

Thấy hai bên đều cương quyết, hai người khách không nhắc đến nữa, ngồi nói chuyện một lát thì cáo từ. Tối nay cậu hai ra tiệm ngủ và trò chuyện cùng hai người khách. Họ xin ngủ lại một đêm ở bộ ván trong quán; ngày mai sẽ lên trấn thu xếp công việc.

Qua giờ Hợi mà Mai chưa ngủ được, cơ thể rất mệt mỏi nhưng tinh thần vẫn căng thẳng. Lăn qua lăn lại trên giường đến lúc trời khuya lắm mới chợp mắt ngủ được. Mơ mơ màng màng cô thấy trước mắt là màn mưa trắng xoá, nước cuồn cuộn dâng lên, lạnh buốt da, thấm vào tận xương. Mai giật mình tỉnh giấc, ngoài trời đang mưa, cái mềnh vải mỏng rơi xuống đất tự bao giờ. Cô lồm cồm bò dậy, lấy mềnh lên, cuộn người lại cho ấm hơn. Tiếng mưa lộp độp trên mái lá đều đều ru cô chìm vào giấc ngủ muộn.

Sáng hôm sau theo thói quen thức dậy nhưng cổ họng nóng khan, đầu lâng lâng; ‘không được bệnh’ MaiI nhủ thầm. Bà ngoại thấy Mai nhăn mày, nét mặt liu xiu vội kêu Hữu ca bắt con gà nấu cháo gừng cho Mai ăn tiếp. Mai ráng tự pha chén nước mật ong gừng uống.

– Vô giường nằm ngủ tiếp đi con, cháo chín ngoại kêu dậy. Hôm qua dầm mưa chắc cảm rồi.

Ngoại sờ trán cô không thấy nóng, mới chớm bệnh, mong là ăn cháo gà sẽ hết. Nhờ chén nước Mai thấy bụng ấm hơn, nằm xuống là ngủ ngay. Tỉnh tỉnh mê mê ăn thêm chén cháo nóng, lần này ngủ sâu gần hai canh giờ.

‘Rốt cuộc vượt qua cơn cảm lạnh’, ngủ dậy cảm thấy tinh thần sảng khoái, Mai nghĩ. Đã qua giữa trưa, trong nhà còn bà ngoại ngồi đan lát, người lớn chắc ra đồng hoặc đi cửa tiệm rồi. Thấy Mai bước ra, ngoại hỏi:

– Khoẻ chưa? Ăn thêm chén cháo nữa đi.

Vừa nói bà vừa đứng dậy, Mai vội ra sóng chén nói:

– Ngoại, con tự múc cháo được. Con khoẻ rồi.

– Ừ, con gái không được để lạnh. Sau này nhớ nghe chưa?

– Dạ.

Từ ngày ở đây, Mai rất chú ý dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, còn đi bộ mỗi ngày nên so với ở hiện đại lúc chín tuổi Mai khoẻ mạnh hơn nhiều. Có lẽ hôm qua lo sợ quá, dầm mưa lạnh nên cơ thể yếu ớt; phải chú ý chuyện này hơn.

Đang ngồi ăn cháo thì Cơ ca chạy vào nói:

– Bà nội, mò được rồi, hai rương đồ lớn.

Mai không hiểu là rương đồ gì thì Cơ ca hăm hở nói tiếp.

– Trả tiền mỗi người lặn mò một trăm văn đó nội, thưởng Trần thúc với Trung huynh thêm năm mươi văn nữa.

Giống như ca ấy được cho tiền vậy, mắt sáng rỡ. Lúc ăn cơm chiều Mai mới biết chuyện xảy ra. Sáng nay hai người gặp nạn hôm qua không vội lên trấn trên mà nhờ người lặn mò mấy rương đồ bị chìm hôm qua. Biết có tiền công nên mấy thúc bá lặn giỏi trong làng đều xung phong lặn tìm. Quả thật tìm được hai rương lớn, còn lôi cái ghe bị lật úp lên nữa. Nhưng chiếc ghe bị nứt ván đáy, một bên mũi ghe cũng hư.

Hai người trả tiền công cho nhóm người mò xong thì quyết định mua ghe lớn nhà ngoại, để lại ghe cũ Sinh ca, Bình ca sửa chữa. Họ hẹn hơn tháng sau sẽ đến nhận, còn trả trước tiền công. Tính ra nhà ngoại ‘trúng mánh’ rồi; hơn nửa tháng khai trương đã bán được hai chiếc ghe, sửa chữa ghe cho khách qua lại nữa. Chuyện mở tiệm bán ghe ngay ngả bảy Phụng Hiệp đúng là thuận lợi hơn dự đoán. Ông ngoại và cậu không khỏi nhìn cháu gái nhỏ thêm mấy lượt. Con bé đúng là sang dạ, linh mẫn. Chuyện này người trong nhà biết là được, không nên đồn đãi ra ngoài. Bữa cơm chiều cả nhà đều vui vẻ.

– Cha thấy ghe họ dùng nhìn khác chúng ta, chắc do miền ngoài đóng.

Buổi tối cả nhà ngồi nói chuyện ông ngoại lên tiếng. Miền ngoài là cách người ở đây gọi vùng từ Trấn Biên ra Chánh Dinh. Cậu hai gật đầu:

– Con cũng nghĩ vậy, gỗ dày được ngâm kỹ, nặng lắm. Cái này đi biển cũng được. Cháu sửa được không?

Câu sau là cậu đang hỏi Bình ca.

– Cháu thấy gỗ dày hơn loại mình có. Chắc phải tìm mua.

– Ừ, vậy con đi xưởng trấn trên hỏi, tranh thủ tìm nhanh chút.

Ông ngoại nghe Bình ca nói, quay sang dặn cậu. Dù sao đã nhận tiền và hẹn người ta rồi, phải làm cho kịp.

Cậu hai cùng Bình ca mang theo mẫu ván đi xưởng trên tìm, quả thật là gỗ quý. Cậu chỉ mua đúng mấy miếng cần thay cho khách. Lúc Mai đang ở cửa tiệm nhìn loại gỗ mới thì nghe có tiếng ghe cập vào cầu ván. Ra cửa nhìn thì Mai vui vẻ gọi:

– Thúc, sao đến đây? Đi với ai vậy?

Phía sau thất thúc không có ai. Không thể nào, thúc chưa đến đây bao giờ, làm sao biết đường; không đợi Mai đoán mò, thúc đã cười nói:

– Có mấy người nữa theo ghe dì dượng cháu vào nhà ngoại trước rồi, ta đem ghe mới này vô đây luôn.

A, có người nhà theo, không biết là ai; gần tháng rồi cũng nhớ mọi người. Vào trong sân có mái che đang sửa ghe, mọi người chào hỏi nhau xong thất thúc theo làm luôn. Theo cha làm đóng ghe gần năm nay, thất thúc cũng đã thành thục rồi.

Mai muốn chạy về nhà ngoại xem ai đến nhưng cô không chèo nổi ghe lớn của cậu, hai ghe nhỏ mới để bán nên không dùng được. Cô đành phải chờ lúc nghỉ ngơi nhờ Bình ca đưa về. Chỉ hơn một khắc sau, sân trước đã nghe tiếng chân bịch bịch chạy vào.

– Lục tỷ, tỷ ơi.

Ha ha, là a Phúc đến, người chưa thấy đã nghe tiếng rồi!

Mai không khỏi mỉm cười đi ra, có a Phúc, Vĩnh ca và nương. Ba đứa nhỏ quấn thành một chùm, nương cười vuốt tóc Mai hỏi:

– Bà ngoại nói hôm trước con cảm, đã hết chưa?

– Dạ, hết rồi nương.

Trong rổ nương ôm theo có đu đủ chín và nước thơm ép. Nương hỏi thăm cậu hai mấy câu rồi vào bếp nhóm lửa làm nước thơm mật ong. Mỗi ngày tam tẩu đều nấu bình nước nóng ủ trong vỏ dừa khô để sẵn, vừa tiếp khách vừa để mọi người uống. Có khi tẩu ấy còn chặt sẵn mấy trái dừa để trên kệ nữa. Cây nhà, lá vườn, tốn chút công chăm sóc không sợ thiếu ăn, khát uống.

A Phúc chạy lăng xăng thám thính, nhìn ngó xung quanh, miệng hỏi đủ thứ.

– Ca xin lang y nghỉ học hả?

– Sư phụ đi Lũng kỳ, hơn mười ngày mới về. Ta xin nghỉ vô đây.

Lâu ngày gặp lại, Mai rù rì nói chuyện với a Vĩnh, hỏi thăm mấy chuyện trong nhà, trong làng.

– Tháng tám sẽ có thầy đồ đến làng mình đó. Đầu tháng chín sẽ mở lớp dạy.

– Vậy hả? Tốt quá.

Thật ra, dù có thầy đồ thì Mai cũng không được đi học như mấy đứa con trai. Thời này chỉ có tiểu thơ nhà quan lại mới được học ít chữ, mà cũng do nữ quan dạy tại nhà. Chuyện con gái đến trường học với thầy đồ là chưa từng có. Bất công như vậy nên Mai đã nghĩ ra cách khác để theo học chữ, chắc chắn không thể mù chữ được.

Nương pha nước xong, nấu thêm ấm nước nữa thì đứng dậy đi về, Mai theo nương về nhà trong. Nhà ngoại vẫn ra đồng chăm sóc lúa ruộng, tưới nước cho khoai đậu, vườn cây ăn trái nên chỉ có bà ngoại ở nhà lo bếp núc, nương và Mai cũng nên về phụ lo cơm chiều.