Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 107: Đi chợ Trấn Giang




Buổi tối ngủ thật sâu, gà mới gáy đầu canh năm cô đã thức dậy. Mới đầu cô còn mơ hồ không biết mình đang ở đâu, đúng là ngủ đến choáng đầu luôn.

Sáng nay ăn cơm, nhị tẩu để phần mang ra cho Sinh ca ngủ ngoài tiệm ăn. Cha chống ghe chở mọi người ra, chỉ còn mợ hai và nhị tẩu ở lại làm việc nhà. A Duyên tranh thủ cho đàn gà của hắn ăn no bụng mới chạy theo lên ghe.

– Đàn gà này ông bà nội cho riêng ba chúng ta đó. A Mai làm sao bán gà kiếm tiền đây?

Cơ ca kéo tay a Duyên lên ghe, xoay qua hỏi Mai. À, là muốn bắt chước nhà nàng sao!

– Ca, muội chưa rành xung quanh đây. Mấy ngày này lo chuẩn bị mở cửa tiệm trước. Xong rồi muội sẽ nghĩ cách cũng không muộn. Đàn gà còn nhỏ, chưa bán được.

– Được, ta biết.

Nghe Mai nói có lý, hai anh em hắn gật đầu. Đám gà giò này nuôi thêm hai tháng nữa mới được cỡ hơn hai cân, bán mới được giá, đúng là không vội. Nhóm người lớn nghe ba đứa nhỏ nói chuyện không khỏi mỉm cười.

Một khắc sau đã thấy mái nhà lá mới bên cạnh chợ phiên. Cầu ván dài neo bốn chiến ghe, ba mới một cũ nhìn rất ‘hoành tráng’. Nước trên mặt sông mờ mờ trong sương sáng, sóng dập dềnh nhẹ theo gió.

Phía sau có chiếc ghe chèo nhanh tới, người đứng chèo râu đen dài qua cổ lớn tiếng hỏi:

– Nguyễn huynh, chỗ này nhà huynh mở sao? Nghe nói bán ghe xuồng?

– Phải, mấy ngày nữa tốt ngày cúng khai trương, đệ đến uống chén rượu.

– Được, hôm đó ta đến chúc mừng nhà huynh.

– Được, đi đâu sớm vậy? Lúa dặm xong chưa?

– Vừa xong hôm qua. Nhà nhạc phụ ta bị cây ngã đè sập mái nên ta qua phụ sửa lại.

– Là mưa hôm trước? Có ai bị gì không?

– Phải, bên đó giông gió dữ lắm. May là chạy ra ngoài kịp. Không ai bị thương. Ta đi đây.

– Ừ, đi đi.

Thì ra hôm đó mưa lớn dữ vậy, may là không mưa ở chợ Rồng Giềng. Chiếc ghe kia chở hai thiếu niên chắc là con của người này, nhanh chóng lướt lên phía trước, mờ dần trong sương sớm.

Cửa tiệm dựng rất đẹp mắt, sân trước đã quét dọn sạch sẽ, có hàng đá nhỏ rải thành lối đi. Hai bên cổng có mấy cây lá kép giống cây hoa phượng. Gian nhà chính rộng rãi, gọn gàng có bàn dài và hai hàng ghế cũ, đã lên nước bóng loáng. Gian nhà sau có phòng nhỏ làm buồng ngủ và cái bếp hai lò. Kế bên là tủ gỗ để mấy bình đất chắc là trà bánh đãi khách. Ngoài bếp là hàng lu bốn cái mới toanh, cách đó mười bước là chòi nhỏ nhà vệ sinh.

Mai đi quanh nhìn không khỏi mỉm cười, ông ngoại đúng là ‘khỏi chê’, làm việc gì cũng chỉnh chu, cẩn thận. Chẳng trách người trong nhà ai cũng hơi sợ ông, mỗi lần nói chuyện với ông luôn nghiêm cẩn hơn bình thường.

Bà ngoại nấu nước trà, đặt mâm lên bàn dài rồi ngồi vào ván gỗ nhỏ bên phải. Bình ca bước lên châm trà vào chén rồi đứng sau lưng cha. Cậu hai ngoắc Mai đến gần, nhìn ông ngoại một cái rồi nói:

– Nghe dì dượng năm con ghé lại nhắn là con có tính toán chuyện bán ghe rồi. Con nói ông bà ngoại và cậu nghe đi.

– Dạ.

Mai từ từ nói lại mấy ý đã bàn trước đây. Nhà ngoại bán ghe sẽ nhận hai phần nhưng sẽ lo chuyện chở ghe từ Đông Hồ về đây. Cha và Bình ca sẽ ở lại mấy ngày để nói rõ công dụng từng loại ghe, làm gỗ gì, kích thước ra sao. Còn có cả ký hiệu mật nhận dạng ghe do nhà mình đóng.

Thêm một ý khác nữa là cửa tiệm sẽ nhận sửa chữa ghe luôn. Thời gian đầu cha và Bình ca luân phiên ở lại làm, chỉ dẫn nhà ngoại Sinh ca, Hữu ca làm. Mấy tháng sau hai người thành nghề thì thôi. Mai sẽ chỉ dẫn cách ghi sổ sách đơn giản nhất. Nên cô cũng ở lại đây một đoạn thời gian đến khi nhà ngoại tự mình làm được.

Nghe xong mọi người không khỏi trầm mặc. Xem ra chuyện lớn nhỏ gì cũng đã nghĩ trước hết rồi; chuyện cửa tiệm nhận sửa ghe rất tốt. Chỗ này ghe xuồng qua lại thường xuyên. Trước đây muốn sửa ghe phải kéo lên phía trên, gần trấn mới có thợ sửa.

– Hai cha con đi lại như vậy, chuyện đóng ghe ở Đông Hồ tính sao?

Ông ngoại hiểu biết, nghe ra được sự chu toàn của con rể với mình, không thể không lo lắng cho xưởng. – Có mấy đường ca của a Bình vào phụ. Con cũng tìm thuê mấy người trong làng nữa. Vài việc trọng yếu thì con và a Bình sẽ về làm.

Cha nói cho ông nghe tính toán ở xưởng.

– Vậy mấy ngày này tập trung thông thạo mấy loại ghe, con về nhà sớm chút cha mới yên tâm.

– Dạ, cha.

Mai nói nhỏ trong tai cậu mấy câu, cậu hai nhìn bốn đứa con trai một vòng rồi cất tiếng nói:

– Chuyện sửa ghe để a Sinh học trước, ghi ghép văn tự đứa nào muốn học làm?

– Nhà muội là An ca làm, học chữ hơi lâu chút nhưng sau này rất hữu ích. Tiền bạc trong nhà do ca ấy đếm hết.

Mai chen vô mô tả công việc để mấy biểu ca biết rõ hơn.

– Cha, con muốn học.

Là Cơ ca lên tiếng, xem ra tính chuyện bán gà cũng là ca ấy nghĩ đến. Cậu hai nhìn ông bà ngoại, thấy hai người gật đầu mới nói:

– Được, con theo a Mai học đi.

Theo đó, cha và cậu hai đi đặt dụng cụ làm mộc. Không cần nhiều như ở nhà Mai, chỉ vài món hay dùng, đặc biệt là nhựa trét và sơn phủ ghe. Mấy ghe cũ hay bị nhất, là do nước mặn ăn mòn, ghe bị rò nước hoặc con hà ăn làm mặt ngoài thủng lỗ chỗ. Gần như mỗi năm người ta đều phải trét hoặc sơn lại ghe. Đây là công việc không khó làm, mà lại kiếm được tiền.

Mấy đứa nhỏ không về nhà mà đi theo nghe cha nói sự khác nhau của mấy loại ghe. Cái ghe ngày nào cũng xài nhưng cũng chưa nghe ai nói rõ ràng rành mạch như vậy. Ông ngoại không khỏi gật đầu nghe cha nói, đúng là nghề nào cũng cần học hỏi, tìm hiểu.

Sau ngày chợ phiên là ngày tốt nên ông ngoại sẽ cúng khai trương. Bà ngoại và mợ muốn đi chợ ở trấn trên mua ít thịt heo và gia vị. Mai và a Cơ xin đi theo nên khuya dậy sớm, mặc thêm áo.

Trời mưa lất phất, gió thổi trên mặt sông càng thêm lạnh. Mợ hai một mình chèo để ba bà cháu ngồi trong mui tránh gió. Nhìn mợ mặc bộ nốp, đầu đội nón lá, tay chèo xuồng giữa trời khuya mưa giăng lất phất. Mai không khỏi cảm khái nghĩ ‘Người đàn bà thời nào cũng vất vả lo toan cho gia đình, chia sẻ gánh nặng nhưng không chắc được hồi đáp. Được đền đáp thì coi như có phúc, bằng không chỉ tự trách mình bạc phúc!’.

Gần hai canh giờ thì đến chợ. Trấn Giang vốn nổi tiếng sầm uất nhất, ngày thường vẫn có khách nhân đến mua bán. Cửa tiệm hai bên đường lớn rất khang trang. Có tửu lâu hai tầng, tường gạch xây bằng đất nung nhìn rất thuận mắt.

Chỗ đất làm chợ phiên thật lớn, Cơ ca đã đi mấy lần nên không ngó nghiêng như Mai. Ở đây người ta cũng bán trên sạp tre, có người bán nhỏ thì ngồi trên đất. Có cửa tiệm bán vải gai, vải thô, vải bông. Còn mấy người đàn ông râu tóc dài treo túi trên người bán mấy loại thuốc được rao là trị cảm, trị ho cho người già, con nít.

Mới ở đầu chợ đã nghe tiếng rao hàng, tiếng nói chuyện rôm rả dù mưa vẫn còn rớt hạt. Mấy cái nón lá rộng vành cũng che được mưa không len vào cổ áo, thêm nhiều người nên không thấy lạnh nữa.

Bà ngoại đi thẳng đến sạp bán thịt heo, lựa rồi mua miếng thịt ba rọi cỡ hai cân, mua thêm xương sườn, sườn non.

– Hai đứa đi mua ba lít rượu trắng trong kia. A Cơ, dẫn em đi chơi chút về chỗ neo ghe chờ bà nội.

– Dạ, bà nội.

Được bà nội cho đi một vòng, hai đứa nhỏ lấy tiền rồi chạy đi. Càng vô trong sạp bán đồ khô nên sạch sẽ, khang trang hơn. Có sạp bán cá khô, tôm mực khô rất lớn, gấp đôi mấy sạp khác.

– Ở đây có sạp nào bán gà, vịt hay trứng gà trứng vịt gì không?

– Có, hai sạp đằng kia.

Hiểu ý Mai, a Cơ trả lời, chỉ về hướng bên trái. Chợ này còn một phía kia nữa, gần như hình chữ L vậy. Quẹo qua góc là hai dãy sạp nối sạp bán rau tươi, trái cây. Đầu cuối bán gà rừng, gà nhà, gà con và trứng vịt; còn có thịt cầy, chồn, thỏ. Thấy có hai người đàn bà đang hỏi giá, Mai đi lại gần nghe.

Giá thịt này cao hơn ở làng Đông Hồ. Giao thông từ Trấn Biên, Phiên Trấn về dây thuận tiện, lại là vùng có nước ngọt quanh năm. Dân cư giàu có, sung túc hơn nên giá cả hàng hóa cao hơn xung quanh cũng phải. Trương bá cũng mang thịt quý đến đây bán do được giá hơn.