Đúng như dự báo thời tiết, sáng sớm ngày hôm sau, cơn bão đi qua Châu Sơn rồi đổ bộ vào Thượng Hải.
Một đợt gió mạnh thổi vào thành phố ven biển sầm uất này, cây cối lung lay ngả nghiêng, nước mưa và bùn đất trôi cuồn cuộn trên đường. Gió bão gào thét đập ầm ầm vào cửa sổ khiến người ta khó mà ngủ yên được.
Bình thường khi có bão thế này, chính phủ sẽ ban hành lệnh cho các cơ quan, trường học được nghỉ, nhưng bây giờ lại là thời điểm bận rộn nhất của những ngành nghề đặc biệt như y tế và phòng cháy chữa cháy.
Mưa lớn kéo dài đến sáu giờ sáng. Thượng Hải bị cơn bão càn quét nặng nề, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, đủ loại rác thải nổi lềnh bềnh trên đường phố, cây lớn đổ rạp ven đường. Bác Nghiêm vẫn không qua khỏi, bác đã ra đi vào sáng sớm sau đêm mưa bão lớn.
Gia đình con trai cả đến lo tang lễ cho bác, bọn họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên cảm xúc cũng ổn định hơn lần trước rất nhiều. Dù Tống Dụ Minh không phải là bác sĩ điều trị chính nhưng anh vẫn cảm thấy vô cùng mệt mỏi sau một đêm cấp cứu căng thẳng.
Buổi tối khi anh về đến nhà cũng là lúc Trình Hướng Lê vừa ăn xong, hắn đang dọn bàn ăn. Hai người chạm mặt nhau trong phòng khách, Trình Hướng Lê hỏi anh: "Ăn tối chưa?"
Mấy hôm nay những quán ăn gần bệnh viện đều không mở cửa. Trước khi về nhà anh có ghé căng tin bệnh viện nhưng thấy không có món gì ăn được cả.
Nghe Trình Hướng Lê hỏi, anh lắc đầu rồi mở tủ lạnh lấy một gói bánh bao đông lạnh ra.
"Để tôi làm cho." Trình Hướng Lê thấy vậy nhanh chóng đi tới: "Cậu đi nghỉ ngơi đi."
"Không sao, tôi tự làm được." Tống Dụ Minh lấy kéo rồi sờ sờ gói bánh bao đông cứng trong tủ lạnh. Vì hơi lạnh nên anh cúi đầu xoa xoa ngón tay.
Đột nhiên có người nắm lấy cổ tay anh, Trình Hướng Lê kéo anh sang một bên rồi nhỏ giọng nói: "Đi nghỉ ngơi đi."
Tống Dụ Minh cảm thấy khá mệt mỏi nên cứ thế thẩn thơ rời khỏi vòng tay của Trình Hướng Lê, anh nói lời cảm ơn rồi im lặng ngồi trên ghế sô pha.
Tống Dụ Minh không có tâm tư kín đáo như Trình Hướng Lê, trong lòng anh nghĩ gì đều viết hết trên mặt. Mặc dù tâm trạng không thay đổi quá mạnh mẽ nhưng khi quan sát sắc mặt anh, người khác vẫn có thể cảm nhận được điều đó.
Ăn xong, Trình Hướng Lê hỏi: "Hôm nay xảy ra chuyện gì sao, trông cậu không vui lắm."
"Sáng nay có một bệnh nhân vừa qua đời." Tống Dụ Minh bỏ bát đĩa và đũa vào máy rửa chén: "Bệnh nhân đã gần 80 tuổi rồi."
"Người cao tuổi như vậy bị bỏng thì tỷ lệ sống sót không cao phải không?" Trình Hướng Lê cố gắng an ủi anh: "Mà cho dù có thể sống sót đi chăng nữa thì tình trạng hồi phục cũng không được tốt."
Người ta có câu tre già măng mọc, ngay cả khi chỉ bị thương ở chân và nằm trên giường vài tháng thôi thì tuổi thọ cũng đã bị ảnh hưởng rồi.
Tống Dụ Minh khẽ gật đầu, anh có vẻ đồng ý với hắn nhưng lại không trực tiếp nói thành lời, anh nhìn về phía hành lang tầng hai hỏi: "Anh đã lên đó chưa?"
"Vẫn chưa. Mấy ngày nay tôi chỉ nghỉ ngơi trong phòng thôi."
"Chúng ta sang chỗ khác nói chuyện đi." Tống Dụ Minh lau tay, anh đi lên lầu mấy bước rồi quay đầu lại nhìn hắn: "Nhà tôi trang trí tương đối đơn giản, không có món nào giá trị cao cả, anh cứ thoải mái đi dạo."
Biệt thự này có hai tầng, rộng hơn 300 mét vuông, cả ngôi nhà có tới hơn 10 phòng. Ngoại trừ phòng ngủ chính của anh thì tầng hai hầu như chẳng bày trí gì cả. Trình Hướng Lê theo anh lên lầu, vừa mở cửa liền nhìn thấy cách trang trí hoàn toàn khác với phong cách cổ điển của toàn bộ ngôi nhà.
Bên ngoài còn có ban công rộng rãi thông với cửa kính kéo dài từ trần đến sàn. Nếu trời không mưa thì tầm nhìn rất đẹp, thích hợp để ngắm cảnh vào những ngày thu se lạnh.
Trong phòng không có giường nhưng có xích đu và ghế dài. Trên sàn trải thảm mềm, có đặt hai cái ghế lười, trần nhà lắp máy chiếu với màn hình để xem phim.
Ở phía xa chỗ cửa sổ đặt kính viễn vọng thiên văn có thể gấp gọn, bên cạnh là tủ kính trong suốt chứa nhiều mô hình máy bay được Tống Dụ Minh cẩn thận sưu tầm, trong đó có tất cả các mẫu máy bay Boeing và Airbus, các loại máy bay hàng không dân dụng phổ biến nhất như Cessna, Cirrus SR20, Navigator JA600 và các máy bay nhỏ một động cơ, hai động cơ, máy bay cánh quạt cũng được anh sưu tầm.
Căn phòng đơn giản này là một khu vườn bí mật được Tống Dụ Minh cẩn thận giữ riêng cho mình trong ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc châu Âu cổ kính.
Trong số các đồ đạc ở đây, cả hai người đều dồn sự chú ý về phía tủ trưng bày.
Khi Trình Hướng Lê nhìn thấy chiếc Cessna 172 trong tủ kính thì kí ức chợt ùa về. Đây là loại máy bay nhỏ một động cơ với 4 chỗ ngồi và cũng là loại máy bay đầu tiên mà hầu hết các phi công được tiếp xúc khi lần đầu tiên học lái.
Lần đầu tiên Trình Hướng Lê lái máy bay bay lên khỏi mặt đất là trong buồng lái của chiếc Cessna 172.
"Anh đang nhìn nó à?" Tống Dụ Minh chỉ vào chiếc Cessna 172.
Trình Hướng Lê mỉm cười gật đầu: "Trước kia hỏi cậu có phải là người hay đi máy bay không, cậu còn giả vờ là không phải nữa chứ."
"Bây giờ thật sự ít quan tâm hơn rồi, tôi thậm chí còn không có thời gian để đi du lịch nữa là." Tống Dụ Minh vừa nói vừa vươn vai ra sau: "Công việc của bác sĩ là vậy, nếu bản thân không tự nghỉ ngơi thì chỉ có thể bận rộn liên tục từ ngày này qua tháng nọ."
"Ở nước ngoài cũng vậy sao?"
"Đúng vậy. Sau khi tốt nghiệp được vài năm là tôi đã bận đến mức không có ngày nghỉ cuối tuần." Tống Dụ Minh thoải mái ôm gối ngồi trên ghế sofa: "Nhưng hệ thống y tế lưu động hàng không của Úc tương đối phát triển. Bệnh viện chỗ tôi có trực thăng nên tôi thường đi máy bay để cấp cứu đó."
"Ngầu vậy à?" Trình Hướng Lê cởi dép lê, hắn bước lên thảm rồi đứng cạnh Tống Dụ Minh.
"Đúng vậy, yêu cầu đối với bác sĩ lưu động trên trực thăng còn khắt khe hơn so với khoa cấp cứu thông thường. Nếu mắc phải bất cứ sai lầm nào thì sẽ bị thay thế ngay. Tôi là trường hợp khan hiếm duy trì được thành tích tham gia cấp cứu trực thăng hoàn hảo trong suốt hai năm đấy." Tống Dụ Minh tự hào nói về quá khứ vẻ vang của mình.
"Vậy bây giờ về Trung Quốc rồi, không được đi trực thăng nữa có phải rất đáng tiếc không?"
"Có một chút." Tống Dụ Minh tiếc nuối lẩm bẩm, anh cầm lấy điều khiển từ xa rồi bật đèn trên trần nhà lên: "Bệnh viện Long Giang vẫn luôn ấp ủ kế hoạch thực hiện cấp cứu hàng không nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa phát triển được."
Ánh đèn mờ mờ trong phòng làm quả cầu nhỏ làm bằng gỗ đặt trên bàn trà lấp lánh hơn rất nhiều.
Trình Hướng Lê nhìn tác phẩm nhỏ bé của Tống Dụ Minh rồi ngồi xuống bên cạnh: "Cũng đành chịu thôi, mỗi chuyến bay trực thăng ít nhất phải tiêu tốn từ 40.000 đến 50.000 nhân dân tệ. Trừ trường hợp cứu hộ quy mô lớn, người bình thường không đủ khả năng chi trả được."
Bên ngoài trời vẫn mưa nhưng không dữ dội như khi cơn bão mới đổ bộ vào. Ngồi trong phòng thoải mái nghe tiếng mưa rơi làm người ta dễ chịu hơn rất nhiều.
(truyện chỉ được đăng tại w@tp@d: BBTiu4, những nơi khác đều là re-up!)
Tống Dụ Minh lấy kèn harmonica mười lỗ từ trong ngăn kéo ra, anh cầm trong tay nghịch nghịch rồi nói: "Lúc mới làm bác sĩ, tôi đã gặp phải một trường hợp rất ấn tượng."
"Lần đó chúng tôi nhận được cuộc gọi khẩn cấp tới cứu một nạn nhân bị cuốn cánh tay vào máy móc. Khi chúng tôi bay đến hiện trường, tình hình rất khủng khiếp. Để cứu sống bệnh nhân, chúng tôi không còn cách nào khác, chỉ có thể cưa tay nạn nhân mà thôi. Nạn nhân mới 19 tuổi, vì không vào được đại học nên đã đi làm từ sớm. Việc mất đi tay phải đồng nghĩa với việc mất đi sức lao động, cậu ấy và gia đình đều khó lòng chấp nhận được. Kết quả là gia đình đã tranh cãi rất lâu trong bệnh viện, thậm chí còn cảm thấy thà để cậu ấy chết đi còn hơn."
Nói xong, Tống Dụ Minh cụp mắt xuống: "Sau lần đó, tôi đã suy nghĩ rất lâu về y đức, từ góc độ chuyên môn của bác sĩ, cứu người là điều quan trọng nhất. Nhưng tôi vẫn luôn tìm kiếm đáp án cho câu hỏi làm thế nào để giúp bệnh nhân tiếp tục sống đúng với phẩm giá của họ và đóng góp những điều ý nghĩa cho xã hội, đồng thời xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân cũng như gia đình họ."
Cuộc trò chuyện tưởng chừng bình thường bỗng chốc trở nên nặng nề hơn.
"Thật ra khi xảy ra tai nạn, có rất nhiều trường hợp phải lựa chọn giữa được sống sót và được khỏe mạnh." Trình Hướng Lê đỡ trán, hắn nghiêng người nhìn anh, nhanh chóng hiểu ra ý anh muốn nói: "Cậu muốn nói với tôi về chuyện ba tôi à?"
"Nếu anh sẵn sàng nói ra, tôi nhất định sẽ cho anh một câu trả lời nghiêm túc." Tống Dụ Minh thay đổi tư thế ngồi, anh chống hai tay lên cái gối trước ngực.
Từ khi trở thành bác sĩ, Tống Dụ Minh đã gặp vô số tai nạn. Có những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, những người ở độ tuổi xuân xanh mười tám đôi mươi vừa bước chân vào đường đời đã muốn tự tử, và có cả những anh hùng như ba của Trình Hướng Lê hy sinh mạng sống của mình vì sự an toàn của quốc gia.
Anh cảm thấy mình có khả năng khai thông cho Trình Hướng Lê.
Trình Hướng Lê nghe anh nói vậy thì mím môi, những gì muốn nói lại nghẹn ở cổ họng, khó thốt nên lời.
"Đừng coi tôi là bác sĩ." Tống Dụ Minh mỉm cười nhìn hắn.
"Ừm." Trình Hướng Lê cúi đầu, hắn nhẹ nhàng đáp lại.
Chính vì không muốn Tống Dụ Minh chữa trị cho mình như một bác sĩ nên hắn mới do dự. Trước mặt người mình thích, Trình Hướng Lê không thể nào buông bỏ hoàn toàn gánh nặng được.
"Cậu không cảm thấy tôi làm quá sao? Hai mươi năm đã trôi qua mà tôi vẫn bị mắc kẹt trong chuyện này không thể thoát ra được."
Tống Dụ Minh bình tĩnh lắc đầu: "Đó là bởi vì anh chưa bao giờ nhận được sự phản hồi hợp lý. Trở thành người lớn không có nghĩa là anh có thể tự mình tiêu hóa hết những trải nghiệm đau đớn khi còn nhỏ. Dù có nhiều năm hơn nữa thì anh vẫn có quyền nói ra mọi chuyện."
Trình Hướng Lê hít thở không thông, trong lòng hắn dường như bị cái gì đó thắt chặt lại.
Đây là lần đầu tiên hắn nghe thấy những lời như vậy.
Hắn nghĩ, ấn tượng đầu tiên của hắn về Tống Dụ Minh quả nhiên không sai mà. Mặc dù đã chứng kiến rất nhiều cảnh chia ly âm dương cách biệt, cũng từng nghi ngờ, từng phủ nhận nhưng Tống Dụ Minh vẫn kiên trì với lý tưởng thuở ban sơ là nghiên cứu y học, trị bệnh cứu người và chữa lành trái tim.
Nhiều năm như vậy rồi mà Trình Hướng Lê vẫn không thể buông bỏ được là vừa vì đau đớn vừa vì hối hận.
Từ nhỏ đến lớn, điểm số của hắn không bao giờ đứng đầu. Gia đình hắn luôn cảm thấy hắn không tập trung vào việc học và thường bắt ép hắn học tập.
Mười hai, mười ba tuổi là thời kỳ nổi loạn của trẻ em. Ba mẹ muốn hắn đi về hướng đông thì Trình Hướng Lê lại càng muốn đi về hướng ngược lại.
Trình Hướng Lê vẫn còn nhớ như in, một ngày trước khi ba hắn qua đời, hắn đã bị gọi lên văn phòng chỉ trích vì trượt môn đạo đức pháp luật.
Chủ nhiệm nói sẽ gọi điện cho phụ huynh, nhưng Trình Hướng Lê còn cười cợt đáp lại rằng ba mẹ hắn rất bận, thầy cô có gọi thì cũng không đến đâu.
Không ngờ lời nói của hắn đã thành sự thật. Sau ngày hôm đó, hắn thật sự không còn gọi được cho ba nữa.
Chỉ trong sáu tháng, Trình Hướng Lê lần lượt mất đi hai người thân yêu nhất của mình.
Khi Trình Hướng Lê bình tĩnh lại, hắn sắp xếp đồ đạc của ba mình thì nhìn thấy lá thư tuyệt mệnh mà ba đã viết từ lâu, hắn đọc được những dòng nhắn gửi đầy kỳ vọng của ba rồi chợt phát hiện ra, trước năm 14 tuổi, hắn chẳng làm được cái gì cho nên hồn.
Bạn cùng lớp của hắn, có người đã được nhận vào lớp sơ cấp của Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc, có người đạt giải trong các cuộc thi và được tuyển thẳng vào các trường trung học trọng điểm của tỉnh. Hắn là người duy nhất không biết mình muốn vào trường đại học nào hay muốn làm công việc gì trong tương lai.
Cho đến lúc mất, ba hắn vẫn lo lắng về cậu nhóc nổi loạn, ham chơi và chưa đạt được thành tựu gì của mình.
Thế là Trình Hướng Lê đã trưởng thành ngay trong một ngày của năm mười bốn tuổi ấy, hắn kiềm chế tính cách nghịch ngợm ban đầu, hoàn toàn che giấu con người thật của mình.
Dường như chỉ khi giữ được hình tượng hoàn hảo thì nỗi đau chia ly và sự hối hận vô tận mới phần nào nguôi ngoai.