Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 5: Cảm giác lần đầu được thấu hiểu




Một lúc sau, giáo viên tiết này cũng vào lớp. Việc đầu tiên là yêu cầu lớp phó học tập kiểm tra bài tập về nhà của cả lớp. Mà lớp phó học tập cũng rất tùy tiện, chỉ cần có đủ số bài tập là được thông qua. Không cần biết đúng hay sai, chữ viết khác lạ nguệch ngoạc cũng không quan tâm. Vậy nên tôi cứ như vậy trót lọt thông qua.

Cuối giờ, sân trường trở nên đông đúc hơn bởi những bạn học sinh của các lớp học đang tấp nập ra về. Chỉ có một vài nam sinh của lớp tôi phải đứng đợi giữa trưa nắng gắt vì phải chờ cả trường về hết mới chạy được.

Về đến nhà tôi vẫn phải ngồi vào bạn học vì số bài tập mà thầy giao vẫn còn quá nửa, mà tôi cũng phải chép phạt nữa. Thầy không có nói rằng tôi không cần chép phạt nên tôi cứ chép cho chắc.

Càng về trưa, trời càng ngày càng nóng. Ngồi trong nhà bật quạt mà tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi thắc mắc không biết những người bị phạt bây giờ ra sao rồi, với cái thời tiết nắng gắt như hiện tại để mà chạy mười vòng quanh sân thì đúng là cực hình mà.

Đến chiều đi học, tôi được biết một số người bị ốm và xin nghỉ ở nhà. Lúc ra chơi thì có vài vị phụ huynh đến mắng vốn với thầy chủ nhiệm nhưng sau đó cũng không biết thầy ấy đã nói gì mà mọi người đều vui vẻ ra về. Về sau nghe những bạn học trong lớp nói chuyện với nhau thì tôi mới biết được, vốn là phạt chạy mười vòng nhưng do trời quá nắng gắt nên họ chỉ chạy có ba vòng là thầy đã cho nghỉ rồi lại còn chủ động đi mua nước cho các bạn đó uống nữa. Dường như thầy ấy chỉ cố tình tỏ ra nghiêm khắc nhưng sâu bên trong lại là một người rất dễ mềm lòng.

Tôi đã làm xong bài tập trước khi kết thúc giờ học. Về nhà, tôi cất cặp sách trước rồi mới mang vở sang cho thầy kiểm tra. Nhưng sang rồi mới biết thầy vẫn chưa về nhà. Tôi ở nhà xem TV một lúc mới nghe thấy thầy ấy đi xe máy về. Lại lần nữa lục đục cầm quyển vở chạy sang thì gặp thầy đang đi vào nhà. Tôi mải chạy theo gọi thầy mà không để ý bị vấp vào hòn đá nhỏ suýt bị ngã. Nhìn lại tình trạng chật vật của mình tôi cảm thấy thật ngượng ngùng.

Thầy ấy quay lưng lại đứng chờ tôi đi đến.

"Thưa thầy, em mang bài tập cho thầy kiểm tra."

"Vào nhà đi." Thầy nhíu mày nói với tôi.

Tôi đi theo thầy vào nhà, nhìn thấy căn phòng khách hôm qua còn đang sửa sang mà hôm nay đã được sắp xếp lại một cách gọn gàng. Bộ bàn ghế lớn được chạm khắc tinh xảo cũng không còn thấy nữa mà thay bằng một bộ sofa màu xám nhạt, vừa mang phong cách hiện đại lại vừa phù hợp với màu sơn tường. Thầy ấy còn kê thêm một chiếc bàn hình chữ nhật ở bên cạnh, kèm theo là hai cái ghế và đèn bàn nhìn giống như bàn để học vậy. Còn có rất nhiều tập tài liệu và hồ sơ được xếp ngay ngắn trên bàn.

"Em ngồi đây đợi tôi một lát." Thầy chỉ tay về hướng sofa rồi đi vào trong nhà.

Đây là đầu tiên tôi được ngồi sofa. Vì phần lớn người trong làng đều dùng bàn ghế gỗ, cũng không biết tại sao ai cũng thích dùng bàn ghế gỗ. Có lẽ là do nó rẻ hoặc là do được chạm khắc tinh xảo nhìn đẹp mắt hơn sofa. Nhưng dù sao thì tôi thấy ghế sofa ngồi khá dễ chịu vừa êm ái vừa thoải mái.

Đợi đến khi thầy ấy đi ra ngoài thì trên tay đang cầm hai lon nước cam, thầy đến gần đưa cho tôi một lon.

"Em cảm ơn thầy." Tôi nở nụ cười xã giao, đứng dậy nhận lon nước từ tay thầy.

Thầy ấy ngồi xuống cầm vở của tôi cẩn thận lật mở từng trang để kiểm tra. Thầy xem rất tỉ mỉ, trang nào cũng phải dừng lại khoảng mấy phút và dùng một cây bút đỏ để chấm bài. Nhưng hình như thầy ghạch hơi nhiều, trang nào thầy ấy cũng ghạch bốn đến năm lần. Tôi ngồi xem mà lòng đầy lo lắng, sợ sẽ bị thầy mắng hoặc bị bắt làm lại.

Thầy ấy chấm điểm xong thì trả lại vở cho tôi, tôi tò mò mở ra luôn. Mở ra xem xong tôi gần như hóa đá, đa số các câu hỏi tôi đều làm đúng chỉ có một vài câu bị sai thôi. Mà lý do thầy ghạch nhiều như vậy là vì những chữ đó không được đẹp, đôi khi do tôi viết quá vội nên hơi lệch ra khỏi dòng kẻ. Thầy ấy nhìn từng chữ một không chữ nào không đẹp có thể thoát ra khỏi cặp mắt của thầy. Nhưng mà những điều này giáo viên văn của mấy năm trước đều không để ý đến, chỉ cần chữ đó dễ đọc là được. Chỉ những ai chữ không nhìn được thì các thầy cô mới lên tiếng nhắc nhở nhưng cũng không đến nỗi ghạch từng chữ như cách làm của thầy.

Thầy lạnh lùng buông ra hai chữ "Viết lại."

"Vâng." Nhìn lại điểm ba mà thầy chấm tôi cảm thấy khá khó chịu, chỉ vì chữ không được đẹp mà thầy lại trừ hết điểm làm bài của tôi.

"Không vui."

"Dạ không ạ." Tôi muốn nói là tôi không phải không vui, lại trợt nhận ra lời nói của mình có chút không đúng. Nhưng dù sao tôi cũng thực sự không vui nên cũng không muốn sửa lại.

"Có thể đối với em đáp án là quan trọng nhất nhưng đối với giáo viên chấm thi thì cái nhìn đầu tiên mới là quan trọng. Khi em làm bài, bài làm của em có thể được sáu, được bảy thậm chí là tám điểm. Nhưng nếu em trình bày không tốt thì cho dù đáp án có đúng đến đâu thì cũng sẽ bị trừ điểm. Ngược lại, nếu em tình bày vừa đẹp vừa dễ nhìn thì cho dù em chỉ có ba điểm thì cũng sẽ dễ dàng được nâng lên làm năm đến sáu điểm. Đó là một ưu thế mà em nên biết tận dụng và cố gắng."

"Vâng ạ." Tôi chỉ biết cúi đầu nghe thầy thuyết giải, dù sao điều này những giáo viên khác có nói qua rồi chỉ là bài làm của tôi lúc nào cũng được sáu đến bảy điểm nên tôi không để ý lắm.

"Tốt, vậy từ mai tôi sẽ dành ra một tiếng cho em luyện chữ."

"Dạ?" Không nghĩ đến thầy ấy lại còn thêm thời gian để luyện chữ, nếu như vậy tôi không thể về sớm được rồi.

"Em có điện thoại không?"

"Dạ có ạ."

Thầy móc điện thoại từ trong túi ra "Nhập số của em vào đây, tôi còn phải đi dạy học nên không thể ngày nào cũng dạy em được".

Tôi cầm điện thoại của thầy vừa nhập số điện thoại vừa thầm vui mừng vì không phải ngày nào cũng phải đi học. Nhập xong tôi đưa trả lại cho thầy, trong lúc thầy kiểm tra lại bỗng nhiên điện thoại của tôi đổ chuông làm tôi giật mình suýt làm rơi lon nước cam còn cầm trong tay.

"Lưu số của tôi đi." Ra là thầy ấy nháy máy, làm tôi tưởng có ai gọi.

"Thầy ơi, hôm nay nhà em cúng giỗ nên bố mẹ em mời thầy sang ăn cơm ạ." Tôi lấy điện thoại ra đang lưu số của thầy thì trợt nhớ chuyện bố mẹ căn dặn.

"Ăn cơm." Thầy nhíu mày lại giống như đang khó xử chuyện gì đó. Suy nghĩ một lát thầy mới trả lời lại "Em chuyển lời với bố mẹ giúp tôi là tối nay tôi phải soạn giáo án. Nếu xong sớm thì tôi sẽ sang, còn muộn thì tôi không qua được. Nếu vậy em thay tôi gửi lời cảm ơn đến bố mẹ em".

"Dạ vâng." Tôi uống một ngụm nước rồi ngồi đợi xem thầy có muốn nói gì nữa không. Mà ngồi mãi cũng không thấy thầy ấy nói gì tôi đành nói luôn " Thưa thầy, em về được chưa ạ?"

"Ừm, về đi."

Thầy vừa đồng ý là tôi ngay lập tức đứng dậy đi về. Chỉ sợ chậm chân một chút thôi là thầy lại giao thêm bài tập cho tôi làm. Vì hôm nay bố mẹ tôi còn mời thêm gia đình chú đến ăn nữa, trừ khoản dọn dẹp ra tôi còn trò chuyện với em họ nữa nên sớm nhất phải chín giờ tôi mới có thể ngồi vào học bài. Mà mai có môn của thầy vừa hay chiều mai lại không cần đi học.

Tôi phụ mẹ làm cơm cúng xong thì lại về bàn ngồi học, để chờ hết nhang và chờ nhà chú đến thì mất nhiều nhất một tiếng. Tôi phải tận dụng khoảng thời gian này để chép phạt nốt, cả buổi chiều vừa chép vừa học thì tôi cũng đã chép được gần nửa rồi. Phần còn lại tôi cố gắng chép xong trước khi mọi người tới, để có thời gian làm lại bài kia nữa.

Khoảng 7 giờ 40 phút, cả nhà chú mới đến. Chú ấy nói phải chờ cho em họ học bài xong mới đi nên đến hơi muộn nhờ vậy mà tôi đã chép gần xong chỉ còn một lần nữa thôi. Đoán trừng giờ này thầy ấy vẫn đang soạn giáo án nên không thấy sang, như vậy càng tốt. Tôi không muốn đang ngồi ăn lại bị hỏi về tình hình học tập đâu.Do nhà chú đến muộn hơn dự định nên thức ăn bị nguội hết phải chờ đi hâm nóng lại, vợ của chú cũng vào bếp phụ mẹ tôi. Trong lúc chờ đợi, tôi và em họ dọn bát xong thì vào phòng ngồi chơi. Em họ nhỏ hơn tôi ba tuổi nhưng tính tình hoạt bát hoàn toàn trái ngược với tôi. Nó tên Ánh Ngọc, từ tên đến người đều cho thấy là một người con gái xinh đẹp và tỏa sáng. Tôi với nó khá thân nhau, chỉ là mẹ tôi vẫn luôn so sánh tôi với nó. Nói tôi phải học hỏi để mạnh dạn như nó, nói tôi phải bắt trước nó. Vì Ánh Ngọc luôn được mọi người yêu quý còn tôi thì không.

Nếu để mà nói là tôi chưa từng ghen tị với nó, thì đó chỉ là sự giả tạo. Tôi lúc nào cũng cảm thấy ghen tị với cô em họ dù biết điều đó xuất phát từ sự ích kỉ của bản thân. Tôi không thể kiềm chế được suy nghĩ của mình, mỗi lần thấy nó nói chuyện và biết cách làm vui lòng mọi người thì tôi lại cảm thấy bản thân thật vô dụng. Tôi luôn để ý từng câu từng chữ mà mình nói ra chỉ sợ nói sai một câu sẽ làm đối phương không thoải mái. Mẹ luôn nói tôi phải mạnh dạn nói nhiều hơn nhưng tôi không biết mình phải nói những gì. Đối với người không thân tôi hoàn toàn không có chuyện gì để nói với họ cả dù đã cố gắng suy nghĩ thì trong đầu tôi cũng không thể có lấy một câu chuyện để đem ra nói.

Tuy rằng tôi có ghen tị với cô em họ nhưng tôi không vì thế mà cảm thấy khó chịu với nó, ngược lại tôi lại thân thiết và thoải mái với nó hơn bất kì ai.

Sau khi hâm nóng đồ ăn xong thì mẹ gọi tôi với em họ vào bếp để phụ bê mâm cỗ ra ngoài phòng khách. Trước đó bố mẹ tôi đã dọn hết bàn ghế vào trong nhà rồi trải chiếu ra sàn nhà để ngồi ăn. Lúc tôi ra thì thấy bố và chú đang ngồi vừa xem bóng đá vừa nói chuyện với nhau, nhưng tôi lại thấy còn có thêm một người đang ngồi đó. Người đó không ai khác là thầy chủ nhiệm, tôi cứ nghĩ thầy ấy sẽ không sang.

"Em chào thầy." Tôi đặt mâm xuống không vui nói chào thầy.

"Ừm." Dường như thầy không thấy sự khó chịu của tôi mà thoải mái đáp lại lời chào.

Tôi và Ánh Ngọc thay phiên nhau ra vào nhà bếp để lấy mấy thứ linh tinh như như đũa, thìa, giấy ăn... Đến khi không còn gì để lấy nữa thì mới được ngồi xuống ăn. Chỉ còn mẹ tôi vẫn ở trong bếp dọn dẹp sạch sẽ xong mới ra. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ với nhau, còn có thầy tuy là người ngoài nhưng cũng nói chuyện khá ăn nhập với mọi người. Được một lúc thím bỗng nhiên quay sang hỏi chuyện tôi.

"Cái Tuyết dạo này bận việc gì à? Sao không thấy sang chơi với em thế. Nhớ ngày trước hai đứa suốt ngày rủ nhau đi chơi."

"Dạ, cháu..." Tôi không biết phải trả lời thế nào, là do tôi không thích sang hay là không muốn sang.Thấy tôi mãi không nói gì thím lại tiếp tục nói

"Cái Tuyết này càng lớn càng ít nói, toàn người nhà với nhau mà sao cứ rụt rè thế. Hay mày ngại có thầy giáo ở đây?"

"Con bé này nó nhát lắm." Người nói câu này là bố tôi, dù bố không có ý gì nhưng trong lòng tôi lại dấy lên một sự tổn thương. Tiếp đó mẹ tôi lại chêm vào một câu "Phải mạnh dạn lên, cứ nói chuyện như bình thường xem nào."

Tôi im lặng cúi đầu xuống, bàn tay không tự chủ mà chọc chọc đũa vào bát cơm. Đôi mắt của tôi dần bị che phủ bởi một tầng nước mắt, tôi liên tục chớp mắt để kìm nén cho nước mắt không tuôn rơi. Biết rằng mọi người nói như vậy là muốn tốt cho tôi nhưng những lời nói đó làm tôi cảm thấy chạnh lòng và tự ti. Từ nhỏ đến lớn tôi vẫn luôn không hiểu, tại sao bản thân dù đã cố gắng mà vẫn không thể nào giao tiếp với mọi người một cách tự nhiên nhất. Mỗi lần cố gắng suy nghĩ để nói chuyện với một người nào đó thì về sau lại bị người thân chê bai phê bình.

Tôi muốn đứng dậy để trốn vào nhà tắm mà lau đi những giọt nước mắt đang trực chờ tuôn rơi. Nhưng vừa bỏ đôi đũa xuống thì tự nhiên trong của bát tôi lại xuất hiện thêm miếng thịt gà, tôi nhìn lên mới biết thầy chủ nhiệm đã gắp cho tôi. Thầy nhìn tôi như đang muốn an ủi tôi. Sự tự ti trong lòng tôi bỗng nhiên dịu bớt đi phần nào, cảm giác trong tâm dường như đang nhen nhóm cái gọi cái gọi sự bình tâm.

Nhưng thầy không vì việc mình là người ngoài mà im lặng, thầy đã lên tiếng bênh vực cho tôi "Không đâu, em ấy phải không như vậy. Em ấy vẫn luôn quan sát mọi sự vật xung quanh, em ấy chỉ là suy nghĩ nhiều hơn mọi người một chút thôi. Em vẫn đang lựa chọn một câu trả lời làm vui lòng mọi người. Có thể nhiều người sẽ nghĩ em ấy như vậy có hơi ít nói nhưng em chỉ đơn giản là không mong muốn vì câu trả lời bồng bột ngẫu hứng của mình làm mất lòng người khác. Em rất nhạy cảm rất dễ bị tổn thương, điều đó làm em ấy không mong muốn mọi người cũng giống như mình."

Đây là lần đầu tiên có người thấu hiểu được cảm giác và suy nghĩ của tôi. Không phải từ một người thân hay họ hàng mà đến từ một người xa lạ, một người thầy mà tôi chỉ quen biết được có mấy ngày. Nghe những lời này, sự phòng bị cảm giác xa lạ trong tôi dường như biến mất lạ thường. Mọi người xung quanh đều nhận xét tôi e rè nhút nhát, chỉ có thầy ấy lại chưa từng nói dù chỉ là một từ.

"Cũng biết là thế nhưng cả nhà chỉ đang muốn động viên nó để nó trưởng thành hơn." Mẹ tôi dịu giọng đáp lại lời nói của thầy.

"Những lời động viên mang tính công kích không làm cho em ấy mạnh dạn hơn, mà nó chỉ khiến cho em càng ngày càng thu mình lại. Gia đình luôn nói là muốn tốt cho em ấy nhưng lại chưa từng một lần hiểu được suy nghĩ của em."

Sau câu nói của thầy, mọi người đều im lặng không nói gì. Cũng không biết bố mẹ tôi suy nghĩ thế nào nhưng nhìn vào ánh mắt của họ, có lẽ bố mẹ cũng đang suy ngẫm lại những gì thầy đã nói.