Ngày hai mươi chín của tôi trôi qua vô cùng nhạt nhẽo.
Mới bắt đầu buổi sáng, lúc tôi còn đang ôm chăn ngủ quên trời đất thì bị bố gọi giật dậy để gói bánh chưng. Tuy nói là gói nhưng trong nhà chỉ có bố là biết gói bánh chưng vừa vuông vắn vừa đẹp mà thôi. Còn tôi cũng chỉ đơn giản là ngồi lau khô lá dong.
Gói xong thì vừa đúng lúc mẹ đã đun bếp củi lên. Năm nào cũng vậy, nhà tôi sẽ gói bánh vào buổi sáng. Đến lúc bánh chín là khoảng 8 - 9 giờ tối. Thế nhưng tôi rất muốn thử cảm giác thức cả đêm ngồi bên đống lửa để trông nồi bánh, hàng xóm xung quanh nhà tôi cũng thường nấu bánh chưng xuyên đêm. Mọi người có thể là ngồi lại tâm sự trò chuyện với nhau. Nghe nói đám trẻ còn trải chiếu ở bên cạnh và bày ra những trò chơi làm dịu cơn buồn ngủ. Không khí sum vầy và cả gia đình quây quần bên nhau, dù trời có lạnh thì cũng không thiếu được sự ấm áp khi cùng nhau ngồi bên bếp lửa. Còn ở nhà tôi, mất cả một ngày chỉ để thêm củi rồi thêm nước vào nồi bánh chưng. Cả nhà cứ phải thay phiên nhau ngồi trông, đôi khi sẽ cùng ngồi sưởi ấm bên bếp củi. Tuy rằng không được đi đâu nhưng khoảng thời gian đó lại là khoảng thời gian yên bình hiếm hoi đối với tôi.
Tới sáng ngày ba mươi thì tôi có hẹn với nhóm anh Lâm Phong đi dạo chợ tết. Vẫn có Minh Nguyệt, Lạc Huy và anh Lâm Phong. Chúng tôi hẹn nhau đi muộn một chút bởi phải chuẩn bị sắp cúng tất niên vào buổi trưa. Tôi sẽ phải ở nhà phụ mẹ nấu nướng trong bếp còn bố tôi thì cùng những người họ hàng ra nghĩa trang dọn dẹp xung quanh mộ tổ và thắp nén nhang mời ông bà tổ tiên về ăn tết.
Trong lúc chờ nhang trên bàn thờ cháy hết thì tôi sang nhà thầy chơi để xem thầy ấy đã chuẩn bị đến đâu. Nhà của thầy tuy không trang trí gì nhưng nhìn lên sân thượng có mấy chậu hoa treo trên lan can thêm hương thơm của nhiều loại hoa hoà vào nhau mà bay theo chiều gió lan tỏa ra không khí, có cảm giác như mùa xuân đang âm thầm cư trú trong tại sân nhà thầy. Sân thượng dường như là nơi vô cùng lý tưởng để ngắm pháo hoa đón giao thừa. Thế nhưng tôi không nghĩ tầm giờ đó mình có thể sang nhà thầy được.
"Thầy vẫn còn làm việc ạ?" Thầy ấy vẫn cặm cụi bên bàn học trắng, không có gì khác ngoài chiếc laptop màu đen và xấp tài liệu rất dày.
"Ừ, tôi đang tổng hợp một số nội dung cần thiết để làm đề cương ôn tập cho cả lớp. Nhưng em sang đúng lúc tôi vừa làm xong." Trong lúc trả lời tôi, thầy ấy vừa đóng laptop vừa sắp xếp lại quyển tài liệu lên kệ sách.
"Hì, hình như tết năm nay em khá may mắn."
"Thật sao? Thế thì chắc em cũng làm xong bài tập về nhà rồi nhỉ."
Nghe thầy nói xong, tôi tắt luôn nụ cười "Thầy đang nói đùa với em đúng không ạ?"
"Không." Câu trả lời rất dứt khoát, thầy ấy lúc nào cũng dứt khoát như vậy. Tôi chỉ ước rằng một lúc nào đó thầy nổi hứng nói đùa với, đặc biệt là lúc này thì càng tốt.
"Em... em làm một nửa rồi. Đến tối em mang sang cho thầy kiểm tra được không?"
"Ừ, mang cả vở luyện viết sang." Thấy vẻ mặt khó ở của tôi, thầy quay ra gõ nhẹ lên trán tôi một cái "Thật là, em làm được đến đâu thì làm. Không làm hết cũng được."
"Thật ạ? Thầy đừng lừa em đó."
"Tôi không nói dối đâu. Em cũng lười quá rồi đấy." Cái này không thể trách tôi lười biếng được, số bài tập thầy cho luôn tính theo thang số mười trở lên. Đến lúc tôi làm hết thì giao thừa đã qua rồi.
"Em chào thầy." Sau lưng tôi bỗng vọng lên một tiếng nói. Giọng nam trầm ổn như vậy chỉ có thể là của anh Lâm Phong.
Thầy chưa trả lời thì tôi đã vội lên tiếng "Anh Phong, sao anh lại đến nhà thầy Khang thế?"
Tôi quay lưng lại, nhìn phía sau anh Lâm Phong đang đứng trước cửa phòng khách của nhà thầy.
"Anh đến nhà em thì nghe mẹ em bảo em ở bên này nên anh sang tìm em thôi."
"Phong vào nhà ngồi đi."
Thầy ấy lên tiếng mời chào anh Lâm Phong. Nhưng anh ấy không vào mà đứng bên ngoài lịch sự từ chối thầy.
"Dạ thôi ạ, bọn em chuẩn bị đi bây giờ."
"Hai đứa chuẩn bị đi đâu à?" Thầy đang hỏi anh Lâm Phong nhưng lại nhìn qua tôi. Thầy ấy có lẽ lại nghĩ đến chuyện tôi và anh Phong có tình cảm với nhau. Cũng không biết là vô thức hay cố ý mà tôi vội lên tiếng đính chính với thầy.
"Dạ, em với anh Lâm Phong với Minh Nguyệt và Lạc Huy đi dạo chợ thôi."
Nghĩ lại thì tôi không nhờ anh Lâm Phong đến đón mình. Bởi vì tôi có hẹn với Nguyệt rằng đến nhà rủ bạn ấy trước rồi mới cùng nhau đi rủ Lạc Huy và anh Phong.
"Ừ, tôi biết rồi."
Tôi chào thầy xong thì đi cùng anh Phong.
Ngày cuối năm nên đi chợ mua gì cũng rẻ hơn. Minh Nguyệt rất hăng hái đi xem các sạp hàng bán quần áo. Còn lại tôi và hai người kia chỉ lẽo đẽo theo sau. Dạo bước trên mặt đường quen thuộc, bên kia vỉa những cây đào, cây quất và vô vàn các loại hoa vẫn đang xếp hàng ngay ngắn. Hoa đào năm nào cũng nhiều như vậy, dù là ba mươi thì chúng luôn tỏa sắc xuân trên vỉa hè. Chẳng có năm nào là hoa đào lại bán một cách sạch bong cả, cũng bởi là có rất nhiều thương nhân trồng đào nên chúng luôn luôn nhiều vô kể.
Đi được một đoạn thì anh Lâm Phong bỗng dưng kéo tay tôi. Anh ấy ra hiệu cho tôi dừng lại ở một sạp hàng bán đồ trang trí tết, anh chỉ tay về chiếc móc khóa đỏ có tượng mèo thần tài nhỏ xíu xiu.
Anh ấy vừa gãi đầu vừa nói "Em có thể mua tặng anh cái này được không?"
"Dạ? Em không hiểu." Yêu cầu này không phải là vô lý nhưng lại đến quá bất ngờ. Rất ít ai sẽ chủ động yêu cầu người khác tặng quà cho mình. Tôi không hiểu được anh ấy đang muốn làm gì.
"Anh chỉ muốn nhận một món quà từ em thôi. Em có thể tặng cho anh được không?"
Ngắm nhìn đôi mắt chân thành của anh. Tôi rút ví tiền ra như một phú bà, cầm mười lăm nghìn đưa cho người bán và lấy chiếc móc khóa đang treo lủng lẳng trên cây cột nhỏ. Tôi dám cá rằng anh ấy đã chọn một món đồ rẻ nhất để yêu cầu tôi mua.
"Nhưng mà em vẫn không hiểu lắm? Không phải em tiếc tiền đâu. Chỉ là lần đầu em thấy anh lại đưa ra yêu cầu với em."
"Anh chỉ muốn nhận một món quà tết từ người bạn thân nhất. Không được sao?"
"Được chứ ạ, tết mỗi năm em tặng anh một lần còn được."
"Hứa nha." Anh đưa tay lên, ra hiệu muốn ngoắc tay với tôi.
Tôi chỉ nói đùa mà thôi. Thế nhưng anh lại xem là thật, điều này cũng vô thức hình thành một lời hứa với anh. Không biết anh ấy xem trọng hay không nhưng tôi đã thầm ghi nhớ, tôi nhất định sẽ thực hiện lời hứa của mình.
Đêm ba mươi tết, một bầu trời không trăng mà cũng chẳng có sao. Gió thổi nhè nhẹ, bầu không khí vẫn lưu giữ cái lạnh giá của mùa đông. Nhìn lên màn đêm đen tối thi thoảng phát ra tiếng pháo hoa nổ nhưng lại vụt tắt rất nhanh. Hiện nhà ai cũng bật đèn sáng trưng, phía ngoài đường có rất nhiều thanh niên thiếu nữ và những đứa trẻ đang rủ nhau đi chơi. Đêm giao thừa vừa là khoảng thời gian sum vầy vừa để những người họ hàng bạn bè mật thiết mang quà trao tặng cho nhau, thay cho lời cảm ơn vì trong năm qua đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của họ. Ở nhà tôi cũng vậy, mẹ đã mua một giỏ quà đầy những loại bánh kẹo khác nhau để mang sang tặng cho thầy. Cũng vì thầy giúp đỡ nhà tôi rất nhiều, cụ thể là dạy học miễn phí cho tôi. Bố mẹ tôi nói rằng năm nay học lực của tôi tăng cao là nhờ thầy dạy học nên phải gửi một món quà thay cho lời cảm ơn. À, còn kèm theo một phong bao lì xì nữa.
"Tuyết ơi, xong chưa? Nhanh lên, tí về mẹ còn phải đồ xôi nữa." Mẹ ở bên ngoài phòng lớn giọng thúc giục tôi. Thầy là thầy của tôi nên tôi cũng phải đi theo mẹ sang.
Vấn đề là bài tập về nhà, tôi nói với thầy rằng đã làm xong một nửa mà thực chất chỉ là một nửa của một nửa. Giờ phải ngồi vào bàn làm thêm vài bài nữa mới dám mang nộp cho thầy ấy.
"Mẹ đợi con một tí, sắp xong rồi." Tôi vừa trả lời vừa liến thoắng chép lia lịa, xong lại phải ngồi nghĩ đáp án cho câu tiếp. Làm gì có ai ba mươi tết còn phải ngồi vào bàn học như tôi chứ.
"Ai bảo mày cả buổi chiều chỉ lo chơi, đến giờ mới ngồi vào bàn học."
"Con biết rồi." Tôi đánh dấu chấm hết cho đáp cuối cùng. Gấp vở lại rồi lấy vội quyển vở luyện chữ trên mặt bàn.
Sang nhà thầy, tôi chỉ đi theo mẹ chứ cũng chẳng nói gì được. Tôi cứ ngồi im thin thít lắng nghe thầy ấy và mẹ nói chuyện qua lại. Rảnh rỗi lại ngắm nhìn xung quanh nhưng cũng không có gì khác so với mọi ngày, chỉ có bàn thờ treo trên cao kia là thay đổi. Bàn thờ nằm ngay chính diện của phòng khách, ngày thường trống trơn giờ cũng lấp đầy bánh kẹo như bao nhà khác.
Qua lại vài ba câu thì mẹ mới vào chủ đề chính "Gia đình có chút quà thay cho lời cảm ơn đến gửi thầy. Con bé này nhà cô nó nhát lắm, may nhờ có thầy dạy học nên nó mới tiến bộ hơn."
Tôi khẽ gượng cười phụ họa với mẹ, có lẽ mẹ cảm thấy câu nói đó rất bình thường. Nhưng với tôi thì nó không khác gì một con dao găm đang cắm rễ trong lòng, hơn nữa câu nói đó lại được nói trước mặt thầy.
"Dạ không, em Tuyết cũng rất hòa đồng với mọi người. Còn về phần quà này thì cháu xin phép chỉ nhận giỏ quà thôi ạ." Thầy ấy xưng là cháu vì bố mẹ tôi cũng khá lớn tuổi rồi.
Thầy và mẹ cứ đưa qua đẩy lại một lúc, xong cuối cùng mẹ tôi vẫn phải cầm phong bì về. Mẹ về tới nhà nhưng vẫn không quên khen ngợi thầy tốt tính, không tư lợi. Có lẽ mẹ không biết rằng thầy ấy còn tốt tính hơn mẹ tưởng rất nhiều.
Mẹ tôi đồ xôi, luộc thịt gà để chuẩn bị cho việc cúng giao thừa xong thì cả nhà sẽ ngồi lại cùng xem Táo Quân. Cái chương trình mà tôi cũng không nhớ mình bắt đầu xem từ năm nào, mỗi năm cứ vào đêm giao thừa là mọi người lại hòa mình trong tiếng cười. Tiếng cười của niềm vui sự hạnh phúc và của chương trình mang lại. Luôn có người nói rằng Táo Quân như một món ăn ngon lành bổ dưỡng cho ngày tết, năm nào không có tức là năm đó bị thiếu vắng đi niềm vui thiết yếu trong ngày tết. Nhưng thứ mà mọi người chờ đợi vẫn là khoảng thời gian trọng nhất, đồng hồ điểm mười hai giờ đêm. Khoảnh khắc chào đón giao thừa mới bắt đầu. Trước mười hai giờ, cả nhà tôi đã đi ra ngoài đầu ngõ. Thay vì sáng mùng một ngồi chờ khách đến xông đất thì nhà tôi thường sẽ tự xông đất. Như vậy thì không lo gặp phải người không hợp tuổi.
Phía xa xa tiếng trống chùa vang lên phá vỡ không khí tĩnh lặng, sáng rực trên bầu trời những đóa hoa nhiều màu sắc chào mừng xuân tới. Sự im lặng đã thay bằng âm thanh pháo hoa nổ, còn vang rộ hơn cả tiếng sấm rền. Một vài ngôi nhà đã vang lên câu "chúc mừng năm mới". Vậy là năm mới đã tới rồi. Thế nhưng đôi mắt của tôi không nhìn ngắm lên bầu trời đang tỏa sáng kia, trái lại thân ảnh đen tối đứng đắm mình trong những tràng pháo hoa kia đã làm tôi không thể rời mắt. Căn nhà quen thuộc, sân thượng quen thuộc, ngay cả người đứng trên đó cũng không xa lạ. Nếu như thời gian có thể dừng lại, chỉ mong sao luôn dừng ở khoảnh khắc này.
Dù là ngắm nhìn từ xa nhưng trái tim của tôi lại rộn rạo đến nghẹn ngào.
Một tiếng "Ting", tôi mở điện thoại lên. Câu nói "Chúc mừng năm mới" in rõ trên màn hình điện thoại, gửi lại một lời chúc cho thầy. Tôi lặng lẽ cầm điện thoại đưa lên cao, chụp lại bức ảnh hiếm hoi này.