Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 26




Tôi cũng không lường trước được Vân sẽ đến tận đây nên mới ra mở cửa, bây giờ bị cô ấy bắt gặp như vậy cũng lúng túng không biết trả lời ra sao.
Có lẽ, vì hơi cuống nên tôi buột miệng nói dối:
– À… Tớ đến đưa tranh cho anh Khánh nên anh ấy bảo tớ ở lại ăn cơm luôn.
– Thế à?
Ngoài cổng hơi tối, tôi không nhìn rõ sắc mặt của Vân, nhưng bây giờ tôi chỉ mặc một bộ đồ ở nhà và đi dép lê như vậy, bảo mới đến đưa tranh chắc không ai tin.
May sao, Vân cũng không vạch trần tôi mà chỉ bảo:
– Thế anh Khánh đang ở trong nhà hả cậu?
– Đâu, anh ấy vừa chạy ra ngoài làm gì ấy. Cậu cần gặp anh ấy có việc à?
– Ừ, tớ cũng qua đưa tài liệu.
– Để tớ gọi điện cho anh ấy thử xem.
– Thôi, đằng nào cũng mất công đến rồi, với cả cũng có cậu ở đây, tớ vào nhà chờ anh ấy cũng được.
Bình thường sẽ chỉ cần gửi tài liệu cho tôi là được, nhưng chắc có vấn đề gì đó quan trọng nên Vân muốn gặp trực tiếp Khánh. Tôi không có lý do gì để ngăn cản cô ấy, nhưng cũng chẳng thể mời vào, thành ra cứ đứng đực ra một chỗ.
Vân thì rất tự nhiên, không đợi tôi đồng ý đã mỉm cười một cái rồi lách qua tôi đi vào trong nhà.
Buổi tối, bên trong sân vườn đều thắp sáng đèn, cô ấy nghó nghiêng ngắm nghía xung quanh một hồi rồi quay lại bảo tôi:
– Nhà sếp cậu đẹp thật nhỉ? Cậu biết địa chỉ nhà anh ấy mà lâu nay chẳng nói với tớ.
– À đâu… Tớ mới biết thôi. Với cả dạo này bận quá nên cũng không có thời gian nói chuyện với cậu.
– Nhà sếp cậu có mình anh ấy ở thôi à? Hay có cả bố mẹ nữa?
– Tớ cũng không rõ, nhưng hôm nay đến thì chỉ có mình anh ấy ở nhà thôi.
– À…
Cô ấy cười cười, rõ ràng vẫn là nụ cười ngọt ngào thường ngày tôi vẫn hay thấy, nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại có cảm giác nó mang theo rất nhiều tâm tư phức tạp.
Vân vẫn tỏ ra rất vui vẻ thoải mái, nắm tay tôi đi qua sân vườn rộng rãi, ngang qua bể cá Koi. Lúc đi vào trong nhà, ngang qua tủ giày dép, cô ấy bỗng nhiên dừng bước trước tủ giày dép, liếc nhìn đôi giày cao gót còn chưa kịp cất đi của tôi, kín đáo nhướng mày.
Tôi không hề làm điều gì sai với cô ấy, nhưng bỗng dưng lại thấy chột dạ, theo phản xạ muốn giấu giày đi. Nhưng may sao Vân chỉ nhìn một cái rồi quay đầu đi luôn, vài giây sau lại cảm thán một tiếng:
– Mùi thức ăn thơm thế? Hôm nay nhà sếp cậu nấu món gì mà lại mời cậu ở lại đấy?
– Nãy tớ thấy canh kim chi đậu phụ, với cả mấy món linh tinh nữa. Hôm nay 23 tháng Chạp mà. Chắc là cơm thắp hương nhà anh ấy.
– À à… thảo nào nhiều món thế. 23 tháng Chạp nhà nhà đoàn tụ, có mình anh ấy ăn cơm cũng buồn, cậu ở lại ăn cơm với sếp là hợp nhất rồi còn gì.
Tôi chẳng biết nói sao, đành gượng cười đánh trống lảng:
– Cậu ngồi đi, chắc sếp tớ sắp về đấy.
– Ừ. Thế hôm nay cậu không vào viện với chồng à?
– Tớ vào lúc chiều rồi. Tối về còn phải vẽ tranh.
– Cậu vẽ sắp xong chưa?
– Mới được hơn 70 bức, vẫn còn nhiều lắm. Chạy deadline đến tận hè năm sau có khi vẫn không kịp.
– Ôi lo gì, công trình khu C khách sạn cậu chắc cuối năm sau cũng mới xong mà. Thiết bị nội thất bây giờ bên tớ mới bắt đầu làm ấy, chắc hè năm sau cũng mới hoàn thành xong đây. Cậu cứ yên tâm, cứ từ từ mà vẽ.
– Ừ. Hôm nay cậu đến đưa tài liệu về thiết bị nội thất đấy à?
– Ừ. Từ sáng đến giờ bận quá, không đến được, mãi giờ mới có thời gian rảnh để đến đưa tài liệu cho sếp cậu đây. Giờ còn chưa được ăn cơm, đói meo cả bụng.
Tôi biết chuyện đưa tài liệu này có lẽ không phải do Vân bận, mà là cô ấy cô ý. Bởi vì nếu như muốn gửi tài liệu thì chỉ cần scan qua Email là được, hoặc nếu cần bản cứng thì cô ấy sẽ mang đến công ty mới đúng. Đối tác là sếp nam, cô ấy lại là thư ký nữ, mang đến nhà riêng thế này không thích hợp tý nào.
Nhưng dù sao, Vân có ý với Khánh cũng là chuyện mà cô ấy chưa từng giấu giếm tôi, cho nên tôi không đào sâu mà chỉ lảng sang chuyện khác. Đang hỏi đến việc tết năm nay Vân có ý định đi đâu thì nghe tiếng chuông cửa lần nữa, tôi ngượng ngùng đứng dậy bảo cô ấy:
– Chắc lại có khách đến, để tớ ra xem ai nhé.
– Ừ, cậu đi đi.
Khi tôi ra đến nơi mới thấy cô hàng xóm nhà đối diện đang cầm mấy hộp to hộp nhỏ đứng ở cổng. Hôm nay nhà cô ấy cũng làm cơm cúng ông Công ông Táo nên mang một ít đồ ăn sang chia cho tôi.
Ở đây thường xuyên nên thỉnh thoảng gặp tôi vẫn chào hỏi xã giao với cô ấy, giờ tự nhiên được tặng quà nên tôi hơi ngạc nhiên:
– Sao cô cho cháu nhiều thế này, nhiều quá, lại toàn đồ ngon nữa.
– Hôm nay nhà cô thắp hương, đồ đạc nhiều quá mà có mỗi hai ông bà nên mang chia lộc cho hàng xóm. À còn cái này nữa, hộp đông trùng này là cô biếu chồng cháu nhé. Lần trước cậu ấy sửa giúp cái vòi nước vỡ bên nhà cô mà cô chưa kịp cảm ơn.
Có lẽ cách gọi này làm tôi thấy kỳ kỳ nên phút chốc hơi ngẩn ra, nhưng cũng ngại giải thích, chỉ xấu hổ khẽ hắng giọng một tiếng:
– À vâng ạ. Tý nữa anh ấy về cháu sẽ chuyển lời lại với anh ấy ạ. Cháu cảm ơn cô.
– Mà hai cô cậu đúng là đẹp đôi thật đấy nhỉ? Cậu kia rõ hiền lành đẹp trai, còn vui vẻ tốt bụng nữa, nói chuyện lễ phép lịch sự lắm. Trời lạnh, sửa vòi bị ngấm nước lạnh đỏ hết cả tay mà vẫn cười. Nhà tôi mời cậu ấy ở lại ăn cơm mà cậu ấy cứ bảo thôi cháu phải về với vợ, vợ cháu ăn cơm ở nhà có một mình thôi. Bây giờ khó kiếm được người đàn ông nào vừa đàng hoàng vừa yêu vợ như cậu ấy đấy, cô đúng là có phúc.
Hai má tôi bất giác nóng ran, vừa xấu hổ vừa ngượng ngùng, chẳng biết đáp sao nên chỉ cười ậm ừ cho xong. Cô hàng xóm thì cứ thao thao bất tuyệt khen Khánh ngoan ngoãn, hỏi vợ chồng tôi làm nghề gì, khi nghe tôi nói tôi vẽ tranh, cô ấy còn ngỏ ý muốn xin cho cháu mình theo tôi học vẽ.
Nói chuyện gần 15 phút mới có thể quay vào nhà, lúc này, Vân vẫn ngồi ở ghế sofa xem điện thoại, nhưng trán lại lấm tấm mồ hôi. Tôi tưởng cô ấy nóng nên hỏi:
– Cậu nóng à?
– Ừ, hôm nay mặc cái áo giữ nhiệt, nóng quá.
Liếc bên trong áo vest của cô ấy là một chiếc áo giữ nhiệt màu trắng, tôi cũng không nghi ngờ gì, chỉ bật quạt trần cho thoáng nhà. Ngồi thêm một lúc, cuối cùng cũng nghe tiếng xe Khánh về.
Vân ngay lập tức sửa soạn lại quần áo, dặm lại lớp trang điểm. Khi vừa xong xuôi thì anh ta cũng bước vào nhà. Cô ấy đứng dậy, nở một nụ cười tươi rói:
– Anh Khánh về rồi à?
Có lẽ vì thấy xe của Vân ở ngoài cổng nên Khánh không bất ngờ nhiều, chỉ có ánh mắt thoáng qua vẻ phức tạp. Anh ta liếc qua tôi trước, sau đó mới dời mắt đi, khẽ gật đầu:
– Vân mang tài liệu đến à?
– Vâng. Hôm nay sếp em bảo mang sang đưa cho anh. Em có sang công ty nhưng bạn lễ tân bảo anh đi vắng, em sợ làm phiền nên không gọi điện. Đoán tối nay anh cần tài liệu này nên em mới mang đến tận đây. Ngại quá, đến giờ nghỉ ngơi rồi mà vẫn làm phiền anh.
Vẻ mặt anh ta không một chút cảm xúc, không rõ đang suy nghĩ cái gì. Anh ta chỉ đáp bằng một giọng điệu chừng mực:
– Sao Vân biết nhà tôi?
– À… Em hỏi qua mấy người bạn. Hỏi thăm mãi mới biết nhà anh.
Anh ta nhìn tôi, nhưng miệng lại hỏi Vân:
– Bạn ấy hả?
– Vâng.
– Tôi nhớ tôi với Vân không có bạn chung, bạn nào của Vân lại biết được nhà tôi thế?
Thấy Khánh có vẻ không hài lòng, sắc mặt Vân ngay lập tức cứng lại. Thế nhưng người có nhiều kinh nghiệm xã giao như cô ấy thích ứng tình huống rất tốt, chỉ chưa đầy hai giây sau đã nở một nụ cười khiêm nhường, xen lẫn một chút khó xử:
– À…mấy người bạn em quen thôi ạ, cũng hỏi thăm mấy lượt mới biết được. Em xin lỗi anh, tại em vội quá nên không suy nghĩ được cẩn thận. Cứ lo anh không có tài liệu nên mới đến tận đây. Lần sau em sẽ mang đến công ty ạ.
– Đằng nào cũng mất công đến rồi, ngồi uống nước đi.
– Dạ.
Tôi biết Khánh nghĩ mình đã nói địa chỉ nhà cho cô ấy nên ban nãy mới nhìn tôi như vậy, nhưng lúc này bọn họ bàn chuyện công việc, tôi không muốn giải thích hay làm phiền nên đành giả vờ có điện thoại rồi tránh mặt đi chỗ khác.
Tôi cố ý ở ngoài sân rất lâu, mãi sau, khi vừa quay vào thì đã thấy Vân đang chuẩn bị ra về. Đụng mặt tôi ở cửa, cô ấy vẫn cười tươi rói:
– Linh ơi, tớ về trước nhé. Chúc hai người ăn cơm ngon miệng.
Tôi đưa mắt nhìn Khánh đang đứng cách đó không xa, hình như anh ta không có ý định giữ Vân lại, vẻ mặt thờ ơ, hai tay đút túi quần. Tôi thì ngại quá nên nói:
– Vân về luôn à?
– Ừ, tớ về luôn đây. Hôm nào có thời gian rỗi thì gặp nhau nhé, tớ hẹn được mấy đứa lớp mình rồi, bọn nó bảo cứ cho cái lịch rồi đi.
– Ừ, tớ biết rồi.
Vân gật đầu, xách túi đi lướt qua tôi. Lúc ấy, mùi thức ăn nồng nàn từ trong nhà thoảng qua, mà đến giờ ăn cơm, bạn tới không mời một câu cũng không hay lắm. Cuối cùng, tôi bất đắc dĩ phải vượt mặt gia chủ, nói một câu:
– Mà… đằng nào cũng đến giờ cơm rồi, hay là… cậu ở đây ăn cơm đi. Hôm nay nhà sếp tớ nấu nhiều món lắm, đông người ăn mới vui. Đúng không sếp?
Đuôi mắt tôi liếc thấy Khánh khẽ nhíu mày, nhưng anh ta chưa kịp nói thì Vân đã xua tay:
– Thôi, tớ còn có ít việc, giờ phải về làm luôn. Cậu với anh Khánh cứ ăn đi nhé.
Nói xong, cô ấy quay sang nhìn Khánh, trên môi vẫn giữ một nụ cười ngọt ngào xinh đẹp:
– Em chào anh, em về đây ạ. Cần trao đổi vấn đề gì thì anh cứ gửi mail cho em nhé. Em túc trực mail 24/24 ạ.
– Ừ. Tạm biệt.
Tôi tiễn Vân ra đến tận cổng, chờ xe cô ấy đi khuất rồi mới quay vào nhà. Khánh khoanh tay đứng tựa vào sofa, ánh mắt chuyên chú nhìn tôi, nhìn đến mức tôi cảm thấy ngứa ngáy.
Tôi hiểu ý anh ta muốn hỏi gì nhưng hoàn toàn phớt lờ:
– Sao anh không mời cô ấy ở lại?
– Để làm gì?
– Dù sao người ta cũng mất công mang tài liệu đến tận đây rồi, lại đúng giờ ăn, không mời ở lại ăn cơm là bất lịch sự.
– Em có tấm lòng bao la thật đấy.
Giọng anh ta phảng phất mang theo vẻ châm chọc:
– Em không sợ bị bạn thân phát hiện à? Hay là em cố ý muốn bán tôi cho bạn em?
– Anh nói gì?
– Em đừng nói với tôi em không biết ý đồ của bạn em.
Tự nhiên bị anh ta đổ oan như vậy, tôi rất bực mình, sẵn tiện trong lòng vẫn còn đang nặng trĩu vì chuyện của Trung, tôi mất khống chế, cũng cay nghiệt đáp trả:
– Người có ý đồ với anh nhiều lắm. Chẳng lẽ bây giờ bất cứ ai bên cạnh anh tôi cũng phải đề phòng à? Giữa anh với cô ấy có gì thì liên quan gì đến tôi?
– À, không liên quan gì.
Anh ta nhếch môi cười, rõ ràng là cười nhưng ánh mắt lại không che giấu được phẫn nộ, cơn tức giận bùng lên như một ngọn lửa hung tàn, sẵn sàng bóp c.hế.t tôi:
– Tôi quên mất, giữa tôi với em đâu có liên quan gì. Tôi tự đề cao mình quá rồi. Với em, tôi chẳng đáng giá đến nỗi để em đem bán. Em mang cho thì hợp lý hơn.
Dứt lời, anh ta giằng cà vạt trên cổ rồi thẳng tay ném xuống đất, không đợi nghe tôi nói đã xoay người đi thẳng lên trên phòng.Giá Như Đừng Gặp Gỡ
Khi chỉ còn mình tôi đứng dưới phòng khách, nhìn đống đồ ăn bày đầy trên bàn vẫn còn hơi bốc khói mà chẳng có ai động đến, lòng tôi bỗng dưng cảm thấy rất trống trải, cơn giận cũng nhanh chóng nguôi đi.
Đến khi bình tĩnh rồi, tôi nghĩ đi nghĩ lại mới thấy trong chuyện này mình cũng có phần sai. Trong thời gian bận đến tối tăm mặt mũi thế này, Khánh vẫn cố gắng sắp xếp công việc bề bộn để về ăn cơm cùng tôi, còn bảo đêm nay mở một chai rượu vang, cùng tôi thưởng thức một bữa tối lãng mạn gì đó.
Thế mà tôi rõ ràng biết Vân có ý đồ với anh ta, nhưng vẫn để cô ấy vào nhà, còn mời Vân ở lại ăn cơm, thậm chí còn nói giữa anh ta và Vân có gì cũng không liên quan đến tôi.
Bạn thân có ý đồ với người đàn ông chung chăn gối với mình hàng đêm, bảo không liên quan gì, chẳng khác nào nói Khánh không là gì trong cuộc đời của tôi cả.
Tôi biết mình quá đáng nên cuối cùng đành thở dài một tiếng, nhặt chiếc cà vạt bị ném dưới đất rồi mang lên phòng. Lúc này, Khánh vừa tắm xong, anh ta cởi trần đi ra, vẫn còn giận nên chỉ liếc tôi một cái rồi lạnh lùng quay đi.
Tôi đặt cà vạt xuống tủ đầu giường, lấy ra máy sấy tóc rồi bảo anh ta:
– Lại đây, em sấy tóc cho.
– Không cần.
Anh ta đưa tay vò đầu, nước dính trên tóc văng tứ tung ra sàn. Bình thường kiểu gì tôi cũng sẽ mắng anh ta làm ướt sàn nhà, nhưng hôm nay tôi sai nên tôi nhịn. Tôi kéo Khánh lại gần, ấn anh ta xuống giường rồi chậm rãi sấy tóc. Anh ta cũng không cố chấp phản đối tôi, chịu ngồi im nhưng vẻ mặt vẫn rất thâm trầm lạnh nhạt.
Một lúc sau, tôi mới nói:
– Xin lỗi, lần sau em sẽ không làm thế nữa.
Nghe lời xin lỗi này, ánh mắt của ai kia bất chợt sượt qua vẻ sửng sốt xen lẫn không đành lòng. Anh ta nhìn tôi một hồi, lần đầu tiên, tôi thấy Khánh bối rối:
– Anh không có ý trách em. Không phải xin lỗi.
– Em không nên để cô ấy vào nhà khi chưa được anh cho phép, cũng không nên mời cô ấy ăn cơm.
– Không phải thế. Nhà của anh cũng là nhà của em, em muốn mời ai đến cũng được, bảo ai ở lại ăn cơm cũng được. Nhưng hôm nay anh chỉ muốn hai đứa mình ăn cơm với nhau thôi, anh không thích người lạ đến làm phiền.
Nói đến đây, anh ta bỗng dưng nắm lấy tay tôi:
– Anh xin lỗi, ban nãy không nên nổi nóng với em.
Thấy anh ta cuống lên dỗ dành mình, tự nhiên tôi lại thấy hơi buồn cười, sự ấm ức trong lòng cũng nhanh chóng tan biến không còn một mẩu. Thế nhưng, trong đầu tôi bỗng nhiên lại nảy ra ý nghĩ muốn trêu anh ta nên vẫn giả vờ lạnh nhạt:
– Nhà của anh là nhà của anh, không phải nhà của em.
– Thế thì ngày mai anh đi sang tên cho em nhé?
Tôi giật mình, biết nói nữa thì cái tên thừa tiền phá của này sẽ làm thật nên không dám đùa nữa:
– Này, đừng nhé. Em không lấy đâu. Anh đừng sang tên cho em.
– Có sao đâu, nhà của anh cũng là nhà của em. Sau này lấy nhau rồi, anh xây cho em căn rộng hơn nhé. Có ao cá to hơn, phòng ngủ rộng hơn, vườn trồng nhiều cây hơn, được không?
Trái tim tôi bỗng dưng cảm thấy rất ấm áp vô cùng, chẳng phải do nhiệt độ cơ thể anh ta truyền qua không khí, mà là do mấy lời xằng bậy này rất có tác dụng dụ người. Tôi tủm tỉm cười:
– Đồ phá của. Ai thèm lấy anh. Nói vớ vẩn.
– Hay là để anh gieo hạt vào bụng em trước, chờ đến khi nảy mầm rồi mình cưới là vừa.
– Không nhé, em chưa có ý định lấy chồng. Á… á… bỏ em xuống.
Còn chưa nói hết câu thì Khánh đã bế bổng tôi lên giường, khi tôi vùng vẫy còn vơ luôn cái cà vạt đặt trên tủ, đem trói hai cánh tay tôi lại, mặc tôi cằn nhằn bảo “đã đến giờ ăn cơm rồi”, “không ăn sớm sẽ nguội mất”, anh ta vẫn làm như chẳng nghe thấy, ngón tay hư hỏng liên tục trêu đùa tôi.
Thực ra, kể từ khi quyết định bỏ hết quá khứ và bắt đầu lại, cả thân thể lẫn trái tim tôi đã sa vào trầm luân cùng người đàn ông này, không muốn thoát ra nữa. Dưới những nụ hôn như mưa của anh ta, chẳng mấy chốc tôi đã hoàn toàn khuất phục, cơ thể nhanh chóng biến thành một đống bùn nhão để mặc kệ anh ta nhào nặn, say đắm đến ý loạn tình mê, cuồng nhiệt đến phong tình vạn chủng.
Giữa những tiếng rì rì vẫn chưa tắt của máy sấy tóc, giữa những âm thanh hít thở trầm đục dồn dập, nhìn gương mặt đẹp tựa như sao của người đàn ông kia trong màn sương, tự nhiên trong đầu tôi lại tưởng tượng đến một cảnh tượng rất viển vông ở sau này.
Vào những ngày tháng tương lai, chúng tôi sẽ sống trong một ngôi nhà nhỏ đầy cỏ cây xanh tốt, phía bên hông nhà có một hồ cá thật lớn, phòng ngủ của chúng tôi cũng thật lớn, để mỗi ngày mở mắt ra là có thể thấy toàn cảnh bình minh, đêm đến có thể nhìn thấy nửa bầu trời đầy ánh sao rực rỡ. Bên cạnh chúng tôi còn có những đứa trẻ, có thể giống anh ta, cũng có thể giống tôi. Cuộc đời nếu được trọn vẹn như vậy thì thật tốt biết mấy.
Thế nhưng dường như ông trời luôn định sẵn đời tôi là một chuỗi biến cố đầy thăng trầm thì phải, ngày hôm ấy tôi chỉ mải ước mơ mà không hề biết rằng thời điểm đau thương đã cách chúng tôi không còn xa, tận cùng của cay đắng và bi phẫn cũng cách chúng tôi không còn xa.
Thậm chí, nó gần đến nỗi cả tôi và anh ta đều trở tay không kịp…
***
Mấy hôm sau, cuối cùng cũng đến chủ nhật. Sau một thời gian dài đằng đẵng bận rộn, Khánh mới ở nhà với tôi được một hôm.
Buổi sáng giày vò trên giường một lúc, đến mãi hơn 8h sáng mới có thể dừng lại. Tôi thở hổn hển cuộn tròn trong lòng anh ta, hết cả sức lực, muốn ngủ thêm nhưng lại tiếc ngày nghỉ hiếm hoi, định kéo Khánh ra ngoài đi sắm ít đồ tết.
Tôi chớp mắt hỏi:
– Này.
– Ừ. Sao thế?
Anh ta cười cười, lại bắt đầu hôn khắp người tôi:
– Cho em ăn chưa no à?
Tôi bị nhột nên ngọ ngoạy đẩy Khánh ra, mắm môi mắm lợi quát:
– Thôi nào. Em định hỏi anh một việc.
– Em hỏi đi.
– Tết năm nay anh ăn định ăn tết ở đâu?
– Em ăn tết ở đâu, anh ăn tết ở đó. Sao thế? Em có kế hoạch ăn tết ở đâu rồi à?
Tôi lắc đầu:
– Không, tạm thời em vẫn chưa biết có về quê không. Nhưng mà thôi, đằng nào hôm nay cả em với anh đều rảnh rỗi, mình ra ngoài đi.
Anh ta vẫn chuyên chú hôn tôi, từ ngực đến cổ không chỗ nào không có dấu hôn xanh đỏ của cái tên này. Cũng may bây giờ đang là mùa đông, mặc đồ kín cổng cao tường còn che được, sang mùa hè thì không biết phải giấu mặt đi đâu.
Một lúc sau hôn đủ rồi, Khánh mới hài lòng nói:
– Ừ, anh cũng đang định rủ em đến một nơi.
– Đi đâu thế?
– Đến sẽ biết.
Tôi chưa kịp hỏi cặn kẽ thì anh ta đã kéo tôi xuống giường, thay đồ ăn sáng xong mới lái xe chở tôi ra ngoài.
Thấy tên này cứ tỏ vẻ thần thần bí bí, tôi nghĩ anh ta định chở mình đi mua cái gì đó, hoặc có khi anh ta lại đột nhiên nổi hứng mua tặng tôi một căn nhà không biết chừng.
Thế nhưng, xe cứ chạy mãi, chạy mãi, đi hết nội thành Hà Nội rồi ra đến ngoại ô, tới một khu vực thưa thớt vắng người lại rẽ sang một hướng khác, cuối cùng dừng ở một nơi mà tôi không thể nào ngờ tới.
Không phải khu biệt thự nào đó, cũng chẳng phải tiệm trang sức hay phố bán đồ tết, mà là trại giam.
Tấm biển đỏ chói có dòng chữ Trại Giam Thanh Xuân – Tổng cục 8 giống như đâm vào mắt tôi, cả lồng ngực lẫn cơ thể đều nhoi nhói. Trong lúc còn đang ngẩn ra nhìn thì người ngồi bên cạnh nói:
– Gần tết rồi, chúng ta đến thăm bố em!