Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 16




Chiếc Porsche 911 lao như tên bắn trên đường, chẳng mấy chốc đã mất hút giữa dòng xe cộ đông đúc. Tôi đứng chôn chân trên vỉa hè, tận đến khi không còn nhìn thấy xe anh ta nữa cũng chẳng rõ mình đã làm sai chuyện gì.
Vì tôi mang đồ của nhà anh ta cho Trung, vì tự nhiên anh ta mất hứng, hay là vì anh ta không muốn chia đôi chỗ cháo ấy cho chồng tôi?
Đồ khùng đ.iên. Giữa tôi và anh ta chẳng có gì ngoài giao dịch xác thịt, tôi muốn chia cho ai cháo là quyền của tôi, anh ta tự nhiên nổi giận cái gì?
Tôi định lấy điện thoại ra gọi Taxi, nhưng sờ đến mới thấy cả điện thoại lẫn túi xách đã bỏ quên trên xe, giờ trên người tôi ngoài quần áo ra chẳng còn gì cả, ngay cả một xu cũng chẳng có nổi để gọi xe về.
Gió từ dưới lòng sông đen ngòm thổi tới, một mùi hôi nồng nặc lẫn cả mùi rác rưởi xộc đến làm tôi không chịu nổi, phải bịt mũi vội vã đi tiếp. Giờ ấy, đường phố vẫn còn nhiều người qua lại, nhưng đi cùng người lạ rất nguy hiểm, với cả chưa chắc đã ai cho tôi đi nhờ, thế nên tôi quyết định cuốc bộ quay ngược về bệnh viện.
6 kilomet ngồi xe thì nhanh nhưng đi bộ mới thấy xa lắc xa lơ, nhất là đi ban đêm nữa. Tôi men theo vỉa hè đi gần một tiếng mới được 3 kilomet, mỏi chân quá mới dừng lại ngồi ở một bồn hoa. Lúc này phố xá đã bắt đầu thưa thớt, các quán hàng cũng tất bật dọn dẹp để chuẩn bị nghỉ ngơi.
Tôi vừa mới đặt mông xuống đã thấy mấy người đàn ông lè nhè từ quán Karaoke bên cạnh đi ra:
– Mẹ, hôm nay phải chơi con nào ngon ngon mới được. Hàng 300k chẳng có con nào nuốt được cả, chán c.hế.t đi được.
– Gái bây giờ phải từ một củ trở lên thì mới tàm tạm, 300k thì mày ra đút cột điện có khi còn sướng hơn.
– Haha, kể mà giờ kiếm được em rau sạch nào nhỉ. 5 củ tao cũng chơi, miễn sướng là được.
Tôi sợ mấy gã kia nhìn thấy mình đi một mình lại lên cơn thú tính nên vội vã đứng dậy rẽ sang con đường khác, không ngờ lại đi lạc. Ở khu này nhiều ngõ ngách chằng chịt như chỉ rối, tôi quanh quẩn mấy vòng vẫn không tìm được lối ra đường lớn, hỏi người dân lại đi nhầm cả ra một công viên vắng hoe.
Đêm muộn, công viên tối om, chỉ có tiêng côn trùng kêu không rõ từ phương nào và mấy gã nghiện lúi húi sau bụi cây. Tôi sợ đến mức không dám thở mạnh, chỉ siết chặt tay tự động viên chính mình rồi bước thật nhanh về phía trước.
Đi được một quãng, bỗng dưng cánh tay bị ai đó giật lại, tôi hoảng hốt quay đầu mới thấy Khánh đang đứng ngay sau tôi.
Chẳng biết sao anh ta có thể tìm thấy tôi ở chỗ này, nhưng thấy Khánh ở đây, tôi như người đang lạc lối giữa đêm đen nhìn thấy ánh sáng. Có lẽ vì ấm ức, cũng có lẽ vì tủi thân và sợ hãi nên khi đó tôi đã không nhịn được, run rẩy như muốn khóc oà lên:
– Anh… làm cái gì… thế hả?
Khánh không đáp, chỉ nhìn chằm chằm tôi, sau đó đột nhiên kéo tôi ôm vào lòng:
– Xin lỗi.
– Buông tôi ra.
– Xin lỗi.
Lúc đầu tôi không hiểu tại sao anh ta lại xin lỗi, mãi sau khi thấy khóe mắt mình ươn ướt, đưa tay sờ lên mặt mới biết là hóa ra tôi khóc. Anh ta vì thấy tôi khóc nên mới chịu xuống nước như vậy.
Tôi không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt anh ta, bực bội quệt sạch nước mắt, sau đó xô
Khánh ra khỏi người mình:
– Anh tự cho là anh mua tôi rồi thì muốn đối xử với tôi thế nào là quyền của anh. Vui thì anh đưa đi ăn, không vui nữa thì anh đá xuống xe, giờ anh lại ở đây xin lỗi. Anh không đối xử với tôi tốt được thì cũng đừng quay tôi như chong chóng thế, tôi chiều không kịp đâu.
Bàn tay anh ta hơi nhúc nhích, dường như muốn nâng lên, nhưng cuối cùng chỉ lặng lẽ siết chặt lại. Khánh kiên nhẫn hạ giọng:
– Ban nãy tôi hơi nóng. Đừng làm loạn nữa, tôi đưa cô về.
– Tôi làm loạn? Anh nhìn xem tôi đang làm loạn hay anh?
Anh ta tiếp tục nhượng bộ:
– Ừ, tôi làm loạn. Được rồi, muốn mắng gì về nhà rồi mắng. Đi về thôi, chỗ này không nên ở lâu.
Tôi bị kéo ngược trở vào con ngõ ngoằn nghoèo rối như tơ kia, nhưng lần này không lạc nữa mà đi thẳng một mạch ra bên ngoài. Khánh đẩy tôi vào ghế phụ, định cài dây an toàn cho tôi, nhưng lúc này tôi đã bình tĩnh trở lại, không muốn đụng chạm nữa nên tôi gạt tay anh ta ra:
– Tôi tự làm được.
Khánh hơi khựng lại, sau đó lại tiếp tục cài dây. Tôi thấy anh ta như vậy cũng chẳng thèm nói nữa, chỉ im lặng ngoảnh mặt đi chỗ khác. Lát sau, khi cảnh vật bên ngoài cửa xe từ từ lướt qua, tôi mới hỏi:
– Đã đi rồi còn quay lại làm gì?
Anh ta trầm mặc vài giây, không nhìn tôi mà chỉ đáp:
– Sợ cô đi đường về gặp mấy thằng cặn bã nên tôi đến.
– Dù sao cũng chẳng còn ai cặn bã hơn anh nữa
Khoang xe tĩnh lặng, tôi có thể nghe được một tiếng thở dài rất khẽ của anh ta:
– Ừ.
***
Sau hôm ấy, mối quan hệ của tôi và anh ta xấu đi trông thấy, bình thường ban ngày tôi vẫn đến bệnh viện, tối quay về biệt thự nấu nướng, nhưng Khánh không về ăn cơm lần nào, thậm chí có hôm còn không ngủ ở nhà, hoặc có về cũng về rất khuya, không đặt chân vào phòng ngủ chính một bước.
Chúng tôi ở cùng nhà nhưng suốt nửa tháng lại chẳng hề thấy mặt nhau, tôi ở ngay cạnh phòng anh ta, nhưng tranh vẽ xong lại phải gửi cho anh Hưng, rồi từ anh Hưng mới chuyển tiếp sang cho Khánh. Một đoạn đường vốn dĩ rất ngắn nhưng cứ phải vòng co hết một quãng thật dài.
Bác Lan có lẽ cũng cảm nhận được giữa chúng tôi có vấn đề nên có một hôm mới hỏi tôi:
– Cháu với Khánh đang giận nhau à?
– À… không ạ. Mối quan hệ của bọn cháu không như bác nghĩ đâu.
Bác Lan nhặt mấy củ hành xếp gọn vào trong hộp, thở dài nói với tôi:
– Bác không biết hai đứa thế nào, nhưng ở cùng nhà mà, vui vẻ mới nhau được mới tốt chứ.
– Cháu chỉ đến ở đây một thời gian thôi, sau này cháu sẽ đi. Cháu với anh Khánh chỉ là bạn thôi, hoặc có khi cũng chẳng phải bạn bác ạ.
– Bác thì bác không hiểu chuyện tình cảm của người trẻ. Nhưng bác thấy Khánh được mà, con nhà giàu nhưng tính tình thoải mái dễ chịu, lễ phép nữa. Nếu đôi bên tìm hiểu mà thấy hợp thì cứ xác định lâu dài chứ.
Tôi không biết trả lời ra sao nên chỉ cười, bác Lan cũng hiểu ý, không quá can thiệp vào chuyện riêng của bọn tôi, thế nhưng chẳng hiểu lát sau suy nghĩ thế nào mà bác ấy vẫn quyết định nói:
– Hôm trước cháu nấu cháo để trên bếp, Khánh ăn hết đấy. Bình thường nó ăn sáng ít lắm, có hôm bác làm bao nhiêu món, nó nhìn xong cứ cười bảo “Cháu đang giảm cân mà bác cho cháu ăn nhiều thế, mai sau thành bụng phệ thì lại ế vợ, lúc đó cháu bắt đền bác đấy nhé”.
– …
– Thế mà hôm cháu nấu cháo, nó ăn hết luôn đấy. Bác hỏi thì nó bảo cháo cháu nấu ngon, hợp khẩu vị. Chưa bao giờ bác thấy nó ăn ngon như thế đấy Linh ạ. Chắc nó phải thích cháu lắm mới đưa cháu về đây.
Tim tôi bỗng dưng nhói một cái, lúc ấy mới nhớ đến vẻ mặt ngạc nhiên của anh ta khi tôi xách chiếc cạp lồng lên, rồi cả việc anh ta đùng đùng nổi giận khi biết tôi mang cháo đến bệnh viện. Hóa ra tôi đã đoán đúng, anh ta khó chịu vì phải ăn thừa cháo tôi nấu cho Trung.
Nghĩ lại, cũng thấy mình làm thế cũng quá đáng thật. Người như anh ta, làm sao có thể chấp nhận được việc ăn thừa của người khác…
Biết mình sai nên hôm ấy tôi cố ý về thật sớm, mua thêm một ít thức ăn tươi về nấu cơm. Lúc chuẩn bị vào bếp còn nhắn cho Khánh một tin:
– Hôm nay tôi mua được ít tôm càng xanh, anh về ăn cơm nhé?
Cho đến khi tôi nấu xong cũng không thấy anh ta trả lời lại, tôi ngồi bên mâm cơm chờ đến 10h đêm cũng chẳng đợi được tiếng xe đi vào nhà của anh ta. Cuối cùng, chờ đến tận 11 rưỡi tôi mới thất vọng bọc gọn đồ ăn lại rồi cất vào tủ lạnh. Lúc vừa xong xuôi thì cũng thấy Khánh về.
Anh ta đi vào, thấy tôi vẫn đang ở bếp thì chỉ liếc một cái:
– Làm gì còn chưa ngủ?
– À… đang cất bớt đồ vào tủ lạnh, tôi chuẩn bị đi ngủ đây. Anh ăn gì chưa?
– Ăn rồi.
Cổ áo anh ta mở hai cúc, trên da có vài vết màu đỏ thẫm. Dù sao tôi cũng chẳng phải thiếu nữ mới lớn, tôi biết vết mấy này mang ý nghĩa gì, cũng hiểu rõ phải làm sao thì mới có nó.
Trong lòng bất chợt có một nỗi thất vọng không tên, ý nghĩ làm lành trong tôi ngay lập tức bị dập tắt. Tôi không nói nữa, chỉ cúi đầu bọc đồ ăn, Khánh cũng không bận tâm đến tôi, xoay người bỏ lên phòng.
Một cơn gió từ cửa sổ lùa tới, tôi ngửi thấy một mùi nước hoa, không chỉ có riêng của anh ta mà còn trộn lẫn cả hương nước hoa đặc trưng của phụ nữ, rất quen, nhưng tạm thời tôi không nhớ ra được mình đã ngửi thấy ở đâu rồi.
Nhưng dù có ngửi thấy ở đâu thì ngày mai, ngày kia rất có thể sẽ lại là một mùi khác. Bản tính trăng hoa đã ăn sâu vào máu anh ta, dù Khánh có bao tôi đi nữa thì cũng sẽ không chỉ ngủ với một mình tôi. Phụ nữ muốn trèo lên giường anh ta nhiều như cá diếc ngang sông, anh ta xếp lịch còn chẳng kịp, việc gì phải về nhà ăn cơm cùng tôi chứ?
Tôi đúng là đã suy nghĩ nhiều rồi, chuyện làm lành, thôi bỏ đi!
***
Trung nằm ở bệnh viện gần một tháng, tình hình đã tốt hơn trước rất nhiều nhưng bác sĩ vẫn chưa cho anh xuất viện.
Thực ra, nằm ở phòng bệnh có điều dưỡng chăm sóc thế này rất tốt, nhưng chi phí cũng rất tốn kém, tôi lo nên mới đến hỏi bác sĩ:
– Chú ơi, cháu thấy dạo này sức khỏe chồng cháu tốt hơn rồi. Khả năng bao giờ được ra viện hả chú?
– Giờ chồng cháu chưa ra viện được đâu, phải nằm lâu dài thôi.
– Sao lại thế ạ?
– Thứ nhất là do chức năng thận rất kém, thứ hai phổi chưa lành, vẫn còn xơ nhiều, thứ ba là giờ hệ miễn dịch của chồng cháu đã suy giảm, không điều trị liên tục sẽ dễ bị nhiễm trùng lại như lần trước. Mà thêm lần nữa chưa chắc đã ra được khỏi phòng ICU đâu, cháu hiểu ý chú không?
– Vâng, cháu biết ạ. Cháu cảm ơn chú.
– Ừ. Giờ cứ để chồng cháu nằm viện thêm vài tháng, vừa chạy thận vừa điều trị, chờ đến khi sức khỏe tốt hơn thì ghép thận là vừa.
– Bên trung tâm điều phối tạng vẫn chưa có thêm thông tin gì hả chú?
– Chưa có, chú nhờ người liên hệ rồi, có chú sẽ bảo ngay.
– Vâng ạ.
Lúc đi từ phòng bác sĩ về đã là hơn 10 giờ sáng, tôi đoán giờ này Trung đã ăn sáng rồi nên chỉ mang một ít hoa quả mát mát vào cho anh.
Khi tôi vừa đến cửa thì nghe tiếng nói chuyện từ bên trong vọng ra:
– Hôm nay chị không đến hả anh?
– Chắc hôm nay cô ấy bận, phải vẽ tranh suốt mà, đến đây mãi cũng làm gì đâu.
– Chị ấy vẽ tranh đẹp thật đấy, vẽ trên máy tính mà còn đẹp hơn ở giấy nữa. Nếu tay chị mà không bị thương chắc giờ phải là họa sĩ nổi tiếng rồi đấy anh nhỉ?
– Ừ, cô ấy học mỹ thuật bên Mỹ đấy, nhưng tiếc là tay bị thương nên phải bỏ học giữa chừng.
– Thế ạ?
Thanh nhẹ nhàng cắm kim truyền vào tay Trung, xong xuôi còn khẽ thổi vào tay anh, rất dịu dàng tận tình:
– Anh với chị lấy nhau lâu chưa?
– Lấy nhau đâu, yêu nhau còn chưa. Tôi chờ mãi mà cô ấy vẫn chưa chịu nhận lời.
– Ơ thật ấy ạ? Em thấy chị thương anh mà, chăm anh nữa, từ khi anh vào đây chỉ có một mình chị ấy chăm thôi. Nếu không có tình cảm với anh thì chị ấy sẽ không như thế đâu.
– Cô ấy chỉ coi tôi như bạn thôi.
Lông mày của Thanh khẽ nhíu lại, cô ấy đặt một chiếc gối nhỏ xuống tay Trung cho anh đỡ mỏi. Không tọc mạch sâu mà chỉ bảo:
– Anh đừng nghĩ thế.
– Cô cũng là phụ nữ, cô tư vấn cho tôi chuyện này đi. Nếu là cô, ở bên cạnh một người 3, 4 năm thì có phát sinh tình cảm không?
– Có chứ.
– Ừ, nhưng cô ấy thì không.
Trung cười buồn:
– Cô ấy hay chia sẻ với tôi mọi chuyện cô ấy gặp hàng ngày, nhưng bất kể khi nào cô ấy buồn, cô ấy đều trốn ở một góc, khóc chán rồi sẽ đứng dậy, tỏ ra như không có gì, tôi hỏi thì cô ấy chỉ nói bụi bay vào mắt thôi. Nhà cô ấy gặp chuyện, phải về quê sống, trong túi không có nổi tiền mua gạo, nhưng tôi đưa tiền thì cô ấy lúc nào cũng lắc đầu bảo “Em vẫn còn tiền, em không lấy đâu”. Cô ấy ốm sốt nằm ngoài ghế, tôi nhường giường cho cô ấy cũng nhất định không chịu, cứ bảo chỉ ngủ một giấc là khỏe thôi, nhưng thật ra tôi biết, cô ấy sốt cao cả đêm, chỉ là không muốn cho tôi đụng vào người cô ấy nên tôi chỉ dám nhìn từ xa thôi. Tháng lương đầu tiên tôi muốn đưa cho cô ấy, nhưng cô ấy tìm mọi cách từ chối, không phải vì cô ấy không cần tiền, mà là vì cô ấy nghĩ mình vẫn còn nợ tôi. Cô ấy đang cố gắng kiếm tiền để trả lại số nợ tôi đã cho cô ấy vay.
– …
– Cô nói tôi nghe thử xem, ở bên nhau lâu như thế, cô ấy chưa bao giờ cho tôi chạm vào người, vì cô ấy chưa sẵn sàng hay là vì từ trước đến nay trong lòng cô ấy chỉ coi tôi là bạn, chưa bao giờ thích tôi?
– …
– Tôi có cảm giác như cô ấy ở ngay phía trước tôi, nhưng tôi chạy mãi, chạy mãi cũng không thể nào chạm được đến cô ấy vậy.
Sắc mặt Thanh cứng đờ rất lâu, dường như không thể tin nổi giữa chúng tôi lại có một mối quan hệ kỳ quặc như thế. Lát sau, cô ấy mới bối rối rời mắt đi, lúng túng nói với Trung:
– Chắc là… chị ấy vẫn còn đang suy nghĩ, chị ấy chỉ nghĩ hơi lâu một tý thôi, anh đừng buồn.
– Tôi cũng không biết nữa, nhưng nếu cô ấy chịu đồng ý ở bên tôi thì tốt, không đồng ý cũng không sao. Đằng nào tôi cũng bệnh tật, chẳng biết sống được bao nhiêu lâu nữa, sợ làm lỡ dở cô ấy.
– Anh đừng lo, ghép thận xong sẽ khỏe mạnh như người bình thường thôi. Đến lúc đó hai người lấy nhau, sống với nhau đến đầu bạc răng long ấy chứ.
Trung cười rất tươi, ánh mắt anh hướng về phía Thanh, gật đầu:
– Cảm ơn Thanh.
– Không có gì ạ.
– Tóc Thanh có dính gì kìa.
– Đâu ạ?
Thanh đưa tay lên đầu phủi phủi, nhưng sờ tới sờ lui vẫn không lôi được cánh hoa ngọc lan kia rơi xuống. Cuối cùng, Trung mới vẫy tay bảo cô ấy:
– Bị len vào tóc rồi, lại đây tôi lấy cho.
– A…
Trong phòng bệnh đầy ánh nắng, Thanh ghé sát bên giường để Trung lấy cánh hoa trên tóc xuống, anh một tay cắm kim truyền, một tay vuốt mái tóc dài đen óng của cô ấy, loay hoay rất lâu mới có thể lấy cánh hoa ra.
Nhìn thấy bọn họ như vậy, tôi quyết định không vào nữa, chỉ lẳng lặng xoay lưng, nhẹ bước rời khỏi đó.
Không phải tôi nghi ngờ Trung với Thanh có tình ý gì, chỉ là tự nhiên tôi thấy mình không nên phá vỡ không khí vui vẻ trong phòng bệnh kia. Rất lâu rồi Trung mới cười thoải mái đến thế, cũng hiếm khi anh tin tưởng ai đến mức có thể rút ruột rút gan tâm sự như vậy. Dù sao hôm nay cũng là một ngày đẹp trời, hãy để mọi chuyện đều đẹp đẽ đi, không phá vỡ thì tốt hơn.
Tôi về phòng trọ cũ, dọn dẹp thật sạch một lượt, tự nấu cơm trưa ăn xong lại ngủ một giấc, tâm trạng thoải mái rồi mới lững thững quay về biệt thự bên kia.
Từ hôm nhắn tin nhưng Khánh không về ăn cơm, tôi không còn nấu cơm buổi chiều nữa. Về đến nơi chỉ đi thẳng lên phòng, nằm ườn trên giường gọi video nói chuyện với mẹ.
Mẹ tôi thấy tôi ở nhà đẹp nên hỏi:
– Con đang ở nhà ai mà lạ thế?
– À, đây là phòng khách sạn chỗ con. Mùa này ít khách nên phòng trống nhiều lắm, để không cũng chẳng làm gì nên bọn con nằm nghỉ.
– Họ không sợ bẩn chăn gối à?
– Bẩn thì cũng bọn con giặt ấy mà, lo gì đâu. Mẹ ăn cơm chưa?
– Mẹ với dì Oanh ăn từ lúc 6 giờ rồi. Đang nằm xem tivi một tý rồi đi ngủ. Thế thằng Trung đâu rồi?
– Hôm nay đến lịch chạy thận của anh ấy nên anh ấy ở bệnh viện mẹ ạ, phòng bệnh đông quá không có chỗ nằm nên con về.
Đúng là dạo này tôi đã nói dối quen mồm, chuyện gì cũng có thể nói dối được. May mà mẹ tôi không nghi ngờ gì, chỉ hỏi:
– Thế hai đứa vẫn vậy đấy hả?
– Vâng, vẫn thế mẹ ạ. Bọn con vẫn còn trẻ mà, vội gì.
– Mình trẻ thì trẻ, nhưng đàn ông có chờ được đâu. Thằng Trung dù sao nó cũng là đàn ông… Mà ở cùng nhà sao tránh được. Mày nói thật với mẹ đi, giữa hai đứa đã có chuyện gì chưa?
– Chưa thật mà. Đến hôn còn chưa ấy chứ. Tối anh ấy vẫn ngủ trong phòng, con ngủ ngoài ghế. Có bao giờ làm gì đâu.
– Thôi quyết định ra sao là ở hai đứa, mẹ không can thiệp, nhưng làm gì thì cũng nên nghĩ cho kỹ con ạ.
– Vâng, con biết rồi.
– Làm xong rồi mà về sớm đi nhé.
– Vâng.
Cúp máy xong, tôi mới lật người lại, định bò xuống giường đi rửa mặt, nhưng vừa ngước lên đã thấy Khánh đang đứng ngoài cửa.
Tôi hơi giật mình, lúng túng hỏi:
– Anh… về rồi đấy à?
– Ừ.
Không rõ anh ta đã nghe được gì chưa nhưng vẻ mặt vẫn lạnh nhạt như cũ, Khánh nhìn tôi vài giây, khẽ hắng giọng:
– Tôi vào lấy đồ.
– Ừ.
Từ khi tôi đến, đồ đạc của Khánh hầu như đã chuyển sang phòng bên kia, bên này vẫn còn tủ để quần áo, nhưng anh ta chẳng động đến bao giờ.
Thế mà chẳng hiểu hôm nay anh ta ăn nhầm phải cái gì mà tự nhiên sang đây lấy quần áo, xong còn tắm trong phòng ngủ chính. Tôi nằm trên giường, nghe văng vẳng trong phòng tắm có tiếng huýt sáo thì không khỏi cảm thấy quái gở.
Có điều, cả ngày trời dọn dẹp ở bên phòng trọ nên tôi đã mệt rã rời, định thức đến khi anh ta tắm xong nhưng mí mắt cứ ríu lại, ngủ quên lúc nào không biết. Một lúc sau, tôi cảm nhận được chăn đệm bên cạnh lún xuống, sau đó có một vòng tay mát rượi khẽ ôm lấy tôi từ sau lưng.
Mùi sữa tắm quen thuộc khiến đầu óc mơ mơ tỉnh tỉnh của tôi cứ ngỡ mình vẫn còn sống trong quãng thời gian 6 năm trước đây, tôi lẩm bẩm nói:
– Anh sấy tóc chưa mà lên giường?
Người kia im lặng vài giây mới đáp lời tôi:
– Anh sấy tóc rồi.
– Để ướt gối thì anh liệu hồn.
– Ừ ừ, biết rồi. Ngủ đi, anh ôm em ngủ.