Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 12




Khi tôi đến bệnh viện thì Trung vẫn đang ở trong phòng cấp cứu, giờ ấy đèn điện khắp nơi vẫn sáng choang, người đi qua đi lại như mắc cửi.

Các anh chị cùng công ty Trung thấy tôi sốt ruột đứng ngồi không yên mới động viên tôi:

– Bình tĩnh đi em, chắc không sao đâu. Buổi chiều anh thấy nó vẫn còn khỏe mà, chắc hơi choáng nên ngất thôi.

– Vâng ạ. Hôm nay công ty tăng ca muộn hả anh?

– Ừ, tăng ca. Bọn anh biết nó yếu nên giục nó về từ lâu rồi, nhưng nó tiếc việc nên mãi không chịu về. Giờ ăn cơm, gọi nó ăn thì nó lại bảo chờ tối về ăn cơm với vợ cả thể, nói mấy lần không được nên anh cũng thôi. Ai ngờ tự nhiên nó ra thế.

Người đồng nghiệp kia nói đến đây lại thở dài bảo:

– Mà thôi, chắc nó không sao đâu, em cũng đừng lo quá.

– Vâng, em cảm ơn anh.

Sốt ruột chờ hơn một tiếng, cuối cùng bác sĩ cũng mở cửa đi ra. Bác sĩ còn chưa kịp hỏi người nhà ở đâu thì tôi đã ngay lập tức xông lại:

– Bác sĩ ơi, chồng cháu sao rồi ạ? Có việc gì không hả bác sĩ? Anh ấy tỉnh chưa ạ?

– Tạm thời vẫn chưa tỉnh được, vẫn phải theo dõi, bệnh tình của chồng cô chuyển biến khá nhanh đấy, tiên lượng không khả quan lắm đâu.

Sắc mặt tôi lập tức tái mét, muốn hỏi tiếp, nhưng run đến nỗi há miệng mãi mà không thể thốt ra được câu gì. Bác sĩ thấy vậy mới thương tình giải thích:

– Suy thận cấp gây tăng thể tích tuần hoàn cấp tính, nhiễm trùng nặng, phù phổi cấp dẫn đến hôn mê đột ngột. Chúng tôi đã tiến hành cấp cứu, tăng thông khí và chạy thận liên tục rồi. Bây giờ phải đợi chạy thận xong, chờ chồng cô tỉnh rồi mới tính đến việc điều trị tiếp theo được.

– Thế… có… có cứu được nữa không hả bác sĩ? Anh ấy vẫn còn trẻ mà, suy thận cũng mới chớm giai đoạn 5 thôi… bọn cháu… bọn cháu sắp có đủ tiền ghép thận rồi mà…

– Sao lại không cứu được? Không cứu được thì tôi ra đây giải thích với cô làm gì?

Bác sĩ đẩy gọng kính trước mặt, hơi buồn cười bảo tôi:

– Chồng cô được đưa đến cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch rồi. Theo như tôi đoán thì chồng cô sẽ tỉnh lại được thôi, cái quan trọng là bây giờ tình trạng bệnh của chồng cô đã rất nặng, không ai dám nói trước sau khi anh ấy tỉnh lại sẽ thế nào, diễn biến bệnh ra sao.

– Bây giờ ghép thận luôn có được không hả bác sĩ?

– Lần trước tôi nói với cô rồi đấy, nguồn thận rất khan hiếm, trung tâm điều phối tạng quốc gia không có sẵn, cũng rất nhiều người đang cần. Với cả tìm thận phù hợp với bệnh nhân cũng rất khó. Chồng cô đang yếu như thế, ít nhất cũng phải nằm ở đây dưỡng bệnh một thời gian dài, có sức khỏe mới tính đến chuyện ghép thận được.

– Vâ…ng ạ. Cháu biết rồi, cháu cảm ơn bác sĩ.

Sau khi nghe thông báo tình hình như thế, các anh chị đồng nghiệp trong công ty Trung đều động viên tôi mấy câu rồi ra về. Còn tôi, ở lại khu cấp cứu này, chứng kiến sinh tử mong manh mới thấy nỗi sợ hãi trong lòng gần như trải dài đến vô bờ bến.

Trước kia tôi cứ nghĩ chạy thận thường xuyên thì Trung sẽ kiên trì được thêm mấy năm, trong mấy năm này tôi sẽ nỗ lực kiếm tiền để anh có thể ghép thận. Thế nhưng bây giờ bệnh tình Trung đột ngột trở nặng như vậy tôi trở tay không kịp, tôi rất sợ anh sẽ không chờ được đến lúc tôi có đủ tiền ghép thận. Thế nên, để quãng đời về sau tôi không phải day dứt hay ân hận, anh hãy kiên trì đợi tôi thêm chút nữa được không? Chỉ một chút nữa thôi….. tôi sắp kiếm đủ tiền rồi…

Thức trắng một đêm ngoài khu cấp cứu đợi, đến gần sáng mới thấy các bác sĩ đẩy Trung từ phòng cấp cứu ra. Sắc mặt anh trắng bệch như không còn một giọt máu, bờ môi tái nhợt, trông không còn một chút sức sống nào cả.

Tôi cuống cuồng chạy theo, tay nắm chặt thành giường, run rẩy hỏi bác sĩ:

– Bác sĩ ơi, chồng em sao rồi ạ? Anh ấy chưa tỉnh lại hả bác sĩ?

– Chưa đâu, giờ chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, khi nào tỉnh thì tôi sẽ thông báo với người nhà. Chị cứ ở ngoài đợi đi.

Bọn họ đi rất vội vã, tôi cũng không dám hỏi nhiều, đành vội vã buông tay rồi cứ thế chạy theo.

Trung được đẩy vào phòng ICU, phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Trước tôi thấy cũng có một vài người nhà được vào, nhưng hình như trường hợp của anh là bị nhiễm trùng và phù phổi nên được sắp xếp một khu riêng. Để tránh nhiễm khuẩn thì chỉ có điều dưỡng và bác sĩ được vào bên trong, còn tôi phải đứng ở ngoài đợi.

Mấy tiếng sau, một điều dưỡng mới thông báo cho tôi rằng tình hình của Trung đã ổn, bảo tôi đi làm thủ tục nhập viện và đóng tiền viện phí. Lúc đầu tôi cứ nghĩ chỉ khoảng 10 đến 15 triệu thôi, nhưng đến khi kế toán đưa hóa đơn, nhìn số tiền tạm ứng thì tôi suýt nữa không đứng vững nổi.

Một chị đứng bên cạnh thấy mặt tôi tái mét mới nói:

– Người nhà em cũng nằm ICU à?

– Vâng ạ. Chị cũng đi đóng tiền cho người nhà nằm ICU ạ?

– Ừ, nằm phòng này chi phí đắt lắm em ơi, bảo hiểm cũng không chi trả nhiều đâu. Như người nhà chị nằm ICU không lọc máu mà mỗi ngày chi phí 20 – 30 triệu, đó là chưa kể thuốc thang linh tinh nữa đấy. Người nhà em bị gì?

– Bị nhiễm khuẩn, phù phổi với suy thận giai đoạn 5 chị ạ.

– Ôi, thế có mà chi phí gấp đôi người nhà của chị. Đóng tạm ứng 70 triệu là bình thường đấy, em cứ chuẩn bị thêm vào, lỡ thiếu còn có cái mà dùng.

– À… vâng ạ.

Nghe nói như vậy, tôi càng lo đến mức chẳng có lòng dạ để ăn uống gì. Trước chạy thận cho Trung đã tốn kém, giờ nằm phòng ICU ngày tốn vài chục triệu như vậy, tôi biết lấy đâu ra chừng ấy bây giờ?

Trong thẻ còn 100 triệu do công ty Louis gửi đến, trước tôi định khi nào vẽ xong mới dám động đến, nhưng bây giờ bất đắc dĩ vẫn phải lôi ra dùng. Nộp xong chừng ấy tiền, áp lực vẽ tranh của tôi lại nặng nề thêm mấy phần, sợ không hoàn thành tranh thì bên khách sạn sẽ bắt tôi bồi thường hợp đồng nên tranh thủ lúc chưa được vào ICU thăm Trung, tôi mới về nhà tắm rửa rồi lấy máy tính bảng quay lại bệnh viện.

Chẳng hiểu có linh tính thế nào mà chiều hôm ấy mẹ tôi tự nhiên lại gọi điện lên, bảo thấy sốt ruột nên gọi điện hỏi xem hai người bọn tôi ở đây thế nào. Tôi không muốn mẹ lo nên nói dối:

– Bọn con vẫn bình thường mà. Con vẽ tranh, còn anh Trung thì thiết kế nội thất, dạo này bận bịu suốt nên không về thăm mẹ được. Đợi lúc nào được nghỉ thì con về nhé?

– Thế à? Chẳng biết sao mí mắt mẹ cứ giật giật cả ngày nay rồi. Cứ lo mấy đứa bọn mày có chuyện gì nên phải gọi lên hỏi xem thế nào.

– Chắc mắt mỏi nên mới giật chứ, mẹ cứ mê tín linh tinh. Thế mấy hôm nay dì Oanh có sang với mẹ không?

– Hôm nào chả sang, hết ăn cơm rồi còn ngủ lại. Mẹ bảo về với con trai đi thì không về. Cứ bảo giờ con cái có gia đình riêng rồi, mẹ chồng ở nhà mãi thì con dâu ngứa mắt, thế là cứ sang ở với mẹ. Khi nào con nó gọi mới chạy về.

– Vâng, cách có mỗi bức tường chứ xa xôi gì đâu. Có dì Oanh ở với mẹ con cũng yên tâm.

– Con với Trung ở trên đó cũng cẩn thận đấy, có thờ có thiêng có kiêng có lành, mấy ngày này có ra đường hay làm gì cũng phải nhìn trước nhìn sau, đi đứng cho cẩn thận. Mà với cả cũng mua thêm ít thuốc bổ cho Trung nó uống đi, thiếu tiền thì mẹ gửi lên cho.

– Con vẫn mua thuốc bổ cho anh ấy uống rồi, mẹ đừng lo, không cần gửi lên cho con đâu. Bọn con lớn rồi, con tự biết cẩn thận mà, mẹ yên tâm.

– Lớn gì mà lớn, khi nào mày lấy chồng, thằng Trung khỏi bệnh thì mẹ mới yên tâm được. Còn giờ thì có việc gì phải gọi cho mẹ ngay, đừng có mà im im đấy,

– Vâng, con biết rồi ạ. Mẹ nấu cơm ăn cơm đi cho sớm nhé, con vẽ tranh đã.

– Ừ, vẽ thì vẽ, vẫn phải ăn uống đầy đủ đấy.

– Vâng ạ.

Lúc quay lại bệnh viện, Trung vẫn chưa được ra khỏi phòng ICU. Tôi sốt ruột đi hỏi lại các bác sĩ lại một vòng nữa, ai cũng khuyên tôi bình tĩnh và thuê tạm một phòng nghỉ nào chờ đợi, đã nằm ICU thì không ra nhanh được.

Tôi tiếc tiền nên không dám thuê phòng, chỉ ngồi cù bất cù bơ ngoài hành lang, vừa chờ anh, vừa tranh thủ vẽ tranh.

Tay tôi yếu, lại mất ngủ cả đêm hôm qua nên thần kinh căng thẳng, cầm bút mà tay run lên bần bật, cứ vẽ được vài nét là phải dừng lại, dùng tay này cầm chặt lấy tay kia, giữ cho mình khỏi run.

Vài người đi qua thấy vậy mới khuyên tôi để tay ổn đã rồi hãy tiếp tục. Nhưng bây giờ tôi đã tiêu ¾ số tiền của 10 bức tranh, tôi phải sớm vẽ để giao cho người ta. Hơn nữa, tôi cũng cần thêm tiền để trang trải chi phí chữa bệnh cho Trung, mà chỉ có công việc này thì mới giúp tôi kiếm ra một khoản tiền lớn như thế trong thời gian ngắn. Tôi không thể vì bản thân mình mà làm chậm trễ việc chữa bệnh của anh được.

Chỉ là người có lòng mà nhân thế không muốn đợi, hai ngày hôm sau thì điều dưỡng thông báo anh đã tỉnh, nhưng sức khỏe vẫn còn đang rất yếu, vẫn phải nằm ICU.

Tôi mừng đến nỗi suýt nữa quên mất mình vẫn còn đang ôm máy tính bảng, vội vàng đứng bật dậy:

– Vâng, anh ấy đã ăn được gì chưa hả chị? Có nói chuyện được không? Các bác sĩ đã khám lại cho anh ấy chưa ạ?

– Khám rồi, trong ICU có bác sĩ điều trị và điều dưỡng riêng chăm sóc cho chồng chị, chị cứ yên tâm. Bây giờ vẫn phải theo dõi tình hình của chồng chị và lọc máu liên tục. Ăn cũng phải ăn qua ống Sonde. Người nhà không phải mua thức ăn nhưng phải mua một ít thuốc với vật tư y tế đấy. Đây, danh sách đây, đi mua đi nhé.

– Vâng.

Trong thẻ tôi còn 30 triệu, mua thuốc và vật tư xong, tài khoản chỉ còn đúng 7 triệu, còn không đủ tiền cho Trung nằm ICU một ngày. Tôi không có tiền nên phải hỏi một chị điều dưỡng xem anh còn phải ở lại phòng ICU lâu không, chị ấy nói không biết trước được, nhưng ít nhất cũng phải thêm 3, 4 ngày.

3, 4 ngày nhân với 40 triệu, tính ra chi phí khoảng hơn 100 triệu nữa, đó là chưa tính phải nằm thêm hay tiền thuốc thang. Chừng ấy tiền tôi không thể có, mẹ tôi ở quê cũng không có, tôi lại không biết vay ai, thế thì Trung phải làm sao bây giờ?

Lòng tôi lại thêm nặng nề như đeo vào cả đống gông xiềng, nỗ lực vùng vẫy thế nào cũng không thể tháo gỡ. Có lẽ, cuộc đời của tôi sáu năm nay cũng y như vậy, tựa như bước vào một đầm lầy sâu không thấy đáy, càng muốn thoát ra lại càng bị nhấn xuống sâu hơn.

Là vì tôi kiếp trước gây ra tội ác chồng chất nên kiếp này mới gặp quả báo, hay là vì ông trời đang thử thách sức chịu đựng của tôi? Dồn tôi đến bước đường cùng?

Tối hôm ấy, sau ba ngày thất thểu ngoài hành lang, tôi được vào thăm Trung nhưng không được lại gần, chỉ được đứng bên ngoài cửa kính nhìn vào.

Phòng ICU có rất nhiều bệnh nhân nặng, hầu hết đều phải thở máy hoặc lọc máu, tôi nhìn quanh một vòng không thấy anh, quay đầu nhìn lại lượt nữa mới thấy Trung đang nằm trong một góc cách tôi hai dãy.

Anh cởi trần, trên người cắm đủ loại dây truyền ống thở, gầy đến mức xương sườn lộ ra, yếu đến mức chỉ thỉnh thoảng mở mắt rồi lại mệt mỏi khép mi lại, không thể nhúc nhích người nên không nhìn thấy tôi.

Còn tôi, thấy anh như vậy thì xót xa vô vàn, cũng thương anh vô vàn, tôi rất muốn gánh đỡ nỗi đau thể xác này cho anh, nhưng lúc này tôi chỉ có thể bất lực đứng đây, hoặc rất có thể phải bất lực nhìn anh rời xa tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa có cách nào để kiếm tiền cho anh tiếp tục nằm ở gian phòng này vào ngày mai cả.

Tôi nghĩ, nếu 6 năm trước anh không dốc hết tài sản đưa cho tôi, thì có lẽ anh đã được ghép thận từ lâu rồi, anh sẽ không phải sống trong đau đớn và khổ sở thế này, cũng không phải chật vật nằm đây giao sinh mạng mình cho một kẻ vô dụng như tôi.

Tất cả là tại tôi, vì tôi ngu ngốc kém cỏi nên mới hại anh đến nông nỗi này…

Trôi qua thêm một ngày nữa, Trung vẫn nằm trong ICU. Các bác sĩ và điều dưỡng anh rất tốt, còn tôi, tiền trong túi đã gần như cạn kiệt, đến cơm cũng không dám ăn, mỗi bữa chỉ ăn nửa gói mì tôm, vừa đói vừa mệt, cảm tưởng như không thể tiếp tục kiên trì được nữa.

Tôi nghĩ đến một người có thể giúp tôi, nhưng sau chuyện hôm ở nhà anh ta, đến giờ chúng tôi vẫn không liên lạc, mà tôi cũng không muốn gặp lại anh ta nữa.

Nhưng nếu cứ giữ tự trọng này, người thiệt sẽ là ai đây?

Không phải tôi, cũng không phải Khánh mà là Trung. Tôi nợ ân tình của anh cả đời này không thể trả được, tự trọng so với tính mạng của anh cũng có là gì đâu….

Tôi suy nghĩ hết một ngày, đến chiều tối, điều dưỡng giục tôi đóng tiền viện phí một lần nữa, tôi mới hạ quyết tâm nhắn cho Khánh một tin:

– Anh có đang ở khách sạn không?

Chờ gần một tiếng sau mới có tin nhắn lại:

– Có việc gì?

– Tôi có ít việc cần nói với anh. Nếu anh ở khách sạn thì tôi đến nhé?

– Liên quan đến cái gì?

– Công việc.

Thực ra, khi nhắn tin này là tôi đang đánh cược, bởi vì bây giờ đã là 9h tối rồi, anh ta chắc đã phải rời khỏi khách sạn từ lâu. Thế nhưng vài phút sau, Khánh lại nói:

– Đến đi.

Cất điện thoại, tôi hít sâu vào một hơi rồi nhìn vào phòng ICU lần nữa, thấy bên trong vẫn không có động tĩnh gì mới tạm yên tâm, bắt xe đến khách sạn.

Giờ ấy đèn đuốc khách sạn 5 sao Louis vẫn sáng choang, người ra người vào tấp nập. Không muốn bị ai nhìn thấy nên tôi đi cửa ngách vào bên trong, lúc lên đến tầng 15 thì tình cờ thấy một người phụ nữ ăn mặc sành điệu đi từ phòng Khánh ra.

Vẻ mặt cô ta rất cau có khó chịu, lại đi rất nhanh, tôi không tránh kịp nên bị cô ta va phải. Rõ ràng là đi sai, vậy mà người phụ nữ đó vẫn trợn mắt mắng tôi:

– Mày không có mắt à?

– Tôi đã đi nép vào một góc rồi, tự chị va phải tôi đấy chứ ?

– Mày không có mắt nên mày mới không biết tránh tao thì có.

Cô ta vừa nói vừa liếc tôi từ đầu đến chân một lượt, ánh mắt lộ rõ vẻ khinh thường và chán ghét, không muốn tiếp tục đôi co với tôi:

– Đúng là cái thứ khố rách áo ôm, nhìn đã thấy ngứa cả mắt. Cút sang một bên.

Nói xong, cô ta đẩy mạnh tôi một cái rồi hậm hực bỏ đi. Hôm nay tôi cũng không có tâm trạng, không muốn cãi cọ nên chỉ coi như bị chó cắn một miếng, phủi tay mấy cái rồi đi thẳng đến phòng 1505.

Cửa không đóng, bên trong phòng có một người đàn ông đang ngồi ở ghế sofa, gương mặt đầy vẻ mệt mỏi và chán nản. Trên bàn trà còn có một chiếc cốc thủy tinh vẫn in rõ mồn một vết son môi.

À không, không chỉ có cốc thủy tinh, trên cổ áo anh ta cũng có một vết mới đúng. Hình như ở trong căn phòng này vừa có một màn mây mưa rất nồng nhiệt, chẳng trách anh ta ở đây đến tận giờ này.

Lòng tôi đầy khinh bỉ, nhưng vì tiền vẫn bước vào phòng, dùng ngữ điệu tử tế nhất để nói với anh ta:

– Anh có tiện không? Nói chuyện với tôi một lúc.

– Nói đi.

– Tôi đã vẽ gần xong bức tranh anh Hưng gửi đến rồi. Anh muốn xem qua không?

Khánh cau mày nhìn tôi rồi lại nhìn đồng hồ đeo tay, ánh mắt hiện rõ vẻ quái đản:

– Cô đến đây vào giờ này chỉ để cho tôi xem một bản vẽ gần xong à?

– À… Còn có một việc nữa.

Tôi cũng không vòng vo nhiều, đành hít vào một hơi thật dài rồi chậm rãi nói từng chữ:

– Tôi đến đây để xin anh cho tôi ứng trước số tiền vẽ 10 bức tranh. Khoản tiền 100 triệu hôm trước tôi đã nhận rồi, nhưng giờ tôi có việc cần tiền, anh có thể cho tôi ứng tiền thêm 10 bức nữa được không?

– Ứng trước 10 bức tranh? Cô đang nói đùa tôi đấy à?

– Không phải. Tôi biết yêu cầu mình đưa ra hơi quá đáng, nhưng nếu không phải có việc cần tiền, tôi cũng sẽ không dám hỏi anh để ứng số tiền lớn như thế. Tôi hứa với anh, tôi sẽ cố gắng vẽ tranh thật tốt, vẽ đến khi anh hài lòng mới thôi. 200 bức tranh tôi sẽ hoàn thành xong, không thiếu một bức. Số tiền kia chỉ là tôi ứng trước thôi.

Lần này anh ta không hề cười, nhưng giọng nói lại hiện rõ vẻ châm biếm, tựa như đang chế nhạo tôi là một kẻ nghèo rớt mồng tơi lại không biết điều:

– Lần trước tôi đồng ý trả tiền trước 10 bức cho cô, coi như đó là tiền đặt cọc, để cô có động lực để vẽ. Đến bây giờ một bức cô còn chưa vẽ xong mà vẫn muốn đòi tiền của 20 bức. Cô đang được voi đòi tiên đấy à?

– Tôi không dám.

Tôi ngẩng lên nhìn anh ta, lần thứ hai cảm thấy bản thân mình hèn mọn như thế, hèn đến mức bản thân chẳng còn chút thể diện nào. Giống hệt như khi xưa, lúc gia đình gặp biến cố, tôi cũng đã từng vứt bỏ tự trọng để đến van cầu gã đàn ông đê tiện kia như vậy.

– Tôi chỉ nghĩ đằng nào mình cũng sẽ vẽ hết chừng ấy tranh, có việc cần tiền nên mới phải đến tận đây nhờ anh như thế. Anh Khánh, đằng nào tôi cũng vẫn còn làm việc ở đây, tôi sẽ vẽ đến khi anh hài lòng. 100 triệu là số tiền lớn với tôi, nhưng với anh chắc cũng chỉ là một cái phẩy tay. Anh có thể nể tình chúng ta từng quen biết, giúp tôi lần này được không?

Anh ta khẽ nhếch môi, nụ cười rất nhạt, mang theo rất nhiều ý vị sâu xa:

– Chúng ta từng quen biết? Cô nói thật à?

Tôi siết chặt tay, mười đầu ngón tay cắm thật sâu vào da thịt, không có cảm giác đau đớn, chỉ cảm thấy tủi nhục như sóng trào dâng:

– Từng ở bên nhau hơn một năm.

– À… Chừng ấy thời gian quen biết, hình như vẫn chưa đủ làm cô hiểu tôi thì phải. Ngay từ đầu cô đã thắc mắc một câu trong hợp đồng: “thế nào là tranh đạt yêu cầu”. Nhưng lại không hề hỏi giới hạn của yêu cầu là bao nhiêu. Hôm nay tâm trạng đang vui nên tôi nói cho cô biết vậy, giới hạn yêu cầu của tôi là chẳng có giới hạn gì cả. Cô vẽ một bức chưa chắc đã làm hài lòng tôi, nói gì đến 200 bức?

Thực ra, trong lòng tôi hiểu rất rõ. Mục đích của anh ta từ đầu đến giờ vẫn là trêu đùa tôi.. Anh ta làm ra vẻ như thuê tôi vẽ tranh chỉ vì công việc, nhưng cuối cùng từng bước dẫn dắt tôi vào trò chơi này, dùng tiền để biến thôi thành một con rối trong lòng bàn tay anh ta. Hàng ngày nhìn tôi điên cuồng vẽ tranh, điên cuồng tìm ý tưởng làm hài lòng anh ta, còn anh ta thì chỉ đứng một bên cười nhạt, bởi vì anh ta sẽ chẳng bao giờ hài lòng cả.

Cảm giác bị người khác đùa giỡn này 6 năm trước tôi đã từng được trải nghiệm rồi, đã từng chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin sự giúp đỡ, nhưng cuối cùng chẳng ai ra tay giúp một kẻ sa cơ lỡ vận như bố tôi. Đến hôm nay lặp lại lần nữa, trong lòng đã không còn quá nhiều phẫn nộ, chỉ cảm thấy cay đắng và uất nghẹn không nói nên lời.

Tôi nói:

– Đùa giỡn với tôi thì anh được gì? Anh không thấy phí thời gian, phí công sức à?

– Cũng chẳng được gì. Vui thôi.

– Niềm vui của anh kỳ lạ thật đấy, anh không sợ sau này bị quả báo à?

– Quả báo?

Khánh cười cười, nới lỏng cà vạt trên cổ ra rồi vứt nó sang một bên, lạnh nhạt nói với tôi:

– Quả báo thì tôi chưa thấy, chỉ thấy cô đến tìm tôi nhờ giúp đỡ thôi. Sao? Bây giờ biết mục đích của tôi rồi còn muốn tôi giúp cô nữa không?

Tôi mím chặt môi, im lặng vài giây rồi lại nói ra một chữ:

– Muốn.

Không rõ có phải tôi nhìn nhầm hay không, mà khi đó, đáy mắt anh ta bỗng nhiên xẹt qua một tia thất vọng. Vô cùng thất vọng.

Nhưng rất nhanh, ánh mắt anh ta lại trở về vẻ thờ ơ nhìn tôi:

– Nếu tôi nhớ không nhầm, cách đây vài tháng tháng, mới bị tôi nói vài câu cô đã sửng cồ lên bảo không làm nữa. Giờ biết mục đích của tôi rồi, cô vẫn muốn tôi giúp cô. Nói đi, việc gì khiến cô cần tiền đến mức không quan tâm đến cả tự trọng nữa thế?

– Tôi có việc riêng.

– Nếu cô đi vay ngân hàng mà không giải trình mục đích, không ngân hàng nào dám duyệt hồ sơ cho cô vay. Đằng này cô đến hỏi tiền tôi, không có thế chấp, chỉ nói có việc riêng, cô nói xem, tôi có dám đưa tiền cho cô không?

Tôi hiểu yêu cầu này không có gì quá đáng, đưa một số tiền lớn như thế cho một kẻ không có gì để thế chấp như tôi, còn không biết mục đích sử dụng, chắc chẳng ai dám làm.

Thế nên sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định nói thật:

– Tôi cần tiền để chữa bệnh cho chồng tôi.

– À… ra thế. Cô làm tôi thấy ngưỡng mộ tình cảm vợ chồng của cô quá đấy. Một người vợ hết lòng vì người chồng bệnh tật của mình.

Anh ta vỗ tay, mỉm cười nhàn nhạt, khóe môi mang theo sự giễu cợt đến cực điểm:

– Nếu chủ khách sạn này không phải là tôi thì cô định thế nào? Dùng cái gì để đổi lấy 100 triệu?

– Khi vào đường cùng, cái gì có thể đổi thì tôi sẽ đổi.

– À…

Anh ta gật đầu có vẻ như đã hiểu ra, sau đó cúi người định rót nước, nhưng vừa cầm lên đã thấy vệt son môi in trên cốc thủy tinh, cuối cùng lại bực bội ném thẳng chiếc cốc ấy vào thùng rác:

– Thế thì hôm nay chắc cô cũng đến đường cùng rồi mới tìm đến tôi. Trên đời này không có thứ gì miễn phí cả, kể cả tiền trong tài khoản, dù không sử dụng nhưng vẫn phát sinh lãi như thường. Để đỡ tốn thời gian, chúng ta thẳng thắn đi.

– Anh muốn thẳng thắn chuyện gì?

– Ngủ với tôi. Tôi cho cô tiền.