Gá Duyên

Chương 32




Sau khi Ngân đưa Đức và Mốc về bên nhà Đức để thu dọn đồ đạc, nhà Long loạn lên, mỗi người một ý.

Bà Cẩm nói. “Con Ngân nuốt ba phần tư tiền bán nhà là quá nhiều. Không thể để nó bán nhà!”

“Mẹ tranh chấp với chị Ngân suốt bảy năm rồi, đây là lần đầu chị ấy nhượng bộ chia tiền cho mẹ. Con sợ lần này không nhận tiền là mất trắng đấy.”

Long gật đầu tán thành. “Vợ con nói đúng. Phải tống cổ chị Ngân đi. Chị ấy còn ở đây là chuyện bán nhà anh Đức không thể thuận lợi. Chị ấy tham như mõ, chồng chết rồi còn không biết bán nhà chia tiền báo hiếu mẹ chồng thì nhà của anh Đức sớm muộn cũng bị chiếm làm của riêng thôi.”

“Tôi còn sống sờ sờ đây. Nó dám hả?”

“Chị ấy còn dám cuỗm luôn hai thằng con trai của mẹ kia kìa. Chị ấy có cái gì không dám hả?” Long cố tình nói khích bà Cẩm.

Tú thầm hài lòng trước phản ứng nhanh nhạy của Long. Cô ta khôn khéo lựa lời. “Hai người đừng cãi nhau nữa. Quan trọng là chị Ngân đưa bác Đức về quê thì thủ tục mua bán nhà của anh Đức phải làm sao?”

“Hừ! Lại còn phải đợi chị nhắc. Là tôi thông minh tính toán trước, tranh thủ con Ngân ở quê lo tang bố, đã gấp rút đưa thằng Đức đến bệnh viện lấy giấy chứng nhận tâm thần. Bây giờ tôi là người giám hộ của thằng Đức, tôi có toàn quyền với tài sản đứng tên nó. Các loại giấy tờ cần ký, thằng Đức ký sẵn hết rồi.” Bà Cẩm vén áo lên, lộ ra hàng loạt dấu răng trên cánh tay. “Tất cả các đau đớn này đều là vì vài chữ ký hết đấy.”

“Vậy mẹ còn tham bát bỏ mâm làm gì. Chúng ta chịu thiệt nhận ít tiền bán nhà của chị Ngân, đổi lại cầm chắc toàn bộ tiền bán nhà của anh Đức.” Tú phân tích cho bà Cẩm hiểu.

“Đồng ý cách chia tiền của con Ngân khiến tôi khó chịu…”

“Mẹ biết tính chị Ngân rồi đấy. Chuyện bán nhà bác Đức lộ ra, con sợ chị ấy làm loạn lên, lôi công an vào cuộc. Nhà cửa có tranh chấp thì ai dám đến mua chứ.” Tú đá nhẹ vào chân Long.

Nhận được tín hiệu của vợ, Long bổ sung. “Hay mẹ không nỡ bán nhà của anh Đức hả? Mẹ trông chờ một thằng điên báo hiếu, chăm sóc mẹ lúc về già ốm đau đấy à? Mẹ không biết vun đắp cho vợ chồng con thì đến lúc nằm một chỗ, đừng gọi thằng Long này nhé.”

“Anh nói cái quái gì vậy hả? Không biết nói chuyện thì ngậm miệng. Anh ăn nói vụng về làm mẹ buồn rồi đây này.” Tú vỗ mạnh vào người Long, trách mắng. Cô ta ngồi sát vào bà Cẩm, đon đả nói. “Ý của chồng con là, mẹ có thương anh Đức nhiều hơn, có muốn giữ lại căn nhà cho anh ấy thì về già, mẹ có ốm đau, vợ chồng con vẫn chăm sóc mẹ. Nhà có ba anh em trai, một người chết yểu, một người tâm thần, chồng con không đứng ra hiếu thuận với mẹ thì báo hiếu với ai.”

Lời giải thích của Tú làm bà Cẩm mát lòng mát dạ. Cuộc họp gia đình sau đó thuận lợi theo kế hoạch của Tú.

Bên nhà Long rôm rả thảo luận biện pháp cướp nhà, đoạt tiền của con trai, con dâu thì ở nhà Ngân, bầu không khí đầm ấm, mộc mạc hơn rất nhiều.

Trong khi thu dọn tủ quần áo, Mốc nhận ra mẹ Ngân trầm mặc hơn ngày thường. Kể cả bác Đức bới loạn đồ đạc đã sắp xếp gọn gàng, mẹ Ngân cũng không trách phạt, chỉ lẳng lặng thu dọn lần thứ hai.

Bộ não thông minh kết hợp với trái tim biết yêu thương của Mốc, nó nhạy cảm tìm ra nguyên nhân khiến mẹ Ngân buồn. Nó quỳ gối trước mặt Ngân, đặt hai tay lên vai cô.

Ngân sửng sốt nhìn con trai, động tác gấp quần áo cũng dừng lại.

“Mẹ ơi, con lớn rồi, con sẽ bảo vệ mẹ và bác Đức.”

Giọng trẻ con trong veo như dòng nước ấm bao bọc tim Ngân. Cô cười. Nụ cười ngọt ngào và dịu dàng hiếm hoi trong suốt những ngày mệt mỏi vừa qua..

“Ông ngoại mất rồi, không ai thương mẹ thì con sẽ thương mẹ, bảo vệ mẹ khỏi kẻ xấu, chăm sóc mẹ khi ốm đau.” Mốc nhíu mày, nhanh chóng tổng hợp các lời nói của người lớn đã được nghe trên tivi, đúc kết thành một câu. “Và kiếm một người chồng vừa giàu vừa đẹp trai cho mẹ gả đi.”

Xúc động biến thành tiếng cười. Ngân cười chảy nước mắt.

Mốc xụ mặt, dẩu miệng nói. “Con là đàn ông con trai, con nói được làm được. Mẹ phải tin tưởng con trai của mẹ chứ!”

“Được, được, mẹ tin Mốc.”

Mốc cười khanh khách, dùng hai tay ôm mặt Ngân, bắt đầu hôn trán, hôn hai bên mặt. “Mẹ Ngân xinh đẹp của con xứng đáng có mười người yêu.”

Đây cũng là lời nói học lỏm được trên tivi.

Ngân nhắm mắt lại, hưởng thụ giây phút bình yên đến từ yêu thương của con trai.

Đột nhiên hai bên mặt Ngân được bàn tay to lớn ôm lấy. Cô giật mình mở to mắt, đúng lúc một nụ hôn hạ xuống mắt cô. Giọng Đức bất mãn. “Nhắm mắt. Ngoan.”

Tiếp theo là hôn trán, hôn hai gò má. Giọng léo nhéo của Mốc vang lên khi môi Ngân bị một thứ ấm áp đè xuống thô bạo.

“Sao bác Đức lại hôn môi mẹ Ngân? Con còn chưa được hôn đâu.”

Đến khi Ngân mở trừng mắt, cơ thể hết cứng đờ vì sốc, cô trân mắt nhìn Đức đè Mốc xuống sàn, đòi hôn môi. Thằng bé la oai oái, cầu cứu Ngân. “Mẹ cứu con. Nụ hôn đầu của con sắp bị bác Đức cướp rồi. Con phải để dành nụ hôn đầu cho vợ, không thể mất trong tay bác Đức được. Cứu con! Cứu con với!”

Tiếng la hét, tiếng cười đùa rộn ràng trong căn nhà có một người tâm thần.

Ngày hôm sau, người bạn tên Vương của Đức dẫn một người đến xem ngôi nhà bị cháy của Ngân.

Bà Cẩm lén lút theo dõi và biết được bạn bè của Đức giúp Ngân tìm người mua nhà trong thời gian ngắn.

Tú biết chuyện liền nhắc nhở bà Cẩm. “Bán nhà gấp rút sẽ không được giá tốt đâu. Mẹ cần giám sát gắt gao, nghe ngóng giá cả chính xác. Giá thấp quá thì mẹ tìm cớ để người mua thấy phiền phức, không muốn mua.”

“Miệng thì ủng hộ quyết định chị Ngân bán nhà, thâm tâm lại muốn ăn chia tiền nhiều. Đúng là đàn bà không đái qua ngọn cỏ, tâm nhãn kém, tính toán chi li, cái gì cũng tham, già néo đứt dây, chị Ngân đổi ý thì ngồi đấy mà khóc.” Long bắn ra một tràng dài, khác hoàn toàn hình tượng vô tích sự, không có đầu óc như ngày thường.

Đúng như lời cảnh cáo của Long. Dưới sự quấy rối của bà Cẩm và Tú, người xem nhà thứ sáu rời đi, Ngân vẫn chưa bán được nhà. Sự kiên nhẫn của cô đến giới hạn thì Vương mang đến một vị khách đặc biệt.

Là một phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung và quý phái. Ngân rất bất ngờ khi biết đối phương đã gần năm mươi tuổi.

“Sự trẻ trung của chị xuất phát từ tinh thần thoải mái. Không mỹ phẩm nào giữ được thanh xuân bằng một tâm hồn tươi trẻ.” Người phụ nữ cười sảng khoái, vô tư đón nhận lời khen ngợi của Ngân.

Người phụ nữ đi xem một vòng ngôi nhà cháy đen, quét mắt nhìn nhà Long và nhà Đức, đặt câu hỏi. “Hai nhà bên cạnh có bán không?”

Vương trả lời. “Căn nhà kề bên là nhà mẹ chồng của chị Ngân. Họ sống ở đây mấy đời rồi, sợ là không bán. Chủ nhân căn nhà tiếp theo có bệnh về tâm thần, không được thực hiện giao dịch mua bán đất đai.”

“Thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.” Người phụ nữ tự tin nói.

Vương nói nhỏ vào tai Ngân. “Đây là họ hàng bên nhà vợ tôi. Tôi đã nói qua chuyện tranh chấp đất đai của bà Cẩm. Bà chị họ này cao tay lắm, không sợ mấy trò mèo của bà Cẩm và vợ chồng thằng Long đâu.”

Bạn bè của Đức rất coi khinh đàn ông ăn bám vợ như Long, xưng hô cũng rất xem thường.

Người phụ nữ hiển nhiên nghe được lời nói của Vương, cười rộ lên. “Chị nghe cậu Vương kể em có bà mẹ chồng quái thai lắm phải không? Chị có ối kinh nghiệm xử lý mấy bà già ăn no rửng mỡ. Mẹ chồng đầu tiên của chị đòi đuổi chị ra khỏi nhà vì chị đánh con trai bà ta què chân, chị gọi chục thằng đệ xách theo can xăng đến nhà là bả im thin thít. Mẹ chồng thứ hai muốn trả chị về nhà ngoại vì chị dám báo công an gô cổ thằng chồng bán hàng cấm, chị chuyển sạch giấy tờ đất đai nhà cửa sang tên chị là bả ngoan ngay. Mẹ chồng thứ ba biết khôn, tự xắn tay áo cùng chị đi đánh ghen cho con dâu. Đấy, mẹ chồng là phải thương con dâu thì con dâu mới biết điều. Người thân trong nhà, chị còn xử lý ngoan ngoãn được, nói gì người ngoài.”

Ngân trợn mắt há hốc miệng trước tình trường của người phụ nữ. Vẻ mặt thành thật của cô làm người phụ nữ cười khanh khách.

“Chị có nhiều nhà, ở không hết. Mua nhà của em đơn giản vì chị đang muốn tiêu tiền thôi. Chị cũng muốn thử xem ai dám gây khó dễ cho chị.”

Ánh mắt sắc bén của người phụ nữ bắn về cánh cổng sắt nhà Long. Bóng người đứng lấp ló sợ hãi chạy vụt vào nhà. Ngân thở dài ngao ngán khi nhận ra là ai.

Cô mỉm cười với người phụ nữ trẻ trung trước mặt.

Vương huých nhẹ vào người Ngân. “Ý chị ấy là đồng ý mua căn nhà này. Thủ tục giấy tờ sẽ do bên mua hoàn tất trong thời gian sớm nhất.”

Tin vui làm gương mặt Ngân tươi tỉnh hơn.

Sau khi tiễn người phụ nữ đi, Vương trịnh trọng hứa với Ngân. “Tôi rất cảm kích việc chị đưa thằng Đức về quê chăm sóc. Có gì cần hỗ trợ, chị cứ liên lạc với tôi. Giúp được, tôi và các anh em sẽ làm hết sức.”

“Anh Đức thật may mắn có những người bạn như các anh.”

“Tiếc là may mắn đấy không đủ bảo vệ đầu óc của nó.” Vương thở dài, nhìn cánh cổng nhà Long. “Nhà thằng Đức cứ để anh em chúng tôi giám sát. Mẹ con bà Cẩm sẽ không cướp được của nó đâu.”

Ngân biết chuyện giữ nhà này rất khó khăn. Với bản tính tham lam của bà Cẩm, cô không tin bà ta chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp để chiếm đoạt nhà Đức.

Sau khi bán nhà, Ngân chia tiền cho bà Cẩm, hoàn tất thủ tục chuyển trường cho Mốc, chính thức đưa Đức và Mốc về quê hương của mình.

Ngày cô rời đi, bà Cẩm ôm Đức khóc lóc thảm thiết, giống như Ngân lừa gạt mất đứa con trai bảo bối của bà ta. Bà ta kể lể bản thân khổ sở, thương tâm thế nào khi không thể chăm sóc được đứa con bệnh tật. Nước mắt của bà ta thành công khơi gợi sự thương xót của hàng xóm. Lúc này mọi người mới ngỡ ngàng khi biết Đức và Ngân rổ rá cạp lại.

“Cô Ngân vừa chăm chỉ, giỏi giang tháo vát lại xinh đẹp, thật sự cưới một người điên à?”

“Mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, giờ còn đèo bòng thêm một người điên, tại sao lại mua dây buộc mình như thế chứ?”

“Bà Cẩm luôn nói con dâu thứ hai mèo mả gà đồng với cậu con trai cả, liệu có phải hai người lang chạ với nhau đến mức ễnh bụng, phải trốn về quê không?”

“Trai bỏ vợ, gái góa chồng, có ễnh bụng thì đẻ. Sao phải trốn?”

“Nghe đồn cô Ngân mới bán căn nhà của người chồng quá cố. Liệu có phải cô ấy lừa anh Đức để chiếm luôn ngôi nhà bên cạnh không?”

Đủ lời gièm pha xầm xì xung quanh. Bà Cẩm nghe thấy rõ mười mươi, càng khóc thảm thiết hơn.

Ngân lạnh lùng đứng bên cạnh, vô cảm trước màn diễn giả tạo. Sự kiên nhẫn của cô dần bị mài mòn. Cô chắt lưỡi, buông một câu.

“Mẹ xót anh Đức như thế, hay là con để anh ấy lại cho mẹ chăm nhé.”

Tiếng khóc nín hẳn. Bà Cẩm trừng mắt với Ngân.

Cô đẩy lưng Mốc. “Con qua tạm biệt bà nội đi.”

Mốc ngoan ngoãn đi đến trước mặt bà Cẩm, khoanh tay chào tạm biệt. Bà Cẩm vẫn chưa hết luống cuống khi bị Ngân làm bẽ mặt, nhất thời không phản ứng kịp lời chào của cháu nội. Đến khi thằng bé dắt tay Đức đi theo Ngân, bà ta mới sực tỉnh, hoang mang nhìn theo chiếc taxi đưa ba người rời đi.

Lời nói hôm nào của Ngân đột ngột vang lên trong đầu bà Cẩm. “Có thể thằng Mốc sẽ là đứa cháu nội duy nhất mà mẹ có đấy. Bây giờ mẹ hắt hủi thằng Mốc, tương lai muốn nó quay về gọi tiếng nội cũng không đơn giản muốn là được đâu.”

Sự bất an của bà Cẩm không ảnh hưởng tới Ngân. Điều cô bận tâm bây giờ là trấn an cảm xúc sợ sệt của Đức trên quãng đường ba tiếng đồng hồ ngồi xe khách về quê.

Mỗi khi thay đổi địa điểm, Đức sẽ rất sợ hãi, bài xích tiếng ồn và không khí ngột ngạt đông đúc. Đức la hét, ngọ nguậy và khóc mếu khiến Ngân và Mốc chật vật dỗ dành hắn. Sau khi xe dừng bắt khách dọc đường lần thứ hai mươi, lơ xe phải thương lượng với Ngân. “Chúng tôi trả lại tiền vé xe cho chị. Các người bắt xe khác đi. Mỗi lần dừng xe đón bắt khách, chồng chị cứ chạy loạn xuống đường. Chúng tôi không thể liên tục dừng đỗ đợi chị bắt người được.”

Ba người đứng bên đường, trơ mắt nhìn theo xe khách chạy đi xa. Đức cười tươi rói vì không bị nhốt vào chiếc hộp chật chội đầy mùi hôi. Hắn vươn vai, lắc người rồi xoay xung quanh Ngân như một đứa trẻ.

Mốc vò tóc, nói như một ông cụ non. “Mẹ đừng giận bác Đức. Đợi con lớn lên kiếm nhiều tiền, mua ô tô. Lúc đó con lái xe đưa mẹ và bác Đức về quê, không ai dám đuổi mẹ con mình xuống đường nữa.”

Ngân xoa đầu Mốc, gật đầu tin tưởng con trai sẽ làm được. Một tay cô dắt Đức, một tay ôm đồm hai túi hành lý lớn. Mốc tự đeo ba lô nhỏ, lẽo đẽo theo sau mẹ.

Niềm vui thoát được chiếc hộp chen chúc đông người nhanh chóng bị thay thế bằng sự mệt nhọc, chân mỏi rã rời, Đức ngồi phịch xuống bên đường, lắc đầu. “Mỏi. Mỏi. Đau chân.”

Mốc đứng bên cạnh Đức, thở hổn hển không ra hơi. Nó không than thở như Đức nhưng biểu hiện kiệt sức hết hơi vô cùng rõ ràng.

“Được rồi. Chúng ta nghỉ ngơi năm phút.” Ngân kéo mũ đội lên đầu Đức và Mốc để tránh gió lạnh. Cô lo lắng nhìn bản đồ trên điện thoại, kiểm tra vị trí đang dừng chân. Cô xác định quãng đường cần cuốc bộ, thầm lo lắng với tốc độ rùa bò này phải đi bộ đến tối mịt mới tới nhà. “Tại sao hôm nay không có xe khách nào đi qua con đường này vậy?”

Cầu được ước thấy, một chiếc ô tô bốn chỗ màu ghi sang trọng ngừng ngay bên cạnh Ngân.

Đức bật dậy, chắn trước mặt Ngân, dang hai tay hùng dũng khác thường.

Mốc há to miệng kinh ngạc rồi cũng học theo bộ dạng của Đức, chạy tới chắn trước mặt Ngân, la lớn. “Cướp. Cướp. Mẹ đừng sợ! Con sẽ bảo vệ mẹ.”

Ngân đau đầu trước phản ứng ngớ ngẩn của con trai và Đức. Có cướp nào đi ô tô cướp của người đi bộ không hả?

Cửa kính xe ô tô hạ xuống, một gương mặt xa lạ của cô gái trẻ trạc ba mươi tuổi lộ ra với nụ cười thân thiện.

“Mọi người đi đâu vậy? Có muốn quá giang một đoạn không?”

Sự tốt bụng từ người lạ làm Ngân ấm lòng. Không phải ai cũng tham lam, ích kỷ và toan tính như gia đình bà Cẩm. Người tốt, giàu lòng nhân ái vẫn luôn tồn tại. Ngân biết không phải ai cũng sẵn lòng mở cửa một chiếc xe sang trọng để mời ba người ăn mặc bám đầy bụi lên xe mà không sợ bị lừa.

Ngân hỏi cô gái. “Em không sợ bọn chị dàn cảnh lừa gạt à?”

“Khi em còn là sinh viên, không mua kịp vé xe về ăn Tết, em đã đi bộ từ thành phố về quê. Em đi bộ gần hai tiếng đồng hồ và bị lạc đường. May mắn có người tốt bụng cho em quá giang xe. Khi bị lạc đường, em sợ đến bật khóc. Em không hy vọng có người phải trải qua cảm giác sợ hãi giống em.”

“Cảm ơn em! Em thật tốt.” Ngân hiểu ý nghĩa của hành động cho quá giang xe này. Lòng tốt được truyền thừa.

Bởi vì đích đến khác nhau nên cô gái đưa ba người đến một điểm đón xe dọc đường. Ngân đứng nhìn theo chiếc xe thật lâu.

Mốc hỏi. “Mẹ để quên gì trên xe của chị gái xinh đẹp à? Xe chị ấy chạy xa lắm rồi, không đuổi theo được đâu.”

“Mẹ không để quên gì. Chỉ là mẹ rất cảm kích chị ấy.”

Mốc nhíu mày suy nghĩ rồi gật gù. “Chị gái không những xinh đẹp còn là người tốt.”

Ngân nhướng mày nhìn con trai khó hiểu.

“Bởi vì chị ấy không hắt hủi và sợ hãi bác Đức. Bác ấy la hét, khóc lóc khi bị nhét vào trong xe, vậy mà chị ấy vẫn cho chúng ta đi nhờ xe cả quãng đường dài.” Mốc cười toe toét. “Bà nội và thím Tú còn chẳng lịch sự bằng chị gái xinh đẹp. Lần nào bác Đức phát bệnh, bà nội cũng bỏ chạy tránh xa bác Đức.”

Lời trẻ con ngây thơ nhưng phản ánh đúng thực trạng tệ hại trong nhà bà Cẩm. Ngân xoa đầu con trai, mỉm cười tự hào vì thằng bé biết phân biệt đúng sai.

Bởi vì nốt nhạc đệm nho nhỏ về lòng tốt của người xa lạ, quãng đường về nhà tiếp theo trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.

Về tới quê, chào đón ba người là nụ cười đẫm nước mắt của bà Mẫn, là giọng nói sang sảng của cô Ba.

“Về thật đúng lúc. Mấy đứa đi rửa tay rồi ăn cơm. Chiều nay cùng gói bánh chưng với bà.”

Mốc nhảy cẫng lên reo hò. Đức trốn ra sau lưng Ngân khi thấy người lạ, ngờ nghệch vỗ tay theo Mốc.

Ngân ngạc nhiên hỏi. “Sao lại gói bánh chưng vào buổi chiều?”

“Còn không phải vì đợi tụi bây về mới gói bánh chưng hay sao? Nhóc Mốc chưa bao giờ gói bánh chưng đúng không? Để bà Ba dạy con. Còn con Ngân nữa, lấy chồng tám năm, đây là lần đầu tiên về nhà ăn Tết, mày cũng tự tay gói bánh chưng bù cho những năm xa nhà đi.”