Gá Duyên

Chương 24




Trong phòng tắm, giữa đống dầu gội đầu màu trắng, Đức nằm co giật, mắt trợn trắng, miệng sùi bọt mép.

Ngày hôm đó Ngân phải chạy sang hàng xóm nhờ người cùng đưa Đức đến bệnh viện.

Cơn co giật của Đức không kéo dài. Trước khi tới bệnh viện, hắn đã nằm im lìm như đang ngủ. Hắn tỉnh lại giữa một loạt các kiểm tra. Hắn la hét, khóc lóc, muốn bỏ trốn. Hắn không nhận ra Ngân, không cho cô chạm vào người. Biểu hiện sợ hãi, không chịu cho ai tiếp xúc giống y chang lần đầu tiên vào bệnh viện.

Bác sĩ đành tiêm cho hắn thuốc an thần.

Đến tối, bà Cẩm và vợ chồng Tú chạy vào bệnh viện. Bà Cẩm oán trách. “Tôi chỉ đi vắng một ngày, chị ở nhà làm cái gì mà con trai tôi lại phải vào viện rồi hả?”

Ngân liếc qua bà Cẩm đúng một lần, không có ý định trả lời.

Thái độ lạnh nhạt của cô làm bà Cẩm giận tím mặt, muốn đánh người. “Đây là thái độ của con dâu đối với mẹ chồng đấy hả? Hôm nay cô khinh không trả lời bà già này, có phải ngày mai sẽ trèo lên đầu tôi ngồi luôn không?”

Tú vội vàng ôm lấy tay bà Cẩm, nhẹ giọng trấn an. “Mẹ, mẹ đừng nóng giận. Chị Ngân cũng chỉ là lo lắng cho sức khỏe của bác Đức thôi. Không phải chị ấy hỗn hào gì đâu.”

Ngân khịt mũi khinh thường. Sau khi nhận ra Tú là loại người hai mặt, mọi lời nói của cô ta trong mắt Ngân đều toát lên sự thảo mai, dối trá.

Hiện tại Ngân đứng cuối giường, lưng tựa vào tường, tay khoanh trước ngực. Cô nhìn một vòng phòng bệnh, biết đây là nơi công cộng, không cần vạch áo cho người xem lưng. Cô nhìn sắc mặt tối đen của mẹ chồng, nhìn vẻ hờ hững của em chồng, nhìn vẻ quan tâm giả tạo của em dâu, cô cảm thấy toàn thân mệt mỏi rã rời, không muốn phí phạm thời gian với những người không tôn trọng mình. Cô điềm tĩnh trả lời.

“Mẹ vừa vào viện, câu đầu tiên là chất vấn con, mẹ không hề hỏi đến tình trạng sức khỏe của bác Đức. Mẹ đã ghét con như thế, con nói con không làm gì, mẹ tin được mấy phần hả?”

Bà Cẩm sửng cồ lên. “Cô…”

Ngân cướp lời bà Cẩm. “Bác sĩ nói nửa tiếng nữa sẽ có kết quả khám cuối cùng. Mẹ đừng làm loạn nữa. Yên tĩnh để bác Đức và các bệnh nhân khác nghỉ ngơi đi.”

Nói xong, cô đi thẳng ra khỏi phòng bệnh.

Tú và Long trợn tròn mắt sửng sốt, không nghĩ đến Ngân có thái độ cứng rắn như vậy với mẹ chồng.

Ngân ngồi ngoài hành lang, thẫn thờ nhìn vào trong phòng bệnh. Trạng huống của Đức làm cô lo lắng. Cô không đủ tinh lực chiến đấu với bà Cẩm vào lúc này.

Sau nửa tiếng, bác sĩ đến phòng bệnh khám cho toàn bộ bệnh nhân trong phòng. Gia đình Ngân được mời đến phòng họp chung của bác sĩ.

Thông báo của bác sĩ như một tiếng sét chém đứt toàn bộ hy vọng và cầu nguyện trong lòng Ngân.

“Gia đình nên đưa bệnh nhân vào bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ điều trị.”

Bà Cẩm gào khóc, cầu xin bác sĩ để Đức ở lại bệnh viện điều trị.

Tuy nhiên, sau năm ngày nằm viện, tình trạng sợ người lạ, la hét, không phối hợp uống thuốc và lên cơn động kinh của hắn ngày càng tăng. Gia đình không thể làm gì khác ngoài việc đưa Đức về nhà.

Cuộc họp gia đình mở ra ở nhà Đức.

Đức và Mốc ngồi trên sàn chơi xếp gỗ. Ngân ngồi gần để trông chừng hắn nhét đồ vật sắc nhọn vào miệng hoặc tự đập đầu bởi các cơn đau đầu.

Bên bàn trà giữa phòng khách, bà Cẩm và Tú ngồi một bên ghế. Long ngồi đối diện. Mọi ánh mắt đều tập trung trên người Đức.

Ngân mở lời đầu tiên. “Con ủng hộ việc đưa bác Đức vào bệnh viện Trâu Quỳ.”

“Rầm.” Bà Cẩm đập mạnh cốc trà xuống bàn, nước trà văng tung tóe. Bà ta chỉ tay vào mặt Ngân. “Con tôi không bị điên. Vào đấy để làm gì hả? Cô muốn hại chết nó à?”

“Từ ngày xuất viện đến bây giờ, bác Đức hoàn toàn không phối hợp uống thuốc. Bác Đức vào bệnh viện sẽ được bác sĩ có chuyên môn về thần kinh điều trị đúng bệnh. Có phải vào đấy là vĩnh viễn không quay về đâu? Con đã tìm hiểu rất nhiều thông tin rồi. Đến 80% bệnh nhân được chữa khỏi, quay về sinh hoạt bình thường.”

“Nếu anh Đức nằm trong số 20% kia thì sao?” Tú chen ngang.

“Vậy thì thím góp một phần làm bệnh tình của bác Đức thêm nguy kịch.” Ngân đáo để đáp lại.

Mặt Tú trắng bệch, lí nhí nói. “Em đã xin lỗi bác Đức rồi mà. Lần đó là hiểu lầm. Em đâu cố ý đánh vỡ đầu anh ấy đâu.” Cô ta lén kéo áo Long để nhắc nhở.

Long gạt tay vợ, sẵng giọng. “Vào bệnh viện tâm thần là phải đóng tiền hàng tháng đấy. Lấy đâu ra tiền nộp cho anh ấy chứ? Đám nhân viên ngân hàng đúng là bắt nạt người, thần kinh anh ấy có bình thường đâu mà đòi mật khẩu với chữ ký.”

“Tôi sẽ lo tiền viện phí của bác Đức.” Ngân vừa giữ chặt tay Đức, không cho hắn nhét miếng gỗ vào miệng, vừa nhìn những người đang ngồi trên ghế.

“Bảy triệu một tháng đấy. Chị lo được đến bao giờ hả?” Bà Cẩm đứng phắt dậy, đi đến ngồi bên cạnh Đức. Bà ta gom hết đồ chơi trên sàn đến trước mặt Đức, dịu dàng nói. “Vào bệnh viện, người ta cũng chỉ cho nó uống thuốc thôi, chứ có phải mổ xẻ gì đâu. Sống giữa một lũ điên, nó không điên cũng phát khùng mất. Cứ để thằng Đức ở nhà, tôi chăm.”

“Đúng vậy!” Tú vỗ tay thật lớn. “Thà chị đưa mẹ mỗi tháng bảy triệu, mẹ chăm sóc, trông nom anh Đức còn cẩn thận, tỉ mỉ hơn đám bác sĩ trong bệnh viện. Mình mua đơn thuốc dành cho người điên, cho anh Đức uống đầy đủ là được.”

Ngân nhếch miệng cười, chán chẳng buồn nhìn bà Cẩm và Tú.

Long tiếp lời vợ. “Vợ chồng em không có tiền để hỗ trợ tiền vào viện tâm thần của anh Đức đâu. Nếu anh ấy ở nhà, tụi em có thể trông nom mỗi khi mẹ bận việc. Chị Ngân không phải vợ anh Đức, để chị lo toàn bộ viện phí có vẻ không hợp thân phận em dâu cho lắm. Mẹ chăm anh Đức là hợp lý nhất.”

Tú thấy Ngân không phản kháng, liền được nước lấn tới, bàn tiếp. “Em nghe nói vào bệnh viện tâm thần phải ba đến năm năm mới khỏi bệnh. Bảy triệu mỗi tháng, năm năm nằm viện cũng ngót nghét bốn trăm triệu rồi. Chị tính bán nhà đi nuôi bác Đức đấy à?”

“Phải, thì sao? Liên quan gì đến thím?”

Tú và bà Cẩm đồng thanh la lớn.

“Cái gì? Chị định bán nhà thật à?”

“Chị muốn bán nhà đã hỏi qua ý tôi chưa?”

Người lớn to tiếng làm Mốc sợ hãi, lén kéo Đức dịch lùi ra xa. Nó cảm thấy bà nội và chú thím đang bắt nạt mẹ nhưng nó không hiểu bắt nạt chuyện gì. Nó chỉ biết bản thân phải trông coi bác Đức để mẹ rảnh tay nói chuyện, không cần chịu thua bà nội và chú thím.

Ngân nhìn thẳng vào bà Cẩm, nhấn mạnh từng chữ. “Con sẽ đưa bác Đức vào bệnh viện. Tiền viện phí của bác là con chi 100%. Nếu mẹ nhất quyết giữ bác ấy ở nhà để mẹ chăm sóc thì mẹ tự lo tiền ăn của hai người. Con cũng không biếu mẹ tiền mỗi tháng phần con và phần bác Đức nữa.”

Bà Cẩm gào lên như bị sỉ nhục. “Cô nghĩ tôi chăm sóc thằng Đức là vì tiền đấy hả? Cô dám dọa tôi à?”

Ngân đáp lại bằng một câu lạnh lùng. “Với con, sức khỏe của bác Đức quan trọng nhất.”

Tiền bạc mang ra làm điều kiện khiến bà Cẩm không có nhiều lựa chọn. Tối hôm đó, bà Cẩm ở bên nhà Long bàn bạc đến đêm. Sáng sớm hôm sau, Ngân chuẩn bị xe máy đến chợ để bán bún ốc thì bị bà Cẩm chặn lại.

“Hôm nay chị nghỉ một buổi hàng đi. Ở nhà lo liệu đưa thằng Đức nhập viện.”

“Vâng, con biết rồi.”

“Tôi sẽ không đi cùng. Phải tận mắt chứng kiến thằng Đức bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, tôi sợ bản thân sẽ không trụ được, sẽ đau lòng thay đổi quyết định.”

Ngân không đưa ra phán xét về việc bà Cẩm thật lòng thương Đức hay chỉ là lời sáo rỗng. Thương hay ghét, trong lòng bà Cẩm rõ nhất.

“Khi nào lo xong chuyện thằng Đức thì về nhà gặp tôi. Tôi có chuyện muốn nói với chị.”

Ngân biết bà Cẩm muốn hỏi chuyện bán nhà. Cô gật đầu đồng ý, biết chuyện này không thể trốn tránh cả đời. Chung quy, chỉ khi nào cô rời khỏi nhà chồng, về quê hoặc chuyển đến một nơi khác sống thì mới có được cuộc sống bình yên.

Hiện tại bệnh tình của Đức quan trọng hơn.

Ngân gọi taxi đưa Đức đến bệnh viện. Cả quãng đường, cô gợi chuyện gì, Đức cũng không phản ứng. Sau lần động kinh gần nhất, trí lực của hắn không còn là đứa trẻ ba tuổi, mà là một người điên không tỉnh táo đúng nghĩa.

Hắn ngô nghê đi theo Ngân, hờ hững nhìn cô ký một loạt giấy tờ và thẫn thờ nhìn bóng lưng rời đi của cô.

Hắn không hề biết trên mặt Ngân là đôi mắt đỏ hoe. Cô phải ngửa mặt lên trời để nén nước mắt vào trong.

Bị bệnh phải chữa đúng bệnh. Gia đình sợ thiên hạ dèm pha, trốn tránh không trị tận gốc, càng kéo dài thời gian, người khổ nhất là Đức.

Ngân cũng không thoải mái gì khi đưa ra quyết định này.

Về tới nhà, Ngân nhìn thấy bà Cẩm thu dọn đồ về bên nhà Long.

Mẹ chồng cô ném ánh mắt chán ghét vào mặt cô. “Tôi về nhà thằng Long sống, tiện thể nấu vài món bồi bổ cho con Tú, nó sắp phải làm phẫu thuật cắt u nang buồng trứng rồi. Tôi về bên này sống nhưng vẫn để ý bao quát nhà thằng Đức đấy. Mẹ con chị ăn nhờ ở đậu nhà thằng Đức, đừng có làm loạn nhà nó lên.”

Ngân không đáp lời. Cô lặng lẽ đi làm. Trên vai cô gánh thêm khoản viện phí, cô cần phải kiếm thật nhiều tiền, không cần phí tâm tư và sức lực lên những người không yêu thương mình.

Đêm đầu tiên Đức vào viện, Ngân đi giao túi nilon đến mười một giờ đêm mới về. Con ngõ vắng lặng, mọi nhà đã tắt đèn chìm vào giấc ngủ. Nhóc Mốc ngoan ngoãn tự học bài, tự lên giường ngủ trước.

“May mắn ông trời thương cho mình một thằng nhóc ngoan ngoãn, biết thương mẹ.” Ngân đứng bên giường, ngắm nhìn Mốc để lấy lại năng lượng. Gương mặt ngủ say ngọt ngào của con trai đánh tan mọi mệt mỏi trong người Ngân.

Cô hôn trán Mốc, điều chỉnh đèn ngủ tối hơn thì phát hiện điện thoại đè lên một mảnh giấy. Cô đọc chữ viết như giun bò của con trai: “Mẹ để quên điện thoại. Có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Là số lạ nên con không dám bắt máy.”

Hôm nay cô giao túi nilon cho khách quen nên không cần gọi điện thông báo trước. Chính cô cũng không nhớ mình để quên điện thoại ở nhà.

Trên màn hình là mười bảy cuộc gọi nhỡ, kéo dài từ bảy giờ tối đến mười giờ tối. Có số máy bàn, số di động, không có số nào quen thuộc.

“Không biết là ai mà kiên trì vậy?”

Ngân vội gọi lại số di động.

Đối phương lập tức bắt máy. Là giọng phụ nữ. “Xin chào, chị là người nhà của bệnh nhân Trịnh Khải Đức phải không?”

Ngân giật mình suýt làm rơi điện thoại. Cô đi nhanh ra khỏi phòng. Linh cảm xấu khiến tim cô đập dồn dập trong ngực. “Vâng, tôi là em anh Đức. Xin hỏi chị là…”

“Tôi là nhân viên của bệnh viện. Chúng tôi đã cố liên lạc với chị suốt buổi tối…”

“Anh tôi có chuyện gì vậy?” Ngân hỏi thật nhanh, không muốn nghe giới thiệu.

“Bệnh nhân Trịnh Khải Đức đã trốn viện.”

“Cái gì? Chị nói cái gì? Trốn viện là chuyện gì? Chị đừng nói đùa.” Ngân chạy vội xuống cầu thang. Do quá vội nên cô vấp chân khi gần xuống tới tầng một.

Ngân ngã lăn ba bốn vòng, đầu đập vào góc cầu thang đau nhói. Cô bò dậy, luống cuống tìm điện thoại. Ngón tay quét vào loa ngoài khiến câu nói trấn an từ phía bên kia vang vọng khắp phòng khách. “Chúng tôi đã tìm hết khuôn viên bệnh viện cùng các con ngõ xung quanh. Mong gia đình phối hợp cùng tìm kiếm.”

Ngân gật đầu lia lịa, trao đổi hai ba câu với y tá rồi tắt máy. Cô mò tìm chìa khóa trong túi quần, tay run rẩy đến mức một lúc mới tra được chìa khóa vào ổ khóa.

“Bác ấy sẽ không sao… sẽ không sao. Mình phải bình tĩnh. Bây giờ cần sang gọi chú Long cùng đi tìm. Mình không được sợ…”

“Choang.”

Chùm chìa khóa rơi xuống sàn đánh vỡ nỗi sợ trong lòng Ngân. Cô quỳ xuống nhặt chìa khóa, uất ức và sợ hãi làm cô không kiềm chế được, đấm mạnh tay xuống sàn, hét lên.

“Ông trời ơi! Ông có mắt không hả? Tại sao lại đối xử với bác ấy như vậy chứ? Bác ấy chưa từng làm hại ai. Tại sao lại đày đọa một người tốt như bác ấy hả?”