Ba ngày không đến trường, Ngọc đã từ một cô sinh viên năm cuối trở thành vợ của người ta. Thi thoảng, cô vẫn nhận thấy ánh mắt của các bạn học trong khoa, trong trường đang đổ dồn lên người mình.
Cái Nga lớp trưởng vừa thấy Ngọc bước vào giảng đường đã vội vẫy vẫy.
– Cậu lại đây.
– Có chuyện gì vậy? Sao tớ nhìn thấy mọi người nhìn tớ ghê thế?
Cô ấy xùy xùy:
– Chứ cậu nghĩ sao? Giờ khắp trường đều đang bàn luận cậu lấy một người chồng tàn tật đấy. Còn thêm mấy lời chê bai phán xét nữa. Chẳng hiểu sao mấy đứa tân sinh viên cũng xía mỏ vào. Đám sinh viên ấy mà, có chuyện là thích nghe, thích nói, thích bàn tán. Cậu còn phải chịu khó vài ngày.
– Không phải chứ? – Ngọc nhăn nhó hồi lâu. – Tớ ở trong trường cũng đâu có phải minh tinh nổi tiếng gì đâu, sao mà ai cũng quan tâm chuyện tớ lấy ai thế?
– Vì chồng cậu giàu mà có tật. Ông ngoại cậu còn là Vụ trưởng, nguyên giáo sư. Nói chung là lời hơi khó nghe, cậu nhịn được thì nhịn, không nhịn được thì cũng phải nhịn. Nghe nói tin đồn bắt đầu từ cái đám sinh viên năm nhất cơ, tớ còn đang xem con nào dám nghị luận về sinh viên lớp mình đây.
Toàn bộ sự chú ý của Ngọc dừng lại ở ba chữ “tân sinh viên”. Ngày thường cô ít giao tiếp với bạn bè, ngay cả cùng khoa cũng chỉ chơi với một hai người. Các em sinh viên mới nhập học thì gần như không quen mống nào. Tại sao họ biết chuyện của cô cơ chứ?
Trong đầu Ngọc hiện lên khuôn mặt nhu nhược, yếu đuối của Vân Anh.
Hy vọng rằng cô chỉ nghĩ nhiều, các sinh viên bàn tán chuyện gia đình người khác chỉ là chuyện bình thường. Nhưng chị em trong nhà tung tin đồn cho nhau lại có ý tứ khác. Bản thân Ngọc nhận thấy mình ít qua lại với em gái họ, cũng không đắc tội gì với con bé cả. Tuổi trẻ hay háo thắng, Vân Anh còn là cô gái nhút nhát lúc nào cũng nghe lời bà mẹ ham tiền ngu dốt và bà dì coi cô như cái gai trong mắt, cho nên hai người chẳng tránh khỏi việc tranh cãi.Tuy vậy xét cho cùng, nó cũng chẳng có lý do gì để hại cô. Máu mủ ruột già, Vân Anh làm cô khó chịu, nhưng nó cũng là em gái họ.
– Thôi được rồi, chỉ là chuyện lông gà vỏ tỏi thôi. Giờ mà tớ không chịu được thì sau này ra trường biết làm như thế nào.
Ngọc vỗ vai Nga, sau đó thằng thừng ngồi vào chỗ của mình. Nào ngờ, cô muốn tránh rắc rối mà rắc rối vẫn tìm đến cô.
Một cậu bạn tức tối vào trong lớp, đập bàn kéo cô ra ngoài. Đến một chỗ vắng, cậu ta mới buông tay:
– Tại sao? Tại sao em lại làm như thế?
Ngọc há hốc miệng khó hiểu. Tại sao là tại cái gì?
Cô nhận ra người này, cậu ta tên là Kiệt, lớn hơn cô một tuổi nhưng lại học cùng khóa. Hồi trước Kiệt từng tỏ tỉnh với Ngọc trước mặt rất nhiều bạn bè trong lớp, mà cô từ chối.
Cô không thích tính cách trẻ con mà hay đòi hỏi của cậu ta.
Giờ Kiệt có mặt ở đây làm cô hơi ngỡ ngàng một chút.
– Anh đang nói gì vậy?
– Em từ chối anh là để lấy một thằng què như thế hả Ngọc? Anh có gì không bằng cậu ta mà em lại làm như thế? Có khác nào em đang sỉ nhục anh không bằng một thằng què không?
Ngọc nghĩ mình chịu nghe cậu ta nói hết một câu đã là có kiên nhẫn lắm. Loại người mặt dày như thế này, quả thực lần đầu tiên cô nhìn thấy.
Cậu ta có thể nói cô thực dụng cũng không sao, nhưng động đến Nguyên bằng những lời khó nghe, cô thấy mình phát bực.
Không ai có quyền nói chồng cô như thế.
– Anh xin lỗi anh ấy đi. Chồng tôi có tên có họ, không phải người như anh có thể sỉ nhục anh ấy được.
Ngọc nắm tay Kiệt bóp mạnh, ánh mắt yếu đuối giả lả ngày thường của cô giờ đây toàn là sự mạnh mẽ cương quyết.
– Tôi yêu cầu anh xin lỗi chồng tôi!
Cô lặp lại một lần nữa.
Kiệt cười khẩy:
– Xin lỗi? Em còn không về nhìn lại chồng em là cái dạng gì? Uổng cho anh tưởng em là cô gái tốt đẹp không thực dụng, hóa ra em chỉ vì tiền của thằng què đấy mà lấy nó. Hầu hạ thằng bại liệt ấy cả đời em có sướng không? Nó có biết ơn em không?
Khuôn mặt câng câng của Kiệt ngay lập tức hằn lên vết năm đầu ngón tay. Ngọc cởi khăn quàng trên cổ mình quấn lên cổ gã đàn ông, đồng thời đẩy cậu ta ngã xuống sân cỏ.
– Xin lỗi anh ấy! – Cô siết nhẹ khăn, đấm một cú vào bên mặt của Kiệt.
– Nó là đồ tàn phế, cả đời hỏng rồi tao có nói gì sai không? Thằng khốn khiếp, đoạn tử tuyệt tôn, phế vật.
Ngọc chưa từng thấy mình tức giận thế này bao giờ bèn đấm Kiệt thêm một cái nữa, làm hắn mẻ hai cái răng cửa.
Sức lực của cô không nhỏ, một gã đàn ông nửa mùa như Kiệt chỉ có thể nằm yên chịu trói.
Mấy sinh viên trong trường nghe thấy tiếng hét thảm còn tưởng có án mạng xảy ra, vội chạy lại can ngăn.
Nga cũng tất tả bước đến ôm lấy Ngọc:
– Cậu nào gì thế hả? Nó mà ngất ra đấy là cậu lên trường nhận quyết định thôi học đấy.
– Để mình cắn chết nó, cậu bỏ ra.
– Ngọc! Cậu không sợ ảnh hưởng thì cũng phải nghĩ đến chồng cậu chứ?
Lời của Nga quả nhiên có hiệu nghiệm, nhắc đến Nguyên, cô lập tức dừng tay lại mà mắng:
– Lần sau cậu còn dám chửi anh ấy nữa, tôi sẽ khâu mồm cậu vào.
Không biết Ngọc có cơ hội khâu miệng của Kiệt nữa không, nhưng trong chiều hôm ấy, mẹ cậu ta đến trường làm um sùm cả lên, còn bắt hai người phải đến viện làm xét nghiệm thương tật, phải lên phường.
Cái Nga đứng bên cạnh cứ lầu bầu:
– Con trai sức dài vai rộng kéo con gái ra chỗ vắng thì được, cho mồm đi chơi xa bị đánh cho gẫy vài cái răng bắt đầu la làng.
Ngọc ra hiệu cho cô ấy trật tự.
Mặc dù nhà trường có ý bênh, nhưng mẹ Kiệt cứ khóc lóc không chịu buông, nói rằng cô là cháu gái giáo sư nên được thiên vị. Chỉ tội cho con trai mình bị siết cổ, nếu không ai nhìn thấy chắc đã mất mạng rồi.
Đến cả người hay diễn kịch như Ngọc cũng được mở rộng tầm mắt, cứ nhìn bà ta trân trân.
Cô càng thêm chán ghét nhìn Kiệt, thầm nghĩ lần sau phải làm thế nào mới nhổ được cả hàm răng của cậu ta.
– Bác đừng có nói thầy cháu như vậy. Ai làm người đấy chịu, cùng lắm cháu lên phường với bác là được chứ gì?
– Được rồi, chính mày nói đấy nhé! Lên phường.
Kết quả, Ngọc phải theo chân mẹ con Kiệt đến ủy ban phường, để công an hòa giải đôi hồi. Kết quả, sau khi nghe tường tận mọi chuyện, công an đưa ra kết luận Ngọc có hành vi cố ý gây thương tích, còn Kiệt thì đã xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác. Cả hai đều bị phạt hành chính.
Bà mẹ Kiệt vẫn rủa xả ở ủy ban, chê trách các anh công an có mắt như mù, rõ ràng con trai mình mới là nạn nhân nhưng lại bị phạt tiền.
Ngọc thua rồi, cô không tin nổi người như bà ta lại có thể nuôi được con trai thi đỗ vào Học viện Ngoại giao. Cô không muốn tranh cãi nữa, bèn kí tên vào biên bản nộp phạt rồi tìm túi xách để lấy tiền.
Trong ví chỉ có một trăm lẻ, so với con số 3 triệu phải nộp phạt là quá ít. Cô ngại ngùng nói với chú công an lập biên bản:
– Cho cháu nợ có được không ạ?
-…
– Cháu hết tiền thật.
– Thôi được rồi, cháu cứ ký vào đi rồi chú cho tờ giấy ra kho bạc nộp cũng được.
– Dạ cháu cảm ơn ạ.
Ngọc vâng dạ đứng dậy để chuẩn bị ra về, chưa ra đến cửa, cô đã bị mẹ Kiệt kéo lại:
– Còn tiền thuốc thang của con trai tao thì sao? Mày tính như thế nào?
– Làm phiền bà buông vợ của tôi ra.