Emily Trên Dải Cầu Vồng

Emily Trên Dải Cầu Vồng - Chương 1: Dốc cạn tâm sự




Một đêm tháng Hai mưa gió bão bùng giữa những ngày xa xưa trước khi cả thế giới bỗng nhiên đảo lộn, Emily Byrd Starr chỉ có một mình trong phòng, tại ngôi nhà lâu đời trên trang trại Trăng Non ở làng Hồ Blair. Khi ấy, cô bé đang ngập tràn niềm hạnh phúc tột cùng. Sau khi cân nhắc đến hơi lạnh ban đêm, bà Elizabeth đã cho phép cô đốt lửa trong cái lò sưởi bé tí teo – một ân huệ hiếm hoi. Ánh lửa rạng rỡ bập bùng tỏa luồng ánh sáng màu đỏ vàng soi tỏ khắp căn phòng nhỏ sạch như li như lau với những đồ nội thất cổ lỗ cùng mấy ô cửa sổ khoét sâu, bậu cửa rộng, chiếu lên những bông tuyết đang níu chặt như các tràng hoa nhỏ trên mấy tấm kính màu trắng xanh bị sương giá phủ mờ. Ánh lửa mang chiều sâu và sắc màu bí ẩn đến cho tấm gương soi trên bức tường giờ đang phản chiếu hình ảnh Emily gập người trên chiếc ghế đệm trước lò sưởi, viết vào “cuốn sổ Jimmy” mới toanh bìa đen bóng láng vừa được ông Jimmy cho hôm ấy, dưới ánh sáng của hai cây nến cao màu trắng – phương tiện chiếu sáng duy nhất được phép sử dụng ở Trăng Non. Emily rất vui khi nhận được cuốn sổ này, vì cô bé đã viết kín cuốn sổ được ông tặng hồi mùa thu năm ngoái, và hơn một tuần nay, cô bé đã phải chịu đựng nỗi thống khổ vì bị kìm nén không thể viết vào một “cuốn nhật ký” không hề tồn tại.



Nhật ký đã trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất trong những tháng ngày niên thiếu căng tràn nhựa sống của Emily. Nó đã tiếp quản vai trò của những “bức thư” cô bé viết suốt thời thơ ấu cho người cha quá cố, nơi cô bé có thói quen “dốc cạn tâm sự” về các rắc rối và lo lắng của mình – vì ngay cả khi đang trong quãng thời gian diệu huyền mới chập chững bước vào độ tuổi mười bốn, người ta vẫn gặp nhiều rắc rối và lo lắng, đặc biệt khi ta phải sống dưới sự cai quản nghiêm khắc, dù đầy thiện chí nhưng không hề chan chứa dịu dàng của bà Elizabeth Murray. Đôi khi, Emily có cảm giác nếu không nhờ cuốn nhật ký, rất có thể cô bé sẽ nổ tung bởi cứ phải âm thầm kìm giữ mọi cảm xúc trong lòng.



Đối với cô bé, “cuốn sổ Jimmy” bìa đen dày cộp ấy không khác gì một người bạn riêng tư, một bạn tâm giao đáng tin cậy để cô bé tâm sự về nhiều vấn đề dù đang chất chứa đến ngột ngạt trong lòng nhưng lại quá dễ kích động nên chẳng thể phó mặc rót vào tai bất cứ người nào. Ở trang trại Trăng Non bây giờ, muốn tìm bất cứ thể loại sổ trắng nào cũng khó chẳng kém gì bắc thang lên trời, và nếu không nhờ ông Jimmy thì chắc Emily chẳng thể đào đâu ra cuốn nào. Chắc chắn bà Elizabeth sẽ không cho cô cô bé rồi – bà Elizabeth vẫn cho rằng Emily đang lãng phí quá nhiều thời gian “cho cái thứ chữ nghĩa mèo cào vớ vẩn” như thế - còn bà Laura lại không dám trái lời bà Elizabeth trong chuyện này – thêm nữa chính bà Laura cũng thật tâm nghĩ rằng có lẽ Emily nên tập trung vào công việc thì hơn. Bà Laura là một phụ nữ đáng kính, nhưng vẫn có nhiều chuyện bà khó lòng hiểu nổi.



Ông Jimmy thì lại chẳng hề e sợ bà Elizabeth, và chỉ cần trong đầu ông nảy ra suy nghĩ rằng rất có thể Emily đang muốn một “cuốn sổ trắng” khác thì y như rằng cuốn sổ trắng đó sẽ ngay lập tức xuất hiện, bất chấp những ánh mắt lườm nguýt của bà Elizabeth. Chỉ vì muốn kiếm được cuốn sổ ấy mà ngày hôm đó ông đã lặn lội xuống tận Shrewsbury ngay giữa lúc cơn bão ngược chiều bắt đầu quần thảo càng lúc càng hăng. Vậy nên, tắm mình trong ánh sáng lò sưởi vừa huyền ảo vừa thân thiện, Emily vẫn dạt dào niềm hạnh phúc dù gió đang thét gào hú huýt xuyên từ vườn cây lâu đời rộng mênh mông cho tới tận mạn Bắc Trăng Non, tung những tràng hoa tuyết khổng lồ chói lóa xoay tít văng từ đầu bên này sang đầu bên kia khu vườn trứ danh của bác Jimmy, xô cái đồng hồ mặt trời dạt hẳn sang chỗ khác, và rít lên những âm thanh kỳ quái xuyên khắp Ba Nàng Công Chúa – cách gọi quen thuộc của Emily đối với ba cây dương Lombardy trong góc vườn.



“Nếu buổi tối không phải ra ngoài trời bão tố thì tôi rất yêu cơn bão giống như cơn bão này,” Emily viết. “Bác Jimmy và tôi đã có một buổi tối tuyệt vời lên kế hoạch cho khu vườn của hai bác cháu, chọn lựa cậy và hạt giống từ tập danh mục. Đúng tại địa điểm đang bị quần thảo ghê gớm nhất, phía sau nhà hóng mát, hai bác cháu dự định sẽ trồng một thảm cúc thúy hồng, và hai bác cháu sẽ lấy những cây hạnh đang trổ hoa làm nền cho các nàng Người Dát Vàng – tức đám thủy tiên hoa vàng giờ đây đang mơ màng dưới cả mét tuyết. Tôi thích lên kế hoạch mùa hè như thế này, ngay giữa lúc bão tố đang thét gào. Như vậy, tôi sẽ cảm thấy dường như mình đang giành chiến thắng trước một thứ lớn lao hơn tôi gấp vạn lần, chỉ nhờ tôi có đầu óc hơn, còn cơn bão chẳng là gì hết ngoài một thứ sức mạnh tàn nhẫn, mù quáng – khủng khiếp đấy, nhưng lại mù quáng. Tôi cũng có cảm giác y như thế khi ngồi đây bên cái lò sưởi ấm cúng thân thương của mình, lắng nghe cơn bão cuồng nộ vần vũ bốn bề, và cười thẳng vào mặt nó. Và, có được điều đó là nhờ hàng trăm năm trước, cụ cố Murray đã xây ngôi nhà này và xây một cách vô cùng cẩn thận. Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết một trăm năm sau, liệu có ai giành được chiến thắng trước một thứ nào đấy nhờ vào cái gì đó mà tôi đã để lại hay đã thực hiện không. Đây quả là một ý tưởng đầy hứng khởi.



“Tôi chẳng kịp suy nghĩ gì mà đã cứ thế viết dòng chữ in nghiêng kia rồi. Thầy Carpenter nói tôi sử dụng quá nhiều từ in nghiêng. Thầy nói đó là nỗi ám ảnh đầu thời Victoria, và tôi phải cố gắng từ bỏ nó đi. Sau khi tra từ điển thì tôi rút ra kết luận mình sẽ phải làm thế thôi, vì rõ ràng chẳng có gì hay ho khi bị ám ảnh bởi thứ gì đó, mặc dù có vẻ như thà thế vẫn còn đỡ hơn là bị mất tự chủ. Đấy, tôi lại thế rồi: nhưng tôi cảm thấy lần này sử dụng từ in nghiêng là chính xác.



“Tôi đọc từ điển cả tiếng đồng hồ liền – cho tới tận khi bác Elizabeth nổi ý nghi ngờ và cho rằng tốt hơn hết tôi nên mạng lại mấy cái tất rách của mình đi. Bác ấy không thể lý giải xác đáng được có gì không ổn khi tôi cứ mải mê nghiên cứu từ điển, nhưng bác ấy cảm thấy chắc chắn chuyện đó chẳng đúng đắn gì cả, vì bác ấy có bao giờ muốn làm thế đâu. Tôi mê đọc từ điển. (Vâng, sử dụng in nghiêng ở đây là hoàn toàn cần thiết, thưa thầy Carpenter. Một từ 'mê' thông thường làm sao mà diễn tả được cảm xúc của con chứ!) Ngôn ngữ thú vị đến thế đấy. (Lần này tôi mắc ở âm tiết đầu tiên!) âm thanh của một vài từ - chẳng hạn như 'ma ám', 'huyền bí' – đã mang ánh chớp đến cho tôi. (Ôi chao! Nhưng tôi phải viết nghiêng từ ánh chớp. Nó có bình thường đâu – nó là thứ đặc biệt nhất, tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Khi nó xuất hiện, tôi dường như cảm thấy một cánh cửa vừa bật mở trên bức tường trước mặt và giúp tôi thoáng nhìn thấy – đúng vậy đó, thấy thiên đường. Lại viết nghiêng nữa rồi! Ôi, tôi đã hiểu tại sao thầy Carpenter lại la rầy rồi! Tôi phải cố gắng bỏ cái thói quen này đi thôi.)



“Những từ đao to búa lớn chẳng bao giờ đẹp cả... 'buộc tội'... 'ngỗ ngược'... 'quốc tế'... 'vi hiến'. Chúng làm tôi nghĩ đến những cây hoa cúc và hoa thược dược to khủng khiếp mà bác Jimmy đã dẫn tôi đi xem hồi mùa thu năm ngoài ở cuộc triển lãm tại Charlottetown. Hai bác cháu chẳng thấy chúng có chút xíu dễ thương nào hết, ấy vậy nhưng có mấy người lại cứ cho rằng chúng thật tuyệt vời. Những cây cúc vàng bé nhỏ của bác Jimmy, giống như những vì sao mờ huyền ảo nhấp nháy trên vạt linh sam ở góc vườn phía Tây Bắc, còn đẹp hơn gấp chục lần. Nhưng tôi lại lan man đi chệch khỏi chủ đề của mình rồi – lại một thói quen xấu khác của tôi, theo lời thầy Carpenter. Thầy nói tôi phải (lần này chính thầy mới là người dùng từ viết nghiêng nhé!) học cách tập trung – lại một từ to tát khác và cũng là từ xấu xí không để đâu cho hết.



“Nhưng lúc đọc cuốn từ điển ấy, tôi rất vui, vui hơn nhiều so với lúc dành thời gian cho đám tất có gân kia. Giá như tôi có một đôi tất lụa, chỉ cần một đôi thôi cũng được. Ilse có ba đôi. Giờ hễ bạn ấy thích thứ gì là lại được cha cho ngay thứ nấy, vì bác ấy đã biết yêu thương bạn ấy rồi. Còn bác Elizabeth thì bảo tất lụa là thứ phi đạo đức. Tôi không hiểu nổi tại sao nữa... nó cũng có khác gì váy áo lụa đâu.



“Lại nói đến chuyện váy lụa, dì Janey Milburn ở Ao Thành Kiến – thật ra bà ấy chẳng có quan hệ họ hàng gì cả, nhưng ai cũng gọi bà ấy như thế - đã thề rằng bà ấy sẽ không bao giờ mặc váy lụa, trừ phi hết thảy thế giới ngoại đạo đều cải theo Cơ Đốc hết. Chuyện đó rõ thật là hay. Tôi ước gì tôi cũng có thể hay ho được như thế, nhưng đành chịu thôi, tôi yêu đồ lụa quá mất rồi. Nó mới đẹp đẽ và rực rỡ làm sao chứ. Tôi muốn lúc nào cũng được mặc đồ lụa, ấy là trong trường hợp tôi đủ dư dả để làm thế, nhưng có lẽ mỗi lần nghĩ đến bà dì Janey yêu dấu và giới ngoại đạo vẫn chưa cải đạo, thể nào tôi cũng sẽ thấy cắn rứt lương tâm cho xem. Nói vậy thôi chứ nếu có thật như thế thì cũng còn phải mất nhiều năm nữa tôi mới có đủ tiền để mua dẫu chỉ là một chiếc váy lụa, mà từ giờ đến lúc đó, hằng tháng tôi vẫn phải san một ít tiền bán trứng của mình cho các hội truyền giáo. (Bây giờ tôi đang có năm con gà, cả năm đều là con của nàng gà mái lông xám Perry tặng tôi nhân dịp sinh nhật lần thứ mười hai.) Nếu sau này có thể mua được một chiếc váy lụa như đã nói thì tôi biết rõ chiếc váy ấy trông sẽ như thế nào. Không phải màu đen, nâu hay xanh nước biển, những thứ màu vừa bền vừa đứng đắn, đúng màu truyền thống trang phục của nhà Murray ở Trăng Non – ôi, chao ôi, không đâu! Nó sẽ là thứ lụa óng ánh, nhìn dưới ánh sáng này là màu xanh da trời, nhìn dưới ánh sáng kia lại lấp lánh màu bạc, giống y như bầu trời nhấp nháy, thấp thoáng qua khung kính cửa sổ đã mờ đi vì băng giá, và nó sẽ được điểm xuyết những sóng đăng ten, như những sợi lông vũ mảnh mai kết từ những bông tuyết cheo leo ngoài ô cửa sổ phòng tôi. Teddy bảo cậu ấy sẽ vẽ hình tôi mặc bộ váy ấy và gọi bức tranh đó là 'Thiếu nữ băng tuyết', còn bác Laura cười tủm tỉm rồi nói bằng giọng cực kỳ dịu dàng và nhún nhường, đúng cái kiểu nói tôi rất ghét, cho dù người nói có là bác Laura yêu dấu chăng nữa,



“ 'Một cái váy như thế thì ích lợi gì với cháu chứ, Emily?'



“Có lẽ nó chẳng có ích lợi gì hết, nhưng khi khoác lên người bộ váy ấy, tôi sẽ cảm thấy như thể nó chính là một phần bản thân mình, cảm thấy nó gắn liền với tôi chứ không phải là món đồ chỉ được mua về rồi mặc vào người. Tôi luôn ao ước có một bộ váy như thế trong đời. Và cả lớp váy lót bằng lụa... rồi tất lụa nữa!



“Giờ thì Ilse đã có một chiếc váy lụa rồi, một chiếc váy màu hồng nhạt. Bác Elizabeth nói bác sĩ Burnley cho Ilse ăn mặc quá già và quá sặc sỡ so với một đứa trẻ. Nhưng bác Burnley chỉ muốn bù đắp lại hết thảy những năm tháng bác ấy chẳng cho Ilse ăn mặc gì hết. (Tôi không có ý là bạn ấy trần truồng chẳng mặc gì đâu, nhưng nếu chỉ dựa vào bác sĩ Burnley thì có khi bạn ấy sẽ thành ra như thế cũng không chừng. Toàn người khác phải chăm lo đến khoản quần áo của bạn ấy.) Giờ bạn ấy muốn gì bác ấy cũng chiều hết, và bác ấy còn cho phép bạn ấy thích làm gì thì làm. Bác Elizabeth bảo như vậy chẳng có gì hay ho cho Ilse cả, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ghen tị với bạn ấy. Tôi biết thế là rất xấu tính, nhưng tôi chẳng kìm lòng được.



“Mùa thu năm sau, bác sĩ Burnley sẽ gửi Ilse đến trường trung học Shrewsbury, và sau đó là tới Montreal để học diễn thuyết. Vậy nên tôi mới ghen tị với bạn ấy, chứ không phải vì chiếc váy lụa. Tôi chỉ mong sao bác Elizabeth cho phép tôi tới Shrewsbury, nhưng chỉ e là chẳng đời nào có chuyện đó đâu. Vì mẹ tôi đã trốn nhà theo bố tôi nên bác ấy luôn cho rằng hễ sểnh ra một cái không để mắt đến tôi được là đừng hòng tin tưởng vào tôi. Nhưng đáng lẽ ra bác ấy chẳng cần phải lo sợ tôi sẽ trốn nhà theo tiếng gọi tình yêu. Tôi đã hạ quyết tâm sẽ không bao giờ lấy chồng. Tôi sẽ gắn bó trọn đời với nghệ thuật.



“Teddy muốn mùa thu tới sẽ đến Shrewsbury, nhưng mẹ cậu ấy sẽ không đồng ý đâu. Nói thế không có nghĩa là bà ấy sợ Teddy bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu, chỉ là bà ấy yêu thương cậu ấy quá đỗi nên không thể rời xa cậu ấy được. Teddy muốn trở thành họa sĩ, và thầy Carpenter bảo rằng cậu ấy có năng khiếu trời phú và nên được trao cho cơ hội, nhưng chẳng ai dám nói gì với bà Kent cả. Bà ấy là một phụ nữ nhỏ nhắn-thật ra chẳng cao hơn tôi là mấy, lặng lẽ và rụt rè - ấy vậy nhưng ai cũng sợ bà ấy. Tôi... sợ đến chết đi được. Tôi luôn biết rõ bà ấy không thích mình-ngay từ ngày xửa ngày xưa cái thời tôi và Ilse lần đầu tiên đến Vạt Cúc Ngải để chơi với Teddy. Nhưng giờ thì bà ấy ghét tôi hẳn hoi – tôi dám chắc thế - chỉ vì Teddy quý tôi. Bà ấy không thể chịu đựng được khi cậu ấy yêu quý bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì khác ngoài bà ấy. Thậm chí, bà ấy còn ghen cả với tranh cậu ấy vẽ nữa. Vậy nên cậu ấy chẳng có nhiều cơ hội để tới Shrewsbury đâu. Perry thì sẽ đi. Cậu ấy chẳng có xu nào, nhưng dù gì cậu ấy cũng sẽ làm theo ý mình. Chính vì vậy vậu ấy định sẽ tới Shrewsbury thay vì Học viện Queen. Cậu ấy vẫn đinh ninh rằng ở Shrewsbury dễ kiếm việc làm thêm hơn, thêm nữa tiền trọ ở đấy cũng rẻ hơn.



“ 'Bà bác Tom già lọm khọm của tớ cũng có ít tiền đấy,' cậu ấy bảo tôi, 'nhưng bà ấy sẽ chẳng cho tớ dù chỉ một xu... trừ phi... trừ phi...'



“Rồi cậu ấy nhìn tôi đầy ẩn ý.



“Tôi chẳng thể kiềm chế được mà đỏ hết cả mặt, rồi sau đó lại giận điên lên với chính mình vì tội đã đỏ mặt, và cả với Perry nữa... vì cậu ta đã nhắc đến một chuyện mà tôi không muốn nghe chút nào... hồi xưa ấy, có lần bác Tom của cậu ta đã gặp tôi ở rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn, và làm tôi sợ đến chết đi được vì bà ấy cứ nằng nặc bắt tôi hứa sẽ cưới Perry khi nào chúng tôi lớn, chỉ thế thì bà ấy mới chịu nuôi cậu ấy ăn học. Tôi chưa từng kể với ai về chuyện đó – xấu hổ chết đi được – ngoài Ilse, và bạn ấy bảo,





“ 'Nghĩ mà xem, bà Tom lại mong mỏi kiếm một người nhà Murray cho Perry cơ đấy!'



“Nhưng sau đó, Ilse tỏ ra khắt khe khủng khiếp với Perry, suốt ngày cãi cọ với cậu ấy, cả về những chuyện mà tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Perry chẳng bao giờ thích bị bất kỳ ai qua mặt về bất cứ chuyện gì. Tuần vừa rồi, lúc chúng tôi đang dự tiệc ở nhà Amy Moore, chú của Amy đã kể cho chúng tôi nghe về một con bê khá quái dị mà chú ấy từng nhìn thấy, nó chỉ có ba chân thôi, vậy là Perry bảo,



“ 'Ôi dào, thế thì có là gì so với con vịt cháu từng nhìn thấy ở Na Uy chứ.'



“(Đúng là Perry từng ở Na Uy thật. Ngày xưa hồi còn nhỏ, cậu ấy từng cùng cha mình dong buồm lênh đênh khắp mọi nơi. Nhưng tôi chẳng tin bất cứ lời nào về con vịt đó. Cậu ấy không nói dối – cậu ấy chỉ bịa chuyện thôi. Thầy Carpenter kính mến, con không thể không viết nghiêng được.)



“Theo lời Perry thì con vịt ấy có bốn chân, hai chân nằm ở vị trí bình thường giống như những con vịt khác, còn hai chân nữa thì mọc ra sau lưng. Vậy nên khi nào phát mệt vì đi bằng đôi chân bình thường rồi thì nó sẽ lật ngửa mình lại đi bằng hai chân kia!



“Perry kể câu chuyện bịa này với vẻ mặt rất nghiêm túc, và ai cũng đều phá lên cười, chú của Amy thì nói, 'Kể tiếp đi, Perry.' Nhưng Ilse lại giận điên lên và suốt trên đường về nhà không thèm nói năng gì với cậu ấy. Bạn ấy bảo cậu ấy đã tự biến mình thành một thằng ngốc, cố gắng 'ra vẻ ta đây' bằng một câu chuyện ngu ngốc như thế, và chẳng quý ông nào lại cư xử theo kiểu đó hết.




“Perry nói: 'Giờ tôi vẫn chưa phải một quý ông mà chỉ là cậu bé làm thuê thôi, nhưng một ngày nào đó, tiểu thư Ilse ạ, tôi sẽ trở thành một quý ông hào hoa phong nhã hơn bất kỳ ai cô biết cho mà xem.'



“ 'Có phải quý ông hay không,' Ilse nói đầy ác ý, 'thì từ khi sinh ra đã thế rồi. Họ không thuộc kiểu người cố gắng thì sẽ thành, cậu biết đấy.'



“Ilse hầu như đã bỏ hẳn thói quen gọi người khác là đồ này đồ nọ, giống như ngày xưa bạn ấy vẫn làm khi cãi lộn với Perry hoặc tôi, mà thay vào đó là nói những điều độc ác, cay độc. Chúng còn khiến người ta tổn thương hơn gấp nhiều lần so với bị gọi là đồ này đồ nọ, nhưng tôi thật tâm chẳng buồn để ý đến chúng – không nhiều lắm – hay không lâu lắm – vì Ilse không chủ tâm nói thế và thật ra bạn ấy cũng yêu quý tôi không kém gì tôi yêu quý bạn ấy. Nhưng Perry thì bảo những lời ấy cứ đeo đẳng tâm trí cậu ấy. Từ lúc đó cho tới tận khi đã về đến nhà, cậu ấy và Ilse chẳng nói năng gì với nhau nữa, nhưng hôm sau, Ilse lại công kích cậu ấy vì chuyện dùng sai ngữ pháp và không đứng dậy khi có một phu nhân bước vào phòng.



“ 'Tất nhiên người ta cũng chẳng thể trông chờ cậu biết điều đó được,' bạn ấy nói bằng giọng cay độc hết mức, 'nhưng tôi dám chắc thầy Carpenter đã nỗ lực hết sức để dạy ngữ pháp cho cậu.'



“Perry không nói một lời với Ilse mà chỉ quay sang nói với tôi.



“ 'Cậu sẽ chỉ cho tớ các lỗi sai chứ?' cậu ấy hỏi. 'Tớ không thấy khó chịu nếu cậu làm thế đâu... khi chúng ta lớn lên thì không phải Ilse mà chính cậu mới là người phải chịu đựng tớ.'



“Cậu ấy nói thế cốt làm Ilse giận, nhưng tôi còn giận hơn nhiều, vì nó bóng gió về một chủ đề cấm kỵ. Vậy nên cả hai đứa tôi chẳng ai thèm nói chuyện với cậu ấy trong suốt hai ngày, và cậu ấy bảo dù sao đi nữa thì cậu ấy cũng nhẹ cả người vì tạm thời thoát được những lời chỉ trích gay gắt của Ilse.



“Perry không phải người duy nhất ở Trăng Non bị rơi vào tình huống đáng xấu hổ. Tối qua tôi đã nói một điều ngu ngốc, khiến cho mỗi khi nhớ lại tôi đều phải đỏ mặt. Hội Phụ nữ Cứu trợ đã họp mặt ở đây và bác Elizabeth mời họ ăn tối, vậy là chồng của các bà các cô trong hội cũng đến tham gia. Ilse và tôi đứng phục vụ ở bàn ăn bày biện trong bếp vì bàn phòng khách không đủ rộng. Ban đầu thì mọi chuyện cũng khá vui, nhưng đến khi mọi người đều đã được phụ vụ đồ ăn thức uống đầy đủ thì không khí có phần tẻ nhạt dần, và tôi đứng bên cửa sổ, vừa phóng ánh mắt ra ngoài vườn, vừa soạn trong đầu mấy vần thơ. Tôi say sưa với việc này đến nỗi chẳng mấy chốc đã quên bẵng tất cả mọi thứ khác, cho tới khi đột nhiên tôi nghe thấy bác Elizabeth gọi 'Emily' bằng giọng sắc lẻm, và rồi bác ấy hướng ánh mắt đầy ẩn ý về phía ngài Johnson, mục sư mới của chúng tôi. Tôi bối rối chộp lấy bình trà và kêu lên,



“ 'Ôi, ngài Tách, ngài có muốn châm thêm trà vào Johnson của ngài không ạ?'



“Ai nấy đều phá lên cười, bác Elizabeth trông vô cùng cáu kỉnh và bác Laura xấu hổ tột độ, còn tôi thì chỉ ước gì mình chui xuống đất cho xong. Tôi trằn trọc gần hết một đêm vì cứ nghĩ mãi về chuyện này. Lạ một nỗi tôi tin chắc nếu thực sự làm sai chuyện gì đó thì tôi cũng chẳng cảm thấy bứt rứt và xấu hổ đến mức này. Tất nhiên đây là vấn đề về 'lòng kiêu hãnh của người nhà Murray', và tôi cho rằng chuyện này rất tệ hại. Đôi khi, tôi chỉ sợ rằng xét cho cùng, bà bác Ruth Dutton hóa ra đã đánh giá đúng về tôi.



“Không, bà ấy không đúng!




“Nhưng ở Trăng Non đã hình thành một truyền thống rằng những người phụ nữ trong dòng họ cần phải có đủ khả năng đối phó với bất kỳ tình huống nào và lúc nào cũng phải tỏ ra duyên dáng đường hoàng. Ôi chao, còn gì là duyên dáng đường hoàng khi hỏi ngài mục sư mới một câu như vậy chứ. Tôi dám chắc từ giờ trở đi, hễ gặp tôi là thể nào ông ấy cũng nghĩ đến chuyện đó cho xem, và tôi sẽ luôn khổ sở dằn vặt mỗi khi thấy ông ấy hướng ánh mắt về phía mình.



“Nhưng bây giờ, khi đã viết lại câu chuyện này vào nhật ký rồi thì tôi không còn cảm thấy quá khổ sở nữa. Dường như một khi đã được viết ra rồi thì chẳng điều gì còn có vẻ to tát hay khủng khiếp – than ôi, cũng chẳng đẹp đẽ hay huy hoàng – như khi ta đang nghĩ hay cảm giác về nó. Dường như nó đã co lại ngay khi ta đem nó vào trong ngôn ngữ. Ngay cả câu thơ tôi vừa sáng tác ngay trước khi thốt lên câu hỏi ngớ ngẩn đó có vẻ như cũng chỉ còn giữ lại được một nửa sự hay ho khi được tôi viết thành câu chữ:



“ 'Nơi những bàn chân nhung của bóng tối êm ái bước qua.'



“Nó không phải vậy. Dường như nó đã mất mát ít nhiều vẻ đẹp rạng rỡ rồi. Tuy nhiên, lúc tôi đang đứng đó, phía sau toàn bộ đám đông đang vừa ăn uống vừa chuyện trò, và nhìn thấy bóng tối rón rén, êm ái lướt qua khu vườn và dãy đồi, chẳng khác gì một phụ nữ xinh đẹp khoác tấm áo choàng đêm với đôi mắt chính là hai vì sao, ánh chớp đã đến, khiến tôi quên đi hết thảy mọi thứ trên đời, chỉ giữ lại niềm mong mỏi được mang chút gì đó của vẻ đẹp mà tôi cảm nhận được ấy vào trong lời thơ của mình. Khi câu thơ đó nảy ra trong tâm trí tôi, tôi cảm thấy dường như tôi hoàn toàn không phải người đã sáng tác ra nó – dường như có Điều Gì Khác đang cố gắng mượn tôi để lên tiếng – và chính Điều Gì Khác đó đã khiến câu thơ có vẻ thật tuyệt diệu... ấy vậy mà bây giờ khi khoảnh khắc qua rồi thì câu chữ dường như thật nhạt nhẽo, ngu ngốc, và bức tranh mà tôi đang cố gắng vẽ nên nhờ ngôn ngữ lại chẳng hề tuyệt diệu đến thế.



“Ôi, giá như tôi có thể mang mọi thứ vào trong ngôn ngữ ngay khi tôi nhìn thấy chúng! Thầy Carpenter bảo, 'Cứ cố lên... cố gắng hơn nữa... kiên trì vào... ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt của trò... hãy biến chúng thành nô lệ cho trò... cho đến khi chúng nói cho trò nghe những điều trò muốn nghe.' Quả như thế thật... và tôi đã thử rồi... nhưng tôi vẫn cảm giác như có một thứ gì đó vượt ra ngoài ngôn ngữ... bất kỳ từ ngữ nào... hết thảy mọi từ ngữ... một thứ gì đó luôn trốn thoát khỏi ta mỗi khi ta cố gắng nắm bắt... ấy vậy nhưng nó sẽ vẫn để rớt lại trong tay ta một thứ nếu không chịu với tay ra ta sẽ chẳng bao giờ có được.



“Tôi vẫn nhớ một ngày mùa thu năm ngoái, chú Dean và tôi đi bộ qua núi Ngoạn Mục để tới khu vườn phía bên kia – cây cối trong rừng chủ yếu là linh sam, nhưng có riêng một góc dành cho những cây thông lâu năm lộng lẫy. Hai chú cháu tôi ngồi dưới gốc cây thông, chú Dean đọc cho tôi nghe truyện Peveril xứ Peak và cả mấy bài thơ của Scott nữa; rồi chú ấy ngước nhìn lên những cành cây to xòe rộng như sợi lông chim, và nói,



“ 'Các vị thần đang chuyện trò trong những cây thông... các vị thần của phương Bắc xa xưa... của những câu chuyện dân gian về người Viking. Sao Trời này, cháu có biết thơ của Emerson không nhỉ?'



“Và rồi chú ấy đọc đoạn thơ... tôi vẫn còn nhớ như in và từ đó đến nay vẫn luôn yêu thích những vần thơ đó.



“ 'Các vị thần chuyện trò trong hơi thở của thế gian,



Họ chuyện trò trong cây thông đu đưa xào xạc,



Lấp đầy bờ biển xưa rộng dài



Bằng cuộc đối thoại thiêng liêng;




Và nhà thơ nghe lỏm được



Một từ ngẫu nhiên họ nói



Chính là người định mệnh đã an bài



Đến tuổi tác cũng đành tuân phục.'



“Ôi, cái 'từ ngẫu nhiên' đó – nó chính là Điều Gì Đó đã trốn khỏi tôi. Tôi vẫn luôn lắng tai hòng nghe thấy nó... tôi biết mình chẳng bao giờ nghe thấy được... tai tôi không đồng điệu với nó... nhưng tôi dám chắc thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy một tiếng vọng yếu ớt, xa xăm, nhạt nhòa của nó... và chính tiếng vọng ấy khơi dậy trong tôi một niềm vui thích đớn đau cùng nỗi tuyệt vọng bởi không thể truyền tải vẻ đẹp của nó bằng bất cứ từ ngữ nào tôi biết.




“Ấy vậy nhưng, tiếc thay, tôi đã tự biến mình thành một cô ngốc ngay sau trải nghiệm tuyệt vời đó.



“Giá tôi có thể lướt tới phía sau mục sư Johnson, bằng những bước chân êm ái như bóng đêm, rồi duyên dáng châm trà cho ông từ chiếc bình trà bằng bạc của cụ cố Murray, hệt như bóng tối đang rót đêm vào chiếc tách trắng của thung lũng Blair, chắc hẳn bác Elizabeth sẽ hài lòng về tôi hơn gấp vạn lần so với khi tôi có thể sáng tác nên bài thơ đặc sắc nhất trần gian.



“Bác Jimmy thì khác một trời một vực. Tối nay, sau khi hai bác cháu xem bảng danh mục xong, tôi đã đọc bài thơ của mình cho bác ấy nghe, và bác ấy thấy nó rất tuyệt. (Bác ấy chẳng thể biết rằng nó còn kém xa so với những gì tôi nhìn thấy trong tâm trí.) Bác Jimmy cũng sáng tác thơ. Ở nhiều chỗ, bác ấy rất khôn ngoan sáng suốt. Còn ở nhiều chỗ khác, những chỗ não bộ bị tổn thương do bác ấy bị bác Elizabeth đẩy ngã xuống cái giếng ở Trăng Non, bác ấy chẳng có gì hết. Ở đó chỉ có sự trống rỗng thôi. Vậy nên ai cũng bảo bác ấy là người ngây dại, bác Ruth thậm chí còn dám nói bác Jimmy chẳng đủ khôn ngoan để đuổi một con mèo tránh xa chỗ kem. Ấy thế nhưng nếu ta ghép hết những chỗ khôn ngoan sáng suốt của bác ấy lại, thì ở cả cái làng Hồ Blair này, chẳng ai có nổi một nửa sự thông minh đích thực của bác ấy đâu – kể cả thầy Carpenter đi chăng nữa. Mỗi tội ta chẳng thể ghép hết những chỗ khôn ngoan sáng suốt của bác ấy lại được... giữa chúng luôn có các khoảng trống. Nhưng tôi rất yêu quý bác Jimmy, và ngay cả khi bác ấy bị những thứ kì quặc ám vào, tôi cũng không bao giờ sợ bác ấy, dù chỉ một nảy may. Người khác thì vẫn sợ - ngay cả bác Elizabeth, tuy nhiên bác ấy thì có lẽ không phải sợ mà đúng hơn là ăn năn day dứt – chỉ trừ Perry. Perry lúc nào cũng khoe khoang cậu ấy chẳng sợ gì sất... chẳng bao giờ biết sợ là gì. Tôi nghĩ nếu được thế thì tuyệt biết bao. Giá như tôi có thể gan dạ như vậy. Thầy Carpenter nói sợ hãi là một thứ xấu xa, là cơn cớ của hầu hết mọi sai lầm và những điều đáng ghét trên thế giới.



“ 'Xua đuổi nó đi, Ngọc Bích,' thầy nói... 'xua đuổi nó khỏi trái tim đi. Sợ hãi chính là thừa nhận sự yếu đuối. Thứ khiến trò sợ hãi mạnh mẽ hơn trò nhiều, hay ít ra theo trò nghĩ là vậy, nếu không trò đã chẳng sợ nó. Hãy nhớ Emerson của trò... 'sợ điều gì thì hãy làm điều ấy'”.



“Nhưng, như chú Dean đã nói đấy, đây đúng là kiểu lời khuyên hay thì hay thật nhưng không có cơ thực hiện, và tôi không tin là mình có thể làm được. Thành thật mà nói, tôi sợ rất nhiều thứ, nhưng trên thế giới này chỉ có hai người khiến tôi sợ thực sự. Một là bà Kent, và một là ông Morrison Khùng. Tôi sợ ông ấy khủng khiếp, và chắc hẳn tất cả những người khác cũng vậy. Nhà ông ấy ở Ao Thành Kiến, nhưng ông ấy chẳng mấy khi ở đó... ông ấy lang thang khắp mọi miền đất nước, tìm kiếm cô dâu mất tích của ông ấy. Ông ấy đã kết hôn cách đây lâu lắm rồi, nhưng mới được vài tuần thì người vợ trẻ qua đời, và kể từ ngày đó, ông ấy chẳng bao giờ còn tỉnh táo được nữa. Ông ấy cứ khăng khăng rằng bà vẫn chưa chết mà chỉ mất tích thôi, và sẽ có ngày ông tìm thấy bà. Theo năm tháng, ông ấy cứ thế già đi, lưng cứ thế còng xuống, và vẫn cứ mải miết đi tìm người vợ mất tích, nhưng với ông, bà vẫn luôn trẻ trung và xinh đẹp.



“Hè năm ngoái, một hôm ông ấy đã đến đây, nhưng không vào nhà... chỉ đăm chiêu nhòm vào trong bếp rồi hỏi, 'Annie có ở đây không?' Hôm đó ông ấy khá hiền lành, nhưng thỉnh thoảng ông ấy hung dữ và điên rồ không tả nổi. Ông ấy bảo lúc nào cũng nghe thấy tiếng bà Annie đang gọi... rằng tiếng nói của bà ấy luôn lờ lững phía trước ông... luôn luôn ở phía trước ông, y như cái từ ngẫu nhiên của tôi. Mặt ông ấy quắt queo chằng chịt nếp nhăn, và trông ông chẳng khác gì một con khỉ già lụ khụ. Nhưng thứ tôi ghét nhất là bàn tay phải của ông ấy – nó đỏ thẫm như nhuộm máu – hằn vết bớt. Tôi không thể giải thích lý do tại sao, chỉ biết rằng bàn tay đó khiến tôi kinh hãi tột cùng. Chỉ cần chạm vào nó cũng khiến tôi không chịu nổi. Thêm vào đó, nhiều khi, ông ấy còn cười một mình rất đáng sợ. Sinh vật duy nhất có vẻ thu hút được sự quan tâm của ông ấy là con chó già màu đen dính chặt ông ấy như hình với bóng. Người ta bảo ông ấy chẳng bao giờ xin xỏ cho bản thân dù chỉ một mẩu thức ăn. Nếu không được mời thì ông sẵn sàng chịu đói, nhưng ông sẽ cầu xin thức ăn cho chó của mình.



“Ôi chao, tôi sợ ông ấy đến chết đi được, và hôm đó, tôi mừng húm vì ông ấy không vào trong nhà. Lúc ông ấy quay lưng đi, mái tóc dài đã ngả màu muối tiêu phất phơ trong gió, bác Elizabeth dõi mắt nhìn theo mà nói,



“ 'Hồi còn trẻ, Fairfax Morrison rất bảnh bao, thông minh, với cả một tương lại rực rỡ đang chờ đón. Thế đấy, thật chẳng ai lường trước được sự xếp đặt của Chúa.'



“ 'Thì vậy mới thú vị chứ ạ,' tôi nói.



“Nhưng bác Elizabeth đã cau mày bảo tôi đừng có tỏ thái độ bất kính, đúng phản ứng quen thuộc của bác ấy mỗi khi tôi nói gì liên quan đến Chúa. Tôi chẳng hiểu nổi tại sao nữa. Bác ấy cũng không cho Perry và tôi nói chuyện về Người, dù Perry thật lòng vô cùng quan tâm đến Người và mong muốn tìm hiểu tất tật mọi chuyện về Người. Có một chiều Chủ nhật, bác Elizabeth tình cờ nghe thấy tôi bày tỏ với Perry suy nghĩ của tôi về Chúa, vậy là bác ấy bảo như thế thật đáng hổ thẹn.



“Nhưng có phải vậy đâu! Vấn đề nằm ở chỗ Chúa của bác Elizabeth khác với Chúa của tôi, chỉ thế thôi. Tôi cho là mỗi người đều có một Chúa riêng. Ví dụ như Chúa của bác Ruth sẽ trừng phạt kẻ thù của bác ấy... mang 'sự phán xét' đến cho họ. Theo tôi thấy, có vẻ như thật tình đối với bác ấy thì Người chỉ có mỗi lợi ích đó thôi. Jim Cosgrain thường mang Người ra để thề thốt. Còn dì Janey Milburn thì ngày ngày bước trong ánh sáng từ Chúa của dì ấy, và tỏa sáng cùng nó.



“Tối nay tôi đã dốc cạn cảm xúc của mình rồi, và giờ tôi đi ngủ thôi. Tôi biết rõ mình đã viết rất nhiều 'từ lãng phí' vào trong cuốn nhật ký này – lại thêm một sai lầm văn chương của tôi, theo cách nói của thầy Carpenter.



“ 'Trò lãng phí ngôn ngữ quá, Ngọc Bích ạ... trò vung vít chúng ra một cách quá vô tội vạ. Hãy biết tiết kiệm và kiềm chế... đó chính là điều trò đang cần đấy.'



“Tất nhiên thầy ấy nói rất đúng, và tôi đã cố gắng áp dụng lời khuyên nhủ của thầy vào trong các bài luận và truyện của mình. Nhưng nhật ký của tôi thì ngoài tôi ra có ai đọc đâu, hoặc nếu có thì cũng phải đợi cho đến khi tôi chết đã, vậy nên tôi chỉ muốn mặc cho cảm xúc của mình dẫn dến đâu thì đi đến đó.”



Emily nhìn cây nến – nó cũng sắp tàn rồi. Cô bé biết rõ tối nay đừng mơ có thêm cây nến nào nữa – các quy tắc của bác Elizabeth cũng ngang bằng các quy tắc của dân Mede và dân Ba Tư: cô bé cất cuốn nhật ký vào cái tủ nhỏ trên bệ lò sưởi bên phải, vùi ngọn lửa đang lụi dần, cởi quần áo và thổi tắt nến. Căn phòng chậm rãi chìm vào trong thứ ánh sáng nhợt nhạt, ma quái lòa nhòa ánh tuyết của buổi đêm vốn có trăng nhưng vầng trăng tròn lại bị khuất lấp phía sau những đám mây bão đang vần vũ. Nhưng ngay khi Emily đã sẵn sàng vùi mình trên chiếc giường cao đen sì thì cảm hứng bất chợt ập đến – một ý tưởng mới toanh chói sáng về một câu chuyện. Cô bé thoáng rùng mình miễn cưỡng: căn phòng đang lạnh dần. Nhưng làm sao từ chối cái ý tưởng kia được chứ. Emily chuồi tay vào giữa lớp khăn trải giường nhồi lông chim và tấm đệm nhồi rơm rồi lôi ra một cây nến còn phân nửa, vốn được giấu ở đáy phòng những lúc khẩn cấp như thế này.



Tất nhiên, đây không phải hành động đúng đắn gì cho cam. Nhưng từ trước tới nay, và ngay cả sau này cũng vậy, tôi chẳng bao giờ làm ra vẻ Emily là một đứa trẻ luôn làm những chuyện đúng đắn. Sách truyện đâu có viết về những đứa trẻ chuyên làm những chuyện đúng đắn chứ. Như thế thì chúng sẽ nhạt hoen hoét đến độ chẳng ai buồn đọc nữa.



Emily thắp nến, xỏ chân vào tất và khoác thêm chiếc áo choàng dày cộp, rồi lấy ra một cuốn sổ Jimmy khác đã kín chữ quá nửa và bắt đầu viết, dưới ánh nến đơn độc, chập chờn đang vẽ nên một ốc đảo ánh sáng nhợt nhạt giữa căn phòng vốn tối đen như mực. Emily viết giữa ốc đảo ánh sáng ấy, mái đầu đen cúi rạp trên quyển sổ, trong khi buổi tối chậm rãi trôi qua lặng lẽ, giữa lúc các cư dân khác của trang trại Trăng Non đều đã chìm sâu vào giấc ngủ; càng lúc người càng lạnh và tư thế cũng bắt đầu thiếu thoải mái, nhưng con bé gần như chẳng hề nhận ra. Đôi mắt nó bừng cháy... hai gò má ửng hồng rạng rỡ... ngôn ngữ tuôn trào như đoàn quân thần thánh răm rắp tuân theo tiếng gọi từ ngòi bút. Cuối cùng, đến lúc cây nến tàn xèo xèo hấp hối giữa vũng sáp nhỏ dưới chân nến, con bé mới rùng mình thở dài quay về hiện thực. Đồng hồ chỉ hai giờ sáng, Emily vừa lạnh cóng vừa mệt rũ; nhưng con bé đã hoàn thành câu chuyện của mình, và đó là câu chuyện đặc sắc nhất con bé từng sáng tác. Emily rúc vào trong cái ổ giờ đã lạnh ngắt, lòng tràn ngập cảm giác hân hoan mãn nguyện nhờ đã đáp ứng trọn vẹn thôi thúc sáng tạo của mình, và thiếp đi giữa tiếng ru hời của cơn bão đang đà suy yếu.