Tôi ra ngoài, đến phòng nghỉ thay quần áo, vừa đợi kết quả cuộc thi.
Thật ra tôi không quan tâm kết quả ra sao, chỉ cần dì có thể nghe hiểu là tốt lắm rồi.
Tôi vừa thay quần áo, vừa bình tĩnh suy nghĩ vài chuyện.
Lúc trước dì bảo “nghe không hiểu” rất nghiêm túc, nói cách khác là dì cố ý lẩn tránh tôi.
Nhưng lần này dì không có chỗ để trốn, hoặc là không đành lòng, hoặc là dì không muốn làm tâm trạng của tôi bị ảnh hưởng trước khi thi, nên mới nói “Có thể nghe hiểu”? Tôi cũng chẳng biết dì thật lòng hay miễn cưỡng nữa.
Nhưng tôi không muốn truy cứu nữa, tôi có tư cách gì để tranh luận đây? Dì có thể không kháng cự tôi cũng coi như tận tình tận nghĩa rồi.
Tôi ra khỏi phòng thay đồ, thấy dì đang ngồi trên ghế sofa.
Tôi đi tới, ngồi bên người dì, biết dì đang nghe điện thoại công việc. Tôi quay đầu lại nhìn dì, tham lam ngắm kỹ mỗi biểu cảm, mỗi cái nhíu mày, mỗi cử chỉ tập trung ấy.
Tôi không biết còn bao nhiêu cơ hội tiếp cận dì giống như vầy nữa. Không lâu sau, tôi sẽ rời đi, đến một nơi xa lạ, sống đơn độc. Còn dì sẽ kết hôn lần nữa, sống một cuộc sống bình dị, hạnh phúc.
Có lẽ nên buông xuống thôi, tôi đã níu kéo quá lâu rồi. Nếu cứ tiếp tục như vậy chắc sẽ điên lên mất, nói không chừng còn có thể làm dì bị tổn thương. Tôi thà chết cũng không muốn thấy kết quả như thế đâu.
Lòng nghĩ vậy nên thấy thật an định.
Lát sau, dì cúp điện thoại. Quay đầu cười nói với tôi:
“Thỏ Con, sau này con nên tham gia nhiều hoạt động giống thế này nha. Nói không chừng sẽ nổi tiếng đó!”
Tôi cười cười, cũng không trả lời.
“Con đó, sống hướng nội lại trầm tĩnh, phải kết giao với nhiều bạn bè, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đừng tự nhốt mình trong vỏ ốc.”
Thì ra trong mắt dì, tôi là người như vậy.
Có lẽ dì nói đúng, tôi xác thực chính là người như vậy, một cô gái chẳng có ai thích. Nếu tôi là dì, đại khái cũng sẽ không thích đứa Thỏ Con như thế.
“Con biết”, tôi nhẹ nhàng nói, “Nhưng con cảm thấy như vậy cũng không có gì không tốt. Con không cần người khác xen vào cuộc sống của mình, cũng không hy vọng người khác hiểu. Thay vì ở cạnh người mình không thích, chi bằng thơ thẩn một mình thôi. Đúng như lời dì nói, quen rồi.”
“Haiz, con cứ như vậy. Có lúc dì cũng không biết nên nói với con thế nào. Nhớ hồi nhỏ con rất nghe dì mà. Chẳng trách ai cũng nói lớn rồi sẽ thay đổi. Xem ra con thật sự trưởng thành rồi.”
“Con đã sớm trưởng thành rồi, già lọm khọm nên tim đương nhiên cũng héo hon.”
“Lại nói càn. Không lẽ tuổi trẻ bây giờ đều chán nản như vậy sao!?”
“Ha ha, tại dì xui xẻo gặp phải quái thai như con thôi.”
Dì ngừng lại, nghiêm túc nhìn tôi:
“Có phải con không thích công việc hiện tại không? Con muốn làm gì, có thể nói cho dì biết không?”
“Không đâu ạ. Công việc hiện giờ rất tốt.”
“Ừ, vậy dì cũng an tâm.”
Đúng vậy, mối quan hệ của tôi với dì cũng chỉ giới hạn đến đó thôi.
“Dì Lạc, con thật sự rất nhớ lúc trước!” Tôi kìm lòng không đặng, thay vì nói với dì, chi bằng tự mình nói sảng.
“Lúc trước?”
“Dạ, lúc trước chúng ta rất thân thiết, cùng ăn, cùng ngủ, cùng xem ti vi. Dì còn dạy con khiêu vũ nữa. Con cũng nấu cơm cho dì…”
“Thỏ Con!” Dì cắt đứt lời tôi, “Con người không thể cứ đứng mãi một chỗ. Con đang lớn dần lên, còn dì thì đang từ từ già đi. Hơn nữa cuộc sống xung quanh của chúng ta cũng thay đổi.”
“Nhưng con còn rất hoài niệm. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời con…”
“Ừ, dì cũng hoài niệm, nhưng chúng ta cũng không thể quay về được. Chúng ta chỉ có thể nhìn về phía trước thôi.” Giọng nói của dì dần dần nhẹ nhàng, chậm chạp, tựa hồ cũng đắm chìm trong hồi ức cũ.
“Dì Lạc” Tôi lấy dũng khí, hỏi dì, “Dì có định kết hôn với chú Tiểu Thái không?”
Dì hơi ngẩn ra, đại khái cũng không ngờ tôi sẽ hỏi như thế, hai má hơi ửng đỏ.
“Cái này… Bây giờ nói còn quá sớm.” Dì trả lời lấy lệ.
“Nếu dì thật sự định kết hôn, con cũng muốn chúc phúc cho dì sớm một tí.” Tôi rõ ràng hi vọng dì hạnh phúc, nhưng chẳng hiểu sao tim lại đau như đang rỉ máu.
“Con cảm thấy chú ấy thế nào?” Dì hỏi ý kiến của tôi.
“Con không hiểu chú lắm, nhưng nếu chú ấy có thể đối xử tốt với dì thì những thứ khác đều không quan trọng.”
“Ừ, chú ấy đã ly hôn, nghe nói là vợ cũ cũng tái giá rồi. Con đi theo vợ trước, đã học đại học.”
“Dạ.” Tôi gật đầu một cái.
“Nhưng dì cũng không biết có nên cùng chú ấy đi thêm bước nữa không. Có một số việc, nghĩ đơn giản rất đơn giản, phức tạp lại rất phức tạp.”
“Dạ.” Tôi cũng không biết nên nói như thế nào.
“À, gần đây dì ngủ không ngon giấc lắm, phải uống thuốc an thần.”
“Dì về hưu hưởng thụ cuộc sống sớm chút đi, đừng bức ép bản thân mệt mỏi.”
“Ha ha, quỷ nhỏ, dì mà về hưu là thành bà già liền đó!”
“Bà già như dì tệ lắm cũng cỡ Thiên Sơn Đồng Mỗ (1) thôi, sẽ là bà già xinh đẹp nhất.”
“Lại nói càn, đó không phải là yêu quái sao!”
Đang lúc nói đùa thì có người đi vào bảo chúng tôi ra ngoài nhận thưởng.
******
Bài thơ “Nếu em hiểu tôi, sẽ tốt biết bao” – Mạc Ngôn (2)
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Mỗi con người cũng có một góc chết,
Bản thân không bước ra được, người khác cũng không xông vào được.
Tôi đặt bí mật sâu kín nhất trong đó.
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Mỗi người cũng có một vết thương,
Hoặc sâu hoặc nông, che tấm vải lại, cho là không tồn tại.
Tôi bôi máu tươi đỏ thắm nhất vào đó.
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Mỗi người đều có một tình yêu say đắm,
Bằng trái tim, bằng tình cảm, bằng sức lực, cảm động và sầu não.
Tôi giấu tâm tình nóng bỏng nhất trong đó.
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Mỗi người đều có một hàng nước mắt,
Uống xong nước lạnh như băng, nước mắt nóng hổi dần hình thành.
Tôi dồn chứa nỗi buồn tủi chua chát nhất trong tim vào đó.
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Mỗi người đều có một đoạn tỏ tình,
Thấp thỏm, bất an, lại bao hàm lòng chân thật và dũng khí.
Tôi để lời nói tỏ rõ tình cảm nhất vào đó.
Em không hiểu tôi, tôi không trách em.
Em vĩnh viễn cũng không nhìn thấy lúc tôi yêu em nhất,
Bởi vì lúc không nhìn thấy em, tôi mới yêu em nhất.
Tương tự vậy,
Em mãi mãi cũng không nhìn thấy lúc tôi cô đơn, lạnh lẽo nhất,
Bởi vì lúc em không nhìn thấy tôi, tôi mới cô đơn, lạnh lẽo.
Có lẽ, tôi che giấu nỗi buồn của mình quá tốt.
Có lẽ, tôi tự an ủi vết thương lòng quá hay.
Có lẽ, trong mắt em, tôi chăm sóc bản thân mình quá chu đáo,
Nên em cũng không để tâm đến cảm nhận của tôi.
Em cho rằng tôi có thể nhanh chóng trở lại như cũ.
Từ lúc mưa dầm cho tới cảnh sắc tươi đẹp, tôi đi ngang qua bùn lầy, đi ngang qua bão giông.
Em chưa từng hiểu tôi, tôi cũng không trách em.
Không phải tôi muốn chứng tỏ mình rộng lượng,
Cũng không phải thể hiện mình hào phóng.
Chỉ muốn em biết, nếu đã không có tình cảm thì trách cứ cũng vậy thôi.”
(1) Thiên Sơn Đồng Mỗ (nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ) có ngoại hình giống một cô bé con 12 tuổi. Bà cần phải uống máu mỗi giữa trưa và luyện công đủ 90 ngày mới khôi phục lại công lực vì môn nội công này cứ mỗi 30 năm, phải tịnh tu một lần, thời gian một lần tùy theo số tuổi, lúc đó, Thiên Sơn Đồng Mỗ 96 tuổi thì phải luyện 90 ngày (Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt đầu luyện môn này lúc 6 tuổi).
(2) Tác giả Mạc Ngôn (莫言) nghĩa là “không nói” tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông xuất thân nông dân, đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976, năm 1984 trúng truyển vào khoa văn thuộc Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Từ năm 1981 khi bắt đầu công bố tác phẩm đến nay, Mạc Ngôn đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. Ông đã từng được thế giới biết đến với tác phẩm “Cao lương đỏ” đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim đã được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2012.