Dường Như Dì Đã Nói Yêu Tôi

Chương 24




Tôi lục tục tìm phim mà Viên Quân đề cử, rồi còn viết bài cảm nhận. Sau đó cậu ấy hẹn tôi đi ăn, tôi đưa cho cậu đọc. Cậu cũng nói lên suy nghĩ của mình. Viên Quân là một người thẳng thắn, nghĩ gì đều nói nấy, không che giấu. Cậu giới thiệu cho tôi vài bộ phim, nói tôi viết phản hồi rất hay, không chừng được đăng lên báo, làm tôi vui. Cậu vẫn như xưa, nụ cười toe toét rất chân thành tha thiết.

Về sau, mỗi khi không có tiết, chúng tôi sẽ cùng nhau ăn uống, trò chuyện về phim ảnh, cuộc sống. Vì ảnh hưởng của cậu ấy, tôi cũng trở nên yêu điện ảnh Pháp, đặc biệt là phim nghệ thuật Pháp. Thâm thúy, huyền bí, cao quý làm tôi như say như mê, mà những điện ảnh nước khác không thể sánh bằng. Tôi phát hiện, tuy bên ngoài Viên Quân luôn cười hì hì, nhưng bên trong là một trái tim nhạy cảm và phong phú. Có lẽ phải nói rằng, cậu ấy là một người theo chủ nghĩa lý tưởng. Cậu nói tôi biết, giấc mơ của cậu, là đi phượt châu Âu cùng với chiếc máy ảnh, chụp lại những khoảnh khắc, con người, làm một bộ phim tài liệu.

Vào ngày nghỉ, Viên Quân mời tôi đến nhà cậu để xem bộ sưu tập của mình, tiện thể cho tôi mượn một vài bộ về xem. Lúc trước tôi biết cậu có rất nhiều đĩa, không ngờ lại nhiều như vậy. Trong phòng cậu ta chất đống cũng phải mười mấy hộp đĩa lớn nhỏ, sắp xếp theo loại phim, đạo diễn… Tôi hỏi cậu tổng cộng có bao nhiêu. Cậu bảo có hơn hai ngàn. Tôi sợ đến trố mắt nhìn không biết phải nói gì. Tôi bảo cậu thật sự nên mở tiệm thuê đĩa đi. Cậu rất nhanh bảo không, nói tất cả đều là cục cưng, không muốn người ngoài chạm vào, chỉ vì tôi biết được giá trị, nên mới cho tôi mượn. Tôi nói được ưu ái thấy sợ luôn.

Ngày nghỉ hôm ấy, tôi xem rất nhiều phim. Cách tư duy của người Tây, nhân sinh quan, thế giới quan, thẩm mỹ quan đều rất khác biệt với chúng ta, nhưng tôi rất thưởng thức. Tư tưởng độc lập, cá tính không chịu gò bó, thậm chí sự cô độc, tịch mịch, chán chường, cũng rất hay ho, tuyệt đối không phải giả vờ giả vịt, có lẽ kiêu ngạo đã ngấm vào trong máu rồi. Nữ diễn viên Pháp, không phải đẹp nhất nhưng đặc biệt nhất. Juliette tinh khiết, Isabel Huppert nên thơ, Sophie Marceau dịu dàng, Adjani âu sầu, Elaine Jacobs thánh thiện. Mỗi người đều rất đặc biệt, vừa xuất hiện lập tức phát ra ánh sáng chói lọi.

Viên Quân rất thích Emmanuelle Béart. Trong một đống phim cậu ấy đưa tôi, từ “Manon des Sources”, “Date with an angel” cho đến “La belle noiseuse”, “Nelly & Monsieur Arnaud “, rồi lại đến “Temps retrouvé”, “8 Women”, Béart thể hiện sự duyên dáng, bí ẩn độc đáo của mình qua cách hóa thân đa dạng, khi thì tinh khiết, khi thì hoang dã, khi thì âu sầu, đôi mắt xanh biếc như hồ nước sâu thẳm khó dò. Viên Quân nói, cô ấy là nữ thần trong lòng cậu. Cậu ta rất mong tôi cũng có thể thích cô ấy.

Nhưng so ra, tôi lại càng thích Catherine Deneuve, khí chất nữ vương cao quý lạnh lùng, làm người xem thật khó quên. Tôi xem phim nào cô ấy đóng vai chính, ấn tượng tương đối rất sâu, khi nàng còn trẻ “The umbrellas of Cherbourg”, “Belle de Jour”, trung niên thì có, “The last metro”, “Hotel of the Americas”, “The hunger,” “Đông Dương”, “Dancer in the dark,” “The dangerous liaisons”, v.v..

Có thể nói, theo độ tuổi, diễn xuất của cô lại càng đạt đến tầm cao mới. Cô không gợi cảm như Emmanuelle Béart, mà có một khí chất đặc biệt, lạnh lùng đến mức khó có thể tiếp cận, bí ẩn đến nỗi kẻ khác hít thở không thông. Khí chất này, sau khi cô bước vào độ tuổi trung niên biểu hiện vô cùng nhuần nhuyễn. Mọi người gọi cô là người đẹp băng giá. Hay như thuyết tảng băng trôi của Hemingway: “Núi băng đồ sộ có thể di chuyển được vì nó chỉ nổi một phần tám trên mặt nước.”

Có đôi lần, tôi so sánh dì Lạc với các nữ diễn viên ấy. Dì Lạc ngoại trừ khí chất hơi tương đồng với Deneuve ra, thì khác biệt hoàn toàn. Nhưng tôi phát hiện ra một quy luật, hễ ai có vẻ đẹp nữ tính bí ẩn, đều sẽ khiến lòng người nhớ nhung không nguôi. Nếu nói “mị hoặc”, chính là tại sức quyến rũ mà còn nghi hoặc đi. Đặc biệt trong phim “Đông Dương” (1), có một đoạn Deneuve cùng cháu gái mình nhảy một điệu Tango. Cô mặc chiếc đầm đen dạ hội, tóc vàng óng ánh được vén lên, đôi mắt trân châu thấp thoáng vẻ ưu thương, làm tôi không khỏi nhớ đến cảnh tượng mình khiêu vũ với dì Lạc ngày ấy.

Tôi xem bộ phim này đến ba lần, tốn không ít nước mắt. Eliane, đây là tên của cô trong phim. Dù đã quá ngũ tuần, cô vẫn sáng ngời đẹp đẽ, ánh mắt thay đổi, lạnh lùng trang nghiêm, gợn lên hàng ngàn tình tự, như nước lửa hóa vào nhau mâu thuẫn mà đẹp đẽ, khiến người im lặng nín thở. Jean-Baptiste diễn xuất tốt. Tôi lại nghĩ rằng với cách diễn xuất của ông, chưa từng thấy ông diễn nhập vai xuất sắc đến vậy. Ông có lẽ không phải là diễn viên giỏi, chẳng qua là một người đàn ông thích hợp với vai này thôi, vì vậy diễn vai chính dễ dàng hơn nhiều.

Có nói gì đi nữa thì đây là một cặp đôi hoàn hảo. Khí chất lạnh lùng như băng và cá tính nóng bỏng như lửa, gặp nhau ắt lưỡng bại câu thương. Cô bị ánh mắt của gã hấp dẫn, không kể lần đầu gặp mặt ở hội trường đấu giá, lớn gan đến đường đột, hay là trong căn phòng nhỏ trong rừng dịu dàng say mê. Bọn họ căn bản không có quá nhiều ngôn ngữ, ánh mắt gã đã nói tất cả với cô. Đôi mắt màu xám to sâu trong suốt, nhìn cô không chớp, như một đứa trẻ nhìn nữ thần, si ngốc. Như lẽ tự nhiên, thiêu thân lao đầu vào lửa.

Tôi vẫn luôn cho là không phải cháu của Eliane chia rẽ bọn họ. Dù không có Camille, bọn họ cũng rất khó sống với nhau. Jean-Baptiste và Camille, không gọi là yêu, cùng lắm chỉ là một chút thương tiếc mà thôi. Tim của gã sớm đã thành núi băng trong lửa cháy, tựa như rượu lâu năm đã bay hơi hết, há dễ say ngã ở ly rượu nhạt này? Để hai người chia lìa là do cá tính quật cường của họ. Là do Eliane không còn tự tin. Là do tình yêu thương của Eliane đối với Camille. Là Jean-Baptiste có tính sở hữu cao quá mức với Eliane.

Luyên thuyên nhiều như vậy e là không liên quan đến nội dung lắm. Tôi chỉ muốn nói rằng, bộ phim này rất đáng xem.

Có lẽ tôi đã lún sâu vào hoang tưởng, thành người trốn tránh thực tại. Trong giấc mộng hoang đường ấy, tôi kiếm tìm hình bóng người, nhưng không dám đối mặt với người. Có lẽ là do quá tự ti, tựa như tên ăn mày thầm mến nữ hoàng, hèn mọn như hạt bụi.

(1) Đông Dương (Indochine)- 1992: Một bộ phim Pháp của đạo diễn Régis Wargnier công chiếu lần đầu năm 1992. Lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp. 

P/S: Mình cảm thấy chú thích nhiều chắc không ai quan tâm đâu nên thôi:v. Còn phim này lấy bối cảnh Việt Nam nên gần gũi nên giới thiệu với mọi người, rảnh rỗi thì xem nhé.