Mắt Hứa Qua nhìn Lệ Liệt Nông không chớp, cô hỏi: "Artenza, vòng cổ của em ở đâu rồi? Chiếc vòng cổ có treo nhẫn đính hôn của chúng ta giờ ở đâu?"
Câu hỏi của cô khiến ánh mắt người đối diện ngẩn ngơ.
Nhưng chỉ trong nháy mắt, gió lại thổi mái tóc anh lộn xộn. Ánh mắt lập tức sắc bén trở lại khiến cô không kìm được mà nghĩ rằng sự ngẩn ngơ ban nãy là do cơn gió.
Lúc này anh không chỉnh tóc mà nhìn cô: "Anh không biết."
"Sao anh lại không biết?"
"Bà Lệ, em có nhiều câu hỏi thật đấy", anh như thở dài: "Em có thể coi câu trả lời của anh là một dấu hiệu tốt, là anh tôn trọng tự do cá nhân của em. Không phải mấy chuyên gia tình cảm vẫn hay nhai đi nhai lại đó sao? Phụ nữ cực ghét đàn ông hỏi tiền, hay là lén mở hộp trang sức của họ?"
"Artenza", Hứa Qua lắc đầu: "Anh hẳn biết, em chưa từng coi đó là đồ trang sức."
Im lặng.
"Nói em biết, chắc chắn anh biết nó ở đâu."
"Hứa Qua", anh nhìn cô bằng ánh mắt khó xử: "Giống như con cún Hoa Hoa em nuôi lúc nhỏ, trên thế giới này chuyện như vậy luôn xảy ra mà. Một ngày nào đó khi tỉnh lại sẽ phát hiện cái gì đó đã biến mất."
Nhà lãnh đạo 1942 cực giỏi khoản ăn nói, an ủi những người khác. Xem kìa, anh nói câu kia mới chân thành và tha thiết làm sao. Chỉ là người phụ nữ trước mặt anh không phải một người đang suy sụp, cho nên sau khi nói xong, anh không dám nhìn thẳng vào mắt cô nữa.
Liệu đây có phải biểu hiện của chột dạ?
"Đừng nói với em những câu kiểu đó!", Hứa Qua cao giọng: "Lệ Liệt Nông, anh đừng xem nhẹ trực giác của phụ nữ."
Lời của cô thành công làm anh nhíu mày lại.
Cô nhìn anh chằm chằm: "Không phải anh nói giờ em đã là bà Lệ sao? Thành thật với nhau chính là điều quan trọng trong hôn nhân đấy!"
"Hứa Qua..."
"Artenza", không biết từ lúc nào mà tay cô đã cuộn chặt lại: "Trả lời em! Hơn nữa, em hy vọng anh có thể nhìn vào mắt em khi trả lời."
"Hứa Qua..."
"Lệ Liệt Nông!"
Y như mong muốn của cô, ánh mắt đang nhìn hàng cây lần nữa quay lại nhìn khuôn mặt cô. Bốn mắt nhìn nhau.
Một lát sau anh mới nói nhè nhẹ: "Có một ngày, anh bỗng phát hiện em không đeo nó nữa. Chỉ vậy thôi."
"Lúc anh phát hiện em không đeo nữa là lúc nào?"
Nếu không phải là chất giọng hùng hổ dọa người của cô cùng với cả cơ thể căng cứng vì tức giận, Hứa Qua đã suýt quên mình từng là đặc vụ tình báo, trải qua hơn mười tiếng huấn luyện mỗi ngày từ lú mười lăm đến mười tám tuổi.
"Em cũng biết là anh rất bận", lại cái điệu bộ gượng gạo ấy: "Nói không chừng khi anh phát hiện ra thì em đã không đeo một thời gian dài trước đó rồi."
Nói cách khác, cô tự đi mà nghĩ đi, đừng ép anh nói ra một khoảng thời gian chính xác.
Rồi giọng anh theo gió lọt vào tai cô: "Xin lỗi em, lúc ấy, hẳn anh nên hỏi em 'vòng cổ em đâu rồi', vì đó là thứ vô cùng ý nghĩa với em."
Không biết từ lúc nào, bàn tay cô đã nằm gọn trong bàn tay anh. Cũng không biết từ lúc nào, nắm đấm đang cuộn tròn lại đã buông ra. Luôn là như vậy, đối diện với giọng nói mềm mỏng, êm ái của anh, dù là chân thành hay giả bộ, cô đều bại trận hoàn toàn.
Như lúc này, nhìn khuôn mặt tái nhợt của anh, cùng với biểu cảm ảo não càng khiến lòng cô mềm như bún.
Sự giằng co này cuối cùng cũng đạt giới hạn: "Lệ Liệt Nông, anh đừng nhìn em như vậy."
Nhà lãnh đạo 1942 có năng lực phán đoán, xử lý tình huống thật tốt.
"Có lẽ anh sẽ thử một chút, xem có tìm được nó không. Nếu không tìm được thì chắc là mất thật rồi."
Anh nói như vậy đấy. Ý anh rất rõ ràng: Em xem, anh thật sự không biết nó ở đâu, nếu biết, nhất định anh sẽ dốc sức tìm.
Cô còn muốn nói thêm gì đó thì anh cắt ngang:
"Bà Lệ, hiện tại ông Lệ vẫn là bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau gấp năm lần lượng cho phép để có thể đứng bình thường thế này trước mặt bà Lệ."
Dù vẫn còn một chút không cam lòng, nhưng sau câu "Không phải em nói anh khó chịu, em cũng khó chịu theo sao?" của anh, cô không thể nói thêm gì nữa.
Tất cả nghi ngờ, hoảng loạn, mờ mịt đều biến mất.
Những gì mà cô có thể nói chỉ là: "Không phải anh nói em toàn tự ảo tưởng sao?"
Anh bật cười, nụ cười đẹp rực rỡ, như thể phát ra ánh sáng vậy. Hơn một tiếng trước, hơi thở của anh còn vương vấn ở môi cô, ở tim cô.
"Chuyện em muốn biết đã biết rồi, anh biết chuyện này sẽ khiến em hoang mang, vì ký ức, tâm lý em giờ vẫn còn là ở thời hai mươi tuổi. Chúng mình hồi đó đã hẹn đến khi em hai lăm tuổi sẽ kết hôn, nên nó đã ăn sâu bén rễ vào tâm trí em."
Anh dừng một chút, như đang tìm kiếm một hình ảnh phù hợp để so sánh. Rất nhanh anh đã tìm được: "Giờ em giống đứa nhỏ vừa học xong tiểu học mà đã nhảy lên cấp ba, cho nên em không tiêu hoá được tin tức này. Nhưng không sao, anh chắc chắn em sẽ thích ứng được rất nhanh, nhất định lúc ấy em sẽ rất vui vẻ."
Anh nói cho cô nghe, cũng như thể tự thuyết phục chính anh.
Có lẽ vậy, giống như anh nói, cô là một người chẳng có tiền đồ, đam mê trước đến giờ cũng chỉ có một là gả cho anh.
Cho nên cô nên biết chuyện nào nặng chuyện nào nhẹ.
"Chúng mình về thôi, không mấy ông bác sĩ kia tức chết mất."
Cô gật đầu.
Cô cố ý đi thật chậm, tới mức chậm hơn cả những bước đi chậm chạp của anh. Cho đến khi anh dừng lại, chìa bàn tay ra trước mặt cô. Hứa Qua nghĩ vài giây rồi đặt bàn tay vào tay anh.
Quãng đường ra khỏi rừng cây, Hứa Qua cảm giác như chính cô mới là người cần kiểm tra sức khỏe. Có lẽ chỉ tới khi quan tài đóng nắp, những vấn đề đó mới buông tha tâm trí cô. Ban đầu chỉ là những rối rắm, hoài nghi rồi dần dần biến thành nỗi phiền muộn, nói không chừng...
Nói không chừng, chuyện năm ấy có lẽ không tới mức như cô suy đoán. Họ thật sự chỉ cãi nhau một trận, sau đó cô tức giận trốn đi. Artenza sau lần ấy mới ý thức được vị trí quan trọng của cô, anh nghĩ sớm hay muộn rồi cũng phải kết hôn nên mới lôi cô đến Las Vegas đăng ký.
Đương nhiên, chắc chắn hồi đó cô cũng đã làm khó anh một chút, kiểu như dùng dằng một hai ngày mới nhận lời cầu hôn chẳng hạn.
Nói không chừng chẳng có sự xuất hiện của người thứ ba nào.
Ánh mắt cô tìm kiếm bóng hình anh, nhớ lại mối tình nảy sinh từ nhỏ đến tận bây giờ. Như cảm nhận được suy nghĩ trong đầu cô, anh nghiêng mặt nhìn.
Ánh nắng chiếu trên mặt anh, khiến toàn bộ khuôn mặt vốn đẹp trai nay càng thêm sáng láng, tỏa nắng. Tia nắng chiếu lên nụ cười anh, rồi nụ cười ấm áp ấy rọi ánh sáng vào lòng cô, kích thích một niềm vui nho nhỏ.
Đột nhiên, cô đã trở thành bà Lệ.
Bà Lệ, Lệ phu nhân, cô thầm nhẩm trong lòng.
"Nhìn đến mức không khép nổi miệng rồi?" Anh trêu.
Anh đang trêu chọc vợ mình, và nếu bạn nghe kĩ thì sẽ nhận ra sự thân mật giữa hai vợ chồng trẻ.
Anh cong môi lên khiến nụ cười càng thêm phần chói mắt.
Sau đó, cô nghe được một câu trầm thấp của anh. Anh nói hàm hồ gì vậy, trong đầu cô tua lại câu anh mới nói vài lần, rõ ràng anh nói...
"Artenza, anh nói lại câu vừa rồi đi."
"Hửm, anh vừa nói cái gì?"
Mím môi lại, Hứa Qua thầm cảm thấy đây là biện pháp tốt nhất. Chẳng may cô mà nhắc lại sai, có khi anh lại cười nhạo cô tự sướng.
"Con gái ông chủ tiệm kim khí thật thông minh, em mà cứ như vậy thì... Thì về sau, cuộc sống của anh sẽ mất đi một ít niềm vui rồi."
Anh làm bộ vừa phiền não, vừa thiếu đứng đắn: "Anh thấy em ngốc một chút cũng tốt."
Mẹ kiếp, người này dám coi cô là cô nhóc ham ngủ nướng mùa đông những năm ấy.
"Lệ Liệt Nông!", Hứa Qua không nhịn được ngoạc miệng: "Anh đừng nói với em với kiểu đó. Anh phải nhớ kỹ giờ em đã hai sáu tuổi rồi, không phải trẻ nhỏ."
Anh lập tức nhại lại điệu bộ mím miệng của cô lúc trước, nhưng biểu cảm vô cùng ngứa đòn, ý rằng cô chính là đứa nhóc mãi không trưởng thành được.
Kệ anh đó, dù gì tuổi tâm lý của cô cũng là hai mươi, nhưng mà...
Giọng cô đè nén: "Ngài Lệ, chớ có quên nghề của tôi là gì. Dì Mai rất xem trọng năng lực của tôi đó."
"Hừ."
Tốt rồi, đánh giá của dì Mai lúc nào cũng có trọng lượng.
Từ năm mười tám tuổi đế năm hai mươi tuổi, Hứa Qua làm tình báo và điệp viên, nếu dùng cụm từ 'có chút thành tựu' thì hơi miễn cưỡng.
Dì Mai từng nói vẻ bề ngoài của cô có thể khiến kẻ địch lơi là cảnh giác. Khuôn mặt cô chẳng hề ăn nhập với tuổi tác chút nào, cộng thêm sự thông minh và lanh lỏi, chỉ với hai năm trong nghề, Hứa Qua đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ thuận buồm xuôi gió. Trong thời gian làm tình báo, cô còn lấy cho mình một cái biệt danh rất hay và ngầu: "Lam".
"Lam" là kết hợp giữa sự tinh tế, thanh nhã và kiêu ngạo bất kham.
Khi Hứa Qua đang đắc ý thì dì Mai lại nói với cô rằng: "Hứa Qua, thành tích tốt nhất của con cũng chỉ mới như một con ngựa ô thôi. Khi so sánh với ngựa ô, ý dì muốn nói là thành công chẳng hề có may mắn, hay bao gồm chữ duyên nào cả. Trên thế giới này, rất nhiều người có xuất phát điểm không tốt. Một khi con nằm trong tầm ngắm của những người như thế, họ sẽ soi con như soi dưới kính hiển vi. Bất kỳ nhược điểm nào của con cũng bị phơi bày không sót cái gì. Khi đó, con mới được thử thách bản thân thật sự."
Dì Mai còn lấy ví dụ: "Ở Argentina có hai đội bóng cực kỳ nổi tiếng, đó là Boca Junior và River Plate. Hai đội bóng đó đều có trụ sở ở Buenos Aires. River Plate là đội bóng quý tộc, họ xây dựng sân vận động cực kỳ hoa lệ và khiến tên tuổi của đội bóng càng trở nên vững chắc trong Argentina League. Nhưng nơi đó chỉ dành cho người có tiền, chỉ người có tiền mới được vào trong chơi bóng. Đa phần thanh niên ở Buenos Aires đều là những người nghèo, họ không có nghề nghiệp ổn định, sống ở đáy xã hội nhưng lại vô cùng đam mê bóng đá. Họ không có tiền mua vé vào sân, chỉ có thể ngửa cổ ngước nhìn những chàng trai quý tộc trong đội bóng kia."
"Rồi một ngày, những người này đã tập hợp lại, họ cùng góp những khoản tiết kiệm của mình, và nhờ giúp đỡ của một thương nhân nhỏ, họ thuê một công xưởng để thành lập đội bóng. Sau này, đó chính là đội Boca Junior."
"Boca Junior xuất hiện ở Argentina League trong tư thế của những con ngựa ô. Ở thời điểm khó khăn nhất, họ không giống những con ngựa ô khác nhanh chóng biến mất không chút dấu vết. Bằng nghị lực, sự cứng cỏi, bền bỉ của mình, họ đã vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất để tồn tại tới tận bây giờ, khi trên bàn ăn chỉ còn một đội bóng bình dân và một đội bóng quý tộc."
"Chuyện đó rất phổ biến trên sân bóng, chuyện thành hay không là ở ý chí con người. Dì Mai mong một ngày, Tiểu Qua cũng trở thành một chiến binh như đội Boca Junior."
Lời dì Mai nói từng khiến cô nhiệt huyết sục sôi.
Không biết, Hứa Qua hai sáu tuổi đã trở thành chiến binh Boca Junior như hy vọng của dì Mai chưa? Câu trả lời chỉ cách cô một bước thôi.
Câu hỏi đã đến cổ họng, nhưng cuối cùng sự hồi hộp, sợ hãi khiến cô rụt rè, không dám hỏi nữa.
Chẳng may cô không đạt được hình tượng mà dì Mai hy vọng thì sao? Phải biết rằng ông chủ tiệm kim khí còn có huân chương SEAL đó.
"Em làm sao vậy?" Lệ Liệt Nông thấp giọng hỏi.
Môi cô mím chặt.
"Hứa Qua."
"Vâng."
Sự trầm mặc ngắn ngủi qua đi: "Anh và dì Mai giống nhau, đều rất coi trọng năng lực của em. Đây là lời khen dành cho Hứa Qua hai mươi tuổi."
Cô cụp mi mắt.
"Hứa Qua."
"Vâng."
"Hứa Qua hai sáu tuổi rất tuyệt, tuyệt đến mức nào thì em sẽ dần biết thôi. Có lẽ khi em tự mình biết được sẽ càng vui và cảm thấy kỳ diệu hơn là nghe từ miệng người khác."
Cứ như vậy trong nháy mắt, người đang nắm lấy bàn tay cô đã trở thành người đàn ông mà cô luôn mơ ước, vừa là người yêu, vừa là tri kỉ, cũng là anh trai.
Tình cảm đột nhiên trào dâng tới khiến lòng cô mềm mại, tiếng "Artenza" phát ra càng thêm vui vẻ.
"Artenza, em muốn nghe lời anh vừa nói."
"Câu nào cơ?", Anh giả vờ nghiêm túc.
Nhà lãnh đạo 1942 đúng là giỏi giả bộ.
"Là câu trước nữa ý."
"Anh vừa nói không ít câu mà."
Đồ tồi, rõ ràng anh định gài cô nói ra lời đó, rồi anh được cơ hội cười nhạo cô tự sướng.
"Nếu giờ em lấy danh nghĩa bà Lệ để yêu cầu ông Lệ lặp lại lời vừa nói thì sao?", Hứa Qua cao giọng.
"Bà Lệ àaaa..." Ai đó lớn giọng.
Hứa Qua gằn từng chữ: "Lệ. Liệt. Nông!"
Lệ Liệt Nông làm ngơ với cảnh cáo của cô, anh nhìn về đằng trước, ngôi nhà mái ngói đỏ đã ở gần ngay trước mắt, bàn tay anh nắm chặt lại.
"Hứa Qua."
"Vâng."
Bọn họ không hẹn mà bước chậm lại, lỗ tai cô dỏng lên tập trung hơn bao giờ hết.
Dừng một chút, anh nói: "Mấy ngày nữa là anh có thể cõng em đi vài vòng trong rừng rồi."
Bước chân bước lên bậc thang trong khi khuôn mặt đã sớm rạng rỡ, hớn hở. Cô nghe không sai, không phải cô tự sướng, Artenza thật sự nói "Mấy ngày nữa là anh có thể cõng em đi vài vòng trong rừng rồi."
Chân cô vừa bước vào phòng của họ, cửa vừa khép lại thì tiếng gõ cửa vang lên.
Cô mở cửa. Ngoài cửa là một người đàn ông da trắng khoảng 50 tuổi, bộ dạng sương gió mệt mỏi. Người đàn ông da trắng này chính là thủ trưởng quân đoàn ở 1942, là người Nga, tên Alexander.
Phía sau người đàn ông Nga chính là Phương Vy Kỳ.
Mắt kính dày cộp đã biến mất, tóc được vuốt ra phía sau, khuôn mặt cương nghị, sắc bén như được một đạo diễn nào đó nhào nặn thành hình tượng anh hùng có thể lên trời xuống đất.
Phương Vy Kỳ đứng ngoài cửa và Phương Vy Kỳ 'lao công miễn phí' như thể hai con người khác nhau, vĩnh viễn không bao giờ liên quan. Nếu như không phải vì đôi mặt quen thuộc kia, có lẽ cô đã...
Nhìn đôi mắt quen thuộc của Phương Vy Kỳ, Hứa Qua thấp giọng gọi anh, trong lòng vui mừng nho nhỏ.
Tiếng gọi nho nhỏ của cô lập tức bị tiếng nói vừa to vừa lạnh lùng phía sau cắt ngang: "Vào đi".
Cửa lần nữa được đóng lại, Lệ Liệt Nông dễ tính, đáng yêu vài phút trước đã biến mất không chút dấu vết.
Người đàn ông trầm giọng, đang khởi binh vấn tội người đàn ông người Nga chính là hình ảnh quen thuộc của Lệ Liệt Nông trong mắt Hứa Qua: Sắc bén, đầy uy lực, không lộ chút sơ hở hay cảm xúc.
Trong phòng làm việc của Lệ Liệt Nông ở trụ sở của 1942 có một bức tranh chữ đen trắng, trên đó viết một câu thành ngữ: "Khi bạn đang nhìn xuống vực sâu, vực sâu cũng đang nhìn bạn."*
--
*Nguyên gốc của câu này là: When you look into the abyss, the abyss also looks into you - Friedrich Nietzsche (Lý giải: Be careful when fighting "evil" that you yourself don't become evil in the process; nghĩa là Hãy cẩn thận, đừng trở thành con quỷ khi chiến đấu chống lại nó.)