Dược Thủ Hồi Xuân

Chương 4: Lai lịch




Trải qua một hồi sinh tử luân hồi ở thời cổ đại, nàng đương nhiên có thể hiểu được sự yêu thương này của Ninh Thế Bạc có bao nhiêu sâu đậm. Làm gì có người cha nào tự nguyện giảm thọ 10 năm để cầu cho con gái mạnh khỏe chứ?

"Nhìn xem, con gái chúng ta ngoan không, cũng biết không để cho phụ thân tùy tiện thề."

Ninh Thế Bạc vừa cười vui vẻ, vừa nói với vợ. Lại nghe Dư thị cười nói: "Gia còn có mặt mũi nói sao, cũng không thấy ai như ngài, cái gì cũng nói được..." Lời chưa dứt thì nghe ngoài cửa có người báo: "Oanh Ca tỷ tỷ đến."

Ngay lập tức rèm cửa vén lên, một cô gái mặt tròn mắt to xinh đẹp bước vào, cười nói với Ninh Thế Bạc và Dư thị: "Lão thái thái nghe nói cô nương tỉnh dậy cũng rất vui mừng, phái nô tỳ lại đây thăm hỏi."

Ninh Thế Bạc cùng Dư thị vội vàng cảm ơn. Dư thị cười nói: "Còn phải làm phiền cô nương đi chuyến này. Buổi chiều Thược Dược uống thuốc của đại phu, có vẻ rất hiệu quả. Sáng sớm mai, chúng ta sẽ đưa nàng đi thỉnh an lão thái thái."

Oanh Ca cười nói: "Chuyện này không cần gấp gáp. Lão thái thái nói, cần phải để cô nương khỏe hẳn hãy mang tới. Bây giờ đã qua thu, thời tiết cũng khá lạnh rồi."

Ninh Thế Bạc và Dư thị vội vàng đáp ứng, chờ đến khi Oanh Ca đi ra thì Ninh Thế Bạc mới bế Ninh Tiêm Bích đến nhà chính.

Chỉ thấy một bé trai đang vừa đi vừa nghiêng ngả như muốn ngã, đi vài bước thì cái mông béo lại ngồi bệt xuống đất khiến Ninh Thế Bạc và Dư thị đều cười vui vẻ.

Một thiếu phụ mặt trái xoan cúi đầu đứng bên cạnh, mỉm cười nhìn bé trai đi lại. Khi thấy Ninh Thế Bạc bế người đi ra liền vội vàng bước tới khẽ nói: "Lục cô nương khỏe chưa? A Di Đà Phật, thật là ông trời phù hộ."

Dư thị gật đầu, thấy bé trai kia thì càng cười tươi them bước tới bế lên nói: "Tuyên nhi vẫn đi chưa vững, đi thế này là được rồi."

"Vâng." Thiếu phụ kia cũng lộ vẻ tươi cười, vui mừng nói: "Tuy rằng đi chưa vững nhưng có thể đi thêm mấy bước. Sáng nay cũng không đến thỉnh an lão thái thái, chỉ quấy tỳ thiếp, không ngờ bây giờ lại chạy tới đây."

Thiếu phụ này là thiếp thị của Ninh Thế Bạc, họ Lan. Bởi vì phu thê Dư thị Ninh Thế Bạc lấy nhau năm năm cũng chỉ có một con gái là Ninh Tiêm Bích. Bởi vậy Ninh lão thái thái làm chủ, nạp một thiếp thị cho Ninh Thế Bạc.

Phu thê Ninh Thế Bạc tình thâm, tuy rằng không đồng ý nhưng do địa vị trong nhà không cao, Dư thị lại chưa sinh con trai, không làm cách nào khác được phải đồng ý với Khương lão thái quân. Nhưng đưa ra điều kiện, người thiếp này phải do mình tuyển lựa.

Lúc Dư thị gả lại đây, bà mang theo hai nha đầu bên người. Một là Ngọc Lan trung thành và tận tâm với Dư thị, sau này gả cho con của một quản sự. Một người khác là Ngọc Chi lanh lợi trí tuệ. Ninh Thế Bạc chỉ sợ sau khi nâng nàng ta làm di nương lại nảy sinh lòng tham nên cuối cùng chọn một cô gái nhan sắc xinh đẹp, là con của quản sự trong tộc, dáng vẻ khỏe mạnh thu phòng. Quả nhiên, Lan di nương vào cửa không bao lâu thì có ra tin vui, sau liền sinh Tuyên nhi.

Ninh Tiêm Bích hiểu rõ ràng tính tình Lan di nương, rất dịu dàng và trung thực đáng tin cậy, tôn trọng Dư thị. Từ nhỏ tình cảm của nàng và Tuyên nhi cũng rất tốt.

Vốn là một gia đình tốt đẹp như thế nhưng không ngờ Ninh Thế Bạc bị người tính kế, không thể không thu nhận Tiêu di nương. Từ đó về sau, tam phòng liền bị hồ ly tinh kia quấy đảo mưa gió, khiến Dư thị không dám ngẩng mặt nhìn chị em dâu và mẹ chồng.

Dư thị và Ninh Thế Bạc đến Ninh Hinh viện thỉnh an lão thái quân, Dư thị hầu hạ lão thái quân ăn xong bữa tối mới trở về. Bà giỡn với Tuyên nhi một hồi rồi cả nhà mới dùng cơm chiều.

Muốn nói thì ngay cả Ninh Tiêm Bích cũng không thể không bội phục, chính là mẫu thân nàng chân chính thấm nhuần tư tưởng tam tòng tứ đức, nên hiền lành từ ái cũng không cần nhắc tới.

Vì Tuyên nhi là con trai duy nhất của tam phòng cho nên sau khi sinh liền được ôm đến bên người Dư thị, nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của bà, coi như con trai trưởng

Chỉ là Dư thị thấy nét mặt mong chờ khao khát của Lan di nương hàng ngày thì không đành lòng. Cuối cùng, Tuyên nhi được cả hai nuôi dưỡng, tôn kính thân thiết đối với hai người như nhau. Đây chính là chuyện tốt đẹp nhất của tam phòng. Trước đây Ninh Tiêm Bích chỉ cảm thấy đây là cách để phụ nữ ở cổ đại sinh tồn. Nhưng giờ sống lại một đời, đương nhiên nàng không còn nghĩ như vậy nữa. Nàng chỉ cảm thấy tuy Ninh thị đáng kính nhưng cũng chẳng phải rất đáng thương sao?

Ăn cơm xong sau, mọi người ngồi uống trà cùng nhau. Bình thường đây là thời gian thư thái nhất của tam phòng, Lan di nương và Dư thị đều thích nghe trượng phu kể mấy chuyện xưa, từ trời nam đến biển bắc. Mà trong chuyện này Ninh Thế Bạc cũng rất phối hợp, hắng giọng từ từ kể, không khí cực kỳ hòa hợp.

Ninh Tiêm Bích ngồi trong lòng Dư thị, lẳng lặng nghe tiếng phụ thân lên xuống nhẹ nhàng quanh quẩn bên tai. Trong lòng nàng có một sự ấm áp khôn kể: Đã bao năm rồi vậy mà nàng còn có thể trải qua cuộc sống như vậy. Ban đầu nàng chỉ hận tạo hóa trêu người, nhưng mà bây giờ nàng thực lòng cảm kích trời xanh, cảm kích ông trời còn cho mình một cơ hội sống lại.

Câu chuyện dần dần chuyển đến Ninh tam lão thái gia sắp trở về nhà. Dư thị nhân tiện nói: "Hôm nay lão thái thái gọi thiếp đến cũng chỉ nói đơn giản. Trước mặt nhiều người thiếp cũng không tiện hỏi thêm nhiều. Không biết lão gia có biết tình hình Tam thúc hay không? Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, đến giờ thiếp còn mịt mờ đây."

Ninh Thế Bạc cười: "Các nàng đã hỏi đúng người rồi, cả nhà này trừ bỏ lão thái thái, chỉ sợ cũng chỉ có ta biết ngọn nguồn trong đó."

Nói xong uống một ngụm trà cười nói: "Tam thúc từ nhỏ đã bị thất lạc gia đình! Cũng là vận ông ấy xui, sinh ra ngay lúc chiến loạn. Ngày đó cả nhà chạy theo đoàn người đến nơi khác. Sau khi tổ mẫu sinh ông ấy thì người nhà ta lại bị loan binh đuổi theo nên xe ngựa phải chạy trốn khắp nơi. Tổ mẫu và Tam thúc cũng bị đuổi chạy tới một chỗ khác không biết là đâu. Tổ mẫu nghĩ một khi bị loạn binh bắt được thì mẹ con hai người cũng không thể thoát chết bèn nén đau xót gửi Tam thúc lại cho một gia đình khác rồi một mình đuổi theo tổ phụ. Sau này khi mọi chuyện yên ổn lại, tổ phụ cùng tổ mẫu phái người trở về nơi đó tìm gia đình kia nhưng mới chỉ 3 tháng mà gia đình nọ cũng không biết tung tích ở đâu. Vì chuyện này mà mãi cho đến khi tổ phụ tổ mẫu tram tuổi vẫn đau long không thôi, chính là nỗi hối hận lớn nhất trong lòng họ."

Lan di nương liền nhíu mày nói: "Vậy sao gia đình kia lại không giữ lời hứa, nếu đã nhận người ta gửi gắm thì phải giữ lời mới đúng."

Ninh Thế Bạc cười lạnh một tiếng nói: "Nguyên tổ phụ tổ mẫu cũng không biết này nguyên nhân vì sao. Lúc ấy tuy là loạn lạc nhưng sau này tìm đến thôn đó mới thấy chỗ này chưa hề trải qua đau khổ chiến tranh gì. Đến tận vài ngày trước, đại ca gặp gỡ Tam thúc phụ, thấy ông ấy đeo bức tượng phật ngọc kia trên cổ. Sau khi hai người nhận thức mới hiểu ra ngọn nguồn câu chuyện."