Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 50










Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa xuân tháng ba.



Trấn Bắc Tướng quân Phạm Thế Căng suất lĩnh hai quân Bảo Tiệp, Linh Tiệp vượt đèo Ngang bắc tiến thảo phạt quân Minh, sai thám mã truyền hịch đi các nơi. Hịch rằng :



“Ta Trấn Bắc Tướng quân họ Phạm,



Tính thẳng ngay bố cáo hịch này,



Kể từ khi Ngô tặc sang đây,



Việc nhà nước chứa chan nhiều nỗi.




Dân Đại Việt vốn không lầm lỗi,



Giết bỏ đều quyền nội trong tay



Ngoài nhân dân ngậm đắng nuốt cay,



Trong triều sĩ đêm ngày ta thán.



Quân Trương Phụ, Lý Bân, Mộc Thạnh,



Giết dân ta máu chảy thành sông,



Chốn quân doanh uế trược muôn phần,



Giặc tàn bạo xa gần thiết sỉ.



Vâng Đế quốc Thánh hoàng mật chỉ,



Ta xuất binh nghĩa vị cần vương.



Đất Nam phương tề tận đao thương



Quét trừ bọn nhiễu nhương tàn bạo.



Đồng hiệp sức ra tay giữ nước,



Như thuốc hay chữa bệnh mau lành,




Tờ hịch văn truyền đến trấn thành,



Mong triều dã ứng theo đuổi giặc.”



(chú : Anh Quốc Công Trương Phụ, Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh, Phong Thành Hầu Lý Bân là 3 viên tướng Minh triều có chức tước cao nhất trong đạo quân xâm lấn Đại Việt. Nguyên còn có Thành Quốc Công Chu Năng làm thống soái, nhưng khi đến Long Châu, chưa ra khỏi đất Tàu thì đã chết, phó soái Trương Phụ lên thay).



Khi quân Thuận Hóa vượt đèo Ngang tiến ra. Tướng trấn thủ Kiềm Châu là Phạm Đống Cao đem dân binh các tộc Mường đi đánh đất Trà Long (Tương Dương, Nghệ An). Khi đến núi Bồ Cát thì gặp quân Minh cũng đang tiến lên. Song phương xông vào nhau quyết chiến. Phạm Đống Cao một thương một ngựa, xông thẳng vào giữa trận giặc đánh giết, ngựa đến đâu, quân Minh rẽ ra đến đấy. Dân binh các tộc Mường thấy thế càng thêm hăng hái, tràn lên đánh giết rất dữ dội. Quân Minh yếu thế không địch nổi, phải rút chạy về Trà Long. Quân Mường giết được sĩ tốt quân Minh hơn nghìn người, bắt được hơn trăm con ngựa và rất nhiều khí giới.



Thắng trận Bồ Cát, Phạm Đống Cao thừa thế suất quân tràn xuống vây thành Trà Long. Quan Tri châu là Cầm Bành vốn là một chi của họ Cầm ở Sầm Châu, nhận được thư của Cầm Công nên mở cửa thành ra hàng. Quân Mường chiếm được châu Trà Long, thanh thế lừng lẫy. Sau đó, Phạm Đống Cao dẫn quân thuận theo sông Lam tiến xuống đất Khả Lưu, cùng quân Thuận Hóa hợp vây thành Nghệ An.



Còn Phạm Thế Căng khi suất quân Thuận Hóa vượt đèo Ngang ra bắc, các châu huyện vùng bắc Tân Bình nguyên là vùng quản hạt cũ của Phạm Thế Căng đều mở cửa thành đầu hàng. Phạm Thế Căng vốn là đệ nhất danh tướng của Đại Việt lúc bấy giờ, lại từng có công dẹp giặc Chiêm Thành nên rất được lòng dân xứ này. Đại quân thuận thế tiến đến phía nam thành Nghệ An mà không gặp trở ngại gì đáng kể. Khi quân đến làng Đa Lôi, huyện Thổ Du (nay là huyện Thanh Chương), thì dân làng mang rượu thịt ra đón rước, khóc lạy mà nói rằng : không ngờ ngày nay lại thấy uy nghi nước cũ.



Tháng 4, Quân Thuận Hóa tiến đến Nghệ An, đóng quân ở phía nam thành, doanh trại kéo dài mấy dặm, quân thế rất mạnh. Quân Minh trong thành chỉ có hơn vạn, cùng năm nghìn dân binh của ‘ngụy tướng’ Phan Liêu, nên hết sức cố thủ, không dám ra đánh. Phan Liêu nguyên là con của Phan Quý Hữu, làm quan Thái Phó thời Trùng Quang Đế. Tháng 6 năm ngoái, quân Trương Phụ vào Nghệ An thì Phan Quý Hữu ra hàng, nhưng được mấy ngày sau thì mất. Trương Phụ cho con Quý Hữu là Liêu làm Tri phủ Nghệ An. Chính Liêu đã chỉ đường cho quân Minh vây bắt vua quan Trùng Quang Đế. Liêu biết mình phải tội lớn với Đại Việt, nên chỉ còn cách hết sức chống giữ, chờ cứu viện.



Trương Phụ ở Thăng Long nghe tin Phạm Thế Căng bắc tiến, đang vây thành Nghệ An, liền sai bộ tướng Lý An mang 5 vạn quân theo đường biển vào cứu viện. Bắc Dương Hạm đội Đại Đô đốc Mã Tân (nguyên tên thật là Matavamca, đại tướng của tiểu quốc Puni) đã phái một đội chiến hạm chờ sẵn ngoài biển, chờ các ‘tiểu’ chiến thuyền của quân Minh đi qua thì xông ra đánh. Sau một trận pháo kích cộng với xung kích, các ‘tiểu’ chiến thuyền của quân Minh đều bị bắn vỡ, bị đụng chìm. Quân Minh tử trận vài nghìn, còn lại đều bị bắt, không có ai chạy thoát.



Các chiến hạm của Bắc Dương Hạm đội tiêu diệt xong các chiến thuyền quân Minh, liền kéo ra bắc đồn trú ở cửa biển Thần Phù, ngăn hẳn các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Trường Yên (Ninh Bình) với quân Minh ở Thăng Long.



Nghệ An Thành.



Dừng quân nghỉ ngơi 3 ngày, Phạm Đống Cao tập trung 1.200 khẩu thần công thuộc 2 đạo quân, lập thành trận địa pháo ở phía nam thành, sau đó đồng loạt nã pháo vào tường thành, cửa thành. Đạn pháo làm thành tường chấn động rung rinh, đá rơi ra từng tảng từng tảng. Quân Minh cũng có một số thần công đại pháo thu được từ quân nhà Hồ, liền bắn trở ra. Thế nhưng hỏa dược của quân Minh chất lượng kém hơn hẳn hỏa dược của quân Đế quốc, nên phạm vi xạ kích không xa bằng, hoàn toàn bị áp chế.



Thành Nghệ An tuy kiên cố, nhưng cũng không thể chịu nổi 1.200 khẩu đạn pháo liên tục oanh kích. Chỉ sau hơn nửa ngày, tường thành đã sụp đổ một mảng lớn. Thật ra thì thành Nghệ An còn kém kiên cố hơn thành Đồ Bàn của Chiêm Thành nhiều, bởi đã lâu năm chưa được tu tạo sửa chữa. Mọi chú ý của nhà Hồ đều tập trung vào các thành trì ở phía bắc, đặc biệt là thành Đa Bang. Thế mà thành Đa Bang khi bị quân Minh tấn công còn không đứng vững được bao lâu, nói gì đến thành Nghệ An.



Khi tường thành sụp đổ, quân Thuận Hóa tràn vào trong thành. Do trong thành đều là dân Việt nên thần công đại pháo không được phép bắn pháo vào bên trong. Thế nhưng, 6 vạn quân Thuận Hóa tràn ngập thành Nghệ An cũng đủ khiến quân Minh khiếp đảm, phải mở cửa bắc tháo chạy. Tri phủ Nghệ An Phan Liêu chết trong đám loạn quân, dân binh của Phan Liêu đều đầu hàng. Phạm Thế Căng để lại 1 sư 1 vạn quân trấn thủ Nghệ An, còn lại lập tức truy đuổi quân Minh đang tháo chạy.



Nói về quân Minh do tướng Trần Trí cầm đầu bỏ thành Nghệ An chạy về phía bắc, định rút về Thăng Long. Nào ngờ chỉ chạy được chưa đến 10 dặm thì chợt nghe phía trước pháo nổ vang trời, tiếng reo dậy đất, rồi quân Mường ở hai bên đường đổ ra đánh giết. Trần Trí cố suất quân chống cự một lúc, lại thấy quân Thuận Hóa đuổi đến, cờ hiệu của Phạm Thế Căng phất phới tung bay trong gió, cả kinh thất sắc, vội bỏ mặc sĩ tốt, quay đầu ngựa tháo chạy về phương bắc. Quân Minh tan rã, bị bắt, bị thương, bị giết gần hết, chỉ còn lại chưa đến nghìn người chạy được theo Trần Trí.




Phạm Thế Căng bảo Phạm Đống Cao dẫn quân về trấn thủ Nghệ An, đồng thời chỉnh hợp hàng binh, xử lý tù binh, sau đó lại suất quân đuổi theo bọn Trần Trí đến tận Diễn Châu. Trần Trí dẫn quân vào thành Diễn Châu cố thủ.



Phạm Thế Căng nghe báo Trần Trí lại dẫn quân vào cố thủ ở Diễn Châu, tiền quân đã vây chặt Diễn Châu Thành, tức giận nghiến răng nói :



- Ái chà ! Ai ngờ cái gã Trần Trí này lại giỏi chạy đến thế. Lần này quyết không cho gã có cơ hội chạy thoát nữa.



Nói đoạn phân binh đi chiếm giữ các chỗ hiểm yếu ở về phía bắc Diễn Châu, sau đó mới suất đại quân đến vây thành. Bọn Phạm Thế Căng bao vây 3 ngày, chờ thần công đại pháo kéo đến nơi, rồi lại cũng giống như ở Nghệ An, dùng đại pháo bắn thành. Nhưng lần này chỉ có 1.000 khẩu thần công dàn ra phía trước cổng thành phía nam.



Trần Trí nghe báo, biết là không thể giữ nổi thành, truyền quân sĩ gom góp lương thực mang theo, sau đó lại mở cửa bắc tháo chạy. Bọn Trần Trí ghé vào Diễn Châu mục đích không phải muốn cố thủ ở đấy, chỉ vì thiếu lương, cần bổ sung thêm mà thôi.



Bọn Trần Trí lại chạy về phía bắc, khi đi ngang qua một cánh rừng, bỗng nghe thấy hai bên trống đánh vang trời, quân reo dậy đất, rồi có một toán quân đổ ra đón đánh. Viên tướng dẫn đầu mắt to, râu rậm, mặt đen, tướng dữ như hổ, một tay cầm khiên, một tay cầm đại đao, giục ngựa xông ra, quát lớn :



- Quân giặc kia còn chạy đi đâu ? Trương Hổ ta chờ các ngươi đã lâu lắm rồi.



Trần Trí sai viên tùy tướng múa thương chặn đánh, nhưng chỉ vừa xông ra là đã bị Trương Hổ chém một đao ngã lăn xuống ngựa. Trần Trí cả kinh thúc quân ùa vào. Trương Hổ lùi lại, quát quân sĩ bắn tên ra, quân Minh trúng tên thương vong rất nhiều. Trần Trí cũng trúng tên rơi xuống ngựa, rồi bị bắt. Quân Minh thấy chủ tướng bị bắt, lại bị vây chặt, đều phải đầu hàng.



Phạm Thế Căng phái 1 sư 1 vạn quân đi chinh phục các châu huyện vùng Diễn Châu, sau đó suất quân đến vây thành Tây Đô. Cũng áp dụng chiến thuật như ở Diễn Châu và Nghệ An, dù chỉ còn lại 800 khẩu thần công, nhưng thành Tây Đô chẳng có bao nhiêu quân Minh, chỉ chống cự được 4 ngày rồi thất thủ.



Chiếm xong thành Tây Đô, Phạm Thế Căng lại để 1 sư 1 vạn quân ở lại bình định vùng này, sau đó kéo 3 vạn quân còn lại thuộc đạo Linh Tiệp tiến ra Trường Yên, cùng Hải quân hội hợp. Kể từ lúc này, khu vực từ sông Đáy trở vào nam đều được sát nhập vào bản đồ Đế quốc.



Thời này người Đại Việt gọi quân Minh là giặc Ngô, nên một số đoạn đối thoại trong truyện gọi giặc Ngô chính là quân Minh đó nha.