Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 102










Lại nói, khi Werner Kottenkamp đến trước doanh trại của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento khiêu chiến, Đinh An Bình rất ngạc nhiên, nhìn chúng thủ hạ bảo :



- Gã ta có phải muốn chết hay không ? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì ?



Chúng thủ hạ nhìn nhau, vô pháp hồi đáp. Bọn họ chưa từng gặp phải cảnh này. Hành vi của gã Werner Kottenkamp, đối với các Hiệp sĩ của Âu châu là anh hùng, là dũng cảm, nhưng đối với chúng tướng của Thần Thánh Đế quốc là ngu ngốc, là tự tìm cái chết. Trung Hoa thời cổ đại, chẳng hạn như thời Tam Quốc, song phương giao chiến còn phái tướng lĩnh ra quyết đấu để tăng sĩ khí. Nhưng sau này đại quân tác chiến, hơn thua nhau chủ yếu qua chiến lược, chiến thuật (vậy mới có câu : binh bất yếm trá), chuyện quyết đấu như thế không còn nữa. Và quân đội Thần Thánh Đế quốc khi tác chiến hoàn toàn không có chuyện cho tướng lĩnh ra quyết đấu hay dẫn đầu đoàn quân xung phong. Tướng lĩnh là để chỉ huy quân đội, không phải để khoe tài dũng võ.




Đinh An Bình thấy vậy, xua tay nói :



- Thôi được rồi. Kệ đi. Xạ thủ đâu, pháo kích.



Mệnh lệnh truyền xuống, và thế là vận mệnh của gã Werner Kottenkamp đã được định đoạt như vậy. Đường đường là một Hiệp sĩ nổi danh, chỉ vì cô lậu quả văn, không biết rõ phương pháp tác chiến của đối phương, trong lúc xuất trận khiêu chiến, đã bị thần công đại pháo của đối phương cướp đi sinh mạng. Khôi giáp của Hiệp sĩ vừa nặng nề vừa kiên cố, cung tên bình thường ít có tác dụng, nhưng khi đại pháo oanh kích thì cả người lẫn ngựa đều trở nên tan xương nát thịt, bỏ mạng đương trường.



Đại pháo đã khai hỏa, không lý gì chỉ nhắm vào một mình gã Werner Kottenkamp. Cả Hiệp sĩ đoàn đi theo gã ta đến quán chiến cũng bị họa lây. Một trăm Hiệp sĩ trong Hiệp sĩ đoàn cuối cùng chỉ có hơn chục người chạy về được đến thành bảo, thật là tổn thất thảm trọng. Trận tiếp xúc đầu tiên, quân Tyrol không những không thể hạ thấp sĩ khí đối phương, mà ngược lại còn gặp phải thảm bại, tự hạ thấp sĩ khí của mình.



Hay tin gã Werner Kottenkamp và đại bộ phận Hiệp sĩ đoàn đều bỏ mạng trước doanh trại của đối phương, Nam tước Andreas de La Passiria vừa giận vừa lo. Giận vì đối phương không tuân thủ quy tắc Hiệp sĩ, giở trò vô sỉ như thế. Lo vì đối phương đã giở trò vô sỉ như thế, thì khi công thành chắc chắn sẽ sử dụng âm mưu quỷ kế, bất chấp danh dự quý tộc, từ đó sẽ khiến cho tình thế của quân Tyrol càng thêm khó khăn. Nam tước Andreas de La Passiria suy nghĩ một hồi, không còn cách nào khác, chỉ đành tăng cường công tác phòng thủ. Nam tước Andreas de La Passiria còn cho quân đổ đất đá lấp kín lối vào thành bảo, việc ra vào chỉ dùng dây thừng cột vào người thả từ tường thành xuống đất, đồng thời lại phái sứ giả sang doanh trại đối phương trách đối phương về việc không tuân thủ quy tắc Hiệp sĩ. Tuy biết làm thế cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng Nam tước Andreas de La Passiria vẫn làm, vì chút hy vọng mong manh.



Sứ giả của Tyrol vâng mệnh Nam tước đại nhân sang doanh trại liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento, nhìn thấy doanh trại san sát, đao kiếm sáng ngời, cờ xí ngợp trời, quân đông chật đất, trong lòng kinh hãi không sao kể siết. Gã có bao giờ được nhìn thấy quân dung hùng tráng đến thế !



Khi gã đi ngang qua doanh trại của quân đội Trento, quân sĩ trong doanh trại thấy gã ta là sứ giả của Tyrol, đột nhiên đồng loạt giơ tay lên cao, đồng thanh quát lớn :




- Sát. Sát. Sát.



Phản ứng của quân đội Trento làm sứ giả vừa kinh vừa sợ. Tyrol và Trento vốn thù hằn với nhau từ lâu. Ngày xưa, Tyrol vốn thuộc lĩnh địa Vương tử - Giám mục xứ Trento (Prince – Bishopric of Trento), đến năm 1027 bị Hoàng đế Conrad II le Salique của Đế quốc La – Đức tách ra, sát nhập vào lĩnh địa Công tước xứ Bavaria (Duchy of Bavaria). Đến năm 1363, Tyrol bị sát nhập vào lĩnh địa của Công tước Áo Rodolphe IV le Fondar de Autriche của nhà Habsburg. Nhà Habsburg của Áo sau khi chiếm được Tyrol, lại chuẩn bị bành trướng xuống Trento ở phía nam, do đó mà quan hệ giữa song phương không hề tốt. Ngày nay, vùng nam Tyrol, nơi có thủ phủ Merano, trở thành tỉnh Bolzano – Bozen, thuộc vùng Trentino - Alto Adige / Südtirol của Italia; còn vùng bắc Tyrol là bang Tyrol của Áo. Di tích lịch sử Tyrol thành bảo (Castle of Tyrol) đến nay vẫn còn ở Merano.



Sứ giả Tyrol sau nhiều phen hữu kinh vô hiểm, cuối cùng cũng đến được trước Soái trướng. Gã được phái đến đây với nhiệm vụ là trách hỏi liên quân sao không tuân thủ các quy tắc của Hiệp sĩ. Có điều, sau nhiều phen bị kinh sợ, gã lo cho sinh mạng của mình, nên đã cố gắng trình bày ý kiến của Nam tước Andreas de La Passiria một cách thật nhẹ nhàng uyển chuyển, cố ý tỏ cho đối phương biết gã chỉ phụng mệnh hành sự, đó không phải là chủ ý của gã.



Đinh An Bình ngồi trong Soái trướng, cách một bức rèm, quan sát thái độ của sứ giả Tyrol, khe khẽ gật đầu. Sau khi nghe sứ giả nói xong, Đinh An Bình khẽ nói mấy câu, rồi George I de Trento thay mặt nói :



- Ngươi nói thật là vô lý. Trong quân đội chúng ta không có ai là Hiệp sĩ, các quy tắc của Hiệp sĩ có liên quan gì đến chúng ta kia chứ !



Nên biết rằng, trong thời Trung Cổ, phong khí Hiệp sĩ rất thịnh hành ở Âu châu. Các vị quân vương, lĩnh chủ và giới quý tộc đều lấy các quy tắc của Hiệp sĩ làm nguyên tắc ứng xử của mình. Nổi tiếng nhất trong thời gian này là quốc vương Jean II de Française (hay còn gọi là John II of France), ông là cha của Louis I de Anjou. Sau trận Poitiers trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, ông đã bị quân Anh Cách Lan bắt giữ, sau được thả ra với điều kiện phải giao cho Anh Cách Lan một lĩnh địa rộng lớn và phải cho con thứ của mình là Louis I de Anjou sang Anh Cách Lan làm con tin. Sau này, Louis I de Anjou trốn thoát được về Pháp Lan Tây thì đã bị cha mình trách phạt. Để giữ đúng tinh thần Hiệp sĩ, Jean II de Française đã tự mình sang Anh Cách Lan làm con tin thay thế, kết quả chết một cách nhục nhã ở Anh Cách Lan.



Sứ giả Tyrol nghe nói thế cũng không biết nói sao cho phải. Quân đội Latium và Trento đều là bộ binh, không có Hiệp sĩ; còn quân đội Thần Thánh Đế quốc thì có kỵ binh, nhưng lại không phải là người Âu châu, nên cũng chẳng phải là Hiệp sĩ. George I de Trento đã từng đến Gia Định, nên khi nhận được viện trợ quân sự từ Thần Thánh Đế quốc đã tổ chức quân đội theo kiểu chính quy quân của Thần Thánh Đế quốc, không sử dụng Hiệp sĩ chỉ huy quân đội, trực tiếp dùng tiền trả lương cho binh sĩ. Làm như thế, quân đội có thể đảm bảo trung thành hơn, tiết kiệm chi phí hơn, trong khi chiến đấu lực cũng không giảm. Ở Âu châu, trừ quân đội Latium ra, thì quân đội Trento có quy cách tổ chức giống Thần Thánh Đế quốc nhất. Trong quân đội chỉ có một tiếng nói duy nhất, mọi binh sĩ đều chỉ trung thành với lĩnh chủ, đó là điều mà George I de Trento hài lòng nhất. Không một vị lĩnh chủ nào muốn trong quân đội của mình lại có tiếng nói khác.




Hồi lâu, George I de Trento lại bảo sứ giả Tyrol :



- Ngươi có biết Đại vương giữ chức vụ gì không ? Đại vương chính là bộ trưởng Hải quân bộ của Thần Thánh Đế quốc. Đại vương là tướng lĩnh Hải quân. Do đó, nếu các ngươi muốn quyết đấu một cách công bằng, Đại vương có thể chấp nhận quyết đấu bằng hình thức hải chiến. Chỉ cần các ngươi phái Hạm đội tham chiến, Đại vương sẽ tiếp chiến ngay.



Sứ giả Tyrol nghe nói lập tức xám mặt. Giờ đây ở Âu châu chư quốc đều biết Hạm đội của Thần Thánh Đế quốc rất khủng bố. Mỗi chiến hạm cứ như là một pháo đài trên biển. Ngay cả các cường quốc Hải quân ở Âu châu như Anh Cách Lan, Pháp Lan Tây, Genoa, Venice, … còn không chống nổi, nói gì một quốc gia nội lục như Đế quốc La – Đức.



Đinh An Bình thấy thái độ của sứ giả như thế, chỉ khẽ mỉm cười, bảo thuộc hạ mang ra trao cho sứ giả một bản danh sách, nói :



- Chỉ cần giao nộp cho chúng ta những người trong danh sách này, chúng ta sẽ tha cho cái gã Nam tước chủ nhân của ngươi. Bằng không, khi chúng ta phá thành, gà chó không tha. Hạn chót là sáng sớm ngày mai.



Sau đó truyện lệnh đưa sứ giả đi ra. Sứ giả Tyrol rời khỏi đại doanh trong lo sợ, rồi run rẩy mở bản danh sách vừa được trao cho ra xem. Chỉ mới liếc qua một loạt danh tính trong đó, gã đã toát mồ hôi. Những tên được ghi trong danh sách toàn là những quý tộc có lĩnh địa, có chức quyền ở Tyrol, thậm chí còn có tư quân không ít. Nam tước Andreas de La Passiria không có thẩm quyền, và dù cho có thẩm quyền thì cũng không dám giao nộp. Xem ra số phận của thành bảo rất đáng lo nha. Và quan trọng hơn cả là số phận của gã càng đáng lo hơn.