Tên lính lè lưỡi sợ hãi. Một công nhân từ xa nói vọng lại:
- Món bánh này tên gọi là gì vậy Minh Tự?
- Món này ở quê hương thầy ta, gọi là bánh tẻ.
Một người Miêu, chỏ vào bánh ú ớ vài câu. Tên thổ dân dịch lại cho hắn lời Bách. Hắn lại chỏ tay ra hiệu khen ngon. Bọn công nhân cười lớn, vài tên còn xì xồ được với nhau. Chỉ cần một thời gian nữa chúng sẽ hiểu được tiếng người Miêu ngay.
Ở với bọn này vài hôm, Bách ý thức được tài năng của người thợ Đại Việt cổ đại. Bọn này toàn là thợ khéo của công bộ, đứa thạo nghề mộc, đứa thạo nghề đan lát, lại có đứa thạo xây cất nhà cửa, làm dụng cụ sinh hoạt. Ở với đám công nhân này đúng là sướng như vua.
Như cái ghế bập bênh Bách đang nằm đây, chính là một cái ghế mây handmade, thiết kế cầu kỳ lại rất vừa vặn. Được một tay công nhân lành nghề mây tre đan làm ra. Ở đời sau cái ghế này có giá mấy triệu nhưng vẫn là loại làm trên dây truyền máy móc, loại sản phẩm thủ công này thì giá trị không biết bao nhiêu mà kể.
Đồ dùng trong nhà Bách cũng toàn đồ bọn công nhân làm. Có cái ủ ấm thôi mà làm hắn cầm nửa ngày mê mẩn. Lúc nhàn rỗi hắn còn làm một cái đàn ghi ta, thùng đàn toàn gỗ quý, thời này kiếm cây gỗ gụ trăm năm không khó, lại lấy ruột mèo làm dây đàn, những dây bass phải cuốn thêm tơ để tạo âm. Làm xong đem đánh cũng thấy tàm tạm.
Bọn công nhân thấy cây đàn mê quá, cũng làm theo rồi học hắn đánh. Hắn bắt đầu dạy chúng đánh mấy bài não tình của bọn hắn thời sinh viên. Thế mới có cảnh ở thế kỷ XIII nước Đại Việt, có một tên xăm trổ đầy mình, cầm ghi ta nghêu ngao bên bờ suối “Ôi hòn đá cô đơn kia ơi, đứng ở đó cớ sao một mình, phải chăng đá cũng thất tình …”
Hiện giờ quặng đã lấy ra một ít, cũng đã dùng để luyện ra sắt. Làm đủ thứ dụng cụ cần thiết, cuốc xẻng, dao, kéo lại làm một ít nồi niêu. Lại tặng cho Miêu trại một ít. Chủ trại nhận mấy chục nông cụ từ Bách, rưng rưng nước mắt lậy hắn như tế sao làm hắn hết cả hồn. Về hỏi thì mới được bọn công nhân nói ra, những nông cụ tốt thế này ở quê bọn hắn mơ còn không có. Bách động viên bọn chúng công tác, hứa khi về cho mỗi người mấy bộ công cụ làm ai cũng phấn chấn.
Cơm no ấm cật, Bách nằm trên ghế, cầm quạt phe phẩy. Trời cổ đại trăng sáng như gương, bọn công nhân dọn dẹp xong thì cũng đang phe phẩy nằm xung quanh, chẳng ai muốn vào nhà nằm. Bọn thì tập ghi ta như tiếng bật bông, có đứa lại ngâm nga mấy câu chèo cổ:
- Ai sinh ra ở trên đời
Khi nghe tiếng ru ngọt ngào trên môi mẹ, những ngày còn thơ
Êm êm võng đưa nhẹ nhàng, ôi tay mẹ
Dịu ngọt những lời chan chứa yêu thương
Cho con giấc ngủ cả canh trường
Nụ hồng chúm chím đôi môi, con yên giấc ngủ cả canh trường
Mẹ dành tất cả cho đàn con i ì i i í i ì
Tiếng hắn hát văng vẳng, làm ai cũng thao thức, bài hát như thế thật đúng như khi Bách đi du học, tết không được về nhà, lên mạng bật bài hát “Xuân này con không về” rồi khóc một mình, nghĩ lại thấy cải lương hết sức. Bách bực mình hét lớn:
- Tên chó chết nào hát đấy. Im miệng đi, nẫu hết ruột!
Tên công nhân im bặt, được một lúc lại có đứa kêu lên:
- Buồn quá mà Minh Tự không cho hát thì làm sao?
Bách chán nản, nảy ra một ý, gọi to:
- CMN! Lũ đần các ngươi tập trung lại đây, ta sẽ kể chuyện cho mà nghe.
Bọn công nhân nghe vậy, đứa nào cũng sáp lại, mấy tên lính Thánh dực cũng vậy. Chỉ có bọn canh gác ở đằng xa sợ Trần Cung, vẫn phải giữ nguyên vị trí.
- Minh Tự kể chuyện đi.
- Các ngươi thích nghe chuyện gì?
- Chuyện gì cũng được, có cái nghe là được rồi.
Bách nghĩ bụng, trong mấy bộ xuyên không, bọn Tàu về quá khứ hay lấy mấy truyện chương hồi kiểu Tam Quốc, Thuỷ Hử hay truyện Kiếm hiệp Kim Dung ra kể cho người cổ đại nghe. Cái này không phải không có lý do, đầu tiên là những chuyện này ân oán tình thù, hợp khẩu vị người xưa. Thứ hai không gian trọng truyện gần gũi hơn với họ. Hắn không muốn dùng truyện Tàu nhưng CMN, thể loại này tác phẩm Việt Nam ít ỏi. Mấy cuốn Hoàng Lê nhất thống chí, Hoan Châu ký thì người thời nay không có dữ kiện lịch sử để thưởng thức, truyện khác thì hắn không biết. Thôi hôm nay tạm thời kể truyện Tam Quốc vậy, gần gũi nhất. Hắn định thần nhớ lại bố hắn khi kể chuyện, hai tay đưa lên, đập cái quạt mo đánh phạch một cái:
- “Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia. Tỷ như nhà Châu mất vận, bảy nước phân tranh, sau đó nhà Tần lại gồm thâu về một mối. Rồi khi nhà Tần bị diệt vong, để cho Hán, Sở tranh hùng, và cuối cùng Hán đã diệt Sở để thu về một mối. Nhà Hán kể từ vua Cao Tổ là Lưu Bang trảm xà khởi nghĩa thống nhất được thiên hạ, giữ lấy ngai vàng cho Ðến khi vua Quang Vũ là Lưu Tú quật khởi, giết loạn thần là Vương Mãng, phục hưng cho nhà Hậu Hán, rồi truyền Ðến đời vua Hiến Ðế thì bị chia làm ba nước. Cái nguyên do rối loạn sau này là do tới hai ông vua Hoàn Ðế và Linh Ðế …”
Hắn say sưa kể, bọn công nhân và quân lính say sưa nghe. Xung quanh chỉ có tiếng chão chuộc kêu liên hồi. Đang đến đoạn gay cấn, một đứa nhỏ nhẹ:
- Bẩm Minh Tự dừng kể được không ạ?
- Ngươi không muốn nghe nữa à?
Bách thất vọng, mình tâm huyết vậy mà bọn chúng không muốn nghe, hay chuyện này không hợp khẩu vị. Mấy tên khác nhao nhao:
- Thằng kia im ngay để Minh Tự kể, không nghe có thể cút.
- Không ạ!
Hắn lại càng bẽn lẽn:
- Con buồn đái quá mà sợ bỏ mất đoạn hay, Minh Tự chờ con đái xong rồi kể tiếp có được không ạ.
Bọn công nhân lao luôn vào hắn. Tên đội trưởng công nhân tức giận:
- Thằng chó chết làm bọn ông tụt hứng.
Lại quay sang:
- Minh Tự cứ kể tiếp đi ạ! …