Đông A Nông Sự

Chương 32




Hắn cùng Đinh Nhu quay ra Phụng Thiên Phủ, đến cửa hiệu nhà họ Đinh trên phố Thuốc Bắc. Đây là con phố nổi tiếng về dược liệu, nhà họ Đinh có một cửa hiệu lớn ở đây. Đến nơi, Bách thấy Lão Tam Đinh Hạo đang tiếp khách, chắp tay chào Tam ca một tiếng rồi ra hậu viện gặp Đinh Bản. Lão đang nghỉ ngơi trong thư phòng phía sau, cũng tiện kiểm tra sổ sách cửa hàng mấy hôm nay. Thấy hắn đến Đinh Bản cười:

- Nhóc con, hai đứa mấy hôm nay đi những đâu. Chơi vui vẻ chứ?

- Bọn cháu dạo quanh Kinh thành, đúng là nơi phồn hoa, làng ta không thể so sánh được.

Đinh Bản hiền từ nhìn đích tôn, xoa đầu Đinh Nhu. Hắn tuy đã 20 nhưng rất phối hợp, ra vẻ trẻ con để ông nội vui.

- Thằng khỉ con của ông, làng ta sao so được với chốn Kinh kỳ

- Đinh lão! Cháu hôm nay ra đường, phát hiện một chuyện rất hay. Muốn cùng Đinh gia làm một sinh ý lớn.

- Sinh ý? Sinh ý gì?

- Cháu thấy các đổ trường có cho cá cược kết quả xúc cúc. Nhưng xem đi xem lại thì cách chơi quá nhàm chán, cháu đảm bảo nếu mình làm thì kết quả tốt hơn nhiều. Cháu muốn tham gia vảo sinh ý này.

Nghe vậy, Đinh Bản bỗng sầm mặt lại:

- Ta thấy ngươi bơ vơ, lại từ chốn thâm sơn mà đến, tiếc cái thông minh của ngươi mà dạy chữ cho. Nay ngươi mới xuống chốn kinh kỳ một hai ngày, đã nảy nòi ra thói cờ bạc. Nhà ta có thể chết đói, nhưng cũng không tham gia vào loại sinh ý này.

Bách thấy Đinh Bản giận như vậy, biết lão là người cương trực, tưởng hắn tham cái lợi nhỏ này vội giải thích:

- Ngài hiểu sai ý cháu rồi. Khi xưa Tử Lộ đi cứu người sắp chết đuối. Người được cứu tặng cho Tử Lộ con trâu. Tử Lộ dắt trâu về. Tử Cống chê Tử Lộ làm ơn mà nhận báo, không phải kẻ sĩ. Nhưng Khổng Tử khen Tử Lộ làm đúng. Tử Cống bực mình lắm có vẻ không vui thì thầy dậy rằng: “nước Lỗ nhiều sông ngòi, Tử Lộ nhận con trâu sẽ làm cho người ta dù không muốn cứu người nhưng vì con trâu mà cứu. Sẽ tạo thành tiền lệ tốt". Xét việc này mới thấy nhiều khi quân tử cần ứng biến, chứ không chỉ vì cái tiết tháo của mình, việc có lợi cho quốc gia, cần làm cứ làm.

- Hay nhỉ! Nhóc con, đánh bạc thì có lợi gì cho quốc gia. Ngươi nói cho lão hủ nghe, nếu nói xuôi thì thôi, không hôm nay ta nhất định đánh ngươi một trận, đuổi về Thậm Thình, tránh để ngươi nhiễm cái xấu chốn Kinh kỳ.

- Ngài có biết thời Đường vì sao Trung Hoa trở nên cực thịnh hay không?

- Có nhiều nguyên nhân lắm, ngươi hỏi cái nào?

- Đời nhà Đường có nhiều khu thành thị buôn bán lớn với nền kinh tế phát triển vượt bậc. Tài chính quốc gia phần lớn phải dựa vào việc đánh thuế má của thương nghiệp, do đó có câu "Dương nhất Ích nhì" [1] . Nguyên hai nơi này đủ nuôi sống cả nước. Vậy ngài có biết Dương Châu và Ích Châu nổi tiếng vì cái gì không? Chính là cờ bạc và lầu xanh. Cái kế xây 700 nhà chứa ở Lâm Truy của Quản Di Ngô, thu được không biết bao nhiêu tiền của cho nước Tề. Nay chúng ta không làm thế. Xây lầu xanh là trái đạo nhưng còn cờ bạc. Ta hỏi ngài, đã có triều đại nào cấm chơi cờ bạc được chưa?

- Đúng là không cấm được? Có cấm nhưng người ta vẫn chơi.

- Vậy không phải đúng sao? Ngài thấy việc cờ bạc, cho là dơ bẩn không làm nhưng xã hội có nhiều người dám làm. Chuyện tan cửa nát nhà do cờ bạc vẫn cứ xảy ra. Tệ hơn bọn được lợi kia tìm cách trốn tránh, không đóng thuế cho triều đình. Như vậy ba bên người dân, ngài, triều đình đều không được lợi. Chỉ có đổ trường được lợi. Vậy sao ngài không đường đường chính chính mà làm, đóng thuế đầy đủ cho triều đình. Triều đình dùng tiền ấy xây đường, cứu tế. Còn bọn con bạc, ngài đừng nghĩ nhiều, không cho chúng chơi, chúng vẫn chơi thôi.

Đinh Bản suy tính một hồi, thấy hắn nói có lý. Nhưng không hạ quyết tâm được, chần chừ không nói.

- Vậy như thế này! Ngài cho ta mượn tiền, ta làm sinh ý này một lần cho ngài xem. Hết lần này chúng ta kết toán. Sau đó tuỳ ngài quyết định.

- Dễ vậy sao nhóc con! Những đổ trường kia đều là bọn tai to mặt lớn, người bơ vơ ra mở đổ trường, chúng không giết ngươi mới lạ. Vậy được, ta xem ngươi làm thế nào, giới thiệu ngươi với Chu gia. Nếu cần tiền ta sẽ giúp.

- Chu gia là ai vậy?

- Chu gia, là chủ của đổ trường Lục Tứ, Chu Đại Lực.

Chu Đại Lực, đúng như tên gọi. Là tay anh chị ở bến Đông Bộ Đầu. Quản lý việc bốc dỡ hàng hoá của bến cảng. Sau dần hắn mở đổ trường, trở thành tay có số má ở Kinh Thành. Việc kinh doanh của Đinh lão không thể tránh được tiếp xúc với những người này. Đinh lão lại thấy hắn là người hiệp nghĩa, sống ngoài vòng pháp luật nhưng có tình nghĩa anh em nên chọn hắn làm đối tác. Đôi khi lão cũng cử đệ tử sang giúp Chu Đại Lực quản lý sổ sách. Tình cảm hai bên khá khăng khít.

[1] Dương Châu và Ích Châu