Tối hôm ấy, hai nhà hội họp ăn uống vui vẻ rồi nghỉ ngơi. Bách và Đinh Nhu ở chung một phòng. Sáng hôm sau, Bách cùng Lê Văn Hưu đến Vương Phủ của Trần Quang Khải. Đinh Đang và Đinh Nhu được Đinh Tú đưa đi chơi. Còn Đinh Bản vẫn phải bồi lão phu nhân tâm sự.
Vương phủ này nằm ngay phía Tây Hoàng Thành, gần với Giảng Võ Đường, kiến trúc to lớn. Giảng Võ Đường được Trần Thái Tông lập năm 1253 huấn luyện cho quan võ. Đây chính là trường sĩ quan quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Trần Quang Khải là em ruột của vua, hai năm trước đã được phong tước Đại Vương, thái ấp ở phủ Thiên Trường nhưng Vương Phủ ở Kinh thành vẫn là nơi ở của Trần Quang Khải khi về kinh. Cổng phủ là đôi sư tử đá cực lớn, vừa bước vào phủ thì Bách đã thấy mình đánh giá nhầm trình độ kiến trúc thời này. Hắn xuyên không về đây đúng vùng biên viễn, là nơi triều đình lúc này ít quan tâm nên có vẻ nghèo nàn. Nhưng kinh đô là nơi thế nào? Tập trung trí tuệ, tài lực của cá nước. Đặc biệt trong thời đại phong kiến, phân hoá giàu nghèo cực kỳ khủng khiếp. Tài sản hầu như chỉ tập trung ở tầng lớp quý tộc, quan lại. Dân chúng sống cuộc sống bình thường đã rất thoả mãn rồi.
Vương phủ không phải là nhà lão Đinh và Lê phủ so sánh được. Đình đài, lầu các xa hoa. Bách thoạt nhìn không thể xác định được độ rộng của nó, nhưng hắn biết, khả năng Vương phủ được đặt ở đúng khu vực hồ Giảng Võ bây giờ. Hắn thấy tên gọi này giữ được đến tận thời này cũng thật may mắn. Vì Lê Văn Hưu là thầy học của Trần Quang Khải nên gia nhân trong phủ đều biết hắn. Trên đường đến thư phòng Bách thấy lũ gia nhân đang nhốn nháo, có lẽ trong phủ đang có việc gì cấp bách. Càng đến gần thư phòng không khí càng căng thẳng. Đến nơi Bách thấy bọn cung nữ chạy ra chạy vào. Lê Văn Hưu giữ một đứa lại hỏi:
- Vương gia lại tái phát bệnh đúng không?
- Bẩm đại nhân! Vương gia tối qua hồi phủ đến đêm thì lại đau đầu, sáng nay thì trở nặng hơn. Vương phi đang chăm sóc cho ngài. Thái y cũng đã đến châm cứu từ sáng nay.
- Vậy tình hình ra sao?
- Sau khi châm cứu cũng đã đỡ đau hơn. Vương gia đã nghỉ ngơi được một lúc.
Lúc này từ trong phòng có một cô nương bước ra, nàng trạc 17 – 18 tuổi. Mặc cung trang thiếu phụ màu xanh, tóc vấn cao, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt hiền từ. Nàng dáng vẻ mệt mỏi. Thấy Lê Văn Hưu thì cúi chào:
- Lão sư ghé thăm!
- Vương gia đã tỉnh chưa?
- Phu quân ta nghỉ ngơi đôi chút đã tỉnh rồi, chàng vẫn nhớ hôm nay có hẹn với lão sư. Nhưng ta thấy chàng dáng vẻ mệt mỏi lắm.
Nói đoạn không kìm được nước mắt, hai hàng lệ rơi xuống. Lê Văn Hưu vội an ủi:
- Phụng Dương chớ đau lòng, bệnh tình của Vương gia rồi sẽ thuyên giảm thôi.
- Thiếp thân vô dụng, chàng mỗi lần phát bệnh, nhìn ta là chán ghét. Ta thì lại không giúp gì được chàng. Chỉ có Văn Cơ là an ủi được chàng đôi chút.
- Phụng Dương sao lại nói thế, ngươi hiền lương thục đức, một tay lo liệu trên dưới cái phủ này, ả Văn Cơ làm sao so sánh được. Ả đúng là có chút tư sắc nhưng Vương gia qua vài ngày là chán thôi. Ngươi không cần buồn rầu. Ta vào thăm vương gia một chút, cũng không nói chính sự gì đâu. Sẽ rất nhanh để hắn nghỉ ngơi.
- Xin nghe lời lão sư, thiếp thân xin được cáo lui.
Bách cùng Lê Văn Hưu vào thư phòng thì thấy Trần Quang Khải đã ngồi trên trường kỷ, trán buộc một khăn lạnh. Đang nhắm mắt dưỡng thần, bên cạnh có một thiếu phụ đang hầu hạ. Thiếu phụ này da trắng môi đỏ, thân hình lả lướt, đôi mắt ướt như muốn mời gọi nam nhân bao bọc, vô cùng xinh đẹp. Trần Quang Khải thấy Lê Văn Hưu đi vào thì nói:
- Văn Cơ lui xuống đi.
Thiếu phụ cúi chào Lê Văn Hưu rồi lui ra ngoài. Lê Văn Hưu hỏi luôn:
- Vương gia thấy sao?
- Ta đã đỡ đau đầu, không có việc gì cả. Hôm nay chúng ta cùng bàn việc thượng tấu với Thượng hoàng và Quan gia, làm sao để sử dụng việc mặt trời có hai quầng này thật tốt.
Bách và Lê Văn Hưu ái ngại nhìn nhau. Thầy vậy, Trần Quang Khải cười sang sảng:
- Nào có chuyện gì, chỉ cơn đau đầu nho nhỏ, sao bằng quốc gia đại sự. Nếu việc mặt trời có hai quầng lần này ổn thoả. Ta có chịu thêm ngàn cơn đau đầu có đáng là gì.
Bách thầy người này khí độ hiên ngang, một lòng vì nước, có bệnh tự chịu. Thật đáng khâm phục. Bèn nói:
- Vương gia lúc nhỏ mắc chứng động kinh, tuy đã qua được cơn nguy cấp nhưng ảnh hưởng đến phần đầu. Ngài lại là đại thần đầu triều, thường xuyên vất vả, nếu không điều trị kịp thời chứng bệnh này thì rất sẽ ảnh hưởng đến tuổi già.
Trần Quang Khải tiếp lời, ý không muốn nhắc đến nữa:
- Biết là như vậy, nhưng các thái y cố hết sức, cũng đã mời danh y khắp nơi mà chưa có cách nào chữa dứt được. Ta cũng không muốn làm phiền ai nữa.
Bách trầm ngâm, chứng này của Trần Quang Khải không phải hiếm gặp, chính là chứng động kinh ở trẻ nhỏ. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh lên đến 0.5%-1%, trong đó động kinh ở trẻ em chiếm 60%. Bệnh của Trần Quang Khải chắc chắn là do lúc nhỏ bị nhiễm trùng thần kinh. Tuy hắn đã may mắn thoát được nhưng đã bị tổn thương, có lẽ điều này làm cho hắn bị đau đầu kinh niên, nếu cứ để như vậy về già có thể sẽ bị Parkinson hay Alzheimer. Cuộc sống sẽ hết sức đau khổ.
- Bệnh này không có cách chữa dứt điểm, nhưng qua việc sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống có thể làm giảm triệu chứng của nó.
- Ngươi có cách?
- Cũng chỉ có thể giảm thiểu thôi.
- Tốt! nói ra nghe thử.
- Làm giảm chứng đau đầu có mấy cách như sau: Thứ nhất, thư giãn đầu óc. Vương gia bận trăm công nghìn việc, tuy nhiên trong ngày nên dành một chút thời gian khoảng nửa canh giờ thư giãn đầu óc. Không nghĩ ngợi đến việc gì, việc này tương tự như thiền định nhưng không cần gắng sức chỉ cần cho cơ thể thư thái là được. Thứ hai, xoa bóp huyệt vị, ta sẽ ghi lại một cách xoa bóp vai gáy để phụ nhân trong phủ theo đó mà làm cho ngài. Thứ ba, quan trọng nhất là cách thực dưỡng, có nghĩa là kết hợp ẩm thực và chữa bệnh. Ta sẽ lên cho ngài một thực đơn, chủ yếu điều hoà khí huyết của ngài, lại chủ về các vị thuốc bổ não. Ngài đang tuổi khí huyết dư dật, chỉ sử dụng cách này là bệnh thuyên giảm nhanh thôi.
- Chỉ đơn giản như vậy?
- Chỉ vậy thôi. Như vậy đi, ngài gọi đầu bếp lên đây. Trưa nay ngài thử dùng một món thực dưỡng, chủ trị chứng đâu đầu. Món này ngài cứ 7 ngày ăn một lần.
- Được như vậy thì thật quá tốt. Hôm nay mời lão sư và tiểu huynh đệ ở lại phủ dùng cơm. Cũng để chứng kiến tài năng của tiểu huynh đệ.