Đông A Nông Sự

Chương 21




Người Trung Quốc xưa là nước có dân số đông, lại có văn mình lâu đời. Người trong nước họ có nhiều tân tiến trong công nghệ. Sau mỗi lần xâm chiếm lân bang thì đốt sách, huỷ chữ viết, bắt thợ giỏi của nước đó về nước mình. Chính vì vậy, người Hoa thu nạp được nhiều tri thức, đồng thời ngu dân hoá các nước xung quanh, biến mình thành siêu cường quốc tế. Trong thời gian hoàng kim của người Trung Quốc, kinh đô Trường An từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới. Khoảng năm 750, Trường An đã trở thành "thành phố triệu dân". Nơi đây trở thành trung tâm văn minh của thế giới. Người Trung Quốc dùng lụa là, gấm vóc, đồ sứ, giấy … của mình để có được tất cả mọi thứ: vàng bạc, phụ nữ, tri thức … Ít ai biết, những kiến thức thiên văn học được người Trung Quốc được trao đổi trên “con đường tơ lụa”. Những bản vẽ Mặt Trăng, tinh đồ tìm được ở Đôn Hoàng, Cam Túc làm người ta phải ngạc nhiên: toàn bộ 1.500 vì sao mà con người biết đến 8 thế kỷ sau này đều giống với những gì đã được tả trong tấm bản đồ đó. Và từ đây người Trung Quốc làm chủ rất nhiều tri thức sống còn, chỉ đơn cử một kỹ thuật nhỏ đã có thể thao túng lân bang xung quanh: Lịch mặt trăng!

Ở thời kỳ này, dân không thể sống thiếu nông nghiệp được. Bởi thế Nho học dù có vênh vang đến đâu, khi sắp xếp thứ tự giai tầng trong xã hội vẫn phải thừa nhận vị thế của nông nghiệp “Sĩ, nông, công, thương” không phải tự dưng mà có. Gốc rễ của nông nghiệp chính là kế hoạch sản xuất mà nếu không có nông lịch thì không thể thực hiện được. Ở đây hai tháng, Bách đã hiểu ra một vấn đề, người Việt Nam không nắm được kỹ thuật xây dựng lịch Mặt Trăng (lịch âm). Chỉ có người Trung Quốc mới có được kỹ thuật này, họ đã dựa vào các tri thức thiên văn thu nạp được để tính toán Lịch mặt trăng. Đây chính là một “quà tặng” không bao giờ được thiếu trong các chuyến đi sứ phương Bắc. Người Trung Quốc lập ra một cơ quan riêng là “Khâm Thiên Giám” chuyên tính toán, bảo mật vấn đề này. Hằng năm chỉ có Thiên tử của họ mới có quyền lợi ban phát lịch này cho các quốc gia khác. Và như một lẽ tất nhiên, họ không bao giờ cho lịch quá ba năm. Chính vì vậy, những chuyến đi sứ liên tiếp của các triều đình lân bang ngoài một phần là các lý do chính trị, cũng có một mục đích phải đạt được: “mua” cho được cuốn lịch này để đem về. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự lệ thuộc của các quốc gia lân bang vào Trung Nguyên.

Ngoài ra, quyền lợi rất lớn từ việc thương mại với Trung Quốc cũng là lý do chính. Nhiều khi, vấn đề triều cống trên danh nghĩa cũng chỉ để “mua” một hạn ngạch kinh doanh mặt hàng nào đó. Vì những mặt hàng đó không thể có ở đâu khác ngoài Trung Quốc. Điều này đáng buồn là không có công bằng theo chiều ngược lại. Các quốc gia lân bang hầu như không có gì khiến Trung Quốc thèm muốn. Chính vì vậy, cán cân thương mại lệch hẳn về phía Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Có thể hình dung, chúng ta muốn mua máy móc giá rẻ thì phải sang Trung Quốc. Nhưng nông sản của Việt Nam Trung Quốc thích thì mua, không mua có thể có vô vàn lựa chọn. Vậy đi đâu đòi công bằng đây?

Trần Quang Khải là quan đầu triều, hắn hiểu rõ nhất sự lệ thuộc này. Việc này giống y như uống thuốc viên vậy, ngậm vào đắng ngắt mà vẫn phải cố nuốt. Rõ ràng đánh thắng người ta mà hôm sau lại phải sang xum xoe nịnh bợ. Thật đúng với câu “ngậm đắng nuốt cay”.

Bách cười nhẹ nhìn Trần Quang Khải, thấy người thanh niên này, hai mươi tuổi đầu, ở thời của hắn có lẽ là một sinh viên đại học, đang yêu mối tình đầu, theo đuổi những điều lãng mạn. Thế mà người này, tuy cố tỏ ra chững chạc, nhưng đôi mày nhíu lại, trên gương mặt non nớt luôn suy tư.

- Theo Chiêu Minh Vương vừa rồi chúng ta chiến thắng quân Nguyên của Ngột Lương Hợp Thai so với việc Thái úy Lý công [1] đánh thành Ung Châu thì như thế nào?

- Cũng không dấu các ngươi, hai việc này như mặt trời với đom đóm vậy. Ngài Thái uý mang 10 vạn quân tung hoành đất giặc. Các thành Khâm-Ung đều là thành lớn. Ngay cả Vương Giới Phủ [2] cũng tự tin là không thể phá được. Thế mà chỉ một trận bắt được hàng ngàn người Trung Quốc đem về Đại Việt làm nô lệ cùng với rất nhiều của cải. phá hủy toàn bộ các căn cứ hậu cần của đối phương, đây là quân chủ lực phương Bắc. Còn Ngột Lương Hợp Thai, tiếng là 3 vạn quân nhưng có 2 vạn là quân Đại Lý rồi. Thế mà tại Bình Lệ Nguyên [3], khi dàn trận đối mặt, quân ta không chịu nổi một kích, phụ hoàng ta suýt bị bắt sống. Cũng may có Ngự sử Lê Phụ Trần lấy ván che thuyền cho mà thoát nạn. Sau dùng cái kế “thanh dã” mà chiến thắng, khi chúng rút lui cũng quyết đoán không cướp phá, dân ta giễu là “giặc Phật” nhưng có biết đâu đấy mới là bản lãnh cầm binh. Khi tiến thì như sét đánh bên tai, khi lui thì không một tiếng động, vả đấy là chiến lược của Hốt Tất Liệt muốn hắn qua Vân Nam hội sư công Tống. Nay ta cũng lo lắm, vận nước đang ở thế gọng kìm, quân Nguyên, quân Tống lăm le mà trong nước thì còn có bọn phản thần nhà Lý vẫn mưu đồ việc cũ.

Lại nhìn Bách nói tiếp:

- Ta vốn biết những lời ngươi định nói, người quan tâm đến quốc gia như ngươi xét cho cùng cũng là đáng quý rồi. Nhưng cái lệ phụ thuộc kia há một ngày mà xoá được hay sao?

Bách quay sang Lê Văn Hưu hỏi:

- Ngài biên soạn quốc sử, tất thông hiểu cổ kim. Có thể nói cho ta biết, người Hoa Hạ làm sao mà trở thành đại quốc hay không?

- Người Trung Quốc vốn là người thông minh, ưa tìm hiểu. Từ sơ khai đã luôn ghi chép tường tận các sự kiện, sau này phát minh ra giấy lại càng đẩy mạnh tri thức, chính vì vậy xứ họ có nền giáo dục tốt. Họ lại khéo léo lồng ghép Nho học vào vấn đề tự tôn dân tộc, tự coi mình là dòng giống ưu việt nên có tính vươn lên rất cao. Thấy người lân bang hơn mình là luôn cố gắng học hỏi cho đến khi giỏi hơn mới vừa lòng. Chính vì thế mới nói, cho dù các bộ tộc du mục cướp phá họ trăm lần thì cuối cùng cũng vẫn tự nhược mà bị đuổi đi. Họ từ những năm Trinh Quán đời Đường, quốc lực lên đến đỉnh cao, không gì cản nổi nữa.

- Ngài Quốc sử viện giám nói đúng lắm! Có thể thấy, chăm lo giáo dục, thu nạp bách gia, phát triển các ngành sản xuất chính là câu chuyện Quốc Vận mà ta nói ngày hôm nay. Các ngài thấy nước ta có thể làm được những việc trên hay không?

Lúc này Lão Đinh mới lên tiếng:

- Ngươi nói thì dễ lắm, nhưng có biết, những kiến thức kia chúng giữ khư khư như ôm của báu. Chỉ một môn toán thuật mà cả nước ta chỉ có Đỗ lão là hành gia, Công bộ thị lạng Trương Xán là cao thủ thì đủ biết những môn khác khó khăn thế nào?

- Biết khó nhưng không làm thì đến bao giờ mới thành nguyện vọng. Các ngươi có nghe câu “Chỉ có hai thời điểm trồng cây tốt nhât, thứ nhất là mười năm trước và thứ hai là ngay bây giờ”. Việc này bản thân ta không làm thì ai làm đây?

[1] Lý Thường Kiệt

[2] Vương An Thạch – tể tướng nhà Tống

[3] Bình Xuyên, Vĩnh Phúc bây giờ