Bách về nhà nghỉ ngơi một đêm, hôm sau lại tất tưởi lên thuyền để đến Như Nguyệt Giang Lộ. Lên đến bến thuyền đã thấy khác xưa nhiều lắm, khu vực bờ sông mà Bách quy hoạch đã mở ra cơ man nào là lò luyện. Công nhân khoẻ mạnh ngày đêm kéo bễ, quai búa luyện sắt, không khí lao động nhộn nhịp hơn xưa rất nhiều. Hắn lại vào Trại cau, giờ không cần đi bộ vào nữa, đã có toa xe kéo theo đường ray vào mỏ, thuận tiện hơn nhiều. Triệu Tân đón hắn ở khu trại khi xưa, tười cười chắp tay:
- Thiết sử vất vả rồi, hạ quan đã nhận được thông tin mấy hôm nay, đang chờ Thiết Sử ra đối sách.
- Ngài không cần đa lễ. Đưa ta đi một vòng xem thế nào đã.
Triệu Tân chắp tay vâng dạ rồi đưa hắn vào mỏ. Lúc này việc khai mỏ đã diễn ra cả năm. Tốc độ đào so với thời sau thì kém xa nhưng với thời Trần đã là ưu việt lắm. Việc luyện được sắt tốt kéo theo công cụ tốt hơn, đẩy nhanh việc khai thác, vả lại Trại cau là mỏ lộ thiên, có những vị trí chỉ cần gạt lớp đất mặt là đã thấy quặng. Những công nhân trước kia quen biết Bách thấy hắn đều vui vẻ chào:
- Chào Minh Tự … Minh Tự có khoẻ không?
- Minh Tự! Bao giờ ngài kể tiếp Tam Quốc cho bọn tiểu nhân đây?
- Ta đàn hết bản “Hòn đá cô đơn rồi”, Minh tự dạy chúng ta bản khác đi.
Bách vừa cười vừa trả lời, đây đều là những công nhân lành nghề nhất, chính họ là sức bật của cả nền kinh tế Đại Việt, thế mà hồn nhiên lao động không đòi hòi gì, quả là đáng quý. Hắn lượn lờ một vòng, lại hỏi Triệu Tân sản lượng khai thác, quy trình sản xuất có vướng mắc không. Chửi bới mấy tên chó chết ăn cắp quy trình an toàn lao động. Lại quay lại nhà khi xưa hắn ở. Cái nhà này hiện nay vẫn giữ gìn như cũ, trước đến này chỉ có hắn và Trần Thủ Độ từng ở. Hắn rót nước từ ấm trà lại quay ra hỏi Triệu Tân.
- Ông đã biết thông tin về việc bọn Mạng Giáp, Lý Văn Tuấn đòi lên đây. Theo ông thì nên làm thế nào?
- Việc này hệ trọng, nếu ta đoán không lầm thì tin tức này lọt ra khi nước ta đột ngột xuất hiện nhiều nông cụ và vũ khí tốt. Việc này là không thể dấu diếm được tình báo hai nước Nguyên-Tống.
- Đúng vậy! Chúng có quan hệ buôn bán với ta. Ta lại chủ trương việc thông thương các nước. Đại Việt đột nhiên xuất hiện đột phá về công cụ lao động và vũ khí, những nước khác không thể không biết. Như vậy, chúng ta cũng không nên dấu diếm nữa.
- Hạ quan cũng biết vậy, chỉ lo lắng hai tên này sang đây, nhìn thấy quy mô của mỏ và lò luyện, sẽ thấy được chút môn đạo.
- Vậy ta hỏi phó Thiết Sử. Nếu ông là người có chút hiểu biết về thuật luyện sắt. Ngày mai, ta dẫn ông vào theo đường sông. Đầu tiên đưa ông vào chỗ luyện sắt, sau đó theo đường ray dẫn ông vào đây. Ông có nhìn ra môn đạo không?
Triệu Tân ngẫm nghĩ một hồi, lại nói:— QUẢNG CÁO —
- Sẽ học được không ít điều hay từ quy trình của Thiết Sử, nhưng nếu chỉ nhìn như vậy thì có hai điểm không đột phá được. Đấy là tại sao nung được sắt với hiệu quả cao thế và tại sao đào được sắt nhanh thế?
Bách ngửa đầu cười to:
- Chính xác! Việc luyện sắt hai nước Nguyên-Tống sao không biết. Nhưng than cốc chúng không biết cách làm, thế thì bằng cách nào để đạt được hiệu suất kia đây? Trong ngày mai chúng ta vận chuyển hết than cốc đang ở khu luyện sắt đem đi chỗ khác. Lại thay bằng than thường, khi luyện cho chúng xem thì lén để than cốc vào, hai loại này hình dạng có gì khác nhau đâu. Ta cho chúng nghĩ vỡ đầu cũng không thể hiểu được tại sao trăm cân quặng luyện ra 50 cân sắt. Nhất định sẽ để ý đến đá vôi ta thêm vào. Chúng sẽ tự cho mình là thông minh, nghĩ đã tìm được bí quyết của thuật luyện sắt này:
Triệu Tân vỡ lẽ, cười gian manh:
- Đại nhân cao kiến, hạ quan sẽ đi chuẩn bị ngay.
- Ngoài ra, để chúng không nghi ngờ, những công việc bình thường ở trong trại và ngoài lò luyện cứ hết sức bình thường mà tiến hành.
- Những thứ như đường ray, xe trượt cũng cho chúng xem sao?
- Cứ cho chúng xem, ta cũng phải cho chúng thấy ít môn đạo, thực thực hư hư mới tốt.
- Hạ quan hiểu rồi.
Tối đấy Bách vào Miêu trại chơi với Trại chủ, lại cùng bọn công nhân đàn ca một hồi. Lại hứa sau này in toàn bộ bản Tam Quốc sẽ tặng mỏ sắt mấy chục cuốn. Sáng hôm sau bọn Triệu Tân bắt đầu chuẩn bị, vận chuyển than cốc đi, lại dặn dò chuyện bí mật cách luyện sắt. Cả mỏ dừng hoạt động, thu dọn sạch sẽ một ngày để đón tiếp.
Sáng ngày thứ ba, độ giờ Thìn thì đoàn quân thuyền của Chiêu Minh Vương đến. Trần Quang Khải đưa theo hai người, vừa nhìn là biết bọn lai căng. Mạng Giáp, Lý Văn Tuấn thực chất là người Tống đầu hàng nhà Kim sau khi Kim diệt Bắc Tống trong năm Tĩnh Khang, đến khi Mông Cổ diệt Kim thì lại theo nhà Nguyên. Bọn chúng chính là điển hình của Hán gian, ăn mặc hỡm hĩnh, phục sức áo quần gần giống quan viên người Tống nhưng áo khoác ngoài lông cáo lại như người Nguyên. Bách chắp tay xởi lởi chào:
- Hạ quan Thiết Sử Hoàng Bách xin kính chào Chiêu Minh Vương, kính chào hai vị thánh sứ.
Trần Quang Khải giới thiệu:— QUẢNG CÁO —
- Đây là Hoàng Bách, đang giữ chức Thiết Sử, trông coi mọi việc trên mỏ sắt.
Hai tên này nhìn Bách, vẻ khinh thường hiện trên mặt. Dùng thứ tiếng Quan thoại Bắc Kinh điển hình nói gì đó với nhau, lại quay sang:
- Ngươi là người coi sóc mọi thứ trên mỏ?
- Đúng vậy?
- Được! Ta phụng thánh dụ của Hoàng đế Đại Nguyên đến đây tuyên chỉ dụ, nhân thấy người nam các ngươi là xứ ngu muội, văn minh chưa tới, cách thức chế luyện sắt còn thô sơ. Sai ta và Văn Tuấn huynh đến xem xét để tiện cho việc bổ cứu, sau này tiện bề dạy dỗ khai hoá cho các ngươi. Ngươi trước nay luyện sắt thế nào, cứ vậy mà làm để chúng ta xem.
“Quá vô sỉ, ăn cắp còn la làng”. Bách cười tươi như hoa:
- Hai vị thánh sứ yên tâm, cách khai mỏ sắt của nước Nam thô lậu, may mắn tìm được mỏ quặng tốt, chẳng hiểu sao luyện được sản lượng sắt cao. Mong hai vị thánh sứ về báo lại để Hoàng đế được biết.
- Được! ngươi dẫn đường đi.
Bách dang tay mời, lại nháy mắt với Quang Khải, dẫn bọn chúng vào khu chứa quặng đưa từ mỏ sắt ra. Lại giới thiệu một lượt. Hai tên này nhìn thấy hệ thống đường ray từ mỏ đi ra, mê mẩn đo đo vẽ vẽ, lại ngắm nghía cái toa xe trâu kéo, chỉ hận không mang được về nước. Chúng nhìn thấy đường ray chạy ra nơi xa, hỏi, “Đường này nối đến đâu?”. Bách mời luôn chúng lên thùng toa xe khách để trâu kéo vào mỏ.
Vào đến mỏ, hai tên này sửng sốt nhìn cách bố trí khai mỏ, khâu nào ra khâu đấy. Công nhân theo đường sắt điều khiển trâu kéo ra kéo vào toa xe đầy ắp quặng, làm đến đâu cũng chèo chống rất kỹ trần hầm mỏ, những khu vực lộ thiên thì đào bới hăng say. Bọn chúng thấy công cụ làm việc tốt như vậy. Sai quân hầu lấy mấy thứ làm mẫu, lại vô sỉ nói:
- Những thứ này cần cải tiến, để quân hầu mang về, sang năm sau sẽ gửi lại công cụ đã cải tiến cho các ngươi.
Xem xét xong bọn chúng cũng chẳng màng ăn uống, lên xe kéo để ra chỗ luyện sắt. Lại quan sát lò nung, đo vẽ ghi chép kích thước, quay sang hỏi Bách:
- Ta nghe nói cái lò này từ 100 cân quặng luyện được 50 cân sắt?— QUẢNG CÁO —
- Dạ đúng thưa đại nhân.
- Quái lạ nhỉ?
Hai tên trầm ngâm nhìn nhau, lại đánh mắt:
- Các ngươi thử luyện một mẻ cho ta xem.
Bách sai thợ xếp thứ tự các lớp quặng, than cốc rồi còn cho cả đá vôi vào nữa, thấy thao tác này hai tên kia hỏi:
- Thứ đấy là gì?
- Thưa hai vị thánh sứ. Cái đấy là đá thôi! không có gì quan trọng, cho vào chỉ để ngăn cách quặng và than.
- Được! các ngươi tiếp tục luyện đi.
Công nhân bắt đầu châm lửa đốt lò. Cả quá trình Bách và Quang Khải cười nói tránh ra xa, pha một ấm chè đàm đạo. Trà Như Nguyệt Giang Lộ quả là danh trà, chỉ là sao sấy chưa được kỹ thuật lắm. Bách đang định thử phát triển thứ này, nếu làm được thì mấy cái chè vớ vẩn thời nay không bằng được.
Hai tên hán gian thì chỉ chỏ quan sát, không dời nửa bước sợ mình đi thì bọn công nhân làm thao tác gì đấy qua mặt. Nhưng chúng thất vọng rồi. Bọn công nhân chỉ thuần tuý kéo bễ, chốc chốc gặt xỉ ra. Được độ canh giờ thì lấy từ trong lò ra thứ gang thượng hạng. Hai tên nhà quê suýt xoa nhìn bọn công nhân đánh gang thành lưỡi cày, đẹp như lưỡi cày sắt rèn của bọn chúng.
Mạng Giáp, Lý Văn Tuấn cảm khái, bọn chúng đã quan sát cả quả trình. Chỉ có khác biệt duy nhất với cách làm của người Nguyên là bọn này cho thêm đá vào. Tý về sẽ lấy loại đá đó xem là đá gì? Hai tên thấy đã đạt được mục đích. Hỉ hả lấy một bao đá vôi cho lên thuyền, lại đòi về Kinh ngay. Ở chốn lam sơn chướng khí này chúng chê không quen.