Đời Nhẹ Khôn Kham

Chương 3




1

Geneva là thành phố có những bồn phun nước lớn nhỏ, những công viên nơi có thời vang lừng tiếng nhạc. Ngay cả khu trường đại học cũng nằm khuất sau những lùm cây. Franz vừa dạy xong lớp học chiều. Lúc anh bước chân ra khỏi giảng đường, vòi phun nước đang thi nhau bắn lên không trung những cột nước trắng bạc tưới xuống thảm cỏ xanh. Lòng anh rộn rã niềm vui. Anh đang trên đường đến thăm cô nhân tình anh ở cách đó vài con đường.

Anh ghé nhà cô luôn, nhưng khi đến anh tự cho mình đóng vai trò người bạn chứ không phải người tình. Bởi nếu anh làm tình với cô nơi phòng vẽ cô ngay tại Geneva này hoá ra anh là người đàn ông đi từ người đàn bà này sang người đàn bà khác, từ vợ sang tình nhân rồi về với vợ, trong cùng một ngày sao. Thêm nữa, ở Geneva vợ chồng ngủ với nhau theo kiểu Pháp, tức là chung một giường, anh biến thành gã đàn ông bò từ giường người đàn bà này sang giường người đàn bà khác trong khoảng thời gian vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Anh thấy điều đó xúc phạm cả vợ lẫn tình nhân, cuối cùng cả anh nữa.

Hai người yêu nhau được mấy tháng. Tình yêu anh dành cho cô quý giá đến độ anh cố tạo riêng cho nó chỗ đứng độc lập trong đời sống anh, một vùng đất tinh khiết được bao che chặt chẽ, trong đó anh cất giấu hình ảnh cô. Anh thường được mời đi diễn thuyết tại các trường đại học nước ngoài và khác với dạo trước, anh không từ chối bất cứ lời mời nào. Thế vẫn chưa đủ, anh còn bịa ra những cuộc hội nghị, những phiên họp tưởng tượng để kiếm cớ vắng nhà. Cô nhân tình của anh, không bị ràng buộc bởi việc làm, có mặt bên cạnh anh trong tất cả những lần đi nói chuyện đó, những buổi diễn thuyết có thật cũng như do anh tưởng tượng. Thế là, chỉ sau thời gian ngắn ngủi, anh đưa cô đi thăm rất nhiều thành phố Âu châu và một thành phố Mĩ châu.

“Mười hôm nữa em đi Palermo với anh nhé.” Anh bảo cô.

“Em thích Geneva hơn.” Cô trả lời, mắt vẫn chăm chú xem xét bức tranh đang vẽ dở.

“Không đi Palermo mà em sống được à?” Franz hỏi lại, cố gắng tạo không khí tươi vui.

“Em biết Palermo rồi.”

“Em biết rồi?” Giọng anh đượm chút ghen tuông.

“Một người bạn có lần đi Palermo gửi cho em tấm bưu thiếp. Em dán nó trên toa-lét, anh không thấy sao?”

Rồi cô kể anh nghe câu chuyện: “Hồi xửa hồi xưa, vào khoảng đầu thế kỉ, có người thi sĩ già. Ông già đến nỗi người môn đệ phải xốc nách đỡ ông lên mỗi khi ông bước chân ra ngoài. Một hôm, người môn đệ nói: ‘Ô kìa, thầy! Nhìn lên trời mà xem. Lần đầu tiên có phi cơ bay trên thành phố.’ Cụ già không buồn ngẩng đầu lên, mắt vẫn nhìn xuống đất, trả lời người môn đệ: ‘Thầy có hình của nó rồi.’ Em có bức hình thành phố Palermo. Nó cũng có chừng đó khách sạn và chừng đó xe cộ như tất cả những thành phố khác. Và phòng vẽ của em luôn luôn có những bức hình mới lạ.”

Franz thấy buồn bã. Anh đã quen với cách ràng buộc liên hệ tình cảm hai người bằng những chuyến du lịch ra nước ngoài, đến nỗi câu nói “Chúng ta đi Palermo đi!” thật ra chỉ là gợi ý “Chúng ta hãy làm tình đi!” và câu trả lời “Em thích Geneva hơn” chỉ có thể chứa đựng ngụ ý: cô hết ham muốn anh rồi.

Tại sao anh cảm thấy bất an đến vậy? Đã có tín hiệu nào khiến anh phải lo sợ đâu! Sự thật, chính cô là người tấn công anh trước, ngay sau khi hai người gặp gỡ nhau lần đầu. Nhân dáng, mặt mũi anh dễ nhìn. Anh lại có địa vị rất cao trong nghề nghiệp. Đồng nghiệp anh ai cũng phải e dè tính khí cao ngạo cũng như vẻ tự tin đến chắc nịch toát ra từ con người anh vào những dịp hội họp giữa những nhân vật trong giới. Nếu vậy tại sao anh mang canh cánh trong lòng mối lo âu hằng ngày cô nhân tình anh đang sắp sửa từ bỏ anh?

Tôi chỉ có thể giải thích, với Franz, tình yêu không phải là phần nối dài đời sống xã hội, mà cái gì hoàn toàn tương phản. Có nghĩa tình yêu là lòng mong muốn được quy phục dưới gót chân người tình. Kẻ quy hàng làm tù binh phải nộp luôn vũ khí. Và vì bị tước đoạt mất khả năng tự vệ dùng chống trả cú đánh phủ đầu, hắn không tránh được mối lo sợ thường xuyên không biết lúc nào cú đánh đổ ụp xuống. Đó là lí do tại sao tôi dám đoan chắc, với Franz, tình yêu đồng nghĩa với sự chờ đợi cú đánh chí tử từ trên đổ xuống đó.

Trong lúc Franz thừ người ra với cơn buồn bực, người đàn bà buông cọ vẽ xuống và khuất mình sau gian phòng bên cạnh. Cô trở ra với chai rượu trên tay. Cô khui rượu, không nói không rằng, rót ra li cho hai người.

Ngay tức khắc, Franz thở ra nhẹ nhõm và anh thấy hơi khôi hài. Câu nói “Em thích Geneva hơn” không có nghĩa cô từ chối, không chịu làm tình với anh nữa, ngược lại, nó ngụ ý cô chán cảnh phải giới hạn chỉ được yêu nhau tại các thành phố nước ngoài.

Cô đưa li rượu lên môi uống cạn. Franz làm theo cô. Dĩ nhiên, anh thấy sung sướng vô cùng vì lời từ chối đi Palermo của cô thật ra là lời kêu gọi tình yêu, nhưng anh lại vẩn vơ lo lắng mối lo khác: cô nhân tình của anh dường như sẽ quyết liệt vi phạm vùng đất tinh khiết do anh tạo dựng ra cho mối liên hệ giữa hai người; cô không chịu hiểu giùm anh những cố gắng anh lúng túng làm chỉ cốt sao tình yêu hai người bớt vô vị, nhàm chán và tách biệt nó khỏi ngôi nhà hôn nhân của anh.

Thái độ tự trói buộc mình không làm tình với cô ở Geneva thật ra chỉ là hình thức Franz tự trừng phạt mình về tội đã kết hôn với người đàn bà khác. Anh mang trong người mặc cảm có điều gì đó tội lỗi hay không toàn vẹn. Mặc dù chuyện chăn gối giữa vợ chồng anh thật tình chẳng có gì đáng nói, anh vẫn ngủ chung giường với vợ, vẫn nửa đêm thức giấc giữa hơi thở nặng nề của nhau và hít vào phổi mùi vị, hơi hướm trên thân thể nhau. Đúng, anh muốn ngủ riêng giường, nhưng chiếc giường hai người nằm chung vẫn là biểu tượng của ràng buộc trong hôn nhân và như chúng ta biết, cái gì là biểu tượng rồi đều trở nên bất khả xâm phạm.

Mỗi lần nằm bên cạnh vợ trên chiếc giường đó, trong đầu anh lại nảy lên ý nghĩ cô nhân tình anh chắc đang tưởng tượng ra cảnh anh đang nằm cạnh vợ như vầy, và lần nào anh cũng thấy xấu hổ với chính mình. Đó là lí do tại sao anh muốn tách rời chiếc giường anh nằm ngủ chung với vợ ra thật xa, càng xa càng tốt, chiếc giường anh làm tình với người đàn bà hoạ sĩ, nhân tình của anh.

Người đàn bà rót thêm li rượu nữa. Cô cạn li rồi vẫn trong im lặng và với vẻ dửng dưng đến kì lạ, như thể quên bẵng sự có mặt của Franz ở đó, cô từ tốn đưa tay lên cởi áo ngoài. Cô hành động như người sinh viên kịch nghệ đang tập diễn trong lớp học để cả lớp phải tin cô đang một mình trong lớp và không ai nhìn thấy cô.

Cô đứng đó, trên người chỉ còn bộ quần áo lót. Đột nhiên (như chợt nhớ ra Franz đang có mặt), cô giương mắt nhìn anh trân trân.

Anh hoàn toàn không hiểu nổi cái nhìn. Nó làm anh bối rối. Tất cả những người yêu nhau, dù không chủ ý, thường tự bày cho mình những lề thói trò chơi tình ái mà ngay từ giai đoạn đầu đã không để bất cứ điều gì vượt qua lằn ranh giới hạn. Cái nhìn cô đang dán lên người Franz không có trong những lề thói trò chơi tình ái đó; nó không giống bất cứ cái nhìn, bộ tịch nào hai người thường có trước khi làm tình. Nó không mang vẻ khiêu khích hay bỡn cợt; nó mang một dấu hỏi, như đang thắc mắc điều gì vậy thôi. Vấn đề là Franz không hề có ý niệm mơ hồ nào nó đang hỏi han điều gì.

Kế đó, cô nhấc chân ra khỏi chiếc áo ngoài, nắm tay Franz và kéo anh đến đứng trước tấm gương lớn treo trên tường. Vẫn nắm tay người đàn ông, cô nhìn vào gương, vẫn cái nhìn như muốn tra vấn điều gì, thoạt đầu nhắm vào chính cô rồi quay sang Franz.

Gần tấm gương lớn dựng cái giá treo tóc giả, trên giá treo một cái mũ dạ tròn màu đen cũ kĩ. Cô cúi xuống, cầm mũ đội lên đầu mình. Hình ảnh trong gương lập tức biến đổi: hình ảnh người đàn bà trong bộ quần áo lót, kiều diễm nhưng xa lạ và cách biệt, đầu đội cái mũ dạ tròn trông lạc lõng đến thảm thương, tay nắm tay người đàn ông cổ cồn cà vạt, com lê xám.

Một lần nữa anh lại mỉm cười cho sự ngu ngốc của mình không sao hiểu nổi tâm lí cô nhân tình. Cô cởi áo ra không phải để lẳng lơ gợi tình mà như để diễn xuất trong vở tuồng cỏn con kì quặc, một tiết kịch chỉ có hai người. Anh nở rộng nụ cười rạng rỡ ra vẻ thông hiểu và chấp thuận. Anh đợi chờ từ cô một cử chỉ dịu dàng, nhưng cô làm như không biết. Vẫn nắm tay anh, cô đứng yên nhìn vào gương, trước nhìn vào chính mình sau quay sang anh.

Giờ khắc qua đi. Franz bắt đầu thấy pha tuồng (mà anh thấy vui vui nghĩ nó không đến nỗi quá vô duyên) kéo dài quá lâu. Anh sẽ sàng đưa hai ngón tay lên kẹp vành mũ rồi nhấc nó khỏi đầu cô, miệng vẫn mỉm cười, anh đặt nó trở lại chỗ treo tóc giả. Anh hành động như thể đang cố bôi xoá vệt đen do đứa trẻ tinh nghịch nào vẽ râu lên hình Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.

Cô giữ người bất động thêm vài giây nữa, mắt vẫn chăm chú nhìn vào gương. Franz phủ lên người cô những nụ hôn mơn trớn. Anh lặp lại đề nghị ban nãy rủ cô mười hôm nữa đi Palermo với anh. Lần này cô ừ, không hỏi han vặn vẹo gì và anh từ giã cô ra về.

Anh lại thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Thành phố Geneva, suốt đời anh nguyền rủa là thành phố buồn hiu, bữa nay bỗng trở nên đẹp đẽ và đầy ắp những cuộc phiêu lưu. Lúc bước xuống đường, anh ngoảnh cổ ngước đầu lên nhìn khung cửa sổ rộng của căn phòng. Cửa sổ che nắng bằng những tấm bạt sọc. Franz tản bộ về phía công viên. Xa xa, nóc vòm ngôi nhà thờ Chính thống giáo màu vàng choé nhô lên như hai quả đạn đại pháo giát vàng treo lơ lửng giữa không trung nhờ quyền năng vô hình nào đó. Cảnh vật đẹp đẽ. Anh đi về phía bờ hồ, đáp chuyến tàu đưa anh ngược lên hướng bắc nơi anh cư ngụ.

2

Còn lại một mình trong phòng, Sabina quay lại đứng trước gương, trên người cô vẫn còn nguyên bộ quần áo lót. Cô đội lại lên đầu cái mũ dạ tròn đoạn ngắm nghía mình trong gương rất lâu. Cô kinh ngạc vô cùng khi nhớ lại từng đó năm tháng cô bỏ ra theo đuổi, tìm kiếm một giây khắc đã mất.

Nhiều năm về trước, có lần đến phòng vẽ thăm cô, Tomas bị cái mũ thu hút. Nó kích thích trí tưởng tượng của anh. Anh đội mũ lên đầu rồi nhìn vào gương, cũng tấm gương lớn treo trên tường như tấm đang treo trong gian phòng ở Geneva này. Anh muốn xem bộ dạng, nhân dáng anh trông ra sao nếu anh là viên thị trưởng của thế kỉ mười chín. Lúc Sabina cởi quần áo, anh đặt cái mũ lên đầu cô. Hai người đứng trước gương (họ luôn luôn đứng trước gương khi Sabina cởi quần áo) đoạn nhìn vào chính mình. Cô chỉ còn bộ quần áo lót trên người, và cái mũ dạ tròn. Đột nhiên, cả hai người bị kích thích bởi hình ảnh trong gương.

Cái gì khiến hai người bị khích động như vậy? Khoảnh khắc trước đó, cái mũ chỉ là trò đùa không hơn không kém. Phải chăng sự khích động thật ra chỉ là bước nhỏ đến từ nỗi nực cười?

Vâng, đúng thế. Lúc hai người thoạt nhìn nhau trong gương, cô chỉ trông thấy cảnh tượng hoạt kê, nực cười. Nhưng đột nhiên, cái tức cười biến thành cái khích động: cái mũ dạ tròn không còn là trò đùa nữa; nó mang ý nghĩa bạo hành, sự bạo hành quất lên người Sabina, xúc phạm phẩm tiết đàn bà của cô. Cô thấy đôi chân trần trụi của mình và mảng tam giác trái cấm hiện rõ dưới làn vải mỏng. Bộ quần áo lót làm cô tăng vẻ kiều mị đầy nữ tính trong khi cái mũ thô cứng đầy nam tính lại cố tình chối bỏ điều đó, nó vi phạm và chế giễu nét đàn bà của cô. Sự việc Tomas quần áo chỉnh tề đứng bên cạnh mang ý nghĩa hai người không có ý muốn tìm kiếm trò chơi vui đùa thuần túy (giả như Tomas đang đùa nghịch anh sẽ tự cởi quần áo và đội lên đầu cái mũ tương tự). Đúng hơn, nó là sự nhục mạ. Nhưng thay vì tỏ vẻ khinh thị, không thèm đếm xỉa, Sabina lại cố tình khiêu khích, như thể đang tự hiến dâng thân xác để được công khai hãm hiếp. Và đột nhiên, không cưỡng được thèm muốn, cô kéo Tomas nằm xuống sàn nhà. Cái mũ lăn long lóc dưới gầm bàn, hai người ôm nhau lăn lộn trên thảm ngay bên dưới tấm gương.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với cái mũ dạ tròn:

Thứ nhất, cái mũ mơ hồ nhắc nhở về tổ phụ Sabina, viên thị trưởng cái thị trấn Bohemia nhỏ bé vào thế kỉ mười chín.

Thứ hai, cái mũ là kỉ vật của cha Sabina để lại. Sau đám tang cha, người anh trai tìm cách chiếm đoạt hết của cải cha mẹ để lại, và cô, với vẻ khinh bỉ ra mặt, không thèm tranh chấp đòi hỏi thứ gì, còn tuyên bố cách nhạo báng là gia tài cha mẹ để lại, cô chỉ lấy cái mũ dạ tròn.

Thứ ba, nó là món vật cô dùng trong những trò chơi tình ái với Tomas.

Thứ tư, nó là biểu tượng cái gì rất riêng tư cô cố tình xây đắp bấy lâu nay. Khi lìa bỏ quê hương, cô chỉ được quyền đem theo rất ít đồ đạc vật dụng tùy thân, và cô ôm theo cái mũ kềnh càng, hết sức vô dụng này có nghĩa cô phải bỏ lại những thứ khác thực dụng hơn.

Thứ năm, giờ đây cô sinh sống ở nước ngoài, cái mũ trở thành món vật chứa đựng ý nghĩa tình cảm. Hôm xuống Zurich thăm Tomas, cô đem nó theo và đội trên đầu lúc cô chờ đón Tomas tại ngưỡng cửa căn phòng khách sạn.

Nhưng rồi điều cô không hề trù liệu xảy ra: cái mũ không đượm vẻ thản nhiên, vô hại hay mời mọc, khiêu khích nữa, nó trở thành món vật kỉ niệm của thời quá khứ. Cả hai người đều bị xúc động. Họ làm tình với nhau như lần đầu tiên nằm chung giường. Đây không phải là lúc cho những trò chơi dâm dật, bởi lần gặp gỡ này không phải là sự nối tiếp những buổi hẹn hò tình ái của hai người mà mỗi lần gặp gỡ là một cơ hội nghĩ ra trò chơi hư đốn nho nhỏ nào đó. Lần gặp gỡ này là tiếng gọi nhớ thời gian, là bản thánh ca về thời quá khứ hai người, là cái gì rất tình cảm tóm lược câu chuyện không tình cảm và đã tan biến ở khoảng cách xa xôi lắm.

Cái mũ là mô-típ của khúc nhạc cuộc đời Sabina. Nó quay về mãi, mỗi lần với một ý nghĩa khác nhau, và tất cả những ý nghĩa khác nhau đó tuôn chảy qua cái mũ như dòng nước tuôn chảy qua lòng sông. Tôi có thể gọi cái mũ là lòng sông của Heraclitus (“Bạn không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”): cái mũ là lòng sông qua đó Sabina mỗi lần mỗi thấy một dòng sông khác chảy qua, dòng sông ý nghĩa khác: mỗi lần cũng món vật đó đem đến một ý nghĩa khác, mặc dù tất cả những ý nghĩa cũ cộng hưởng (như tiếng dội, một loạt những tiếng dội) hoà nhập vào ý nghĩa mới. Mỗi cuộc nghiệm sinh mới mỗi vang lên, và mỗi lần như thế hoà nhập vào nhau khiến bản hoà âm càng thêm phong phú. Khi Tomas gặp lại Sabina ở Zurich trong căn phòng khách sạn, hình ảnh cái mũ gây nên mối xúc động vô cùng lớn lao và hai người làm tình với nhau gần như trong nước mắt. Đó là vì sự hiện hữu đen tối của cái mũ không những chỉ nhắc nhở hai người về trò chơi tình ái lúc trước, nó còn là kỉ niệm thân quý của cha Sabina, của tổ phụ cô, những người sống vào thế kỉ không có xe cộ, tàu bay.

Giờ đây, có lẽ chúng ta hiểu rõ hơn hố thẳm ngăn cách Sabina và Franz: anh hăm hở lắng nghe chuyện đời cô và ngược lại cô cũng hăm hở lắng nghe chuyện đời anh, nhưng mặc dù hai người thấu hiểu mọi ý nghĩa hợp lí của từng từ ngữ trao đổi, họ hoàn toàn thất bại trong việc nghe ra tiếng thầm thì của dòng sông chảy qua họ.

Và khi cô đội cái mũ dạ tròn lên đầu trước mặt anh, Franz cảm thấy ngượng nghịu, như thể có người nói với anh bằng thứ ngôn ngữ anh hoàn toàn không hiểu. Hành động cô không có tính cách dâm đãng cũng không vì tình cảm, nó chỉ là động tác anh không thấu hiểu và vì thế anh đâm ra ngượng nghịu.

Khi con người còn tương đối trẻ trung và khúc nhạc đời sống họ còn ở những trường canh vừa khai mở, họ dễ dàng nhập vào và trao đổi những mô-típ (như Tomas và Sabina trao đổi mô-típ cái mũ dạ tròn), nhưng khi họ gặp nhau lúc già nua hơn, như Franz và Sabina, khúc nhạc ít nhiều đã đầy đặn, và mỗi mô-típ, mỗi vật thể, mỗi từ ngữ đều mang ý nghĩa riêng tư.

Nếu tôi thực hiện bản văn ghi lại những cuộc đối thoại giữa Franz và Sabina, rất có thể tôi sẽ sưu tập được bộ tự vựng dầy cộm những hiểu lầm giữa hai người. Nhưng thay vào đó, chúng ta hãy tạm hài lòng với một quyển ngăn ngắn.

3

Quyển từ điển ngắn những từ ngữ bị hiểu sai

ĐÀN BÀ

Làm đàn bà là định mệnh Sabina không có chọn lựa. Cái gì chúng ta không được chọn lựa chúng ta không thể xem đó là công trạng hay thất bại. Sabina tin tưởng cô phải chấp nhận thái độ đúng đắn về cái định mệnh cô không có chọn lựa đó. Với cô, phản kháng hay hãnh diện vì sinh ra làm đàn bà đều mang tính cách ngu xuẩn như nhau.

Trong lần gặp gỡ khi mới quen, Franz nói với cô, giọng nhấn mạnh hơi bất thường: “Sabina, em là một người đàn bà.” Cô không hiểu tại sao anh phải nhấn mạnh sự kiện hiển nhiên đó với vẻ trang trọng của Kha Luân Bố khi nhìn thấy đất liền. Mãi về sau cô hiểu ra từ ngữ “đàn bà”, khi được nhấn mạnh bất thường như thế, dưới mắt anh, không phải chỉ dùng để phân biệt hai phái tính con người; nó mang biểu tượng một giá trị. Không phải bất cứ đàn bà nào cũng được gọi là đàn bà.

Nhưng nếu dưới mắt Franz, Sabina được gọi là đàn bà thì Marie-Claude, vợ anh, là gì? Hơn hai mươi năm trước, sau vài tháng quen nhau, Marie-Claude doạ tự tử nếu Franz không chịu cưới cô. Franz như bị bỏ bùa vì lời đe doạ này. Anh không yêu thương Marie-Claude gì cho lắm, nhưng tình yêu của cô làm anh xúc động. Anh thấy mình chẳng đáng hưởng tình yêu cao cả như thế, anh cảm thấy thấp kém trước mặt cô.

Anh thấp kém đến độ anh lấy cô làm vợ. Và mặc dù cảm xúc cuồng nhiệt toát ra từ Marie-Claude khi cô doạ tự tử không bao giờ tái hiện, anh vẫn ghi giữ trong tim ấn tượng đó với ý nghĩ không bao giờ anh được quyền làm cô đau khổ và anh phải luôn luôn tôn trọng cái nữ tính trong người cô.

Đây quả là công thức đặc biệt. Không “tôn trọng Marie-Claude,” nhưng “tôn trọng cái nữ tính trong Marie-Claude.”

Nhưng nếu Marie-Claude chính thị là đàn bà, người đàn bà khác ẩn núp trong cô là ai? Người anh luôn luôn tôn trọng? Có lẽ một khuôn mẫu đàn bà theo lí tưởng Plato chăng?

Không đâu. Khuôn mẫu đó chính là bà mẹ Franz. Chưa bao giờ anh phải nói anh tôn trọng người đàn bà trong mẹ anh. Anh sùng bái mẹ anh chứ không phải người đàn bà nào khác trong đó. Mẹ anh và khuôn mẫu đàn bà theo lí tưởng Plato là một.

Năm anh mười hai tuổi, bà bỗng nhiên bơ vơ sau khi cha anh bỏ vợ con ra đi mất biệt. Cậu bé nghi có điều gì nghiêm trọng xảy ra, nhưng bà mẹ trấn an cậu bằng những lời lẽ bình thường. Hôm người cha bỏ đi, bà mẹ Franz dắt cậu xuống phố chơi, và lúc hai mẹ con ra khỏi nhà, Franz để ý thấy mẹ mình hai chân đi hai chiếc giày khác nhau. Cậu thấy bối rối, khó xử hết sức: cậu muốn chỉ cho mẹ thấy sự nhầm lẫn của bà nhưng lại sợ làm bà đau lòng. Thế là, trong suốt hai tiếng đồng hồ dạo phố, cậu dán mắt vào đôi chân bà mẹ. Đó là lần đầu tiên trong đời cậu ý thức đau khổ là gì.

CHUNG THỦY VÀ BỘI PHẢN

Franz yêu thương mẹ từ khi anh còn là đứa trẻ cho đến ngày anh đưa bà ra nghĩa trang; anh cũng yêu thương bà trong tâm tưởng anh. Tình thương đó khiến anh tin tưởng lòng chung thủy phải có chỗ đứng rất cao trọng trong các đức tính: nhờ có lòng chung thủy, đời sống mới liền lạc thành một mối, nếu không chắc nó vỡ tan thành trăm nghìn mảnh ấn tượng vụt thoáng qua trong tích tắc.

Franz thường kể Sabina nghe về mẹ anh, có lẽ với duyên do bí mật nào đó nằm tận cùng vô thức anh: anh đinh ninh Sabina sẽ thấy đẹp lòng vì anh là người đàn ông chung thủy và nhờ đó anh chiếm được cảm tình của cô.

Nhưng anh đâu biết Sabina là người đàn bà bị lôi cuốn bởi lòng bội phản nhiều hơn là chung thủy. Từ ngữ “chung thủy” làm cô nhớ đến cha cô, người đàn ông đạo hạnh, thanh khiết sống nơi tỉnh nhỏ, dùng trọn ngày chủ nhật vẽ vời cảnh chiều tà lên bố vải hay tô điểm hình hoa hồng lên bình sứ. Nhờ ông, Sabina bắt đầu biết vẽ khi còn thơ ấu. Năm cô mười bốn tuổi, cô đem lòng yêu thương một cậu trai cùng trang lứa. Cha cô hãi sợ đến nỗi ông ra lệnh nghiêm cấm, không cho cô một mình ra khỏi nhà suốt năm trời. Một hôm, ông cho cô xem đôi ba bức phó bản tranh Picasso kèm theo những lời phê bình giễu cợt.

Nếu cô không được phép yêu cậu học trò mười-bốn-tuổi, ít nhất cô có quyền yêu tranh lập thể. Học xong, cô lên Praha với cảm giác yêu đời cuối cùng cô quay lưng bội phản chính gia đình cô.

Bội phản. Từ tuổi bé thơ non nớt, chúng ta được cha ông và thầy cô dậy dỗ lên án bội phản là hành vi xúc phạm tàn bạo nhất. Nhưng bội phản là gì? Bội phản là phá vỡ mọi nề nếp và đi về nơi vô định. Với Sabina, không gì tuyệt vời hơn nếu cứ cất bước đi mãi về nơi vô định.

Khi còn là sinh viên trường Mĩ thuật, cô không được phép vẽ như Picasso. Đó là thời kì cái gọi là hiện thực xã hội được quy định và nhà trường sản xuất toàn chân dung những chính khách Cộng sản. Sabina mong thực hiện được hành vi bội phản cha mình nhưng cô chưa toại nguyện: Chủ nghĩa Cộng sản là người cha khác, người cha khó khăn và kềm kẹp không kém, người cha cấm cô không được yêu thương (thời của đạo hạnh) và ngay cả Picasso cô cũng không được phép lại gần.

Và cô lập gia đình với một anh diễn viên hạng nhì chỉ vì anh ta nổi tiếng là người lập dị không được cả hai người cha chấp nhận.

Rồi mẹ cô qua đời. Hôm trở lại Praha sau đám tang mẹ, cô nhận được điện tín báo tin cha cô cũng đã tự sát giữa nỗi khổ đau cùng cực.

Đột nhiên lương tâm cô quặn xé lên đau đớn: cha cô vẽ bông hồng lên bình sứ và ghét Picasso, điều đó có thật khiếp đảm lắm không? Có thật đáng trách nếu ông hãi sợ cô con gái mười bốn tuổi có ngày vác bụng bầu về nhà? Có thật đáng chê cười nếu ông không thể tiếp tục sống trên cõi đời sau khi người vợ mình về bên kia thế giới?

Một lần nữa, cô thấy lòng mình như nung nấu muốn làm một hành vi bội phản: bội phản chính sự bội phản. Cô bảo người chồng (người giờ đây cô xem như gã say khó chịu chứ không còn là kẻ lập dị nữa) cô sẽ chia tay giã từ gã.

Vì B. chúng ta bội phản A. rồi lại bội phản B. Điều này không có nghĩa chúng ta sẽ làm lành xoa dịu A. Cuộc sống một hoạ sĩ li dị chồng không hề giống cuộc sống cha mẹ cô mà cô đã bội phản. Sự bội phản lần thứ nhất không thể hàn gắn. Nó tiên khởi cho chuỗi phản ứng những bội phản khác về sau, và mỗi lần dẫn chúng ta đi xa thêm, ra khỏi cứ điểm lần bội phản ban đầu.

ÂM NHẠC

Với Franz, âm nhạc là nghệ thuật gần gũi nhất với cái đẹp say sưa. Không ai say vì quyển tiểu thuyết hay bức tranh, nhưng có ai không khỏi say đắm khi nghe Giao hưởng số chín của Beethoven, khi nghe Sô-na-ta cho hai dương cầm và nhạc cụ gõ của Bartok, hay White Album của Beatles. Franz không phân biệt nhạc “cổ điển” và nhạc “thời trang”. Với anh sự phân loại như vậy vừa lỗi thời vừa trá ngụy. Anh ưa thích nhạc kích động và nhạc Mozart như nhau.

Anh xem âm nhạc có sức mạnh giải phóng: nó giải phóng anh ra khỏi nỗi cô độc, khỏi cơn trầm tư nội hướng, khỏi bụi bặm thư viện; nó mở cánh cửa con người anh và cho phép tâm hồn anh bước ra thế giới bên ngoài tìm kiếm bạn bè, bằng hữu. Anh thích khiêu vũ và thấy tiếc Sabina không chia sẻ với anh đam mê này.

Hai người ngồi trong tiệm ăn, và trong lúc họ ăn uống, tiếng nhạc đinh tai nhức óc với nhịp tiết thật mạnh phát ra từ ống loa đặt gần đó.

“Đúng là cái vòng luẩn quẩn hung tợn,” Sabina nói. “Tai người ta sắp bị điếc hết vì tiếng nhạc càng ngày càng lớn. Nhưng vì người ta điếc nên tiếng nhạc càng phải lớn hơn.”

“Em không thích âm nhạc à?” Franz hỏi lại.

“Không.” Rồi cô nói thêm, “dù là âm nhạc ở thời đại khác...” Cô đang nghĩ đến thời đại của Johann Sebastian Bach, khi âm nhạc như đoá hoa hồng nở trên cánh đồng của lặng im, bao la và phủ đầy tuyết trắng.

Tiếng động ồn ào giả làm âm nhạc theo đuổi cô từ ngày thơ ấu. Mấy năm học ở trường Mĩ thuật, sinh viên bị bắt buộc phải tham dự trại hè suốt mấy tháng hè. Họ sống chung chạ nhau và cùng công tác thực địa tại công trường nhà máy thép. Nơi đó, tiếng nhạc từ ống loa phát thanh gào lên từ năm giờ sáng đến chín giờ tối. Cô muốn khóc lên được, tiếng nhạc chói lói, không thể tìm được nơi nào khả dĩ dùng làm chỗ ẩn náu tránh tiếng loa, không thể chui vào nhà cầu hay rúc dưới đám chăn mền: mọi vật nằm trong tầm những ống loa phát thanh. Tiếng nhạc như bầy chó săn ùa đến cắn xé cô.

Vào thời điểm đó, cô tưởng thứ nhạc mọi rợ đó chỉ ngự trị ở thế giới Cộng sản. Ra nước ngoài, cô khám phá sự biến thể từ âm nhạc sang tiếng ồn là tiến trình toàn cầu trong đó con người đang đi vào giai đoạn lịch sử của sự xấu xí toàn diện. Thoạt đầu là những xú uế trong âm thanh phủ trùm khắp nơi: xe hơi, xe gắn máy, đàn ghi-ta điện, máy khoan, loa phát thanh, còi hụ. Chẳng bao lâu nữa sự xấu xí dưới con mắt nhìn cũng sẽ tràn ngập khắp nơi.

Sau bữa ăn tối, hai người lên phòng và họ làm tình với nhau. Trong lúc mơ màng sắp chìm vào giấc điệp, Franz cảm thấy ý nghĩ mình mất dần mạch lạc. Anh nhớ tiếng nhạc ồn ào tại bàn ăn và tự nhủ, “Tiếng ồn cũng có điểm lợi. Nó lấn át tiếng nói.” Đột nhiên anh nhận thức trọn cuộc đời anh, anh không làm gì khác ngoài nói, viết, dạy học, biến chế câu văn, tìm kiếm và tu bổ những công thức để rồi cuối cùng không từ ngữ nào còn chuẩn xác nữa, ý nghĩa những dòng chữ bị xoá nhoà, nội dung mất hẳn, chúng biến thành rác rưởi, trấu rơm, cát bụi; chúng lưởng vưởng quanh trí óc anh, chúng giằng co, xâu xé trong đầu anh, chúng là chứng bệnh mất ngủ, là căn bệnh của anh. Và điều anh đang khao khát lúc đó, mơ hồ nhưng với tất cả ý chí của anh, là tiếng nhạc vô bờ, là âm thanh tuyệt đối, đầy êm dịu và hạnh phúc ngập tràn, trấn át tiếng ồn ào huyên náo làm rung rinh cánh cửa, một lần và mãi mãi, phủ lấp nỗi đau đớn, xoá đi cái vô dụng, hư phù của chữ nghĩa. Âm nhạc là phủ định những câu văn, là phản đề của chữ nghĩa! Anh khao khát được ôm ấp Sabina thật lâu, anh ước ao phải chi anh không bao giờ phải nói một câu, một chữ nào, để cực độ khoái cảm tình yêu trong anh tràn đầy tiếng nhạc vang lừng, phủ lấp. Và anh đi vào giấc ngủ được vỗ về bởi âm vang chân phúc huyễn tưởng đó.

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Với Sabina, sống là nhìn thấy. Nhưng thị giác bị giới hạn do hai rào cản: ánh sáng rực rỡ làm mù loà, và bóng tối đen kịt. Có lẽ đó là lí do khiến Sabina ghê sợ tất cả mọi cực đoan chủ nghĩa. Cực đoan là biên giới không có sự sống phía bên kia, và đam mê cực đoan chủ nghĩa, trong nghệ thuật cũng như trong chính trị, là trùm khăn lại rồi mong chờ cái chết.

Với Franz, từ ngữ “ánh sáng” không gợi hình ảnh một cảnh thổ phơi bày dưới ánh sáng dịu nhẹ của ngày; nó gợi cho thấy chính nguồn ánh sáng: mặt trời, bóng đèn điện, đèn chiếu. Liên tưởng của Franz là những ẩn dụ quen thuộc: ánh mặt trời của lòng công minh chính trực, ngọn lửa chói sáng của trí tuệ, vân vân.

Bóng tối cũng quyến rũ anh nhiều như ánh sáng. Anh biết ở thời đại này tắt đèn trước khi làm tình là hành động tức cười, vì thế anh luôn luôn mở ngọn đèn nhỏ đầu giường. Tuy vậy, lúc đi vào Sabina, anh lại nhắm nghiền hai mắt. Khoái cảm tràn trề trong cơ thể anh kêu gọi bóng tối. Bóng tối tinh ròng, toàn vẹn, không ý tưởng, không hình tượng; bóng tối đó không có tận cùng, không có biên cương; bóng tối đó là cái vô tận mỗi chúng ta đều mang nó trong người. (Vâng, nếu bạn đang đi tìm kiếm vô tận, bạn chỉ việc nhắm hai mắt lại!)

Và ngay lúc khoái cảm lan tràn khắp châu thân, Franz tan biến vào cõi vô tận của bóng tối anh, chính anh trở nên vô tận. Nhưng con người anh càng tăng trưởng trong cái bóng tối bên trong bao nhiêu, phần bên ngoài anh càng thu nhỏ bấy nhiêu. Người đàn ông mắt nhắm là người đàn ông phế thải. Sabina chán ngán vô cùng khi thấy anh nhắm mắt như vậy, và để khỏi phải nhìn vào mặt anh, cô cũng nhắm hai mắt lại. Nhưng với cô, bóng tối không có nghĩa vô tận; nó đồng nghĩa với sự bất tán thành cái gì cô trông thấy, phủ định cái trước mắt, chối bỏ cái không muốn nhìn.

4

Có lần Sabina tự cho phép mình đến tham dự một buổi họp nhóm giữa những người di dân đồng hương của cô. Cũng như những lần khác, họ xào lại cuộc tranh luận nên hay không nên đứng dậy võ trang chiến đấu chống Nga. Trong an toàn của đời sống di dân, lẽ tất nhiên họ chuộng giải pháp chiến đấu hơn. Sabina lên tiếng: “Vậy tại sao các ông không quay về mà chiến đấu đi?”

Thật tình cô chẳng nên phát biểu như thế. Một người đàn ông có mái tóc bạc dợn sóng giơ ngón tay trỏ dài ngoằng chỉ vào mặt cô: “Cô không được quyền ăn nói như vậy. Vì mấy người mà đất nước chịu cảnh ngày nay. Cả cô nữa. Cô đã phản kháng chế độ Cộng sản như thế nào? Hay cô chỉ biết vẽ vời lăng nhăng...”

Quy định người dân sống như thế nào, kiểm soát đời sống họ, là nguyên tắc và cũng là sinh hoạt xã hội không bao giờ ngưng nghỉ ở các quốc gia Cộng sản. Hoạ sĩ xin phép triển lãm tranh, công dân bình thường xin chiếu khán đi du lịch tại các quốc gia có bờ biển, cầu thủ bóng đá xin gia nhập đội banh quốc gia, đều phải đi thu nhặt không biết bao nhiêu thư từ đề bạt, báo cáo (từ người giữ cửa, bạn đồng nghiệp, công an, cơ quan địa phương Đảng, nghiệp đoàn liên hệ) để các viên chức đặc biệt từ đó làm công việc tổng kết, cứu xét và tóm lược. Những báo cáo này không hề dính dáng đến năng khiếu nghệ thuật, khả năng đá bóng, hay bệnh trạng cần tịnh dưỡng nơi có không khí biển; chúng quy chiếu điểm duy nhất: “Hồ sơ chính trị của người công dân” (nói cách khác, những gì người công dân từng tuyên bố, suy nghĩ; hành vi của hắn, hắn đứng dậy bỏ ra về giữa buổi họp nhóm hay trốn diễn hành ngày lễ Lao động mùng một tháng năm trong

trường hợp nào). Bởi mọi sinh hoạt (hiện hữu ngày qua ngày, thăng quan tiến chức tại sở làm, ngày nghỉ hè) đều tùy thuộc vào kết quả việc cứu xét. Mọi người (dù hắn muốn chơi banh trong đội banh quốc gia, muốn thực hiện buổi triển lãm tranh, hay muốn đi nghỉ hè tại bờ biển) ai nấy phải sống sao cho phải đạo để có điểm tốt.

Ý nghĩ đó xuyên qua đầu Sabina trong lúc cô nghe người đàn ông có mái tóc bạc cất tiếng. Ông ta không cần biết những người đồng hương của ông là cầu thủ đá bóng xuất sắc hay hoạ sĩ tài ba (không người di dân Tiệp nào có mặt trong buổi họp tỏ vẻ quan tâm đến những tác phẩm hội hoạ của Sabina); điều duy nhất ông ta quan tâm là những người này đã chống Cộng ra sao, tích cực hay tiêu cực, có thực tâm hay chỉ bề ngoài, từ lúc đầu hay chỉ mới sau này khi bỏ chạy ra nước ngoài.

Vì là hoạ sĩ, cô có con mắt ngắm nhìn sự vật rất chi tiết và trí nhớ cô còn ghi nhận rất rõ nhân dáng những người ở Praha, những người có đam mê thích quy định đời sống người khác. Tất cả bọn họ đều có ngón tay trỏ dài hơn ngón giữa một chút và lúc nào ngón tay đó cũng giơ ra chỉ vào mặt người đang đối thoại. Tổng thống Novotny, người lãnh đạo đất nước suốt mười bốn năm trước 1968, cũng có mái tóc bạc dợn cong như thế và ngón tay trỏ của ông dài hơn bất cứ ngón tay người dân nào cư ngụ ở Trung Âu.

Khi nhân vật di tản danh giá nghe từ đôi môi người hoạ sĩ ông chưa bao giờ biết tranh vẽ ra sao, rằng trông ông giống Tổng thống Novotny của Cộng sản thì mặt ông biến thành đỏ gấc, rồi trắng bệch, rồi lại đỏ, rồi lại trắng; ông cố gắng thốt ra điều gì đó nhưng không thành lời, rồi ông im bặt. Mọi người cũng im thin thít cho đến khi Sabina đứng dậy bỏ ra về.

Cô buồn rầu hết sức, và khi bước xuống đường cô tự trách mình tại sao phải giữ liên hệ với những người Tiệp này. Cái gì trói buộc cô vào họ? Cảnh thổ? Nếu mỗi người trong bọn họ được hỏi tên gọi cái phần đất chôn nhau cắt rốn đó gợi nhớ điều gì thì những hình ảnh hiện lên trong trí não họ khác biệt đến nỗi sẽ không còn sự đồng nhất nào nữa.

Hay là văn hoá? Nhưng văn hoá là gì? Âm nhạc? Dvorák và Janacek? Vâng. Nhưng nếu một người Tiệp không còn chút cảm thụ nào cho âm nhạc nữa thì sao? Cái yếu tính cốt lõi để trở thành người Tiệp tan biến vào hư không mất rồi.

Hay vì những bậc vĩ nhân? Jan Hus? Không ai trong căn phòng đó từng đọc một dòng chữ nào của ông. Họ chỉ có thể hiểu được ngọn lửa, niềm vinh quang của ngọn lửa khi ông bị hoả thiêu, niềm vinh quang của tro tàn, và do đó, với họ, yếu tính để thành người Tiệp là đám tro tàn và chỉ có thế thôi. Điều duy nhất giữ họ lại là sự chiến bại và những lời khiển trách lẫn nhau.

Cô bước nhanh. Chính những ý nghĩ trong đầu làm cô khổ sở nhiều hơn là sự tách li khỏi những người di dân lưu vong đồng hương. Cô biết cô không công bằng. Cũng có những người Tiệp khác, những người hoàn toàn khác gã đàn ông có ngón tay trỏ dài ngoằng. Sự im lặng đầy ngượng nghịu sau bài diễn văn nhỏ của cô không có nghĩa tất cả bọn họ đều chống đối cô. Không, có lẽ họ chỉ chưng hửng khi đột nhiên nhìn ra sự thù ghét, ngu dốt của mình trong cuộc sống tị nạn. Nhưng tại sao cô không thương xót họ? Tại sao cô không thấy họ chỉ là những sinh vật bất hạnh và bị ruồng rẫy bỏ rơi?

Chúng ta biết tại sao. Sau khi bội phản người cha già, đời sống mở ra trước mắt cô, con đường dài đầy dẫy bội phản, mỗi lần bội phản, tệ bạc và chiến thắng khiến cô như bị thu hút. Cô không chịu đứng vào hàng ngũ! Cô chối từ hàng ngũ – luôn luôn chừng đó con người, chừng đó bài diễn văn! Đó là lí do tại sao sự thiếu công bằng của chính cô làm cô khuấy động. Nhưng không hẳn đó là cảm giác không vui; ngược lại, Sabina có cảm tưởng cô vừa chiến thắng và có nhân vật vô hình nào đó đang vỗ tay tán thưởng cô.

Thốt nhiên, men say bỗng nhường chỗ cho phiền não: Con đường phải chấm dứt nơi nào đó! Sớm muộn cô phải chấm dứt những trò bội phản này! Sớm muộn cô phải tự ngừng lại!

Lúc đó trời đã tối và cô vội vã bước nhanh vào trạm ga. Chuyến tầu đi Amsterdam đang chờ khách. Cô tìm ra toa của mình. Người soát vé niềm nở đưa cô vào tận nơi, cô mở cánh cửa căn buồng toa tầu và thấy Franz đang ngồi trên băng ghế. Anh đứng dậy đón cô vào, cô choàng hai tay ôm anh và hôn anh đến nghẹt thở.

Cô vô cùng muốn nói với anh, như người đàn bà tầm thường nhất, “Đừng bỏ em, hãy ôm em thật chặt, hãy biến em thành trò chơi của anh, em là nô lệ của anh, hãy mạnh mẽ lên!” Nhưng cô không nói được điều gì.

Khi anh buông cô ra, cô chỉ thốt được câu, “Anh không biết em vui sướng dường nào có anh bên cạnh.” Bản tính khép kín chỉ cho phép cô nói câu nói nồng nàn nhất như thế.

5

Quyển từ điển ngắn những từ ngữ bị hiểu sai (tiếp theo)

DIỄN HÀNH

Ở Pháp hay Ý người ta dễ dàng quá. Khi cha mẹ ép buộc con cái đi nhà thờ, con cái phản kháng bằng cách gia nhập Đảng (Cộng sản, Mao-ít, Trốt-kít, vân vân). Sabina bị người cha bắt đi nhà thờ rồi sau đó còn phải tham dự các buổi họp hành của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông lo ngại có chuyện chẳng lành nếu cô cố tình tránh né mãi.

Khi cô bị ép buộc gia nhập đoàn người diễn hành nhân ngày lễ Lao động, cô chẳng bao giờ giữ bước đi cho đúng nhịp, cô gái đi sau lớn tiếng mắng mỏ và cố tình đạp lên gót chân cô. Đến lúc hợp ca, cô cũng chẳng thuộc lời bài hát và chỉ biết nhép miệng theo. Những cô gái khác để ý báo cáo lên cấp trên. Từ lúc trẻ, cô đã ghét cay ghét đắng những buổi diễn hành.

Franz theo học ở Paris. Vì là sinh viên vô cùng xuất sắc nên ngay từ năm hai mươi tuổi anh đã nắm chắc sự nghiệp trong tay. Ở tuổi hai mươi, anh đã biết cuộc sống anh sẽ chỉ quanh quẩn nơi văn phòng trường đại học, một hai thư viện, và hai ba giảng đường khác nhau. Ý tưởng về cuộc sống như thế làm anh muốn nghẹt thở. Anh mong mỏi bước ra khỏi đời sống đó như người ta mong từ nhà bước ra đường.

Và còn sinh sống ở Paris ngày nào, anh không bỏ qua bất cứ cuộc diễn hành mít-tinh nào. Thật khoan khoái khi ăn mừng, đòi hỏi, hoặc phản đối điều gì; bước ra nơi trống trải, hoà mình vào chốn đông người. Anh thấy khích động đến ngây ngất với những cuộc diễn hành tràn ngập đại lộ Saint-Germain hay từ quảng trường Place de la République đến ngục Bastille. Dưới mắt nhìn của anh, đám đông diễn hành la hét đó là hình ảnh và lịch sử Âu châu. Âu châu là cuộc Diễn hành Lớn. Cuộc diễn hành từ cách mạng sang cách mạng, từ đấu tranh sang đấu tranh, và cứ thế tiếp diễn.

Tôi có thể nói cách khác: Franz cảm thấy đời sống sách vở của anh không thật chút nào. Anh khao khát đời sống thật, khao khát được sờ mó đụng chạm những người đi cạnh anh, khao khát tiếng la hét của họ. Anh không bao giờ nhận thức điều anh cho là không thật (công việc anh làm một mình trong văn phòng hoặc thư viện) lại chính là đời sống thật của anh, còn cuộc diễn hành anh tưởng tượng có thật thì chẳng qua chỉ là những hí trường, những buổi khiêu vũ, những cuộc hội hè đình đám – hay nói khác đi, chỉ là giấc mơ.

Khi còn đi học, Sabina sống trong kí túc xá. Ngày lễ Lao động, tất cả sinh viên có lệnh tụ tập thật sớm để đi diễn hành. Giám thị trường vào từng phòng kiểm soát. Sabina trốn trong phòng vệ sinh và đợi mọi người đi hết mới quay về phòng. Lúc đó, không gian yên vắng vô cùng. Tiếng ồn duy nhất là tiếng nhạc diễn hành văng vẳng vọng lại từ xa. Như thể cô tìm được nơi trú ẩn bên trong cái vỏ ốc và âm thanh duy nhất cô nghe được là tiếng ồn ào vọng lại từ biển cả thế giới nghịch thù.

Một hai năm sau khi di cư ra nước ngoài, cô tình cờ có mặt ở Paris trong dịp đánh dấu ngày Nga xâm lăng đất nước cô. Một cuộc biểu tình tuần hành được dự trù và cô tự cảm thấy có bổn phận tham dự. Những nắm tay giơ cao, những chàng trai Pháp hét to khẩu hiệu lên án đế quốc Sô viết. Những khẩu hiệu nghe cũng lọt tai cô, nhưng cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình không cách nào cất tiếng la to những khẩu hiệu đó cùng mọi người chung quanh. Cô có mặt trong đoàn người không quá mươi phút.

Khi kể lại mẩu chuyện với những người bạn Pháp, họ tỏ ra kinh ngạc vô vùng. “Cô không muốn tranh đấu để giành lại đất nước cô sao?” Cô rất muốn bày tỏ ý nghĩ mình là đằng sau những chủ nghĩa, Cộng sản, Phát xít, đằng sau mọi chiếm đóng và xâm lăng là sự hiểm ác cơ bản và sâu sắc hơn. Bộ mặt sự hiểm ác đó là cuộc diễn hành có những nắm tay giơ cao và miệng đồng thanh hô to những âm vần đồng điệu. Nhưng cô biết những người bạn đó không bao giờ hiểu giùm cô. Cô ngượng nghịu chuyển câu chuyện sang đề tài khác.

CÁI ĐẸP CỦA NEW YORK

Franz và Sabina thường tản bộ hàng giờ trên đường phố New York. Cảnh vật hai bên đường biến đổi theo từng bước đi, như thể hai người đang đi trên con đường núi ngoằn ngoèo chung quanh tíu tít những cảnh tượng lạnh người: Một thanh niên quỳ giữa vệ đường chắp tay cầu nguyện; cách đó vài bước, một thiếu nữ da đen đứng dựa gốc cây; một người đàn ông mặc com lê đen quơ tay điều khiển ban nhạc vô hình trong lúc băng qua đường; bồn nước phun lên thành vòi trong lúc toán thợ xây cất ngồi chung quanh ăn trưa; những cầu thang bằng sắt lạ mắt chạy lên chạy xuống những toà nhà cao tầng mặt tiền màu đỏ trông xấu xí dị kì, xấu đến độ trông mãi cũng thành đẹp; và bên cạnh, hai ba toà nhà kính chọc trời khổng lồ đứng dựa vào nhau, tầng thượng là khu giải trí kiểu Ả Rập với những tháp đài nho nhỏ, phòng triển lãm, cột dát vàng.

Cô nghĩ đến tranh cô vẽ. Ở những bức hoạ cũng thế, những vật thể thiếu cân xứng hoà nhập vào nhau: công trường thép đè lên chiếc đèn dầu; chiếc đèn kiểu xưa, chụp đèn bằng kính màu vỡ tan thành trăm nghìn mảnh nhỏ li ti và nhô trên khung cảnh đầm lầy điêu tàn hoang phế.

Franz nói, “Cái đẹp hiểu theo tinh thần Âu châu luôn luôn kèm theo dụng tâm nào đó. Chúng ta bao giờ cũng có sẵn chủ ý thẩm mĩ và chương trình dài hạn. Điều đó khiến người Âu có thể bỏ ra nhiều chục năm trời xây cất những công trình như thánh đường thời Gô-tích hay công trường thời Phục hưng. Cái đẹp của New York dựa trên căn bản hoàn toàn khác biệt. Ở đây không có dụng tâm. Nó mọc lên hoàn toàn ngoài chủ ý thiết kế của con người, y như một hang động thạch nhũ. Những thể dạng xấu xí ngẫu nhiên vươn lên, không hề sắp đặt trước, nằm giữa khung cảnh kì dị ngoài sức tưởng tượng chung quanh, đột ngột bật lên nét thi vị lóng lánh kì diệu.”

Sabina trả lời anh, “Cái đẹp không chủ tâm. Đúng đấy. Cách khác để diễn tả có thể là ‘đẹp do vô ý’. Trước khi cái đẹp hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất, nó sẽ hiện hữu một thời gian do lỗi lầm vô ý. ‘Đẹp do vô ý’ – giai đoạn cuối cùng trong lịch sử cái đẹp.”

Cô lại nhớ đến những bức hoạ khi nét cọ cô bắt đầu già giặn, những bức hoạ thành tựu nhờ vệt sơn đỏ do vô ý rơi vãi xuống mặt bố. Vâng, tranh cô vẽ dựa trên căn bản “cái đẹp do vô ý”, và New York là cứ địa bí mật nhưng đích thực cho những bức hoạ đó.

Franz gật gù, “Có lẽ cái đẹp không chủ tâm của New York phong phú và đa dạng hơn nhiều nếu đem so với cái đẹp do con người chủ ý xếp đặt. Nhưng đó không phải là cái đẹp Âu châu của chúng ta. Đó là một cảnh giới xa lạ.”

Cuối cùng hai người đồng ý điểm nào đó chăng?

Không. Vẫn có khác biệt. Sabina bị quyến rũ bởi cái đẹp lạ lùng của New York. Còn với Franz, thành phố làm anh thấy hiếu kì nhưng có cái gì sờ sợ; nó làm anh nhớ nhà, nhớ châu Âu của anh.

QUÊ HƯƠNG CỦA SABINA

Sabina hiểu tại sao Franz không ưa thích Mĩ châu. Con người anh là hiện thân của châu Âu: mẹ anh người Vienna, cha Pháp, còn chính anh lại là Thụy sĩ.

Franz vô cùng thán phục quê hương Sabina. Khi Sabina kể chuyện về cô hoặc những người bạn thân từ quê nhà, anh nghe toàn những từ ngữ như “nhà tù”, “ngược đãi”, “chiến xa kẻ thù”, “di cư”, “truyền đơn”, “sách bị cấm”, “triển lãm bị cấm”, và anh thấy trong anh cảm giác lạ lùng, nửa ganh tị nửa cảm hoài.

Anh thú nhận với Sabina. “Lần đó có một triết gia viết về anh, ông ta phê phán công trình của anh là những suy cứu thiếu minh chứng và gọi anh là ‘ngụy-Socrates’. Anh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và giận dữ trả đũa. Bây giờ nghĩ lại thấy cái vở kịch tức cười đó lại là xung đột ghê gớm nhất đời anh. Điểm cao nhất trong mọi biến cố đời anh chỉ có thế! Anh và em, chúng ta sống hai chiều khác nhau. Em đi vào đời anh như Gulliver bước vào thế giới người Li-li-pút.”

Sabina cãi lại. Cô bảo mọi xung đột, biến cố, thảm kịch đều không có ý nghĩa gì; nơi chúng người ta không tìm ra giá trị nào, chúng không đáng để thán phục hay quý trọng. Chính công trình của Franz mới có giá trị và anh có sự thanh tịnh để đặt hết tinh thần vào đó.

Franz lắc đầu. “Trong xã hội giầu có, người dân không phải làm lụng bằng chân tay; họ có phương tiện tham gia những sinh hoạt tinh thần. Càng ngày trường đại học càng nhiều, sinh viên theo học càng đông. Sinh viên muốn có bằng cấp phải viết luận án. Và họ có thể viết về bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời này, đề tài trở nên nhiều vô số kể. Những trang giấy dầy đặc chữ nằm xếp đống trong văn khố trông buồn thảm hơn nghĩa trang vì không ai thèm vào thăm hỏi, ngay cả vào ngày Lễ Linh Hồn (*). Văn hoá đang bị tàn tạ vì sản xuất quá độ, dưới cơn thác chữ nghĩa, trong cơn điên của số đông. Đó là lí do tại sao một quyển sách bị cấm ở nước em có giá trị hơn một tỉ từ ngữ mửa ra từ các trường đại học xứ anh.” Chính trong tinh thần này chúng ta có thể hiểu ra nhược điểm của Franz về cách mạng. Thoạt đầu anh có cảm tình với Cuba, rồi Trung quốc, nhưng khi sự dã man tàn bạo của các chế độ này làm anh khiếp đảm thì với tiếng thở dài hắt ra, anh rút về cái biển cả chữ nghĩa vô trọng lượng và không chút tượng hình đời sống kia. Anh trở thành vị giáo sư ở Geneva (nơi không có các cuộc biểu tình), và trong cơn thịnh nộ muốn từ bỏ (nỗi hiu quạnh một thế giới không đàn bà, không diễn hành) anh xuất bản dăm ba quyển sách sưu khảo uyên bác, quyển nào cũng được tán thưởng khá nồng nhiệt. Thế rồi một hôm Sabina đặt chân vào đời anh. Khải thị cô đem đến cho anh. Cô đến từ vùng đất nơi ảo giác cách mạng tàn lụi từ lâu nhưng những gì của cách mạng anh thán phục nhiều nhất vẫn còn: đời sống trên bình diện rộng lớn; đời sống với những bấp bênh, táo bạo, hiểm nguy, chết chóc. Sabina gieo lại niềm tin nơi anh ý nghĩa to tát của nỗ lực vươn lên của con người. Đem chắp ráp vở bi kịch đớn đau trên đất nước cô lên con người cô, anh càng thấy cô tuyệt mĩ.

Vấn đề rắc rối ở chỗ Sabina không chút yêu thích vở bi kịch đó. Những từ ngữ “nhà tù”, “ngược đãi”, “sách bị cấm”, “chiếm đóng”, “chiến xa” với cô đều mang hình ảnh xấu xí tàn tệ và chẳng lãng mạn chút nào. Từ ngữ duy nhất gợi trong tâm khảm cô nỗi hoài cảm ngọt ngào về quê mẹ là chữ “nghĩa trang.”

NGHĨA TRANG

Nghĩa trang ở Bohemia trông như thửa vườn. Phủ lên những nấm mộ là cỏ xanh rì và bông hoa đủ sắc màu. Những tấm mộ bia khiêm tốn nằm khuất lấp dưới màu xanh lục của cỏ. Lúc hoàng hôn, nghĩa trang lập loè ánh nến như thể người chết đang nhảy múa trong cuộc vui chơi của trẻ con. Vâng, cuộc vui nhảy múa của trẻ con bởi người chết và trẻ con đều vô tội như nhau. Không cần biết đời sống thô bạo đến mức nào, sự thanh thản bình yên luôn luôn hiện hữu trong nghĩa trang. Ngay cả thời chiến, thời Hitler, thời Stalin, thời bị xâm lăng. Những lúc buồn bã, cô vào xe, bỏ Praha phía sau lưng, bước xuống tản bộ trong một khu nghĩa trang miền quê nào đó cô yêu thích. Dưới rặng đồi xanh biếc, khu nghĩa trang đẹp như bài hát ru em.

Với Franz, nghĩa trang là bãi rác xấu xí toàn gạch đá và xương xẩu.

6

“Tôi không bao giờ lái xe. Tôi sợ tai nạn xe cộ lắm, sợ đến cứng cả người. Bị tai nạn, không chết cũng thương tích suốt đời!” Trong lúc nói, nhà điêu khắc bất chợt nắm chặt ngón tay có lần suýt bị cứa mất trong lúc ông tạc pho tượng gỗ. Quả có phép lạ ngón tay không bị chặt phăng.

“Ông nói thế nghĩa là gì chứ?” Marie-Claude hỏi lại giọng cổ khàn khàn. Đầu óc cô đang thư giãn ung dung. “Tôi có lần bị tai nạn rất nặng, vậy mà tôi còn thích chí là đằng khác. Chưa bao giờ tôi thấy khoan khoái như thời gian nằm bệnh viện. Vì không ngủ được nên tôi đọc sách ngày đêm.”

Mọi người nhìn cô với con mắt kinh ngạc. Cô có vẻ thú vị. Franz phản ứng với cả hai thái độ chán ngấy (anh biết sau tai nạn cô lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề và không ngớt than van) và ngưỡng phục (khả năng thay đổi mọi chuyện cô trải qua là chỉ dấu một sinh lực có thật).

“Chính trong thời gian nằm bệnh viện tôi khởi sự chia sách đọc thành hai loại, sách đọc ban ngày và sách đọc ban đêm,” cô nói tiếp. “Thật đó, có loại sách dành đọc ban ngày và có loại chỉ nên đọc ban đêm.”

Đến đây tất cả mọi người nhìn cô bằng con mắt vừa kinh ngạc vừa ngưỡng phục. Tất cả, ngoại trừ nhà điêu khắc, ông vẫn nắm chặt ngón tay, mặt mày nhăn nhó nhớ lần tai nạn.

Marie-Claude quay sang ông hỏi, “Theo ông Stendhal phải xếp vào loại nào?”

Nhà điêu khắc không nghe ra câu hỏi, bức bối nhún vai. Một nhà phê bình hội hoạ đứng cạnh đỡ lời, ông xếp Standhal vào loại sách đọc ban ngày.

Marie-Claude lắc đầu, giọng vẫn khàn đục, “Không, không, ông sai rồi! Ông sai rồi! Sách Standhal phải đọc ban đêm!”

Sự tham dự của Franz vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật ban ngày và nghệ thuật ban đêm chốc chốc lại bị cắt đứt vì anh biết Sabina có thể xuất hiện bất cứ giây phút nào. Hai người mất nhiều ngày trời đắn đo không biết Sabina có nên nhận lời mời tham dự bữa tiệc rượu này hay không. Bữa tiệc do Marie-Claude tổ chức để đãi đằng tất cả hoạ sĩ và điêu khắc gia từng triển lãm tại phòng triển lãm riêng của cô. Từ khi Sabina quen biết Franz, cô tránh mặt bà vợ anh. Nhưng vì sợ bị khám phá, hai người đi đến kết luận nếu Sabina nhận lời tham dự thì vẫn tự nhiên và đỡ bị nghi ngờ hơn.

Trong lúc kín đáo liếc mắt nhìn ra cửa ra vào, Franz nghe giọng nói Marie-Anne, cô con gái mười tám tuổi của anh, đang bô lô ba la gì đó ở cuối phòng bên kia. Anh xin lỗi rút lui khỏi nhóm người có vợ anh đang làm chủ tịch đoạn bước qua thăm chừng nhóm do con gái anh nắm đầu. Kẻ đứng, người ngồi trên ghế, nhưng Marie-Anne ngồi xếp bằng dưới sàn nhà. Franz đoan chắc Marie-Claude chẳng mấy chốc cũng sẽ ngồi xệp xuống thảm ở phía bên kia. Ngồi dưới thảm tiếp khách là hành vi nói lên sự giản dị, không trang trọng, chứng tỏ quan niệm chính trị tự do cấp tiến, lòng hiếu khách, và cũng là lối sống của dân Paris. Marie-Claude thèm ngồi dưới thảm đến độ Franz bắt đầu lo ngại có ngày cô sẽ ngồi xuống sàn tiệm bán thuốc lá cô vẫn thường đến mua thuốc hút.

“Alain, hiện ông đang vẽ cái gì đấy?” Marie-Anne cất tiếng hỏi người đàn ông cô đang ngồi dưới chân.

Alain quả ngây thơ và thật thà khi ông cố tìm câu trả lời thành thật để làm vừa lòng cô con gái bà chủ phòng triển lãm. Ông giải thích cho cô nghe về thủ pháp mới của ông, một kết hợp giữa nhiếp ảnh và sơn dầu, nhưng ông nói chưa hết ba câu thì Marie-Anne bắt đầu chu miệng huýt gió. Người hoạ sĩ tập trung tinh thần vào từng câu nói chậm rãi của mình, không nghe tiếng huýt gió.

“Tại sao con huýt gió? Con nói cho pa-pa nghe được không?” Franz ghé vào tai cô hỏi thầm.

“Bởi vì con không thích nghe người ta nói chuyện chính trị.” Cô trả lời rõ to.

Quả thật, hai người đàn ông đứng cạnh đó đang bàn cãi về cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp. Marie-Anne thấy có bổn phận làm chủ đám đông nên cô cất tiếng hỏi hai người có định đi xem đoàn đại nhạc kịch từ Ý lên trình diễn vở nhạc kịch của Rossini vào tuần tới không. Trong lúc đó, ông hoạ sĩ Alain vẫn chìm đắm vào những chi tiết càng lúc càng nhiều về thủ pháp mới của ông trong hội hoạ. Franz thấy xấu hổ về đứa con gái. Anh bảo cô gái, “Vậy mà mỗi lần đi xem nhạc kịch ai là người kêu toáng lên là chán?” “Pa-pa này!” Marie-Anne giơ tay đấm vào bụng anh. “Anh chàng ca sĩ chính giọng tê-no đẹp trai ra phết. Đẹp trai quá chừng thôi. Con xem anh chàng trình diễn hai lần rồi, và con đến yêu anh chàng mất thôi.”

Tại sao con gái anh giống mẹ nó đến thế! Sao nó không giống anh? Nhưng Franz làm được gì? Nó không giống anh chút nào. Bao nhiêu lần anh phải nghe Marie-Claude tuyên bố cô yêu hoạ sĩ này, ca sĩ nọ, nhà văn này, nhà chính trị nọ, và có lần cả một cua rơ xe đạp. Dĩ nhiên, những thứ đó chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, nhưng đôi lúc anh vẫn không sao quên được cách đây hơn hai mươi năm cô nói như thế về anh và doạ tự tử nếu anh không lấy cô làm vợ.

Ngay lúc đó, Sabina đặt chân vào phòng. Marie-Claude bước ra đón. Trong lúc Marie-Anne đang thao thao nói về Rossini, Franz quay sang lắng nghe hai người đàn bà trao đổi nhau những gì. Sau vài câu xã giao chào hỏi, Marie-Claude cầm xâu chuỗi hột làm bằng gốm Sabina đeo trên cổ rồi kêu to: “Cái gì thế này? Xấu đến thế thì thôi!”

Câu nói đập vào tai Franz ấn tượng thật sâu đậm. Câu nói không mang chủ tâm gây hấn; tiếng cười khản đục sau đó vang lên chứng tỏ Marie-Claude không cố tình gây sứt mẻ tình bạn giữa cô và Sabina. Nhưng đó không phải là cái gì cô thường nói hằng ngày. “Chính tay tôi làm đấy.” Sabina nói.

“Xâu chuỗi xấu thế chị đeo làm gì!” Marie-Claude lập lại câu nói, giọng thật to.

Franz biết rõ vợ anh thật ra chẳng hề quan tâm gì đến vẻ xấu đẹp của xâu chuỗi. Món vật trở nên xấu nếu cô muốn nó xấu, và đẹp nếu cô muốn nó đẹp. Những xâu chuỗi bạn bè cô đeo đều đẹp. Và cho dù cô thấy chúng xấu, cô cũng chẳng bao giờ mở miệng chê bai, bởi sự ton hót nịnh nọt từ lâu đã là bản chất thứ hai trong con người cô.

Vậy, tại sao lúc đó cô có quyết định tuyên bố xâu chuỗi do chính tay Sabina làm lại vô cùng xấu xí?

Franz thốt nhiên thấy câu trả lời thật rõ ràng: Marie-Claude chê bai xâu chuỗi của Sabina chỉ vì cô đã đủ sức làm điều đó.

Hay chính xác hơn: Marie-Claude cất tiếng chê bai xâu chuỗi xấu để làm sáng tỏ điều cô đã đủ sức bảo Sabina xâu chuỗi của cô xấu lắm.

Năm ngoái, cuộc triển lãm của Sabina không mấy thành công, vì thế lòng trọng vọng Marie-Claude dành cho Sabina giảm sút rất nhiều, nhưng ngược lại, Sabina có mọi lí do thấy mình vẫn phải trọng vọng người đàn bà này. Tuy thế, hành vi của cô không để lộ điều gì về thái độ đó.

Vâng, Franz thấy rõ lắm: Marie-Claude dùng cơ hội này để làm sáng tỏ cho Sabina (và những người khác) thấy rõ cán cân lực lượng thật giữa hai người là gì.

7

Quyển từ điển ngắn những từ ngữ bị hiểu sai (phần kết)

NGÔI NHÀ THỜ CỔ Ở AMSTERDAM

Một bên đường là phố xá, cửa tiệm nối tiếp nhau. Sau cửa kính, mỗi cô gái điếm chiếm một căn phòng nhỏ. Các cô ngồi sát cửa kính, an vị trong chiếc ghế bành bọc nhung, trên người chỉ mặc nịt vú và quần lót. Trông các cô như những chị mèo buồn thỉu buồn thiu.

Phía bên kia đường sừng sững ngôi nhà thờ Gô-tích xây từ thế kỉ mười bốn.

Giữa thế giới các cô gái điếm và thế giới của Thượng đế, con đường như dòng sông ngăn chia hai đế quốc, mùi nước tiểu lưu cữu xông lên nồng nặc.

Bên trong ngôi nhà thờ cổ, tất cả những gì còn sót lại phơi bày di tích toà thánh đường Gô-tích là bốn bức tường cao vòi vọi màu trắng trần trụi, cộng với cột kèo, nóc trần và cửa sổ chung quanh. Trên tường trống trơn, ngay một pho tượng nhỏ cũng không. Ngôi nhà thờ trống hốc như phòng tập thể dục, ngoại trừ ngay chính giữa lỏng chỏng mấy dãy ghế dựa vây quanh cái bục nhỏ dành cho người đứng giảng kinh. Phía sau dãy ghế là phòng ngăn làm bằng gỗ và mấy hàng ghế dài dành riêng cho hạng người giàu có.

Đồ đạc trong ngôi nhà thờ hình như được xếp đặt không chút quan tâm gì đến hình thể bức tường và cột kèo chung quanh, như thể muốn cho thấy sự cách biệt và lòng khinh miệt kiến trúc Gô-tích. Nhiều thế kỉ trước, người Tân giáo (**) biến toà thánh đường thành nhà kho. Công dụng duy nhất của nó là che chở những tín đồ ngoan đạo khỏi bị mưa, tuyết.

Ngôi nhà thờ khiến Franz ngây ngất: cuộc Diễn hành Vĩ đại của Lịch sử từng diễn qua chính gian sảnh đường rộng lớn này!

Sabina nhớ sau khi Cộng sản lên nắm chính quyền, người ta biến những toà lâu đài cổ kính ở Bohemia thành trung tâm huấn luyện, nhà dưỡng lão, và có khi cả chuồng bò. Cô có ghé thăm một trong những chuồng bò đó: móc sắt đóng đầy trên tường dùng để cột bò. Lũ bò đưa mắt lim dim nhìn ra cửa sổ, ngoài sân gà qué chạy tứ tung.

“Chính sự hoang lạnh làm anh mê hoặc. Người ta vào dọn sạch mọi thứ từ bàn thờ cho đến tượng Chúa, tranh vẽ, ghế ngồi, thảm lót sàn, sách vở, và rồi có lúc thấy nhẹ nhõm vui sướng, họ ném tất cả các thứ đó ra ngoài cửa như đổ tống đổ tháo đồ ăn thừa ngày hôm qua. Em hình dung ra cây chổi của Hercules càn quét qua toà thánh đường này như thế nào không?”

“Người nghèo phải đứng, trong khi người giàu có ghế ngồi,” Sabina nói trong lúc đưa tay chỉ mấy dãy ghế dựa. “Nhưng có điểm chung buộc gã ăn mày vào ông chủ nhà băng: đó là lòng ghét bỏ cái đẹp.”

“Đẹp là gì?” Franz hỏi lại và anh thấy hình ảnh mình bên cạnh vợ, vì lời khẩn khoản của cô, trong một buổi khai mạc phòng tranh mới đây với những bài diễn văn, những từ ngữ hư phù đến vô tận. Văn hoá hư phù, nghệ thuật hư phù.

Khi còn trong Đoàn Thanh niên Sinh viên, tâm hồn Sabina bị ung độc bởi tiếng nhạc diễn hành đinh tai nhức óc liên tục phát ra từ máy khuếch âm. Một hôm ngày Chủ nhật cô mượn chiếc xe gắn máy phóng lên đồi. Cô dừng xe tại một xóm làng xa lạ, dựng xe bên cạnh ngôi nhà thờ đoạn bước chân vào. Bên trong nhà thờ, lễ Mi-sa đang cử hành. Chế độ không cho phép tự do tôn giáo nên hầu hết đều lảng tránh nơi thờ tự. Ngồi trên băng ghế chỉ có người già cả, bởi người già không sợ chế độ. Người già chỉ sợ cái chết.

Vị linh mục nói như hát, và mọi người đồng thanh lập lại. Đó là bài kinh cầu. Lời kinh lập đi lập lại như gã lang thang vô định không thể rời mắt khỏi phong cảnh đồng quê hay như người không làm chủ được đời sống. Cô ngồi xuống hàng ghế cuối, mắt nhắm lại để lắng nghe lời kinh âm vang như tiếng nhạc, rồi lại mở mắt nhìn lên vòm nhà màu xanh có điểm những ngôi sao vàng. Cứ thế cô mê thiếp đi.

Tại ngôi nhà thờ đó, điều cô không chủ ý nhưng bất ngờ hội ngộ là cái đẹp chứ không phải Thượng đế. Cô biết chắc cả ngôi nhà thờ lẫn bài kinh cầu đều không có gì đáng nói, nhưng bên cạnh cái công trường đang xây cất, nơi cô phải chịu đựng hằng ngày những bài hát ồn ào chát chúa, ngôi nhà thờ và khúc kinh cầu trở nên đẹp đẽ vô cùng. Buổi lễ Mi-sa đẹp đẽ bởi thốt nhiên nó kì bí hiện lên cho cô thấy thế giới bội phản.

Từ lúc đó cô nhận thức ra đẹp là thế giới bội phản. Chúng ta tìm thấy cái đẹp chỉ khi nào những người cấm đoán sao nhãng, không để ý. Cái đẹp nằm ẩn giấu dưới quang cảnh ngày diễn hành mùng một tháng năm. Nếu muốn tìm ra nó, chúng ta phải triệt hủy khung cảnh bên ngoài.

“Đây là lần đầu tiên một ngôi nhà thờ làm anh mê hoặc.” Franz bảo cô.

Không phải niềm tin vào tôn giáo hay chủ nghĩa khổ hạnh khiến anh chấn động như vậy; có cái gì khác, cái gì rất riêng tư, riêng tư đến nỗi ngay với Sabina anh cũng không dám đem ra bàn luận. Hình như anh nghe tiếng nói đâu đây thúc giục anh hãy giật lấy cây chổi của Hercules để quét sạch tất cả những buổi khai mạc tranh của Marie-Claude, tất cả những anh ca sĩ của Marie-Anne, tất cả những buổi họp hành, diễn thuyết, tất cả những bài diễn văn vô bổ, những từ ngữ hão huyền phù phiếm – hãy quét sạch chúng ra khỏi đời anh. Khoảng không gian rộng lớn hoang vắng của ngôi nhà thờ ở Amsterdam thốt nhiên kì bí hiện lên cho anh thấy hình ảnh của chính anh sau khi giải thoát.

SỨC MẠNH

Có lần nằm trên giường khách sạn nơi hai người làm tình với nhau, Sabina bảo Franz trong lúc vuốt ve cánh tay trần của anh, “Bắp thịt anh, chao ơi là rắn chắc!”

Franz khoái chí vì lời khen tặng lắm. Anh nhảy ra khỏi giường, xuống tấn, rồi dùng một tay từ từ nhấc bổng chiếc ghế làm bằng gỗ sến nặng chình chịch. Anh nói, “Em không bao giờ phải e sợ ai. Có anh bảo vệ em trong bất cứ hoàn cảnh nào. Anh từng là vô địch nhu đạo đấy!”

Lúc anh nhấc chiếc ghế nặng nề lên khỏi đầu bằng một cánh tay, cô bảo anh, “Ừ, anh khỏe như vậy tốt lắm.”

Nhưng sâu kín bên trong cô nói với chính mình, Franz có thể khỏe mạnh, nhưng sức mạnh đó của anh chĩa thẳng ra bên ngoài, còn với những người anh sống chung, những người anh yêu quý, anh yếu đuối lắm. Sự yếu đuối của Franz có tên gọi khác là lòng lương hảo. Franz không bao giờ mở miệng ra lệnh bắt Sabina phải làm điều này điều nọ. Anh không bao giờ buông mệnh lệnh, như Tomas từng làm, bắt cô đặt tấm gương soi dưới sàn nhà rồi bước qua bước lại trên đó, trần truồng. Không phải vì anh không có khoái cảm nhục dục; chỉ vì anh không đủ sức mạnh ra lệnh cho ai. Có những sự việc chỉ thực hiện được qua bạo hành. Không có bạo hành quả khó có tình yêu xác thịt.

Sabina nhìn Franz đi qua đi lại trong phòng với chiếc ghế nhấc bổng khỏi đỉnh đầu; cô thấy cảnh tượng kì khôi nhưng nó làm cô vương vấn nỗi buồn lạ lùng khó tả.

Franz đặt ghế đối diện Sabina đoạn ngồi xuống. Anh bảo cô, “Dĩ nhiên anh tự hào về sức mạnh của mình, nhưng ở Geneva anh biết làm gì với những bắp thịt này? Nó như món vật trang trí mà thôi, như chòm lông đuôi của con công. Trong đời anh chưa bao giờ đánh nhau với ai.”

Sabina tiếp tục mơ màng: Nếu cô có người đàn ông đầy uy quyền đời cô sẽ ra sao? Người đàn ông muốn làm chủ đời cô? Cô sẽ chịu cảnh sống đó được bao lâu? Không đầy năm phút! Từ đó cô suy ra sự kiện là không người đàn ông nào trên cõi đời này thích hợp cho cô. Mạnh hay yếu.

“Tại sao anh không bao giờ dùng sức mạnh với em?” Cô hỏi Franz.

“Bởi vì yêu là khước từ sức mạnh.” Franz nói nhẹ.

Sabina nhận thức ra hai điều: thứ nhất, câu nói của Franz thật cao thượng và chính đáng; thứ hai, câu nói loại anh khỏi đời sống tình cảm của cô.

SỐNG TRONG SỰ THẬT

Đâu đó trong nhật kí hay thư từ, Kafka đặt ra công thức đó. Franz không nhớ rõ từ đâu. Tuy thế nó chiếm ngự tâm tưởng anh. Nhưng sống trong sự thật là gì? Giải thích cách tiêu cực thì dễ thôi: sống trong sự thật là không nói dối, không giấu giếm ai điều gì, sống không giả vờ, đóng kịch.

Tuy vậy, từ ngày gặp Sabina, Franz sống trong dối trá. Anh bịa ra những hội nghị ở Amsterdam, những buổi diễn thuyết ở Madrid để lừa dối vợ; anh không dám đi dạo phố với Sabina ở Geneva. Và anh thấy thú vị với trò dối gạt giấu giếm đó: nó mới mẻ với anh quá. Anh thấy kích động như cậu học trò cưng của thầy giáo một hôm nổi hứng thu hết can đảm trốn học đi chơi.

Với Sabina, sống trong sự thật, dù là thành thật với chính mình hay với người khác, chỉ khả hữu ở ngoài tầm kiểm soát của tập thể: giây phút có ai ghé mắt vào quan sát những việc ta làm, tự động ta mở hết ra cho con mắt đó, và việc làm chẳng còn gì thực tâm nữa. Có một tập thể, lúc nào cũng canh cánh trong đầu cái tập thể, có nghĩa là sống trong trá ngụy. Sabina ghét cay ghét đắng loại văn chương trong đó con người cho đi mọi bí mật thầm kín của riêng mình và của bằng hữu mình. Người mất riêng tư là người mất tất cả, Sabina nghĩ vậy. Và kẻ nào tự ý cho đi những điều riêng tư, kẻ đó là con quái vật. Đó là lí do tại sao Sabina không chút khổ tâm khi phải giữ kín mối tình trong vòng bí mật. Trái lại là đằng khác, chỉ có cách đó cô mới có thể sống trong sự thật.

Franz thì ngược lại, anh chắc mẩm chính sự phân chia đời sống thành hai phần tách bạch, trong nhà và ngoài xã hội, là nguyên do mọi điều giả dối: con người trong nhà khác hẳn con người trước công chúng. Với Franz, sống trong sự thật là phá đổ bức tường ngăn chia hai môi trường sống đó. Anh hay mượn câu nói của André Breton về thuật sống “trong ngôi nhà kính” nơi không có bí mật nào bị che phủ và mọi người đều có thể ngắm nhìn nhau trong suốt.

Khi anh nghe vợ mình nói với Sabina, “Đôi bông tai sao xấu thế!” anh biết ngay anh không thể tiếp tục sống trong giả dối thêm phút giây nào và anh phải đứng lên bênh vực Sabina. Anh chưa làm chỉ vì anh sợ mình sẽ trở thành kẻ phản bội mối tình bí mật của hai người.

Hôm sau bữa tiệc rượu, anh có chương trình đi Roma với Sabina hưởng thời gian cuối tuần. Anh không sao gột rửa được câu nói “Đôi bông tai sao xấu thế!” ra khỏi đầu óc anh. Nó khiến anh nhìn Marie-Claude dưới tia sáng hoàn toàn mới lạ. Thái độ khiêu khích của Marie-Claude – vững vàng, miệng nói huyên thiên, trên người đầy sinh lực – giúp anh trút bỏ cái hệ lụy một tâm hồn lương hảo anh kiên nhẫn gánh vác suốt hai mươi năm trời vợ chồng chung sống. Anh chạnh nhớ khoảng không gian cực kì trống rỗng bên trong ngôi nhà thờ cổ ở Amsterdam và anh choáng váng với cảm giác đê mê ngây ngất lạ lùng không hiểu nổi do cái khoảng trống rộng lớn đó gây nên trong anh.

Marie-Claude bước vào phòng trong lúc anh đang nhét quần áo vào va li. Cô nói về những người khách trong bữa tiệc, đồng ý quan điểm người này, cười chê người kia.

Franz nhìn cô một lúc rất lâu rồi nói, “Anh không có buổi hội họp nào ở Roma cả.”

Cô không hiểu ý anh. “Vậy tại sao anh phải đi?”

“Anh đi vì chín tháng nay anh có một cô nhân tình,” anh bảo cô. “Cô ấy và anh không thích gặp nhau ở Geneva. Đó là lí do tại sao anh vắng nhà luôn. Anh nghĩ đã đến lúc phải nói ra sự thật cho em rõ.”

Nói được mấy câu anh bỗng hoảng trí. Anh quay mặt ra chỗ khác để khỏi phải nhìn thấy nét tuyệt vọng anh nghĩ đang hiện dần trên khuôn mặt Marie-Claude.

Sau một khắc im lặng anh nghe cô nói, “Vâng, em nghĩ đã đến lúc em phải được biết.”

Giọng cô chắc nịch đến nỗi Franz phải quay mặt lại. Nét mặt cô không chút bối rối; thật ra, trông cô y như người đàn bà mới hôm trước đây thốt câu nói giọng khản đục, “Đôi bông tai sao xấu thế!”

Cô nói tiếp: “Anh có can đảm cho em biết anh phản bội em chín tháng trời nay, vậy anh có thể nói luôn người đàn bà đó là ai không?”

Anh lúc nào cũng tự nhủ mình không có quyền làm khổ Marie-Claude và phải biết quý trọng người đàn bà trong cô. Nhưng người đàn bà trong cô bỏ đi đâu mất rồi? Nói cách khác, cái gì xảy đến hình ảnh người mẹ anh vẫn hằng liên tưởng qua vợ anh? Mẹ anh, buồn bã, bầm giập, mẹ anh, hai chân xỏ hai chiếc giày khác nhau, bước ra khỏi Marie-Claude mất rồi – hay có lẽ không, có lẽ bà chẳng bao giờ hiện hữu trong con người Marie-Claude. Tất cả đột nhiên loé lên trong anh với nỗi chán chường thê thiết. “Anh không có lí do nào phải giấu giếm em nữa.” Anh bảo cô.

Nếu anh không thành công làm cô thương tổn với lòng dạ thiếu chung thủy của mình, khi tiết lộ tình địch cô là ai, anh chắc mẩm cô sẽ đau lắm. Nhìn thẳng vào mắt cô, anh kể cô nghe về Sabina.

Một lúc sau anh gặp Sabina ở phi trường. Lúc phi cơ nhấc cánh bay bổng lên trời cao, anh thấy mình nhẹ ra, nhẹ ra mãi. Cuối cùng, anh nói với chính mình, sau chín tháng trời anh sống trong sự thật.

8

Sabina có cảm tưởng Franz phá tung cánh cửa bí mật của hai người. Như thể cô đang nhìn soi bói vào đầu óc Marie-Claude, Marie-Anne, ông hoạ sĩ Alain, nhà điêu khắc có ngón tay suýt bị cứa – tất cả những người cô quen biết ở thành phố Geneva này. Dù muốn dù không giờ đây cô trở thành tình địch của người đàn bà cô không bao giờ muốn lí đến. Franz sẽ li dị vợ và cô sẽ thế chỗ Marie-Claude vào nằm trên chiếc giường vợ chồng rộng lớn kia của anh. Hết người này đến người kia từ khoảng cách xa gần sẽ tuần tự tìm đến, cô sẽ phải đóng kịch trước mặt họ; thay vì là Sabina, cô sẽ phải đóng vai trò của Sabina, quyết định thế nào cho vai trò trở nên xuất sắc nhất. Một khi tình yêu cô bị đem ra phơi bày trước mặt mọi người, nó sẽ có trọng lượng và biến thành hệ lụy. Mới nghĩ đến chừng đó Sabina đã co rúm người lại.

Hai người ăn tối tại một nhà hàng ở Roma. Cô im lặng ngồi uống li rượu vang.

“Em không thấy đói?” Franz hỏi cô.

Cô bảo anh cô không đói. Cô vẫn còn hoang mang không rõ mình có nên vui mừng hay không. Cô nhớ lần hai người trên chuyến tàu tốc hành đi Amsterdam, lần đó cô như muốn quỳ xuống trước mặt anh, van xin anh hãy ôm cô thật chặt, hãy siết cô trong vòng tay anh, và đừng bao giờ để cô vuột mất. Cô xiết bao mong mỏi có ngày mình về đến chặng cuối con đường bội phản đầy trắc trở kia. Cô muốn dừng bước ngay đây.

Cô cố gắng khuếch đại lòng mong mỏi đó, cô dựa vào nó, kêu gọi nó trợ giúp mình. Nhưng cô chỉ thấy cảm giác chán ngấy càng lúc càng gia tăng.

Hai người băng qua phố phường Roma tản bộ về khách sạn. Họ đi bên nhau trong im lặng giữa tiếng huyên náo của đám đông dân Ý nhộn nhịp chung quanh đang la hét om xòm, tay chân múa may cuồng loạn. Vì thế họ đi bên nhau trong im lặng mà không nghe được tiếng im lặng của nhau.

Sabina tắm gội rất lâu trong phòng tắm; Franz nằm sẵn trong chăn đợi cô ra. Như mọi lần khác, ngọn đèn nhỏ mờ mờ toả lên gian phòng.

Từ phòng tắm bước ra, cô đưa tay tắt đèn. Đó là lần đầu tiên cô làm cử chỉ này. Franz lẽ ra phải để ý. Nhưng anh không nhận ra bởi với anh ánh sáng không có ý nghĩa gì. Như chúng ta biết, anh làm tình với hai mắt nhắm nghiền.

Sự thật, chính đôi mắt nhắm nghiền của Franz khiến Sabina tắt đèn. Cô không chịu nổi phải nhìn hai mí mắt nhắm tịt đó thêm giây phút nào nữa. Đôi mắt, như câu nói thường nghe, là cửa sổ linh hồn. Vì thế thân xác Franz, nhấp nhổm trên thân xác cô với đôi mắt nhắm nghiền là thân xác không có linh hồn. Nó giống như con thú mới đẻ, hai mắt còn mù tịt và ư ử rúc vào tìm vú mẹ. Cái anh chàng Franz vạm vỡ khỏe mạnh lúc giao hợp trông giống con chó con khổng lồ bú vú mẹ. Anh ngậm đầu vú cô trong miệng như thể đang bú sữa mẹ! Ý nghĩ Franz người đàn ông trưởng thành ở phần dưới và đứa bé đang bú vú mẹ ở phần trên làm cô gớm nhờm đến tê tái cả người. Hoá ra cô đang giao hợp với đứa bé con! Không, cô sẽ không bao giờ phải trông thấy thân xác anh di động đầy tuyệt vọng trên thân thể cô nữa, cô sẽ không bao giờ hiến dâng bộ ngực cô cho anh, đồ chó con, hôm nay là lần cuối cùng, nhất định lần cuối cùng!

Dĩ nhiên, cô biết như thế không công bằng chút nào, cô biết Franz là người đàn ông tốt lành nhất trong những người đến với cô – anh thông thái, hiểu tranh cô vẽ, anh còn điển trai và tốt bụng – nhưng càng nghĩ cô càng muốn hất bỏ cái trí tuệ, càng muốn bôi xoá lòng lương hảo, càng muốn vi phạm cái sức mạnh vô hiệu đó của anh.

Đêm đó, cô làm tình với anh say đắm cuồng nhiệt hơn những lần khác, do nhận thức đây là lần ân ái cuối cùng. Trong lúc làm tình, cô bay đi thật xa, thật xa. Một lần nữa cô nghe tiếng tù và vang vọng từ khoảng cách xa xôi kêu gọi lòng bội phản, và cô biết cô không tài nào cưỡng chế nổi. Cô thấy bến bờ tự do rộng lớn đang dàn trải trước mặt mình, và cảnh tượng bao la bát ngát đó khiến cô thấy lòng tràn đầy khích động. Cô chưa bao giờ làm tình với Franz say mê đắm đuối như thế bao giờ.

Franz khóc mùi mẫn trong lúc nằm đè trên thân thể cô; anh tin chắc điều mình hiểu: Sabina giữ im lặng suốt bữa ăn tối, không nói câu nào về quyết định của anh, nhưng đây mới là câu trả lời của cô. Cô bộc lộ cho anh thấy rõ ràng cô vô cùng vui sướng, lòng cô tràn ngập nỗi đam mê, và cô sẵn sàng về chung sống với anh cho đến hết cuộc đời. Anh có cảm tưởng anh như người đang phóng ngựa đi vào cõi hư vô huyền diệu, cõi hư vô không vợ, không con, không nhà cửa, cõi hư vô huyền diệu được quét sạch nhờ cây chổi của Hercules, cõi hư vô huyền diệu anh sẽ lấp đầy bằng tình yêu của anh.

Người này cưỡi người kia như đang cưỡi ngựa và mỗi người mỗi hướng, ra sức sải vó về những khoảng trời hoan lạc xa xăm, say sưa vì lòng bội phản giúp mình giải thoát. Franz cưỡi lên Sabina, phản bội vợ mình; Sabina cưỡi lên Franz, phản bội chính Franz.

9

Suốt hai mươi năm trời anh hình dung hình ảnh mẹ anh – con người yếu đuối, đáng thương, cần sự bao che của anh – bên trong vợ anh. Hình ảnh đó ăn sâu trong anh và mới hai ngày làm sao anh gột rửa nó ra khỏi đầu óc anh được. Trên đường về nhà lương tâm anh bắt đầu cắn rứt: anh sợ Marie-Claude quỵ ngã sau khi anh ra khỏi nhà và giờ đây chắc hẳn cô đang sầu khổ ghê gớm lắm. Anh rón rén mở khoá rồi len lén bước vào phòng anh. Anh đứng đó một lúc lâu, nghe ngóng: Vâng, vợ anh có nhà. Sau hồi lưỡng lự anh mở cửa bước vào phòng cô, sẵn sàng chào hỏi như thường lệ.

“Cái gì?” Cô kêu lên, đôi mày cô nhướng lên làm ra vẻ kinh ngạc tột độ. “Anh đấy à? Anh còn ở đây sao?”

“Anh biết về đâu bây giờ?” Anh rất muốn nói với cô như thế (ngạc nhiên thật sự chứ không phải giả vờ), nhưng anh lại hoàn toàn im lặng.

“Chúng ta hãy tính toán mọi việc cho ra lẽ đi chứ? Anh cứ việc dọn về ở với cô ta ngay tức khắc, em không cản đâu.”

Trước khi đi Roma anh thú nhận mọi chuyện với vợ, nhưng anh không suy tính trước việc gì. Anh nghĩ đợi lúc về sẽ nói chuyện với cô trong tinh thần thân thiện để giúp cô tránh mọi đớn đau không cần thiết. Anh không bao giờ tưởng tượng Marie-Claude không những vẫn bình thản như thường mà còn lạnh lùng xua đuổi anh ra khỏi nhà.

Điều này giúp anh đỡ bối rối khó xử nhưng không hiểu sao anh cảm thấy thất vọng. Suốt đời anh canh cánh nỗi sợ hãi làm cô đau khổ và cố gắng sống chung thủy với cô. Giờ đây, sau hai mươi năm, anh đột nhiên khám phá điều đó thừa thãi vô ích quá và anh đã bỏ qua hàng chục cơ hội có đàn bà chỉ vì hiểu lầm!

Chiều hôm đó, sau buổi dạy, từ trường ra anh về thẳng nhà Sabina. Anh định sẽ nói Sabina cho mình ngủ lại đêm. Anh nhấn chuông, nhưng không thấy cửa mở. Anh sang quán cà phê bên kia đường ngồi nhìn chằm chặp vào cửa ra vào khu nhà phố. Đêm xuống, anh không biết về đâu. Cả cuộc đời, anh chia sẻ chiếc giường ngủ với Marie-Claude. Nếu anh về nhà với Marie-Claude, anh sẽ ngủ nơi đâu? Dĩ nhiên, anh vẫn có thể ôm gối ra nằm sô pha phòng bên. Nhưng điều đó phải chăng chỉ là hành vi lập dị thôi ư? Nó có vẻ bất nghĩa làm sao. Dù sao anh vẫn muốn duy trì tình bạn với cô. Nhưng chui vào giường ngủ chung với cô nhất định không ổn rồi. Cô sẽ mỉa mai nói cạnh nói kháy hỏi tại sao anh chê giường Sabina. Đêm đó anh thuê phòng khách sạn ngủ tạm qua đêm.

Sáng hôm sau anh đến nhấn chuông nhà Sabina lần nữa, rồi buổi trưa, chiều tối.

Hôm sau nữa anh vào hỏi người quản lí, nhưng người này không biết gì và đề nghị anh hỏi thẳng bà chủ khu nhà phố. Anh điện thoại hỏi và được cho biết Sabina đã gửi giấy báo dọn nhà từ hai hôm trước.

Những ngày sau đó anh đều đặn quay lại với hi vọng gặp cô. Một hôm anh thấy cửa mở và có ba người phu khuân vác đang chất đồ đạc, tranh vẽ lên chiếc xe tải nhỏ đậu ngoài đường.

Anh bước lại hỏi họ dọn nhà đi đâu.

Họ trả lời họ được dặn tuyệt đối không tiết lộ cho ai biết địa chỉ nơi dọn tới. Anh định hối lộ vài quan tiền để xin địa chỉ nhưng đột nhiên anh thấy mình không đủ sức mạnh làm việc đó. Nỗi buồn làm anh tan rã. Anh hoang mang không biết chuyện gì xảy ra; điều duy nhất anh nhận biết là anh đã chờ đợi chuyện này từ ngày anh gặp gỡ Sabina. Cái gì phải xảy ra sẽ phải xảy ra thôi. Anh không chống cự làm gì.

Anh thuê một căn phố nhỏ trong vùng gia cư xưa cũ của thành phố. Anh về nhà cũ lúc Marie-Claude và con gái vắng mặt thu nhặt quần áo và ít sách vở cần thiết. Anh thận trọng không lấy theo món gì Marie-Claude cần dùng trong nhà.

Một hôm, anh bắt gặp cô ngồi trong quán cà phê. Cô ngồi với hai người đàn bà khác, mặt cô, khuôn mặt đầy vết nhăn vì lúc nào cũng làm bộ làm tịch nhăn nhăn nhó nhó, đang tươi tắn linh động lắm. Hai người đàn bà chăm chú nghe cô nói và phá lên cười luôn miệng. Franz không thể không nghĩ cô đang kể cho họ nghe về anh. Chắc chắn cô biết Sabina biến mất khỏi thành phố cùng lúc anh quyết định về chung sống với cô. Quả là chuyện lí thú! Anh không ngạc nhiên chút nào mình trở thành đề tài cho những người bạn vợ anh lôi ra chế giễu.

Lúc về nhà, căn phố nơi mỗi giờ có tiếng chuông vọng lại từ nhà thờ Saint-Pierre, anh thấy cái bàn giấy anh đặt mua đã về tới. Lập tức anh quên ngay Marie-Claude và những bà bạn của cô. Ngay cả Sabina anh cũng tạm quên trong chốc lát. Anh ngồi vào bàn viết. Anh vui thích đã tự tay chọn cái bàn. Hai mươi năm anh sống với những đồ đạc không phải do tay anh lựa chọn. Marie-Claude lo lắng mọi thứ trong nhà. Cuối cùng anh không còn là cậu bé nữa; lần đầu tiên trong đời, anh tự làm chủ lấy mình. Ngày hôm sau anh thuê thợ mộc đóng cho anh kệ sách. Anh bỏ ra mấy hôm vẽ kiểu kệ và quyết định dựng nó ở chỗ nào trong nhà.

Có lúc anh chợt ngạc nhiên vì nhận ra anh không đến nỗi cực kì buồn thảm. Không có Sabina bằng xương bằng thịt không quan trọng như anh tưởng. Điều quan trọng là dấu chân vàng, dấu chân huyền nhiệm cô để lại trong đời anh và không ai có thể bôi xoá nó. Trước khi biến mất tăm khỏi vòm trời của anh, cô nhét vào tay anh cây chổi của Hercules và anh dùng nó quét sạch mọi thứ anh hằng kinh tởm ra khỏi đời sống. Niềm vui sướng đột ngột, cảm giác tìm ra chân hạnh phúc, niềm vui được tự do sống đời sống mới – đây chính là quà tặng cô để lại cho anh.

Thật ra, con người anh luôn luôn ngưỡng vọng những điều không tưởng. Anh hạnh phúc với nữ thần vô hình Sabina hơn là Sabina bằng xương bằng thịt kè kè bên anh khắp nơi trên thế giới và mối tình lúc nào anh cũng thắt thỏm lo âu có lúc chấp cánh bỏ anh bay đi, điều đó giống như anh thấy thoải mái với những cuộc biểu tình diễn hành (mà tôi vạch ra cho thấy chỉ toàn đóng kịch và mơ tưởng) hơn là những giảng đường đầy nghẹt sinh viên. Cô đột ngột đem đến cho anh tự do làm chủ lấy mình trong cuộc sống, vì thế cô cũng cho anh luôn cái hào quang quyến rũ đàn bà. Anh trở thành người đàn ông được nhiều đàn bà ưa thích, và một trong những cô sinh viên học trò của anh đem lòng yêu thương anh rất mực.

Thế là chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuộc đời anh thay đổi toàn diện. Cách đây không lâu anh sống trong ngôi nhà rộng rãi thuộc giới khá giả trung lưu với đầy tớ, cô con gái và bà vợ; giờ đây anh ngụ trong căn phố nhỏ vùng nhà cửa cũ kĩ, gần như tối nào cũng có cô gái nửa học trò nửa nhân tình đó đến với anh. Anh không phải tháp tùng cô từ khách sạn này sang khách sạn kia; anh có thể làm tình với cô ngay tại nhà anh, trên giường ngủ của anh, bên cạnh đống sách vở và gạt tàn thuốc lá ngổn ngang đầu giường! Cô gái dung dị và không xinh đẹp lắm, nhưng cách cô thán phục Franz giống như Franz mới đây thán phục Sabina. Anh không buồn. Và nếu quả thật anh có cảm giác đánh đổi Sabina với cô gái học trò đeo kính cận là cái gì xuống giá thì bản chất lương hảo sẵn có của anh cũng khiến anh thương cô gái như người cha thương con, vì Marie-Anne luôn luôn cư xử như phó bản của Marie-Claude chứ không phải là con gái anh nên tình phụ tử của anh không có chỗ trút vào.

Một hôm anh đến thăm người vợ cũ. Anh bảo cô chắc anh sẽ tiến thêm bước nữa. Marie-Claude lắc đầu.

“Nhưng li dị rồi cô có khác gì đâu? Cô không mất mát gì cả! Tôi sẽ cho cô hết tài sản của cải.”

“Em không màng đến tài sản của cải.”

“Thế cô màng cái gì?”

“Tình yêu.” Cô nói miệng tủm tỉm cười.

“Tình yêu?” Franz hỏi lại mặt đầy kinh ngạc.

“Tình yêu là bãi chiến trường,” Marie-Claude nói tiếp, miệng vẫn mỉm cười. “Và em sẽ tiếp tục chiến đấu. Cho đến cùng.”

“Tình yêu là bãi chiến trường?” Franz lẩm bẩm. “Nhưng tôi không thấy ham chiến đấu chút nào.” Nói xong anh bỏ ra về.

10

Sau bốn năm sinh sống ở Geneva, Sabina dọn về Paris, nhưng cô vẫn không sao thoát khỏi nỗi buồn chán trong đời sống. Nếu có người hỏi cái gì khiến cô như vậy chắc cô sẽ vô cùng khó khăn tìm ra câu trả lời.

Khi cần diễn tả hoàn cảnh bi thiết trong đời sống, chúng ta thường hay vay mượn ẩn dụ ví von những gì nặng nề. Chúng ta nói đời sống bị những hệ lụy to lớn nhận chìm. Chúng ta hoặc gánh vác cái hệ lụy đó lên vai hoặc thất bại và ngã quỵ, chúng ta vùng vẫy chống trả, có thể thắng nhưng cũng có thể thua. Còn Sabina – cái gì nhận chìm cô xuống? Không gì cả! Cô bỏ người đàn ông ra đi chỉ vì cô thích làm vậy. Người đàn ông có lên án cô không? Anh ta có tìm cách trả thù cô không? Không. Bi kịch của cô không phải là bi kịch về những điều nặng nề mà là bi kịch những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Rơi xuống đời cô không phải là hệ lụy mà là cái khinh phù khôn kham của nhân sinh.

Cho đến thời điểm đó, lòng bội phản khiến tim cô ngập tràn nỗi khích động và niềm vui, bởi nó mở ra những con đường mới dẫn đến những cuộc phiêu lưu bội phản mới. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu cô đặt chân đến cuối chặng đường? Người ta có thể bội phản cha mẹ, chồng con, quê hương, tình yêu nhưng khi cha mẹ, chồng con, quê hương, tình yêu mất hết thì còn lại gì cho chúng ta tiếp tục bội phản?

Sabina thấy nỗi hoang vắng ghê gớm tràn ngập chung quanh cô. Phải chăng sự hoang vắng đó chính là mục tiêu những trò bội phản?

Trước đó cô không nhìn ra điều này. Làm sao cô thấy được? Có mục đích nào không bị che đậy đâu? Cô thiếu nữ mơ tưởng hôn nhân mơ tưởng điều cô không bao giờ biết đến. Cậu thanh niên khao khát danh vọng không hề biết danh vọng là gì. Ý nghĩa đằng sau mọi động cơ hướng dẫn chúng ta sống luôn luôn mờ mịt tối tăm. Sabina không trông thấy mục tiêu phía sau lòng mong muốn bội phản. Cái khinh phù khôn kham của nhân sinh – có phải là mục tiêu không? Bỏ Geneva ra đi, cô bị đẩy khá gần đến mục tiêu đó.

Ba năm ở Paris, một hôm cô nhận được lá thư từ Praha. Thư của cậu con trai Tomas. Không hiểu dò la cách nào cậu biết về cô và tìm ra địa chỉ, cậu gọi Sabina là người bạn “chí thân” của cha cậu. Cậu viết về cái chết của Tomas và Tereza. Thời gian mấy năm qua, hai người đưa nhau về quê sinh sống, Tomas làm nghề lái xe tải trong một nông trường tập thể. Thỉnh thoảng họ lái xe sang thị trấn gần làng và ngủ qua đêm trong một khách sạn rẻ tiền. Đường sang thị trấn có đoạn leo đồi quanh co khúc khuỷu, và chiếc xe tải nhỏ lạc tay lái đâm sầm xuống lòng vực sâu. Xác hai người nát nhừ. Sau đó công an điều tra biết tai nạn xảy ra vì thắng xe ở tình trạng hoàn toàn hư hỏng.

Cô bàng hoàng khi nghe tin. Sợi dây nối liền cô về quá khứ bị chặt đứt phăng.

Theo thói quen cũ, cô tìm cách làm dịu xuống bằng cách vào đi bộ trong một khu nghĩa trang. Nghĩa trang Montparnasse gần nhà nhất. Trên mỗi nấm mộ là cái nhà nhỏ xíu, một mái giáo đường thu nhỏ. Sabina không hiểu tại sao người chết muốn có những toà lâu đài giả tạo xây trên họ. Nghĩa trang là cõi hư vô hoá kiếp trở thành đống đá vụn. Thay vì trở nên có ý nghĩa hơn khi về bên kia thế giới, những cư dân của nghĩa trang trở nên xuẩn ngốc vớ vẩn hơn so với lúc còn sống. Đài kỉ niệm của họ dùng làm nơi phô trương lúc còn sống họ quan trọng tới mức nào. Nơi đây không thấy cha, anh, con, bà được chôn cất, chỉ có những nhân vật của công chúng, những chức sắc tên tuổi, bằng cấp, danh dự; ngay người thư kí bưu điện cũng dương danh nghề nghiệp mình, sự quan trọng trong xã hội – phẩm giá mình.

Đi dọc theo những nấm mộ, cô gặp một đám tang. Người lo việc tống táng tay ôm bó hoa đi phát cho mỗi người một nhánh. Sabina cũng được phát một nhánh hoa. Cô bước theo đám đông. Họ luồn lách xuyên qua nhiều đài kỉ niệm trước khi đến huyệt mộ chưa có tấm bia nặng nề bên trên. Cô nghiêng người nhìn vào huyệt mộ. Đáy huyệt sâu hun hút. Cô ném nhánh hoa xuống. Nhánh hoa chao đi chao lại vài vòng rồi nằm yên trên nắp quan tài người chết. Ở Bohemia huyệt chôn người chết không sâu đến vậy. Ở Paris mộ người chết sâu hơn cũng như các toà nhà cao tầng cao hơn. Mắt cô đập vào tấm mộ bia nằm bên cạnh. Cô lạnh run người, và cô vội vã bỏ ra về.

Suốt buổi cô nghĩ ngợi về tấm mộ bia. Tại sao cô khiếp hãi nó đến thế?

Cô tự tìm câu trả lời cho mình: Mộ bia dùng chặn người chết, không cho họ chui ra khỏi mộ.

Nhưng đằng nào người chết cũng không chui ra khỏi mộ! Có gì khác biệt đâu nếu người chết được phủ bằng đất hay đá?

Nó khác nhau ở chỗ nếu dùng tảng đá đậy úp nấm mộ lại, điều đó có nghĩa chúng ta không muốn thấy người chết trở về. Tảng đá nặng nề bảo người chết: “Này, bạn cứ việc ở đấy nhé.”

Sabina chạnh nhớ ngôi mộ của cha cô. Mộ ông đắp bằng đất, trên mộ bông hoa nở rạng rỡ lại còn có cây phong từ trên cao rủ xuống. Rễ cây và bông hoa giúp ông biết lối chui ra khỏi mộ. Giả thử mộ ông bị tấm đá to lớn đè chặt, cô sẽ chẳng bao giờ nói chuyện được với ông sau khi ông chết để nghe lời tha thứ ông thốt ra từ đám cây.

Nghĩa trang nơi chôn cất Tereza và Tomas trông ra sao nhỉ?

Một lần nữa cô lan man nghĩ ngợi đến hai người. Thỉnh thoảng họ lái xe sang thị trấn gần làng và ngủ qua đêm trong một khách sạn rẻ tiền. Đoạn viết trong thư làm cô chú ý. Có nghĩa hai người hạnh phúc. Cô lại hình dung ra Tomas như thể anh là một trong những bức tranh của cô: Don Juan ở tiền diện sân khấu, bối cảnh màu mè, và qua kẽ hở – Tristan! Anh chết như Tristan chết chứ không phải như Don Juan. Cha mẹ Sabina chết trong cùng tuần lễ. Tomas và Tereza chết trong cùng khắc giây. Đột nhiên cô thấy nhớ nhung Franz khôn tả.

Lúc cô kể anh nghe về những lần cô đi dạo trong nghĩa trang, anh rùng mình kinh hãi và gọi nghĩa trang là bãi rác đầy xương xẩu và gạch đá. Hố sâu ngăn cách lập tức mở ra giữa hai người. Mãi đến hôm ở nghĩa trang Montparnasse cô mới hiểu ra ý nghĩa câu nói của Franz. Cô tiếc đã không kiên nhẫn với anh. Có lẽ nếu hai người gần nhau lâu hơn, chắc Sabina sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn những từ ngữ hai người sử dụng. Dần dà bộ từ vựng của hai người hoà nhập vào nhau, như những người tình nhút nhát, và âm nhạc người này bắt đầu tương giao âm nhạc người kia. Nhưng giờ đây, mọi việc trễ tràng quá rồi.

Vâng, trễ quá rồi, và Sabina biết cô lại phải rời bỏ Paris lên đường lần nữa, và cứ thế mãi mãi thôi, bởi, giả như cô chết nơi đây họ sẽ chẹn lên cô phiến đá, và trong đầu óc người đàn bà không nơi chốn nào là nhà thì ý tưởng bỏ cuộc là điều không sao chịu đựng nổi.

11

Bạn bè Franz ai cũng biết về Marie-Claude, về cô gái có cặp kính cận thị to quá khổ. Nhưng không ai biết về Sabina. Franz ngỡ vợ anh nói xấu anh với bạn bè cô. Nhưng không phải. Sabina có nhan sắc, và Marie-Claude chẳng dại gì đem chuyện đó ra kể để thiên hạ có dịp so sánh dung nhan hai người.

Nhưng bởi Franz quá sợ bị khám phá đến độ anh không lấy bất cứ món gì từ Sabina, một bức tranh, kí hoạ, ngay một tấm ảnh của cô anh cũng không có. Kết quả, cô biến khỏi đời anh không một dấu tích để lại. Không có đến mảnh vụn bằng chứng khả tín nào cho thấy anh từng sống những tháng ngày tuyệt diệu nhất đời anh với cô.

Điều đó chỉ làm tăng thêm lòng chung thủy của anh với cô thôi.

Đôi lúc trong nhà chỉ có hai người, cô gái có lúc rời quyển sách, ngửng đầu lên, ném về phía anh cái nhìn dò hỏi, “Anh đang nghĩ ngợi điều gì vậy?”

Ngồi trong ghế bành, hai mắt phóng lên trần nhà, Franz luôn luôn tìm ra câu trả lời làm yên lòng cô gái nhưng thật lòng anh đang nghĩ đến Sabina.

Lần nào anh có bài đăng trên tập san nghiên cứu, cô gái là người đọc đầu tiên và cô bàn luận với anh. Nhưng trong đầu anh chỉ quanh quẩn câu hỏi giá Sabina có mặt lúc này cô sẽ nói như thế nào. Mọi việc anh làm, anh làm cho Sabina, cách thức anh làm cũng là cách thức Sabina mong muốn.

Hình thức thiếu chung thủy hoàn toàn vô tội đó phù hợp con người Franz. Anh chẳng bao giờ muốn làm khổ cô gái. Anh thờ phụng Sabina, xem đó như tôn giáo chứ không phải tình yêu. Đúng thế, theo lí thuyết thần hệ của tôn giáo đó, chính Sabina đã đem cô gái đến cho anh. Vì thế giữa tình yêu trần tục và tình yêu thánh hoá anh tìm ra sự an bình toàn vẹn. Và nếu tình yêu thánh hoá (những lí do có tính thần học) bắt buộc phải chứa đựng liều thuốc cực mạnh những điều không thể lí giải cũng như lí hội (chúng ta chỉ cần nhớ lại quyển từ vựng những từ ngữ bị hiểu sai), tình yêu trần tục lại dựa trên sự thông hiểu nhau thật sự. Cô gái học trò trẻ tuổi hơn Sabina nhiều, khúc nhạc đời sống cô chỉ mới được phác thảo; cô sung sướng đón nhận những mô-típ từ Franz để điền vào khúc nhạc. Cuộc Diễn hành Vĩ đại của Franz cô xem như tín ngưỡng. Âm nhạc giờ đây là bầu rượu cuồng say. Hai người hay rủ nhau đi khiêu vũ. Họ sống trong sự thật, không có gì bí mật. Họ tìm đến bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên, người lạ mặt và thích thú ngồi tán gẫu hàng buổi. Họ cũng thường hay đi du ngoạn cảnh vùng Alps. Franz cúi người xuống, cô gái nhẩy lên lưng anh, anh cõng cô chạy băng băng trên cánh đồng, miệng đọc to bài thơ tiếng Đức mẹ anh dạy thuở anh còn bé thơ. Cô gái thích chí cười sằng sặc trong lúc hai tay ôm chặt cổ anh.

Điều duy nhất cô không sao dọ tìm được là thiện cảm đến kì lạ anh dành cho những quốc gia bị đế quốc Nga chiếm đóng. Có lần hai người tham dự một buổi lễ tưởng niệm ngày Tiệp khắc bị xâm chiếm do nhóm di dân Tiệp tổ chức ở Geneva. Phòng họp gần như trống trơn. Diễn giả có mái tóc bạc rợn sóng. Ông ta đọc bài diễn văn dài thậm thượt và ngay những người nhiệt tâm ngồi đó cũng phát chán. Tiếng Pháp ông đúng văn phạm nhưng giọng nói rất khó nghe. Thỉnh thoảng, để nhấn mạnh, ông giơ ngón tay trỏ lên, như thể đang đe doạ đám thính giả ngồi bên dưới.

Cô gái cố lắm mới không ngáp ngắn ngáp dài, trong lúc Franz mặt mày tươi tỉnh và miệng nở nụ cười chân phước. Càng nhìn lâu người đàn ông có mái tóc bạc và ngón tay trỏ dài ngoằng anh càng thấy ông là vị sứ giả bí mật, vị thiên thần làm trung gian giữa anh và nữ thần của anh. Anh nhắm mắt lại và để hồn mình bay bổng. Đôi mắt anh nhắm như khi anh ép sát người trên thân thể Sabina trong mười lăm khách sạn ở Âu châu và một ở Mĩ châu.

——–

Chú thích của người dịch:

(*) Lễ Linh Hồn (All Souls’ Day), nhằm ngày mùng hai tháng mười một hằng năm, ngày lễ cầu nguyện cho những linh hồn quá vãng.

(**) Tân giáo — Đạo thuyết của John Calvin (1509-1564), nhấn mạnh sự chí cao của Thượng Đế và tin vào thuyết tiền định.