Đời Kỹ Nữ

Chương 66





Sau khi cánh cửa mở ra, tôi chẳng nhớ cái gì nữa – vì tôi nghĩ chắc máu đã chảy hết ra khỏi người tôi, tôi lạnh cóng và cứng đờ. Tôi biết ông Thứ trưởng lồm cồm ngồi dậy, hay có lẽ tôi đã đẩy ông ta ra. Tôi nhớ tôi đã khóc và hỏi ông ta có phải ông ta cũng thấy như tôi thấy không, có phải ông ta nhìn thấy ông Chủ tịch đứng nơi ngưỡng cưả không. Với ánh sáng chiều tà yếu ớt, tôi không thấy rõ nét mặt của ông Chủ tịch, thế nhưng khi cánh cửa đóng lại, tôi không thể nào không mường tượng ra nét mặt kinh ngạc của ông ta. Không biết ông ta có thật kinh ngạc không, hay là tôi lo sợ như thế. Nhưng khi chúng ta đau khổ, ngay cả hoa đang nở cũng buồn lây, và trong trường hợp này, sau khi thấy ông Chủ tịch đứng đấy…thì than ôi, hình như cái gì quanh tôi cũng lây nỗi đau khổ của tôi.
Nếu anh cho hành động của tôi đưa ông Thứ trưởng vào nhà hát trống vắng ấy là chỉ nhằm mục đích dấn thân vào vòng nguy hiểm – nghĩa là để cho cái dao chặt mạnh lên cái thớt – tôi nghĩ chắc anh hiểu rằng trong nỗi lo âu, sợ sệt ghê gớm tràn ngập cõi lòng tôi, tôi còn có cảm giác kích thích nữa. Trong những giây phút trước khi cửa mở, tôi cảm thấy cuộc đời tôi phải rộng như dòng sông đang mùa nước lớn, vì trước đây chưa bao giờ tôi thực hiện một bước đột phá như thế để thay đổi tương lai của tôi. Tôi như một đứa trẻ mò mẫm từng bước leo lên vách núi dựng đứng nhìn xuống biển. Thế nhưng tôi không nghĩ đến sẽ có một cơn sóng lớn ào đến đập vào tôi và cuốn phăng mọi thứ ra biển.
Khi cơn dao động hỗn lọan trong lòng lắng xuống, tôi từ từ ý thức được mình, tôi thấy Mameha đang quỳ bên cạnh tôi. Tôi sửng sốt kinh ngạc không thấy mình không phải nằm trong nhà hát trống vắng mà thấy mình nằm trên nệm rơm trong căn phòng tối nhỏ ở quán trọ. Tôi không nhớ tôi rời khỏi nhà hát như thế nào, nhưng dù sao tôi cũng đã rời khỏi đó. Sau đó Mameha kể cho tôi nghe rằng tôi đến gặp chủ quán, yêu cầu ông ta dành cho tôi một nơi nào yên tĩnh để nghỉ ngơi. Ông ta thấy tôi không được khỏe, nên đi tìm Mameha để báo cho cô ấy biết.
May thay là Mameha có vẻ tin rằng tôi bị bệnh, cô ấy để tôi nằm yên ở đấy. Sau đó tôi trở lại phòng ngủ chung, lòng hoang mang lo sợ khủng khiếp, tôi trông thấy Bí Ngô từ trong phòng đi ra hành lang trước mặt tôi. Cô ta trông thấy tôi bèn dừng lại, nhưng thay vì vội vã đến xin lỗi như lòng mong đợi của tôi, thì cô ta nhìn tôi chằm chằm như con rắn thấy con chuột.
- Bí Ngô – tôi nói – tôi yêu cầu cô dẫn Nobu đến, thì cô lại dẫn ông Chủ tịch. Tôi không hiểu.
- Phải, thật khó hiểu, Sayuri à, khi cuộc đời không diễn ra hoàn hảo.
- Hoàn hảo à? Việc xảy ra không có gì tệ bằng.. phải cô hiểu lầm lời yêu cầu của tôi không?
- Chắc cô cho tôi là đồ ngốc! – cô ta đáp.
Tôi bang hoàng đứng yên một hồi lâu, cuối cùng tôi nói:
- Tôi cứ tưởng chúng ta là bạn bè.

- Đã một thời tôi tưởng cô là bạn tôi. Nhưng thời ấy đã qua lâu lắm rồi.
- Cô nói như thể tôi đã làm gì hại cô, nhưng…
- Không à, có phải cô không làm gì hại tôi? Cô Sayuri Nitta hoàn hảo không làm gì à? Không phải cô đã dành chỗ con gái nhà kỹ nữ của tôi à? Cô không nhớ sao Sayuri? Cô không làm gì sau khi tôi đã cố giúp cô chuyện về ông bác sĩ, chẳng cần nhớ tên ông ta làm gì. Không làm gì sau khi đã giúp cô để rồi bị Hatsumono trút cơn thịnh nộ lên đầu à? Thế rồi cô quên hết và chiếm cái mà đáng ra là của tôi. Tôi cứ phân vân suốt mấy tháng nay không biết cô lôi tôi vào cái đám người có ông Thứ trưởng này để làm gì. Tôi xin lỗi vì đã không để cho cô lợi dụng tôi lần này một cách dễ dàng nữa…
- Nhưng Bí Ngô này – tôi cắt ngang lời cô ta – Cô có thể cứ từ chối đừng giúp tôi được chứ? Tại sao cô dẫn ông Chủ tịch đến?
Cô ta đứng thẳng người lên, đáp:
- Tôi biết rõ cô cảm mến ông ta, khi nào không có ai để ý, cô dán mắt vào ông ta như mèo thấy mỡ.
Cô ta rất giận dữ mím chặt đôi môi, tôi thấy một vệt son dính trên răng cô ta. Tôi nhận ra cô ta có ý đồ làm cho tôi đau đớn.
- Sayuri, cô đã tước đoạt tài sản của tôi lâu rồi. Tại sao bây giờ cô không nhớ? – cô ta nói, hai lỗ mũi phồng ra, mặt đỏ gay tức giận như thanh củi cháy phần phật. Cô ta đã tiêm nhiễm tính khí của Hatsumono trong bao nhiêu năm qua.
Suốt buổi tối hôm đó, tôi cứ thấy hiện ra trước mắt một số biến cố lộn xộn khiến tôi tê tái cõi lòng. Trong khi những người khác quây quần ăn uống, cười đùa, tôi chỉ có việc giả vờ cười theo họ. Chắc mặt tôi phừng phừng đỏ suốt buổi tối, vì chốc chốc Mameha sờ vào cổ tôi để xem tôi có sốt không. Tôi cố ngồi xa ông Chủ tịch ra để chúng tôi khỏi nhìn thấy nhau, và suốt buổi tối tôi không nhìn vào mặt ông ta lần nào. Nhưng sau đó, hai chúng tôi chuẩn bị đi ngủ, tôi vừa bước ra ngoài hành lang thì gặp ông ta đi vào phòng. Đáng ra tôi phải tránh mặt ông ta mới đúng, nhưng tôi cảm thấy quá xấu hổ, nên tôi cúi nhẹ người chào rồi vội vã bước đi, không thèm che giấu nỗi khổ tâm của mình.
Đêm ấy tôi đã sống trong cảnh dằn vặt đau khổ và tôi chỉ còn nhớ có một chuyện về cảnh giày vò này mà thôi. Sau khi mọi người đã đi ngủ, tôi lẻn ra ngoài quán trọ một mình, thơ thẩn đi ra bờ núi đá ven biển, nhìn vào bầu trời đêm tăm tối,lắng nghe tiếng song vỗ ì ầm dưới chân. Tiếng sóng vỗ ì ầm như lời than vãn nỉ non. Tôi như thấy dưới bóng tối trước mắt tôi đầy dẫy thế lực độc ác mà tôi không hề ngờ đến – như cây cối, gió, và thậm chí cả những tảng đá nơi tôi đang đứng, tất cả đều liên minh với kẻ thù trước đây của tôi, Hatsumono. Tiếng gió rì rào và tiếng cây rung động như cười cợt châm biếm tôi. Có thể nào dòng đời của tôi đã bị phân chia vĩnh viễn? Tôi lấy cái khăn của ông Chủ tịch trong tay áo ra, vì tôi đã đem theo vào giường ngủ trong đêm ấy để an ủi mình lần cuối cùng. Tôi lau mặt rồi đưa ra trước gió. Tôi định thả ra cho nó bay theo gió, nhưng bỗng tôi nhớ đến những cái bài vị nhỏ mà ông Tanaka đã gởi đến cho tôi trước đây. Chúng ta phải giữ lại cái gì của những người thân yêu đã từ giã chúng ta. Những chiếc bài vị nhỏ nằm ở nhà kỹ nữ là những thứ còn lại trong thời thơ ấu của tôi. Chiếc khăn tay của ông Chủ tịch cũng sẽ là di vật của cuộc đời tôi.

Trở về Kyoto, tôi lại tiếp tục sinh hoạt hàng ngày như trước, tôi lại hoá trang mặt mày bình thường, đến gặp gỡ các nơi hẹn tại các phòng trà như thể trên đời này không có gì thay đổi. Tôi nhớ lời Mameha có lần đã nói với tôi rằng chỉ có công việc mới làm cho ta quên hết sầu muộn, nhưng công việc của tôi hình như không giúp gì được cho tôi hết. Mỗi lần tôi đi đến phòng trà Ichiriki là tôi nhớ một ngày nào đó Nobu sẽ gọi tôi đến đấy để báo cho tôi biết mọi sự thu xếp đã xong xuôi. Vì ông ta đang bận bịu công việc trong mấy tháng qua, nên ông ta hoãn chuyện này them một thời gian nữa, có lẽ một hay hai tuần nữa. Nhưng vào sáng thứ tư, ba ngày sau khi ở Amani về, tôi nhận được tin cho biết công ty Iwamura đã điện thoại báo cho phòng trà Ichiriki hay rằng họ muốn tôi đến đấy vào tối ấy.
Xế chiều hôm đó tôi mặc chiếc kimono bằng lụa màu vàng và chiếc áo lót có màu lục cùng chiếc thắt lưng màu xanh đậm điểm thêm chỉ vàng. Bà Dì nói tôi mặc áo này trông rất đẹp, nhưng khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy tôi như người thất chí. Trước khi ra khỏi nhà, tôi thấy bất bình với mình trong thời gian vừa qua nhưng tôi cố tìm ra một nét gì xem được để tôi đem ra sử dụng vào buổi tối. Ví dụ cái áo lót màu quả hồng vàng chẳng hạn, vì màu này làm nổi bật màu mắt xanh của tôi, chứ không phải màu xám, cho dù gặp lúc tôi mệt mỏi cũng thế. Nhưng đêm nay trông mặt tôi có vẻ hốc hác vì xương gò má nhô lên – mặc dù tôi đã trang điểm theo kiểu phương Tây – và mái tóc còn có vẻ chệch sang một bên nữa. Tôi không thể nghĩ đến cách nào khác để cải tiến dung nhan, ngoài việc nhờ ông Bekku buộc lại dải thắt lưng cho cao hơn một tí nữa để có thể làm mất đi vẻ buồn bã nơi người tôi.
Nơi tôi đến giúp vui đầu tiên là buổi đại tiệc do một đại tá Mỹ tổ chức để chúc mừng ông tân thị trưởng thành phố Kyoto. Tiệc được tổ chức tại dinh cơ cũ của gia đình Sumitomo, bây giờ là tổng hành dinh của sư đoàn Bảy bộ binh Mỹ. Tôi kinh ngạc khi thấy rất nhiều hòn đá đẹp ngoài vườn được sơn trắng và nhiều tấm bảng được viết bằng tiếng Anh – đương nhiên tôi không đọc được – đóng rải rác vào các gốc cây. Sau khi buổi tiệc xong, tôi đến phòng trà Ichiriki và được cô hầu dẫn lên lầu, đến cái phòng nhỏ kỳ cục mà tôi đã gặp Nobu vào đêm Gion đóng cửa. Chính tại căn phòng này tôi đã được ông ta cho biết nơi ẩn náu để tránh chiến tranh, và có thể cũng tại chính căn phòng này chúng tôi sẽ làm lễ để ông ta thành danna của tôi – nhưng chắc chỉ là hình thức công bố đối với tôi. Tôi quỳ ở cuối bàn, để Nobu có đến, ông ta sẽ ngồi quay mặt về phía hốc tường. Tôi cẩn thận ngồi với tư thế để Nobu có thể rót sake với cánh tay duy nhất của mình cho khỏi vướng vào bàn. Có lẽ ông ta muốn rót cho tôi một tách sake sau khi nói cho tôi biết việc thu xếp đã xong xuôi. Đêm nay hẳn là một đêm vui cho Nobu. Tôi sẽ cố hết sức để đừng làm hỏng đêm vui của ông.
Với ánh sáng lờ mờ và màu đỏ toả ra từ các bức vách có màu trà, không khí trong phòng rất dễ chịu. Tôi đã quên mùi vị đặc biệt trong căn phòng – mùi vị pha trộn với mùi dầu đánh bóng đồ gỗ - nhưng khi ngửi lại mùi vị ấy, tôi bỗng nhớ lại các chi tiết về cái buổi tối tôi gặp Nobu nhiều năm về trước, những chi tiết mà tôi không thể nào quên được. Ông ta mang đôi vớ có thủng nhiều lỗ, tôi nhớ thế, một ngón chân cái mảnh mai thòi ra ngoài, các móng chân được săn sóc sạch sẽ. Có thể nào mới chỉ năm năm rưỡi từ đêm ấy đến nay thôi? Tôi thấy hình như cả một thế kỷ trôi qua, rất nhiều người tôi quen biết đã chết. Phải chăng đây là cuộc sống mà tôi phải về Gion để sống? Đúng như Mameha đã nói với tôi: chúng ta không trở thành geisha vì chúng ta muốn sống sung sướng, mà vì chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Nếu mẹ tôi còn sống, có thể tôi đã làm vợ làm mẹ tại một làng ven biển, xem Kyoto là một nơi chúng tôi chở cá tới để bán – và khi ấy đời tôi có gì xấu xa không? Có lần Nobu đã nói với tôi “Tôi là người rất dễ hiểu, Sayuri à. Tôi không thích những việc áp đặt hão huyền”. Có lẽ tôi cũng là người như thế đấy. Suốt đời tôi ở Gion, tôi đã mơ tưởng đến ông Chủ tịch, và tôi không thể có ông được.
Sau khi chờ đợi ông Nobu chừng mười lăm phút, tôi bắt đầu tự hỏi không biết ông ta có đến hay không. Tôi nghĩ tôi không nên có ý nghĩ ấy, nhưng tôi cũng tựa đầu lên bàn để nghỉ ngơi, vì mấy đêm qua tôi không ngủ được bao nhiêu. Tôi không ngủ nhưng vì quá đau khổ nên tôi bị rơi vào tình trạng mơ màng nửa tỉnh, nửa mê. Rồi dường như tôi mơ thấy một giấc mơ kỳ cục. Tôi như nghe có tiếng trống vỗ ở xa xa, và nghe có tiếng nước chảy rì rì trong vòi nước, rồi tôi cảm thấy tay ông Chủ tịch sờ lên vai tôi. Tôi nghĩ đấy là bàn tay ông Chủ tịch vì khi tôi ngẩng đầu lên khỏi bàn để xem ai đã đụng vào tôi, tôi thấy ông ta đứng đấy thật. Tiếng trống vỗ là tiếng bước chân của ông, tiếng rì rì là tiếng cánh cửa chạy trên đường khe. Và bây giờ ông ta đứng đấy, một cô hầu đứng đợi sau lưng ông. Tôi cúi chào xin lỗi vì đã ngủ gục.Tôi cảm thấy quá bối rối đến nỗi bỗng nhiên tôi tự hỏi không biết có phải tôi tỉnh ngủ không, nhưng sự thể trước mắt tôi không phải là chuyện trong mộng. Ông Chủ tịch ngồi xuống ngay cái nệm mà tôi biết ông Nobu sẽ ngồi, thế nhưng tôi không thấy ông Nobu ở đâu hết. Trong khi cô hầu để khay sake lên bàn, bỗng một ý nghĩ quái đản hiện ra trong óc tôi. Có phải ông Chủ tịch đến để báo cho tôi biết ông Nobu đã gặp tai nạn, hay việc gì đấy rất khủng khiếp đã xảy ra cho ông ta? Nếu không, tại sao ông Nobu không đến? Tôi định hỏi ông Chủ tịch thì bà chủ phòng trà đã nhìn vào phòng. Bà ta thốt lên:
- Kìa ông Chủ tịch! Mấy tuần nay chúng tôi không thấy ông.
Bà chủ phòng trà thường rất vồn vã với khách, nhưng tôi thấy qua giọng nói có vẻ kinh ngạc của bà, hình như bà đang thắc mắc về chuyện gì đó. Có lẽ bà ta cũng phân vân về ông Nobu sao không đến, như tôi đã phân vân vậy. Trong khi tôi rót rượu cho ông Chủ tịch, bà chủ đến quỳ xuống bên bàn. Khi ông Chủ tịch đưa tách rượu lên để uống thì bà ta đưa tay chặn ông lại, rồi bà cúi người tới phía ông để ngửi mùi rượu trong tách.
- Ông Chủ tịch à, tôi không hiểu tại sao ông thích uống thứ sake bình dân như thế này – bà ta nói – chiều nay tôi đã khui số rượu ngon nhất chúng tôi cất từ nhiều năm nay. Tôi nghĩ khi ông Nobu đến, thế nào ông ta cũng khen à xem.
- Tôi cũng nghĩ như thế - ông Chủ tịch đáp – ông Nobu rất thích rượu ngon. Nhưng đêm nay, ông ấy không đến.
Tôi giật mình kinh ngạc khi nghe ông ta nói như thế, nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh, nhìn xuống mặt bàn. Tôi thấy bà chủ cũng ngạc nhiên không kém, vì bà vội vã nói sang chuyện khác ngay.

- Ồ thế à? Nhưng ông có thấy tối nay cô Sayuri của chúng ta duyên dáng hay không?
- Kìa thưa bà, Sayuri khi nào mà không duyên dáng? – ông Chủ tịch đáp – Câu hỏi của bà khiến cho tôi nhớ…để tôi cho hai người xem một thứ tôi có mang theo đây.
Ông Chủ tịch để lên bàn một gói nhỏ bọc trong tấm lụa xanh, khi ông vào phòng, tôi không để ý ông có mang theo gói này. Ông mở cái gói lấy ra một cuộn giấy ngắn nhưng dày cộm, rồi ông mở tờ giấy ra. Đấy là bức tranh cuốn đã cũ, nứt rạn nhiều nơi, vẽ cảnh hoàng cung thu nhỏ lại, bằng màu sắc thật tươi. Nếu anh đã từng xem loại tranh cuốn như thế này rồi, chắc anh nhớ là bức tranh sẽ được trải rộng qua căn phòng, và ta có thể nhìn cả toàn cảnh khuôn viên hoàng cung từ cổng đằng này lâu đài cho đến cổng đàng kia. Ông Chủ tịch ngồi trước bức tranh, nắm cái trục để mở rộng bức tranh ra. Trong tranh từ từ hiện ra cảnh các nhà quý tộc chơi đá cầu, áo kimono buộc lại giữa hai chân, rồi đến cảnh cô thiếu nữ mặc 12 lớp áo thật đẹp quỳ hầu trên sàn gỗ ngoài phòng của Hoàng đế.
- Đấy, các cô nghĩ sao về bức tranh? – ông nói.
- Bức tranh cuốn hoàn hảo – bà chủ đáp – ông Chủ tịch kiếm cái này ở đâu thế?
- Ồ, tôi mua lâu rồi. Nhưng bà xem cô gái này này. Chính vì cô ta mà tôi mua bức tranh. Bà có chú ý thấy gì đặc biệt không?
Bà chủ nhìn vào hình cô gái, sau đó ông Chủ tịch quay hình ấy cho tôi xem. Hình cô gái tuy không lớn hơn đồng xu bao nhiêu, nhưng được vẽ đầy đủ chi tiết nét rất đẹp. Mới đầu tôi chưa thấy rõ, nhìn qua tôi thấy màu trắng bạc – nhưng khi nhìn kỹ, tôi thấy màu xanh xám. Cặp mắt làm tôi nhớ đến tác phẩm của Uchida đã vẽ khi nhờ tôi ngồi làm mẫu. Tôi đỏ mặt, lí nhí nói rằng bức tranh đẹp tuyệt vời. Bà chủ ngắm nghía một lát rồi nói:
- Thôi, tôi xin phép để hai vị ngồi nói chuyện với nhau. Tôi đi cho người mang đến loại sake thơm ngon tôi vừa giới thiệu. Trừ phi ông muốn tôi để dành lần sau khi có ông Nobu tới?
- Bà đừng bận tâm – ông ta đáp – Xin bà cứ để chúng tôi dùng thứ sa kê hiện có.
- Ông Nobu khoẻ chứ, thưa ông?
- Ồ khoẻ, rất khoẻ.

Tôi mừng thầm khi nghe thế. Nhưng đồng thời tôi cảm thấy đau đớn vì xấu hổ. Nếu ông Chủ tịch không phải đến để báo cho tôi biết tin tức về Nobu, thì chắc ông đến vì lý do khác – có lẽ la mắng tôi về hành vi tôi đã mắc phải. Mấy ngày khi về lại Kyoto, tôi đã cố ên chuyện xảy ra mà ông ta đã chứng kiến, ông Thứ trưởng chưa mặc quần xong, còn tôi thì hai chân thòi ra ngoài áo kimono…
Khi bà chủ ra khỏi phòng, bà đóng cửa, tiếng cánh cửa chạy trên ngạch khiến cho tôi cảm thấy như tiếng chiếc gươm tuốt ra khỏi vỏ.
- Thưa ông Chủ tịch, - tôi cố giữ thật bình tĩnh để nói – em xin ông bỏ qua hành vi của em ở Amani.
- Sayuri, tôi biết cô sợ chuyện gì rồi. Nhưng không phải tôi đến đây để cho cô xin lỗi. Cô cứ ngồi bình tĩnh một lát. Tôi muốn kể cho cô nghe một chuyện xảy ra cách đây nhiều năm rồi.
- Thưa ông Chủ tịch, em cảm thấy bối rối qúa – tôi cố nói – Xin ông tha thứ cho, nhưng…
- Cô nghe tôi nói đây. Rồi cô sẽ hiểu tại sao tôi nói chuyện này cho cô nghe. Cô có nhớ nhà hàng ăn uống có tên là Tsumijo không? Nhà hàng này đã đóng cửa vào cuối thời đại suy thoái nhưng mà thôi chuyện này chẳng quan trọng gì, khi ấy cô còn rất nhỏ. Tôi muốn kể cho cô biết chuyện một hôm cách đây đã lâu lắm rồi – chính xác là 18 năm rồi – tôi đi đến nhà hàng ấy để ăn trưa cùng với nhiều người có cổ phần trong công ty. Đi theo chúng tôi có một cô geisha tên là Izuko, ở quận Pontocho.
Tôi nhớ ngay tên Izuko này liền.
- Cô ta là một geisha được nhiều người ưa chuộng vào thời ấy – ông Chủ tịch nói tiếp – chúng tôi ăn trưa rồi khi thấy còn sớm, tôi đề nghị đi bộ dọc theo con suối Shirakawa để đến nhà hát.
Khi ấy tôi đã lấy cái khăn của ông Chủ tịch trong dải thắt lưng ra rồi, và khi ông nói xong, tôi lặng lẽ trải cái khăn lên bàn, vuốt thẳng ra để cho ông thấy rõ chữ ký tắt của mình trên khăn. Trải qua nhiều năm tháng, cái khăn có vết bẩn ở một góc và vải đã ngả sang màu vàng. Nhưng ông Chủ tịch có vẻ nhận ra chiếc khăn ngay. Ông nghẹn ngào, nhưng vẫn cất tiếng hỏi:
- Cô lấy cái khăn này ở đâu?