Đợi Gió Đông Thổi Về Phương Bắc

Chương 32: Lễ Hội Sinh Đăng




"Buông đệ ra." Tô Kỳ vùng vằng trên phố, cố thoát khỏi cái ôm cứng cáp của Tô Thống.

Tô Thống buông tay, chỉnh lại y phục bị sự kháng cự của hắn làm nhăn nhúm.

Hắn liền xị mặt:

"Trả đây."

Y vờ như không hiểu:

"Trả gì chứ?"

"Ngân lượng."

Tô Thống bèn đánh trống lảng, ngoảnh lại đợi Nhan Thi đang bước theo sau:

"Bây giờ chúng ta đi đâu? Ta cảm thấy hơi đói."

Nàng hỏi:

"Lúc nãy huynh đã rượu thịt no say ở trong Ngọc Hoa Lâu rồi kia mà?"

"Trong đó quá ồn ào, ta không có tâm trạng thưởng thức." Y phàn nàn.

Tô Kỳ bị phớt lờ càng trở nên hậm hực, níu vai Tô Thống:

"Nói cho rõ ràng đi."

"Đệ muốn nói gì?" Y bị giữ chân, thản nhiên hỏi.

"Ngân lượng của ta đều bị huynh tiêu hết vào một cô nương rồi, huynh không thể giả vờ như không có chuyện gì được." Nghĩ tới số vàng bốc hơi trong chớp mắt kia Tô Kỳ tiếc nuối vô cùng.

Tô Thống hỏi hắn:

"Chẳng phải khi nãy đệ là người chủ động mở hầu bao của mình ra ư?"

Chuyện này Tô Kỳ không chối cãi:

"Đúng là ban đầu đệ tự móc hầu bao ra, nhưng đệ làm vậy cũng chỉ muốn giúp hai người, hơn nữa là chướng mắt thái độ khinh thường của đám người ở Ngọc Hoa Lâu."

Tô Thống gật gù, khuôn mặt tuấn tú lóê lên một tia gian xảo:

"Vậy nên ta đã không từ chối tấm lòng tốt của đệ."

Nói dứt câu Tô Thống liền bước nhanh về phía trước. Tô Kỳ lập tức bám theo sau, luyên thuyên:

"Nhưng đệ đâu có nói sẽ cho huynh toàn bộ chỗ ngân lượng đó."

Hẳn mặc kề:

"Dù sao vấn đề của cô nương Quế Chi gì đó là chuyện của hai người, chẳng liên quan gì đến đệ chút xíu nào. Hai người nhất định phải trả lại ngân lượng cho đệ."

Tô Thống đang đi nhanh thì thình lình đứng lại, giả ngốc:

"Ấy vậy mà ta cứ ngỡ đệ với hai người bọn ta cùng thuyền."

Tô Kỳ ngơ ngác. Y lại bảo:

"Ta vốn tưởng đệ thật lòng muốn giúp đỡ nên mới đồng ý đưa đệ theo cùng."

Tô Kỳ câm nín một lúc, bắt đầu cảm thấy khó xử. Nhưng thật tâm mà nói hắn vẫn cảm giác dường như có chỗ nào không đúng lắm. Hắn cố gắng ngẫm nghĩ cho thật kỹ, đến nỗi đôi mày rậm nhíu lại thành một đường thẳng.

Tô Thống hạ giọng, dùng thái độ thân thiết mà trước nay chưa từng có vỗ vai hắn:

"Dẫu sao cũng đã lỡ rồi, hay là đệ rộng lượng cho qua luôn đi. "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", huống hồ bức tường đó là do đệ làm hỏng, xem như bồi thường."

Ruột gan Tô Kỳ vừa xót vừa nóng bừng:

"Đề bồi thường một bức tường cũ nát mà dùng ngần ấy tiền tích góp, Ngọc Hoa Lâu của bà ta được xây bằng vàng sao?"

Thấy Tô Thống chẳng thèm quan tâm tới hắn nữa, Tô Kỳ tiến lên giữ y lại, sờ soạng khắp người lục tìm ngân lượng. Nhưng thứ hắn tìm được là một hầu bao rồng, bên trong chỉ còn ít bạc vụn.



"Sao chỉ có bấy nhiêu đây?" Hắn xem số bạc trong túi, thất vọng nhăn mặt.

Tô Thống thở dài bằng vẻ bất lực:

"Ta vừa trở về nhà, làm gì có nhiều tài sản tích góp như đệ."

Sắc mặt Tô Kỳ xám xịt.

Tô Thống lấy lại túi tiền, an ủi hắn:

"Xem như đệ hành thiện tích phước. Bây giờ chúng ta tìm chỗ nào đó giải quyết cái bụng đói trước đã. Yên tâm, bữa cơm này đại ca sẽ trả tiền thay đệ."

Nói xong y quay người đi, trên môi giấu một nụ cười xảo quyệt.

Nhan Thi bước bên cạnh Tô Thống:

"Huynh làm vậy hơi quá đáng đó."

Y cười, thì thẩm đáp lại nàng:

"Yên tâm đi, sau khi trở về phủ tướng quân ta nhất định sẽ trả lại ngân lượng cho đệ ấy. Lần này ta chỉ muốn đòi lại chút gì đó từ những chuyện mà đệ ấy đã làm với ta trong quá khứ thôi."

Nàng cười, lí nhí mắng:

"Nhỏ mọn."

Tô Kỳ đột nhiên tỉnh ngộ:

"Khoan đã."

Hắn ngẫm nghĩ, ban đầu Tô Thống nói với hắn rằng sẽ đến huyện An Châu dạo chơi, cho nên Tô Kỳ đã không do dự muốn theo cùng. Kế tiếp, đến nơi thì bị hai người họ đưa vào kỹ viện. Bây giờ nghĩ lại hắn mới phát hiện có điểm bất thường, dường như ngay từ đầu khi Tô Thống tiết lộ chuyện tới An Châu đã là một sự suy tính.

Hắn ngưng khóc, đôi mắt ráo hoảnh từ xám xịt biến thành tức giận. Hắn đuổi theo sau y, uất ức gào:

"Tô Thống, huynh là đồ xảo quyệt."

Biết âm mưu của mình đã bị bại lộ, y liền vờ điếc tăng tốc lướt qua những bóng lưng nhấp nhô trên phố. Tô Kỳ ở phía sau cứ luôn miệng gọi, đuổi theo y, vẻ mặt khá bất mãn như thể chỉ cần bắt kịp sẽ không để yên cho Tô Thống. Khoảnh khắc này trông bọn họ như hóa thành hai đứa trẻ.

Nhan Thi che miệng cười khúc khích. Dường như nàng mơ hồ cảm nhận được từ khi hắn chủ động ôn luyện chữ cho y, trải qua thời gian sớm tối chạm mặt thì thái độ của Tô Thống đối với Tô Kỳ có chút thay đổi.

Ba người họ nán lại An Châu, tìm một chỗ nghỉ chân chờ tin tức từ Ngọc Hoa Lâu.

Ráng chiều rơi trên những sạp hàng chất đầy hoa quả hai bên đường phố. Tiếng tiểu thương rao mời khách ghé vào, tiếng người qua lại nói cười. Không khí náo nhiệt chẳng khác mấy so với đường xá tấp nập ở kinh thành.

Bước chân Nhan Thi đi chậm lại trước một ngôi nhà, ngắm nhìn dòng chữ "'sinh đăng cầu phúc" được đề ngay ngắn trên tờ giấy đỏ dán bên cửa. Trước cổng dựng một hàng đèn lồng đủ màu sắc. Khi bầu trời sụp tối ánh đèn lồng nhà nhà sáng rực cả con đường, người dân đồ xô ra phố, dẫn theo cả trẻ con.

"Hôm nay không phải ngày rằm cũng chưa phải tết, mọi người ở đây đang tổ chức lễ gì thế? Thật náo nhiệt." Tô Kỳ đi phía sau nàng, hiếu kì nhìn ngó khắp nơi trên con phố.

Nàng bị quang cảnh trước mắt làm cho ngỡ ngàng:

"Thật đẹp."

"Nếu ta nhớ không nhẩm thì hôm nay là ngày lễ Sinh Đăng của người dân huyện An Châu." Tô Thống nói.

"Không sai." Một người đàn ông đứng trong sạp hàng bên cạnh bất ngờ tiếp lời.

Ông chủ cười niềm nở, nét mặt ánh lên những tia tự hào:

"Vào ngày này hằng năm huyện An Châu của chúng tôi đều tổ chức hội Sinh Đăng, mục đích là để cầu phúc cho bá tánh huyện An Châu mưa thuận gió hòa."

Ông chủ sạp hàng chỉ tay về phía gần cuối con đường lớn, nơi đám đông chen chúc nhau tìm chỗ đứng, dường như bọn họ đang trông đợi đều gì đó sắp diễn ra:

"Lát nữa ở đấy sẽ càng náo nhiệt hơn nhiều. Những chiếc lồng đèn to lớn nhất, xinh đẹp nhất sẽ được các nghệ nhân mang ra tranh giải."

"Tranh giải sao?" Nhan Thi tò mò lặp lại lời ông chủ.

Người đàn ông trung niên ấy cười, trông nét mặt có phúc hậu và giản dị:

"Đúng thế. Lồng đèn của nghệ nhân nào đoạt giải nhất cuộc thi làm lồng đèn sẽ được chọn là người chủ trì thời khắc cầu phúc cho năm nay. Vô cùng vinh dự."

"Sau khi làm lễ cầu phúc, thả đèn xong, mỗi người dân sẽ đi đến sông Danh Thủy bên cạnh rải cánh hoa tươi xuống dòng nước. Đối với người dân huyện An Châu, họ cho rằng nước là tượng trưng của phúc khí, sự thuận lợi trôi chảy. Vì vậy hành động rải cánh hoa tươi xuống dòng Danh Thủy là để cầu may mắn về tài lộc, tình duyên, vận mệnh, ..." Tô Thống tỏ ra am tường.



Nhan Thi hơi ngạc nhiên:

"Huynh biết nhiều thế?"

Y cười ôn hòa, khiêm tốn đáp:

"Lúc nhỏ ta từng được phụ thân đưa đến đây một lần, đúng lúc cũng vào ngày hội Sinh Đăng."

"Là khi nào?" Tô Kỳ nhăn mày, cố nhớ bằng đáy mắt rỗng tuếch. "Sao đệ không hề có ấn tượng?"

Đối với hắn, nét mặt ôn nhu ban đầu của Tô Thống liền thay đổi:

"Năm đó đệ vẫn còn nhỏ, dĩ nhiên là không nhớ rồi."

Tô Kỳ tỏ ra phản đối:

"Đệ chỉ bé hơn huynh có hai tuổi..."

Ngẫm nghĩ, hắn bỗng nhiên thấy ấm ức:

"Có thể là phụ thân thiên vị huynh, chỉ dẫn theo một mình huynh đi cùng."

Tô Thống cố ý chọc tức hắn:

"Đúng rồi."

Y cười trêu chọc:

"Không biết hôm đó ai là người ngủ li bì trong xe ngựa từ lúc xuất phát cho tới khi đến huyện An Châu. Đã hơn bảy tuổi rồi mà vẫn còn tè dầm, hại ta sau khi vào quán trọ phải lập tức thay y phục mới."

Tô Kỳ nghiến răng nghiến lợi dùng hết tốc độ lao vào bịt chặt miệng y, quyết không để thêm một âm thanh nào của Tô Thống kịp lọt ra khỏi kẽ tay hắn, mặt mày đỏ chót vì xấu hổ:

"Huynh muốn chết ư? Nhỡ Nhan cô nương nghe được thì sao?"

Y dửng dưng cười, kéo tay hắn xuống.

Nhan Thi bị tiếng trống "thùng thùng" dồn dập ở cuối đường thu hút.

"Tranh giai lam long den bat dau roi." Ong chu vui ming bao.

Thấy trên sạp hàng người đàn ông bày những giỏ cánh hoa tươi, nàng hỏi:

"Thứ này bán thế nào?"

Ông chủ cười, đon đả nói:

"Rẻ lắm, cô nương xem thử đi."

"Tôi lấy ba giỏ hoa."

Người đàn ông nhanh nhảu:

"Có ngay."

Rất nhanh sau đó Nhan Thi cùng Tô Thống và Tô Kỳ đã hòa vào đám đông, dòng người chen nhau vây quanh một khoảng sân rộng. Ở giữa, các nghệ nhân đang cẩn thận sắp xếp, di chuyển những chiếc lồng đèn dự thi đến.

Đa phần đều là những dáng lồng đèn quen thuộc thường thấy của các hội cầu phúc ở trên lãnh thổ Tịch Quốc. Có người sáng tạo thêm hoa văn, đề thơ, vẽ tranh bên ngoài giấy dán vào các khung sườn của chiếc đèn. So về hình dáng không quá mới mẻ.

Phía đối diện bỗng vang lên tiếng xin đường, người dân từ từ tách ra hai bên nhường khoảng trống. Đáng kinh ngạc là thứ xuất hiện trước mắt Nhan Thi khiến nàng phải ngỡ ngàng.

Một chiếc lồng đèn kích thước lớn hơn ba người ôm được các thanh niên cẩn thận đưa vào trung tâm trưng bày.

Bên ngoài lồng đèn giấy dán phân làm năm bức tranh. Mỗi bức tranh có màu sắc hài hòa, nét vẽ sinh động, bối cảnh trong tranh lần lượt tượng trưng cho ngũ hành.

Không nắm ngoài dự đoán của mọi người, chiếc lồng đèn cầu phúc nổi bật ấy đã giành giải nhất.

Khi nghệ nhân, người đã tạo ra chiếc lồng đèn khổng lồ bước lên bục chủ trì nghi thức thả đèn và cầu phúc, ông ấy đột nhiên ngừng lại, nhìn xuống bên dưới đám đông, quét mắt qua từng gương mặt tươi cười sáng tựa trăng rằm, như đang cần thận đưa ra lựa chọn.

Sau cùng duỗi tay chỉ thẳng về phía Nhan Thi:

"Vị cô nương mặc y phục xanh ngọc xinh đẹp, lồng đèn cầu phúc của ta vẫn còn thiếu một lời nguyện cầu."