Cảnh tượng lướt qua như một thước phim tua nhanh. Khanh thấy bà cả thương nữ chính nguyên tác thật lòng.
Trong chính truyện chỉ nói qua việc nàng Khanh đi lên từ huyện Lộc An đất khô cằn cỗi lại khốn khó, hạn hán thì nhiều và mất mùa thì liên miên... Không ngờ trước đó lại là cả một câu chuyện phức tạp dường này.
Bác Khanh, ông Trịnh cả có một bà vợ với bốn người con. Đứa trưởng chi, con cả năm ấy cũng đi đánh trận, đứa con thứ chưa đủ tuổi nên ở nhà phụ mẹ đồng áng, chăn trâu.
Đứa thứ ba là con gái thì hơn Khanh một tuổi, tên Vân, cũng chính là cô chị họ hiện đang là trợ thủ đắc lực dưới cánh Tô Hoàng Hậu. Đứa con út Trịnh Yến Nhi thì không xuất hiện nhiều, tính tình nhút nhát, có phần nhu nhược, kém tuổi Khanh.
Cậu thứ và cô ba thì rất thích bắt nạt Khanh. Thường xuyên giở giọng: “Đấy là u tao.” Mà đẩy Khanh xa bà cả.
Trẻ con thì thường có tính sở hữu rất cao, chúng sẽ chẳng bao giờ chấp nhận việc có đứa cháu họ đến độc chiếm, đòi san sẻ tình yêu của u chúng nó.
Bà cả biết thì cũng chẳng nỡ trách con. Thời gian đầu, bà đối xử với Khanh tốt thật lòng.
Nhưng rồi cái nghèo cái đói cũng sẽ khiến con người ngày một trở nên biến chất và nghi kị nhau nhiều hơn. Khi cái đói ập đến, thì có là tình thân một nhà cũng chưa chắc đã an ủi được cho nhau. Nhất là khi Khanh không thể phụ bà kiếm đồng ra đồng vào, ngược lại việc thêm miệng ăn chỉ khiến cảnh nghèo càng thêm túng quẫn.
Năm ấy chiến tranh nổ ra, quốc khố tập trung vào việc quân, hạn hán có nhưng ngân sách không đủ, cứu trợ của vua tuy có song đó chẳng ăn thua gì với hàng vạn chiếc bụng rỗng đang kêu than.
Đang cảnh nghèo chắt chiu từng hạt cơm thì bỗng bác cả lập được công, hạ được mấy trăm tên lính thủy của địch. Thượng tướng quân Tô Phong tiết độ sứ liền ban thưởng, phong ông lên làm phó chỉ huy thủy binh.
Cũng nhờ bác mà đợt đó nhà Khanh lên hương, gạo được nhận cũng phải tăng gấp hai lần bình thường. Lại cũng có bổng lộc của triều đình, nhờ đó mà cái đói chóng vánh trôi qua ở nhà Trịnh.
Nhưng vì quá ám ảnh cái đói... Mà phàm kẻ đã có được chút tiền sẽ chẳng ai còn muốn nhớ đến hay trở lại cảnh túng quẫn bần hàn khi xưa nữa, đâm ra bà cả biến chất.
Bà cả cậy chồng lập công mà lên mặt, cho rằng cô Khanh nó ăn cơm chồng bà kiếm, thì nên đỡ đần nhiều hơn mới phải. Từ đó chuyện nặng chuyện nhẹ trong nhà, việc gì cũng tới tay Khanh.
Vừa hay hai đứa con của bà có dịp thoải mái nạt nàng. Nàng Khanh tính lại hiền hậu thuần lương, đành ra răm rắp nghe lời bà cả cùng anh chị họ, không cãi nửa phân.
Thấy Khanh chẳng phản kháng, bọn trẻ lại có cớ được nước mà lấn tới. Trẻ con thì chưa phân biệt được nặng nhẹ bởi thế mà chuyện ập đến với Khanh thực khủng khiếp.
Mở đầu chỉ là những lần quần áo chất đống phải giặt giũ đến chai sần đôi tay, rồi là khi nàng bị chơi xỏ bị thả sâu, nhét gián vào quần áo, và khi chuyện lên đến đỉnh điểm là Khanh bị dụ đến một nhà có chó dữ.
Khanh sợ chó lắm rồi phàm mấy con chó thấy kẻ sợ là được đà mà đuổi mà cắn.
Cô Vân chơi xỏ đi chọc chó rồi đẩy Khanh ra, khiến Khanh bị cắn một vết ở đùi chảy máu, làn da trắng nhẵn nhưng mỏng manh yếu đuối vì thế mà để lại sẹo. May thay hồi đó con chó đấy nó không mắc dại, nếu không truyện “Đại Việt hoa sữa nở” đã kết thúc từ hơn mười một năm về trước.
Bà cả thấy thế chẳng hỏi ra làm sao mà trách cô Khanh để bản thân bị vậy mà trốn việc.
Khi ấy Khanh ấm ức lắm, dưới tán cây hoa sữa sau nhà, Khanh khóc đến sưng vù con mắt.
Thế rồi đã có kẻ chìa khăn tay ra cho nàng lau nước mắt, hỏi han nàng, quan tâm nàng. Kẻ đó là Trần Nhật Tuân năm tám tuổi.
“Sao cậu khóc thế? Có chuyện gì buồn hả? Đừng khóc nữa nha, cậu đói không? Chỗ tớ có mấy miếng bánh bột đó, cậu không chê thì tớ chia nửa cho nè.”
Sau hàng bao uất ức, đó là lần đầu tiên có kẻ thực lòng an ủi, san sẻ cho Khanh, lắng nghe tiếng khóc than của con bé bảy tuổi.
Làn gió thu khẽ lướt nhẹ qua đôi má đào đỏ ửng, khẽ khàng làm tung bay mấy lọn tóc đen láy của tiểu hoàng tử, khẽ khàng khiến từng bông hoa sữa rơi, đậu trên đôi vai nhỏ nhắn của cả hai. Khiến cho cảnh thêm tình, thêm thơ.
Hương hoa sữa phảng phất làm nên kí ức tươi đẹp buổi hôm mai.
Cánh tay non nớt vẫn đặng trên không trung, cậu bé cười tươi, một nụ cười thanh thuần, trong sáng, một nụ cười chan hòa tỏa nắng đong đầy yêu thương, dịu dàng... Nụ cười ấy đã đi sâu vào tâm tư của nàng Khanh năm bảy tuổi.
Cậu bé tử tế đưa Khanh chiếc khăn tay lụa, tử tế xé nửa chiếc bánh bột đã ỉu dùng ăn đi đường của cậu, chiếc bánh mà Lý thái phó cho cậu, chia cho Khanh.
“Tuân ơi!”- Tiếng một đứa trẻ con khác vang lên.
Thấy thế, cậu chẳng nán lại lâu nữa, cậu chạy đi để lại lời nói mà không cho Khanh biết cậu là ai, thân thế như nào.
“Tớ đi đây! Nhớ ăn hết bánh nha, chút ét thôi mà ngon lắm đó! Với lại đừng khóc nhè nữa nhé.”
Một cậu bé trong như ánh tịch dương, đem theo bao thổn thức và hiên ngang độc chiếm lấy vườn đào...
“Tuân...”- Khanh thầm nhẩm.
Hóa ra trong bao kí ức đen tối, tủi nhục, lại có một vầng dương đẹp đẽ tới thế.
Hóa ra... đó là mở đầu cho thiên truyện “Đại Việt hoa sữa nở”.