Trong căn phòng gác mái nhỏ tại cô nhi viện Thiên Sứ thuộc thành phố Giang Tô, cô gái mảnh khảnh, gương mặt xinh đẹp thánh thiện nhưng ánh mắt lại chất chứa quá nhiều nỗi ưu tư. Cô thẫn thờ ngồi trên khung cửa sổ, đưa mắt nhìn dòng người qua lại phía dưới con đường, xe cộ hối hả ngược xuôi, cô thấy bản thân mình thật vô định.
Cầm trên tay một tờ giấy, cô đưa lên ngay trước mắt, nhìn dòng chữ "Giấy báo trúng tuyển" cô nở nụ cười, nhưng nụ cười ấy rất chua chát.
Tiếng mở cửa vang lên, đồng thời phá tan bầu không khí tĩnh lặng trong căn phòng, một người phụ nữ tuổi trung niên, vẻ mặt hiền hậu bước vào:
- Hạ Phong à, con đang chuẩn bị đồ đạc sao?
Cô vội gấp tờ giấy lại và cầm gọn trong lòng bàn tay, cố gượng nụ cười vơi bớt vẻ sầu bi:
- Dạ phải.
Người phụ nữ ấy là dì Loan, một trong ba người bảo mẫu đã đồng hành cùng cô nhi viện Thiên Sứ từ những ngày mới thành lập.
Dì Loan ngồi xuống thành cửa sổ, đối diện với thiếu nữ xinh đẹp trước mắt, bà đưa tay dịu dàng vén tóc cô, lòng trĩu nặng lại dâng lên cảm giác áy náy trong bất lực:
- Hạ Phong à, con thật sự đã suy nghĩ kỹ rồi sao? Con không hối hận chứ?
Cô nở nụ cười chấp nhận thực tại:
- Con đã suy nghĩ kỹ mới đi đến quyết định này. Con không hối hận, hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện tại, con nghĩ như vậy là cách tốt nhất.
Dì Loan nhìn thấy lấp loá tờ giấy đã được gấp nhỏ trong lòng bàn tay đang nắm chặt lại của cô. Dì ấy liền đoán ra được:
- Trở thành diễn viên là ước mơ từ nhỏ của con. Hơn nữa, con đã thi đậu vào trường đại học sân khấu điện ảnh Nam Tô và còn trở thành thủ khoa đầu vào. Con đành lòng chấp nhận từ bỏ tất cả sao Hạ Phong?
Cô đưa tay nắm lấy bàn tay khô ráp vì vất vả bao việc lo toan cho các trẻ em mồ côi tại cô nhi viện, với cô, đôi bàn tay ấy thật ấm áp:
- Dì Loan à, con đã quyết định rất kỹ rồi. Hoàn cảnh của chúng ta hiện giờ thật sự rất cần tiền, đặc biệt vào lúc này, khi bé An phải chạy thận hàng tuần. Chi phí các mạnh thường quân giúp đỡ cũng dần cạn kiệt. Con nghĩ đây là quyết định đúng đắn.
Dì Loan xúc động nhìn cô, từ nhỏ, Hạ Phong đã là cô gái hiểu chuyện lại ngoan hiền nên ai ai trong cô nhi viện cũng yêu quý cô. Từ khi mới ba tháng tuổi, Hạ Phong đã bị bỏ rơi ở trước cổng bệnh viện và được các y tá mang đến cô nhi viện Thiên Sứ để gửi gắm, mong đứa trẻ nhỏ khi ấy có chốn nương thân an toàn.
Cô nhi viện Thiên Sứ vốn dĩ được bà ngoại của dì Loan mở ra, thuộc sở hữu tư nhân. Từ nhỏ, dì Loan đã theo mẹ và bà ngoại tiếp xúc với rất nhiều trẻ em mồ côi. Nhìn cách bà và mẹ chăm sóc những mảnh đời cơ nhỡ khiến lòng nhân hậu, thương người đã thôi thúc dì Loan phải nối gót bà và mẹ mà duy trì cô nhi viện Thiên Sứ, góp phần làm chuyện có ích cho đời.
Những trẻ em xuất thân từ cô nhi viện Thiên Sứ đồng trang lứa với cô nay đều đã ra riêng tự lập, có người dựng vợ gả chồng, có người hạnh phúc, cũng có người mang nỗi đau đổ vỡ. Nhưng nhìn chung, cuộc sống của hầu hết những người họ đều chật vật, chẳng mấy dư giả. Ai hiểu chuyện, tận tâm thì mỗi tháng gửi về cô nhi viện Thiên Sứ một ít chi phí để phụ giúp các bảo mẫu nơi đây lo cho các bé nhỏ hiện tại, còn không thì cũng đành chịu, phải trông cậy nhiều vào các mạnh thường quân.
Dì Loan thở dài nhìn cô:
- Dì hiểu rõ đại học sân khấu điện ảnh là ước mơ, hoài bão rất lớn của con. Con hãy sống vì đam mê của mình. Con có thể đến Nam Tô vừa học vừa làm để trang trải như dự tính ban đầu. Mọi việc ở cô nhi viện cứ để dì và mọi người lo liệu.
Trước đây chuyện học của cô đều được miễn giảm một khoản phí đáng kể cho trẻ em thuộc diện mồ côi, nhưng khi lên đến đại học, mọi chi phí đều phải tự lo. Ngoài học phí ra, còn một khoản phí sinh hoạt, chưa kể, học phí của trường nghệ thuật lại cao, dù cô có được học bổng thủ khoa nhưng để duy trì việc học lâu dài vẫn là một vấn đề khó khăn.
Trong khi lúc này, cô nhi viện đang rất cần thêm chi phí trang trải, cấp thiết hơn vì chuyện thiếu tiền chạy thận cho bé An mà dì Loan và các bảo mẫu khác đã vay một khoản tiền bên ngoài để đắp đổi qua ngày. Tình trạng của cô nhi viện lúc này chỉ gói gọn trong hai chữ "cần tiền".
Hạ Phong khẽ lắc đầu:
- Con đã quyết định đến Nam Tô để phỏng vấn xin việc. Mức lương làm công nhân ở công ty sản xuất rượu Alva khá cao, sẽ hỗ trợ được phần nào chi phí hằng tháng cho cô nhi viện.
Dì Loan thở một hơi trĩu nặng:
- Con chờ dì một lát.
Dì ấy bước khỏi phòng, Hạ Phong có chút tò mò nhìn theo. Vài phút sau, Dì Loan quay trở lại, trên tay cầm theo quyển album đã cũ. Dì ấy bước đến đặt album vào tay cô.
Hạ Phong đưa mắt nhìn quyển album rồi đưa tay lật những trang đầu tiên:
- Sao đột nhiên dì lại đưa con quyển album này?
Dì Loan nở nụ cười đôn hậu, nhẹ nhàng đầy tình cảm:
- Con sắp đi xa, sẽ có lúc nhớ về nơi đây. Dì đưa con quyển album này để khi thấy nhớ mọi người trong cô nhi viện, con có thể mở ra xem. Còn có rất nhiều hình ảnh lúc con còn nhỏ nữa.
Hạ Phong vừa mỉm cười vừa lật lại từng trang album xem lại tất cả hình ảnh được lưu trữ. Bất chợt, cô chăm chú nhìn vào một bức ảnh chụp. Cô nhìn dì Loan với sự ngạc nhiên, tò mò:
- Dì à, tấm ảnh này… đứa bé được bế trong ảnh là...
Dì Loan nở nụ cười:
- Con không nhận ra chính mình lúc nhỏ sao Hạ Phong?
Cô bất ngờ đáp:
- Là con sao? Con chẳng có chút ấn tượng nào cả. Còn người thanh niên trong ảnh, người đang bế con lúc nhỏ, người này là ai vậy dì?
Hạ Phong không khỏi tò mò về người thanh niên có gương mặt ưu tú, tuyệt mỹ cùng vóc dáng cao ráo trong ảnh.
Dì Loan nhìn kỹ vào tấm ảnh, dì ấy ngẫm nghĩ rồi đáp lời:
- Tấm ảnh này được chụp lúc con chỉ mới ba tuổi, đã mười sáu năm trôi qua, dì thật sự không thể nhớ được người thanh niên trong ảnh là ai. Nhưng dì có thể đoán người này là một trong những người làm thiện nguyện, đến thăm hỏi cô nhi viện chúng ta.
Hạ Phong thể hiện rõ sự chú tâm vào bức ảnh:
- Dạ. Nhìn trông ảnh lúc đó, người này chắc khoảng mười sáu mười tuổi dì nhỉ?
Dì Loan cẩn trọng quan sát biểu hiện của cô:
- Có phải con để ý người này rồi không? Mà trông cậu ta quả thật rất đẹp trai. Bây giờ chắc chắn đã trở thành một người đàn ông trưởng thành rồi.
Cô nào nghĩ ngợi nhiều, cũng chẳng thể rung động khi chỉ nhìn qua một bức ảnh, lại còn là hình ảnh của rất nhiều năm về trước.
- Dì cứ chọc con. Tại con thấy tò mò nên hỏi vậy thôi. Con sẽ giữ thật kỹ quyển album này, khi nào thấy nhớ mọi người thì sẽ lấy ra xem.
Dì Loan vỗ nhẹ lên bàn tay cô:
- Hạ Phong này, dì nghĩ con khoan dọn hẵn đồ đạc đến Nam Tô. Khi nào phỏng vấn xong và chắc chắn được nhận vào làm thì con hãy dọn hẳn đồ đạc lên đó ở cũng chưa muộn mà con.
Hạ Phong đã vững lòng với những gì cô quyết định, cô cất lời giải bày rõ:
- Con đã suy nghĩ và tìm hiểu kỹ cả rồi. Nếu không được nhận vào công ty Alva, con sẽ tiếp tục xin việc ở những nơi khác, chắc chắn sẽ có nơi nhận con làm việc. Dù sao mức lương trung bình của nhân viên bán thời gian ở Nam Tô cũng cao hơn so với Giang Khánh.
Sự vững lòng của Hạ Phong khiến dì Loan vừa cảm thấy vui mừng vì đã nuôi nấng một cô gái hiểu chuyện, chăm học lại chẳng ngại khổ cực. Nhưng song song đó là nỗi đau đáu thương xót lẫn niềm lo âu cho tương lai của cô, cho những ngày tháng sắp tới phải bươn chải chốn xa lạ, chẳng có ai thân quen bên cạnh.
Ngày cô rời Giang Khánh đến thành phố Nam Tô xa lạ cũng đã đến. Ngồi trên xe khách suốt chặng đường dài hơn mười tiếng đồng hồ mới đến được thành phố Nam Tô. Cô lên xe khởi hành từ khuya hôm trước, nằm trên xe đánh một giấc, mở mắt ra là đến nơi, thật may khi cô không bị say xe, nếu không thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Khi ở Giang Khánh, cô đã lên mạng tìm hiểu và đặt trước phòng trọ tại thành phố mới mẻ này để thuận tiện hơn khi dọn đến, đỡ phí sức nhọc nhằn đi tìm kiếm khi đến nơi.
Khu trọ cô ở tuy chi phí khá rẻ so với mặt bằng chung của các phòng trọ ở Nam Tô nhưng lại rất an ninh, gồm năm dãy phòng, mỗi dãy cách nhau tầm một mét, do mới được xây cất nên phòng rất sạch sẽ, thoáng đãng. Vì là khu trọ mới vừa xây cất xong nên vẫn còn phòng trống rất nhiều, không gian vô cùng yên tĩnh.
Cô chỉ mang theo một vali nhỏ, căn bản cô chẳng có quá nhiều đồ hay quần áo. Căn phòng trọ trống trơn, mọi đồ đạc cô đều phải tự mình mua lấy, vì là khu trọ an ninh nên chủ trọ cũng ở trong khu này, quy định mười một giờ đêm sẽ đóng cổng, nếu về trễ sẽ phải ngủ bên ngoài.
Đặt vali ở một góc phòng, cô bước ra ngoài tìm món ăn lót dạ. Đi bộ dọc theo con đường lớn, cô nhìn ngắm đường xá náo nhiệt, sa hoa lại phồn thịnh của thành phố Nam Tô, nơi trước đây cô chưa từng đặt chân đến.
Ghé vào một quán ăn với phong cách cổ điển, trong không quá sang trọng nhưng cũng rất tươm tất, sạch sẽ. Nhìn vào menu trên bàn, cô tròn mắt có chút choáng ngợp bởi giá thành cao gấp đôi, gấp ba so với những quán ăn ở Giang Khánh.
Hạ Phong cố giữ bình tĩnh, dù sao cũng phải chấp nhận, nơi đây kiếm được tiền nhiều cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu đắt đỏ hơn, cần thiết sự dè sẻn mới có thể đắp đổi được qua ngày. Hơn nữa, cô còn phải dành dụm để gửi về cô nhi viện.
Giải quyết xong chiếc bụng đói, cô tìm đến nhà sách, thật may khi những nơi cô cần đến đều không cách khu trọ quá xa nên cô có thể đi bộ thong thả nhẹ nhàng. Hạ Phong ghé vào trong mua một bộ hồ sơ xin việc.
Về đến phòng trò, cô lấy hồ sơ ra, vì chưa mua bàn ghế nên cô dùng luôn chiếc vali để kê viết, nắn nót từng chữ, từ đơn xin việc đến giấy sơ yếu lý lịch,...
Đang tỉ mỉ trong từng nét chữ, bất chợt điện thoại của cô vang lên, cô không cần nhìn vào màn hình đã biết ngay là ai gọi đến. Cô dừng bút rồi bắt máy, đầu dây bên kia liền vang lên tiếng nói dịu dàng quen thuộc. Người gọi cho cô không ai khác ngoài dì Loan. Đây là lần đầu tiên cô đi xa, dì ấy lo lắng nên đã gọi điện hỏi thăm để thêm phần yên tâm.
Cuộc trò chuyện sau một lúc cũng kết thúc. Cô tiếp tục viết hồ sơ xin việc. Cô chuẩn bị xong xuôi mọi thứ, chờ đến sáng mai sẽ đến công ty Alva nộp hồ sơ ứng tuyển. Thông tin công ty cần tuyển nhân viên đóng rượu vào hộp đựng này cô xem được trên một tờ nhật báo lớn lại rất uy tín, mức lương khá cao lại có phúc lợi ngày nghỉ và tiền thưởng doanh số nên cô đã quyết định nộp hồ sơ vào công ty Alva.