Điều Tuyệt Nhất Của Chúng Ta

Chương 50-2: Nếu tôi là gió mát (tiếp)




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Người dịch: Hỏa Long Quả Biên tập: Iris





No. 273



Lớp 10 nghỉ hè, lớp 12 tốt nghiệp, chỉ có chúng tôi vẫn còn lêu lổng ở tòa nhà trống trải này.



Kì nghỉ hè chưa đầy hai tháng đã bị cắt xén một tháng, dùng để dạy bù. Khoảng thời gian tháng cuối học giáo trình mới, lớp 12 chính thức bắt đầu, chúng tôi sẽ phải đi vào vòng ôn tập đầu tiên.



Mùa hè nóng bức, trong phòng học có ba chiếc quạt trần cùng quay, sau biến thành máy sấy tóc, cơ bản không thể thổi bay bực dọc trong lòng mọi người. Dưới nền phòng học đặt rất nhiều chậu nước, thầy nói như vậy sẽ giúp giảm nhiệt, e rằng cũng chỉ có tác dụng tinh thần mà thôi.



Song, đối với Giản Đơn mà nói thì đúng có tác dụng giảm nhiệt thật. Bởi vì cậu ấy hay loạng choạng đứng dậy, một chân dẫm vào chậu nước làm đổ vào người.



Cứ đến lúc như thế, mấy người chúng tôi đều cười nghiêng ngả, chỉ có ánh mắt của β là càng ngày càng ảm đạm.



Bây giờ Giản Đơn mỗi ngày chỉ ngủ bốn tiếng, tất cả thời gian đều dành để học, lúc ở trên lớp không chịu nổi mà ngủ gật, trong tay vẫn cầm chặt cái bút.



Còn Hàn Tự chỉ ngồi như pho tượng đọc sách, giống y như Bối Lâm ngồi sau lưng cậu ta vậy, dường như tất cả mọi sự náo nhiệt xung quanh đều không liên quan đến họ.



Tôi nhìn mãi hai người đó.



Đến tận khi Dư Hoài ngồi cạnh đang bận làm đề không kìm nổi mà vươn tay ra vỗ nhẹ tôi: “Cảnh Cảnh, đừng nhìn nữa.”



No. 274



Bối Lâm là học sinh chuyển vào lớp tôi đầu năm lớp 11.



Sau khi phân ban, lớp 3 và lớp 7 bị giải tán, biển lớp và phòng học đều trống không, sau đó tất cả những học sinh chọn học ban xã hội đều vào đó học, như vậy đã lập ra lớp ban xã hội mới tinh, còn những học sinh học ban tự nhiên của lớp 3 lớp 7 cũ sẽ được phân bố đều ra các lớp còn lại.





Tất nhiên, lớp khác không bao gồm “lớp 1 quý tộc” và “lớp 2 quý tộc”- hai đối thủ một mất một còn đến cả cuộc đấu bóng rổ vòng tròn cũng có thể động thủ.



Bối Lâm và ba học sinh khác chuyển vào lớp 5 chúng tôi chính vào lúc đó.



Cậu ta đeo kính, nhìn trắng trẻo nho nhã nhưng lại cắt tóc rất ngắn; do hơi cao nên cậu ta được phân ngồi bàn cuối cùng, vừa hay ngồi sau Hàn Tự. β cực kì có hứng thú với những người bạn mới mới, nick name của cậu ta lại là β nên lại càng muốn kết bạn với Bối Lâm để tạo thành chị em Bối thị, như vậy có thể tiến quân vào tổ chức mới gì đó của Bách Lạc Môn bến Thượng Hải gì đó vào thập kỉ 30 thế kỉ trước.



(Trong tiếng Trung, Bê ta đọc là Bối Tháp, có cùng chữ Bối với Bối Lâm)



Nhưng, Bối Lâm lại chẳng thèm ngó ngàng đến bất kì ai.




Giống như Chu Dao học điên cuồng, phấn đấu học, tuy vì tiết kiệm thời gian để học mà trốn trực vệ sinh, quan tâm đến thành tích nhưng vẫn là một cô gái mười bảy, mười tám tuổi, thích hóng hớt. Sau đại hợp xướng 12-9, cậu ta thân hơn với tôi chút, thường hay ngoảnh xuống nói chuyện với tôi mấy câu. Lúc Dư Hoài không có ở đó, cậu ta cũng tình nguyện giảng cho tôi hai câu – dẫu sao cả đời này tôi không thể thi môn nào giỏi hơn cậu ta.



Nhưng Bối Lâm thật sự không đếm xỉa đến bất kì ai.



Lần thi giữa kì đầu tiên, cậu ta khiến chúng tôi đứng hình. Bối Lâm với ba điểm áp đảo vượt mặt Hàn Tự, trở thành học sinh đứng đầu mới của lớp 5.



Cậu ta như người máy vậy, mặc cho β nhiệt tình bắt chuyện, cậu ta chỉ đáp lại bằng nụ cười nhạt.



Lúc đó, Giản Đơn nhân lúc rảnh sẽ hỏi chúng tôi: “Các cậu cảm thấy Bối Lâm giống phiên bản nữ của Hàn Tự không?”



β lần nào cũng cười ha hả: “Giản Đơn, cuối cùng cậu cũng chịu thừa nhận Hàn Tự là tên liệt dây cảm xúc mặt rồi.”



Giản Đơn chỉ nói ngượng ngùng: “Thực ra Bối Lâm không lạnh lùng thế đâu, có lúc còn nói với tớ mấy câu đó.”



Tôi và β đều không để tâm. Ai cũng không chú ý nhiều đến Bối Lâm, trừ Hàn Tự và Chu Dao. Sự tò mò của Chu Dao xuất phát rất hợp tình hợp lí- lòng đố kị của cậu ấy không phải quá lớn, vốn dĩ đã không có phần của cậu ta rồi, nhưng cậu ta muốn biết Bối Lâm làm thế nào có thể giữ được điểm Ngữ văn cao như thế.



Kể cả là thần văn học trong lớp, điểm văn cũng phải xê dịch trong khoảng nào đó, còn điểm văn của Bối Lâm luôn ở khoảng 135 điểm, xê dịch không bao giờ quá ba điểm.



Còn sự tò mò của Hàn Tự đối với Bối Lâm, lúc mới bắt đầu không có ai phát hiện ra cả.



No. 275



Buổi chiều, tiết một là tiết văn.



Điểm văn của Dư Hoài luôn ngấp nghé mức chết, làm thành tích của cậu ấy bị thụt lùi kha khá. Tuy người cậu ấy sùng bái- Thịnh Hoài Nam, thành tích môn Văn cũng không tốt nhưng cũng không quá chênh lệch so với các môn khác.



Tôi cực kì hoài nghi, sự kém hiểu biết trên phương diện tình cảm của Dư Hoài ảnh hưởng đến phỏng đoán lựa chọn đáp án bài đọc hiểu, dẫn đến việc cậu ấy luôn trả lời một đáp án vô cùng “không liên quan”.



Tất nhiên, kiến thức nền cũng rất kém.



Ví dụ như câu đọc hiểu văn cổ, hỏi “như tố” nghĩa gì (đồ ăn mặn nhưng là đồ chay), đáp án của cậu ấy lại là nấm không ăn thịt.



Nghe nói, đây là đáp án sau khi câu ấy loại trừ đáp án “nấm đơn sắc không lòe loẹt” ở trong đầu rồi mới viết ra.



Vậy là Dư Hoài vẫn luôn đứng thứ ba trong lớp, cô giáo lâu năm sắp thành tinh như cô Trương ghét nhất chính là loại học sinh này. Tất cả thành tích vượt trội của Dư Hoài ở các môn khác chứng minh được năng lực của cậu ấy, nhưng môn Văn lại thể hiện thái độ của cậu ấy. Cô Trương cho rằng, chỉ cần dành một phần ba sức lực học các môn tự nhiên thì nhất định có thể kéo điểm Văn lên.



Nhưng Dư Hoài lại ngày càng thi cẩu thả.



Tất nhiên tôi biết nguyên nhân tại sao. Kì thi vòng tròn Vật lí toàn quốc cuối cùng sắp diễn ra rồi mà. Dư Hoài lo lắng và chăm chỉ hơn bất cứ lúc nào, trước khi nghỉ hè đã vùi mình vào tập huấn như ở quân doanh, bây giờ càng phải tranh thủ từng giây từng phút làm đề, làm sao có thể đối xử nghiêm túc với tờ giấy văn trắng tinh cô Trương phát được.



Cậu ấy giả vờ ngoan thì thôi đi, cô Trương lại cảm thấy Dư Hoài không có năng khiếu với các môn xã hội. Vậy là, Dư Hoài xả hết bất mãn bị cô Trương điểm danh phê bình lên trang giấy.



Chuông vào học vừa vang lên, cô Trương đã ôm một đống bài thi bước vào phòng học. Lớp phó đại diện giờ Văn phát bài thi xong, cô Trương ở trên bục giảng hỏi: “Còn ai chưa có giấy thi không?”



Dư Hoài đang cắm đầu làm đề, lông mày nhăn lại, hoàn toàn không nghe thấy gì.



“Tôi hỏi ai còn chưa có giấy thi.”Cô Trương đập bàn dữ dằn.




Tôi đẩy đẩy Dư Hoài, cậu ấy như vừa bước ra khỏi cõi mộng, giơ tay lên: “Em ạ! Em chưa có giấy!”



Cô Trương cười lạnh: “Tự lên lấy!”



Dư Hoài đẩy ghế về phía sau, đứng dậy đi lên bục giảng. Cô Trương bực dọc đập tờ giấy thi trong tay xuống mặt bàn.



“Cầm lấy, đọc cho cả lớp nghe, câu hỏi năng lực thứ hai từ dưới lên, xem em viết thế nào.”



Tôi vội vàng mở sang trang cuối cùng nhìn câu hỏi năng lực số hai từ dưới lên.



Đó là một câu điền vào chỗ trống:



“Nếu tôi là ánh dương, tôi sẽ sưởi ấm một miền đất;



Nếu tôi là nước suối, tôi sẽ tưới mát một mảnh sa mạc;



Nếu tôi là cây xanh, tôi sẽ che chở cho một bầy chim;



Nếu tôi là gió mát, ………………………….”



Câu này vốn dĩ không có vấn đề gì to tát.



Nhưng đáp án mà Dư Hoài đọc to lên lại là:



“Tôi nhất định giết chết Tâm Tương Ấn.”



(ND: Tâm Tương Ấn là một loại giấy vệ sinh, khăn ướt,…) Còn tiếp…