Biên tập: BộtÁnh ban mai đầu tiên chiếu vào dinh thự nhà họ Nhan, Oanh Yến đi bước nhỏ tới cửa phòng rồi gõ nhẹ lên đó. Mẹ Ngô bên trong nhẹ nhàng hé cửa ra một chút, hỏi khẽ: “Mợ chủ còn đang ngủ, sao thế?”
Oanh Yến ngó vào trong phòng một chút nhưng lại bị bóng người màu đen che khuất. Mẹ Ngô đã tránh sang một bên, còn Nhan Trưng Bắc đẩy cửa ra từng chút một, trầm giọng hỏi: “Có chuyện gì?”
Giọng anh mang theo vẻ khàn khàn khi mới tỉnh ngủ, người mặc áo sơ mi và đang cài cúc áo ở cổ. Oanh Yến không dám nhìn thẳng vào anh, chỉ sợ hãi cầm tập san: “Tập san «Tulip» mợ chủ đặt ạ, lúc trước mợ sốt ruột hỏi thăm, hôm nay đã phát hành rồi.”
Nhan Trưng Bắc cười trầm thấp, Oanh Yến không nghe ra tia trào phúng trong đó, thậm chí còn như người anh cả cười cô thích tiêu xài phung phí vậy, chỉ là cậu Tư đương nhiên không thể là anh cả của cô được. Lúc này anh không còn cài cúc áo nữa mà đưa tay cầm tạp chí, hơi hứng thú lật thử vài trang: “Biết rồi, tôi sẽ đưa cho cô ấy.”
Cậu Tư tiện tay mở tập san mới này ra. Vì trong đó hội tụ tác phẩm của các tác giả nữ đương đại nên gần đây rất được phái nữ ở thành Tín Châu đón đọc, mà đương nhiên, trong đó cũng bao gồm cả cô vợ mê tiểu thuyết của anh kia.
Cận Tiêu vẫn còn đang ngủ, hôm qua cô bị lăn qua lộn lại tới mệt. Nhan Trưng Bắc thường hay chế giễu cô không thích vận động, nhưng lại thích sờ tới sờ lui gương mặt hơi phúng phính của cô.
Cô trong lúc ngủ còn ngốc hơn ngày thường một chút, và dĩ nhiên ngày thường cũng đã rất ngốc rồi.
Nhan Trưng Bắc nở nụ cười rồi ngồi xuống ghế dựa bên cạnh cô, lật xem tập san vợ mình đón đợi hàng tháng.
Cận Tiêu ngủ rất say, nhưng nắng sớm hơi gắt chiếu thẳng vào không khỏi khiến cô bị chói mắt. Cô đang chìm trong giấc ngủ vẫn nghe được tiếng lật sách bên cạnh, vì vậy mới mở mắt, giận cá chém thớt phàn nàn: “Cậu ồn quá.”
Nhan Trưng Bắc cười, nhưng cũng chịu nỗi oan này: “Tập san của em đến rồi, nghe nói em mong chờ lắm?”
Cận Tiêu dụi mắt rồi duỗi cánh tay trắng như ngọc ra, nói bằng giọng còn hơi ngái ngủ: “Đưa em xem một chút?”
Hôm qua đang lúc bị lăn qua lộn lại thì cô thiếp đi mất nên cũng không có thời gian mặc lại áo ngủ của mình. Nhan Trưng Bắc nhìn theo cánh tay duỗi ra của cô, sau đó chợt hiểu vì sao đàn ông lại say mê những thứ trần trụi tới vậy. Anh hắng giọng rồi chê cười cô: “Anh thấy trong tập san này đa phần là góa phụ bị đàn ông phụ bạc, vợ anh sợ đời mình đơn điệu quá nên tìm thú vui sao?”
Đương nhiên là Cận Tiêu nghe ra vẻ trào phúng trong giọng của anh, hơn nữa cũng biết phần nhiều là anh sẽ không đưa tạp chí cho cô, vì thế mới thu cánh tay vào trong chăn: “Sao cậu không đoán là em đang tìm kiếm đồng cảm?”
Không khí đầu Xuân còn mang theo hơi lạnh, Cận Tiêu thỏa mãn co mình trong chăn còn dư lại hơi ấm. Cô chỉ muốn ngủ nướng thật thoải mái nên đã trùm chăn lên, dùng giọng bí hơi đuổi khách: “Sao hôm nay cậu không đi công vụ? Chớ đến muộn lại bị cha mắng.”
Phần đệm bên cạnh cô lún xuống, cô cũng biết rằng Nhan Trưng Bắc đang ngồi bên cạnh mình. Người đàn ông gạt phần tóc mái hơi rối của cô ra rồi hôn nhẹ lên: “Em cũng biết anh cả từ Tây Bắc về rồi đấy, cha sẽ không quan tâm anh có đi công vụ hay không đâu.” Anh thích thú sờ lên vành tai của Cận Tiêu: “Còn em ấy, thử nói rõ ra xem, anh phụ tình quả phụ ra sao?”
Cơn buồn ngủ của Cận Tiêu ập tới, cô cũng không muốn đấu võ mồm với anh nên chỉ ậm ừ đáp: “Đương nhiên là không phải, do em hẹp hòi thôi.”
Nhan Trưng Bắc cười khẽ rồi véo mũi của cô, khi thấy hơi thở của cô dần đều đều, mới đưa tay gạt tóc mái của cô ra: “Tiểu bạch nhãn lang.” (1)
(1) Bạch nhãn lang: Dùng để chỉ những người qua cầu rút ván, vắt chanh bỏ vỏ, vong ân bội nghĩa.
Ông Nhan có một cô con gái và ba cậu con trai, con trai út Nhan Trưng Bắc là già rồi mới có, từ nhỏ được cưng chiều vô hạn. Khi anh còn chưa lập gia đình, vì ướm các mối cho con mà ông đã tìm con gái các nhà cao quý trong cả thành Tín Châu, nhưng qua hết lần này đến lần khác rồi lại hỏi cưới con của một nhà làm quan chức nhỏ.
Người ngoài đều nói Nhan Trưng Bắc sợ nhà vợ quyền cao chức trọng sẽ quản thúc anh, mà đến cả chính Cận Tiêu cũng nghĩ như vậy. Trong lúc gấp rút, cô bị ép cắt đứt với trúc mã năm xưa, rồi ngây ngốc bị gả cho nhà quyền quý xa hoa. Cô cũng từng hoảng hốt trong một khoảng thời gian, nhưng sau đó đã dần nhìn thoáng ra được.
Anh cả luôn chê đầu óc cô bỏ đi, khi còn nhỏ cô làm đổ chén sữa nên từng bị anh cả khinh bỉ không thôi. Tuy nhà cô là một hộ nhỏ, nhưng vẫn có của hơn nhà bình thường, khi ấy anh cả không tiếc tiếc sữa bò, mà là chê cô vụng về. Lúc anh ấy biết cô leo được vào nhà họ Nhan còn khuyên: “Đầu óc như em chi bằng cứ gả đi, như vậy có thể làm sâu gạo trong thời loạn này.”
May thay đầu óc Cận Tiêu ngờ nghệch nên cũng thật sự yên tâm làm sâu gạo. Lại may thay Nhan Trưng Bắc không hề chê cô, có lẽ vì mới cưới vẫn còn cảm giác mới mẻ, hoặc có lẽ đối với cậu Tư nhà họ Nhan, cô gái xuất thân tầm thường nào ở thành Tín Châu cũng như vậy cả.
Cận Tiêu cũng không quan tâm cậu Tư làm bậy ăn quàng ở ngoài thế nào, cô vẫn còn đắm mình trong niềm vui tiền tiêu vặt đột nhiên tăng lên, thậm chí còn thấy anh cả nói khá có lý. Tỉ như không cần tiết kiệm tiền mua phấn mắt hay nước hoa để đổi lấy tập san «Tulip» hàng tháng, càng không phải che che giấu giấu mỗi lần mang tạp chí về, sợ bị anh cả chê cười.
Nhan Trưng Bắc cũng chê cười cô, nhưng chút chê cười đó quả là lịch sự và nhẹ nhàng so với những gì Cận Tiêu phải chịu thuở nhỏ. Ngay từ đầu, cậu Tư còn tưởng rằng vẻ đọc sách bình tĩnh của cô là đang giận anh, sau còn định dỗ dành. Nhưng Cận Tiêu nghe anh hắng giọng thì lại ngơ ngác nhìn lại: “Sao thế?” Với vẻ không để tâm chút nào.
Anh rước về một cô vợ ngờ nghệch, nói dễ nghe là thoáng tính, nói khó nghe là dễ bị người ở, mẹ chồng nạt nộ. Thỉnh thoảng Nhan Trưng Bắc cũng sẽ châm biếm cô một chút, dù sao thì trong đầu cô cũng chỉ toàn những yêu hận tình thù của thiếu gia Hồng Kông quyền quý, tóm lại là không hề biết có đôi lúc kẻ tôi tớ thờ ơ một cách trắng trợn.
Cận Tiêu cũng không thể ngủ tiếp lâu được, dù cô mê ngủ nướng ấm áp vô cùng, nhưng vẫn phải đến chào hỏi mẹ chồng với chị cả và các chị dâu. Vì tính cô dịu dàng lại ngoan ngoãn nên làm những chuyện này cũng rất tự nhiên và khéo léo. Nhan Trưng Bắc luôn nói cô không giống cô gái học thức tân thời, mà trời sinh đã như một mợ chủ thời phong kiến.
Doãn thị là bà chủ trong gia đình, khi bà ta thấy vẻ ngoan ngoãn vâng lời của Cận Tiêu thì lại chê quả nhiên là xuất thân từ hộ nhỏ, không có khả năng quán xuyến việc nhà. Bà ta nhấp một ngụm trà rồi nói: “Mẹ nghe nói Lão Tứ lại xằng bậy với ả đào Lê Uyển?”
Giọng của bà ta không nhanh không chậm, nhưng lại có cái uy khó nói thành lời. Mẹ cả là vợ đầu của tư lệnh, lại xuất thân từ nhà quyền quý, nên đến chị Hai ngày thường hay đỡ lời cho Cận Tiêu cũng không dám càn rỡ xen ngang.
Bà ta đột nhiên chuyển từ chuyện của các nhà đến chuyện Nhan Trưng Bắc, quả là khiến Cận Tiêu giật nảy mình. Cận Tiêu mù mờ ngước mắt, bất chợt không biết nói gì cho phải. Doãn thị lại rất ghét vẻ ngây ngây ngô ngô này của cô nên nhíu mày nói: “Đã kết hôn rồi, con làm vợ phải quản nó mới đúng.”
Cận Tiêu mau chóng đáp “vâng”. Cô chỉ muốn hùa theo vị chủ quản gia đình này để rồi được về đọc kết cục của cậu Hai và cô Ba nhà họ Ngô. Có điều, Doãn thị vẫn không buông tha cho cô: “Tháng sau lễ Phật, mỗi nhà cùng chép một chút kinh Phật.” Doãn thị dừng lại một chút: “Mợ cả đang ở Tây Bắc, vậy mợ Tư chép thay đi.”