Dệt Kén

Chương 37




Thứ hai Tưởng Lâu đến lớp trước giờ truy bài, sắp xếp đống sách vở đề thi chất đầy mặt bàn, cậu bạn ngồi sau sáp lại ngửi một cách khoa trương: "Sao hôm nay ông thơm thế."

Tưởng Lâu sững người.

Hôm qua hắn tắm gội thay quần áo đã dùng sữa tắm hương hoa hồng trong nhà vệ sinh phòng Lê Đường.

Nếu chỉ dùng sữa tắm thì không thể lưu hương đến tận giờ, chủ yếu là vì Tưởng Lâu ngủ cùng Lê Đường cả đêm, tướng ngủ của Lê Đường không xấu nhưng thích ôm ấp, có lúc trở mình vắt ngang tay qua là lại ôm rịt hắn như gấu bông.

Lê Đường không chỉ dùng sữa tắm hoa hồng mà còn dùng sữa dưỡng thể hoa hồng và kem tay hoa hồng, ở bên cậu lâu sẽ nhận ra người cậu có mùi thơm dịu tự nhiên, hồi trước Lê Đường còn tự cười mình ướp hoa hồng đến ngấm vị luôn rồi.

Mà hiện tại Tưởng Lâu cũng dính mùi, giả dụ Lê Đường vẫn học A1 thì chưa biết chừng hai đứa đã bị phát hiện vì có mùi hương giống nhau.

Nhận thức được điều này, Tưởng Lâu vô cảm nhếch môi.

Nếu Lê Dường biết thì kiểu gì cũng hốt hoảng lo sợ, có khi còn giục hắn mau đi rửa tay rửa mặt cho bay mùi ấy chứ.

Cuộc gặp gỡ tối qua nằm ngoài dự liệu của Tưởng Lâu, nhận lời đến nhà Lê Đường vốn đã thiếu cân nhắc, bây giờ nghĩ mới thấy có lẽ kế hoạch ban đầu sẽ bị xáo trộn vì nó.

Nhưng mà không sao, với phản ứng của Lê Đường tối qua thì tiến độ đã nhanh hơn hắn dự tính rất nhiều, dù đốt ngòi nổ ngay lúc này thì sức ảnh hưởng cũng đủ để đạt hiệu quả.

Chuông truy bài reo, Tưởng Lâu ngả lên lưng ghế giữa tiếng đọc sách oang oang, nhắm mắt lại thở ra một hơi dài.

Nhớ lại vẻ kinh ngạc khi người phụ nữ ấy nhìn thấy mình, lâu rồi Tưởng Lâu mới có cảm giác thoải mái dễ chịu.

Hắn đã bắt đầu mong chờ ngày đất trời sụp đổ, đến lúc đấy bà ta sẽ bày ra nét mặt thế nào?

Chắc hẳn sẽ vô cùng thú vị.

Nhưng trước mắt hắn lại hiện lên một gương mặt trắng ngần xinh đẹp, đuôi mắt xếch nhẹ ầng ậng nước mắt trong veo, chừng như chỉ chớp một cái sẽ trào ra.

Vì sao lại khóc?

Ai làm cậu khóc sao?

Tưởng Lâu mở choàng mắt như tỉnh khỏi cơn mơ, cắt đứt dòng suy nghĩ chệch đường ray.

Lớp A5 cũng đang truy bài, phân nửa thời gian Lê Đường đều tâm hồn treo ngược cành cây.

Hiện giờ không có Lý Tử Sơ trông coi nên làm biếng tiện hơn nhiều. Thật ra Lê Đường đã sửa được tật xấu mất tập trung trong giờ học, sự lơ đãng hôm nay hoàn toàn không phải mong muốn chủ quan của cậu.

Mắt cậu nhìn sách, mồm cũng đang đọc đi đọc lại tác phẩm văn cổ mới học, thế nhưng trong đầu lại nghĩ về cuộc đối thoại diễn ra bên bàn ăn sáng nay và phản ứng quá dữ dội của Trương Chiêu Nguyệt.

Tuy sau đó Trương Chiêu Nguyệt lên tầng bình tĩnh lại, lúc đi xuống thì nói với Lê Đường rằng mình chỉ nghĩ đến một người bạn có hoàn cảnh tương tự, cho nên nhất thời không kiểm soát được cảm xúc, song Lê Đường vẫn cảm thấy lạ. Người bạn thế nào có thể khiến mẹ nhớ tới tận bây giờ? Nếu đã là bạn thì sao bình thường không thấy qua lại?

Cậu nhớ lại cuộc điện thoại của bố mẹ mà năm ngoái không cẩn thận nghe thấy.

Chính anh sắp xếp để em về Tự Thành, em chưa từng nghĩ sẽ đi gặp nó, cũng không còn mặt mũi nào gặp nó.

Em chỉ muốn biết bây giờ nó sống ra sao.

"Nó" là người bạn ấy sao?

Nhưng vì sao lại không còn mặt mũi nào gặp người đó? Chẳng lẽ "hoàn cảnh tương tự" của người bạn đó do mẹ mà ra?

Hôm nay mưa, ra chơi không phải chạy bộ.

Suy nghĩ vẩn vơ suốt nửa buổi sáng, lúc Tô Thấm Hàm đến lớp A5 tìm Lê Đường chơi, tế bào não của Lê Đường đã hi sinh hàng loạt, nói chuyện cũng ngại tốn sức.

Tuy nhiên Tô Thấm Hàm đến để bóc phốt, chỉ tự mình xả điên cuồng.

"Tôi cạn lời lắm luôn, làm người dẫn chương trình ở trạm phát thanh hơn một năm, đại hội thể thao cũng chính tôi đọc bài viết, bây giờ nói thay là thay, ít nhất cũng báo trước cho tôi một tiếng với tiến hành bỏ phiếu bầu gì đó chứ, kết quả bỏ phiếu còn có thể làm tôi tâm phục khẩu phục."

"Thật ra tôi biết bố tôi lo tôi ảnh hưởng học tập mới bắt trạm phát thanh thay người, nhưng thay ai không thay lại cứ là Vương Nghiên..."

Tô Thấm Hàm huých cùi chỏ vào Lê Đường: "Cậu biết Vương Nghiên không?"

Lê Đường chậm chạp gật đầu.

Khi cậu "giả vờ không thân" với Tưởng Lâu ở trại đông, Vương Nghiên chính là người chủ động bắt chuyện với Tưởng Lâu trên sườn núi. Sau đó trên xe khách đi về, Tô Thấm Hàm đã cho cậu biết đủ loại hành vi "giả nai" của Vương Nghiên, không chỉ nói "lời thảo mai" như "con gái đều hẹp hòi, tớ thích chơi cùng con trai hơn" mà hồi khai giảng lớp 11, Vương Nghiên còn viện cớ "cược thua bạn" tỏ tình với Tưởng Lâu để tranh trước Tô Thấm Hàm.

Mặc dù đã từ bỏ Tưởng Lâu nhưng hận cũ chưa nguôi, Tô Thấm Hàm khoanh tay hầm hừ: "Cứ nghĩ vị trí dẫn chương trình phát thanh của tôi nhường cho cậu ta là tôi lại thấy xúi quẩy."

Tâm hồn Lê Đường đang không ở đây, thuận miệng nói hùa: "Đúng vậy, xúi quẩy."

Tô Thấm Hàm sực nhớ: "À mà MC nam cũng thay rồi, đổi thành cái tên Trần Chính Dương hồi trước học cùng lớp tôi ấy."

Nghe đến tên Trần Chính Dương, tai Lê Đường vểnh lên đầy đề phòng.

Sao có thể quên được cái thằng đức tính bại hoại, dạ hội năm mới lén chụp trộm phòng thay đồ nữ, bị Lê Đường bắt tận tay chẳng những không biết tém bớt mà còn ngang nhiên khiêu khích, làm ầm ĩ lên tận phòng giáo vụ chỉ để gạch tên cậu khỏi danh sách trại đông. Được cả anh em tốt Triệu Úc Đào của nó nữa, hết làm khó cậu trước mặt mọi người hòng trả thù cho bạn lại còn hắt nước nóng vào người cậu.

Bây giờ xúi quẩy nhân đôi, Lê Đường lập tức mở điện thoại vào web mua sắm.

Tô Thấm Hàm hỏi cậu: "Cậu muốn mua gì?"

Lê Đường đáp: "Nút bịt tai chống ồn, cậu một bộ tôi một bộ, lúc loa phát thanh thì đeo vào."

Tô Thấm Hàm cười lăn cười bò: "Cậu giỏi thật đấy."

Cậu mua tại một cửa hàng cùng tỉnh, hôm sau nút bịt tai chống ồn giao đến nơi.

Buổi tối đi xe buýt, Lê Đường đeo nút bịt tai thử hiệu quả chống ồn, Tưởng Lâu nhìn cậu thử đi thử lại, vân vê đủ kiểu mà vẫn nghe thấy tiếng còi xe bên ngoài thì cười nói: "Hay là anh cho em mượn tai."

Không ngờ Lê Đường thật sự suy nghĩ về tính khả thi: "Nếu có kỹ thuật điều trị như thế, em muốn đổi tai mình với anh."

Tưởng Lâu cảm thấy cậu nghĩ viển vông: "Dù có kỹ thuật đấy thật thì em cũng đâu thể đổi tới đổi lui suốt."

"Không cần đổi tới đổi lui, đổi một lần được rồi." Lê Đường nhìn hắn: "Em sẵn lòng đổi với anh mãi mãi."

Đây không phải lần đầu Lê Đường thốt ra từ "'mãi mãi".



Lần trước Lê Đường giao kèo với hắn, chỉ cần không nói chia tay thì họ có thể ở bên nhau mãi mãi.

Nhưng trong thế giới của Tưởng Lâu không có thứ gì là vĩnh viễn, tất cả đều sẽ mất đi.

Dù Lê Đường nói chân thành tới nỗi không thể nghi ngờ tính chân thực của giả thuyết ấy, Tưởng Lâu cũng không vui vẻ một chút nào.

Đạt được rồi, nắm chắc trong tay rồi mà vì sao vẫn không vui? Tưởng Lâu không muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa.

Hắn chỉ cười giống bình thường: "Ngốc."

Đừng lúc nào cũng đưa ra những quyết định khó nhằn một cách dễ dàng như thế.

Tối nay Tưởng Lâu có trận đấu.

Đối thủ của hắn là thành viên mới vào câu lạc bộ cuối năm ngoái tên Bùi Hạo, nghé con không sợ cọp, thích đánh liều ở khoảng cách gần.

Vì Tưởng Lâu là "người quen cũ" của lão Trương phụ trách phòng tập quyền anh, Bùi Hạo tưởng hắn đi cửa sau đánh chơi chơi kiếm tiền nên luôn rất có ý kiến với hắn.

Trước trận Bùi Hạo cười hỏi: "Sao hôm nay nhóc bạn trai mày không tới?"

Lê Đường đến phòng tập quyền anh cùng Tưởng Lâu ngày càng nhiều, hầu hết mọi người ở đây đều biết "nhóc bạn trai" của Tưởng Lâu.

Thấy Tưởng Lâu cúi đầu quấn băng vải không để ý mình, Bùi Hạo cũng không giận, vừa đeo găng tay đấm bốc vừa nói: "Nếu nó đang chờ ở cửa thì khuyên mày gọi điện cho nó, trận đấu hôm nay e là không dễ kết thúc đâu."

Trận này đánh tổng cộng hơn mười hiệp, vẫn sử dụng kỹ thuật Ground and Poun [1] tốn sức nhất. Vừa bắt đầu Bùi Hạo đã bỏ qua tấn công thăm dò, trực tiếp tung cú đá, Tưởng Lâu vừa phòng thủ vừa đánh trả, còn bị Bùi Hạo gạt chân ngã ra đất.

[1] Ground and Poun được định nghĩa là tình huống khi một võ sĩ giữ vị trí kiểm soát và tung ra các đòn đánh "striking" (đấm, chỏ, gối,...) khi cả hai, hoặc một trong hai đang trong tư thế nằm sàn.

May sao khi Bùi Hạo dùng lòng bàn chân đè Tưởng Lâu, Tưởng Lâu cũng khoá chặt lấy gã không buông. Ground and Poun chỉ có kết hợp cả thể lực lẫn sức bền thì mới có khả năng trở mình giành chiến thắng.

Giữa chừng Tưởng Lâu nắm được cơ hội, thừa lúc Bùi Hạo ở dưới bèn quặp chặt hai chân sau gáy gã tạo thành thế khoá tam giác (triangle choke), duy trì tư thế đến khi làm gã thiếu oxy lên não, không thể không giơ tay xin dừng thì trận chiến ác liệt mới kết thúc.

Trên đường về Tưởng Lâu vừa dùng iodophor mang theo xử lý vết thương trên mặt và tay chân, vừa nghĩ cũng may hôm nay Lê Đường không tới, nếu không nhìn thấy cách đánh liều mạng này thì chưa biết chừng lại khóc nhè.

Vết thương ở ngực và bụng không tiện xử lý trên xe, Tưởng Lâu xuống xe, đội mũ áo rồi vội vàng sải bước băng qua bụi cây.

Nhưng khi gần lên trên, bước chân hắn khựng lại.

Phía trước mây mù che phủ, có một bóng người gầy gò đứng đó.

Người phụ nữ ấy gầy hơn mười năm trước rất nhiều song vẫn xinh đẹp, mặc áo gió kiểu dáng đơn giản cũng toát lên khí chất khoan thai.

Khi chạm mắt Tưởng Lâu, cô nở nụ cười dịu dàng nhưng lại khiến Tưởng Lâu cảm thấy xa lạ.

Trong trí nhớ của hắn, thứ duy nhất mẹ để lại cho hắn là một bóng lưng chẳng chịu ngoái đầu.

Giờ phút này Trương Chiêu Nguyệt cũng có cảm xúc hốt hoảng mà xa lạ tương tự.

Hôm qua cô đã gọi điện cho Lê Viễn Sơn, trước đủ lời chất vấn của cô, cuối cùng Lê Viễn Sơn cũng thừa nhận mình đã biết chuyện tai trái Tưởng Lâu bị điếc ngay khi đó, hơn nữa còn ẩn danh quyên góp cho trung tâm phúc lợi để họ sắp xếp cho Tưởng Lâu phẫu thuật chữa trị, máy trợ thính sau khi phẫu thuật thất bại cũng là chú ta bỏ tiền cung cấp.

Trong điện thoại, Lê Viễn Sơn nói đầy lí lẽ: "Năm xưa anh đã để lại cách liên lạc khi thay em trả toàn bộ trợ cấp nuôi dưỡng trong một lần, không biết trung tâm phúc lợi lấy được số của anh kiểu gì mà gọi điện thoại đến, đương nhiên anh không thể khoanh tay đứng nhìn... Không nói cho em vì sợ em lo lắng, chuyện đã xảy ra không thể thay đổi, việc có thể làm chỉ là dốc hết sức giải quyết. Từ sau đợt đó anh không quan tâm tình hình bên đấy nữa, bất kể là trung tâm phúc lợi hay cô nó cũng không còn liên lạc với anh, ắt hẳn nó sống rất tốt."

Sống rất tốt.

Trương Chiêu Nguyệt nhìn vết bầm tím trên má Tưởng Lâu, lại nhớ bức tường nứt toác ở nhà cũ, trong lòng khổ sở nghĩ thế này là sống rất tốt ư.

Cô mấp máy môi, chưa kịp nghĩ kĩ nên mở lời làm sao thì Tưởng Lâu đã lên tiếng trước: "Có chuyện gì sao?"

Giọng hắn trầm thấp, còn lạnh lùng hơn hôm qua ở nhà.

Nhưng hắn không gọi "cô" khiến Trương Chiêu Nguyệt cảm thấy an ủi phần nào. Cô cách Tưởng Lâu khoảng hai đến ba mét, đủ để nhìn rõ thân hình thẳng tắp và vẻ ngoài điển trai sắc sảo của hắn.

Ít nhất con đã lớn lên bình an vô sự, còn vô cùng xuất chúng.

"Không có gì." Cô cất giọng nhẹ nhàng: "Chỉ tới thăm con thôi."

Dù cho cô tự biết mình không có mặt mũi nào tới gặp hắn.

Mười chín năm trước rời Tự Thành cô đã nghĩ sẽ không quay lại nữa, lần trở về ngắn ngủi vào mười hai năm trước là cô nhất thời xúc động, mà lần này lại là thân bất do kỷ, Lê Viễn Sơn khăng khăng muốn mượn danh nghĩa để cô yên tâm dưỡng bệnh đưa cô quay về.

Chạm mặt Tưởng Lâu cũng nằm ngoài dự liệu, nếu không phải Lê Viễn Sơn không hỏi thăm từ trước, thu xếp cho Lê Đường học cùng lớp với Tưởng Lâu thì cũng sẽ không...

Không chờ Trương Chiêu Nguyệt nghĩ xong, Tưởng Lâu bật cười khẽ: "Bây giờ nhìn thấy rồi đấy, hài lòng chưa?"

Nhận ra sự chống đối trong giọng Tưởng Lâu, Trương Chiêu Nguyệt hít sâu: "Mẹ nghe nói rồi, năm mười tuổi con tạm thôi học vì bị thương ở tai khi đánh nhau với người khác."

Thoạt đầu Tưởng Lâu không hiểu vì sao cô phải nhắc lại việc này, sau đó động não một chút là hiểu: Cô nói thế một là có thể cho hắn biết trước hôm qua cô không hề hay chuyện hắn bị điếc; hai là có thể nhắc nhở hắn tai hắn bị thương do chính hắn ham đánh nhau với người ta.

Tưởng Lâu thấy nực cười, đúng vậy, từ lâu hắn đã biết bản thân đáng đời, nhưng trở thành trẻ mồ côi như người khác nói lẽ nào là mong muốn của hắn, là tự hắn làm thành như vậy hay sao?

Vì sao người lớn trên đời ai cũng giỏi kiếm cớ bào chữa cho mình, hiểu rõ đâm dao vào đâu là đau đớn nhất?

Thấy Tưởng Lâu cứ lẳng lặng nhìn mình bằng ánh mắt thờ ơ, Trương Chiêu Nguyệt lấy can đảm nhìn tai trái của hắn: "Nghe nói đã làm máy trợ thính cho con, sao lại không đeo?"

Lần này Tưởng Lâu nhanh chóng bắt được trọng điểm, đã hỏi như vậy tức là cô biết hắn từng có máy trợ thính.

Chắc hẳn cũng không chỉ là "nghe nói" mà thôi, quỹ của trung tâm phúc lợi Tự Thành luôn thiếu thốn, sao năm đó lại bỏ bao nhiêu tiền cho hắn phẫu thuật và làm máy trợ thính?

Nghi vấn nhiều năm được hoá giải, Tưởng Lâu càng chán nản hơn, đồng thời thấy nhẹ nhõm như gỡ được gánh nặng: "Bị người khác giật ra giẫm hỏng rồi."

Thậm chí hắn còn có tâm trạng bổ sung: "Do tôi tự chuốc lấy, không liên quan đến bà."

Trương Chiêu Nguyệt thoáng ngẩn ngơ. Cô biết Tưởng Lâu thông minh nhưng không ngờ hắn lại giỏi cả hiểu thấu lòng người.

Phải trải qua bao nhiêu va vấp mới có thể tập được sự nhạy bén và tỉnh táo ấy?

Trương Chiêu Nguyệt dằn nỗi khổ đang trào dâng trong lòng, hỏi chuyện mình muốn biết nhất: "Vậy cô con thì sao? Năm đó mẹ đã để lại rất nhiều tiền trợ cấp nuôi dưỡng, đủ cho con dùng tới khi tốt nghiệp đại học, lúc bố con mất mẹ cũng từng nhờ cô..."



"Chuyện này bà nên hỏi bà ta chứ tìm tôi làm gì." Mới nói vài câu Tưởng Lâu đã hơi mất kiên nhẫn: "Thăm đủ chưa? Cảm phiền nhường đường."

Hắn nhấc chân giẫm lên phiến đá xanh, sắp đi lướt qua thì bị Trương Chiêu Nguyệt níu tay.

"Mẹ biết con hận mẹ." Cô đứng bên phải Tưởng Lâu, thế nên giọng nói có thể truyền đạt đến hắn một cách rõ ràng: "Nhưng hoàn cảnh năm đó, mẹ đưa ra lựa chọn ấy cũng vì không làm gì khác được. Về sau mẹ cũng cố hết sức bù đắp cho con..."

Tưởng Lâu ngắt lời cô: "Tôi còn cần cảm ơn bà phải không? Cảm ơn bà mười hai năm trước quay lại mang bố tôi đi mất, bây giờ lại trở về tặng tôi một đứa em?"

Ánh mắt Tưởng Lâu đột ngột chuyển từ dửng dưng sang sắc lạnh: "Bố tôi vì cậu ta mà chết, để bù đắp thì có phải nên để tôi giết cậu ta, một mạng đền một mạng không?"

Nghe hắn thốt ra lời tàn nhẫn mà cổ họng Trương Chiêu Nguyệt nghẹn lại, cơ thể run rẩy không ngừng.

Cũng chính câu chữ không chút nể nang ấy đã xé toạc vỏ ngoài đạo mạo trang nghiêm của cô, khiến cô nhận thức được bản thân đáng căm ghét nhường nào, lúc này còn vô thức biện bạch cho mình.

Chuyện đời đều có nhân quả, nếu cô không ruồng bỏ chồng con thì Tưởng Lâu đã không thiếu mẹ từ nhỏ; nếu cô không nhất thời xúc động quay về Tự Thành thì bố Tưởng Lâu đã không chết; nếu Tưởng Lâu không "mất cả bố lẫn mẹ" thì đã không bị người khác bắt nạt dẫn đến điếc tai trái, cũng không cần tạm thôi học; nếu Tưởng Lâu không tạm thôi học thì Lê Đường và Tưởng Lâu hoàn toàn không có cơ hội học chung lớp, thậm chí không có khả năng quen biết nhau.

Truy tìm ngọn nguồn thì đây là nghiệp cô tạo ra, tại cô nhẫn tâm nhưng không nhẫn tâm đến cùng. Bây giờ cô lại ở đây chối bỏ trách nhiệm, tự nhủ "ít nhất thằng bé đã lớn lên khoẻ mạnh" để giảm nhẹ cảm giác tội lỗi trong mình.

Lê Viễn Sơn ngạo mạn độc tài, ích kỉ cố chấp, nhưng có một câu chú ta nói đúng, chuyện đã xảy ra không thể thay đổi, bố Tưởng Lâu không thể chết đi sống lại, tai của Tưởng Lâu không thể hồi phục thính lực, khoảng thời gian khó khăn cô chưa từng tận mắt chứng kiến và những oán hận tích tụ từ ngày này qua tháng nọ cũng không thể tiêu tan như mây khói.

Bù đắp thế nào để làm lại tất cả được cơ chứ?

Nhưng nếu mọi thứ không thể làm lại từ đầu, vậy thì bù đắp có ý nghĩa gì?

Sợi dây cung căng chặt từ lúc trông thấy Tưởng Lâu cuối cùng cũng đứt, môi Trương Chiêu Nguyệt co rút, suy sụp rơi nước mắt: "Xin lỗi con..." Giọng cô khàn đặc, nói không liền mạch: "Mẹ có lỗi với con."

Tưởng Lâu đứng yên tại chỗ bất chợt đờ người, không biết là vì tiếng "mẹ" hay vì câu "xin lỗi con".

Thế nhưng, cả người mẹ hắn từng kiên trì suốt bao nhiêu năm mới chờ được lẫn lời xin lỗi đến muộn đều có "mục đích" khác.

"Mẹ không đòi hỏi con tha thứ, chỉ xin con đừng làm hại Lê Đường."

Trương Chiêu Nguyệt siết chặt tay Tưởng Lâu đến nỗi đốt ngón tay trắng bệch: "Đừng làm hại nó... Nó không biết gì hết, nó vô tội."

Đúng, cậu ta không biết gì hết.

Cho nên cậu ta hoàn toàn vô tội sao?

Tưởng Lâu tự hỏi bản thân, nếu cậu ta vô tội vậy tôi thì sao, tôi sinh ra đã có tội ư?

Lẽ nào chỉ cần ba chữ là có thể xí xoá tất cả, vậy thì nỗi khó khăn vất vả và giày vò trăn trở những năm qua tính là gì? Cái chết thảm của bố lại là gì?

Tưởng Lâu xoay người nhìn đường cái bao quanh ngọn núi tựa con trăn khổng lồ ẩn mình giữa màn đêm, như thể đang nhìn sự mở đầu cho tất thảy ân oán gút mắc.

Tiếng nức nở của người phụ nữ dần trôi xa, bên tai hắn là tiếng gió rít gào ập đến đống đổ nát tận sâu đáy lòng.

Tưởng Lâu gần như tê dại, hắn nghĩ các người quên hết rồi phải không, mười hai năm trước bố tôi đã chết ngay tại nơi này.

Đêm khuya, Tưởng Lâu gọi điện cho Lê Đường.

Sau chín hồi chuông Lê Đường mới bắt máy. Có lẽ vì bị làm ồn nên giọng cậu nhuốm vẻ lười biếng ngái ngủ: "Sao thế... Muộn thế này còn gọi cho em."

"Không sao." Tưởng Lâu nói: "Nhớ em thôi."

Lê Đường cười tủm tỉm: "Em cũng nhớ anh."

"Vậy em nghĩ xong chưa?"

"... Dạ?"

"Cần thêm thời gian suy nghĩ không?"

"À..." Bấy giờ Lê Đường mới hiểu Tưởng Lâu đang nói chuyện gì, cậu trở mình rúc đầu vào trong chăn, thì thầm nhỏ tí như sợ người khác nghe thấy: "Chờ em năm ngày nữa nhé, năm ngày là được."

Tưởng Lâu không hỏi cậu muốn làm gì trong năm ngày đó, chỉ đồng ý: "Được."

Nghĩ đến chuyện năm ngày sau phải làm là mặt Lê Đường bắt đầu nóng bừng, cậu cắn môi: "Sao muộn rồi mà anh chưa ngủ?"

"Giờ ngủ đây." Tưởng Lâu đáp.

"Thế... Anh có mơ thấy em không?"

"Tất nhiên."

"Trong mơ em thế nào?"

"Em là một con bướm."

"Bị mắc lưới ấy hả?"

"Ừ."

"... Sao anh đạo giấc mơ của em."

Nói chuyện một lúc Lê Đường bắt đầu ngáp: "Em buồn ngủ rồi, ngủ ngon nhé."

Tưởng Lâu cũng chúc cậu ngủ ngon.

Gần cúp điện thoại, Lê Đường mơ màng nhấn mạnh lần nữa: "Năm ngày... Chỉ cần chờ em năm ngày nữa thôi, nhất định phải chờ em đấy."

Có vẻ cậu buồn ngủ quá nên giọng trong ống nghe cũng trôi theo ý thức.

Tưởng Lâu "ừ": "Đương nhiên phải chờ em chứ."

Không chờ cậu, tôi còn có thể chờ ai đây?

***

Tác giả có lời muốn nói: Động cơ hành vi của bà mẹ về sau sẽ phân tích trực tiếp, mọi người đừng sốt ruột. (Thật ra cũng rất đơn giản, đừng nghĩ phức tạp quá, cô này chỉ là một người bình thường ích kỷ nhưng không ích kỷ đến cùng, nhẫn tâm nhưng không nhẫn tâm đến cùng.)