Cách nhiều năm cuối cùng cũng quay được một bộ phim quan trường mới, tuy rằng vẫn là đề tài thanh niên đã được quay nát từ mười mấy năm trước, nhưng từ khi chuẩn bị quay đã được định là một bộ phim có chất lượng cao, đội hình diễn viên cũng hùng hậu, thậm chí được các phương tiện truyền thông trong nước hỗ trợ đưa tin, rõ ràng cho thấy họ coi trọng đến mức nào.
Những người hâm mộ yêu thích lịch sử đã tạo vài siêu thoại liên quan đến nhân vật lịch sử và một cái dành cho bộ phim, các diễn viên cũng được tạo siêu thoại nhưng độ hot lại không bằng những nhân vật lịch sử kia.
Bảy giờ tối, trên một diễn đàn bình luận màu xanh nào đó.
Nền tảng này có rất nhiều chuyên mục, trong đó mục điện ảnh và truyền hình luôn nóng sốt nhất, còn chuyên mục lịch sử thì lại hẻo lánh nhất, nhưng chỉ trong một tháng qua, hai chuyên mục lớn này đã phá vỡ rào cản, bổ sung lẫn nhau, độ hot tăng cao chưa từng có.
Tám giờ tối phim mới chiếu, mà mới sáu, bảy giờ đã có người đăng bài ở chuyên mục lịch sử, chưa đến nửa tiếng nhận được hai ngàn bình luận.
Vương Hiểu Nguyệt là người mới lần đầu tiên sử dụng diễn đàn màu xanh.
Cô là người hâm mộ của một nhân vật lịch sử từ thời cấp 3, đã cày sạch những tư liệu lịch sử và tác phẩm phái sinh có liên quan đến người này rồi, trong lúc chờ đợi tác phẩm phái sinh khác đã nghĩ đến việc lên mạng tìm người có cùng sở thích.
Vừa vào đến siêu thoại đã thấy fan nhỏ tuổi và fan couple chiếm đa số, Vương Nguyệt Minh không thể chấp nhận nổi những nhận xét được đưa ra mà không có bất kỳ căn cứ nào, và rất nhiều trong số đó đều dựa trên dã sử và những lời đồn đại, thế là cô lần theo các bài viết tìm được chuyên mục lịch sử trên diễn đàn xanh.
Nhấp vào, cô lập tức nhìn thấy bình luận có lượt tương tác cao nhất: "Từ triều Nguyên Thú đến triều Trọng Hoa của Đại Cảnh, chính sử có liên quan đến Triệu Bạch Ngư nghe sao mà còn vô lý hơn cả dã sử thế kia?"
Chính sử vô lý hơn dã sử?
Vương Hiểu Nguyệt cảm thấy có hứng thú bèn nhấp vào bài viết để xem thử, nội dung bình luận rất đa dạng, chính sử dã sử bao gồm cả phim điện ảnh và truyền hình được cải biên đều bị lôi vào nói, cô bỏ qua tất cả những bình luận vô nghĩa, chỉ chọn đọc những cái thú vị.
"Năm Nguyên Thú thứ 22, Triệu Bạch Ngư chém giết hơn phân nửa quan trường Đông Nam, tôi cảm thấy đây chính là chi tiết chính sử vô lý nhất."
"Đến Đông Nam một chuyến, chém đầu ba trăm quan, vang dội từ xưa đến tận bây giờ! Từ đó về sau y chính là một tấm bia văn thần to lớn không ai có thể vượt qua bất kể triều đại đổi thay, đứng sừng sững nơi dòng thác lũ từ năm này qua tháng nọ, để cho hơn một ngàn năm sau, khi chúng ta quay đầu lại nhìn, vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy được tấm bia vĩ ngạn đó."
"Vì dân sinh lập mệnh, vì dân chúng giải oan, đối với người khác mà nói có lẽ đó chỉ là nguyện vọng hướng tới địa vị cao trọng trong đời, nhưng đối với Triệu Bạch Ngư, đó chính là thứ khắc họa cuộc đời của y. Y đã thật sự dành cả đời mình để làm những việc này, dù là từ quan hay đeo kiếm ra giang hồ, ở đâu có bất công, ở đấy sẽ có bóng dáng của y, y chính là Khâm sai không có chiếu thư được lịch sử công nhận."
"Văn thần thụy hào Văn Trinh Đại Cảnh chỉ có mỗi năm vị, ân sư của Triệu Bạch Ngư là Trần Sư Đạo, Triệu Bạch Ngư và học trò của Triệu Bạch Ngư đã chiếm được ba rồi. Sau khi Triệu Bạch Ngư từ quan còn thu nhận một đệ tử nữa, người học sinh này về sau cũng là một người chuyên xử án luận ngục, rửa oan trừ bạo, khai sáng pháp y học, viết quyển sách xử án, khám nghiệm tử thi như thế nào, nhờ mở cửa giao thương với nước ngoài mà có thể tiêu thụ sách ở Đông Nam Á, ảnh hướng đến toàn thế giới."
"Dạy một thư đồng trở thành tể tướng, thư đồng lại nuôi dạy một cô gái không cha không mẹ, lớn lên trở thành nữ tể tướng văn võ song toàn đầu tiên trong lịch sử Đại Cảnh. (PS: Nữ tướng này khi còn trẻ hành tung bất định, kết hợp với khu vực Lưỡng Giang mà đôi chồng chồng Triệu Hoắc hay xuất hiện, bên cạnh luôn có một chàng trai mặt lạnh đi theo, nhà sử học mới cho rằng "hắn" chính là nữ tướng thời trẻ), rồi y lại tiếp tục nuôi dạy một đệ tử trở thành cha đẻ của pháp y, ngần ấy năm tháng tời không biết đã phá bao nhiêu án oan, trả lại công bằng cho dân... Nghĩ đến sự bi hùng của Triệu Bạch Ngư khi chém chết một nửa quan trường Đông Nam, tui lập tức có cảm giác trong lòng vừa xót vừa mừng, bởi vì củi cháy lửa truyền không bao giờ dứt."
"Điều kì diệu nhất chính là Triệu Bạch Ngư không có chiếu vẫn trảm ba trăm quan thế mà! Không chết! Theo lẽ thường, dù có là Hoàng đế nào đi nữa thì cũng sẽ tuyệt đối không tha thứ cho thần tử dưới quyền không chiếu mà chém giết quan lại, không phải là y chỉ chém một hai cái đầu, mà là tận ba trăm cái đầu!"
"Tui cũng cảm thấy đây là một kỳ tích."
"Thế nên tôi nghi đoạn tư liệu lịch sử này là giả."
Reply: "Làm giả kiểu gì? Trong chính sử ghi chép sự thật lịch sử rất rõ ràng, xin hỏi là làm giả thế nào? Cậu có bằng chứng là chúng bị làm giả sao? Mở miệng nói thôi mà, ai chẳng nói được. "
Vương Hiểu Nguyệt cũng không nhịn được đáp trả:
"Trong "Cảnh Sử", "Thái Bình Ký" và "Đại Cảnh Tứ Thư" đều có ghi chép lại chuyện này, Triệu Bạch Ngư tra xét đại án Lưỡng Giang, quan trường Đông Nam rơi rụng hơn nửa, sau đó tổ chức khoa khai ân ba năm liền chính là để bổ sung chỗ trống cho quan trường Đông Nam đấy thôi!"
"Cứ cho là không làm giả đi, thì số người bị chém chưa chắc là đến ba trăm, nói không chừng chỉ có ba mươi người thôi ấy? Người ngày xưa thường thích khuếch đại số lượng và quan trọng hóa mọi chuyện lên, bằng không thì mấy người nói coi vì sao Triệu Bạch Ngư lại không bị gì cả?"
Vương Hiểu Nguyệt nổi giận, lọc cọc gõ chữ.
"Xem ra cậu là một người chẳng biết gì về lịch sử nhỉ, cậu không nhớ thân phận của Triệu Bạch Ngư là gì sao? Y là Lâm An quận vương phi đấy! Phàm là người có chút kiến thức về lịch sử thì phải biết khi đó Lâm An quận vương chính là Thái tử mà Nguyên Thú đế mong muốn, giết vợ của đứa con trai mà mình yêu quý, khiến cho cha con trở mặt thành thù, cậu nghĩ người khôn khéo như Nguyên Thú đế sẽ làm ra chuyện ngu ngốc như vậy sao? Huống chi lúc đó Triệu Bạch Ngư đã cứu Nguyên Thú đế, sau đó chuyện ly miêu tráo thải tử bị phanh phui, người nhà họ Triệu cắn ngược Xương Bình công chúa như chó điên, từ trên xuống dưới nhà họ Hoắc mắc nợ Triệu tướng, đã như vậy, Nguyên Thú đế dám giết ư?"
"Móa nó, nếu như Nguyên Thú đế thật sự muốn lấy mạng Triệu Bạch Ngư, lão Hoắc không phát điên mới lạ ấy? Không chừng lịch sử cũng thay đổi luôn, nào còn Đại Cảnh thịnh thế để mà nói nữa."
"Mịa! Nói đến đây làm tôi cảm thấy dù dã sử có đáng kinh ngạc đến đâu đi nữa thì cũng không hề có một chi tiết vừa hoang đường vừa li kì như chính sử, chính là ly miêu tráo thái tử!"
"Rõ ràng đầu óc của Xương Bình kia không phải là đầu óc của người bình thường, nhà sử học và bác sĩ đều nói bà ta có thể mắc bệnh tâm thần, lúc còn trẻ thì gây họa cho nhà họ Triệu, đến già thì gây họa cho dân chúng, hại huyết mạch duy nhất của bà ta và Triệu tướng phải chịu khắt khe hai mươi năm, mẹ nó cuối cùng lại là ly miêu tráo thái tử! Đm nó tui không thể tin được khi sự thật được phơi bày, người họ Triệu đã phản ứng như thế nào, Nguyên Thú đế sẽ nghĩ như thế nào... Chuyện này có ai ngờ đâu chứ?"
"Tôi cảm thấy Triệu Bạch Ngư có thể sống sót qua đại án Lưỡng Giang là nhờ yếu tố ly miêu tráo thái tử này quyết định, trời đất bao la cũng không thể địch lại món nợ này."
"Nếu tui là người nhà họ Triệu, chắc chắn sẽ phát điên thẳng tay lật hết giang sơn nhà họ Hoắc bọn họ lên mất."
"Đây chính là nguyên nhân giúp Nguyên Thú đế có thể buông đại án Lưỡng Giang xuống một cách nhẹ nhàng."
"Có lẽ nguyên nhân cũng là do Triệu Bạch Ngư xả thân cản đao nữa, trong chính sử chỉ khái quát kiểu "chưa rõ sống chết" thôi, nhưng lúc ấy hẳn là rất nguy kịch."
Mọi người đang trò chuyện hăng say, chủ bình luận ban đầu lại ngoi lên.
"Tôi đã hiểu được lý do rồi, cũng hiểu đạo lý, nhưng vì sao Triệu Bạch Ngư lại phải chém giết ba trăm quan quan trường Đông Nam sớm như vậy? Với trí thông minh của y, chẳng lẽ y không biết làm điều đó là sẽ đưa mình vào thế vạn kiếp bất phục hay sao? Rõ ràng chỉ cần giao nộp chứng cứ phạm tội tra được ở Lưỡng Giang cho triều đình, một người bất chấp mọi thứ để đạt mục đích như Nguyên Thú đế sẽ không bỏ qua cho đám người kia, Triệu Bạch Ngư cần gì phải hành động ngay lúc đó? Chỉ có thể là y mua danh cầu lợi, hoặc là không thông minh giống như những gì miêu tả trong chính sử, nói hay thì là căm ghét tội ác, nói khó nghe chẳng phải là dễ kích động hay sao? Có bị rối loạn lưỡng cực không đấy?"
Cơn giận vất vả lắm mới ép xuống được của Vương Hiểu Nguyệt ầm một cái bùng nổ trở lại, vẫn còn chưa gõ chữ đã phát hiện bên dưới hiện lên tầm mười bình luận phản bác lại cô.
"Kết hợp với phỏng đoán tư liệu lịch sử, có thể là vì đại án Lưỡng Giang liên lụy đến Xương Bình công chúa, nhờ Thái hậu xin tha, Nguyên Thú đế mới bao che cho bà ta. Triệu tướng của chúng ta thông minh hơn người, chắc chắn sẽ đoán ra được tâm tư của Nguyên Thú đế, thế nên mới đành phải tìm đường sống trong cõi chết."
"Ban đầu khi Nguyên Thú đế đăng cơ cũng đã từng có một khoảng thời gian rất êm đẹp với gia đình của Triệu tướng, đến khi Xương Bình làm chuyện ác, người nắm quyền chắc chắn sẽ giết Xương Bình để nịnh nọt thần tử đắc lực của mình, dù bà ta có là em gái ruột, bởi suy cho cùng thì ông ta cũng đuối lý rồi. Thế nhưng khoảng thời gian êm đẹp kia đỡ đòn cho nỗi hận của nhà họ Triệu, mà Nguyên Thú đế lại vẫn kiên quyết bảo vệ Xương Bình, điều này chứng tỏ tình cảm anh em của bọn họ rất sâu đậm, dù Xương Bình liên lụy đến đại án Lưỡng Giang thì cũng có đến tám phần không bị giết."
"Đừng quên, vào năm Nguyên Thú thứ hai mươi hai, khi Cá Con còn chưa đi Lưỡng Giang nhậm chức, vào tiệc thọ của Thái hậu, Xương Bình hiến thọ được nhận rất nhiều đồ thưởng, nếu như không có đại án Lưỡng Giang, Xương Bình tuyệt đối có thể tránh được việc bị trừng phạt, sau đó nhàn nhã hồi Kinh, nói không chừng còn có thể gặp mặt con trai ruột của bà ta nữa."
"Có thật là được ghi chép trong tư liệu lịch sử không vậy? Có phải sự thật đâu, tất cả đều chỉ là suy đoán thôi mà, có quỷ mới biết thật hay giả."
"...Tôi cũng không thể tin được vào đoạn phân tích này của nhà sử học, Nguyên Thú đế là một người có tính đa nghi, chắc chắn sẽ không dễ dàng tha thứ cho kẻ phạm tội ngập trời là Xương Bình được sống tiếp, hơn nữa rõ ràng trong "Đại Cảnh Sử Quan" có ghi lại, ngày Xương Bình hiến thọ, đội thuyền của bà ta đã đụng ngã thuyền vận chuyển, hơn một trăm quan lại liên danh tố tấu, vậy mà bọn họ vẫn có thể gom đủ trăm ngàn thạch quan lương, đây không thể so sánh với số lượng bình thường được, Nguyên Thú đế nhịn được hả? Cá Con đi Lưỡng Giang nhậm chức là vì Nguyên Thú đế cố tình, lúc đó ông ta đã muốn trừng trị Xương Bình rồi!"
"Úi... Chỗ này không ai cắn đường cp anh Hoắc và Cá Con của tôi sao?"
"Cắn đường cp thì quẹo phải, đi ra cái khu nóng bừng bừng bên cạnh ấy."
Vương Hiểu Nguyệt không phản bác cái này được.
Đừng nói chi cô, nhà sử học cũng không giải thích rõ.
Vấn đề bị tranh cãi suốt trăm năm qua chính là "Vì sao Triệu Bạch Ngư lại chém ba trăm quan", động cơ là gì?
Nếu như sự thật đổi con không bị phanh phui, Triệu Bạch Ngư cũng không xả thân cản đao, như vậy y sẽ chết không gì phải bàn cãi nữa cả.
Y không chết, khó tránh khỏi làm cho uy nghiêm triều đình lung lay.
Vì sao Triệu Bạch Ngư biết rõ là đường chết lại còn dám làm chuyện không chiếu mà tiền trảm hậu tấu?
Vương Hiểu Nguyệt vô thức load lại trang trên màn hình điện thoại, đột nhiên nhìn thấy một bình luận trả lời mới.
"Nhắc mới nhớ, có ai biết gì về tiến trình của cuộc khảo cổ cổ mộ được đào lên ở Đại Châu, Giang Tây nửa năm trước không?"
"Cổ mộ gì cơ?"
Reply: "Mộ của Triệu Nghiên Băng. Nghe nói sau khi xác định đó chính là mộ của Triệu Nghiên Băng, chuyên gia đã mừng như điên luôn, nói không chừng có thể tìm được tư liệu lịch sử thật sự mang giá trị nghiên cứu ở trong đó đấy."
"Tui thấy mà thèm muốn chết nè, đi qua hai triều Nguyên Thú, Trọng Hoa, sự thật thì ông ấy chính là người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Cá Con, đã ghi chép vô số bài văn khen ngợi ân sư, có rất nhiều tư liệu nghiên cứu về Cá Con được kiểm chứng từ trong những tập văn mà ông ấy để lại đấy, bao gồm cả nhân duyên của Cá Con và vị kia nhà y năm xưa nữa."
"Tức chết mất, cả một Đại Cảnh thịnh thế chẳng có một quyển tư liệu lịch sử nào dám ghi chép lý do Cá Con bị gả cho Hoắc Đại cả! Nếu không nhờ có tập văn của Triệu Nghiên Băng, chắc chắn sẽ không ai biết rõ được vì sao khi đó Cá Con lại bị ép gả cho Hoắc Đại mang tiếng bạo ngược kia!"
"Hoắc Đại là cái tên quần què gì vậy trời? Thôi được rồi. Sự thật cũng đã chứng minh, không nhờ có Hoắc Đại làm chỗ dựa, đường làm quan của Cá Con sẽ rất khó khăn, y làm việc luôn không để ý đến hậu quả, dễ dàng đắc tội người khác, nói vậy đây cũng là một mối duyên ngẫu nhiên trùng hợp được trời đưa đất đẩy rồi."
"Tui đồng ý, xu thế đời sau trở nên bảo thủ, rõ ràng trong lịch sử có ghi lại Cá Con và Hoắc Đại đã bái đường, cả đời tin tưởng, giải cứu lẫn nhau trong hoạn nạn, sinh cùng khâm chết cùng huyệt, kết quả phim truyền hình bây giờ đều đắp nặn thành kết hôn giả, thật ra là tri kỉ... Tri kỷ cái con khỉ!"
"Mấy năm trước mà cũng dám quay như thế đấy à... Hỡi ôi."
"Đù móa, mấy cậu mau đi xem hot search đi kìa!"
Vương Hiểu Nguyệt lườm một cái, mới đầu còn không có hứng, sau đó phát hiện có một đống người thả bình luận dấu "!!!" ngập tràn trên màn hình, cô không khỏi tò mò bèn chuyển sang hot search xem, nhận ra top 3 tin nóng sốt đều có liên quan đến cổ mộ của Triệu Nghiên Băng đào được hồi đầu năm.
Mục đầu tiên là một video được đăng bởi đài truyền hình nhà nước.
Phóng viên đang phỏng vấn một nhà sử học hàng đầu, hỏi về những phát hiện sau nửa năm khảo cổ.
Nhà sử học: "Trong mộ cất chứa rất nhiều tác phẩm của những bậc thầy thời bấy giờ, danh họa truyền đời, có đủ giá trị nghiên cứu nhất là một quyển du kí và một quyển tùy bút. Qua khảo chứng, chúng tôi cơ bản có thể xác định được tác giả của quyển du kí này là Lâm An vương Đại Cảnh và Triệu Bạch Ngư, à, chính là vị thanh thiên đầu tiên mà chúng ta biết đấy. Nó hẳn là được viết sau khi Triệu Bạch Ngư từ quan rời Kinh, đi khắp thiên hạ, nội dung sách bao gồm phong thổ và cuộc sống của nhân dân các nơi, cả những kiến trúc đặc sắc và các nền ẩm thực, cùng với một vài so sánh cụ thể về chính sách của quan trường, cửa hàng, thuế quan thời đó, y còn đến Tây Vực, xuống Nam Dương, cũng từng đi La Mã, toàn bộ đều được ghi chép lại! Cho nên mới nói nó có giá trị nghiên cứu vô cùng cao."
Vương Hiểu Nguyệt hít thở mạnh, hai mắt mở to ra, cực kì phấn khích.
Một bình luận nhảy lên màn hình: "Có thể xuất bản sách này được không? Tui sẽ mua một trăm quyển!"
Vương Hiểu Nguyệt gật đầu lia lịa, cô cũng rất muốn mua.
Phóng viên cũng hỏi về vấn đề này.
Nhà sử học: "Đang bàn bạc, đến lúc đó nếu như có xuất bản thì chúng tôi sẽ thông báo."
Còn nội dung của quyển tùy bút kia là gì?
Phóng viên đặt câu hỏi giúp tất cả mọi người ở ngoài màn hình.
Nhà sử học cười ha ha đáp: "Mọi người biết đấy, tùy bút giống như nhật kí của người hiện đại chúng ta vậy. Triệu Nghiên Băng là người hâm mộ cuồng nhiệt của thầy mình có lẽ các bạn cũng biết phải không, cho nên trong tùy bút này ghi chép rất nhiều chuyện về Triệu Bạch Ngư."
"Yeah!"
Vương Hiểu Nguyệt không nhịn được bật dậy hoan hô, vất vả lắm mới có thể đè nén tâm trạng xuống, cô ngồi xuống lại tiếp tục theo dõi.
Lúc này nhà sử học mới nói: "... Trong tùy bút có ghi chép những việc mà ngay cả chính sử và dã sử đều không nhắc đến, ví dụ như việc Triệu Bạch Ngư bị thay mận đổi đào ép gả cho Lâm An vương, cùng với việc sau khi kết hôn vợ chồng hòa thuận. Còn nữa, trong đêm cung yến, lúc cản đao trong lòng Triệu Bạch Ngư vẫn còn rất muốn chết, đến tận bây giờ chúng ta không ai có cách nào cảm nhận được sự tuyệt vọng của một Triệu Bạch Ngư mang trong mình chí hướng to lớn, tim buộc vào muôn dân, hòa mình vào trong lê dân bách tính là như thế nào, nhưng trong tùy bút, Triệu Nghiên Băng đã viết một cấu "Bá quan văn võ đều đau lòng", có thể thấy được sức hút của Triệu Bạch Ngư lớn đến đâu."
Thật ra Vương Hiểu Nguyệt chỉ muốn biết nguyên nhân Triệu Bạch Ngư hạ đao chém ba trăm quan, cô cứ nghĩ sẽ không tìm được đáp án, không ngờ một khắc sau đã có giải đáp rồi.
Xúc động nghe xong, im lặng thoát video, hai má cô lành lạnh, ngón tay vừa chạm vào mới thấy rõ đó chính là nước mắt vô thức rơi xuống.
Vương Hiểu Nguyệt lên diễn đàn, phát hiện tất cả mọi người đều như nhau.
"Tui khóc rồi, mấy cô thì sao?"
"Khóc huhu luôn nè, đau lòng quá trời."
"Quan phụ mẫu là gì chứ? Cũng chỉ như thế mà thôi."
"Trong thời đại phong kiến mà dân chúng như trâu chó, mạng người như cỏ rác đó, Cá Con thật sự đã đặt nhân dân ở tầng lớp thấp kém nhất ở trong lòng, dành cho bọn họ sự tôn trọng và công bằng tuyệt đối."
"Chém chết ba trăm mạng là vứt luôn cả mạng mình đấy, cũng chỉ vì mong cầu hai chữ "công bằng" mà thôi."
Cảm xúc vừa ổn định của Vương Hiểu Nguyệt lại bị kéo lên, cô nhớ đến lời nói của nhà sử học: "Dù sao Triệu Nghiên Băng cũng là thần tử Đại Cảnh, lòng trung quân ái quốc không cho phép ông ấy nói thẳng rằng Nguyên Thú đế đã sai, nhưng từ vài điều trong ghi chép, có thể nói bóng gió rằng đại án Lưỡng Giang có liên quan đến Nguyên Thú đế, vì thế cho nên Nguyên Thú đế mới không muốn xử lý Xương Bình dù chứng cứ phạm tội đã rõ rành rành, ông ta muốn coi chuyện đó là chuyện nhỏ, thiếu một Xương Bình, các tội nhân khác vẫn bị xử lí, vẫn có thể trả lại cho dân chúng uống mạng thứ gọi là công bằng, không phải sao? Nhưng mà Xương Bình chính là đầu sỏ, lý nào lại giết chết tiểu quỷ buông tha Diêm Vương, lại còn để cho Quỷ vương này ở lại Kinh Đô tiếp tục hưởng thụ vinh hoa phú quý cho được? Nếu như không nhờ Triệu Bạch Ngư, oan khuất mà hàng trăm ngàn người ở Lưỡng Giang phải chịu sẽ bị chìm xuống đáy mất."
"Ở thời đại mà vương quyền là nhất, thật ra đó là chuyện bình thường, trừ phi động đến lợi ích của người nắm quyền thì họ mới ra tay giết nhanh rồi lấy cớ là vì đòi lại công đạo cho dân chúng, chiếm trọn lòng dân. Trên thực tế, đa phần lúc nói thiên tử phạm pháp cũng cùng tội với thứ dân đều chỉ là lời nói suông mà thôi, đương nhiên luật pháp chủ trương ngang hàng, thế nhưng luật pháp cũng bị quyền quý khống chế trong tay, mượn lỗ hổng luật pháp giết oan dân thường, nhìn chung lịch sử thì đâu đâu cũng có."
"Cho nên tình huống khi đó gần như là không thể cứu vãn, đường sống của Xương Bình rộng thênh thang, oan khuất Lưỡng Giang ngập trời, nếu không có thanh đao của Triệu Bạch Ngư, chỉ sợ là oán hận chất chồng ngàn năm cũng khó mà biết mất được."
"Trong tùy bút của Triệu Nghiên Băng có viết về đêm trước khi ông ấy đi nhậm chức lần đầu tiên, ân sư và ông ấy đã cùng nói chuyện chân thành với nhau, ân sư có miêu tả một thời đại rực sáng đầy lý tưởng, một chốn yên vui chỉ thuộc về Triệu Bạch Ngư."
"Tôi ấn tượng sâu sắc với một câu mà tôi nghĩ dường như nó vẫn sẽ vang vọng mãi, vượt qua cả thời không và hàng ngàn năm sau nữa. Y nói là..."
Trong diễn đàn có người lặp lại câu nói của nhà sử học.
"Chúng ta sinh ra đã tự do, bình đẳng."
*
Bé Cá: Ta sinh ra đã tự do, bình đẳng, cho nên không đành lòng nhìn các ngươi bị vây trong bóng đêm.