Chung Độ không để Trì Viễn Sơn làm khán giả thật. Trước khi dự buổi công chiếu phim đầu tiên anh cần tham gia một buổi họp báo, Bạch Kinh Nguyên và Tạ Tư Vĩ cũng vậy. Thế là anh giao Trì Viễn Sơn cho Tiểu Đường, xếp chỗ ngồi cho hai người ở vị trí khách mời.
Những buổi lễ công chiếu của anh thường khá đơn giản, khi bộ phim ra lò với anh cũng là lúc nó hoàn tất. Về phần độ nổi tiếng và khả năng đoạt giải đến đâu, anh chưa bao giờ quá quan trọng vấn đề này. Vậy nên từ thảm đỏ đến buổi họp báo anh chỉ đi cho đúng quy trình, với Chung Độ hôm nay giống buổi đi xem phim với Trì Viễn Sơn hơn.
Hàng ghế thứ hai, ba và tư là dành cho khách mời. Trì Viễn Sơn và Tiểu Đường không đi lối vào giữa mà chọn ngồi bên rìa hàng thứ tư. Khán giả và cánh truyền thông đã đến đủ, càng gần đến giờ khởi chiếu, các vị khách mời cũng dần xuất hiện trên các hàng ghế.
Dù mọi người ăn mặc rất đơn giản, Trì Viễn Sơn vẫn nhìn thấy kha khá những gương mặt quen thuộc, có diễn viên có đạo diễn, bao gồm cả Tống Dương, người diễn vai Tiểu Hải trong “Tảo Biển”.
Nhớ lại đêm Chung Độ kể về Tống Dương, Trì Viễn Sơn không khỏi nhìn sang vài lần. Bây giờ Tống Dương trầm tĩnh tự tin, khẩu trang cũng không che đậy đổi gương mặt mang nét điện ảnh sáng bừng, nhìn kỹ vẫn sẽ thấy được bóng dáng cậu võ sinh ngày trước, đôi mày kiếm hơi nhíu, lưng vai thẳng tắp, mỗi cử chỉ đều cứng cáp dứt khoát đặc trưng của người luyện võ.
Không thể nghi ngờ, đây chính là một người được Chung Độ thay đổi cả cuộc đời. Nghĩ vậy, Trì Viễn Sơn mỉm cười, trong mắt ánh lên vẻ tự hào.
Tiểu Đường ngồi bên ho khẽ, trêu: “Anh Trì, em phải báo cáo với thầy Chung anh lén ngắm trai đẹp thôi.”
Trì Viễn Sơn còn chưa lên tiếng, giọng nói nhuốm ý cười của Chung Độ đã vang sát tai: “Em ấy ngắm ai vậy?”
Trì Viễn Sơn ngây ra, ngoái lại nhỏ giọng: “Sao anh lại ở đây?”
Ghế của những nhân vật chính ở hàng thứ nhất và hai, để thuận tiện cho việc lên sân khấu sau khi bộ phim kết thúc. Trì Viễn Sơn nhìn lướt sang mới thấy nhóm Bạch Kinh Nguyên đã vào chỗ ngồi.
Thế là y bắt đầu đuổi anh đi, không cho từ chối: “Anh lên kia nhanh đi.”
Hôm qua y đã nhắc nhở Chung Độ không nên tiếp xúc với mình trước mắt nhiều người, kẻo người ta lại liên hệ với việc chụp lén lần trước. Bên truyền thông sẽ vì quan hệ của Chung Miện mà không phát tán đi lung tung, nhưng ở đây có rất nhiều nhà phê bình phim ảnh và khán giả, những nhân tố “khó xác định” này đâu ai biết sẽ phát ngôn gì. Trì Viễn Sơn không sợ họ viết linh tinh, chỉ là không muốn chuyện này lấn át sự chú ý dành cho bộ phim của Chung Độ.
Mọi người luôn quan tâm tai tiếng hơn, một sự thật đáng buồn buộc phải thừa nhận.
Y trông có vẻ sốt ruột, Chung Độ cười bóp vai y, không dịch ra miếng nào mà lại nói: “Tiểu Đường lên kia ngồi đi, đổi chỗ cho anh.”
Tiểu Đường nghe thế tức khắc cười hì hì đứng dậy: “Thầy Chung ngồi chỗ em đi, để em ra sau.”
“Đừng quậy.” Trì Viễn Sơn vội vàng lên tiếng cản hai cái người phát rồ này lại, cơ mà Tiểu Đường đã vọt lẹ như chớp. Đùa chứ, nhiệm vụ của cô nàng là để mắt đến Trì Viễn Sơn, bây giờ Chung Độ đến rồi cô nàng còn ở đây làm bóng đèn chắc? Đương nhiên là không rồi.
Chung Độ cũng không đi, anh bảo Trì Viễn Sơn ngồi vào trong cho mình ngồi ghế ngoài để chốc nữa dễ lên sân khấu hơn. Trì Viễn Sơn chau mày nhìn anh, không động đậy.
Chung Độ cười: “Thế sao bây giờ? Anh đứng đây làm vệ sĩ cho thầy Trì nhé?”
Bản thân anh đã là tiêu điểm của toàn rạp phim, bây giờ đã có rất nhiều người nhìn sang. Trì Viễn Sơn đành phải dịch vào trong, thở dài: “Những gì em nói với anh hôm qua thành công cốc hết cả.”
Chung Độ vẫn ung dung sửa sang vạt áo ngồi xuống, vỗ vỗ lên tay y: “Em yên tâm, không sao đâu.”
Đang khi nói chuyện, phía bên phải Trì Viễn Sơn có người đi tới, không ai khác chính là Tống Dương. Mới nãy Tống Dương nói chuyện với người khác nên bây giờ đi lên chào Chung Độ, bỗng khựng lại hỏi: “Thầy Chung? Sao thầy lại ngồi đây?”
Chung Độ nháy mắt, nói đùa: “Tôi thích ngồi hàng bốn.”
Tống Dương cười lắc đầu, thuận theo mắt anh nhìn về Trì Viễn Sơn: “Vị này là?”
Chung Độ cũng chẳng kiêng kỵ gì, thậm chí còn giấu diếm ý khoe khoang, thoải mái giới thiệu: “Người yêu tôi, Trì Viễn Sơn.”
Sáu chữ ngắn ngủi làm Trì Viễn Sơn túa mồ hôi lạnh ướt nhẹp người. Y nghiêng sang trừng mắt với Chung Độ rồi mới quay lại chào Tống Dương. Tống Dương còn có vẻ kinh ngạc hơn cả y, lông mày suýt thì rướn tới nóc nhà, chắc là không ngờ Chung Độ lại có người yêu.
Tống Dương ngạc nhiên đến độ nhất thời không nói nên lời, mấy người ngồi dãy trước nghe thế cũng cùng ngoái đầu lại.
Mấy vị này là đạo diễn mới Chung Độ hướng dẫn ở công ty, thời gian qua ra ngoài quay chụp hôm nay mới chạy về tham dự buổi công chiếu. Có lẽ họ đã nghe ngóng được gì đó từ trước, chẳng ai tỏ ra ngạc nhiên mà hùa nhau cười hì hì chào Trì Viễn Sơn: “Chào chị dâu!”
Ba chữ nặng trịch mở to đôi mắt Trì Viễn Sơn, cũng khiến Chung Độ và Tống Dương bật cười.
Trì Viễn Sơn đến thua, ít gì y cũng là đàn ông cao mét tám mấy hẳn hoi, lưng rộng vai rộng, nét nào ra nét đó, có đến nỗi bị người ta gọi là chị dâu đâu. Nhưng người ngồi bên cạnh không ai khác ngoài Chung Độ. Không bàn tới những khía cạnh khác, chỉ riêng khí chất của anh mấy vị này đã lĩnh giáo đủ, tên chữ chị dâu e là chết cứng trên đầu mình mất.
Y không muốn nói chuyện. Đúng lúc đèn sảnh tối đi, bộ phim bắt đầu.
Trong bóng tối, Chung Độ ghé lại gần tai y nhỏ giọng: “Chị dâu cứ tập trung xem phim nhé, đừng bận tâm chuyện gì khác, có anh nắm rõ tình hình.”
Hơi thở phả vào tai nặng trĩu, mọi người đều đang dồn sự chú ý vào bộ phim. Họ mau chóng nhận ra bộ phim vẫn mang phong cách quen thuộc của Chung Độ, sử dụng hình tượng đẹp đẽ mà đau thương với ngôn ngữ lăng kính độc đáo thuật lại một câu chuyện thương cảm kiềm chế, khiến người ta đắm say vào khung cảnh đẹp trong khi rơi nước mắt trước số phận bi thảm của nhân vật chính. Khi bài hát kết thúc vang lên, mọi người chợt bừng tỉnh nhận ra, dường như Cỏ Dại không giống hai bộ trước của Chung Độ.
Theo phong cách vốn có của Chung Độ, đoạn kết không bao giờ để lại hy vọng cho khán giả. Cũng như Tảo Biển và Đám Mây, lẽ ra Cỏ Dại sẽ đi vào cái khuôn ấy.
Đám trẻ không nhà tạo ra một xã hội không tưởng. Ở góc nhìn hiện thực, tương lai chia cắt là điều tất yếu sẽ xảy đến, xã hội không tưởng không tồn tại vĩnh viễn, đương nhiên chúng cũng sẽ không sống bên nhau mãi.
Những đứa trẻ đã từng ăn những bữa cơm đoàn viên cùng nhau cũng đã từng bất hòa bạo lực, có người đến rồi người đi. Chúng sẽ dần hiểu ra đâu là thực tế, đâu là cuộc sống, xã hội không tưởng chỉ có thể trở thành hồi ức tuyệt đẹp.
Cái kết ban đầu vốn dĩ thế này – Đứa trẻ chịu bao nhục nhã ức hiếp lê đôi chân què quặt băng qua con phố cũ dài đến tìm xã hội không tưởng trong “truyền thuyết”. Cửa ngoài khóa chặt, bốn bề u tối, dưới ánh đèn đường thoi thóp, đứa trẻ thở dài, mịt mờ ngẩng đầu, ống kính thu nhỏ lại rồi ngước lên cao. Bộ phim kết thúc giữa bầu trời rực ánh sao.
Thời gian quay qua Chung Độ đã yêu Trì Viễn Sơn. Anh không còn là kẻ lữ hành tự đày ải không đường về, trái tim đã không còn tĩnh mịch đơn côi, nên anh đã bối rối, và sau thật nhiều ngày bối rối không kết quả, anh đành quay hai phiên bản, để đó đến lúc biên tập sẽ quyết định giữ hay bỏ.
Một phiên bản đi theo ý muốn ban đầu, phiên bản còn lại cửa sân cũng khóa trái im lìm, nhưng khi ống kính ngước lên cao, khán giả sẽ nhìn thấy trong sân có ánh đèn sáng.
Có ánh đèn sáng, xã hội không tưởng ở nơi đó, có lẽ đứa trẻ què quặt ấy chờ đợi thêm một lúc nữa là sẽ được nhìn thấy một đám trẻ vui cười quay về, chúng sẽ cho cậu vào trong, cho cậu một mái nhà dẫu rằng không ấm áp.
Hai phiên bản này phải chọn cái nào, Chung Độ phân vân rất lâu. Nhưng cuối cùng anh đã chọn ánh đèn sáng để lại cho những đứa trẻ ấy, cho mình, và cho hằng vô số những đứa trẻ cùng cảnh ngộ ngoài kia.
Ở đoạn cuối phần tương tác, có nhà phê bình điện ảnh đặt câu hỏi với Chung Độ thế này: “Xin chào thầy Chung, không biết tôi có lý giải đúng hay không. Tôi cho rằng ba bộ phim của đạo diễn, Tảo Biển thiên về góc nhìn của người ngoài cuộc, Đám Mây thiên về người bạo lực, Cỏ Dại lại thiên về sự đày ải của bản thân người bị hại. Nếu là đày ải, dựa theo cách kết nhất quán của đạo diễn ắt sẽ không cho người xem hy vọng, nhưng đạo diễn đã để lại ánh đèn ở phần kết, việc cài cắm chi tiết ấy có ý nghĩa gì sâu xa không thưa đạo diễn?”
Nghe được những lý giải của nhà phê bình với bộ phim của mình, Chung Độ thoáng ngạc nhiên nhướng mày. Có lẽ vì tâm trạng khá tốt nên anh thuận miệng bâng quơ gợi câu đùa: “Anh có cân nhắc đến chuyện đổi việc không? Gần đây thầy Bạch không muốn hợp tác với tôi nữa, tôi nghĩ anh hiểu phim của tôi sâu sắc hơn thầy ấy nhiều.”
Lúc này anh đang đứng trên sân khấu cũng với những người đảm nhiệm vai trò quan trọng trong đoàn phim, khoác trên mình bộ đồ Tây Trì Viễn Sơn đặt cho mình, khóe mắt đuôi mày nhuốm ý cười. E rằng chẳng ai ngờ tới, cảm xúc và lối lý giải đạo diễn Chung rực rỡ chói mắt này đây với bộ phim lại đến từ tuổi thơ tối tăm bị ngược đãi.
Anh không mượn câu đùa để lảng tránh câu hỏi, chỉ là trả lời tương đối mơ hồ. Anh cười: “Xin phép mượn lời anh. Có thể là bởi trên đường đày ải bất ngờ gặp thấy cầu vồng, chợt cảm giác thấy hóa ra thế giới này cũng không tệ hại lắm, đáng để ngừng chân ngắm nhìn.”
Trì Viễn Sơn ngồi dưới day mi tâm, nhà phê bình nọ dường như cũng nghe hiểu, cười ngồi xuống.
Có khán giả ngồi ở hàng ghế sau đặt cây hỏi: “Thưa đạo diễn Chung, hiện nay trong ba bộ phim đạo diễn đã quay anh hài lòng với cảnh quay nào nhất?”
“Hài lòng nhất à…” Chung Độ thoáng ngưng tiếng, chợt mỉm cười: “Cảnh hài lòng nhất vẫn chưa quay được, còn đang giấu trong đầu tôi đây.”
Ánh mắt của anh vượt qua những hàng người đặt vào đúng vị trí của Trì Viễn Sơn. Y ngẩn người, không hiểu câu trả lời của anh có ý nghĩa gì, nhưng vẫn biết nó có liên quan đến mình. Cũng chẳng phải y tự thấy bản thân đẹp đẽ gì cho cam, mà là anh mắt Chung Độ quá sức lộ liễu đây này.
Tống Dương ngồi bên chắc cũng hiểu, quay sang cười: “Thầy Chung thay đổi nhiều quá.”
Trì Viễn Sơn nghiến răng: “Đúng vậy, tôi thấy anh ấy sắp giống con công xòe đuôi bay thẳng ra ngoài vũ trụ đến nơi rồi.”