Nhật Hưng đi thi hai ngày, mình cũng lấy hết can đảm tâm sự với bố mẹ chuyện chọn ngành nghề tương lai. Mẹ mình không nói gì, nhưng bố mình tức giận lắm, một mực không cho mình chuyển khối, hay thay đổi nguyện vọng học y. Dù có cố gắng nói cho bố hiểu về về cảm xúc hiện tại, về việc mình không thể tiếp tục theo đuổi ngành nghề ấy, bố mình nằng nặc cho rằng mình lo yêu đương, chểnh mảng chuyện học.
Một tuần không có Nhật Hưng, mình gặp đủ thứ chuyện tâm lí. Nhưng mà điều không ngờ nữa là vào ngày đi thi cuối, Nhật Hưng gặp chuyện... Mình chỉ nghe nói trong quá trình thi, cậu ấy ói mửa rất nhiều, thậm chí thân nhiệt tăng cao đến mức phải nhập viện. Bố mẹ Nhật Hưng cũng ngay lập tức đi Đà Lạt ngay trong đêm để đón cậu ấy về.
Tối hôm đó, mình không ngủ được, cũng hoàn toàn mất tập trung. Mình luôn túc trực điện thoại, dẫu biết rất có thể sẽ không nhận được tin nhắn nào từ người bên kia. Mãi đến lúc đồng hồ báo tiếng chuông 2 giờ sáng, mình mới nhận được điện thoại từ bác Khuê, bác bảo mình không cần lo lắng, Nhật Hưng ổn rồi, bác dặn dò mình nhiều thứ, chủ yếu kêu mình bĩnh tĩnh, lo ngủ sớm, giữ gìn sức khỏe.
- Hưng dặn bác nhất định phải báo cháu một tiếng, để cháu đừng lo âu quá mà sinh bệnh.
Cho dù nghe được lời này, mình vẫn không thể chớp mắt, có ai có thể ngủ ngon khi người mình thương gặp chuyện đâu.
Đến sáng hôm sau, mình nhận tin Nhật Hưng về Bảo Lộc một cách an toàn, mới đỡ sốt sắng vài phần. Chuyện cậu ấy bị bệnh, rất ít người biết, thậm chí chỉ có thầy Ân chủ nhiệm và bố mẹ Nhật Hưng biết thôi. Thế nên sáng nay, không thấy cậu ấy đi học, mọi người cũng không thắc mắc lắm. Mình vội vã dọn sách vở, ba chân bốn cẳng chạy đến gặp Nhật Hưng của mình liền. Trớ trêu thay, bác Khuê thì bận bán thuốc, chỉ có mình bác Thắng mặt đăm chiêu đang uống dở cốc cà phê, mình hơi run, thỏ thẻ xin phép bác ấy cho mình vào thăm. Trước khi cho phép mình đi, bác ấy còn để lại một câu khiến mình càng cảm thấy hẳn bác ghét mình lắm:
- Nhật Hưng còn phải tập trung học tập, đậu đại học y dược. Nói thật thì mấy mối tình trẻ con không bền vững nổi với hiện thực tàn khốc đâu. Cháu cũng đừng quá đặt tâm trí vào nó, lo học thật tốt đi.
- Dạ...
Mình không trả lời quá nhiều, cũng chẳng tỏ vẻ tức giận hay tán thành, chỉ là... mãi về sau, khi đã trưởng thành hơn, mình mới nhận ra câu nói ấy có phần đúng cũng có phần sai.
***
Lần đầu tiên, mình bước vào phòng Nhật Hưng. Căn phòng rất rộng, một bên là tủ quần áo màu xám bạc, một bên là bàn học và kệ sách cao ngất, chứa đủ thứ sách về toán học, hóa, sinh, về những kiến thức xa vời mà mình chưa từng thấy qua, những thứ đồ chơi như quả bóng hay máy chơi game cầm tay bị cất hẳn vào một góc.
Nhật Hưng đang nằm trên giường, ngủ say sưa như đứa trẻ lên ba, mặt hơi ửng đỏ vì sốt. Mình để túi trái cây lên bàn học, ngồi ngay bên giường, vuốt ve trán của cậu ấy, ngắm nhìn gương mặt này tầm đôi ba phút, mình định rằng đứng lên rời đi cho cậu ấy nghỉ ngơi. Bỗng bàn tay lạnh ngắt của mình bị bàn tay nóng rực của Nhật Hưng giữ lại, giọng nói khàn đặc vang lên giữa khoảng không tĩnh lặng:
- Bạn nhỏ ở lại đây với tao thêm chút nữa đi.
- Yên tâm, tao không bỏ rơi người bệnh đâu.
Mình khẽ đáp, Nhật Hưng vẫn giữ chặt tay mình, mơ màng nói mớ, mãi một lúc lâu sau, cậu ấy mới nói tiếp:
- Hình như tao không thể hoàn thành nguyện vọng rồi...
- Nguyện vọng nào cơ? - Hưng cất giọng trầm khàn, mùi thuốc thoang thoảng bay trong không khí, khiến mình không khỏi cau mày.
- Trở thành thủ khoa, lấy giải nhất học sinh giỏi quốc gia để Hân tự hào.
Nghe xong câu nói với chất giọng thều thào của Nhật Hưng, mình cười nhạt, nắm chặt tay cậu ấy hơn:
- Có sao đâu. Tao vẫn rất tự hào khi có người yêu là Phạm Gia Nhật Hưng mà.
Cậu ấy ngốc đến mức trong cơn mơ vẫn còn ráng nhoẻn miệng cười một cái thật tươi.
Ngày qua ngày, Nhật Hưng đỡ bệnh hơn, mình cũng nhớ đến việc đổi ngành nghề. Trong bữa cơm tối, mình ráng mở lời với ba lần nữa, nhưng mà mọi chuyện không dễ dàng như mình nghĩ.
- Nếu mày không học bác sĩ thì đừng có đi học, học kinh tế các kiểu mày có kiếm nổi tiền không, lương còn không bằng tao còng lưng đi làm vườn.
Bố mình nhăn mặt, đôi đũa ăn cơm từ khi nào đã chỉ thẳng vào mặt mình, mình im lặng không phải vì sợ, nhưng mà vì mẹ dùng ánh mắt "không được" lấm lét nhìn mình. Nước mắt giàn giụa từ lâu, miếng cơm vừa cho vào miệng trở nên đắng ngắt, làm cách nào cũng không thể nuốt xuống được, mình bật khóc:
- Con cũng cố gắng lắm rồi, con cũng thử học toán, hoá, sinh rồi. Nhưng mà nó không hợp với con, con không thể nào tìm thấy cảm giác tự tin khi học y đâu ạ. Cứ học một thứ mà mình không giỏi, không đam mê, con sẽ trầm cảm chết mất. Đúng là hồi cấp hai, con nghĩ học giỏi thì phải học bác sĩ, con cho rằng đó là ước mơ, đam mê của mình, nhưng cuối cùng mới phát hiện ra đó chỉ là bởi vì con thích được gọi là bác sĩ, thích cái nhìn trầm trồ, ngưỡng mộ của mọi người, chứ không thích cái bản chất của ngành y. Cứ dần dần, cái lý lẽ mà ông bà, bố mẹ áp đặt cho con từ hồi nhỏ càng ngày càng sai.
Bố mình không đáp, cũng không nhìn mình, thở dài thườn thượt, mãi sau mới cất tiếng:
- Thế thì ở nhà lấy chồng đi, khỏi đi học.
- Bố ơi, nếu con ở nhà lấy chồng thật, bố không tiếc cho con sao, không tiếc những tháng ngày con học tập vất vả hả bố? Bố từng nói muốn con đem lại tự hào cho gia đình này mà, bố còn kêu con phải cố gắng học tập để không phải làm lụng vất vả như bố mà.
Bao nhiêu nước mắt dồn nén cứ thế tuôn ra, mẹ mình cũng rưng rức nước mắt theo, thằng em và con em mình lặng thinh, tụi nó chỉ dám lén nhìn bố và mình. Còn bố quay phắt đi, rảo bước về phòng, cái bóng lưng ấy bỗng trở nên cô quạnh lạ kỳ.
Ngày hôm sau, mình cũng không dám nhìn mặt bố, không dám ăn cơm chung, mình đi học sớm rồi về khuya. Cả hai cha con không thèm nhìn mặt lấy một cái.
Vẻ mặt buồn bã của mình, Nhật Hưng ngày ngày đều thấy, cậu ấy không lau nước mắt cho mình thì cũng là chọc cười bằng những câu chuyện nhạt thếch.
- Thôi nín đi nhé, tao thương. Hay là bây giờ tao đến nhà mày rồi nói với bố mày rằng "Bác yên tâm đi ạ, Hân không học bác sĩ nhưng con thì học ạ, con sẽ lo cho Hân cả đời này được không ạ?"
Mình bật cười, nước mắt chưa khô đã cười nắc nẻ đến mức mặt mày trông xấu xí không chịu được. Chiều hôm đó, Nhật Hưng đưa mình về, trước khi đi, cậu ấy cười cười chọc:
- Nếu tối nay mày bị đuổi ra khỏi nhà thì nhớ nhắn tao nhé! Tao đèo mày qua nhà ngủ với tao.
- Bác Thắng đánh hai đứa nát mông bây giờ. Thôi về cẩn thận nhé! Tao vào nhà đây, có gì tao nhắn sau.
Mình vừa vẫy tay chào Nhật Hưng xong thì thấy bố đứng ngay trước cửa. Mình hơi giật mình, cúi chào bố rồi vội bước đi, bỗng bố cất giọng ôn tồn:
- Vô đây, nói chuyện với tao.
Mình dừng bước, ngoảnh nhìn khuôn mặt như già đi chục tuổi của bố chỉ sau vài ngày, lững thững bước theo. Mình lên tiếng trước, giọng hơi run run:
- Bố ơi, tiền học y ngày càng tăng rồi, con mà theo y sợ sẽ bỏ ngang, lúc đó tốn tiền lắm. Còn nếu như lấy chồng bây giờ cũng không được, con còn chưa biết nấu ăn đàng hoàng, sợ lấy chồng rồi bị chồng đánh vì bất tài, vô dụng ạ. Con hứa với bố nếu bố để con học Ngoại Thương, con sẽ cố gắng kiếm học bổng, đi làm thêm, đi du học thạc sĩ, kiến tiền đô cho gia đình mình. Còn nếu như bố thích có con làm bác sĩ thì để con rể được không? Con sẽ kiếm về một anh chồng bác sĩ tài giỏi ạ. Chồng con có ba đời học y luôn ạ.
Cơ mặt của bố đã giãn ra, không còn căng thẳng, khó chịu như trước nữa, khàn giọng đáp:
- Mày thích học gì thì học, miễn là nuôi được cái thân. Kêu cái thằng kia nhớ học đàng hoàng, mốt về khám bệnh cho bố mày, ra xem nó thế nào đi, ở ngoài trời lâu thành cái xác khô mất.
Mình mỉm cười, đáp một cái rõ to "DẠ", rồi chạy vèo ra cổng.Nhật Hưng vẫn đứng đó, mặt mũi đỏ ửng lên, vừa thấy mình ra đã cầm lấy hai tay nhét vào túi áo, ráng nhoẻn miệng cười:
- Sao rồi? Bị đuổi rồi hả? Lên tao đèo về.
Mình rút tay ra, cốc vào đầu Nhật Hưng một cái khiến cậu ấy la oai oái:
- Bố tao nói muốn học gì thì học, bố còn kêu mày ráng học thành bác sĩ, mai mốt về khám cho bố.
Nhật Hưng cười khà khà, véo cái má mình một phát, đáp:
- Ừ, tao sẽ cố gắng.