Mồng một tháng chạp, Mỹ Thực Lâu như kế hoạch tung ra món ăn mới. Từ tinh mơ, một đám người đã đợi sẵn bên ngoài tửu lâu. Mục tiêu rất rõ ràng: Thứ nhất, nếu may mắn sẽ bóc thăm được món ăn hôm nay Trần công tử làm. Thứ hai, dùng thử món ăn “chiêu bài” tháng này của quán.
Cửa vừa mở, đoàn người lục tục đi vào trong. Sau khi biết món mới tháng này của quán là “Vả trộn tôm thịt” đều không hề suy nghĩ mà điểm tên món này trước tiên, rồi gọi thêm vài món yêu thích của mình.
Các mảnh giấy gọi món được chuyền vào, trên đó không có gì bất ngờ khi đều có số 45.
Số 45 là số thứ tự của món “Vả trộn tôm thịt”. Lí do cho việc đánh số này là, ngoại trừ Đại Ngưu và Đinh Nhân là biết chữ ra, còn lại nhân viên khác đều không biết. Gây khó khăn cho việc gọi món. Cho nên Trần Thanh dạy họ số La Mã ( chữ số 1, 2, 3…), bắt họ học thuộc. Rồi học thuộc thứ tự các món là số mấy để ghi cho tốt.
Phạm Kiệt là đầu bếp được chỉ định làm món “Vả trộn tôm thịt”. Hít một hơi thật sâu, ông vén tay áo lên, bắt đầu công việc.
Vả đã được thím Hoa rửa sạch, để trong một cái rổ tre lớn bên cạnh. Biết đây là ngày đầu món này được “trình làng”, chắc chắn sẽ được yêu cầu nhiều. Nên số lượng vả không hề ít.
Phạm Kiệt đổ vả vào nồi lớn, luộc khoảng một tuần trà ( 15 phút ), đợi vả hơi chuyển màu một chút, ông liền nhấc nồi xuống, đổ vả vào thùng nước để sẵn cạnh bên. Rồi bắt đầu gọt vỏ, cắt chúng thành từng miếng nhỏ, rồi ướp cùng đường, muối, kỳ quả ( chanh ), nước tương,…
Tôm và thịt heo được hấp cách thủy để giữ độ ngọt thịt. Rồi tôm được lột vỏ, lấy bỏ chỉ máu trên lưng. Dùng bàn ghim có gai nhọn, ghim tạo thành nhiều lỗ nhỏ trên thân tôm. Thịt heo thái thành từng lát mỏng.
Củ hoa súng được gọt sạch vỏ, rồi cắt sợi. Dùng sữa tươi ngâm sợi súng để loại bỏ vị đắng và chát của chúng.
Cho dầu vào chảo trên lửa lớn, đợi dầu nóng thì cho thịt heo vào chảo, đợi thịt săn lại thì cho ớt bằm vào, cho thêm tí nước mắm và các gia vị khác. Đợi mùi thơm bốc lên, thì hạ lửa nhỏ, rồi cho tôm vào rim chung.
Chờ tôm và thịt nhuộm đỏ bởi các gia vị. Phạm Kiệt vớt số củ súng đã ngâm từ nãy giờ ra, rửa với nước sạch rồi cho vào chảo. Trộn đều số nguyên liệu trong chảo, sau đó tăng lửa lớn lên. Rồi cho vào chảo một bát rượu lớn.
Rượu vừa cho vào chảo đã bốc một cột lửa lên trên, Phạm Kiệt liền nghiêng người né qua, xong rồi quay lại đảo đều tay. Còn nhớ lần đầu tiên lúc hắn làm món này, lúc thấy lửa bốc lên đã sợ hết hồn. Vội ném cái muôi trong tay mà dùng nước dập lửa. Từ trước đến giờ có ai dùng rượu để nấu ăn đâu, nên hắn chẳng có kinh nghiệm gì. Vốn tưởng bản thân đã làm sai chỗ nào, nhưng khi nhờ Ngưu chưởng quầy xem lại công thức, thì hóa ra thiếu gia có ghi chú cho ông là ở bước đổ rượu vào chảo sẽ bốc lửa, nhưng đó là chuyện bình thường, không cần phải hoảng sợ. Bây giờ ông đã “tràn trề” kinh nghiệm, nên sắc mặc như thường. Chỉ có mấy đầu bếp cạnh bên, tò mò nhìn cái chảo trong tay ông.
Lửa dịu xuống, ông liền đổ số củ vả đã ướp kỹ lưỡng vào, đợi một lúc cho các vị đã hoàn toàn hòa chung với nhau. Thì nhấc chảo xuống, phân đều vào ba đĩa cạnh bên rồi rung chuông trên quầy. Sau đó bắt đầu làm thêm những phần mới.
Chuông vừa vang lên, đã có tiểu nhị nhanh nhẹn đến bưng món ăn đến bàn yêu cầu.
“Cạch”
-Bẩm khách nhân, đây là món “Vả trộn tôm thịt” của ngài ạ. Chúc quý khách ngon miệng.
Tiểu nhị nhẹ đặt đĩa thức ăn xuống, rồi nhanh chóng mang hai đĩa còn lại trên tay đến hai bàn khác.
Mấy người còn lại trong quán ghen tỵ nhìn bàn của vị khách này, chăm chăm nhìn vào món ăn mà bọn họ đang đợi nhưng chưa tới.
Khách nhân này cũng hí hửng, trước tiên đưa mũi lại hít hương vị trong đĩa xuống. Ừm, nghe vị đã thấy thơm ngon rồi, nhưng sao lại nồng vị rượu nhỉ?
Mỹ Thực Lâu sử dụng rượu để nấu nướng đây không phải là lần đầu, nhưng những lần khác, vị rượu rất nhẹ, nếu không chăm chú cảm thụ sẽ không nhận ra. Còn món ăn này, vị rượu lại nồng nàn, chỉ ngửi thôi đã thấy lâng lâng rồi.
Vị khách này vội gọi một tiểu nhị cạnh đó lại, hỏi.
-Này, tại sao món này vị rượu lại nồng vậy?
Mấy thực khách khác nghe vậy, cũng tò mò nhìn tiểu nhị này. Tiểu nhị nghe vậy, cung kính đáp lời.
-Hồi khách quan. Đầu bếp của tửu lâu dùng rượu là vì đây là một trong nguyên liệu của món này. Ngoài ra, phần lớn vì đây là món dành riêng cho các thực khách là nam nhân. Nên tửu lâu không cố tình cắt giảm lượng rượu cần thiết ạ.
Vị khách trợn mắt.
-Dành riêng cho nam nhân, tại sao?
Tiểu nhị cười, cố ý tăng âm lượng giọng để những người khác có thể nghe được.
-Bẩm, trong món ăn này sử dụng hai nguyên liệu đặc biệt. Thứ nhất là củ hoa súng, thứ hai là quả vả. Quả vả là nguyên liệu mới, chỉ riêng Mỹ Thực Lâu mới có. Tác dụng của loại quả này là hỗ trợ sức khỏe, hạn chế các bệnh về tim mạch, đồng thời có một tác dụng không ngờ khác. Đó là, khi kết hợp với củ hoa súng là nguyên liệu thứ hai, sẽ có tác dụng bổ tỳ, ích thận, cố tinh và tăng cường sinh lý cho phái mạnh. Đảm bảo các nam nhân dùng thường xuyên, sẽ rất “hài lòng”.
Không riêng gì vị khách đang hỏi, tất cả khách nhân là phái nam trong tửu lâu đều trừng mắt nhìn tiểu nhị. Rồi đồng loạt nhìn vào đĩa thức ăn trên bàn. Chuyện sức khỏe “phái mạnh” luôn là vấn đề kinh niên, khiến mấy ông đều lo lắng. Không phải không có thuốc uống để trị bệnh hay hỗ trợ. Nhưng thuốc vốn là bảy phần thuốc, ba phần độc. Mọi người cũng cố gắng không uống nếu không cần thiết. Hơn nữa, nên biết giá thuốc này không rẻ. Mỗi lần mua lại phải lén lút, sợ thiên hạ biết rồi nghi ngờ “khả năng” của mình. Cho nên, khổ càng thêm khổ.
Bây giờ, Mỹ Thực Lâu lại cho ra một món, không những ăn ngon, còn “hỗ trợ” bọn họ, giá lại phải chăng, thì ngu gì mà không dùng.
Thế là kế tiếp, hàng loạt tiếng gọi món vang lên, tất cả đều chung một cái tên “Vả trộn tôm thịt”. Mấy nữ nhân ngồi chung trên bàn của người gọi món, đều đỏ mặt, dùng tay áo che mặt lại, ngượng ngùng. Nhưng họ cũng không ngăn cảm phu quân mình. Dù sao thì “ông ăn bà khen” mà. Hơn nữa tiểu nhị cũng nói, món này nữ nhân cũng có thể ăn được, chỉ là những người có tửu lượng yếu nên cẩn thận. Bởi trong đây lượng rượu hơi nhiều.
*Tâm sự của tác:
Hôm nay tâm trạng của tác hơi tệ, cần tâm sự với mọi người. Tác đăng chương tự động, nên chắc sáng mai mọi người mới xem được. Nhưng không sao, miễn có người nghe tác kể là được rồi.
Số là tác gặp một trường hợp ngoài đời thật, một đứa bé học khá giỏi, mới lớp tám đã bị ba mẹ cho nghỉ học. Lí do gia đình đưa ra là: “cho nó học tốn kém”. Nhưng điều đáng nói ở đây là gia đình này không hề khó khăn, vậy lí do là gì, trong khi thằng bé còn một đứa em vẫn được đi học bình thường?
Tác không muốn đào sâu vào hoàn cảnh nhà đó. Tác chỉ muốn nói rằng tình thương của ba mẹ không hề công bằng cho tất cả những đứa con mọi người ạ. Hình tượng “Thằng ba Trần Thanh” trong câu chuyện này, cũng không phải hoàn toàn là tác vẽ nên thảm trạng của em ấy. Giữa những đứa con, ba mẹ chắc chắn sẽ ưu ái cho riêng một cá thể hơn. Vấn đề là mức độ ưu ái đó ở đâu mà thôi.
Tác chưa có gia đình, tác không biết cảm giác làm cha mẹ ra sao. Tác không có quyền phán xét. Tác chỉ mong các bậc cha mẹ hiểu rằng, đẻ ra một đứa con thì mình cần phải có trách nhiệm nuôi nấng và chăm lo nó, chứ không phải là nó đang ăn bám mình. Nếu vậy thà từ đầu đừng đưa nó đến thế giới này.
Thôi, tâm trạng vậy thôi chứ không có gì. Hôm nay tác sẽ nghỉ ngơi sớm để cân bằng tâm lý lại. Mong là ngày mai sẽ khác. Cũng chẳng hiểu sao tác gặp mấy chuyện như vầy hoài, mà lần nào cũng “ủy mị” như này. Phải cứng rắn lên thôi!
Cám ơn mọi người đã chia sẻ.
Thân ái.*