Đại Tranh Chi Thế

Quyển 2 - Chương 147-3




Dương Hổ đích thân giám sát Khánh Kỵ một đêm, cũng không thấy Khánh Kỵ có động tĩnh gì, đến khi trời sáng mới thay người giám sát, còn mình về phòng nghỉ ngơi, chưa ngủ được một chút lại bị dựng dậy, bảo đến gặp Quý Tôn Ý Như gấp.

Quý Tôn Ý Như tươi cười hớn hở dặn dò:

- Dương Hổ, mau chuẩn bị một món quà hậu hĩ, lấy cả tử ngọc như ý mà lão phu hay cầm chơi đem tới phủ công tử Cơ Tống, cứ nói là món quà lão phu chúc mừng công tử lên ngôi. Đợi sau khi đăng cơ, lão phu sẽ theo phép tắc yết kiến quân vương đến bái kiến.

Dương Hổ vui mừng ra mặt:

- Chúa công, kế lớn đã thành?

Quý Tôn Ý Như đắc ý vuốt râu, cười ha hả:

- Đúng vậy. Dương Hổ này, ngươi biết không, lão phu đột nhiên thay đổi thái độ ủng hộ Cơ Tống lên ngôi, không những các đại thần ngây mặt ra, nhìn nét mặt ngơ ngác của Thúc Tôn Ngọc và Mạnh Tôn Tử Uyên cũng khá hay nhỉ. Ha ha ha…

Dương Hổ cũng cười theo nịnh bợ một hồi làm Quý Tôn Ý Như bay tuốt lên mây, rồi mới xin phép lui ra chuẩn bị lễ vật mang đến phủ Cơ Tống…

Khánh Kỵ cố ý giả say ngủ đến trưa mới tỉnh dậy, đợi sau khi rửa mặt chải đầu ăn uống qua loa xong, thong dong đến sảnh ngoài. Quý Tôn Ý Như đang ngồi đó uống rượu thưởng thức ca múa, thấy hắn bước vào, Quý Tôn Ý Như đứng dậy nghênh tiếp, mời hắn ngồi xuống, rồi kể lại chuyện thượng triều lúc sáng cho hắn nghe, nói đến chỗ khoái chí cười ha hả.

Hai người đang nói chuyện thì Dương Hổ về đến, Quý Tôn Ý Như vội cho mọi người lui xuống hỏi chuyện hắn. Khánh Kỵ không tiện nhiều chuyện, bèn tìm một lí do lui ra ngoài, ra vườn dạo chơi ngắm cảnh.

Trong sảnh. Dương Hổ bẩm báo với Quý Tôn Ý Như:

- Chúa công, thuộc hạ đã đem quà đến phủ công tử Cơ Tống, công tử Cơ Tống thấy quà quí của chúa công rất cảm kích, còn luôn miệng dặn dò thuộc hạ về đa tạ chúa công. Trong lúc vội vàng công tử không kịp chuẩn bị lễ vật, bèn lấy ngọc bội đeo ở lưng bảo thuộc hạ cầm về, xem như trả lễ cho chúa công.

- Thế ư? Mau đưa qua đây.

Quý Tôn Ý Như đón lấy miếng ngọc bội Cơ Tống tặng xem qua, vuốt râu vẻ hài lòng:

- Rất tốt, tên Cơ Tống này kể ra cũng biết điều, hiểu là chỉ có lão phu đây mới đáng cho hắn dựa dẫm, ha ha…

Dương Hổ ngẩng đầu lên, ho nhẹ:

- Chúa công, lúc nãy Dương Hổ thấy…người của phủ Thúc Tôn đại nhân cũng đến đó nữa.

Quý Tôn Ý Như lặng người, dứt tiếng cười:

- Thế ư? Thúc Tôn Ngọc cái tên cáo già này động tác cũng mau lẹ nhỉ, hắn cũng phái người tặng lễ vật à?

Dương Hổ đáp:

- Dạ. Nghỉ ngợi một lát lại nói tiếp: Thúc Tôn đại nhân đã tặng công tử Cơ Tống một món quà quí, lại còn kêu người mời Khổng Khâu tới đó, nghe nói Khổng Khâu học rộng hiểu nhiều, mời hắn dạy dỗ lễ nghi sau khi lên ngôi cho công tử Cơ Tống.

Quý Tôn Ý Như nghe xong không thèm để ý:

- Hứ, Thúc Tôn Ngọc tưởng làm vậy là lôi kéo được Cơ Tống về phía hắn ư, mặc kệ hắn. Rút hết người theo dõi hai nhà Thúc, Mạnh về thôi. Ngươi chuẩn bị cho ta, ngày mai thượng triều phải chọn ngày lành đăng cơ, một số lễ nghi cần thiết phải bàn bạc đôi chút, những thứ rắc rối này ta không nhớ rõ lắm.

Khổng Khâu trước được Triển Hoạch tiến cử cho Quý thị, nay lại nhận lời mời của Thúc Tôn thị, Dương Hổ vốn định kể chuyện này ra Quý Tôn Ý Như sẽ chán ghét Khổng Khâu, không ngờ gặp lúc Quý Tôn Ý Như đang vui, nhân vật như Khổng Khâu hắn vốn chẳng để tâm đến, sao lại vì hắn mà nổi giận được.

Dương Hổ thất vọng, vái lạy xong lui xuống.

Dương Hổ bước ra ngoài, nhìn thấy Khánh Kỵ đang đi lại trong mái đình, nhớ lại chuyện tức tối trong lòng, đi về phía Khánh Kỵ. Khánh Kỵ thấy hắn lại gần, mỉm cười:

- Hổ huynh, việc lớn đã thành, sao lại không vui thế?

Dương Hổ hậm hực:

- Chúng ta vắt óc toan tính, lại cho tên Khổng Khâu đó hưởng lợi, tên thất phu Khổng Khâu, Dương Hổ này muốn trừng trị hắn, nay hắn sáp vào quốc vương nước Lỗ, không tiện ra tay rồi, Dương Hổ này sao cam tâm cho đặng?

Khánh Kỵ ngạc nhiên:

- Khổng Khâu? Chuyện này thì liên quan gì Khổng Khâu?

Dương Hổ bèn nói qua đầu đuôi câu chuyện, Khánh Kỵ an ủi:

- Hổ huynh sao lại để ý chuyện nhỏ này, Khổng Khâu đi gặp công tử Cơ Tống chỉ là để dạy lễ nghi lúc đăng cơ thôi mà, có gì to tát đâu chứ?

Dương Hổ lạnh lùng:

- Tên Khổng Khâu đó đâu phải là một khúc gỗ ngu ngốc, hắn muốn làm quan phát điên lên được, giờ có cơ hội tiếp xúc với quân vương tương lai của nước Lỗ, hắn còn không lợi dụng cơ hội phô diễn học vấn, nói cái mớ đạo lí quân thần phụ tử làm sao lấy lòng chư hầu của hắn? Lúc ta đi gặp công tử Cơ Tống, Khổng Khâu đang ngồi đối mặt với công tử Cơ Tống, ra sức lải nhải chủ trương trị nước của hắn, làm cho công tử Cơ Tống vui ra mặt, thiếu điều lập tức tôn hắn làm thái phó, mẹ nó, để tên ngu này một bước lên mây, leo lên đầu Dương Hổ, tức chết đi được.

Khánh Kỵ không lời đối đáp, thật lòng hắn kính trọng Khổng Khâu, nhưng đại sự của hắn phải dựa vào kẻ đam mê quyền lực như Dương Hổ, xét lợi ích, hắn không đứng về phía Khổng Khâu được, nhưng Dương Hổ nói thế hắn cũng không muốn phụ họa theo.

Khánh Kỵ lựa lời an ủi, Dương Hổ nghe đến câu “Trong bụng tể tướng có thể chèo thuyền”(ý nói rộng lượng), sắc mặt mới dịu lại đôi chút:

- Đa tạ công tử Khánh Kỵ đã khuyên nhủ, chúa công còn muốn gặp công tử, mời công tử qua đó.

Khánh Kỵ nghe vậy liền nói:

- Được, công việc ở Phí thành bề bộn, Khánh Kỵ phải sớm quay về. Chuyện lập vua mới đã được quyết định, tân quân đăng cơ xong lấy danh nghĩa quân vương bắt Tam hoàn hợp sức khởi binh, điều này có ý nghĩa to lớn, không chỉ can hệ chuyện của Khánh Kỵ, còn can hệ đến doanh thu thuế má của Quý Tôn đại nhân, hơn nữa còn nói cho thiên hạ biết Tam hoàn đoàn kết một lòng sắc lập tân quân, Khánh Kỵ đi gặp Quý Tôn đại nhân đây, lát nữa xin Hổ huynh nói thêm trước mặt đại nhân, còn về công lao của Hổ huynh trong việc sắc lập tân quân thì…

Dương Hổ hớn hở:

- Cái này thì, công tử đúng là không tiện ra mặt, công tử cứ yên tâm, Dương Hổ tự có cách, để công tử Cơ Tống biết Dương Hổ này có ích thế nào.

- Được, như vậy là Khánh Kỵ an tâm rồi.

Khánh Kỵ khoát tay, đi trở vào đại sảnh, nụ cười hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt.

Trong lá thư đưa cho Thúc Tôn Ngọc, không những bảo hắn thông báo trước với Cơ Tống, giành lấy công lao lập vua mới, còn bảo hắn đem tin tức đó báo cho các đại thần cần lôi kéo. Làm như vậy một khi vua mới lên ngôi, tuy là do Quý Tôn Ý Như nói ra, những người này cũng sẽ cho rằng là công lao của Thúc Tôn Ngọc, tự nhiên sẽ đứng về phía Thúc Tôn Ngọc.

Khánh Kỵ viết trong thư như vậy, là cho Thúc Tôn Ngọc cảm thấy mình hết lòng vì hắn, thực ra theo như tìm hiểu của Khánh Kỵ về Tam hoàn những ngày này, biết là Thúc Tôn Ngọc cẩn thận có thừa, chỉ không dám mạo hiểm thôi, một người đa nghi như vậy trước khi nắm rõ phần thắng sẽ không bao giờ làm chuyện để người khác nắm đằng chuôi, Khánh Kỵ đoan chắc Thúc Tôn Ngọc tuyệt đối không báo trước cho các đại thần đâu.

Thế này thì đợi khi hắn chắc chắn Quý Tôn Ý Như quả nhiên bị mình thuyết phục, muốn lôi kéo nhân tâm thì đã trễ, các đại thần ai mạnh theo nấy đều ngã về phía Quý Tôn Ý Như cả, còn Cơ Tống chắc chắn đứng về phía Thúc Tôn Ngọc, vì thế các đại thần trung lập trung quân coi như đã liên minh với Thúc Tôn Ngọc.

Thế mạnh đó không nên xem thường, hơn nữa quốc vương có đất ruộng và quân đội hoàng thất riêng, sau khi tiên quân Cơ Trù thua trận trốn sang nước Tề, số đất và quân đội này đều do Tam hoàn quản lí tạm, nay tân quân đăng cơ, số đất và quân đội này phải trả về cho quân vương, lúc trước quốc vương một mình khó chống đỡ Tam hoàn, nay quốc vương liên minh với hai nhà Thúc, Mạnh, quá đủ để chống lại thế lực ngày càng lớn mạnh của Quý Tôn Ý Như.

Nếu nói Tam hoàn trước đây là một tam giác vững vàng, vậy cái phía Quý thị quan trọng hơn cả, nay trên họ xuất hiện thêm một tân vương, tạo nên một khối kim tự tháp, quan hệ của họ vì thế càng kiên cố hơn.

Về sức mạnh quân sự, sự áp chế lẫn nhau giữa Quý thị và Thúc, Mạnh gia tăng, giúp ích không nhỏ cho ổn định chính trị, hơn thế nữa, cơ cấu quyền lực của nước Lỗ càng trở nên phức tạp, là người có quan hệ đặc biệt với cả ba phe như Khánh Kỵ, càng dễ dàng thừa nước đục thả câu, Khánh Kỵ sao mà không vui được chứ?

Dương Hổ mắt nhìn Khánh Kỵ bước vào đại sảnh, nghĩ đến tên Khổng Khâu dựa vào cái miệng khua môi múa mép, nói một số chủ trương vô dụng thế mà cưỡi lên đầu hắn, lên chức thái phó nước Lỗ, quả là khó nhẫn nhịn. Nhưng giờ mới lập tân quân, chúa công Quý Tôn Ý Như còn phải giả đò nể mặt vua Lỗ, hơn nữa còn có hai nhà Thúc, Mạnh liên minh với quốc vương, nếu Cơ Tống quả thật đưa Khổng Khâu lên làm thái phó, xếp vào một trong Tam công, với thân phận như hắn cũng không cách gì ngăn cản.

Dương Hổ càng nghĩ càng tức, suy ngẫm hồi lâu, hắn chợt nảy ra một ý, từ xưa đến nay người giữ chức thái phó, phải là người đức cao vọng trọng, là quân tử uyên bác đức độ có tài lãnh đạo được mọi người thừa nhận. Khổng Khâu tự cho là tinh thông kim cổ, tài năng xuất chúng, nếu có cách gì đó bêu xấu hắn, dù cho Cơ Tống chịu bái y làm thái phó, y còn mặt mũi nào đi nhận chức không?

Nghĩ đến đây, Dương Hổ nhớ ra một người: Thiếu Chánh Mão. Người này cũng như Khổng Khâu, là nhân sĩ nổi tiếng thông minh học cao hiểu nhiều của nước Lỗ, nếu thuyết phục được người này đến giảng dạy, lại khiêu khích cho Khổng Khâu so tài với hắn, chỉ cần Khổng Khâu thua cuộc, lúc đó…

Dương Hổ hết giận, vui sướng cười to ba tiếng, sải chân bước đi.