Đại Mạc Thương Lang

Quyển 2 - Chương 65




Tôi hoàn thành mọi chuyện nên làm và trở lại mặt đất.

Bên ngoài có rất nhiều người, sạn đạo bắc tạm thời cho xe ô tô đi quan xuất hiện đầy xung quanh ngôi nhà gỗ.

Tôi thận trọng đi vòng qua chỗ đám người đang đứng lố nhố, đi trên một sạn đạo, thì gặp Vương Tứ Xuyên ở giữa đường. Chẳng ngờ cậu ấy ở lại chờ tôi.

Lúc thoáng nhìn thấy cậu ấy, tôi giật mình nhưng không hề ngạc nhiên bởi nếu đổi lại là tôi thì tôi cũng chờ cậu ấy. Đây không phải vấn đề tình bạn mà trên đời này chỉ còn duy nhất tôi và cậu ấy là hai kẻ đồng loại.

Chúng tôi nhìn nhau, Vương Tứ Xuyên hỏi: “Thành công không?” Tôi gật đầu không nói gì.

Chúng tôi đi bộ hai tuần trong màn tuyết giăng trắng trời, sau đó nhìn thấy một chuyến tàu hỏa nhỏ của lâm trường đốn gỗ, chúng tôi bèn lén trèo lên, ngồi mãi đến một trạm tập trung gỗ mới xuống tàu, bấy giờ người chúng tôi đã đông cứng đến mức không nói nên lời.

Ở trạm gỗ, chúng tôi lại mạo nhận là lính thuộc binh đoàn xây dựng của một lâm trường khác bị lạc đường, sau khi lấy áo khoác và chút lương khô, chúng tôi đón tàu hỏa trở về Jiamusi.

Lúc đó vẫn chưa có kết nối thông tin toàn quốc, nên chứng minh nhân dân và thẻ quân nhân vẫn dùng được mà không gặp phải bất cứ cản trở nào, chúng tôi có thể ăn cơm ở mọi nhà ăn tập thể.

Sau đó Vương Tứ Xuyên hỏi tôi xem tới đây định thế nào.

Tôi nói muốn trở về quê nhà ở Sơn Tây, nhưng xem ra ý định này không được hiện thực cho lắm, nếu ông bà già hỏi vì sao đang đi công tác lại về nhà thì đâm ra khó ăn khó nói.

Trước mắt cứ tìm một nơi hẻo lánh nào đó ngồi đợi vậy, tôi nghĩ đến vài sơn thôn gần Đại Khánh, ở đó vẫn đang tiến hành một số đợi khảo sát địa chất sơ bộ, tôi có thể mạo nhận là thành viên đội địa chất lánh tạm ở đó một thời gian.

Vương Tứ Xuyên thấy vậy cũng được. Chúng tôi tra cứu bản đồ, tìm một sơn thôn mà tàu hỏa chưa thể chạy đến được, chỉ có thể đi bộ từ vùng này đến vùng khác, rồi đổi mọi vật dụng trên người thành phiếu lương thực.

Sau khi tới nơi, chúng tôi phát hiện đó là một thôn xóm rất yên bình, người trong thôn còn chưa rành rẽ mọi thông tin về cuộc kháng chiến chống Nhật, bởi chẳng ai muốn đến tận vùng xa xôi thế này để tuyển quân, bốn bề toàn là núi cao hiểm trở.

Sắp sang hạ, phiếu lương thực của chúng tôi cũng gần dùng hết, người của hợp tác xã thương nghiệp đến khảo sát sơ bộ, chúng tôi liền mua một chiếc đài radio ở chỗ họ, rồi cho phát sóng những câu chuyện truyền thanh hay phát hồi ấy để đổi lấy phiếu lương thực. Chúng tôi cứ sống như vậy mãi đến lập hạ thì mới quay về theo đường cũ.

Không thể trở lại đơn vị báo cáo, tôi đành về quê, bịa đại ra một câu chuyện hợp tình hợp lý cho ông bà già đỡ thắc mắc. Tôi bảo mình là lính đào ngũ, suýt chết trong tay quân Liên Xô nên hầu hết mọi người đều tưởng tôi đã hi sinh, tôi ẩn nấp một thời gian rồi mới về quê. Thời bấy giờ, ở một miền quê mù thông tin như quê tôi thì nói dối như vậy cũng chẳng bị ai phát hiện.

Ông già rất bất ngờ về chuyện của tôi nhưng vì tôi là con trai do chính ông sinh ra nên vẫn tạm thời cho lẩn trốn trong nhà.

Hồi đó, những chuyện như vậy cũng không hiếm, rất nhiều anh lính sau khi đánh trận xong không tìm thấy đồng đội liền trở về quê, còn đồng đội thì ngỡ anh ta đã thành liệt sĩ, sau này lúc đăng kí lại hộ khẩu, anh lính ấy chỉ cần thay tên đổi họ là xong.

Bố tôi nhờ người bạn làm trong quân đội giúp tôi tìm một hộ khẩu còn trống để nhập vào nhưng mãi không có kết quả.

Mặt khác, tôi lại chẳng nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến Viên Hỷ Lạc, cũng không nhận được thư từ của cô ấy, chẳng rõ cô ấy sống ra sao.

Đợi ở quê nhà một thời gian, cuối cùng tôi cũng không thể chịu nổi sự giày vò ấy, liền quyết định đi tìm cô ấy. Tôi lấy đại một cái cớ để rời khỏi quê hương.

Thời gian này, tôi để râu nên nếu thoáng nhìn sẽ không dễ nhận ra, cũng chẳng có gì đáng lo lắm, giấy tờ tùy thân đầy đủ, nên nếu lỡ bị điều tra thì chuyện ăn ở đi lại vẫn sẽ được miễn phí.

Nhóm công trình 732 là một hạng mục tuyệt mật, tôi biết mọi chuyện không dễ điều tra được ở ngoài, nhưng Viên Hỷ Lạc vẫn còn sống, chắc chắn tôi sẽ tìm được cô ấy ở một nơi nào đó.

Cô ấy là người Đông Bắc, tôi đi khắp các bệnh viện thuộc ba tỉnh miền đông, dọc đường cũng đi qua khá nhiều nơi, ngoại trừ những lúc đi tìm Viên Hỷ Lạc ra thì thời gian còn lại tôi dành để hồi tưởng lại những tháng ngày ở bên cô ấy.

Nói thật, từng ấy ngày đêm chưa phải thời gian dài, nhưng lại khắc cốt ghi tâm đến nỗi hễ nhắm mắt là mọi cảnh tượng dường như đều hiện ra ngay trước mắt tôi.

Thế mà Viên Hỷ Lạc như biến mất khỏi cõi đời này vậy, bất luận tôi tìm thế nào cũng chẳng thấy dấu vết của cô ấy.

Từ kiên trì, tâm trạng của tôi dần dần chuyển sang tuyệt vọng, rồi tôi đi tìm trong trạng thái tê liệt mọi cảm xúc, mãi đến khi gặp lại Vương Tứ Xuyên thì lúc ấy trong lòng tôi gần như nhận định rằng mình không thể gặp được cô ấy nữa.

Vương Tứ Xuyên trở lại mỏ làm việc, bố cậu ta quyền cao chức trọng, nên chẳng khó gì kiếm cho cậu ta một chân trong ngành, mà cậu ta cũng không ham địa vị, chỉ cần tìm một chỗ yên ổn sống qua ngày nên mọi chuyện lại càng đơn giản.

Vương Tứ Xuyên trông thấy bộ dạng của tôi liền bảo sẽ nghĩ cách nhờ bố giúp tôi tìm một công việc nhưng tôi cảm ơn và từ chối.

Bấy giờ, mầm mống của Đại cách mạng văn hóa đang bắt đầu nhen nhóm, các phong trào nổ ra rầm rộ, tương lai của đất nước càng ngày càng khó dự đoán, trong thời điểm này làm gì cũng nên cẩn thận một chút vẫn hơn.

Sau đó, chúng tôi nói đến chuyện Viên Hỷ Lạc, cậu ấy nghe cảnh ngộ của tôi liền nhắc nhở: cô ấy ra khỏi hang động cùng đại đội, phương án hợp lý nhất lúc ấy là họ sẽ đưa cô ấy đến bệnh viện quân đội, sau đó Viên Hỷ Lạc được người nhà đón về. Viên Hỷ Lạc là cô nhi nên sẽ do đơn vị phụ trách, sắp xếp cô ấy ở trong một bệnh viện tâm thần nào đó ở thành phố mà đơn vị đóng quân, vì thế rất có thể nơi cô ấy đang ở không phải vùng đông bắc mà là về phía nam.

Thế là tôi chuyển vùng tìm kiếm sang phía nam. Tên của cô ấy rất đặc biệt nên chắc không có nhiều trường hợp trùng tên, thậm chí tôi còn chẳng có lấy một cơ hội nhận nhầm người; có điều, vì sợ số mệnh đùa giỡn với mình nên tôi đã đích thân đi hỏi và đến thăm từng bệnh viện rất nhiều lần.

Suốt dọc đường, cảm giác của tôi gần như tê liệt, nhưng tôi cũng quyết không lùi bước, vậy mà từ đầu chí cuối tin tức về cô ấy vẫn bặt vô âm tín.

Mãi cho tới mùa đông thứ hai, tôi đến bệnh viện tâm thần Song Lưu nằm ở ngoại ô thành phố Thành Đô…

Đó là trạm cuối cùng của tôi ở Tứ Xuyên. Mùa đông ở Thành Đô rất ít khi mưa lạnh, thời tiết vô cùng buốt giá.

Vừa mới đặt chân đến bệnh viện, tay cầm thư giới thiệu của bố Vương Tứ Xuyên, tôi định đi thăm phòng bệnh. Lúc đi qua hành lang, tôi chợt nhìn thấy bóng lưng của một cô gái.

Người con gái đó đang lặng lẽ nhìn mưa rơi lây phây ngoài cửa sổ, cửa kính lờ mờ phản chiếu dung nhan thanh tú.

Tôi bước đến gần, vỗ nhẹ lên vai cô ấy.

Người con gái quay đầu lại, bốn mắt chúng tôi chạm nhau.

Tôi định nói gì đó, nhưng trong giây khắc ấy, tôi lại chẳng thể thốt nên lời.

Phần kết

Đây là câu chuyện của tôi.

Nói chính xác hơn thì đây là câu chuyện thời trẻ trai của tôi.

Trong mấy chục năm gió mưa vần vũ đó, những kí ức ấy, nỗi sợ ấy, tình yêu ấy mãi mãi được vùi sâu chôn chặt trong lòng. Tôi luôn ngỡ nó đã sờn mòn và rơi hẳn vào quên lãng nhưng chẳng ngờ, nhiều năm sau mang nó ra và thổi lớp bụi thời gian phủ dày trên bề mặt đi thì tôi mới nhận ra rằng nó vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

Tôi không thể không thừa nhận đây là câu chuyện khiến người ta khó mà tin nổi, câu chuyện khởi đầu với những sự việc rất chân thực và kết thúc cũng rất đỗi chân thực, nhưng trong quá trình xảy ra, ở quãng giữa câu chuyện lại hoàn toàn không thể tìm thấy chút chứng cứ nào trong hiện thực.

Rất nhiều người hỏi tôi, câu chuyện này thật hay giả? Có thực sự tồn tại nhóm công trình 723 không? Có thực sự tồn tại hang động khổng lồ dường ấy dưới lòng đất Nội Mông không?

Tôi rất muốn đưa ra câu trả lời đơn giản “có” hoặc “không”, nhưng tôi lại không thể trả lời vậy, bởi bất luận là sự thật hay hư cấu thì với những ai đã đọc xong câu chuyện, nghi vấn đó hoàn toàn không còn quan trọng nữa.

Trong phần mở đầu câu chuyện, tôi liên tục cảnh báo các bạn, tất cả những gì tôi kể dưới đây đều chỉ là tiểu thuyết, khi một số chi tiết trong câu chuyện không thể đem lưu truyền, không thể ghi vào tài liệu lịch sử thì câu chuyện đó chỉ có thể gọi là tiểu thuyết. Mọi hành vi tìm hiểu tra cứu đều trở nên vô nghĩa, thậm chí nguy hiểm.

Đương nhiên, đây không phải cuốn tiểu thuyết duy nhất trong những “câu chuyện” thuộc thể loại này, nhưng tôi chỉ muốn kể nó ra, bởi đối với tôi, nó không phải tiểu thuyết, nó đã in dấu những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời, cũng như in dấu những con người đáng nhớ nhất mà tôi từng gặp.

Có lẽ một vài bạn còn băn khoăn về đoạn kết cho cuộc tình giữa tôi và Viên Hỷ Lạc.

Nhưng tôi thấy điều đó không hề quan trọng.

Trong khoảnh khắc cuối cùng, tôi đã ý thức được một chân lý, đó là - tất cả mọi chuyện mà tôi đã trải qua trên thế gian này, nó xảy ra sở dĩ không phải vì quá khứ hay tương lai mà vì một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời mà thôi.

Giả sử bạn và một người nào đó cùng trải qua một khoảnh khắc khó quên thì bạn sẽ hiểu lời tôi nói.

Bốn năm sau, tôi thay đổi lý lịch, rồi tham gia vào một đội thám trắc địa chất của địa phương, sang năm sau thì xin vào dạy lớp huấn luyện trong trường học sở tại, năm ấy Đại cách mạng văn hóa đã gần đến sát mi, tôi và Vương Tứ Xuyên không liên lạc trong suốt thời gian dài, sau đó, cuộc đời tôi cũng trải qua một vài sự kiện nữa.

Trong suốt quá trình, tôi liên tục dò hỏi về kết quả cuối cùng của nhóm công trình 723, nhưng tôi chỉ nghe nói công trình kết thúc vào năm 1965 mà thôi.

Tôi luôn cho rằng công trình này thực ra chưa hề kết thúc, tôi cứ đợi chờ bất cứ mầm mống nào đó xảy ra, bởi tôi cảm thấy cuối cùng mình sẽ lại trở về hang động đó thôi, nhưng tôi chờ suốt mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Mãi đến kì thứ hai trong lớp bồi dưỡng, thì lớp tôi có thêm một học viên xin nhập học, cậu ta đến để thi sát hạch nâng cao, sau đó được điều chuyển về binh đoàn công trình 347 ở Đông Bắc. Có lẽ đây là binh đoàn công trình hoàn thiện nốt các hạng mục thám trắc còn dang dở ở khu vực, có điều nghe nói quy mô của nó cũng khá lớn.

Lúc đọc lý lịch của cậu ta, tôi phát hiện dòng họ tên ghi như sau: Mao Ngũ Nguyệt, 28 tuổi.

Tim tôi thắt lại như bị chuột rút. Chẳng lẽ cùng họ cùng tên ư?

Tôi đột nhiên thấy có gì đó không ổn, nên liền chủ động đến gặp cậu ta. Trong nhà ăn của trường, một gương mặt rất trẻ trung và quen thuộc hiện ra trước mắt, cậu ta không nhận ra tôi, thấy tôi đứng sững trước mặt, cậu ta ngạc nhiên hỏi: “Chào thầy! Thầy có chuyện gì muốn nói với em sao?”

Tôi nhìn cậu ta, hồi lâu mới trả lời: “Đúng vậy! Tôi có rất nhiều chuyện muốn nói với em.”

Đây chính là câu chuyện của tôi.